![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 5)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 5)
PHẢN HỒI TÍCH CỰC VÀ VÒNG XOÁY ĐI LÊN
Các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp không tự nhiên sinh ra. Chúng thường là kết quả của những xung đột giữa giới quyền thế chống lại sự tăng trưởng kinh tế và thay đổi chính trị với những người muốn hạn chế quyền lực kinh tế và chính trị của giới quyền thế. Các thể chế dung hợp xuất hiện cùng với những thời điểm quyết định, chẳng hạn như Cách mạng Vinh quang ở Anh hay việc thành lập khu định cư Jamestown ở Bắc Mỹ. Khi đó xuất hiện một loạt các yếu tố làm suy yếu các thể chế của giới quyền thế đương quyền, làm cho đối thủ của họ mạnh mẽ hơn và tạo ra động lực cho sự hình thành của một xã hội đa nguyên. Khó có thể tiên định được kết quả của các xung đột chính trị, và ngay cả khi nhìn lại, dù chúng ta thấy nhiều sự kiện lịch sử dường như tất yếu nhưng con đường lịch sử là bất khả tiên lượng. Tuy nhiên, một khi đã được thiết lập, các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp có xu hướng tạo ra vòng xoáy đi lên, một quá trình phản hồi tích cực, giúp cho các thể chế này duy trì và thậm chí mở rộng.
Vòng xoáy đi lên vận động theo một số cơ chế nhất định. Thứ nhất, lôgic của các thể chế chính trị đa nguyên làm cho việc chiếm đoạt và thâu tóm quyền lực của một nhà độc tài, một phe phái trong chính phủ, hoặc thậm chí một tổng thống có ý định tốt trở nên khó khăn, như Franklin Roosevelt đã nhận ra khi ông tìm cách tháo gỡ những trói buộc của Tòa án Tối cao đối với quyền lực của mình, và như Sir Robert Walpole đã phát hiện trong nỗ lực thực thi Đạo luật Đen. Trong cả hai trường hợp, quyền lực tập trung trong tay của một cá nhân hoặc một nhóm nhỏ sẽ làm lũng đoạn nền tảng của các thể chế chính trị đa nguyên, và thước đo thực sự của một chế độ đa nguyên chính là khả năng đẩy lùi những nỗ lực như vậy. Đa nguyên cũng bao hàm khái niệm thượng tôn pháp luật, một nguyên tắc trong đó pháp luật phải được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người - mà theo lẽ tự nhiên là bất khả trong các chế độ quân chủ chuyên chế. Tuy nhiên, nguyên tắc thượng tôn pháp luật đến lượt nó cũng hàm chỉ pháp luật không thể bị một nhóm lạm dụng để xâm phạm các quyền của nhóm khác. Hơn nữa, nguyên tắc thượng tôn pháp luật sẽ mở ra cánh cửa cho sự tham gia rộng rãi hơn trong tiến trình chính trị và mở rộng dung hợp vì nó bao hàm ý tưởng mạnh mẽ là mọi người phải được bình đẳng không chỉ trước khi pháp luật mà cả trong hệ thống chính trị. Đây là một trong những nguyên tắc khiến cho hệ thống chính trị Anh không thể đẩy lùi xu hướng dân chủ trong suốt thế kỷ 19, dọn đường cho việc dần dần mở rộng quyền bầu cử cho tất cả người dân trưởng thành.
Thứ hai, như chúng ta đã thấy nhiều lần trước đây, thể chế chính trị dung hợp hỗ trợ và được hỗ trợ bởi các thể chế kinh tế dung hợp. Đây là một cơ chế khác của vòng xoáy đi lên. Thể chế kinh tế dung hợp loại bỏ quan hệ kinh tế mang tính chiếm đoạt, chẳng hạn như chế độ nô lệ và chế độ nông nô, làm suy yếu sức mạnh của độc quyền và tạo ra một nền kinh tế năng động. Tất cả những điều này làm giảm các lợi ích kinh tế mà một người có thể có được nhờ việc thâu tóm quyền lực chính trị, ít nhất là trong ngắn hạn. Vì các thể chế kinh tế đã trở nên tương đối dung hợp ở Anh vào thế kỷ 17, giới quyền thế hầu như không còn nhiều lợi ích trong việc theo đuổi quyền lực mà trên thực tế thậm chí còn bị thiệt hại nếu sử dụng vũ lực để chống lại những yêu cầu về tăng cường dân chủ. Vòng xoáy đi lên theo cơ chế thay đổi dần dần hướng đến dân chủ ở nước Anh vào thế kỷ 19 đã khiến giới quyền thế cảm thấy ít bị đe dọa hơn và giúp cho phong trào có nhiều khả năng thành công hơn. Điều này tương phản với những gì đã xảy ra với các đế chế Áo-Hung hay Nga, nơi mà thể chế kinh tế vẫn còn mang tính chiếm đoạt cao và hậu quả là những kêu gọi tăng cường dung hợp trong chính trị vào cuối thế kỷ 19 đã bị đàn áp khốc liệt do giới quyền thế sẽ mất mát quá nhiều nếu phải chia sẻ quyền lực.
Cuối cùng, các thể chế chính trị dung hợp cho phép truyền thông tự do phát triển, mà truyền thông tự do lại là kênh cung cấp thông tin và huy động lực lượng chống lại các mối đe dọa đối với các thể chế dung hợp, như đã thấy trong hơn hai thập niên cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ khi quyền lực kinh tế ngày càng tăng của những tư bản kẻ cướp bắt đầu đe dọa các thể chế kinh tế dung hợp tại Hoa Kỳ.
Mặc dù khó mà tiên lượng được kết quả của các xung đột diễn ra không ngừng, nhưng thông qua các cơ chế này, vòng xoáy đi lên tạo ra một xu hướng mạnh mẽ cho các thể chế dung hợp duy trì, đẩy lùi thách thức và mở rộng phạm vi như đã xảy ra cả ở Anh và Mỹ. Thật không may, như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, các thể chế chiếm đoạt cũng tạo ra một vòng xoáy mạnh mẽ không kém nhằm duy trì sự tồn tại của chúng. Đây chính là vòng xoáy đi xuống.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)