Chế độ nhân tài trị và Chủ nghĩa tinh hoa ở Singapore: Điều gì khiến cả hai bên đều sai khi tranh luận về chế độ nhân tài trị? (Phần 3/3)

Chế độ nhân tài trị và Chủ nghĩa tinh hoa ở Singapore: Điều gì khiến cả hai bên đều sai khi tranh luận về chế độ nhân tài trị? (Phần 3/3)

Cả hai bên hiểu sai những gì

Trong phần này, chúng tôi bàn luận chi tiết về những những điểm đúng và sai mà các nhà phê bình chế độ nhân tài trị Singapore đã chỉ ra. Chúng tôi đưa ra hai phản bác chung: một mang tính thực chứng và một mang tính chuẩn tắc. Cuối cùng, chúng tôi đưa ra một vài giải pháp chính sách từ quan điểm của triết lý tự do cổ điển.

Đáp lại luận cứ vạch xuất phát: Tại sao chế độ nhân tài trị không tương thích với nền kinh tế thị trường

Kenneth Paul Tan khẳng định rằng chế độ nhân tài trị ở Singapore là sai lầm vì các cá nhân không bắt đầu từ cùng vạch xuất phát. Chúng tôi đồng ý với luận điểm này. Hiện tượng này thì quá rõ rồi: không có hai cá nhân nào được hưởng những lợi thế như nhau trong cuộc sống, dù là về tiền bạc, tài năng, trí thông minh, hoặc may mắn. Thế nhưng, nó mang những hàm ý rất lớn. Chế độ nhân tài trị về cơ bản là thuyết công lý dựa vào sự xứng đáng. Giáo lý chính của nó cho rằng công lý được thực thi khi con người có được phần thưởng mà họ xứng đáng. Do đó, để quyết định phẩm chất của một người, thì cần phải biết hành động, hành vi, và ưu nhược điểm của họ. Chẳng hạn, chúng ta hủy bỏ tư cách của người đoạt huy chương vàng Thế vận hội Olympic nếu họ bị phát hiện lạm dụng thuốc kích thích. Lý do cơ bản là người chiến thắng không xứng đáng có huy chương vì anh ta đã có lợi thế hơn các đối thủ của mình, nói cách khác, vạch xuất phát không như nhau.

Tương tự, chế độ nhân tài trị đòi hỏi vạch xuất phát như nhau. Đối với nhân tài, con của một triệu phú được hưởng những thuận lợi về kinh tế và xã hội để đạt được thành công thì không thể được coi là xứng đáng như đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn và nghèo khổ nhưng đạt được thành công tương tự. Tuyên bố như vậy chỉ có thể đúng nếu, giả sử chúng ta có thể quay ngược thời gian để loại bỏ những lợi thế của đứa trẻ có hoàn cảnh thuận lợi, để làm cho hai đứa trẻ này cùng có điểm xuất phát như nhau.

Tuy nhiên, thật khó hình dung một thế giới với những điểm xuất phát là như nhau. Nếu chúng ta sống trong một xã hội cho phép các cá nhân có quyền tự do quyết định sử dụng thời gian và nguồn lực của mình, bất bình đẳng về thu nhập sẽ xuất hiện như một hiện tượng tự nhiên. Một người làm việc chăm chỉ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn một người lười biếng, cũng như một nhà đầu tư khôn ngoan so với một nhà đầu tư thiếu khôn ngoan,và một người chi tiêu tiết kiệm so với một con bạc liều lĩnh. Nhà triết học theo chủ nghĩa tự do cá nhân Robert Nozick đã minh họa điều này trong thí nghiệm tưởng tượng Wilt Chamberlain nổi tiếng của ông. Ông chỉ ra rằng xã hội khởi nguồn từ một trạng thái bình đẳng thuần túy sẽ nhanh chóng đi đến những kết quả bất bình đẳng nghiêm trọng chừng nào người ta còn được hưởng các quyền tự do kinh tế cơ bản. Nhờ danh tiếng và tài năng, một vận động viên nổi tiếng chắc chắn sẽ giàu có hơn người bình thường, nếu hàng triệu người sẵn sàng chi thêm chỉ một xu để xem anh ta thi đấu. Quan điểm rộng hơn của Nozick là trong chế độ tôn trọng tự do kinh tế, “... không có nguyên lý trạng thái cuối cùng hay nguyên lý phân phối theo mô thức nào về công lý có thể liên tục được hiện thực hóa mà không có sự can thiệp thường xuyên vào đời sống con người” (Nozick, 1974, tr. 163). Việc theo đuổi bất kỳ hình thái nào của thuyết trạng thái cuối cùng về công lý, bao gồm cả chế độ nhân tài trị, sẽ đem lại cho các chính phủ một lý lẽ bào chữa không hồi kết trong việc đánh thuế, hạn chế và quấy rối quyền tự do cá nhân.

Dễ dàng thấy rằng chế độ nhân tài trị, ở mức độ triết học cơ bản, không tương thích với nền kinh tế thị trường (Mulligan, 2018). Người theo chế độ nhân tài trị phải đứng trước nhiệm vụ khó nhằn - nhà nước cần tiến xa đến mức nào nhằm đảm bảo vạch xuất phát như nhau? Chính phủ có thể triệt hạ những người giàu có vì họ có thu nhập và tài sản của họ trên trung bình đến mức nào thì mới ngăn chặn được việc họ trao những đặc quyền này cho con cái của họ? Liệu rằng các nhà hoạch định chính sách người Singapore có nên cấm dạy thêm hoặc điều tiết việc sử dụng vốn xã hội nhằm đảm bảo đầu vào? Nếu họ sẵn sàng áp dụng biện pháp đó, làm sao họ có thể kiểm soát được các hoàn cảnh văn hóa xã hội cản trở môi trường giáo dục của một đứa trẻ? Một khi chúng ta nhận thức rõ khả năng lạm quyền của chính phủ mà sự theo đuổi liên tục các nguyên tắc nhân tài trị có thể đòi hỏi, chúng ta thấy cái giá phải trả là rất cao.

Sự thật đơn giản là con người với các quyền tự do của mình được tự do theo đuổi những thứ khác nhau. Nỗ lực làm ngang bằng vạch xuất phát gặp phải vấn đề là con người hoàn toàn khác nhau về năng lực, tài năng, sở thích, và tính cách. Bất kỳ nỗ lực nào để làm điều đó chỉ diễn ra trong một trò chơi triết học thuần túy nhằm san bằng những khác biệt xã hội, chỉ bị kìm hãm bởi những giới hạn của trí tưởng tượng sống động và đầy màu sắc.

Phân tích này muốn nói rằng nếu nhà nước Singapore muốn duy trì nền kinh tế thị trường thực sự nơi các công dân được phép cất giữ thu nhập và tài sản thừa kế của mình, thì các nguyên tắc cơ bản của chế độ nhân tài trị sẽ khiến chính phủ phải trả giá, vì cả hai về cơ bản là mâu thuẫn với nhau. Điều đó cũng có nghĩa là những người chỉ trích chế độ nhân tài trị của Singapore, trong đó nhiều người ủng hộ việc bình đẳng thu nhập và của cải (chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề này trong các chương khác của cuốn sách này), cũng gặp nhiều vấn đề, vì ngay cả việc làm ngang bằng “điểm xuất phát” sẽ cho phép và yêu cầu một trình độ chuyên chế kinh tế mà hầu hết những người dân chủ ở Singapore sẽ không thích.

Đáp lại lập luận “được định nghĩa về mặt chính trị”: không có “cách khắc phục” nào đối với chế độ nhân tài trị

Phê phán thứ hai rằng chế độ nhân tài trị được định nghĩa hẹp về mặt chính trị là một thách thức lớn đối với chế độ nhân tài trị của PAP. Chúng tôi đồng ý rằng quan niệm của PAP về chế độ nhân tài trị thiên về ý nghĩa quá hạn hẹp của từ “merit” (phẩm chất). Các vị lãnh đạo chính trị có thể có những lời hứa hẹn khoa trương về việc những người dân Singapore chăm chỉ đạt được thành quả như thế nào. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai thể chế thông qua lĩnh vực giáo dục và học bổng chính phủ đã thiên vị những người Singapore xuất sắc trong học thuật hoặc lĩnh vực kinh doanh. Một quan niệm hạn hẹp như vậy về “phẩm chất” cho đến nay đã loại trừ một mô tả đa diện hơn về năng lực xứng đáng. Chẳng hạn, tài năng về nghệ thuật thường bị bỏ qua vì các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) được chú trọng do tính “thiết thực” của nó đối với tăng trưởng kinh tế (Stead & Hoo, 2014). Như thường lệ từ trước đến nay, “chế độ nhân tài trị” không có đánh giá công bằng với nhiều tài năng xứng đáng khác, bao gồm sức sáng tạo trong âm nhạc, điện ảnh, và thể thao.1 Dù hệ thống này dường như đứng trung lập khi chọn những người lãnh đạo có phẩm chất tốt nhất, nhưng cho đến nay nó đã khiến nhiều người bị gạt ra ngoài.

Để khắc phục chế độ nhân tài trị còn nhiều thiếu sót, những nhà phê bình nổi bật trong diễn ngôn chính trị của Singapore tin rằng giải pháp là nhà nước cần mở rộng định nghĩa “phẩm chất” bằng cách tính đến một nhóm nhân tài đa dạng hơn.2 Những phê phán này rốt cuộc cũng chỉ nhìn nhận vấn đề này như một việc có thể được sửa đổi bởi những sự thay đổi chính sách, hơn là một vấn đề cố hữu trong bản thân chế độ nhân tài trị. Chúng tôi cho rằng về cơ bản đây là một sự chẩn đoán sai thực chất của vấn đề. Có ba lý do tại sao luận điểm này lại sai.

Chế độ nhân tài trị được định nghĩa bởi nhà nước sẽ dẫn đến hiện tượng trục lợi

Lý do đầu tiên là thuộc về chính trị. Các nhà phê bình lên án PAP vì ngày càng áp dụng các quy tắc chính trị vào mục đích chính trị của mình dưới vỏ bọc chế độ nhân tài trị (Tan, 2008, tr.9-10). Kenneth Paul Tan nhận thấy rằng hệ thống chế độ nhân tài trị có khuynh hướng thiên kiến nội tại thiên về những quy tắc nguyên trạng hiện hành:

“Mặc dù ban đầu tin rằng họ xứng đáng giành chiến thắng, những người chiến thắng này có thể trở nên thiếu tự tin và bắt đầu hướng nỗ lực của mình vào việc củng cố vị trí bằng cách loại bỏ các đối thủ và tìm kiếm thêm các phần thưởng vật chất cho riêng mình. Không có sự tập trung và tự tu dưỡng sẽ dẫn đến sự mai một tài năng, và dần dần những người chiến thắng ban đầu sẽ trở thành những người không phù hợp cho vị trí công việc đó, bởi họ dành phần lớn năng lượng sáng tạo của mình để thuyết phục hệ thống này rằng họ mới là người phù hợp với công việc” (Tan, 2008, tr.10).

Đây có thể được coi là một hình thức trục lợi, một đóng góp quan trọng từ lĩnh vực kinh tế học lựa chọn công (Tullock, 1993). Trục lợi là một hiện tượng mà các chủ thể chính trị có thể tác động và thâu tóm các điều luật nhằm tư lợi. Hình thức ưu ái này có thể đến từ một quy định đặc biệt, thuế nội địa, hoặc thuế nhập khẩu, nhằm ngăn chặn các đối thủ tiềm năng xâm nhập hoặc ngăn cản các hoạt động của các đối thủ hiện tại.

Nếu giả sử rằng các chủ thể chính trị hành động vì tư lợi của mình, thì không có gì ngạc nhiên khi những người thắng cuộc của chế độ nhân tài trị sẽ ủng hộ hệ thống đương nhiệm. Rốt cuộc, người hưởng lợi nhiều nhất của một hệ thống không thể nào chỉ trích những quy tắc có lợi cho họ. Điều này có thể lý giải tốt nhất cho câu hỏi tại sao các quy tắc của chế độ nhân tài trị của Singapore vẫn duy trì suốt hàng thập kỷ qua cho đến nay, và hầu như không có thay đổi gì. Từ góc nhìn của kinh tế học lựa chọn công, gần như không có lý do nào để tin rằng những quy tắc của chế độ nhân tài trị sẽ được điều chỉnh đáng kể nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng. Những gì có nhiều khả năng xảy ra là những gì chúng ta đang thấy - việc áp đặt các quy tắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những động cơ củng cố vị trí của những người chiến thắng hiện tại như chúng tôi đã nói ở trên. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua các hiện tượng tham nhũng chính trị, lạm quyền, và các hình thái đặc quyền được nhà nước công nhận khác. Ở Singapore, những gì chúng ta thấy cụ thể chính là đường lối nhân tài trị, như được áp dụng ở các cơ quan công quyền của Singapore, đã được hiệu chỉnh để thỏa mãn các mục tiêu chính sách công của PAP về sự tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút những người tài năng và sáng giá nhất vào cơ quan chính phủ thông qua hệ thống giáo dục cạnh tranh. Dễ thấy rằng chế độ nhân tài trị có khả năng cao là bị thâu tóm chính trị, bị bóp méo nhằm thỏa mãn những mục đích bầu cử cấp bách nhất trong giai đoạn.

Người ta không thể theo đuổi chế độ nhân tài trị theo nghĩa riêng của mình

Thứ hai, “phẩm chất” là một thứ mang tính rất chủ quan và đối với mỗi người lại mang một ý nghĩa nào đó khác nhau. Trong khi hầu hết mọi người đều nghĩ “phẩm chẩt” đồng nghĩa với làm việc chăm chỉ và nỗ lực, thì việc xác định chính xác những gì xứng đáng nhất khi đưa ra các cân nhắc về chính sách công là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Chúng ta nhìn nhận bằng trực giác rằng các doanh nhân nổi tiếng, các vận động viên, và những người nổi tiếng là những người đã chiến thắng trong trò chơi người ưu tú này, nhưng việc người ta cho rằng người không thành công là không ưu tú không nhất thiết là đúng. Suy cho cùng, nên nhớ rằng một chế độ nhân tài trị không quan tâm đến kết quả mà quan tâm đến quá trình. Một nhạc sĩ không thành công hay một vận động viên khuyết tật có thể không bán hết vé để có những sân vận động chật kín người, nhưng có thể được xem là cực kỳ ưu tú vì sự quyết tâm kiên định và sức chịu đựng bền bỉ với nghề của họ.

Những ý nghĩa hoàn toàn khác biệt có thể được rút ra từ thuật ngữ “phẩm chất” tùy thuộc vào các giá trị và thế giới quan của mỗi người. Một đứa trẻ có bố mẹ là những nhà khoa học sẽ nhìn nhận sự nghiệp trong đời sống khoa học là một mục tiêu đáng khen về mặt xã hội. Trong khi đó, một đứa trẻ có nền tảng sáng tạo nghệ thuật thì đặc biệt quan tâm đến những công việc đòi hỏi sức sáng tạo. Nền văn hóa Trung Hoa, nơi coi trọng và tôn vinh cuộc sống giàu có và thịnh vượng, sẽ coi sự nghiệp kinh doanh sinh lời về mặt tài chính là đáng ca ngợi, nhưng đối với một người theo đạo Hồi, họ tin rằng việc kiếm lợi nhuận là trái với đạo đức, sẽ có cách nhìn nhận khác hoàn toàn về một cuộc sống tốt đẹp. Như câu ngạn ngữ quen thuộc, cái sướng của người này là cái khổ của người khác.

Như chúng tôi đã dẫn chứng trong chương 6, chúng tôi chỉ ra rằng nhiều người Singapore có cơ hội dịch chuyển xã hội, nhưng dù sao vẫn bị thiệt thòi phần nào bởi một hệ thống giáo dục chủ yếu định nghĩa phẩm chất một cách hàn lâm hạn hẹp. Rất nhiều trong số những người được phỏng vấn bày tỏ rằng họ “may mắn” có tài năng về học thuật, cho phép họ thể hiện tốt trong cuộc đua nhân tài ở Singapore. Khi các chính sách và các cơ quan chính phủ được thiết lập theo tầm nhìn nhân tài trị của nhà nước, sự đa dạng về mục đích chắc chắn phải bị hạn chế.

Thật khó để nhận thấy các cơ quan của chế độ nhân tài trị được tổ chức như thế nào. Căn cứ vào sự khác biệt trong các hệ thống giá trị của mỗi người, bất kỳ hình thức nào quyết định phẩm chất do chính phủ áp đặt từ trên xuống đều sẽ chỉ phản ánh một khía cạnh của năng lực ưu tú, đồng thời loại bỏ những góc nhìn khác về phẩm chất.

Vấn đề tri thức luận liên quan đến chế độ nhân tài trị

Thứ ba, cuộc tranh luận về phẩm chất ở Singapore đến tận bây giờ vẫn đánh giá chưa đúng mức khó khăn trong việc đánh giá phẩm chất. Quan niệm của chế độ nhân tài trị rằng một người nên được trao thưởng dựa theo phẩm chất của người đó mang đến những giả thuyết quan trọng rằng chúng ta có thể đánh giá việc người ta sử dụng những năng lực của mình như thế nào trong mọi hoàn cảnh có thể sử dụng những kỹ năng đó.

Lấy ví dụ hai nhà tỷ phú: nhà văn nổi tiếng J. K. Rowling và Donald Trump. Rowling là một người mẹ đơn thân sống nhờ vào phúc lợi xã hội, đã vượt qua gian khổ để sáng tác nên cuốn tiểu thuyết Harry Potter vô cùng nổi tiếng, trong khi đó đế chế kinh doanh của Trump được gây dựng từ tài sản thừa kế. Hầu hết mọi người bằng trực giác sẽ đồng ý rằng Rowling là một người ưu tú hơn Trump rất nhiều. Chúng ta có thể nói điều này một cách chắc chắn vì ai cũng biết hoàn cảnh xuất thân của Rowling và Trump. Nhưng từ góc nhìn của một nhà hoạch định chính sách, người tạo ra các quy định của một xã hội nhân tài trị, thì đây là nhiệm vụ bất khả thi. Làm sao các nhà hoạch định chính sách có thể có được những kiến thức cần thiết về tiểu sử của một cá nhân để xác định xem người đó đã phát huy hết thế mạnh, đã nắm bắt cơ hội trong cuộc sống của mình hay chưa, và có phẩm chất ưu tú hơn người khác hay không?

Người đoạt giải Nobel, F. A. Hayek đã chỉ ra một cách sâu sắc rất nhiều vấn đề trong việc cố gắng tổ chức xã hội dựa trên phẩm chất trong tác phẩm lớn nhất của mình Constitution of Liberty [Hiến pháp của Tự do]. Việc đánh giá phẩm chất là khả thi chỉ khi:

“... chúng ta có được tất cả tri thức mà con người có quyền được tùy ý sử dụng, bao gồm tri thức về kỹ năng và sự tự tin của anh ta, tâm trí và cảm xúc của anh ta, năng lượng và sự bền bỉ của anh ta, v.v. Tính khả thi của một đánh giá chân thực về phẩm chất do đó cũng phụ thuộc vào chính sự hiện diện của những điều kiện đó, trong đó hoàn toàn không có luận điểm ủng hộ quyền tự do…” (Hayek, 1960, tr. 95).

Đối với Hayek, những phát xét công lý dựa trên phẩm chất đòi hỏi một khối lượng tri thức khổng lồ, điều sẽ phá hỏng những nỗ lực nhằm đánh giá cái gì là“đáng ngợi khen”:

“... chúng ta không có tư cách để đánh giá giá trị thành tựu của họ. Để lựa chọn dựa trên phẩm chất thì phải giả định trước rằng chúng ta có thể đánh giá xem người đó đã tận dụng những cơ hội của mình như họ đáng lẽ phải làm hay chưa và họ đã phải nỗ lực quyết tâm, hi sinh bản thân như thế nào; và giả định nữa là chúng ta có thể phân biệt phần nào trong thành tựu của họ là do hoàn cảnh trong tầm kiểm soát và phần nào thì không” (Hayek, 1960, tr. 95).

Các nhà hoạch định chính sách không đủ khả năng cung cấp các nguồn lực cần thiết để nghiên cứu cách hàng triệu công dân định vị dòng chảy của cuộc sống của mình (bỏ qua các cơn ác mộng Orwellian đi kèm với một sự mạo hiểm như vậy). Nhưng trong một chế độ nhân tài trị nơi mà các chính phủ phải xác lập những quy định cho những gì tạo nên phẩm chất, thì đây sẽ là những nhiệm vụ nặng nề cần phải hoàn thành. Kể cả khi công dân có thể bình thản đồng ý rằng chế độ nhân tài trị là đáng mong ước nhất, không có lý do gì để cho rằng chính phủ phải tiếp cận với nguồn kiến thức riêng tư cần thiết để đánh giá các cá nhân dựa trên phẩm chất.

Tổng kết lại, chúng tôi khẳng định rằng mọi người mong đợi việc “sửa chữa” chế độ nhân tài trị đơn giản bằng cách mở rộng phạm vi áp dụng là không thể thành công. Thứ nhất, vì chế độ nhân tài trị về cơ bản là mâu thuẫn với một chế độ coi trọng quyền tư hữu và tự do kinh tế. Trong chừng mực chúng ta muốn cho phép mọi người được tự do thương mại và giao lưu, các quy định của chế độ nhân tài trị sẽ liên tục bị đặt trong tình trạng căng thẳng, làm cho chính phủ nhân tài trị gánh ngày càng nhiều trọng trách nhằm bình đẳng hóa vạch xuất phát kinh tế-xã hội thông qua các biện pháp mạnh. Thứ hai, chính quyền bị giới hạn bởi các quy tắc chính trị và chiều hướng bầu cử, làm cho họ không có khả năng củng cố một cách có hiệu quả chế độ nhân tài trị khi nó động đến lợi ích của họ. Thứ ba, trong trường hợp hi hữu là nhà nước sẽ hành động vì lợi ích của công chúng, những gì được coi là phẩm chất sẽ rất chủ quan và rất khó đánh giá. Trong bối cảnh này, người ta không thể áp dụng chế độ nhân tài trị cả về mặt nhận thức luận và về mặt lô-gic.

Chủ nghĩa tự do cổ điển như một giải pháp nhằm giải quyết những xung khắc trong chế độ nhân tài trị của singapore

Chính vì tất cả những lý do này mà ta nên hoài nghi chế độ nhân tài trị khi các quy tắc thể chế của nó được chính quyền quốc gia thiết kế và áp đặt từ trên xuống. Nếu dựa trên lập luận thuần túy triết học, chúng tôi tin chắc rằng các chế độ nhân tài trị không tương thích với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và buộc phải bác bỏ chế độ nhân tài trị như một chế độ lý tưởng. Nhưng nếu coi đây là một vấn đề của chính sách công, chúng tôi khẳng định rằng đây không hẳn là một giải pháp tất yếu. Chế độ nhân tài trị, không hoàn hảo như bản chất vốn có của nó, đã phục vụ Singapore rất tốt. Cách tiếp cận theo hướng tự do cổ điển có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc hơn để bắc cầu giải quyết những xung khắc hiện hữu. Do đó, giả sử rằng chính sách của Singapore là muốn tiếp tục trung thành với các nguyên tắc nhân tài trị, chúng tôi khẳng định rằng các tác nhân thị trường và sự cạnh tranh nên được khai thác trong lĩnh vực giáo dục nhằm cho phép xem xét “phẩm chất” một cách đa dạng hơn.

Giả sử chế độ nhân tài trị (theo nghĩa rộng nhất) là mong muốn chung, thì chính sách công sẽ được định hướng tốt nhất theo cách tiếp cận phân quyền, cho phép một loạt các sự lựa chọn giáo dục mang tính cạnh tranh. Những quy định phân quyền trước tiên sẽ cho phép các trường công hiện nay ở Singapore có nhiều quyền tự do hơn trong việc kiến thiết chương trình đào tạo và tiêu chí chấm điểm của riêng mình. Nếu một trường học cho rằng sự xuất chúng trong học thuật là cách phản ánh tốt nhất phẩm chất, họ được tự do cung cấp một chương trình đào tạo chuyên sâu với những tiêu chí chấm điểm khắt khe. Tuy nhiên, nếu một trường khác cho rằng ươm mầm sức sáng tạo và đổi mới trong tâm trí những đứa trẻ là cách phản ánh phẩm chất tốt hơn, họ sẽ được tự do cung cấp một hình thức đánh giá khác. Trong chế độ như vậy, các quyết định hành chính mà các trường học đưa ra sẽ phải chịu áp lực thương mại từ cạnh tranh thị trường. Nếu các bậc cha mẹ nhận ra rằng con emcủa họ không thích hợp với một chương trình học “bị áp lực điểm số” quá mức, họ được tự do rời khỏi và đưa con em mình tới chương trình giáo dục khác.

Khác với chế độ nhân tài trị của nhà nước, cách tiếp cận tự do cổ điển là phương pháp cho phép sự đa dạng. Chúng tôi cho rằng việc tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục định hướng thị trường là tốt nhất, nơi vô số những mô hình dựa trên phẩm chất có thể cùng tồn tại. Nó cho phép nhiều cơ quan hành chính và cơ quan pháp lý có thể cùng lúc hoạt động mà không cần phải có bất kỳ cơ quan có thẩm quyền duy nhất nào được trao quyền áp dụng một bộ quy tắc đồng nhất trong toàn bộ bộ máy. Do đó, cách tiếp cận tự do cổ điển là rất khai phóng vì nó cho phép các bậc cha mẹ cơ hội giải thoát khỏi thực trạng ở Singapore mà hiện nay đang dẫn đến một cuộc đua áp lực điểm số không nhất thiết liên quan đến việc học tập.

Thay vì bị giới hạn trong phiên bản “phẩm chất” được định nghĩa theo nghĩa hẹp của PAP, các gia đình được trao quyền tự do xác định phẩm chất trong phạm vi hộ gia đình và các quy tắc văn hóa xã hội, đồng thời được chọn từ vô số phương án giáo dục sao cho phù hợp nhất với góc nhìn chuẩn mực của họ về một cuộc sống đáng sống. Các bậc cha mẹ sẽ có quyền tự do tham gia và không tham gia nhằm theo đuổi những góc nhìn chủ quan của mình về phẩm chất bằng cách ghi danh cho con cái vào các trường học đáp ứng tốt nhất lựa chọn của mình.

Ở cấp độ nền tảng nhất, chủ nghĩa tự do cổ điển thừa nhận sự khác biệt căn bản giữa tiềm năng, năng lực và các giá trị nhân bản đa dạng của mỗi cá nhân. Do đó, quan niệm rằng chỉ một nhóm các quy tắc mang tính thể chế mới có quyền định hướng dẫn dắt hệ thống giáo dục dựa trên phẩm chất, nơi mà chính quyền trung ương có thể áp đặt lên những người khác quan niệm cứng nhắc về “phẩm chất”, là đáng bị phê phán. Trong chế độ tự do cổ điển, các cá nhân, các hộ gia đình, và các nhóm người có thể thay đổi phong cách sống của mình phù hợp với những gì tốt nhất đối với họ. Chẳng hạn, trong chính sách giáo dục, nó sẽ ngăn cản sự lựa chọn kỹ lưỡng của nhà nước về các môn học và kỹ năng nhất định, thay vào đó là sự lựa chọn trung lập, do các tổ chức tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy.

Như hiện nay, các bậc cha mẹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa con vào một phiên bản “phẩm chất” được định nghĩa bởi nhà nước. Hệ thống giáo dục được chính phủ định hướng hiện nay, theo cấu trúc của chính nó, không cho phép nhiều góc nhìn khác nhau dựa trên phẩm chất cùng tồn tại. Học sinh được làm quen với một bộ đề kiểm tra và các tiêu chí chấm điểm từ tiểu học, trung học, rồi đến đại học. Cha mẹ ghi danh con vào các lớp học thêm giống hệt nhau, giúp chúng “chơi” các kỳ thi của nhà nước, tất cả đều nhằm đảm bảo con em họ được học chương trình đại học mà họ đã lựa chọn. Bởi vì con đường đi đến đỉnh cao được thiết kế như nhau, học sinh không thể không tham gia vào những cuộc đua mang tính cạnh tranh liên tục nhằm giành điểm cao. Điều này được đưa ra trong những cuộc phỏng vấn của chúng tôi với người Singapore bản địa, một vài người trong số họ phàn nàn về cách hiểu hạn hẹp về “phẩm chất” do nhà nước đưa ra.

Sự đóng góp độc đáo của chủ nghĩa tự do cổ điển là, một mặt nó ủng hộ khát khao của nhân tài về việc được khen thưởng cho sự xuất sắc, mặt khác lại giúp làm giảm thiểu các vấn đề hiện hữu của chế độ nhân tài trị. Chủ nghĩa tự do cổ điển ủng hộ một khuôn khổ thể chế của lựa chọn, cạnh tranh, và khám phá mang tính tiến hóa. Chính khi các công ty, các cá nhân, và các cộng đồng khác nhau cạnh tranh với nhau thì các kết quả tích cực sẽ xuất hiện từ quá trình thử và sai. Điều này được đúc kết theo cách từ dưới lên, ngăn ngừa bất kỳ nỗ lực nào của nhà nước nhằm xác định phạm vi của phẩm chất hoặc nhằm thiết kế một điểm giới hạn cho sự xứng đáng. Theo đó, các nhà phê bình hệ thống nhân tài trị của Singapore, những người chỉ trích phạm vi hẹp và sự ưu ái giới tinh hoa của hệ thống này, sẽ thấy nhiều điều đáng khen ngợi trong phương án thay thế của chúng tôi.

Kết luận

Mục đích chính của chương này không phải là nhằm biện hộ cho quan niệm của chính phủ về nhân tài trị hay ủng hộ việc từ bỏ nó, mà nhằm chẩn đoán tại sao lại có những mâu thuẫn này. Chế độ nhân tài trị không hoàn hảo vẫn là một hình thức cai trị đáng ngưỡng mộ. Nó mang lại những sự khích lệ nhằm trau dồi đạo lý văn hóa nghề nghiệp mạnh mẽ. Kể cả khi còn thiếu sót, khó phủ nhận rằng đạo đức nghề nghiệp là một nguyên lý dẫn đường hiệu quả cho chính sách công và phát triển kinh tế của Singapore.

Tuy nhiên, chừng nào tư duy còn bị hạn chế trong phiên bản “phẩm chất” do các nhà hoạch định chính sách Singapore định nghĩa, thì hệ thống bị ảnh hưởng bởi thành kiến và thiên kiến là không thể tránh khỏi. Bản thân vấn đề không phải là chế độ nhân tài trị, mà là ý niệm cho rằng chỉ một phiên bản của chế độ nhân tài trị do nhà nước định nghĩa mới có thể tồn tại. Các nhà phê bình tin rằng giải pháp cho thực trạng hiện nay đơn giản là mở rộng phạm vi phẩm chất, nhưng chúng tôi cho rằng lối tư duy này vẫn tiếp tục đánh giá thấp những khác biệt bẩm sinh giữa người với người và sự khác nhau căn bản về hoàn cảnh xuất thân của mỗi người. “Chế độ nhân tài trị” được nhà nước áp đặt từ trên xuống không thể tránh khỏi phân biệt đối xử với một số nhóm các cá nhân so với những người khác theo một phong cách không nhất quán vì nó không thể thích ứng được với một ý niệm đa nguyên về phẩm chất. Do đó, chúng tôi kết luận rằng chế độ tự do cổ điển cho phép các cá nhân theo đuổi quan niệm riêng của mình về “phẩm chất” là phương án thay thế có sức hấp dẫn về phương diện đạo đức, và việc này bắt nguồn từ hệ thống giáo dục phân quyền dựa trên thị trường, cho phép các bậc cha mẹ chọn lựa từ những chương trình giáo dục khác nhau.

Chú thích:

(1) Chính phủ sau đó đã đảo ngược chính sách của mình để khai mở được tiềm năng văn hoá cho tăng trưởng kinh tế (Kong, 2000).

(2) Xem những bình luận phổ biến bởi Trường chính sách công Lý Quang Diệu (2018) và Yip (2019). 

Nguồn: Bryan Cheang & Donovan Choy, Liberalism Unveiled Forging A New Third Way In Singapore, Chương 3, World Scientific, 2020

Dịch giả:
Nguyễn Ngọc Minh Châu
Hiệu đính:
Hoàng Văn Trung