[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 2)

CON ĐƯỜNG DÂN CHỦ GIAN TRUÂN

Cuộc đấu tranh chống lại Đạo luật Đen giúp người dân Anh nhận thức được quyền lợi của mình. Họ có thể bảo vệ quyền truyền thống và lợi ích kinh tế của mình trước tòa và trong Quốc hội thông qua việc sử dụng đơn thỉnh nguyện và vận động hành lang. Tuy nhiên chế độ đa nguyên này vẫn chưa đủ để đem lại một nền dân chủ hiệu quả. Hầu hết đàn ông trưởng thành đều không có quyền bầu cử; phụ nữ cũng vậy; và còn có nhiều cách biệt giàu nghèo trong cấu trúc dân chủ hiện hữu. Tất cả những điều này cần phải thay đổi. Vòng xoáy đi lên của các thể chế dung hợp không chỉ bảo tồn những gì đã giành được mà còn mở ra cánh cửa dung hợp rộng rãi hơn. Ít có khả năng giới quyền thế Anh ở thế kỷ 18 có thể duy trì gọng kìm quyền lực chính trị mà không gặp phải những thách thức nghiêm trọng. Giới quyền thế nắm được quyền lực thông qua việc thách thức đặc quyền thần thánh của triều đình và mở cánh cửa cho người dân tham gia vào chính trị, nhưng rồi họ chỉ trao quyền này cho một thiểu số người. Việc ngày càng có nhiều người trong dân chúng đòi hỏi quyền được tham gia vào tiến trình chính trị chỉ còn là vấn đề thời gian. Và trong các năm cho đến 1831, họ đã làm như vậy.

Ba thập kỷ đầu của thế kỷ 19 đã chứng kiến bất ổn xã hội ngày càng gia tăng ở Liên hiệp Anh, chủ yếu là những phản ứng trước tình trạng cách biệt giàu nghèo kinh tế và việc số đông bị mất quyền bầu cử đòi hỏi được đại diện chính trị nhiều hơn. Cuộc bạo động Luddite 1811-1816 trong đó công nhân đấu tranh chống lại việc áp dụng công nghệ mới mà họ cho rằng sẽ làm giảm tiền công được tiếp nối bằng các cuộc bạo động đòi quyền chính trị như cuộc bạo động Spa Fields năm 1816 ở Luân Đôn và cuộc tàn sát Peterloo 1819 ở Manchester. Trong cuộc nổi dậy Swing năm 1830, nông dân đã phản kháng trước tình trạng mức sống ngày càng xuống cấp cũng như việc áp dụng công nghệ mới. Trong khi đó ở Paris nổ ra Cuộc cách mạng tháng 7/1830. Giới quyền thế bắt đầu đi đến sự đồng thuận rằng bất bình đã đạt đến điểm sôi và cách duy nhất để giải nhiệt bất ổn xã hội và đẩy lùi các cuộc cách mạng là đáp ứng yêu cầu của số đông dân chúng và thực hiện cải cách nghị viện.

Không hề ngạc nhiên khi cuộc bầu cử 1831 hầu như chỉ xoay quanh một vấn đề duy nhất: cải cách chính trị. Đảng Whig, gần 100 năm sau thời đại của Sir Robert Walpole, đã đáp ứng nguyện vọng của thường dân và thực hiện chiến dịch mở rộng quyền bầu cử. Nhưng điều này cũng chỉ có nghĩa là tăng một lượng nhỏ cử tri. Phổ thông đầu phiếu, dù chỉ là dành cho đàn ông, không hề có trên bàn nghị sự. Đảng Whig thắng cử và thủ lĩnh của họ là Earl Grey trở thành thủ tướng. Nhưng Earl Grey còn lâu mới cấp tiến. Ông ta và đảng Whig thúc đẩy cải cách không phải vì tin rằng việc trao quyền bầu cử cho nhiều người hơn là công bằng hay vì họ muốn chia sẻ quyền lực. Nền dân chủ Anh không phải do giới quyền thế tạo ra. Nó do quần chúng nắm giữ, những người được trao quyền qua tiến trình chính trị đã diễn ra ở Anh và các vùng khác của Liên hiệp Anh suốt nhiều thế kỷ. Họ đã mạnh mẽ hơn nhờ những thay đổi trong bản chất của thể chế chính trị mà cuộc Cách mạng Vinh quang đem lại. Cải cách được thực hiện chỉ vì giới quyền thế hiểu rằng đó là con đường duy nhất đảm bảo cho họ duy trì quyền lực, mặc dù trong một hình thức khiêm tốn hơn. Earl Grey, trong bài phát biểu nổi tiếng trước Quốc hội ủng hộ cho cải cách, đã diễn đạt điều này rất rõ ràng:

Hơn ai hết tôi kiên quyết phản đối Quốc hội thường niên, phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu. Mục tiêu của tôi không phải là ủng hộ mà là để chấm dứt những hy vọng và âm mưu… Nguyên tắc cải cách của tôi là để ngăn chặn sự cần thiết phải cách mạng… cải cách là để bảo tồn và để không bị lật đổ.

Quần chúng không chỉ muốn được tham gia bầu cử vì lợi ích của bản thân mà để có ghế trong bàn nghị sự nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Đây là mục tiêu thấm nhuần trong phong trào Hiến chương với chiến dịch đòi phổ thông đầu phiếu sau 1838. Phong trào này được đặt tên theo Hiến chương Nhân dân nhằm gợi nhớ sự tương đồng với Đại Hiến chương Magna Carta. Người theo phái Hiến chương J.R Stephens đã giải thích tại sao phổ thông đầu phiếu và quyền bầu cử của mọi công dân, là vũ khí của quần chúng:

Vấn đề phổ thông đầu phiếu… là vấn đề miếng cơm manh áo… Thông qua phổ thông đầu phiếu tôi muốn nói rằng mọi người dân lao động trên mảnh đất này đều có quyền có cơm ăn, áo mặc và mái ấm cho gia đình họ.

Stephens hiểu rõ phổ thông đầu phiếu là con đường bền vững để trao quyền nhiều hơn cho dân chúng Anh Quốc và đảm bảo cơm ăn, áo mặc, chỗ ở cho người lao động.

Cuối cùng, Earl Grey đã thành công trong cả việc đảm bảo tiến trình đi đến Đạo luật cải cách lần thứ nhất và giải nhiệt làn sóng cách mạng mà không cần sử dụng vũ lực chống lại phổ thông đầu phiếu. Cuộc cải cách 1832 chỉ đạt được một ít thành quả khiêm tốn, trong đó có việc tăng gấp đôi số cử tri, từ 8 lên 16% nam giới trưởng thành (từ 2 lên 4% dân số). Cuộc cải cách này cũng loại bỏ bớt một số dân biểu ở các quận rỗng và trao quyền đại diện độc lập cho một số thành phố mới công nghiệp hóa như Manchester, Leeds và Sheffield. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề không được giải quyết. Do đó không lâu sau sẽ lại có những yêu cầu khác đòi mở rộng quyền bầu cử và bất ổn xã hội sẽ quay trở lại. Để đáp lại, cần phải có một cuộc cải cách mới.

Tại sao giới quyền thế Anh chấp thuận những đòi hỏi này? Vì sao Earl Grey cảm thấy cải cách một phần - quả thật, chỉ một phần nhỏ - là con đường duy nhất để bảo tồn hệ thống? Tại sao họ phải chọn giữa cải cách và cách mạng mà không tiếp tục duy trì quyền lực của mình mà không cần cải cách? Chẳng phải họ chỉ việc làm như những chinh tướng Tây Ban nha đã làm ở Nam Mỹ, như những ông hoàng Áo-Hung và Nga sẽ làm trong những thập niên tiếp theo khi yêu cầu cải cách nổ ra trên đất nước họ, và như chính người Anh đã làm ở vùng Caribê và ở Ấn Độ: sử dụng vũ lực để dập tắt những yêu sách đó? Những thay đổi kinh tế chính trị diễn ra ở Anh đã làm cho việc sử dụng vũ lực để đàn áp yêu sách vừa không hấp dẫn đối với giới quyền thế vừa ngày càng không khả thi. Như E.P Thompson đã viết:

Khi các cuộc đấu tranh 1790-1832 là dấu hiệu cho thấy trạng thái cân bằng đã thay đổi, những người cai trị ở Anh phải đối mặt với những lực lượng thay thế đáng báo động. Họ hoặc là bỏ qua nguyên tắc thượng tôn pháp luật, phá vỡ cấu trúc chế định hiến pháp của mình, nuốt lời và cai trị bằng vũ lực; hoặc có thể tuân theo chính luật của họ và từ bỏ quyền độc tôn của mình… họ thực hiện những bước đi thận trọng theo hướng đầu tiên. Nhưng rốt cuộc, thay vì phá bỏ chính hình ảnh của mình và xóa bỏ 150 nguyên tắc hiến định của mình, họ đã đầu hàng pháp luật.

Nói cách khác, cũng chính những động lực khiến giới quyền chức Anh không muốn phá sập nền tảng thượng tôn pháp luật trong thời kỳ Đạo luật Đen cũng đã khiến họ tránh xa việc đàn áp và cai trị bằng vũ lực, những việc làm nguy hiểm cho sự ổn định của toàn hệ thống. Nếu việc xem thường pháp luật trong việc thực thi Đạo luật Đen sẽ làm suy yếu hệ thống mà thương gia, doanh nhân và quý tộc nhỏ đã xây dựng được trong cuộc Cách mạng Vinh quang thì việc xây dựng một chế độ độc tài vào năm 1832 sẽ hoàn toàn làm xói mòn những thành tựu này. Trên thực tế, những người tổ chức các cuộc biểu tình đòi cải cách quốc hội đều ý thức rõ tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và ý nghĩa mang tính biểu tượng của nó đối với các thể chế chính trị của Liên hiệp Anh trong thời kỳ này. Nguyên tắc này đã trở thành vũ khí của phong trào đòi cải cách. Một trong những tổ chức đầu tiên đòi cải cách quốc hội có tên là Hampden Club được đặt tên theo thành viên Quốc hội đầu tiên đã phản đối vua Charles I đánh thuế tàu, một sự kiện quan trọng dẫn đến cuộc nổi dậy lớn đầu tiên chống lại chủ nghĩa chuyên chế Stuart, như chúng ta đã thấy ở chương 7.

Cũng có những phản hồi tích cực và kiên quyết giữa các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp khiến cho việc lựa chọn cải cách trở nên hấp dẫn hơn. Các thể chế kinh tế dung hợp dẫn đến các thị trường dung hợp, đem lại sự phân phối các nguồn lực hiệu quả hơn, khích lệ nhiều hơn đối với giáo dục, kỹ năng và những cải tiến xa hơn trong công nghệ. Tất cả những động lực này đều có mặt ở Anh vào năm 1831. Đàn áp đòi hỏi của dân chúng và dùng vũ lực chống lại các thể chế dung hợp sẽ phá hủy những thành tựu này, và việc giới quyền thế chống lại dân chủ mạnh mẽ hơn và dung hợp rộng rãi hơn có thể sẽ dẫn đến tình trạng mất mát nhiều hơn từ sự phá hủy này.

Một khía cạnh khác của phản hồi tích cực là trong thể chế kinh tế chính trị dung hợp, quyền lực kiểm soát trở nên ít quan trọng hơn. Ở Áo-Hung và Nga, như chúng ta đã thấy ở chương 8, các Ông hoàng và tầng lớp quý tộc bị mất rất nhiều từ công nghiệp hóa và cải cách. Ngược lại, ở Anh vào đầu thế kỷ 19, nhờ sự phát triển của các thể chế dung hợp, giới quyền thế ít có nguy cơ mất mát hơn: không có nông nô, ít có sự cưỡng chế trong thị trường lao động, và ít nhà độc quyền được hàng rào bảo hộ bảo vệ. Do đó, việc theo đuổi quyền lực đem lại ít lợi ích hơn cho giới quyền thế Anh.

Logic của vòng xoáy đi lên cũng có nghĩa là những bước đi mang tính áp chế sẽ ngày càng ít khả thi hơn, một lần nữa là do phản hồi tích cực giữa các thể chế kinh tế chính trị dung hợp. Do đó, các thể chế này trao quyền cho công dân nói chung và từ đó tạo ra một sân chơi công bằng hơn, ngay cả khi xảy ra cuộc chiến tranh giành quyền lực. Điều này khiến cho giới quyền thế gặp nhiều khó khăn trong việc đàn áp quần chúng hơn là thỏa mãn các yêu cầu của họ, hoặc ít nhất là một vài yêu cầu của họ. Các thể chế dung hợp của Anh lúc này cũng đã gỡ bỏ xiềng xích trói buộc Cách mạng công nghiệp, và nước Anh lúc này cũng đã có mức độ đô thị hóa cao. Sử dụng vũ lực chống lại những nhóm thị dân tập trung, đặc biệt là có tổ chức và được trao quyền hẳn sẽ khó hơn rất nhiều so với việc đàn áp nông dân hay nông nô. 

Vòng xoáy đi lên do đó đã đem lại Đạo luật cải cách lần thứ nhất cho nước Anh vào năm 1832. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu. Con đường đến dân chủ thực sự vẫn còn dài ở phía trước, do vào năm 1832 giới quyền thế mới chỉ nhân nhượng ở mức độ họ buộc phải chấp nhận, vấn đề cải cách quốc hội được tiếp nối bằng phong trào Hiến chương, trong đó nổi bật là Hiến chương nhân dân năm 1838 với các điểm:

- Phổ thông đầu phiếu cho tất cả nam giới đủ 21 tuổi, có tinh thần lành mạnh và không đang thụ án.

- Bỏ phiếu - Để bảo vệ cử tri khi quyết định lá phiếu của mình.

- Bãi bỏ quy định về tài sản đối với ứng viên nghị sĩ - từ đó cho phép các khu vực bầu cử lựa chọn người đại diện cho mình bất kể giàu nghèo.

- Trả lương cho nghị sĩ, từ đó cho phép một người lương thiện, dù là tiểu thương, công nhân hay bất kỳ ai có thể chuyên tâm phục vụ cho khu vực bầu cử của mình khi họ phải từ bỏ công việc để phục vụ cho lợi ích của cử tri mà họ đại diện.

- Quy mô các khu vực bầu cử ngang nhau để đảm bảo số người đại diện tương ứng với số lượng cử tri thay vì để cho các khu vực bầu cử nhỏ bị khu vực có số cử tri đông hơn áp đảo.

- Quốc hội thường niên, từ đó tạo ra cơ chế kiểm tra hiệu quả nhất đối với tình trạng hối lộ hay cưỡng bức, vì mặc dù một khu vực bầu cử có thể được mua 7 năm một lần (cho dù thông qua bỏ phiếu), không số tiền nào có thể mua được một khu vực bầu cử (trong hệ thống phổ thông đầu phiếu) trong suốt 12 tháng sau bầu cử; và do thành viên quốc hội chỉ có nhiệm kỳ một năm, họ sẽ không được từ nhiệm hay phản bội cử tri của mình trong thời gian tại vị.

“Bỏ phiếu” được hiểu là bỏ phiếu kín và chấm dứt bầu cử công khai vốn tạo điều kiện cho việc mua phiếu và cưỡng bức cử tri.

Phong trào Hiến chương tổ chức một loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn, và trong giai đoạn này, quốc hội liên tục thảo luận khả năng cải cách xa hơn. Mặc dù phái Hiến chương tan rã vào năm 1848, nó được tiếp nối bởi Liên hiệp cải cách Quốc gia thành lập năm 1864, và Liên hiệp cải cách thành lập năm 1865. Tháng 7/1866, các cuộc bạo loạn lớn đòi cải cách diễn ra ở Công viên Hyde đã đưa vấn đề cải cách trở lại bàn nghị sự chính trị một lần nữa. Kết quả của áp lực này là Đạo luật cải cách lần thứ hai năm 1867, trong đó tổng số cử tri tăng gấp đôi và cử tri thuộc tầng lớp lao động trở thành đa số trong tất cả các khu vực bầu cử thành thị. Ngay sau khi bỏ phiếu kín được áp dụng và các thay đổi được áp dụng nhằm loại bỏ hành vi bầu cử gian lận như “phát thưởng” (đơn giản là mua phiếu bằng cách trả cho cử tri một phần thưởng, thường là tiền, thức ăn hoặc rượu). Số lượng người có quyền bầu cử tăng gấp đôi khi Đạo luật cải cách lần thứ ba năm 1884 được thông qua, lúc này 60% nam giới trưởng thành đã có quyền bầu cử. Sau Thế chiến thứ nhất, Đạo luật Đại diện Nhân dân 1918 đã trao quyền bầu cử cho tất cả nam giới trên 21 tuổi và cho phụ nữ trên 30 tuổi có đóng thuế hoặc kết hôn với người đóng thuế. Cuối cùng, tất cả phụ nữ có quyền bầu cử như nam giới vào năm 1928.

Song song với sự phát triển dần dần của các thể chế chính trị dung hợp là phong trào hướng đến những thể chế kinh tế mang tính dung hợp cao hơn. Một thành quả của Đạo luật Cải cách lần thứ nhất chính là sự xóa bỏ các Đạo luật Ngũ cốc năm 1846. Như chúng ta đã thấy ở chương 7, Đạo luật Ngũ cốc cấm nhập khẩu ngũ cốc, giữ giá ngũ cốc ở mức cao và đảm bảo lợi nhuận kếch xù cho những người chủ đất lớn. Những nghị sĩ mới từ Manchester và Birmingham muốn có ngũ cốc rẻ và tiền công thấp. Họ chiến thắng và các chủ đất đã phải chịu một thất bại nặng nề.

Những thay đổi trong bầu cử và các khía cạnh khác trong thể chế chính trị diễn ra suốt thế kỷ 19 được tiếp nối với nhiều cải cách xa hơn. Năm 1871 thủ tướng thuộc Đảng Tự do là Gladstone đã mở cửa dịch vụ công trước sự giám sát của công chúng, áp dụng nguyên tắc coi trọng năng lực, từ đó tiếp tục tiến trình tập trung hóa chính trị và xây dựng các thể chế vốn đã manh nha từ triều đại Tudor. Chính quyền Đảng Tự do và Tory trong thời kỳ này đã thông qua một số đáng kể các quy định về thị trường lao động. Một ví dụ là việc hủy bỏ Đạo luật Chủ Tớ (Masters and Servants) trong đó cho phép người sử dụng lao động áp dụng luật này để giới hạn khả năng di chuyển của công nhân. Điều này đã làm thay đổi bản chất quan hệ lao động theo hướng bảo vệ lợi ích của người lao động. Từ năm 1906 đến 1914, Đảng Tự do dưới sự lãnh đạo của H.H Asquith và David Lloyd George bắt đầu cung cấp nhiều dịch vụ công khác, trong đó có bảo hiểm y tế và thất nghiệp, quỹ lương hưu từ ngân sách, quy định về lương tối thiểu và cam kết thực hiện chính sách thuế có tính tái phân phối. Kết quả của những thay đổi về tài khóa này là tiền thuế tính theo sản phẩm quốc dân đã tăng hơn gấp đôi trong ba thập kỷ cuối của thế kỷ 20. Hệ thống thuế cũng trở nên “cấp tiến” hơn, theo đó người giàu phải chịu gánh nặng thuế nhiều hơn.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục trước đây vốn chỉ dành riêng cho giới quyền thế và do các tổ chức tôn giáo quản lý hoặc buộc người nghèo phải đóng học phí thì nay đã rộng mở hơn cho dân chúng. Đạo luật Giáo dục 1870 cam kết chính phủ sẽ lần đầu tiên cung cấp hệ thống giáo dục phổ cập. Giáo dục được miễn phí từ năm 1891. Vào năm 1893, tuổi phổ cập giáo dục được quy định là 11 tuổi. Đến năm 1899, quy định này được tăng lên thành 12 tuổi, và các điều khoản hỗ trợ cho con em hộ nghèo được thông qua. Kết quả của những thay đổi này là số trẻ 10 tuổi đi học ở mức đáng thất vọng là 40% vào năm 1870 đã tăng lên 100% vào năm 1900. Cuối cùng, Đạo luật Giáo dục 1902 đã đem đến sự mở rộng nguồn lực cho trường học và thành lập các trường dạy tiếng La-tinh và Hy Lạp, được gọi là trường ngữ pháp (grammar school). Những trường này sau này trở thành nền tảng cho các trường phổ thông của Liên hiệp Anh.

Thực tế, trường hợp của Liên hiệp Anh, một minh họa cho vòng xoáy đi lên của các thể chế chính trị dung hợp, là một điển hình của “vòng xoáy đi lên tiệm tiến”. Thay đổi chính trị rõ ràng đã diễn ra theo hướng dung hợp hơn và là kết quả của cuộc đấu tranh của người dân được trao quyền. Nhưng tất cả những diễn biến này đều diễn ra một cách tiệm tiến. Mỗi thập kỷ là một bước tiến, có bước dài có bước ngắn, đến dân chủ. Có xung đột trong mỗi bước, và thành công của mỗi bước đi đều không chắc chắn. Nhưng vòng xoáy đi lên đã tạo ra động lực khiến những người liên quan giảm bớt sự theo đuổi quyền lực. Nó cũng thúc đẩy thượng tôn pháp luật, khiến cho việc sử dụng vũ lực chống lại những người đòi hỏi giới quyền thế những điều chính họ từng đòi hỏi ở triều đại Stuart ngày càng khó khăn hơn. Ngày càng ít có khả năng xung đột dẫn đến cách mạng toàn diện mà xu thế lớn hơn là các xung đột được hóa giải theo hướng mở rộng dung hợp. Sự thay đổi dần dần này có nhiều ưu điểm vượt trội. Nó không đe dọa giới quyền thế nhiều như việc lật đổ toàn bộ hệ thống. Mỗi bước đi đều rất nhỏ, chính vì thế mà giới quyền thế dễ dàng nhượng bộ trước đòi hỏi nhỏ hơn là trước yêu cầu cải cách toàn diện. Điều này lý giải một phần vì sao Luật Ngũ cốc bị bãi bỏ mà không gây ra nhiều xung đột nghiêm trọng. Đến năm 1846 các chủ đất không còn có thể kiểm soát việc ban hành luật của Quốc hội. Đây là thành tựu của Đạo luật cải cách lần thứ nhất. Tuy nhiên, giả sử trong năm 1832 tất cả những vấn đề như mở rộng quyền bầu cử, cải cách các quận rỗng và bãi bỏ Luật Ngũ cốc đều được đặt lên bàn nghị sự thì hẳn các chủ đất đã kháng cự mạnh mẽ hơn nhiều. Việc một vài cải cách nhỏ về chính trị được thực hiện trước khi yêu cầu bãi bỏ Luật Ngũ cốc được đặt lên bàn nghị sự đã giúp tháo ngòi nổ xung đột.

Thay đổi tiệm tiến cũng giúp tránh được việc phải mạo hiểm đi vào một tương lai bất định, chưa có tiền lệ. Một cuộc lật đổ hệ thống bằng bạo lực có nghĩa là phải xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới để thay thế. Đây là trường hợp của cuộc Cách mạng Pháp khi thử nghiệm đầu tiên với dân chủ đã dẫn đến Thời kỳ Khủng bố, và sau đó là hai lần quay lại của chế độ quân chủ và rốt cuộc là Đệ tam Cộng hòa Pháp vào năm 1870. Đây cũng là trường hợp của cuộc Cách mạng Nga trong đó khát vọng về một hệ thống công bằng hơn Đế chế Nga đã đem đến chế độ một đảng độc tài thậm chí còn bạo lực, đẫm máu và độc ác hơn chính thể mà nó thay thế. Cải cách tiệm tiến ở những xã hội này rất khó do tính chất chiếm đoạt của những chính thể này cũng như sự vắng bóng của nền tảng đa nguyên. Chính nhờ chủ nghĩa đa nguyên được đặt nền móng từ cuộc Cách mạng Vinh quang và nguyên tắc thượng tôn pháp luật mà nó hình thành đã giúp cải cách tiệm tiến ở Liên hiệp Anh khả thi và được lựa chọn.

Triết gia bảo thủ người Anh Edmund Burke, người đã kiên quyết chống lại Cách mạng Pháp, vào năm 1790 viết: “Cần phải vô cùng thận trọng nếu muốn phá sập một chính thể kiên cố đã phục vụ cho mục đích chung của xã hội qua nhiều thế hệ hay muốn xây dựng lại nó mà không có mô hình hay hình thái sẵn có đã được chấp nhận”. Burke đã không nhìn thấy bức tranh lớn. Cách mạng Pháp đã thay thế chính thể mục nát và mở đường cho các thể chế dung hợp không chỉ ở Pháp mà còn khắp Tây Âu. Nhưng sự thận trọng của Burke không hẳn là vô lý. Tiến trình dần dần trong cải cách chính trị ở Anh bắt đầu từ năm 1688 và tăng tốc ở ba thập kỷ sau khi Burke qua đời hẳn hiệu quả hơn vì tính chất tiệm tiến đã đem lại cho nó sức mạnh, khiến cho nó khó bị cưỡng lại và cuối cùng trở nên bền vững.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh