[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 17 - Comte và Hegel

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 17 - Comte và Hegel

I.

Ở bất kỳ thời đại nào, trong các cuộc tranh luận đều tràn ngập những vấn đề được nhìn nhận theo các cách khác nhau bởi các trường phái tư tưởng hàng đầu của thời đại đó. Nhưng bầu không khí trí tuệ bao trùm của thời đại bao giờ cũng được quyết định bởi các quan điểm mà các trường phái tư tưởng đối lập nhau đồng tình. Chúng trở thành những giả định ngầm của mọi tư tưởng, và trở thành những nền tảng chung, được xem là đương nhiên cho tất cả các cuộc tranh luận diễn ra.

Khi chúng ta không còn chia sẻ những giả định ngầm của những thời kỳ trong quá khứ, việc nhận ra chúng thật tương đối dễ dàng. Nhưng tình thế lại khác khi chúng ta đụng chạm đến những ý tưởng nền tảng của tư duy trong những thời đại gần đây. Lúc này, chúng ta thường vẫn chưa nhận ra được những đặc điểm chung mà các hệ thống tư tưởng đối lập nhau chia sẻ, những ý tưởng mà vì một lý do nào đó thường không được nhận diện; chúng giành được địa vị thống trị nhưng lại không phải trải qua một quá trình sàng lọc nghiêm túc. Điều này rất nghiêm trọng bởi vì, như Benard Bosanquet đã từng chỉ ra rằng “những thái độ cực đoan về tư tưởng có thể dẫn đến sai lầm ngang bằng với khả năng khám phá ra sự thật” 1. Những sai lầm này đôi lúc trở thành những giáo lý chỉ bởi vì chúng được công nhận bởi các nhóm [tư tưởng] khác nhau đang tranh cãi về tất cả các vấn đề thời sự, và chúng thậm chí có thể tạo ra các nền tảng ngầm cho tư duy trong trường hợp chúng ta quên lãng hầu hết các lý thuyết vốn là nguồn cơn gây ra sự chia rẽ giữa các nhà tư tưởng mà chúng ta chịu ơn.

Khi điều này xảy ra, lịch sử các ý tưởng trở thành chủ đề có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Nó có thể giúp chúng ta nhận thức được phần lớn những điều chi phối tư tưởng của chúng ta mà chính bản thân chúng ta rõ ràng không hay biết điều này. Nó cũng có thể phục vụ các mục đích của hoạt động phân tâm bằng cách phơi bày những nhân tố vô thức quyết định lập luận của chúng ta, và có lẽ giúp đỡ chúng ta tẩy rửa tâm trí khỏi những ảnh hưởng đã làm chúng ta lạc lối trong các vấn đề của thời đại chúng ta.

Mục đích của tôi là chỉ ra rằng chúng ta đang ở trong tình trạng như vậy. Luận đề của tôi là: không chỉ nửa sau của thế kỷ XIX mà cả thời đại của chúng ta, đa phần cách tiếp cận đặc trưng trong địa hạt tư tưởng xã hội dựa trên sự đồng tình của hai nhà tư tưởng thường được coi là có tư duy trái ngược nhau hoàn toàn: nhà “duy tâm” người Đức Georg Willhelm Friedrich Hegel và nhà “thực chứng” người Pháp Auguste Comte. Trong một vài lĩnh vực, hai người này thực sự đại diện cho các thái cực hoàn toàn trái ngược trong tư tưởng triết học đến mức họ cứ như là thuộc về các thời đại khác nhau và thậm chí họ còn rất ít khi bàn luận về cùng những vấn đề nào đó. Tuy nhiên, ở đây tôi không quan tâm nhiều lắm đến hệ thống tư tưởng triết học tổng thể của họ. Điều khiến tôi quan tâm chủ yếu là ảnh hưởng của họ đối với lý thuyết xã hội. Chính ở trong lĩnh vực này mà ảnh hưởng của các ý tưởng triết học có thể trở nên sâu sắc và bền vững nhất. Và có lẽ không có sự minh họa nào về các tác động sâu xa của các ý tưởng trừu tượng lại tốt hơn cái ảnh hưởng mà tôi sẽ trình bày ngay dưới đây.

II.

Trước hết tôi lưu ý ngay rằng việc tôi phát hiện ra những khía cạnh tương tự về ảnh hưởng của Hegel và Comte trong một bầu không khí vẫn còn tràn ngập niềm tin cho rằng giữa họ có sự đối lập hoàn toàn không phải là mới mẻ gì. Tôi có thể đưa ra cho bạn một danh sách dài và sẽ đề cập ngay tới một số các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng điển hình nổi bật, những người đã chỉ ra sự giống nhau như vậy. Thực tế đáng quan ngại là những nghiên cứu này hết lần này đến lần khác được tiến hành trong bầu không khí của sự ngạc nhiên và khám phá, và rằng những tác giả của chúng luôn cảm thấy một chút lo lắng về sự mạnh bạo của chính họ và luôn e ngại rằng họ sắp vượt ra ngoài khuôn khổ chỉ nêu ra một số điểm tương đồng riêng rẽ. Tuy nhiên, nếu như tôi không nhầm thì giữa hai nhà tư tưởng này có sự tương đồng lớn hơn nhiều, và những ảnh hưởng của họ trong khoa học xã hội thực sự kinh khủng hơn nhiều so với những gì ta hằng nhận thức được.

Nhưng trước khi xem xét một số các khía cạnh đã được phát hiện trước đây, tôi có trách nhiệm phải đính chính một sai lầm chung khiến cho vấn đề tổng thể bị sao lãng. Đó là quan điểm cho rằng sự giống nhau giữa họ là bởi vì Hegel đã ảnh hưởng tới Comte 2. Người ta tin vào điều này là vì các ý tưởng của Comte được biến đến rộng rãi khi bộ sáu tập Cours de philosophie positive của ông ra mắt trong khoảng thời gian 1830-1842, còn Hegel thì lại mất vào năm 1831. Tuy nhiên, tất cả các ý tưởng quan trọng của Comte đã được trình bày ngay từ năm 1822 trong cuốn sách thời trai trẻ của ông System of Positive Policy 3, và cái cuốn được xem như là opuscule fondamentale [sách yếu lược] này, như cách ông gọi sau này, cũng hiện diện như là một trong các tác phẩm chủ đạo của nhóm theo chủ nghĩa Saint-Simon và rõ ràng nó đã vươn tới một số lượng độc giả rộng lớn hơn và tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn so với bộ Cours trực tiếp tạo ra. Đối với tôi, nó dường như là một trong những tiểu luận có sức ảnh hưởng vào bậc nhất của thế kỷ XIX; nó rõ ràng xuất sắc hơn hẳn những tập Cours buồn tẻ được biến đến rộng rãi ngày nay. Nhưng thậm chí bộ Cours, tác phẩm không khác gì hơn là sự phức tạp hóa các ý tưởng được thu gọn trong bài tiểu luận nhỏ đó, đã được chuẩn bị ngay từ năm 1826 và được truyền đến cho những độc giả xuất chúng dưới dạng một loạt các bài giảng vào 1828 4. Vì vậy, so với các tác phẩm chính của Hegel liên quan đến chủ đề quan tâm ở đây, các ý tưởng chính của Comte được xuất bản trong cùng năm với Philosophy of Law [Triết học pháp quyền], trong vòng cùng vài năm với Encyklopaedie [Bách khoa toàn thư], và tất nhiên là trước Philosophy of History [Triết học lịch sử] vốn được xuất bản sau khi Hegel mất. Nói cách khác, mặc dù Comte thuộc lớp trẻ sau Hegel 28 năm, chúng ta vẫn cần coi họ như là những người cùng thời kỳ, và vì vậy hoàn toàn có đủ cơ sở khi cho rằng có thể Hegel chịu ảnh hưởng từ Comte ở mức độ tương đương như Comte chịu ảnh hưởng từ Hegel.

Dù cho hiện tại bạn có thể đánh giá tầm quan trọng của Hegel cao hơn, thậm chí trên nhiều phương diện coi ông là người xuất sắc nhất, thì mức độ giống nhau giữa họ cũng đã được thừa nhận. Vào năm 1824, học trò trẻ tuổi của Comte là Gustave d’Eichthal đến Đức học. Trong các bức thư gửi Comte, anh ta kể lại rất hào hứng những phát hiện của mình về Hegel 5. Liên quan tới các bài giảng của Hegel về triết học lịch sử, anh ta viết “có một sự trùng hợp kỳ lạ giữa các kết quả nghiên cứu của thầy [với của Hegel] mặc dù có sự khác biệt về các nguyên lý, ít nhất là ở vẻ bên ngoài”. Anh ta tiếp tục viết tiếp rằng “sự trùng hợp giữa các kết quả nghiên cứu hiện diện ngay cả đối với các nguyên lý thực tiễn, vì Hegel là người bảo vệ sự hiện diện của các chính phủ, nghĩa là ông ta là kẻ thù của những người theo trường phái tự do”. Một vài tuần sau, d’Eichthal báo lại rằng ông đã đưa bản sao bài luận của Comte cho Hegel và Hegel đã bày tỏ sự thích thú và khen ngợi phần đầu tiên mặc dù ông nghi ngờ ý nghĩa của phương pháp quan sát được đề cập trong phần hai. Và sau đó không lâu, Comte thậm chí bày tỏ niềm hy vọng ngây thơ rằng “đối với ông, Hegel dường như là người Đức có khả năng phát triển triết học thực chứng tốt nhất” 6 

Như tôi đã nói, có rất nhiều các nghiên cứu sau này chỉ ra những nét tương tự giữa hai người. Tuy nhiên, mặc dù những tác phẩm được biết đến rộng rãi như Philosophy of History [Triết học lịch sử] của R. Flint 7 History of European Thought [Lịch sử tư tưởng châu Âu] của J. T. Merz 8, và những học giả nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như Alfred Fouillée 9, Émile Meyerson 10 , Thomas Wittaker 11, Ernst Troeltsch 12 và Eduard Spranger 13đều có bình luận hay bàn luận về điều này – còn nhiều người khác nữa mà tôi đành phải đề cập đến tên của họ trong phần chú thích 14 – thì hầu như chúng ta vẫn còn chưa thấy những nỗ lực tìm hiểu một cách có hệ thống những nét giống nhau này giữa Comte và Hegel. Ở đây, tôi cũng nên nhắc tới công trình của Friedrich Dittmann so sánh các triết luận về lịch sử giữa Comte và Hegel 15, tác phẩm mà tôi sẽ khai thác ở một vài góc độ.

III.

Một điều có lẽ có giá trị hơn bất cứ một danh sách những cái tên của những người nhận ra những nét tương tự giữa Comte và Hegel là việc một loạt các nhà tư tưởng xã hội trong hơn một trăm năm qua chứng nhận vai trò đáng kể của mối liên hệ này. Thực ra thì việc không nhận ra được những nét tương tự giữa hai học thuyết khai nguồn này chẳng thấm vào đâu so với việc không nhận ra được rằng có một số lượng đáng kể các tên tuổi hàng đầu đã từng thành công trong việc kết hợp các ý tưởng của Hegel và Comte để sáng tạo ra tư tưởng của chính mình. Một lần nữa, tôi chỉ có thể đưa ra một vài cái tên thuộc dạng này 16. Nhưng nếu tôi kể với bạn rằng danh sách này bao gồm cả Karl Marx, Friedrich Engels, và có thể cả Ludwig Feuerbach ở Đức, Ernest Renan, Hippolyte Taine và Emile Durkheim ở Pháp, Giuseppe Mazzini ở Italia – và tôi có lẽ nên đưa thêm cả Benedetto Croce và John Dewey vào trong danh sách những người còn sống – thì bạn sẽ bắt đầu hiểu được ảnh hưởng của họ đi xa tới đâu. Có lẽ các bạn sẽ ý thức được tầm quan trọng của ảnh hưởng cộng hưởng của hai tác gia này khi xem phần trình bày tiếp theo của tôi rằng nguồn gốc của phần lớn những gì hiện nay được gọi là xã hội học vốn xuất hiện trong vòng hơn một thế kỷ qua và đặc biệt bộ phận mới nhất và tham vọng nhất của nó, xã hội học nhận thức, đều có chung một nguồn gốc với các phong trào trí thức rộng lớn, được gọi bằng một cái tên đầy nghịch lý, chủ nghĩa duy lịch sử, vốn tiếp cận hiện tượng lịch sử theo một cách thức rất phi lịch sử.

Trước khi tôi bắt tay vào công việc chính, tôi phải thú nhận đôi chút về một điều rất cơ bản: tôi phải chân thành thông báo cho các bạn biết về một khiếm hụt nghiêm trọng trong cách tiếp cận của tôi đối với vấn đề này. Về Comte, đúng là tôi hoàn toàn bất đồng với phần lớn quan điểm của ông. Nhưng sự bất đồng này vẫn thuộc loại có thể tiến hành một bàn luận hữu ích nào đó bởi vì ít nhất [giữa ông và tôi] còn có một nền tảng chung. Nếu đúng là sự phê phán có giá trị chỉ khi ta tiếp cận đối tượng nghiên cứu của người kia với mức độ chia sẻ chung chí ít như tôi có đối với Comte thì tôi e là tôi không hội đủ tiêu chuẩn để làm điều này đối với Hegel. Khi nói tới ông, tôi luôn có cảm giác, không những chỉ giống như một người Anh ngưỡng mộ ông sâu sắc nhất đã phát biểu, rằng triết học của ông là “một sự nghiền ngẫm ở một tầm uyên thâm cao đến độ phần lớn chúng là thứ không thể hiểu được” 17, mà còn như điều mà John Stuart Mill đã trải nghiệm: ông “đã nhận thấy bằng kinh nghiệm thực tế của mình… rằng việc giao thiệp với [Hegel] khiến cho trí tuệ của ta bị hao tổn” 18. Vì vậy, tôi phải cảnh báo các bạn rằng tôi không giả vờ là mình hiểu Hegel. Nhưng cũng thật may mắn cho công việc của tôi là việc thông hiểu đầy đủ hệ thống lý luận của ông là không cần thiết. Tôi tin rằng tôi hiểu rõ các phần trong học thuyết của ông mà đã có ảnh hưởng hoặc được cho là có ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành khoa học xã hội. Thực sự thì chúng quá nổi tiếng đến mức nhiệm vụ của tôi phần lớn chỉ còn là chỉ ra rằng rất nhiều quá trình phát triển thường được gán cho là chịu sự ảnh hưởng bởi Hegel thì trên thực tế lại hoàn toàn có thể bắt nguồn từ Comte. Đối với tôi thì sự hỗ trợ mà trường phái Hegel nhận được từ Comte mới chính là điều giúp chúng ta lý giải tương đối thỏa đáng cho cái điều vẫn còn chưa tường minh là: trong lĩnh vực khoa học xã hội, tư duy và ngôn ngữ của trường phái Hegel vẫn còn tiếp tục ngự trị rất lâu sau khi, trong các lĩnh vực khoa học khác, quyền lực của triết học Hegel đã bị khoa học chính xác thế chỗ.

IV.

Tuy nhiên, có một khía cạnh mà các lý thuyết về tư duy của cả Comte và Hegel đều chia sẻ; tôi phải đề cập tới điều này vì chính chủ đề của chúng ta ở đây và vì nó sẽ mang tới cho tôi một cơ hội liên tưởng tới một câu hỏi thú vị mà tôi không có thời gian để xem xét trong chương này: nguồn gốc ban đầu khiến họ có các ý tưởng chung.

Cái khía cạnh chung trong các học thuyết của họ mà tôi muốn nói tới là một thứ thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau: thái độ của họ đối với nghiên cứu thực nghiệm. Đối với Comte, điều này chính xác là khoa học; đối với Hegel, điều này hoàn toàn nằm ngoài cái mà ông gọi là khoa học, mặc dù ông không hề hạ thấp vai trò của tri thức thực tiễn khi nó được sử dụng trong đúng lĩnh vực của nó. Điều đưa họ đến với nhau là niềm tin của họ, rằng khoa học thực nghiệm cần phải thuần túy mô tả, khuôn mình vào việc tìm ra các hiện tượng xuất hiện thường xuyên cho các hiện tượng quan sát. Họ đều là những nhà hiện tượng học khắt khe theo nghĩa này, nghĩa là họ phủ nhận việc khoa học thực nghiệm có thể phát triển từ việc mô tả tới việc giải thích. Việc nhà thực chứng Comte coi mọi giải thích, mọi việc thảo luận về cách thức hình thành các hiện tượng là một công việc siêu hình vô ích, trong khi Hegel lại bảo lưu điều này trong triết học duy tâm của mình về tự nhiên, là một câu chuyện khác. Quan điểm của họ về chức năng của nghiên cứu thực nghiệm, như Émile Meyerson đã xuất sắc chỉ ra 19, gần như hoàn toàn tương đồng với nhau. Ví dụ khi Hegel lập luận rằng “nghiên cứu thực nghiệm không có nhiệm vụ khẳng định sự tồn tại của bất kỳ điều gì mà nhận thức bằng giác quan (sense perception) không biết đến” 20, ông là một nhà thực chứng hệt như Comte.

Ngày nay, không nghi ngờ gì, cách tiếp cận hiện tượng luận đối với các vấn đề của khoa học thực nghiệm hiện đại bắt nguồn từ Descartes, người mà cả hai triết gia của chúng ta đều trực tiếp hàm ơn. Và tôi cũng tin rằng điều này cũng đúng với khía cạnh cơ bản thứ hai mà họ chia sẻ và chúng ta dễ dàng tìm thấy các điểm chi tiết về sự đồng thuận giữa họ liên quan đến khía cạnh này: đó là, họ cùng chia sẻ chủ nghĩa duy lý (rationalism), hay đúng hơn, chủ nghĩa duy trí (intellectualism). Chính Descartes là người đầu tiên kết hợp các ý tưởng rõ ràng là không tương thích này của cách tiếp cận hiện tượng luận và cảm giác luận đối với khoa học vật lý với quan điểm duy lý về nhiệm vụ và chức năng của con người 21. Liên quan đến những khía cạnh chính mà chúng ta quan tâm ở đây, chính nhờ Montesquieu 22, d’Alembert 23, Turgot và Condorcet ở Pháp, Herder 24, Kant và Fitche ở Đức mà di sản của Descartes được truyền lại cho Hegel và Comte. Nhưng những điều mà đối với những nhân vật trung gian này chỉ đơn thuần là những gợi ý táo bạo và có tính khuyến khích thì với hai triết gia của chúng ta đã trở thành nền tảng cho hai hệ thống tư tưởng thống trị trong thời đại của họ. Vì thế, khi nhấn mạnh rằng các sai lầm của cả Hegel và Comte đều bắt nguồn từ Descartes, thì tất nhiên tôi không có ý hạ thấp những đóng góp to lớn của Descartes đối với tư tưởng hiện đại. Tuy nhiên, như là một định mệnh đối với rất nhiều ý tưởng khai nguồn, chúng thường tiến đến một giai đoạn thoái trào khi những thành công của chúng khiến chúng bị ứng dụng vào trong những lĩnh vực mà chúng không còn thích hợp nữa. Và tôi tin rằng đây là điều mà Comte và Hegel đã làm.

V.

Quay sang lĩnh vực lý thuyết xã hội, chúng ta có thể thấy rằng những ý tưởng chính mà cả Helgel và Comte đều chia sẻ có quan hệ chặt chẽ với nhau đến mức chúng ta gần như có thể biểu đạt tất cả chúng chỉ trong một câu tại đó chúng ta xem xét cẩn trọng ý nghĩa của từng từ một. Một câu như vậy có lẽ như thế này: mục tiêu trung tâm của mọi nghiên cứu xã hội là phải hướng đến việc xây dựng một lịch sử tổng quát cho toàn thể nhân loại, được hiểu như là một lược đồ về sự phát triển tất yếu của xã hội loài người dựa trên những quy luật có thể nhận biết được. Nó tiêu biểu cho quy mô xâm nhập của các ý tưởng của họ vào trong toàn bộ bầu không khí trí tuệ trong thời đại của chúng ta đến mức, nói trắng ra, chúng giờ đây gần như đã trở thành sáo rỗng. Chỉ khi chúng ta đi sâu vào phân tích nội dung và các ngụ ý của mệnh đề này chúng ta mới có thể hiểu được bản chất dị thường của cái dự định mà nó đề xuất.

Trước tiên, những quy luật mà cả hai ông tìm kiếm đều là những quy luật về sự phát triển của tâm trí con người, dù là giữa hai ông có đôi chút khác biệt – đối với Comte, đó là những “quy luật tự nhiên” 25 trong khi đối với Hegel, đó là những nguyên lý siêu hình. Nói một cách khác, họ đều tuyên bố rằng các tâm trí cá thể của chúng ta, ngoài việc đóng góp vào quá trình phát triển này, còn có khả năng lĩnh hội quá trình này như một tổng thể. Sự tiếp nối tất yếu của các giai đoạn phát triển tâm trí con người vốn được quyết định bởi các quy luật động này cũng chính là nhân tố quyết định sự tiếp nối tương ứng của của những nền văn minh, nền văn hóa, Volksgeister [Tinh thần quốc gia dân tộc], hay những hệ thống xã hội khác nhau.

Tiện đây tôi muốn nói rằng việc họ cùng nhấn mạnh đến vai trò chính yếu của sự phát triển trí tuệ theo quá trình này không hề mâu thuẫn với thực tế là cái truyền thống có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất mà họ cùng vun đắp lại dần bị người ta gọi sai lệch là cách lý giải “duy vật” về lịch sử. Comte, về điểm này cũng như trong rất nhiều những điểm khác, so với Hegel, có lẽ gần với Marx hơn, đã đặt nền móng cho sự phát triển này bằng việc nhấn mạnh đến tầm quan trọng vượt trội của tri thức tự nhiên của chúng ta; và rốt cuộc, nhận định cơ bản của cái gọi là sự lý giải duy vật (hay đúng hơn, mang tính công nghệ) về lịch sử đơn giản chỉ là: chính tri thức của chúng ta về tự nhiên và về những triển vọng công nghệ là cái quyết định sự phát triển của những lĩnh vực khác. Cái niềm tin rằng tâm trí của một người có khả năng giải thích được chính bản thân nó và những quy luật phát triển trong quá khứ và tương lai của nó – tôi không có đủ điều kiện để giải thích ở đây tại sao điều này đối với tôi dường như lại chứa đựng một mâu thuẫn 26 – là một yếu tố giống nhau cốt tủy giữa hai người, là điều chính yếu được Marx chắt lọc từ Hegel và Comte, và rồi lại được các môn đồ của Marx tiếp nhận.

Quan niệm về những quy luật về sự tiếp nối nhau của những giai đoạn riêng biệt trong quá trình phát triển của tâm trí con người nói chung và trong tất cả những hình thức biểu hiện và cụ thể hóa của nó nói riêng hiển nhiên ngụ ý rằng chúng ta có thể nắm bắt được những tổng thể hay những tập thể này một cách trực tiếp giống như những cá thể thuộc một loài sinh vật: rằng chúng ta có thể nhận biết một cách trực tiếp những nền văn minh hay những hệ thống xã hội dưới dạng những thực tế khách quan, có sẵn. Nhận định này hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên trong một hệ thống duy tâm như của Hegel, nghĩa là, như một sản phẩm của chủ nghĩa duy thực khái niệm (conceptual realism) hay của “chủ nghĩa bản chất” 27. Thoạt tiên, nó dường như không phù hợp với một hệ thống theo chủ nghĩa tự nhiên như của Comte. Tuy nhiên, thực tế là hiện tượng luận của ông, cái học thuyết né tránh tất cả những hiện tượng tâm trí và cho phép ông chỉ công nhận những gì có thể được quan sát một cách trực tiếp, đã buộc ông phải ở vào một vị trí tương tự như là của Hegel. Do ông không thể phủ nhận sự tồn tại của những cấu trúc xã hội, nên ông vẫn phải thừa nhận rằng chúng được biết đến một cách trực tiếp nhờ kinh nghiệm. Trên thực tế, ông còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng, không còn nghi ngờ gì, những tổng thể xã hội được biết đến đầy đủ hơn và cho phép quan sát trực tiếp tốt hơn những phần tử cấu thành chúng 28, và do đó lý thuyết xã hội phải bắt đầu từ sự hiểu biết của chúng ta về những tổng thể 29 được nắm bắt một cách trực tiếp. Do đó, không khác mấy so với Hegel, ông đã bắt đầu từ những khái niệm trừu tượng được nhận biết bằng trực giác về xã hội hay sự văn minh hóa, và rồi từ đó rút ra những tri thức về cấu trúc của khách thể bằng con đường suy diễn. Xa hơn nữa, ông thậm chí còn tuyên bố đầy chắc chắn, điều đáng ngạc nhiên trong tư cách của một một nhà thực chứng, rằng từ quan niệm về cái tổng thể, chúng ta có thể rút ra tri thức tiên nghiệm về những mối quan hệ tất yếu giữa những bộ phận 30. Đây chính là điều giải thích cho việc tại sao chủ nghĩa thực chứng của Comte đôi khi bị coi là một hệ thống của chủ nghĩa duy tâm 31. Giống như Hegel, ông coi những cấu trúc xã hội mà trên thực tế chúng ta chỉ có thể biết được bằng cách tái lập chúng, hay tạo dựng chúng, từ những phần tử quen thuộc như là những “cái cụ thể của cái tổng quát” 32; và ông thậm chí còn vượt xa hơn cả Hegel khi tuyên bố rằng chỉ có xã hội như là một tổng thể mới có thật và rằng cá nhân chỉ là một lát cắt của cái xã hội đó mà thôi 33.

VI.

Sự tương đồng giữa Comte và Hegel trong việc xem xét quá trình tiến hóa xã hội không chỉ giới hạn trong những khía cạnh mang tính phương pháp luận này. Ở một mức độ nhất định, đối với cả hai, xã hội là một tổ chức hữu cơ theo nghĩa đen. Cả hai đều so sánh những giai đoạn mà quá trình tiến hóa xã hội phải trải qua với những độ tuổi khác nhau mà một cá nhân phải trải qua trong cuộc đời mình. Và đối với cả hai, sự phát triển khả năng kiểm soát có ý thức số phận của mình bởi con người là nội dung chủ đạo của lịch sử [loài người].

Nói một cách chính xác thì cả Hegel và Comte đều không phải là những nhà sử học – mặc dù đây là một sự thật mới được biết đến cách đây không lâu vì là trước đây người ta có xu hướng gán cho họ, như là một sự đối lập với những bậc tiền bối của họ, danh hiệu “nhà sử học đích thực” 34 bởi lẽ họ là hiện thân của “khoa học”, là những người hướng đến không gì khác hơn việc khám phá ra những quy luật. Song cái “phương pháp lịch sử” mà họ trình bày đã nhanh chóng thay thế quan điểm của trường phái lịch sử vĩ đại do Niebuhr hay Ranke thiết lập. Thông thường người ta hay cho rằng Hegel đã khởi xướng chủ nghĩa duy lịch sử sau này 35 vì chủ nghĩa này tin vào sự tiếp nối tất yếu của “các giai đoạn” vốn hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tuy nhiên, ảnh hưởng của Comte đối với chủ nghĩa này có lẽ còn mạnh hơn Hegel.

Do tình trạng mơ hồ của ngôn ngữ chuyên môn liên quan đến những vấn đề này 36, để cho rõ ràng, tôi phân biệt rạch ròi giữa “trường phái lịch sử” (historical school) của đầu thế kỷ XIX và của đại đa số những nhà sử học chuyên nghiệp sau này với chủ nghĩa duy lịch sử (historicism) của những người theo Marx, Schmoller hay Sombart. Những người trong nhóm sau tin rằng, bằng việc tìm ra những quy luật của sự phát triển, họ đã có trong tay cái chìa khoá duy nhất để mở cánh cửa tri thức đích thực về lịch sử, và họ tuyên bố một cách ngạo mạn, phi lý và lộ liễu rằng những tác gia trước đó, và đặc biệt là những người ở thế kỷ XVIII, hoàn toàn “không phải là những nhà sử học”. Chẳng hạn, đối với tôi, trên nhiều phương diện việc David Hume tin rằng thời đại của ông là “thời đại lịch sử và quốc gia [của ông] là quốc gia lịch sử” 37 thực sự chính đáng hơn nhiều so với việc những người theo chủ nghĩa duy lịch sử cố tìm cách biến lịch sử thành một môn khoa học lý thuyết. Những lạm dụng mà chủ nghĩa duy lịch sử này khó có thể tránh khỏi được minh họa rõ nét qua một thực tế rằng ngay cả một nhà tư tưởng rất có cảm tình với nó như Max Weber cũng đã từng phải thốt ra là toàn bộ Entwicklungsgedanke [tư tưởng về sự phát triển] là một “sự lừa đảo lãng mạn” 38. Tôi hầu như chẳng có gì để bổ sung thêm vào sự phân tích bậc thầy của bạn tôi, Karl Popper, người phụ trách chuyên san Economica trong thời chiến 39, về chủ nghĩa duy lịch sử này, trừ trách nhiệm nhấn mạnh rằng vai trò của Comte đối với chủ nghĩa thực chứng nhiều như vai trò của Plato đối với Hegel.

Xin được phép nhắc lại, chủ nghĩa duy lịch sử này rất ít được những nhà sử học chân chính quan tâm so với những đại diện của những ngành khoa học xã hội khác, những người đã áp dụng những cái mà họ tin là “phương pháp lịch sử”. Gustav Schmoller, nhà sáng lập của trường phái lịch sử thế hệ sau trong kinh tế học, có lẽ là một ví dụ điển hình nhất của mẫu người đã được dẫn đường bằng triết học của Comte thay vì của Hege 40. Tuy nhiên, nếu ảnh hưởng của loại chủ nghĩa duy lịch sử này đáng kể nhất trong kinh tế học, thì nó lại là một trào lưu, bắt đầu ở Đức và sau đó là các nơi khác, tác động đến tất cả các ngành khoa học xã hội. Có thể chỉ ra rằng nó đã ảnh hưởng tới lịch sử nghệ thuật 41 chẳng kém gì mức độ ảnh hưởng của nó tới nhân loại học và triết học. Và mức độ phổ biến sâu rộng mà “các triết lý về lịch sử” gặt hái được trong suốt hàng trăm năm qua, những lý thuyết đã gán cho tiến trình lịch sử một “ý nghĩa” có thể lý giải, những lý thuyết đã làm ra vẻ chỉ ra cho chúng ta một định mệnh có thể nhận biết được của loài người, là kết quả mang đậm dấu ấn của sự ảnh hưởng kết hợp từ cả Hegel và Comte.

VII.

Ở đây tôi sẽ không đi sâu tiếp vào một điểm giống nhau khác nữa, mà có lẽ chỉ ở bề ngoài, giữa hai học thuyết của họ: đối với Comte, sự phát triển tất yếu diễn ra theo quy luật ba giai đoạn nổi tiếng, trong khi đối với Hegel, sự phát triển của tâm trí diễn ra theo một nhịp điệu ba bước tương tự của một quá trình biện chứng đi từ chính đề đến phản đề và hợp đề. Một thực tế có ý nghĩa quan trọng hơn là: với cả hai người, lịch sử tiến đến một kết cục đã được định trước, và có thể lý giải được nó dưới dạng thuyết cứu cánh như là một kết quả nối tiếp của các mục đích đã đạt được.

Quyết định luận lịch sử của họ – mà theo đó, không chỉ các sự kiện lịch sử đã được định đoạt bằng cách này hay cách khác, mà chúng ta còn có thể nhận ra được vì sao chúng nhất định phải diễn ra theo một tiến trình cụ thể nào đó – nhất thiết bao hàm thuyết định mệnh tuyệt đối: con người không thể thay đổi tiến trình của lịch sử. Với Comte, ngay cả những cá nhân kiệt xuất cũng chỉ là “các công cụ” 42 hoặc “các bộ phận của một xu hướng tiền định” 43, hay với Hegel, họ là Geschäftsführer des Weltgeistes [những người cai quản Tinh Thần Thế Giới], những người mà Lý-Trí sử dụng họ vì những mục đích của chính nó.

Không có chỗ cho tự do trong một hệ thống như vậy: với Comte, tự do là “sự khuất phục đầy lý tính trước sự thống trị của các quy luật tự nhiên” 44 – dĩ nhiên đấy là các quy luật tự nhiên của ông về sự phát triển tất yếu; đối với Hegel, tự do là sự nhận thức được tính tất yếu 45. Và vì cả hai đều nắm giữ bí mật về “sự thống nhất trí tuệ cuối cùng và vĩnh viễn” 46 mà Comte cho là sự tiến hóa sẽ hướng đến, hay bí mật về “chân lý tuyệt đối” theo quan niệm của Hegel, nên họ đều cho là mình có quyền dựng nên một nền chính thống mới. Nhưng tôi phải thừa nhận là, ở khía cạnh này cũng như trên nhiều khía cạnh khác, một Hegel rối rắm vẫn tự do phóng khoáng hơn rất nhiều so với một Comte “khoa học”. Ở Hegel, ta không thấy có những ý kiến phản đối kịch liệt quyền tự do không giới hạn của tín ngưỡng như trong xuyên suốt các tác phẩm của Comte, và nỗ lực của Hegel trong việc sử dụng bộ máy chính quyền Phổ để áp đặt một học thuyết chính thống 47 có vẻ rất hiền lành khi đặt bên cạnh kế hoạch của Comte về một “tôn giáo nhân văn” mới và những hoạch đồ hoàn toàn chống lại chủ nghĩa tự do của ông nhằm tạo ra cái khuôn phép mà ngay cả người ngưỡng mộ đã quá cố của ông là John Stuart Mill cuối cùng cũng phải liệt chúng vào loại “phá hoại tự do” 48.

Tôi không có nhiều thời gian để trình bày chi tiết việc những thái độ chính trị tương tự này đã được phản ánh như thế nào trong những đánh giá không kém phần giống nhau về các giai đoạn lịch sử khác nhau hoặc các thể chế khác nhau. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ tiêu biểu là cả hai nhà tư tưởng của chúng ta đều không ưa nhà nước Hy Lạp thời Pericles (Periclean Greece) và thời Phục hưng, nhưng lại đều ngưỡng mộ Frederick Đại Đế 49.

VIII.

Điểm đồng thuận quan trọng cuối cùng giữa Hegel và Comte mà tôi sẽ đề cập đến hoàn toàn chỉ là một hệ quả của chủ nghĩa duy lịch sử. Nhưng vì nó có quá nhiều ảnh hưởng độc lập nên tôi phải bàn riêng về nó. Đó là chủ nghĩa tương đối về đạo đức có tính triệt để của họ (thorough moral relativism). Nghĩa là, họ xác tín rằng: hoặc tất cả mọi quy tắc đạo đức đều có thể chấp nhận được tùy theo hoàn cảnh hay thời điểm, hoặc chỉ những quy tắc đúng đắn mới có thể được chấp nhận công khai; và không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ họ khẳng định điều nào trong hai điều này. Ý tưởng này tất nhiên chỉ đơn thuần là một ứng dụng của quyết định luận lịch sử, của niềm tin rằng chúng ta có thể giải thích cặn kẽ vì sao con người ở các thời đại khác nhau lại tin vào những điều mà trên thực tế họ đã tin. Sự am hiểu giả tạo này về việc tư tưởng của con người được định hình như thế nào ngụ ý rằng nó xác nhận chúng ta có thể biết được con người sẽ phải tin vào điều gì trong những hoàn cảnh nhất định nào đó, và chúng ta có thể loại bỏ tất cả các quy tắc đạo đức không thể biện giải vì chúng không hợp lý hoặc không phù hợp.

Về điểm này, chủ nghĩa duy lịch sử thể hiện hết sức rõ ràng đặc tính duy lý hay duy trí của nó50: bởi vì chúng ta có thể hiểu được các yếu tố xác định toàn bộ tiến trình lịch sử, nên chỉ những lực lượng mà chúng ta hiểu được đầy đủ mới có thể tham gia vào tiến trình này. Thái độ của Comte về vấn đề này thật ra không khác nhiều so với phát biểu của Hegel, rằng tất cả những gì có thực đều hữu lý và tất cả những gì hữu lý đều có thực51 – chỉ khác là thay vì nói “hữu lý” Comte lại nói là “tất yếu lịch sử” và vì thế “hợp lý” (justified). Theo nghĩa này, đối với ông mọi thứ đều hợp lý trong thời đại của nó, chiếm hữu nô lệ và sự tàn bạo, mê tín dị đoan và sự không dung thứ, bởi vì – điều này ông không nói ra nhưng được ngụ ý trong lập luận của ông – không có quy tắc đạo đức nào khiến chúng ta phải thừa nhận là vượt trên lý tính cá nhân của chúng ta, tức là không tồn tại một tiền định cho trước và vô thức đối với mọi tư tưởng của chúng ta, để giúp chúng ta xét đoán các vấn đề đạo đức. Thực ra, về đại thể ông không thể mường tượng ra bất cứ khả năng nào khác ngoại trừ hoặc một hệ thống đạo đức được thiết lập và truyền dụ bởi một đấng siêu nhiên (higher being) hoặc một hệ thống được minh định bởi chính lý tính của chúng ta52. Và giữa hai khả năng này thì đối với ông việc hệ thống “đạo đức được minh định” (demonstrated morals) [bởi lý tính] ưu việt hơn là chuyện không cần bàn cãi. Comte vừa kiên định lại vừa cực đoan hơn Hegel. Thật ra ông đã phát biểu quan niệm chủ đạo này ngay từ ấn phẩm đầu tiên của mình. Khi mới ở tuổi 19, ông đã viết: “Nói một cách tuyệt đối, chẳng có gì tốt và chẳng có gì xấu; mọi thứ đều tương đối, đó là phát biểu tuyệt đối đúng duy nhất.” 53

Tuy nhiên, riêng về điểm này, có thể tôi đã quá thổi phồng tầm ảnh hưởng của hai triết gia của chúng ta. Có thể hồi đó, họ chỉ đơn thuần chạy theo cái mốt chung của thời đại, một thứ mốt phù hợp với các hệ thống tư tưởng của họ. Chúng ta có thể thấy rõ chủ nghĩa tương đối về đạo đức lan truyền nhanh như thế nào vào thời ấy trong một cuộc trao đổi thư từ thú vị giữa Thomas Carlyle và John Stuart Mill. Ngay từ hồi tháng Giêng năm 1833, Carlyle viết cho Mill khi đề cập đến một tác phẩm mới xuất bản History of the French Revolution [Lịch sử Cuộc cách mạng Pháp] 54 rằng: “Chẳng phải cái người tên là Thiers này đưa ra một hệ thống Đạo đức thú vị in petto [một cách độc lập, riêng rẽ ND] đó sao? Anh ta chứng minh cho ông thấy rằng quyền lực để hoàn thành một công việc hầu như (nếu không nói là hoàn toàn) đã cho ta cái quyền được làm việc đó: mọi anh hùng của anh ta thành ra đều được biện minh một cách hoàn hảo – anh ta đã làm việc đó thành công” 55. Mill đáp lại như sau: “Ông đã mô tả hệ thống đạo đức của Thiers một cách vô cùng chính xác. Tôi e rằng đây cũng chỉ là một gã trong nhóm Litterateurs [những nhà văn] trẻ tuổi của Pháp, và rằng đó là tất cả những gì họ đã đạt được, xét về khía cạnh đạo đức, từ những nỗ lực bắt chước người Đức trong việc đồng nhất chính mình với quá khứ. Bằng việc liên tục thay đổi quan điểm của mình cho phù hợp với quan điểm của bất cứ ai họ muốn xét đoán, cùng với thuyết định mệnh lịch sử của mình, họ ắt đi đến chỗ xóa bỏ mọi phân biệt về đạo đức ngoại trừ thành côngkhông thành công 56. Điều thú vị là Mill, người biết rất rõ những ý tưởng này đã được truyền bá như thế nào tại Pháp bởi những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, vẫn dứt khoát gán sự xuất hiện những ý tưởng đó trong đầu một sử gia Pháp trẻ tuổi cho ảnh hưởng của người Đức.

Tôi chỉ có thể nhân tiện mà nói rằng những quan điểm này đã dẫn cả Comte và Hegel tới một chủ nghĩa thực chứng triệt để về pháp lý và đạo đức57 – và đôi khi đã liều lĩnh tiến gần đến học thuyết Chân lý thuộc về Kẻ mạnh (Might is Right). Tôi tin rằng chúng ta có bằng chứng rõ ràng rằng họ nằm trong số những ông tổ của truyền thống hiện đại của chủ nghĩa thực chứng về pháp lý. Xét cho cùng, đó chỉ là một hình thức biểu hiện khác của cùng một thái độ chung: sự khước từ thừa nhận bất cứ điều gì là có liên quan trừ phi nó được nhìn nhận là biểu hiện của lý tính có ý thức.

IX.

Điều này đưa tôi trở lại với ý tưởng trung tâm vốn dĩ đã phổ biến ẩn phía dưới tất cả những nét tương đồng đặc biệt giữa học thuyết của Comte và của Hegel. Ý tưởng đó là: nghiên cứu Lý-Tính con người, với chữ Lý-Tính viết hoa, từ bên ngoài, như vốn dĩ nó phải như vậy, giống như việc nghiên cứu một sự vật được cho trước một cách khách quan và có thể quan sát được như một tổng thể, như thể nó hiện hữu trước một tâm trí siêu đẳng (supermind), giúp chúng ta hoàn thiện những kết quả gặt hái được từ những cách tiếp cận cá thể chủ nghĩa trước đây với nỗ lực khiêm tốn của chúng là nhằm hiểu được các tâm trí đơn lẻ tương tác lẫn nhau như thế nào. Từ niềm tin rằng họ đã đạt được cái tham vọng cũ về se ipsam cognoscere mentem [tự mình nhận thức được tâm trí của mình], và rằng họ đã vươn đến một vị trí mà từ đó họ có thể tiên đoán tiến trình tương lai của sự phát triển của Lý-Tính, thì chỉ còn một bước nữa để họ đi đến cái ý tưởng còn ngông cuồng hơn rằng Lý-Tính giờ đây có thể tự nâng mình tới trạng thái cuối cùng hoặc tuyệt đối của mình. Chính trong cái ý tưởng sau chót này xuất hiện đặc điểm chung ở Hegel và Comte: sự ngạo mạn của trí tuệ (intellectual hubris), thứ đã được gieo mầm bởi Descartes và có thể cả Plato trước đó. Mối quan tâm đến sự vận động của Lý-Tính như một tổng thể không chỉ ngăn cản họ hiểu được cái quá trình qua đó sự tương tác giữa các cá nhân đã tạo ra các cấu trúc các mối quan hệ mà có các biểu hiện không một lý trí cá nhân nào có thể hiểu được đầy đủ, mà còn khiến họ không nhận ra được cái thực tế là nỗ lực của lý tính có ý thức nhằm điều khiển sự phát triển của chính mình sẽ chỉ có thể dẫn đến việc hạn chế chính sự tăng trưởng này vào trong khuôn khổ những điều mà cái tâm trí cá nhân [có vai trò] định hướng (the individual directing mind) có thể tiên đoán58. Cho dù nguyện vọng này là một sản phẩm trực tiếp của một loại chủ nghĩa duy lý nào đó, thì đối với tôi đó là kết quả của một thứ chủ nghĩa duy lý bị hiểu nhầm, đúng hơn phải gọi là chủ nghĩa duy trí– một dạng chủ nghĩa duy lý đã thất bại trong nhiệm vụ quan trọng nhất của nó, đó là nhận ra những giới hạn của những điều mà lý tính có ý thức của cá nhân có thể đạt tới.

Đáng chú ý là cả Hegel và Comte đều thất bại trong việc làm sáng tỏ bằng cách nào sự tương tác giữa nỗ lực của các cá nhân lại có thể tạo ra điều gì đó lớn hơn những gì các cá nhân đó biết. Trong khi Adam Smith và các nhà cá nhân chủ nghĩa Scotland vĩ đại khác của thế kỷ XVIII – ngay cả khi họ nói về “bàn tay vô hình” – đã đưa ra cách giải thích cho vấn đề này59, tất cả những gì Hegel và Comte đưa ra cho chúng ta lại là một thế lực cứu cánh huyền bí. Và trong khi chủ nghĩa cá nhân thế kỷ XVIII, vốn thực sự khiêm tốn trong tham vọng của nó, hướng đến việc thấu hiểu càng kỹ càng tốt những nguyên lý làm cho các nỗ lực cá nhân kết hợp với nhau nhằm tạo ra một nền văn minh có khả năng nhận biết được các điều kiện thuận lợi nhất để giúp nó tiếp tục phát triển, thì cả Hegel và Comte lại trở thành nguồn gốc chủ yếu của sự ngạo mạn của chủ nghĩa tập thể vốn hướng đến việc “định hướng có ý thức” cho mọi lực lượng xã hội.

X.

Đến đây tôi phải cố gắng minh họa ngắn gọn, thông qua một vài ví dụ nữa, cho những gợi ý tôi đã đưa ra về tiến trình mà ảnh hưởng chung của Hegel và Comte đã diễn ra. Một trong những trường hợp thú vị nhất đáng xem xét chi tiết chính là nhà triết học Đức, Ludwig Feuerbach, người đã từng rất nổi tiếng nhưng nay bị phần lớn người đời quên lãng. Trường hợp này còn đáng xem xét hơn nếu như con người từng theo trường phái Hegel ấy sau này đã trở thành người sáng lập chủ nghĩa thực chứng Đức mà không hề biết gì về Comte; nhưng hoàn cảnh thực tế đã cho thấy rất có khả năng ông ta, trong giai đoạn đầu, cũng đã biến đến Système[Hệ thống chính sách thực chứng], tác phẩm đầu tiên của Comte60. Tầm vóc ảnh hưởng lớn lao của ông, không chỉ đối với những người trong nhóm Hegel Trẻ cấp tiến mà còn đối với toàn bộ cả thế hệ tiếp sau, có thể được thấy rõ nhất trong tài liệu của Friedrich Engels, người đã mô tả việc tất cả bọn họ “ngay lập tức trở thành những môn đồ của Feuerbach” 61 như thế nào.

Sự pha trộn giữa chủ nghĩa Hegel và chủ nghĩa thực chứng do Feuerbach đề ra62 đã trở thành nét đặc trưng cho tư tưởng của toàn bộ nhóm những lý thuyết gia xã hội Đức xuất hiện trong những năm 1840. Năm 1842 là năm đánh dấu thời điểm một năm sau khi Feuerbach ly khai khỏi Hegel bởi vì, như ông nói sau này, ông đã nhận ra rằng chân lý tuyệt đối đơn thuần đồng nghĩa với người thầy (professor) tuyệt đối63, là năm mà tập cuối tác phẩm Cours của Comte ra mắt, là năm mà chàng trai trẻ Karl Marx bất ngờ gửi tác phẩm đầu tay của mình tới nhà xuất bản, và cũng là năm mà một tác gia khác nữa vốn có ảnh hưởng rất lớn và có tầm đại diện cho thời đại, Lorenz von Stein, xuất bản cuốn Socialism and Communism in France, ở đó ông thừa nhận việc cố gắng pha trộn tư tưởng của Hegel và Saint-Simon, và vì vậy cả tư tưởng của Comte, với nhau64. Có một điều dễ nhận thấy là trong tác phẩm này Stein đã dự báo phần lớn các lý thuyết lịch sử của Karl Marx65. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta thấy rằng một người khác, Jules Lechevalier người Pháp, người mà sau này được nhìn nhận như là một tiền nhân của Karl Marx, chính là một môn đồ cũ của Saint-Simon và trên thực tế đã từng theo học Hegel ở Berlin66. Ông ta đã đi trước Stein mười năm, nhưng trong một thời gian vẫn là một nhân vật bị cô lập ở Pháp. Nhưng tại Đức, chủ nghĩa thực chứng Hegel, nếu tôi có thể gọi nó như vậy, trở thành một xu hướng tư tưởng thịnh hành. Chính trong bầu không khí này mà Karl Marx và Friedrich Engels đã hình thành nên những lý thuyết lịch sử rất nổi tiếng của họ. Dù là những lý thuyết này phần nhiều theo ngôn ngữ của Hegel nhưng tôi tin rằng chúng mang ơn Saint-Simon và Comte nhiều hơn mức người đời nhìn nhận67. Và chính những nét tương đồng mà tôi vừa phân tích đã giúp họ có thể dễ dàng vận dụng ngôn ngữ của Hegel để trình bày một lý thuyết mà, như chính Marx nói, xét trên một số khía cạnh nào đó, đã đảo ngược Hegel.

Có lẽ cũng không phải là một sự tình cờ khi mà gần như vào cùng một thời điểm, trong các năm 1841 và 1843, có hai người tiếp cận việc nghiên cứu xã hội theo hướng gần với phương pháp của khoa học tự nhiên hơn là với phương pháp của Hegel. Đó là Friedrich List68 và Wilhelm Roscher69, những người đã khởi lập truyền thống duy lịch sử trong kinh tế học, cái truyền thống chẳng mấy chốc trở thành mô hình để các ngành khoa học xã hội khác hăng hái đi theo. Chính trong mười lăm hay hai mươi năm sau cái năm 1842 ấy70, các ý tưởng này đã phát triển và lan rộng, nhờ thế nước Đức lần đầu tiên đạt được vị trí dẫn đầu trong khoa học xã hội; và trong một chừng mực nào đó, thông qua việc tái xuất khẩu từ Đức (cho dù cũng có một phần từ Anh thông qua Mill và Buckle) mà những nhà sử học và xã hội học Pháp như Taine71 và Durkheim72 đã làm quen với xu thế thực chứng song song với việc đón nhận chủ nghĩa Hegel.

Chính dưới ngọn cờ của chủ nghĩa duy lịch sử phát sinh từ Đức này mà trong nửa sau của thế kỷ XIX đã diễn ra một cuộc tấn công quy mô lớn vào lý thuyết xã hội dựa trên chủ nghĩa cá nhân; nó đã khiến cho những nền móng của xã hội dựa trên chủ nghĩa cá nhân tự do bị nghi ngờ; và nó đã khiến cả thuyết định mệnh lịch sử lẫn thuyết tương đối về đạo đức trở thành những trào lưu thịnh hành. Và đặc biệt dưới ảnh hưởng của nó mà, từ Marx tới Sombart và Spengler, “các triết thuyết lịch sử” đã trở thành biểu trưng cao nhất cho tâm thế của thời đại đối với các vấn đề xã hội73. Tuy nhiên, biểu hiện đặc trưng nhất của nó có lẽ là cái-gọi-là ‘xã hội học nhận thức’, bộ môn mà cho tới ngày nay bao gồm hai nhánh riêng biệt nhưng rất giống nhau, thể hiện hai mạch tư tưởng bắt nguồn từ Comte và Hegel lúc thì vận hành song song lúc lại kết hợp với nhau như thế nào74. Và, cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, phần lớn chủ nghĩa xã hội hiện đại đã lấy nền tảng lý luận từ cái Alliance intellectuelle franco-allemande [Liên minh trí tuệ Pháp-Đức], như cách gọi của Celestin Bouglé75, cái mà về đại thể là sự liên minh giữa Chủ nghĩa Hegel của Đức và chủ nghĩa thực chứng của Pháp.

Tôi muốn kết thúc bản tóm tắt bản khảo lược lịch sử này bằng một lưu ý nữa. Sau năm 1859, đối với các ngành khoa học xã hội, ảnh hưởng của Darwin chỉ đơn thuần là một khẳng định về một xu thế đã tồn tại. Chủ nghĩa Darwin có lẽ đã thúc đẩy việc truyền bá các lý thuyết tiến hóa vốn đã định hình vào trong thế giới Anglo-Saxon. Nhưng nếu chúng ta xem xét các “cuộc cách mạng” khoa học này như là những nỗ lực đưa tư tưởng của Darwin vào trong các ngành khoa học xã hội, chẳng hạn như nghiên cứu của Thorstein Veblen và các môn đệ, thì trên thực tế chúng không khác gì mấy so với việc phục hưng các ý tưởng mà chủ nghĩa duy lịch sử Đức đã sản sinh dưới ảnh hưởng của Hegel và Comte. Tuy không có bằng chứng nhưng tôi vẫn ngờ rằng nếu tìm hiểu kỹ lưỡng hơn chúng ta có lẽ sẽ thấy ngay cả nhánh chủ nghĩa duy lịch sử tại Mỹ này cũng có mối liên hệ tương đối trực tiếp với những ý tưởng khai nguồn này76.

XI.                                                                 

Trong phạm vi một chương này chúng ta không thể phân tích thấu đáo một vấn đề quá lớn như vậy. Tôi không dám hy vọng rằng, với một vài nhận xét mà tôi có thể đưa ra về phả hệ của các tư tưởng, tôi đã thuyết phục được các bạn rằng những nhận xét ấy chính xác đến từng chi tiết. Tuy nhiên tôi tin rằng ít nhất tôi đã cung cấp đủ bằng chứng để thuyết phục các bạn về ý tưởng chính trong luận điểm của tôi: những ý tưởng len lỏi ngấm ngầm vào tư tưởng hiện đại vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến chúng ta và hầu như chẳng ai trong chúng ta nhận thấy điều này bởi vì chúng được chia sẻ bởi những nhà sáng lập có vẻ thuộc về những trường phái hoàn toàn đối lập nhau. Về những vấn đề [tư tưởng xã hội] này, chúng ta chủ yếu vẫn được dẫn dắt bởi những ý tưởng đã có từ ít nhất một thế kỷ, cũng giống như thế kỷ XIX chủ yếu được dẫn dắt bởi những ý tưởng của thế kỷ XVIII. Nhưng trong khi những ý tưởng của Hume và Voltaire, của Adam Smith và Kant đã tạo ra chủ nghĩa tự do của thế kỷ XIX thì những ý tưởng của Hegel và Comte, của Feuerbach và Marx, đã tạo ra chế độ toàn trị trong thế kỷ XX.

Có thể đúng là chúng ta, trên cương vị những học giả, có xu hướng phóng đại mức độ ảnh hưởng mà chúng ta có thể tạo ra đối với các vấn đề đương đại. Nhưng tôi nghi ngờ khả năng của chúng ta trong việc phóng đại ảnh hưởng về lâu về dài của các ý tưởng. Và không nghi ngờ gì, công việc đặc biệt của chúng ta là nhận ra những luồng tư tưởng vẫn đang hiện hữu trong dư luận, xem xét tầm quan trọng của chúng, và nếu cần thiết, bác bỏ chúng. Trong chương này tôi đã cố gắng vạch ra sơ lược ý đầu tiên của công việc ấy.

Chú thích:

(1) Bernard Bosanquet, The Meeting of Extremes in Contemporary Philosophy (London, 1921), p. 100.

(2) Xem Hutchinson Stirling, “Why the Philosophy of History Ends with Hegel and Not with Comte”, trong “Supplementary Note'' in trong A. Schwegler's Handbook of the History of Philosophy; and John Tulloch, trong Edinburgh Review 260 (1868). E. Troeltsch, Der Historismus und seine Probleme (Gesammelte Schriften III) (Tübingen, 1922), p. 24, có xu hướng cho rằng ngay cả ý tưởng nổi tiếng của Comte về quy luật ba giai đoạn là do ảnh hưởng của tư duy biện chứng của Hegel mặc dù quy luật này thực sự bắt nguồn từ Turgot. Xem thêm R. Levin, Der Geschichtsbegriff des Positivismus (Leipzig, 1935), p. 20.

(3) Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1822 trong Catéchisme des industrielles của H. de Saint-Simon với tiêu đề Plan for the Scientific Operations Necessary for Reorganizing Society và hai năm sau đó được xuất bản lại thành một ấn phẩm riêng rẽ với tiêu đề System of Positive Policy - “một tiêu đề vội vã nhưng phản ánh đúng tầm vóc” nỗ lực mà ông đã bỏ ra, như lời Comte nhận xét sau này khi ông tái xuất bản những tác phẩm ban đầu của mình như là một phụ lục của tác phẩm Système de politique positive. Bản dịch phụ lục này của D. H. Hutton được xuất bản vào năm 1911 dưới tiêu đề Early Essays in Social Philosophy do Routledge’s New Universal Library ấn hành, và các trích dẫn dưới đây liên quan đến các tiêu đề tiếng Anh được lấy từ ấn phẩm nhỏ bé này.

(4) Về giai đoạn đầu của Comte và mối quan hệ của ông với Saint-Simon, xem thêm phân tích hoàn chỉnh của H. Gouhier, La jeunesse d'Auguste Comte et la formation du positivisme, 3 vols. (Paris, 1933-40).

(5) Các bức thư Gustave d’Eichthal gửi Auguste Comte đề ngày 18/11/1824 và 12/01/1825. Lafitte, “Matériaux pour servir à la biographie d'Auguste Comte: Correspondance, d'Auguste Comte avec Gustave d'Eichthal”, La Revue Occidentale, 2d ser. 12 (19 année, 1891), pt. 2, pp. 186ff.

(6) Lettres d'Auguste Comte à divers (Paris, 1905), vol. 2, p. 86 (11 tháng 4 năm 1825).

(7) R. Flint, Philosophy of History in Europe (1874), vol. 1, pp. 262, 267, 281.

(8) J. T. Merz, History of European Thought (1914), vol. 4, pp. 186, 481 ff., 501-3.

(9) A. Fouillée, Le Mouvement positiviste (1896), pp. 268, 366.

(10) E. Meyerson, L'explication dans les sciences (1921), vol. 2, pp. 122-38.

(11) T. Wittaker, Reason: A Philosophical Essay with Historical Illustrations (Cambridge, 1934), pp. 7-9.

(12) Troeltsch, op. cit., p. 408.

(13) E. Spranger, “Die Kulturzyklentheorie und das Problem des Kulturverfalles'', Sitzungsberichte der Preussischen Akademie der Wissenschaften, Phiosophisch-Historische Klasse (1926), pp. x1ii ff.

(14) W. Ashley, Introduction to English History and Theory, 3d ed. (1914), vol. 1, pp. ix–xi. A. W. Benn, History of British Rationalism (1906), vol. 1, pp. 412, 449; vol. 2, p. 82. E. Caird, The Social Philosophy and Religion of Comte, 2d ed. (1893), p. 51. M. R. Cohen, “Causation and Its Application to History'', Journal of the History of Ideas 3 (1942): 12. R. Eucken, “Zur Würdigung Comte's und des Positivismus'', trong Philosophische Aufsätze Eduard Zeller gewidmet (Leipzig, 1887), p. 67, và cũng trong Geistige Strdmungen der Gegenwart (1904), p. 164. K. R. Geijer, “Hegelianism och Positivism'', Lunds Universitets Arsskrfit 18 (1883). G. Gourvitch, L'idée du droit social (1932), pp. 271, 297. H. Hoeffding, Der menschliche Gedanke (1911), p. 41. M. Mandelbaum, The Problem of Historical Knowledge (New York, 1938), pp. 312 ff. G. Mehlis, “Die Geschichtsphilosophie Hegels und Comtes'', Jamb für Soziologie 3 (1927). J. Rambaud, Histoire des doctrines economiques (1899), pp. 485, 542. E. Rothacker, Einleitung in die Geisteswissenschaften (1920), pp. 190, 287. A. Salomon, “Tocqueville's Philosophy of Freedom'', Review of Politics 1 (1939): 400. M. Schinz, Geschichte der französischen Philosophie (1914), vol. 1, p. 2. W. Windelband, Lehrbuch der Geschichte der Philosophie, new ed. (1935), pp. 554 f. Tôi chỉ biết đến bài luận của G. Salomon-Delatour, “Hegel ou Comte'', trong Revue positiviste internationale 52 (1935) và 53 (1936), khi bài luận của tôi đã được chuyển đến nhà xuất bản để in.

(15) E. Dittmann, “Die Geschichtsphilosophie Comtes und Hegels'', Vierteljahrsschrfit für wissenschaftliche Philosophie und Soziologie 38 (1914), 39 (1915).

(16) Danh sách các tên tuổi khác, mà chắc là còn nhiều vô kể, bao gồm Eugen Dühring, Arnold Ruge, P. J. Proudhon, V. Pareto, L. T. Hobhouse, E. Troeltsch, W. Dilthey, Karl Lamprecht và Kurt Breysig.

(17) Trích trong K. R. Popper, The Open Society and Its Enemies (London, 1945), vol. 2, p. 25.

(18) J. S. Mill gửi A. Bain, 4/11/1867, The Letters of John Stuart Mill, ed. H. S. R. Elliot (London, 1910), vol. 2, p. 93.

(19) Meyerson, op. cit., esp. chap. 13.

(20) Ibid., p. 50.

(21) J. Laporte, Le Rationalisme de Descartes, new ed. (Paris, 1950).

(22) E. Buss, “Montesquieu und Cartesius'', Philosophische Monatshefte 4 (1869): 1–37, and H. Trescher, “Montesquieu's Einfiuss auf die philosophischen Grundlagen der Staatslehre Hegels'', Schmoller's Jahrbuch 42 (1918).

(23) Cf. Schinz, op. cit., và G. Misch, “Zur Entstehung des französischen Positivismus'', Archiv für Geschichte der Philosophie 14 (1901).

(24) Trong một bức thư đề ngày 5 tháng 8, 1824, Comte viết cho Herder như là “prédécesseur du Condorcet, mon prédécesseur immediat''. Xem Lettres d'Auguste Comte à divers (Paris, 1905), vol. 2, p. 56.

(25) Comte, Cours de philosophie positive, 5th ed. (giống hệt với 1st ed.) (Paris, 1893), vol. 4, p. 253; cũng xem Early Essays, p. 150.

(26) Về những phân tích và phê bình có hệ thống đối với những ý tưởng này, xem thêm phần 1 của cuốn sách này.

(27) Cf. K. R. Popper, “The Poverty of Historicism'', Economica, n.s. 11(1944): 94.

(28) Cours, vol. 4, p. 286: “Tổng thể dĩ nhiên được biến đến nhiều hơn và dễ tiếp cận hơn so với khi chúng ta phải phân biệt các phần tử cấu thành tiếp sau đó.''

(29) Ibid., p. 291.

(30) Ibid., p. 526.

(31) Chẳng hạn xem E. deRoberty, Philosophie du siècle (Paris, 1891), p. 29, và Schinz, op. cit., p. 255.

(32) Salomon op.cit, p. 400.

(33) Cours, vol. 6, p. 590; Discours sur l'esprit positive (1918) , p. 118.

(34) Chẳng hạn, cf. Dittmann, op. cit. 38, p. 310 và Metz, op. cit. p. 500.

(35) C. Popper, Open Society, và Karl Löwith, Von Hegel zu Nietzsche (Zürich, 1941), p. 302.

(36) Gần đây người ta bắt đầu chú ý đến sự nhầm lẫn tồn tại trong một thời gian dài này. Có được điều này là nhờ tác phẩm vĩ đại, Die Entstehung des Historismus (München, 1936), của nhà lịch sử xuất chúng, Friedrich Meinecke, người đã hoàn toàn đi theo trường phái lịch sử thế hệ trước. Ở đây ông sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa duy lịch sử (historicism) để ám chỉ một luồng tư tưởng đối lập diễn ra trong thời kỳ nửa sau của thế kỷ 19. Xem thêm Eucken, “Die Ueberwindung des Historismus'', Schmoller's Jahrbuch 63 (1938).

(37) Trích trong G. Bryson, Man and Society (Princeton, 1945), p. 78.

(38) Trích trong Troeltsch, op. cit., pp. 189-90 n.

(39) Popper, “Poverty of Historicism''.

(40) Về ảnh hưởng của Comte đối với sự phát triển của trường phái duy lịch sử thế hệ trẻ của kinh tế học Đức, xem thêm F. Raab, Die Fortschrittsidee bei Gustav, Schmoller (Freiburg, 1934), p. 72 và Waentig, Auguste Comte und seine Bedeutung für die Entwicklung der Sozialwissenschaft (Leipzig, 1894).

(41) Được nhận thấy rõ ràng nhất trong con người của Wilhelm Scherer. Xem thêm Rothacker, op. cit., pp. 190-250.

(42) Early Essays, p. 15.

(43) Cours, vol. 4, p. 298.

(44) Ibid., p. 157: “Vì lẽ sự tự do đích thực quả nhiên chỉ có thể ở trong sự phục tùng hợp lý đối với một điều ưu trội duy nhất, được khẳng định một cách thích đáng, đó là những định luật cơ bản của giới tự nhiên”.

(45) Philosophie der Geschichte, ed. Reclam, p. 77: “Tất yếu là cái hợp lý tính với tư cách là cái Bản thể; và chúng ta là tự do khi ta thừa nhận cái Bản thể này như là quy luật, và tuân theo nó như là Bản thể của cái Bản chất của chính ta: bấy giờ, ý chí khách quan và ý chí chủ quan được hòa giải với nhau và trở thành một cái Toàn bộ duy nhất không bị vẩn đục”.

(46) Cours, vol. 4, p. 144; cf. Early Essays, p. 132.

(47) Để tham khảo, xem Meyerson, op. cit., p. 130, và cf. Popper, Open Society, vol. 2, p. 40.

(48) J. S. Mill gửi Harriet Mill, Rome, 15 tháng 1 năm 1855: “Hầu hết các dự án của những nhà cải cách xã hội trong những ngày này thực sự phá hoại tự do – cụ thể Comte cũng như thế'' (F. A. Hayek, John Stuart Mill and Harriet Taylor (Chicago, 1951), p. 216). Để có một cái nhìn đầy đủ hơn về các kết luận chính trị của Comte theo chiếu hướng chống lại tự do mạnh hơn cả Hegel, xem trong cuốn sách này, pp. 389-93.

(49) Trong “Lịch Chủ nghĩa thực chứng” của Comte, “Tháng của Giới-phục-vụ-nhà-nước-hiện-đại” được mang tên Frederick Đại Đế!

(50) Xem H. Preller, “Rationalismus und Historismus'', Historische Zeitschrift 126 (1922).

(51) Grundlinien der Philosophie des Rechts, Philosophische Bibliothek (Leipzig: Felix Meiner, 1911), p. 14.

(52) Système de politique positive (1854), vol. 1, p. 356: “Tính ưu việt tất yếu của nền luân lý được minh định so với nền luân lý được mặc khải”.

(53) L'Industrie, ed. Saint-Simon, vol. 3, 2me cahier.

(54) A. Thiers, Histoire de la révolution française (1823-27).

(55) T. Carlyle gửi J. S. Mill, 12 tháng 1 năm 1833, trong Letters of Thomas Carlyle to John Stuart Mill, John Sterling, và Robert Browning, ed. Alexander Carlyle (London, 1910).

(56) J. S. Mill gửi T. Carlyle, 2 tháng 2 năm 1833 (tài liệu không công bố, Thư viện quốc gia của Scotland).

(57) Về chủ nghĩa thực chứng về pháp lý của Hegel, cụ thể xem H. Heller, Hegel und der nationale Machstaatsgedanke in Deutschland (Leipzig and Berlin, 1921), p. 166, và Popper, Open Society, vol. 2, p. 39. Về Comte, xem Cours, vol. 4, pp. 266 ff.

(58) Xem tại cuốn sách này, pp. 167-77.

(59) Xem trong tác phẩm của tôi, Individualism and Economic Order (Chicago: University of Chicago Press, 1948), p. 7.

(60) Xem tại cuốn sách này, pp. 357 và tiếp.

(61) Engels, Ludwig Feuerbach and the Outcome of Classical German Philosophy (New York, 1941), p. 18.

(62) Về Feuerbach, xem S. Rawidowicz, Ludwig Feuerbachs Philosophie (Berlin, 1931); K. Löwith, op. cit.; A. Lévy, La philosophie du Feuerbach (Paris, 1904); và F. Lombardi, L. Feuerbach (Florence, 1935). Một nghiên cứu viết bằng tiếng Anh gần đây về Feuerbach bởi W. B. Chamberlain, Heaven Wasn't His Destination (London, 1941), đáng tiếc là rất không thỏa đáng. Về các xu hướng chủ nghĩa thực chứng lan tràn rộng rãi trong nhóm Hegel Trẻ, cụ thể xem D. Koigen, Zur Vorgeschichte des modernen philosophischen Sozialismus in Deutschland (Bern, 1901).

(63) L. Feuerbach gửi W. Bolin, 20 tháng 10 năm 1860, Ausgewählte Briefe von und an Feuerbach, ed. W. Bolin (Leipzig, 1904), vol. 2, 246-47.

(64) Lorenz Stein, Der Socialismus und Comunismus im heutigen Frankreich (Leipzig, 1842).

(65) Về các nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này, xem Heinz Nitschke, “Die Geschichtsphilosophie Lorenz von Steins'', Historische Zeitschrift, supp. 26 (1932), esp. p. 136,; và T. G. Masaryk, Die philosophischen und soziologischen Grundlagen des Marxismus (Vienna, 1899), p. 34.

(66) Về Jules Lechevalier, xem H. Ahrens, Naturrecht, 6th ed. (Vienna, 1870), vol. 1, p. 204; Charles Pelarin, Notice sur Jules Lechevalier et Abel Transon (Paris, 1877); A. V. Wenckstern, Marx (Leipzig, 1896), pp. 205 f.; và S. Bauer, “Henri de Saint-Simon nach hundert Jahren'', Archiv für die Geschichte des Sozialismus 12 (1926): 172.

(67) Để có một phân tích cẩn thận về ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng đối với Marx và Engels có lẽ cần phải tiến hành một nghiên cứu riêng biệt khác. Trong các trước tác của Engels, chúng ta có thể thấy ông chịu ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa này ngay cả về phong cách viết. Đối với Marx, ảnh hưởng có lẽ gián tiếp hơn. Một vài tài liệu đáng lưu ý để tiến hành một nghiên cứu như vậy là T. G. Masaryk, op. cit., p. 35, và Lucie Prenant, “Marx et Comte'', trong A la lumière de marxisme (Paris: Cercie de la Russie Neuve, 1937), vol. 2, pt. 1. Trong một bức thư sau này (đề ngày 7 tháng 7 năm 1866) gửi cho Engels, Marx, trong lúc đang đọc tác phẩm của Comte một cách nghiêm túc nhất cho tới thời điểm đó (để phân biệt với việc Marx đã biết đến Comte qua các trước tác của phái Saint-Simon), mô tả Comte là một con người “nghèo nàn” nếu đem so sánh với Hegel.

(68) Friedrich List, Nationale System der Politischen Oekonomie (1841).

(69) Wilhelm Roscher, Grundriss zu Vorlesungen über die staatswirtschaft nach historischer Methode (1843).

(70) Ý nghĩa đặc biệt của năm 1842 trong khía cạnh này đã được trình bày rõ ràng bởi Koigen, op. cit., pp. 236 ff., và bởi Hans Freund, Soziologie und Sozialismus (Würzburg, 1934). Các bức thư của J. G. Droysen là một tài liệu nhập môn đáng tham khảo về ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng đối với các nhà sử học Đức trong thời kỳ này. Cụ thể xem bức thư của ông, đề ngày 2 tháng 2 năm 1851, gửi T. v. Schön, ở đó ông viết: “Hegel và các môn đệ của ông không chỉ bị mất uy tín trong quãng thời gian dài mà còn bị tan vỡ ngay trong bản thân đời sống (triết học) của họ. Việc sùng bái ngẫu tượng đối với cái Tư duy có chức năng cấu tạo, thậm chí có chức năng sáng tạo (của Hegel) do quy tất cả mọi sự về cho Tư duy đã dẫn tới sự điên rồ của Feuerbach mà về mặt phương pháp và đạo đức, hoàn toàn tương ứng với chiều hướng “bách khoa kỹ thuật” nói trên”; và bức thư đề ngày 17 tháng 7 năm 1852, gửi M. Duncker, chứa đoạn sau đây: “Thật đau đớn cho chúng ta và cho nền tư tưởng Đức của chúng ta khi sự thảm hại “bách khoa kỹ thuật” - vốn đã khô cạn và thối rữa ở nước Pháp từ năm 1789 -, khi mớ hổ lốn của việc cân đong đo đếm và trò đểu giả ngày càng dấn sâu hơn vào cái thứ đã biến chất ấy. Thuyết thực chứng tưng bừng – như đang được người ta ra sức thực hiện ở Berlin – đang đẩy cuộc cách mạng này của đời sống tinh thần vào trong nhà lồng kính (vào một không gian giả tạo, xơ cứng giống như trồng cây trong nhà kính)”. (J. G. Droysen, Briefwechsel, ed. R. Hübner (Leipzig, 1929), vol. 2, pp. 48, 120).

(71) C. D. D. Rosca, L'influence de Hegel sur Taine (Paris, 1928), và O. Engel, Der Einfluss Hegels auf die Bildung der Gedankenwelt Taines (Stuttgart, 1920).

(72) Xem S. Deploige, The Conflict Between Ethics and Sociology (St Louis, 1938), chap. 4.

(73) Xem P. Barth, Die Philosophie der Geschichte als Soziologie (1925).

(74) Xem E. Grünwald, Das Problem der Soziologie des Wissens (Vienna, 1934).

(75) C. Bouglé, Chez les prophètes socialistes (1918), chap. 3.

(76) Việc Veblen chịu ảnh hưởng từ các ý tưởng của Comte có vẻ tương đối rõ ràng. Xem W. Jaffé, Les théories economiques et sociales de T. Veblen (Paris, 1924), p. 35.

Nguồn: Friedrich A. Hayek, Cuộc cách mạng ngược trong khoa học: Các nghiên cứu về sự lạm dụng lý tính, NXB Tri Thức, 2007