Hiệu ứng Ricardo (Phần 3)

Hiệu ứng Ricardo (Phần 3)

5

Giả định cho rằng cung tín dụng ở một mức lãi suất nhất định co dãn hoàn toàn không chỉ phi thực tế, mà còn hoàn toàn kỳ dị khi chúng ta xem xét những ngụ ý của nó; và điều này làm cho các phân tích trở nên khá phức tạp. Nhưng bởi nó buộc chúng ta phải đối mặt với một vấn đề lí thuyết cơ bản, nên nó cũng đáng để phân tích. Ở dạng thuần khiết nhất, nó làm nảy sinh câu hỏi về mối quan hệ giữa các yếu tố tiền tệ [tức, danh nghĩa - ND] và những yếu tố thực ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi tương đối của các phương thức sản xuất khác nhau.

Quan điểm cho rằng nếu cung tín dụng là co giãn hoàn toàn thì lãi suất danh nghĩa ắt sẽ phải là yếu tố quyết định những hình thức đầu tư nào có khả năng sinh lợi cao nhất có thể dựa trên một trong hai khẳng định cần phải được phân biệt rõ ràng: (i) có thể khẳng định rằng trong trường hợp này các quan hệ chi phí-giá cả (hoặc quan hệ giữa những mức tiền công và các mức giá hàng hóa tiêu dùng) nhất thiết phải được điều chỉnh bởi hoặc một sự thay đổi về những mức tiền công hoặc một sự thay đổi về các mức giá hàng hóa tiêu dùng nhằm làm cho sự khác biệt tương ứng với lãi suất danh nghĩa; hoặc (ii) có thể khẳng định rằng ngay cả khi điều này không xảy ra và những mức tiền công vẫn duy trì, ví dụ, ở mức quá thấp so với các mức giá hàng hóa tiêu dùng, thì vẫn là lãi suất danh nghĩa chứ không phải là mối quan hệ chi phí - giá cả mới là yếu tố chi phối hình thức đầu tư.

Liên quan tới cả hai lập luận này, nhưng đặc biệt đối với lập luận đầu tiên, điều quan trọng cần phải nhớ rằng tình huống mà chúng ta xem xét rõ ràng không phải là trạng thái cân bằng mà là một trạng thái tại đó những nguyên nhân của sự thay đổi liên tục và tích lũy là thuộc tính cố hữu. Đấy thực sự là một ví dụ kinh điển về một quá trình tích lũy mà ta đang đối diện; cung tín dụng co dãn hoàn toàn ở mức lãi suất thấp hơn so với tỉ suất lợi tức nội bộ của tất cả hoặc hầu hết các hãng sẽ là nguyên nhân tạo ra sự thay đổi liên tục về giá cả và thu nhập danh nghĩa mà mỗi thay đổi lại tất yếu kéo theo nhiều thay đổi nữa. Không thể nói rằng đối với một tình huống như vậy thì “ở trạng thái cân bằng phải” tồn tại một mối quan hệ như vậy, vì ta hoàn toàn có thể rút ra nhận định này từ các giả định rằng mối quan hệ giữa ít nhất một vài mức giá phải nằm ngoài trạng thái cân bằng. Đây là điểm quan trọng, đặc biệt với hai định đề: thứ nhất, các mức giá phải bằng những mức chi phí cận biên, và, thứ hai, các mức giá của các yếu tố sản xuất phải bằng với mức giá kỳ vọng của sản phẩm cận biên của chúng sau khi đã được chiết khấu theo mức lãi suất mà có thể tự do huy động được tín dụng. Tất cả những gì chúng ta cần nói đối với định đề đầu tiên là, ngoại trừ theo theo một nghĩa rất đặc biệt và không liên quan đến mục đích của chúng ta24, nó đơn giản không đúng trong khoảng thời gian rất ngắn, dẫu cho niềm tin sách vở, rằng các mức giá luôn phải bằng những mức chi phí cận biên theo nghĩa có liên quan, chính là thứ phải chịu trách nhiệm cho nhiều sự nhầm lẫn tai hại trong lĩnh vực này. Mệnh đề thứ hai là mệnh đề mà chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn ở đây.

Nếu cung tiền tại một mức lãi suất nhất định là co giãn hoàn toàn trong khi cầu đầu tư là không co dãn, thì cung tiền sẽ là yếu tố duy nhất xác lập một tỉ suất lợi tức tại đó cung và cầu là cân bằng; đây là kết luận rút ra bằng phép loại suy từ một quy luật chung, theo đó nếu một trong hai lượng cầu hay lượng cung về bất kỳ cái gì là co giãn hoàn toàn ở một mức giá đã cho, thì đấy ắt sẽ phải là mức giá cân bằng. Nhưng trong khi phát biểu này là hoàn toàn đúng khi chúng ta thảo luận về cung và cầu theo nghĩa “thực”, nó bỏ qua sự khác biệt quan trọng của trường hợp hiện tại, ở đó “loại giá” đang xem xét là mối quan hệ giữa các mức giá của hai nhóm mặt hàng (lao động và các hàng hóa tiêu dùng), trong khi nguồn cung co dãn vô hạn không phải là cung của một trong hai loại mặt hàng này mà chỉ là cung tiền mà trước hết được dành cho một trong hai loại mặt hàng này; nó bỏ qua thực tế là bất kỳ sự gia tăng chi tiêu danh nghĩa nào vào một loại mặt hàng cũng có xu hướng gây ra sự gia tăng chi tiêu danh nghĩa vào một loại mặt hàng khác.

Như đã nói ở trên, chúng ta đang đối mặt với một trạng thái phi cân bằng; điều này chính xác có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với hai tập hợp lực lượng có xu hướng ấn định cùng một loại giá (hay đúng hơn cùng một mối quan hệ giữa hai nhóm giá) tại những con số khác nhau. Một mặt, chúng ta có một lượng đầu ra nhất định của hàng hoá tiêu dùng (chỉ biến đổi chậm) và một khuynh hướng rõ ràng theo đó người dân dành một phần nhất định thu nhập của mình cho các hàng hoá tiêu dùng, và cả hai yếu tố này cùng với nhau sẽ xác lập một tỉ số xác định giữa những mức giá của các hàng hóa tiêu dùng và những mức giá của tất cả yếu tố sản xuất đối với mỗi lượng việc làm (và do vậy, đối với mỗi tổng thu nhập); và, mặt khác, chúng ta có một cung tiền co giãn vô hạn, có xu hướng quyết định những mức giá của các yếu tố sản xuất có mối quan hệ cố định với những mức giá của các hàng hoá tiêu dùng, mối quan hệ này vốn khác với mối quan hệ được xác định bởi tập hợp các yếu tố đầu tiên.

Dĩ nhiên không thể phủ nhận được rằng, thông qua những thay đổi về dòng tiền, quan hệ giữa các mức giá của hai nhóm mặt hàng được xác định bởi những yếu tố thực có thể biến đổi đáng kể. Vấn đề chỉ là, phải chăng không tồn tại ngưỡng giới hạn nào để cho trong phạm vi tới ngưỡng đó, và trong khoảng thời gian tới ngưỡng đó, cấu trúc giá cả, như được xác định bởi các yếu tố “thực”, có thể bị bóp méo, hay phải chăng hiện tượng lượng tiền đưa thêm vào mà trước tiên gây hiệu ứng tăng đối với một nhóm giá sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến nhóm giá khác theo cùng một xu hướng sẽ không đặt ra ngưỡng giới hạn cho mức độ mà cấu trúc giá cả có thể bị méo mó. Câu hỏi đặt ra thực ra gần giống với câu hỏi liệu, bằng cách đổ một chất lỏng đủ nhanh vào một đầu của một cái bình, chúng ta có thể nâng độ cao ở đầu đó lên hơn đầu còn lại đến bất kỳ mức độ nào mà chúng ta muốn hay không. Chúng ta có thể nâng độ cao của một đầu lên hơn so với đầu còn lại đến mức độ nào đó hoàn toàn phụ thuộc vào độ lỏng hoặc độ nhớt của chất lỏng đó; [st1] [U2] chúng ta có thể nâng cao hơn nếu chất lỏng là si rô hay hồ dán so với chất lỏng là nước. Nhưng không có chuyện chúng ta có thể tự do nâng bề mặt một đầu của bình lên cao hơn so với đầu còn lại đến bất kỳ mức độ nào mà chúng ta muốn.

Cũng như độ nhớt của chất lỏng xác định mức độ mà bất kỳ phần nào của bề mặt của nó có thể được nâng cao hơn so với phần còn lại, tốc độ dẫn truyền mức tăng lên của thu nhập sang mức tăng lên của nhu cầu hàng hóa tiêu dùng xác định mức độ mà chúng ta, bằng cách bơm nhiều tiền hơn vào những yếu tố sản xuất, có thể nâng các mức giá của chúng lên cao hơn một cách tương đối so với những mức giá của các hàng hoá tiêu dùng1. Vấn đề trở nên rõ nét khi chúng ta giả định rằng lãi suất danh nghĩa được giảm một cách độc đoán xuống một con số rất thấp trong một quốc gia mới thành lập, có một lượng vốn tích lũy nhỏ và có một "hiệu suất cận biên của vốn" rất cao. Nếu định đề chúng ta đang xem xét là đúng thì nó cũng phải đúng trong trường hợp này, nghĩa là, sự sẵn có của một lượng tiền không giới hạn ở mức lãi suất thấp sẽ dẫn đến hiện tượng các mức tiền công sẽ được đẩy đến mức giá trị đã được chiết khấu - không chỉ đơn thuần là của sản phẩm cận biên hiện tại của lao động mà còn là của sản phẩm cận biên của lao động kỳ vọng được sản xuất ra sau khi máy móc được giả định là sẽ được lắp đặt do việc lắp đặt máy móc này hứa hẹn mang lại lợi nhuận khi được tiến hành ở mức lãi suất thấp. Tổng giá trị của những dịch vụ của lao động tại mức tiền công thực đó có thể lớn hơn rất nhiều so với tổng sản lượng hiện tại của các mặt hàng tiêu dùng và chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với toàn bộ sản lượng của lao động hiện tại. Hệ quả của việc này là cầu đối với các mặt hàng hoá tiêu dùng và giá cả của chúng sẽ tăng lên tương ứng. Nếu mức tăng này của giá cả hàng hoá tiêu dùng kích thích các nghiệp chủ vay vốn và tiếp tục đầu tư nhiều hơn, thì điều này sẽ chỉ làm cho giá cả hàng hoá tiêu dùng tiếp tục tăng lên hơn nữa, và những nghiệp chủ nào kỳ vọng giá cả hàng hoá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh hơn, sẽ đẩy mức giá nhân công lên cao hơn cả mức kỳ vọng của mình. Mặc dù họ có thể thành công ở những lần nâng các mức tiền công lên đến giá trị chiết khấu của mức giá kỳ vọng của sản phẩm cận biên của lao động, nhưng bất kể có nỗ lực thế nào, họ không thể có khả năng nâng được một cách thực sự các mức tiền công thực lên con số tương ứng với mức lãi suất thấp, bởi vì nguồn lực để tạo ra thu nhập thực này này đơn giản là không có ở đó.

Trong tình huống mà chúng ta phải áp dụng những lập luận này, chẳng hạn như tình huống xảy ra trong một xã hội hiện đại ở chặng cuối của một giai đoạn bùng nổ, tình thế sẽ chỉ khác nhau ở mức độ. Sự thực vẫn là các nghiệp chủ, bằng cách đề xuất những mức tiền công danh nghĩa cao hơn, có thể không nâng được các mức tiền công thực một cách hữu hiệu tới mức tương ứng với mức lãi suất danh nghĩa thấp, bởi vì họ càng tăng những mức tiền công danh nghĩa, thì các mức giá hàng hóa tiêu dùng sẽ càng tăng lên2. Trong trường hợp này, yếu tố hạn chế chỉ đơn giản là hàng tiêu dùng không có sẵn ở đó và do đó, chừng nào mọi khoản đầu tư đều dành cho các phương thức sản xuất thâm dụng nhiều vốn, thì mỗi sự gia tăng việc làm chỉ đóng góp một phần giá trị của nó vào sản lượng hàng hoá tiêu dùng. Điều này dẫn chúng ta đến một thực tế khó khăn thứ hai vốn dĩ thống trị đối với tình huống mà chúng ta đang xem xét: đó là, trong tình huống này, sẽ không có đủ lao động có sẵn để đồng thời tăng sản lượng hiện tại của hàng hóa tiêu dùng lẫn thúc đẩy đầu tư tới giới hạn được quyết định bởi mức lãi suất. Chừng nào lực lượng lao động dự phòng (chưa được sử dụng) còn có sẵn, thì không có lí do gì, như chúng ta sẽ thấy, khiến cho các nghiệp chủ lại không nên sử dụng những nguồn tài chính không bị giới hạn để làm hai việc: tăng sản lượng hàng hóa tiêu dùng trong tương lai gần bằng các phương thức sản xuất tốn kém nhưng nhanh chóng và đảm bảo hoạt động sản xuất ngày càng rẻ hơn bằng cách đầu tư vào [dây chuyền sản xuất] quy mô lớn. Đây là lí do tại sao trong thời kỳ đầu của giai đoạn bùng nổ, lãi suất danh nghĩa vẫn kiểm soát được tình hình. Nhưng, mặc dù điều này hàm ý rằng, trong những tình huống như vậy, mức lãi suất thấp sẽ hữu hiệu trong phạm vi khối lượng đầu tư vẫn còn bị nó chi phối, thì nó sẽ vẫn không hàm ý rằng, một khi các mức giá hàng hóa tiêu dùng bắt đầu tăng lên, những mức tiền công thực vẫn có thể được duy trì theo tỉ lệ tương ứng với các mức tiền công danh nghĩa.

Chú thích

(1) Dĩ nhiên, trạng thái cân bằng kinh tế khác với trạng thái thủy tĩnh được đem ra so sánh bởi thực tế là vị trí cân bằng giữa các hai nhóm giá không phải là bất biến mà sẽ chịu ảnh hưởng bởi những thay đổi về số lượng thực của các mặt hàng có sẵn. Tuy nhiên, những thay đổi thực tế chỉ càng củng cố xu hướng bởi vì chúng ắt sẽ diễn ra theo hướng ngược lại với các yếu tố danh nghĩa: trong trường hợp của chúng ta, hiệu ứng của chúng sẽ làm làm tăng số lượng người dân tham gia vào sản xuất thêm các thứ ngoài hàng hoá tiêu dùng để đóng góp vào sản lượng sẵn có của hàng hoá tiêu dùng, và do đó làm tăng mức chênh lệch giữa những mức tiền công và các mức giá của những hàng hóa tiêu dùng, hiện tượng sẽ tự hình thành ngay sau khi dòng tiền mới chấm dứt.

(2) Dĩ nhiên, điều này không hàm ý rằng phần đóng góp của tổng lao động vào tổng thu nhập thực tế của xã hội là một con số cố định cứng nhắc. Một sự gia tăng tổng tiền công danh nghĩa sẽ cho phép lao động lấy đi một phần thu nhập thực tế của những người sống bằng tiền lợi tức (rentier). Nhưng việc tăng các mức tiền công danh nghĩa tới mức cần thiết để đảm bảo cho số lượng nhân công đã được tăng thêm được hưởng cùng mức thu nhập thực trên đầu người với phí tổn phải gánh chịu bởi những người dân có thu nhập cố định thực sự sẽ phải rất lớn - lớn đến mức các nghiệp chủ không thể đáp ứng cho đến khi họ có kỳ vọng về một lạm phát phi mã. Nói cách khác, chúng ta dĩ nhiên không phủ nhận việc sẽ có một lượng tiết kiệm bắt buộc nhất định, chủ yếu là từ những người sống bằng tiền lợi tức; điều chúng ta phủ nhận đơn thuần chỉ là, do có tiết kiệm bắt buộc nên sẽ có khả năng xuất hiện ngày càng nhiều những người lao động tham gia sản xuất các hàng hoá tư liệu sản xuất với mức tiền công không đối nếu quy đổi theo lượng hàng hóa tiêu dùng. Có lẽ cũng nên nói thêm rằng lập luận của bài viết không hàm ý rằng tất cả mà chỉ là một phần đáng kể các khoản thu nhập thêm danh nghĩa được trả dưới dạng tiền công được chi ngay cho hàng tiêu dùng (về nội dung này, xem Profits, Interest, and Investment, trang 52, và tiếp theo).

Nguồn: F.A. Hayek, Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế, Chương 11, NXB Tri thức, 2016

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh