[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 15 - Ảnh hưởng của chủ nghĩa Saint-Simon

[Cuộc cách mạng ngược trong khoa học] Chương 15 - Ảnh hưởng của chủ nghĩa Saint-Simon

I.

Ngày nay không dễ gì đánh giá hết sức khuấy động lớn lao mà phong trào Saint-Simon đã gây ra trong một vài năm, không chỉ ở Pháp mà trên khắp châu Âu, hay đánh giá phạm vi ảnh hưởng của học thuyết đó. Nhưng không nghi ngờ gì, ảnh hưởng này lớn hơn rất nhiều so với nhận định chung. Nếu chỉ đánh giá ảnh hưởng đó dựa trên tần suất mà những người theo chủ nghĩa Saint-Simon được nhắc đến trong các tư liệu thời ấy thì dường như sự nổi tiếng của họ tuy lớn nhưng ngắn ngủi. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng trong những năm về cuối trường phái này đã tự phủ quanh mình những lời đàm tiếu bằng những tấn tuồng khoác vẻ sùng đạo giả dối, những trò phiêu lưu và điên rồ, rằng hậu quả của nó là nhiều người trước đó đã bị lôi cuốn bởi những bài giảng của họ về xã hội và triết học có lẽ đã phải rất xấu hổ thừa nhận có liên hệ với những gã dở hơi ở Ménilmontant và những kẻ sang phương Đông để tìm một femme libre. Lẽ đương nhiên, người ta không thể không coi giai đoạn theo chủ nghĩa Saint-Simon của họ là một thời tuổi trẻ ngông cuồng không ai muốn khoe ra. Nhưng điều đó không có nghĩa là những tư tưởng họ thu nhận vào lúc ấy không còn tiếp tục ảnh hưởng đến họ và xã hội thông qua họ. Chúng ta rồi sẽ thấy ảnh hưởng ấy đã lan rộng một cách đáng kinh ngạc đến mức nào qua khảo sát dưới đây.

Ở đây, chúng tôi không quan tâm nhiều đến ảnh hưởng của các cá nhân hoặc các nhóm. Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ có ý nghĩa hơn nếu như chúng ta chỉ ra được rằng một hoàn cảnh tương tự đã tạo ra những tư tưởng tương tự ở một nơi khác mà không cần ảnh hưởng trực tiếp nào từ những người theo chủ nghĩa Saint-Simon. Tuy nhiên bất kỳ nghiên cứu nào về các phong trào tương tự ở những nơi khác cùng thời đó đều nhanh chóng cho thấy mối liên hệ khăng khít với nguyên mẫu từ nước Pháp. Ngay cả nếu chúng ta chưa chắc chắn liệu trong tất cả những trường hợp này chúng ta có thực sự có quyền nói về sự ảnh hưởng, và liệu chúng ta nên hay không nên nói rằng tất cả những ai tình cờ có các tư tưởng tương tự đều nhanh chóng tìm đường đến với chủ nghĩa Saint-Simon, chúng ta vẫn nên lướt nhanh qua các kênh mà thông qua đó ảnh hưởng này có tác dụng, bởi chúng ta vẫn còn hiểu rất ít về phạm vi của ảnh hưởng này, và đặc biệt là vì sự lan truyền chủ nghĩa Saint-Simon cũng chính là sự lan truyền chủ nghĩa thực chứng của Comte dưới dạng sơ khai.

Luận điểm đầu tiên mà chúng ta cần ý thức là ảnh hưởng này không hề chỉ giới hạn trong phạm vi những người chủ yếu quan tâm nghiên cứu xã hội và triết học, mà nó thậm chí còn mạnh hơn trong giới văn học nghệ thuật, những người thường gần như là vô thức trở thành người trung gian truyền bá các khái niệm của chủ nghĩa Saint-Simon trong những vấn đề khác. Ở Pháp các tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon về chức năng xã hội của nghệ thuật đã gây ấn tượng sâu sắc đối với một số nhà văn lớn nhất thời đó, và được cho là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi sâu sắc trong bầu không khí văn học thời ấy 1. Mọi loại hình nghệ thuật đều phải có mục đích, phải để xã hội bình phẩm và vì thế phải tái hiện cuộc sống như nó vốn có với mọi mặt xấu, yêu cầu ấy đã dẫn đến một cuộc cách mạng thực sự trong văn chương2. Không chỉ những tác giả mến mộ George Sand hay Béranger mới có liên hệ mật thiết với những người theo chủ nghĩa Saint-Simon mà cả một số nhà văn lớn nhất thời đó như H. de Balzac3, V. Hugo và Eugène Sue cũng bị học thuyết Saint-Simon lôi cuốn và cũng áp dụng chúng. Trong số các nhà soạn nhạc, Franz Liszt là vị khách thường xuyên viếng thăm các cuộc họp của họ và Berlioz với bản Chant d’inauguration des chemins de fer [Bài hát khai trương ngành hỏa xa] đã áp dụng những lời giáo huấn của chủ nghĩa Saint-Simon vào âm nhạc.

II.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa Saint-Simon ở nước Anh cũng diễn ra trong một bộ phận của lĩnh vực văn học. Tại đây, trong một khoảng thời gian, người thuyết trình các tư tưởng của họ chủ yếu là Thomas Carlyle, người nổi tiếng là chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết của Saint-Simon và thậm chí đã dịch và cố gắng xuất bản cuốn Nouveau christianisme của Saint-Simon với phần giới thiệu khuyết danh4. Ông là trường hợp đầu tiên trong số nhiều trường hợp chúng ta sẽ gặp mà ở đó chủ nghĩa Saint-Simon hay tư tưởng của Comte và các ảnh hưởng của hệ tư tưởng Đức được kết hợp hết sức nhuần nhuyễn. Các quan điểm của Carlyle về khoa học lịch sử, những phân tích của ông về quy luật phát triển trong tác phẩm Sartor Resartus [người thợ may bị may lại], việc ông chia lịch sử thành các giai đoạn thực chứng và phủ định, hầu hết đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Saint-Simon, và cách ông phân tích cuộc Cách mạng Pháp thấm nhuần tư tưởng Saint-Simon. Ảnh hưởng mà đến lượt mình ông đã gây ra không cần được nhấn mạnh ở đây, nhưng chúng ta cần chỉ ra rằng những nhà thực chứng của Anh sau này đã nhận ra rằng những điều ông chỉ dạy đã dọn đường cho họ rất nhiều5.

Được biết đến nhiều hơn là ảnh hưởng mà những người theo chủ nghĩa Saint-Simon tác động lên J. S. Mill. Trong cuốn Autobiography [Tự truyện 6, ông mô tả họ là “những nhà văn mà, hơn là bất kỳ ai khác”, đã giúp ông “hiểu rõ một lối tư duy mới” và ông thuật lại những tác động đặc biệt của một trong các ấn phẩm của họ mà theo ông là vượt xa những ấn phẩm còn lại, cuốn System of Positive Policy mà Comte viết thời kỳ đầu hết sức hòa hợp với những quan niệm hiện tại của tôi, những quan niệm mà cuốn sách ấy dường như đã đem lại tính khoa học cho chúng. Tôi đã coi các phương pháp của khoa học vật lý là những mô hình phù hợp cho khoa học chính trị. Nhưng lợi ích lớn nhất tôi thu nhận được vào thời điểm này từ các dòng tư tưởng mà những người theo chủ nghĩa Saint-Simon và Comte gợi ra là tôi đã có được khái niệm rõ ràng hơn bao giờ hết về những nét đặc trưng của một thời đại chuyển giao tư tưởng, và không còn nhầm lẫn về các đặc điểm đạo đức và trí tuệ của một thời đại như vậy với những tính chất của loài người.

Mill tiếp tục với việc giải thích vì sao ông lại biết được, cho dù trong một thời gian đã không nhìn thấy vị trí của Comte, sự phát triển từng ngày của chủ nghĩa Saint-Simon thông qua G. D’Eichthal (người cũng đã giới thiệu Carlyle đến với chủ nghĩa Saint-Simon7, làm thế nào ông đã đọc gần như tất cả những gì họ viết và làm thế nào mà chính là nhờ “một phần các tác phẩm của họ mà ông đã thông tỏ được những giá trị tạm thời và hết sức ít ỏi của nền kinh tế chính trị cũ kỹ rằng tài sản cá nhân và sự thừa kế được cho là những thực tế vĩnh viễn tồn tại và tự do sản xuất và trao đổi là dernier mot [lời cuối cùng] cho sự cải tiến xã hội”. Trong một lá thư gửi d’Eichthal8 dường như ông đã bị thuyết phục tới mức “có xu hướng nghĩ rằng tổ chức xã hội [theo đề xuất của họ], với một vài thay đổi này khác... có lẽ là trạng thái cuối cùng và vĩnh viễn của loài người”, dù là ông khác họ ở chỗ ông tin rằng phải trải qua nhiều hoặc ít nhất là vài ba giai đoạn con người mới có thể nhận ra điều này. Không nghi ngờ gì, đây chính là gốc rễ đầu tiên dẫn đến thiên hướng chủ nghĩa xã hội của J. S. Mill. Nhưng cũng trong trường hợp của Mill, điều này về cơ bản vẫn là bước chuẩn bị để sau này Comte còn gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn nữa đối với ông.

III.

Tuy nhiên, không ở đâu ngoài nước Pháp học thuyết Saint-Simon lại gây được sự chú ý hơn như là ở Đức9. Sự quan tâm này, bất ngờ thay, bắt đầu thể hiện từ rất sớm. Tờ Organisateur dường như đã giành được số lượng độc giả khá lớn ở nước này ngay trong những ngày đầu tiên10. Vài năm sau đó, dường như chính người học trò của Comte là Gustave d’Eichthal, trong chuyến viếng thăm Berlin năm 1824, thậm chí là trước cả những nỗ lực tương tự của ông tại Anh, đã thành công trong việc thu hút sự quan tâm của một số người đối với tác phẩm Système de politique positive [Hệ thống chính trị thực chứng] của Comte, với kết quả là một bài bình luận khá chi tiết, bài bình luận duy nhất bằng bất cứ thứ tiếng nào về cuốn sách này, đã xuất hiện trên tờ Leipziger Literatur-Zeitung [Tạp chí văn học Leipzig] 11. Và d’Eichthal đã khiến cho Friedrich Buchholz, khi ấy là một cây bút chính trị nổi tiếng, trở thành người hâm mộ Comte nhiệt thành. Ông không chỉ thể hiện sự nhất trí hoàn toàn trong một bức thư lấy lòng gửi Comte 12, mà năm 1826 và 1827, ông đã cho xuất bản trên tờ Neue Monatsschrift für Deutschland [Nguyệt san mới cho nước Đức] của mình bốn bài báo khuyết danh về tác phẩm của Saint-Simon, tiếp theo đó là bản dịch phần kết cuốn Système industriel 13.

Tuy nhiên, chỉ đến mùa thu năm 1830 mối quan tâm rộng rãi đối với phong trào Saint-Simon mới bắt đầu ở Đức; và trong suốt hai hay ba năm sau đó mối quan tâm ấy lan nhanh như một ngọn lửa khổng lồ trên khắp văn đàn nước Đức. Cuộc cách mạng tháng Bảy đã biến Paris một lần nữa trở thành trung tâm chú ý của tất cả những người cấp tiến, và những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, mà tiếng tăm của họ khi ấy đang đạt đến đỉnh điểm, là phong trào trí thức nổi bật nhất tại Thánh địa Mecca của tất cả những người có khuynh hướng tự do. Hàng loạt sách, tài liệu chuyên đề và các bài báo của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon 14 và các bản dịch một số tác phẩm của họ 15 ùn ùn đổ về Đức như thác lũ và từ các nguồn bên Đức người ta có thể biết gần như mọi điều về họ. Làn sóng nhiệt tình này thậm chí còn lan đến cả ông già Goethe, người đã đặt mua tờ Globe (có thể là từ những ngày nó còn được tự do phát hành) và cũng là người, mà sau khi đã cảnh báo Carlyle ngay từ hồi tháng Mười năm 1830 là “phải tránh xa nhóm Saint-Simon” 16, và sau một số buổi nói chuyện được ghi chép lại về chủ đề này, vẫn cảm thấy, vào tháng Năm năm 1831, buộc phải dành ra một ngày để đọc và hiểu đến tận chân tơ kẽ tóc học thuyết Saint-Simon 17.

Toàn bộ văn đàn nước Đức dường như đã nóng lòng mong đợi tin tức về những tư tưởng mới lạ từ nước Pháp và đối với một số người, như Rahel von Varnhagen mô tả, tờ Globe của phong trào Saint-Simon đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu 18. Tin tức về các phong trào Saint-Simon dường như là nhân tố quyết định đã lôi cuốn Heinrich Heine đến Paris vào năm 1831 19, và như sau này ông kể lại, chưa đầy hai mươi tư giờ kể từ khi ông có mặt ở Paris, ông đã ngồi giữa những người theo chủ nghĩa Saint-Simon 20. Từ Paris, ông và L. Boerne làm việc rất tích cực để tuyên truyền thông tin về những người theo chủ nghĩa Saint-Simon sang giới văn chương ở Đức. Một nguồn thông tin quan trọng khác dành cho những người bị rớt lại phía sau, cụ thể là gia đình nhà Varnhagen, là Albert Brisbane, một người Mỹ, khi ấy vẫn chưa đi theo chủ nghĩa Fourier nhưng đã truyền bá các tư tưởng về chủ nghĩa xã hội trong các chuyến đi của mình 21. Những tư tưởng này ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đến các thi sĩ trẻ Laube, Gutzkow, Mundt và Wiebarg của nhóm Người Đức Trẻ (Young German) đã được quý cô E. M. Butler mô tả rất kỹ trong cuốn Saint-Simon Religion in Germany [Tôn giáo Saint-Simon ở Đức], trong đó bà đưa ra rất nhiều lập luận để mô tả toàn bộ trường phái Người Đức Trẻ như một phong trào Saint-Simon 22. Trong thời gian ngắn ngủi nhưng tuyệt vời mà họ tồn tại với tư cách một nhóm từ năm 1832 đến 1835, họ đã kiên trì, dù không được tinh tế như những người Pháp cùng thời, áp dụng phương châm của chủ nghĩa Saint-Simon là nghệ thuật phải có mục đích, và đặc biệt, họ đã truyền bá các học thuyết về nam nữ bình quyền và nhu cầu “khôi phục thú vui xác thịt” 23 

IV.

Đối với mục đích nghiên cứu của chúng ta, mối quan hệ giữa những người theo chủ nghĩa Saint-Simon và một nhóm ở Đức có liên quan, nhóm Hegel Trẻ (Young Hegelians) có rất nhiều ý nghĩa, nhưng tiếc thay lại ít được khám phá 24. Sự giống nhau lạ lùng giữa những tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon và chủ nghĩa Hegel, vốn được những người đương thời cảm nhận rõ ràng, sẽ được chúng ta xem xét ở phần sau. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm đến phạm vi thực sự mà những triết gia trẻ theo chủ nghĩa Hegel chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon, và ảnh hưởng ấy đã góp phần tạo ra sự thay đổi mang tính quyết định như thế nào khiến cho nhóm Hegel Trẻ tách khỏi những môn đồ chính thống của triết gia này. Trên thực tế chúng ta chưa biết nhiều về điểm này, tuy vậy, vì có những mối quan hệ cá nhân mật thiết giữa nhóm Người Đức Trẻ và các thành viên mà về sau trở thành nhóm Hegel Trẻ, và vì một vài thành viên của nhóm Người Đức Trẻ cũng như một số tác giả của các tác phẩm bằng tiếng Đức viết về Saint-Simon là những người theo chủ nghĩa Hegel 25, nên hiển nhiên là trong toàn bộ nhóm Hegel Trẻ, mối quan tâm đối với chủ nghĩa Saint-Simon không thể ít hơn so với nhóm Người Đức Trẻ.

Thời kỳ tư tưởng Đức những năm 1830, cái thời kỳ mà ngày nay chúng ta vẫn chưa khám phá được là bao, nhưng lại rất quan trọng để có thể hiểu được những bước phát triển sau này, là thời kỳ mà dường như những hạt giống được gieo mầm lúc ấy phải đợi đến thập kỷ sau mới đơm hoa kết trái 26. Ở đây chúng ta vấp phải một khó khăn là những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã tự đánh mất thể diện của mình, mọi người trở nên do dự hơn bao giờ hết khi phải bày tỏ bất kỳ sự hàm ơn nào, đặc biệt là khi cơ quan kiểm duyệt của Phổ có thể chống lại bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm người nguy hiểm này. Ngay từ năm 1834, G. Kuehne, một triết gia theo thuyết Hegel có liên hệ mật thiết với nhóm Người Đức Trẻ nói về chủ nghĩa Saint-Simon, “đối tác Pháp của chủ nghĩa Hegel”, rằng “chẳng bao lâu nữa người ta sẽ không được phép nhắc đến cái tên này, nhưng đặc trưng cơ bản của quan niệm sống này, mà dưới hình thức thể hiện cụ thể này nó đã biến thành một bức biếm hoạ, sẽ chứng tỏ nó còn ăn sâu vào các mối quan hệ xã hội” 27.Và khi chúng ta nhớ lại rằng những người đã giữ vai trò quyết định trong cuộc nổi dậy chống lại chủ nghĩa Hegel chính thống và trong sự ra đời của chủ nghĩa xã hội Đức, A. Ruge, L. Feuerbach, D. F. Strauss, Moses Hess và K. Rodbertus, đều ở độ tuổi hai mươi khi cơn cuồng si chủ nghĩa Saint-Simon tràn qua nước Đức 28, thì có vẻ gần như chắc chắn rằng họ đều bị tiêm nhiễm các học thuyết Saint-Simon vào thời kỳ đó. Chỉ duy nhất một người trong số họ, mặc dù là nhân vật mà người ta biết rằng ông đã truyền bá các học thuyết của chủ nghĩa xã hội tích cực hơn bất kỳ ai khác ở Đức vào thời đó, Moses Hess, là người mà chúng ta biết rõ là ông đã đến Paris vào những năm đầu thập niên ba mươi 29, và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những dấu vết của các học thuyết Saint-Simon và Fourier trong cuốn sách đầu tiên của ông ra mắt vào năm 1837 30. Trong trường hợp của một số người khác, đặc biệt là trường hợp của người có ảnh hưởng lớn nhất trong nhóm Hegel Trẻ, Ludwig Feuerbach, người đã kết hợp hoàn hảo chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa Hegel và đã có ảnh hưởng rất lớn tới Marx và Engels, chúng ta không có bằng chứng trực tiếp về việc họ có biết đến các tác phẩm của Saint-Simon hay không. Thậm chí sẽ còn quan trọng hơn nếu nhân vật theo chủ nghĩa Hegel này, người đã giữ vai trò tương tự như Comte bên Pháp khi đưa ra một Weltanschauung [thế giới quan] thực chứng cho thế hệ các nhà khoa học người Đức sau này, đã xây dựng quan điểm của mình một cách độc lập mà không bị chi phối bởi các phong trào đương thời trong nước. Nhưng gần như chắc chắn ông phải biết đến chúng trong giai đoạn hình thành các tư tưởng của mình. Thật khó tin là chàng giảng viên trẻ tuổi dạy môn triết ở trường đại học đó, người đã dành nhiều tháng trời ở Frankfurt vào năm 1832, thời điểm các cuộc tranh luận về chủ nghĩa Saint-Simon đang râm ran khắp nước Đức, để đọc sách nhằm trang bị cho bản thân trước khi sang Paris theo kế hoạch31 lại gần như một mình giữa đám đông cùng trang lứa thoát ra khỏi ảnh hưởng của họ. Có lẽ cũng như trường hợp của nhiều người khác, khả năng lớn hơn là chính danh tiếng của trường phái này đã thu hút Feuerbach sang Paris. Và mặc dù chuyến đi dự kiến đã không diễn ra, có thể Feuerbach đã tiếp thu nhiều tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon vào thời điểm đó và bởi vậy, ông đã tự trang bị kiến thức để thay thế ảnh hưởng của trường phái Saint-Simon đối với những người đương thời trẻ tuổi hơn. Nếu bạn đọc tác phẩm của ông với cách suy diễn này trong đầu, bạn sẽ thấy khó mà tin là những nét tương đồng rất rõ giữa tác phẩm của ông và của Comte lại là sự ngẫu nhiên32.

Một phần lớn công lao truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa Pháp trên nước Đức trong thời kỳ này thuộc về vô số các thành viên của đội ngũ đông đảo những người Đức làm thuê trên đất Paris, những người mà các tổ chức của họ đã trở nên vô cùng quan trọng đối với sự lớn mạnh của phong trào xã hội chủ nghĩa và trong số họ, W. Weitling đã trở thành nhân vật nổi bật trong một thời gian 33. Ông và một số người khác trên đất Pháp hẳn đã cung cấp dòng thông tin liên tục về sự phát triển của học thuyết Pháp này, thậm chí trước cả khi Lorenz von Stein và Karl Gruen sang Pháp vào đầu những năm bốn mươi để nghiên cứu một cách hệ thống chủ nghĩa xã hội Pháp. Với sự xuất hiện của hai cuốn sách 34 vốn là kết quả của những chuyến đi này, đặc biệt là với sự mô tả cực kỳ chi tiết và đầy cảm thông của Lorenz von Stein trong cuốn sách được đọc rộng rãi của ông Socialism and Communism in Present-Day France [Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản ở nước Pháp ngày nay] (1842), toàn bộ học thuyết Saint-Simon đã trở nên phổ biến trên khắp nước Đức. Ai ai cũng biết Stein – tình cờ cũng là một người theo chủ nghĩa Hegel sẵn sàng tiếp thu và truyền bá các tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon – cùng với Feuerbach, là một trong những người có ảnh hưởng mạnh nhất để lại dấu ấn trong giai đoạn phát triển đầu của Karl Marx 35. Nhưng có lẽ là một sai lầm nếu cho rằng chỉ thông qua Stein và Grün (và về sau có thể là Thierry và Mignet) mà Marx làm quen với các tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon và chỉ đến sau này, tại Paris, ông mới nghiên cứu các tư tưởng ấy lần đầu tiên. Dường như chắc chắn ông đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của làn sóng hâm mộ chủ nghĩa Saint-Simon từ những ngày đầu khi ông còn là cậu thiếu niên mười ba, mười bốn tuổi. Chính ông đã kể lại với một người bạn, nhà sử học người Nga M. Kowalewski, về việc người bạn của cha ông và sau này là nhạc phụ của ông, Baron Ludwig von Westphalen, đã bị lôi cuốn bởi làn sóng ấy và đã trò chuyện với cậu bé Marx về những tư tưởng mới 36. Các học giả người Đức 37 thường cho rằng rất nhiều phần trong học thuyết của Marx, đặc biệt là học thuyết đấu tranh giai cấp và một số khía cạnh của cách lý giải của học thuyết này về lịch sử, có nhiều điểm tương đồng với các học thuyết của Saint-Simon hơn là của Hegel, và điều này thậm chí còn thú vị hơn khi chúng ta nhận ra rằng Saint-Simon đã có ảnh hưởng tới Marx dường như còn trước cả Hegel.

Các thành tố của hệ tư tưởng Saint-Simon thậm chí còn biểu lộ rõ ràng hơn trong các tác phẩm độc lập của Friedrich Engels so với trong các tác phẩm của Marx. Englels đã từng có liên hệ rất mật thiết với một số thành viên của phong trào Người Đức Trẻ, đặc biệt là Gutzkow, và sau này làm quen với học thuyết xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên thông qua M. Hess 38. Các nhà lãnh đạo khác của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa Đức cũng chịu những ảnh hưởng tương tự. Người ta có thể thường xuyên nhận ra sự tương đồng rất rõ giữa phần lớn các học thuyết của Rodbertus và của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, và nhìn toàn cảnh, nguồn gốc trực tiếp đó là điều không cần phải nghi ngờ 39. Trong số các thành viên trụ cột của phong trào xã hội chủ nghĩa đang hoạt động tại Đức, ít nhất chúng ta cũng biết là W. Liebknecht đã thấm nhuần học thuyết của Saint-Simon từ khi còn rất trẻ 40 trong khi Lassalle tiếp thu phần lớn học thuyết này từ các bậc sư phụ của mình là Lorenz von Stein và Louis Blanc 41.

V.

Chúng ta vẫn chưa nói gì về mối quan hệ giữa chủ nghĩa Saint-Simon và các trường phái xã hội chủ nghĩa Pháp sau này. Nhưng khía cạnh này trong toàn bộ ảnh hưởng của họ nhìn chung nổi tiếng đến mức chúng ta không cần phải nói nhiều về nó. Người duy nhất trong số những người theo chủ nghĩa xã hội Pháp thời kỳ đầu không chịu ảnh hưởng của Saint-Simon dĩ nhiên là người cùng thời với ông, Charles Fourier 42– người luôn được coi là một trong ba sáng lập viên của chủ nghĩa xã hội, cùng với Robert Owen và Saint-Simon. Nhưng cho dù những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã vay mượn từ ông một số yếu tố trong học thuyết của họ – đặc biệt là trên phương diện các mối quan hệ giữa hai giới tính – thì cả ông lẫn Robert Owen đều không đóng góp nhiều cho lĩnh vực của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang bàn ở đây: sự tổ chức và chỉ huy có chủ ý đối với hoạt động kinh tế. Đóng góp của ông trong lĩnh vực này mang tính tiêu cực nhiều hơn. Là người say mê kinh tế, ông không thấy gì khác ngoài sự lãng phí của các thể chế cạnh tranh và thậm chí ông còn vượt xa Saint-Simon trong chuyện tin tưởng vào những khả năng vô hạn của tiến bộ kỹ thuật. Thật ra trong ông có rất nhiều tư chất của một kỹ sư và, cũng như Saint-Simon, ông thu nạp các môn đồ chủ yếu từ các sinh viên của Ecole polytechnique. Có lẽ ông là đại diện sớm nhất của câu chuyện hoang đường về “khan hiếm trong dư thừa”, điều mà những bộ óc kỹ sư hiện nay hay cách đây 120 năm đều cho là hiển nhiên.

Victor Considérant, người đứng đầu trường phái Fourier và đã đưa ra những học thuyết khúc chiết hơn bậc thầy của mình, là dân Ecole polytechnique, và phần lớn các thành viên có ảnh hưởng, như Transon và Lechevalier, đều đã từng đi theo chủ nghĩa Saint-Simon 43. Trong số các phe phái xã hội chủ nghĩa địch thủ, gần như tất cả các nhà lãnh đạo của họ đều là cựu thành viên phong trào Saint-Simon và họ đã phát triển những lĩnh vực cụ thể của học thuyết đó: Leroux, Cabet, Buchez, và Pecqueur đã vay mượn rất nhiều từ học thuyết này, và đặc biệt Louis Blanc viết cuốn Organisation du travail [Tổ chức lao động] hoàn toàn theo chủ nghĩa Saint-Simon. Ngay cả nhân vật độc đáo nhất trong số những người theo chủ nghĩa xã hội sau này, Proudhon, dù có đóng góp nhiều đến mấy cho học thuyết về chính trị, về cơ bản vẫn là một người theo chủ nghĩa Saint-Simon trong các học thuyết xã hội chủ nghĩa của ông 44. Có thể nói đến khoảng năm 1840, các tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon không còn là tài sản riêng của một trường phái cụ thể nào, nó đã trở thành nền tảng của tất cả các phong trào xã hội chủ nghĩa. Và chủ nghĩa xã hội vào năm 1848 – nếu không xét đến các yếu tố dân chủ và vô chính phủ lúc đấy đã được du nhập vào chủ nghĩa này như những yếu tố mới mẻ và lạ lẫm – chủ yếu vẫn thuộc về chủ nghĩa Saint-Simon, xét về mặt học thuyết và nhân sự. 

VI.                                                     

Dù có nguy cơ là chúng ta có vẻ đã phóng đại quá mức tầm quan trọng của nhóm người nhỏ bé đó, chúng ta vẫn chưa hề khảo sát trọn vẹn phạm vi ảnh hưởng của họ. Họ đã truyền cảm hứng cho gần như tất cả các phong trào xã hội chủ nghĩa 45 trong suốt một trăm năm qua và điều ấy đã đủ để đảm bảo cho họ một vị trí trong lịch sử. Ảnh hưởng của Saint-Simon đối với việc nghiên cứu các vấn đề xã hội được truyền lại qua Comte và Thierry, và những người theo chủ nghĩa Saint-Simon truyền lại qua Quetelet và Le Play không hề mất đi tầm quan trọng và chúng ta sẽ còn phải quay lại với ảnh hưởng này. Nếu muốn thuật lại tường tận quá trình truyền bá các tư tưởng của họ trên khắp châu Âu, chúng ta phải rất lưu tâm đến ảnh hưởng sâu sắc của họ tới G. Mazzini 46, tới toàn bộ phong trào những người Italia trẻ tuổi, tới Silvio Pellico, Gioberti, Garibaldi và những người khác 47 ở Italia, và lần theo những ảnh hưởng của họ tới một loạt các nhân vật như A. Strindberg ở Thụy Điển 48, A. Herzen ở Nga 49, và những người khác ở Tây Ban Nha và Nam Mỹ 50. Chúng ta cũng không thể dừng lại ở đây để xem xét đến sự xuất hiện thường xuyên của những người cùng típ thi thoảng tập hợp nhau lại dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Saint-Simon như nhà công nghiệp, xã hội học kiêm nhà từ thiện người Bỉ Ernest Solvay 51, hay Néo-Saint-Simoniens [Những người theo chủ nghĩa tân Saint-Simon], những người trong thời kỳ hậu chiến ở Pháp đã xuất bản cuốn Producteur mới 52. Những hiện thân mới một cách có ý thức hay vô thức đó chúng ta đã gặp suốt một trăm năm qua 53.

Tuy nhiên, sự thuyết giảng chủ nghĩa Saint-Simon gây ra một tác động trực tiếp đáng để chúng ta quan tâm nhiều hơn: những người sáng lập nên chủ nghĩa xã hội hiện đại cũng đóng góp rất nhiều vào việc đem lại cho chủ nghĩa tư bản ở châu Âu lục địa một hình thái riêng; phần lớn những thứ như “chủ nghĩa tư bản độc quyền”, hoặc “chủ nghĩa tư bản tài chính”, mà hình thành thông qua quá trình liên kết giữa hệ thống ngân hàng và công nghiệp (các ngân hàng tổ chức các hãng công nghiệp với tư cách là những cổ đông lớn nhất của các công ty thành viên), và sự phát triển nhanh chóng của các xí nghiệp liên doanh và các tập đoàn đường sắt đều là do những người theo chủ nghĩa Saint-Simon tạo lập ra.

Lịch sử của hình thái này chủ yếu là lịch sử về một dạng ngân hàng Crédit mobilier [Tín dụng động sản], một dạng thể chế kết hợp giữa tiền gửi và đầu tư do anh em nhà Pereire phát minh lần đầu tiên ở Pháp và sau đó được nhân ra trên hầu khắp lục địa châu Âu dưới ảnh hưởng của cá nhân họ hoặc của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon khác. Người ta có thể cho rằng sau khi những người theo chủ nghĩa Saint-Simon thất bại trong việc tiến hành những cuộc cải cách mà họ mong muốn thông qua một phong trào chính trị, hoặc là sau khi họ đã trở nên già nua và thực dụng hơn, họ đã bắt tay vào cải tạo hệ thống tư bản chủ nghĩa từ bên trong và do đó, đã áp dụng tối đa các học thuyết của họ bằng những nỗ lực cá nhân. Và không thể phủ nhận rằng họ đã thành công trong việc biến đổi cơ cấu kinh tế của các nước châu Âu lục địa thành một thứ khác hẳn so với chủ nghĩa tư bản cạnh tranh kiểu Anh. Ngay cả khi mô hình Crédit mobilier của anh em nhà Pereire rốt cuộc đã thất bại, thì mô hình này cũng như các tổ hợp công nghiệp của nó đã trở thành hình mẫu để cho những người khác, mà đa phần là những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, thiết lập nên hệ thống ngân hàng và tư bản ở hầu hết các nước công nghiệp châu Âu. Đối với anh em nhà Pereire, mục đích rõ ràng nhất của Crédit mobilier là tạo ra một trung tâm quản trị nhằm chỉ đạo theo một chương trình chặt chẽ các hệ thống đường sắt, các hoạt động quy hoạch đô thị, các ngành dịch vụ công cộng và các ngành công nghiệp khác được họ hợp nhất lại thành một vài cơ sở kinh doanh lớn 54 dựa trên một chính sách liên doanh liên kết có hệ thống. Tại Đức, G. Mevissen và A. Oppenheim, những người sớm chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Saint-Simon, cũng đi theo con đường tương tự với việc thành lập Ngân hàng Darmstaedter và các dự án kinh doanh khác trong lĩnh vực ngân hàng 55. Tại Hà Lan, những người theo chủ nghĩa Saint-Simon cũng hoạt động theo phương hướng đó 56, và ở Áo 57, Italia, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha 58, anh em nhà Pereire hay các chi nhánh hoặc khách hàng của họ cũng lập ra các định chế tương tự. Cái vẫn được biết đến như là mô hình ngân hàng “kiểu Đức”, đặc trưng bởi mối liên hệ chặt chẽ của nó với ngành công nghiệp và toàn bộ hệ thống Effektenkapitalismus [chủ nghĩa tư bản hiệu quả - ND] như người ta vẫn gọi, về cơ bản là sự hiện thực hóa các kế hoạch của chủ nghĩa Saint-Simon 59. Sự phát triển này có liên quan mật thiết đến một hoạt động ưa thích khác của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon trong những năm sau này, đó là xây dựng đường sắt 60, và mối quan tâm của họ đối với mọi kiểu công trình công cộng 61, và theo năm tháng, những hoạt động này ngày càng trở thành mối quan tâm lớn nhất của họ. Trong khi Enfantin tổ chức hệ thống đường sắt Paris-Lyon-Địa Trung Hải thì anh em nhà Pereire xây dựng các tuyến đường sắt ở Áo, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và Nga; ở Italia thì có P. Talabot, và họ thuê những người theo chủ nghĩa Saint-Simon khác làm việc với tư cách kỹ sư tại hiện trường để thực hiện các chỉ dẫn của họ. Nếu nhìn lại những công việc về cuối đời của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, Enfantin hoàn toàn có quyền nói rằng họ đã “phủ khắp trái đất này một mạng lưới đường sắt, vàng, bạc và điện”62 

Nguyên nhân của việc họ đã không thành công trong việc tạo ra các tập đoàn khổng lồ thông qua những kế hoạch tổ chức hệ thống công nghiệp rộng khắp, điều mà sau này họ đã làm được với sự trợ giúp của các chính phủ trong quá trình thiết lập các các-ten, chủ yếu là vì chính sách tự do thương mại mà Pháp bắt đầu áp dụng và được một số người theo chủ nghĩa Saint-Simon trước đây, đặc biệt là M. Chevalier và cả anh em nhà Pereire nhiệt tình ủng hộ. Nhưng những người khác cùng nhóm với họ, đáng chú ý là Pecqueur 63, vẫn tiếp tục theo đuổi hướng đi này giống như Friedrich List, người bạn của họ bên Đức. Dù họ đã không thể thành công trong hướng đi này cho tới khi những nhánh khác xuất phát từ cùng một gốc, chủ nghĩa thực chứng và “duy sử luận”, đã thành công trong việc hạ bệ nền kinh tế chính trị “chính thống”, thì các luận điểm về sau này được dùng để biện minh cho chính sách hỗ trợ sự phát triển của các các-ten đã được những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đưa ra từ trước đó.

Dù trên thực tế ảnh hưởng của họ có lan rộng đến đâu, nó vẫn diễn ra với quy mô lớn nhất trong thời kỳ của đế chế thứ hai ở Pháp. Trong thời kỳ này, họ không chỉ là nguồn động viên đối với giới báo chí vì một số nhà báo hàng đầu đã từng là thành viên phong trào Saint-Simon 64, mà điều quan trọng nhất là bản thân Napoléon Đệ Tam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của các tư tưởng của chủ nghĩa Saint-Simon đến mức Sainte-Beuve gọi ông là “kỵ sỹ Saint-Simon” 65. Ông vẫn giữ mối quan hệ bạn bè với một số thành viên của phong trào và thậm chí vẫn trung thành với một số tư tưởng của họ trong cuốn cương lĩnh Idées Napoléoniennes [Các tư tưởng của Napoléon] và một số sách chuyên đề khác 66. Do đó, không có gì phải ngạc nhiên khi những năm thuộc đế chế thứ hai mới chính là giai đoạn rực rỡ cho sự hiện thân của chủ nghĩa Saint-Simon. Trên thực tế họ đã có quan hệ chặt chẽ với chế độ tới mức sự kết thúc của chế độ ấy cũng gần như là dấu chấm hết đối với ảnh hưởng trực tiếp của họ tại Pháp 67.

Chúng ta có thể thấy phạm vi ảnh hưởng của chủ nghĩa Saint-Simon trong thế kỷ XIX lớn đến mức nào nếu chúng ta tính thêm, bên cạnh ảnh hưởng tới đế chế Pháp, các thực tế sau đây: (i) chính sách xã hội và các ý tưởng của Bismarck chủ yếu bắt nguồn từ Lassalle, tức là bắt nguồn từ Saint-Simon thông qua Louis Blanc, Lorenz von Stein và Rodbertus  68, và (ii) học thuyết soziale Königtum [Vương quyền xã hội] và chủ nghĩa xã hội nhà nước, những yếu tố dẫn đường cho chính sách của Bismarck, đều có thể truy nguyên thông qua L. von Stein, Rodbertus và những người khác tới cùng một nguồn [là Saint-Simon] 69. Ngay cả nếu ảnh hưởng này được định hình bởi những người khác hoạt động theo cùng chí hướng, thì nhận định của K. Grün, một người Đức, có lẽ không hề phóng đại chút nào tầm ảnh hưởng của họ và có thể là kết luận cho bài nghiên cứu này. Vào năm 1845, ông viết: “Chủ nghĩa Saint-Simon giống như một cái vỏ lớn chứa các hạt mầm, sau khi được tách ra, cái vỏ ấy bị mất đi và các hạt mầm đơn lẻ tìm được đất và nảy mầm trên khắp mọi nơi, hết hạt này đến hạt khác.” Và trong bảng liệt kê của ông về các phong trào khác nhau đã được nuôi dưỡng theo cách đó, lần đầu tiên chúng ta bắt gặp thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội khoa học” 70 dùng để chỉ các tác phẩm của Saint-Simon, người đã “dành cả đời để tìm kiếm ngành khoa học mới ấy”.

Chú thích:

(1) Về việc này và các việc sau đó, xin xem M. Thibert, Le Rôle social de l’art d’après les Saint-Simoniens (Paris, 1927); H. J. Hunt, Le Socialisme et le romantisme en France, etude de la presse socialiste de 1830 à 1840 (Oxford, 1935); và J.-M Gros, Le Mouvement litteraire socialiste depuis 1830 (Paris, 1904).

(2) Về sự phát triển của lý thuyết về nghệ thuật của chủ nghĩa Saint-Simon, xin đặc biệt chú ý đến E. Barault, Aux artistes du passés et de l’avenir des beaux arts (1830).

(3) Xem R. Curtius, Balzac (1923).

(4) Xem D. B. Cofer, Saint-Simonism in the Radicalism of T. Carlyle (College Station, Tex., 1931); F. Muckle, Henri de Saint-Simon (Jena, 1908), pp. 345-80; E. d’Eichthal, “Carlyle et le Saint-Simonisme”, Revue historique 82-83 (1903) (bản dịch tiếng Anh trong tạp chí hàng quý New Quarterly (London, tháng 4 năm 1909)); E. E. Neff, Carlyle and Mill (New York, 1926), p. 210; Hill Shine, Carlyle and Saint-Simonians: The Concept of Historical Periodicity (Baltimore; Johns Hopkins University Press, 1941), và những ghi chép của tác giả này trong Notes & Queries 171 (1936), 290-93. Về lý do tại sao trong trường hợp Carlyle, như với biết bao người khác, ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon đã dễ dàng pha trộn với ảnh hưởng của các nhà triết học Đức, sẽ được trình bày rõ ràng hơn ở phần dưới đây. Một điều trái ngược thú vị với việc Carlyle đồng tình với tư tưởng Saint-Simon là phản ứng thù địch quá mức của R. Southey, người đã viết cho Quarterly Review (45 (Jul. 7, 1831): 407-50) dưới tiêu đề “New Distribution of Property”, một bài nghiên cứu rất đầy đủ và thông minh về Doctrine de Saint-Simon. Xin xem thêm bức thư của ông đề ngày 31 tháng 6 năm 1831, trong E. Hodder, The Life and Work of the 7th Earl of Shaftesbury (London, 1886), vol. 1 p. 126. Tennyson, trong một bức thư viết năm 1832, vẫn nói rằng “cải cách và tư tưởng Saint Simon là và sẽ còn là đối tượng được quan tâm nhiều nhất… sự tồn tại của trường phái Saint Simon ngay lập tức là một bằng chứng của một lực lượng xấu xa hùng hậu hiện hữu trong thế kỷ XIX, và là tiêu điểm hội tụ tất cả các tia của lực lượng đó. Trường phái này đang lan rộng ở Pháp, Đức và Italia, và họ có những người truyền bá ở London” (Alfred Lord Tennyson, a Memoir viết bởi con trai ông (London, 1897), vol. 1, p. 99). Một sự kiện nổi bật là việc tiểu thuyết xã hội xuất hiện lần đầu tiên từ nước Anh với Disraeli vào chính thời điểm mà người ta có thể nghĩ rằng đấy là lúc mà tư tưởng của Saint-Simon đang gây ảnh hưởng theo chiều hướng này; nhưng theo những gì tôi biết thì không có bằng chứng nào chứng tỏ những người theo trường phái Saint-Simon có ảnh hưởng tới Disraeli.

(5) Xem C. G. Higginson, Auguste Comte: An Address on His Life and Work (London, 1892), p. 6, và M. Quinn, Memoirs of a Positivist (London, 1924), p. 38.

(6) J. S. Mill, Autobiography (1873), pp. 163-67. Xem thêm Ibid., p. 61, trong đó Mill kể lại việc năm 1821 ở tuổi 15 ông đã gặp chính Saint-Simon tại nhà của J. B. Say. Lúc đó Saint-Simon “chưa phải là nhà sáng lập của một học thuyết hay một tôn giáo, mà mới chỉ được coi là một kẻ lập dị thông minh”.

(7) G. d’Eichthal và C. Duveyrier đến London năm 1831 trong một chuyến công tác chính thức của phái Sain-Simon. Xem Address to the British Public by the Saint-Simonian Missionaries (London, 1832), và S. Charléty, Histoire du Saint-Simonisme (Paris, 1931), p. 93. Xem thêm Fontana, Chief và Prati, St. Simonism in London (London, 1834) (Prati là người thuyết giảng Tôn giáo St. Simon ở Anh), được J. S. Mill phê bình trên Examiner, ngày 2 tháng 2 năm 1834.

(8) The Letters of John Stuart Mill, bản của H. S. R. Elliot (1910), vol. 1, p. 20. Xem thêm J. S. Mill, Correspondance inédite avec Gustave d’Eichthal, 1828-1842, 1864-1871, bản của E. d’Eichthal (Paris, 1898); và, một phần bằng tiếng Anh gốc, trong Cosmopolis (London, 1897-98), đặc biệt vol. 5, pp. 356, 359-60.

(9) Tạp chí Globe ngày 16 tháng 3 năm 1832 đã đưa tin “chẳng có nước nào quan tâm sâu sắc đến chủ nghĩa Saint Simon” hơn nước Đức.

(10) Xem H. Fournel, Bibliographie Saint-Simonienne (Paris, 1933), p. 22.

(11) Xem P. Lafitte, “Matériaux pour la biographie d’Auguste Comte. I. Relations d’Auguste Comte avec l’Allemagne”, Revue occidentale 8 (1882): 227; và “Correspondance d’Auguste Comte et Gustave d’Eichthal”, Ibid. 12 (1891): 186-276.

(12) Ibid., pp. 228 và 223 et seq., tại đó bài phê bình ngày 27 tháng 9 năm 1824 được in lại. Ngoài những điều khác, nó còn cung cấp cho chúng ta một bài viết đầy đủ về “qui luật ba giai đoạn”.

(13) Neue Monatsschrift für Deutschland, vol. 21 (1821) (ba bài), và vol. 27 (1827) (ba bài); xem thêm trong các vol. 34 và 35 các bài sau này về cùng chủ đề. Về Friedrich Buchholz, người mà trong một giai đoạn trước thế kỷ đó đã từng là một trong số những tác giả chính trị có ảnh hưởng nhất tại nước Phổ, và vào năm 1802 đã xuất bản Darstelling eines neuen Gravitationsgestzes für die moralische Welt, xem K. Bahrs, Friedrich Buchholz, ein preussischer Publizist 1768-1843 (Berlin, 1907), và đặc biệt về mối quan hệ của d’Eichthal với ông ta, “Correspondance d’Auguste Comte et Gustave d’Eichthal”, Revue occidentale 12, (1891): 186-276.

(14) Xem danh sách khoảng 50 ấn bản về chủ nghĩa Saint-Simon xuất bản tại Đức trong thời gian từ 1830 đến 1832, do E. M. Butler cung cấp, The Saint-Simonian Religion in Germany (Cambridge, 1926), pp. 52-59; tuy vậy danh sách này chưa hoàn toàn đầy đủ. Về điều này, xem R. Palgen phê bình cuốn sách này trong Revue de littérature comparée 9 (1929); xem thêm W. Suhge, Der Saint-Simonismus und das junge Deutschland (Berlin, 1935).

(15) Xem (Abel Transon), Die Saint-Simonistische Religion: Fünf Reden an di Zöglinge der polytechnischen Schule, nebst einem Vorbericht ueber das Leben und den Charakter Saint-Simons (Göttingen, 1832).

(16) Được trích dẫn trong Butler, op. cit., từ Briefe (Weimarer Ausgabe), vol. 42, p. 300, thư đề ngày 17 tháng 10 năm 1830.

(17) Xem Eckermann, Gespräche mit Goethe, ngày 20 tháng 10 năm 1830, và Tagebücher của Goethe, các ngày 31 tháng 10 năm 1830 và 30 tháng 5 năm 1831.

(18) Rahel: Ein Buch des Andenkens für ihre Freunde (Berlin, 1834), ngày 25 tháng 4 năm 1832.

(19) Xem Butler, op. cit., p. 70.

(20) K. Grün, Die soziale Bewegung in Frankreich und in Belgien (Darmstadt, 1845), p. 90.

(21) Xem Margaret A. Clarke, Heine et la monarchie de juillet (Paris, 1927), esp. app. 2; Butler, op. cit., p. 71. Có vẻ một số người Đức nhiệt tình sùng bái Saint-Simon quá mức thậm chí đã so sánh ông với Goethe, và khiến cho Metternich (trong một bức thư gửi Hoàng tử Wittgenstein, 30 tháng 11 năm 1835) đưa ra một nhận xét cay độc là Saint-Simon, người mà ông ta có quan hệ cá nhân, “hoàn toàn là một gã hề ngớ ngẩn, cũng giống như Goethe là một nhà thơ vĩ đại” (xem O. Draeger, Theodor Mundt und seine Beziehungen zum jungen Deutschland (Marburg, 1909), p. 156.

(22) Ibid., p. 430. Ngoài cuốn sách đã được trích dẫn của Suhge, xem thêm F. Gerathewhol, Saint-Simonistische Ideen in der deutschen Literatur, Ein Beitrag zur Vorgeschichte des Sozialismus (Munich, 1920); H. V. Kleinmayr, Welt- und Kunstanschauung des jungen Deutschlands (Vienna, 1930); và J. Dresch, Gutzow et la Jeune Allemagne (Paris, 1904), về một nhà thơ Đức khác, G. Buechner, người không phải là thành viên của nhóm Người Đức Trẻ, nhưng có vẻ cũng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Saint-Simon. Có thể cũng nên nói ra rằng ông là anh trai của L. Buechner, tác giả của Kraft und Stoff (1855), và một trong những đại diện chính của chủ nghĩa duy vật cực đoan tại Đức. Về G. Buechner, xem thêm G. Adler, Die Geschichte der ersten sozialpolitischen Arbeiterbewegung in Deutschland (Leipzig, 1885), từ tr. 8, mà người xem cũng có thể tham khảo ở đó những thông tin về các nhà xã hội chủ nghĩa người Đức trước đó, đặc biệt là Ludwig Gall và sau đó là Georg Kuhlman và Julius Treichler, người mà sự liên hệ của ông với tư tưởng Saint-Simon cần được nghiên cứu (Ibid. , pp. 6, 67, 72).

(23) Một bằng chứng thú vị về mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa Saint-Simon tại Đức là một thông tri chống lại tư tưởng đó của tổng giám mục vùng Trier, ngày 13 tháng 2 năm 1832. Xem tờ Allgemeine Kirchenzeitung (Darmstadt), ngày 8 tháng 3 năm 1832.

(24) Xem B. Croce, History of Europe in the 19th Century (1934), p. 147.

(25) Về nhóm Người Đức Trẻ, T. Mundt và G. Kuehne đều là giảng viên đại học về triết học Hegel, và đó cũng là đặc điểm của các tác giả của phần lớn các sách viết về các khía cạnh triết học của chủ nghĩa Saint-Simon, đặc biệt là M. Veit, Saint-Simon und der Saint-Simonismus (Leipzig, 1834); F. W. Carové, Der Saint-Simonismus und die neure französische Philosophie (Leipzig, 1831). Tôi đã không thể mua được một cuốn sách khác của cùng thời kỳ đó, S. R. Schneider, Das Problem der Zeit und dessen Lösung durch die Association (Gotha, 1834), mà từ tiêu đề của nó ta có thể nghĩ rằng nó chứa đựng một nghiên cứu về các khía cạnh xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Saint-Simon.

(26) Xem B. Groethuysen, “Les jeunes Hégéliens et les origines du socialisme en Allemagne,” Revue philosophique 95, no. 5/6 (1923): esp. 379.

(27) Trong bài phê bình tác phẩm Lebenswirren của Mundt, bạn của ông, được trích dẫn trong W. Grupe, Mundts und Kuehnes Verhältnis zu Hege und seinen Gegnern (Halle, 1928), p. 76.

(28) Năm 1831, khi bắt đầu phong trào Saint-Simon tại Đức, Ruge 29, Feuerbach 27, Rodbertus 26, Strauss 23, Hess 19 và Karl Max 12 tuổi. Và tuổi của những người lãnh đạo nhóm Người Đức Trẻ là Laube 25, Kuehne 25, Mundt 23 và Gutzkow 20.

(29) Xem T. Zlocisti, Moses Hess (Berlin, 1920), p. 13.

(30) M. Hess, Die heilige Geschichte der Menschheit (Stuttgart, 1837).

(31) Xem A. Kohut, L. Feuerbach (Leipzig, 1909), p. 77; và Ausgewählte Briefe von und an Feuerbach (Các bức thư chọn lọc của và gửi cho Feuerbach), ed. W. Bolin (Leipzig, 1904), vol. 1, p. 256, tại đó trong một bức thư gửi anh trai, viết từ Frankfurt ngày 12 tháng 3 năm 1832, Feuerbach giải thích rằng “Paris là một nơi mà lòng tôi từ lâu đã hướng đến, là nơi tôi đã chuẩn bị cho mình trong một niềm thôi thúc không nguôi bằng cách học tiếng Pháp ngay từ rất sớm và ngày càng khẩn trương hơn; là một nơi chốn thích hợp hoàn toàn với cá tính của tôi, với triết học của tôi, vì thế, là nơi mà những năng lực của tôi được phát triển, kể cả những năng lực tôi chưa từng biết tới cũng có thể sẽ ra đời”.

(32) Xem T. G. Masaryk, Die philosophischen und soziologischen Grundlagen des Marxismus (Vienna, 1899), p. 35.

(33) Xem G. Adler, Die Geschichte der ersten sozialpolitischen Arbeiterbewegung in Deutschland (Leipzig, 1885), và K. Mielcke, Deutscher Frühsozialismus (Stuttgart, 1931), pp. 185-89.

(34) Lorenz von Stein, Der Sozialismus und Kommunismus des heutigen Frankreich (Leipzig, 1842), và K. Grün, Die soziale Bewegung in Frankreich und Belgien (Darmstadt, 1845). Về cuốn sau, cf. K. Marx và F. Engels, The German Ideology, Marxist Leninist Library (London, 1938), pp. 118-79.

(35) Cf. B. Foeldes, “Bemerkungen zu dem Problem Lorenz von Stein-Karl Marx”, Jahrbücher für Nationalökonomie und Statistik, vol. 102 (1914), và H. Nitschke, Die Geschichtsphilosophie Lorenz von Stein, supp. no. 26, Historische Zeitschrift (München, 1932).

(36) Xem Maxim Kowalewski, Karl Marx, Eine Sammlung von Erinnerungen und Aufsätzen (Zürich: V. Adoratskij, 1934), p. 223. Có thể suy từ một nhận xét của W. Sulzbach trong Die Anfänge der materialistischen Geschichtsauffassung (Stuttgart, 1911), p. 3, rằng có vẻ còn có bằng chứng độc lập khác rằng Marx đã nghiên cứu các tác phẩm của Saint-Simon khi còn đi học. Nhưng tôi đã không thể lần ra được bằng chứng đó.

(37) Ngoài một số tác phẩm ra đời trước đó của các tác giả Muckle, Eckstein, Cunow và Sulzbach, xin đặc biệt lưu ‎ý Kurt Breysig, Vom historischen Werden, vol. 2, pp. 64 et seq., 84; và W. Heider, Die Geschichts-lehre von Karl Marx, “Forschungen”, v.v.., ed. K. Breysig, no. 3 (1931), p. 19. Những đề nghị này cũng đã được xác nhận qua bài nghiên cứu cẩn thận của V. Volgin, “Ueber die historische Stellung Saint-Simons”, Marx-Engels Archiv, vol. 1/1 (Frankfurt am Main, 1926), pp. 82-118.

(38) Cf. G. Mayer, Friedrich Engels, Eine Biographie (Berlin, 1920), vol. 1, pp. 40, 108.

(39) Xem H. Dietzel, Rodbertus (1888), vol. 1, p. 5, vol. 2, pp. 40, 44, 51, 66, 132 et seq., 184-89; C. Andler, Les origines du socialisme d’etat en Allemagne (Paris, 1897), p. 107, 111; C. Gide và C. Rist, Histoire des doctrines économiques (Paris, 1909), pp. 481, 484, 488, 490; F. Muckle, Die grossen Sozialisten (Leipzig, 1920), vol. 2, p. 77; W. Eucken, “Zur Würdigung Saint-Simons,” Jahrbuch für Volkswirtschaft und Gesetzgebung, vol. 45 (1921), p. 1052. Sự phản đối gần đây đối với luận điểm này của E. Thier (Rodbertus, Lassalle, Adolf Wagner, Zur Geschichte des deutschen Staatssozialismus (Jena, 1930), pp. 15-16) có vẻ đã xuất phát từ sự hiểu biết không đầy đủ về các tác phẩm của trường phái Saint-Simon.

(40) Xem F. Mehring, Geschichte der deutschen Sozialdemokratie, 4th ed. (1909), vol. 2, p. 180.

(41) Xem Andler, op. cit., p. 101. Trường hợp của nhà kinh tế Friedrich List là một trường hợp lạ lùng và vẫn hoàn toàn chưa được khám phá, ở đó ảnh hưởng của tư tưởng Saint-Simon đối với tư tưởng Đức có vẻ như đã phát huy tác dụng. Ít nhất đã có bằng chứng về quan hệ trực tiếp của ông với phái Saint-Simon. List đến Paris, nơi ông đã từng đến vào năm 1823-24, trên đường trở về từ châu Phi tháng 12 năm 1830. Trong chuyến viếng thăm trước ông đã làm quen với biên tập viên đầu tiên của Revue encyclopaedique, trong chuyến thăm thứ hai của ông, chức danh này thuộc quyền của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon và từ tháng 8 năm 1831 trở đi nó nằm trong quyền biên tập của H. Carnot. Mối quan tâm của List, giống như của những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, phần lớn tập trung vào các dự án đường sắt và mọi nỗ lực liên lạc với những người có mối quan tâm tương tự hẳn đã phải dẫn ông đến thẳng với những người theo chủ nghĩa Saint-Simon. Chúng ta biết rằng trước đó List đã gặp Chevalier và rằng ít nhất ông đã cố gắng làm quen với d’Eichthal. (Xem Schriften, Reden, Briefe của ông, ed. Friedrich List Gesellschaft, vol. 4, p. 8.) Hai trong số các bài của ông về đường sắt đã xuất hiện trong Revue encyclopaedique. Tôi chưa khẳng định được liệu tờ Globe, được ông trích trong một bài (từ một đoạn văn mà biên tập viên của tờ Schriften không chút nghi ngờ đã tìm kiếm vô ích trong tạp chí tiếng Anh Globe and Traveller), có khác với tờ tạp chí cùng tên của phái Saint-Simon hay không, mà dường như có nhiều khả năng là như vậy. (Xem Schriften, vol. 5, (1928), p. 62, 554.) Vài năm sau này List dịch Idées Napoléoniennes của Louis Napoléon, mà khuynh hướng Saint-Simon trong tác phẩm đó chúng ta cần lưu ý. Giờ đây người ta biết rằng ông viết bản đầu tiên của tác phẩm chính của mình, cuốn Nationale System der Politischen Oekonomie, trong chuyến dừng chân thứ ba và dài hơn nhiều tại Paris trong những năm 1830, dưới dạng một luận văn xuất sắc, và rằng trong luận văn này ông cảm thấy mình bắt buộc phải tự vệ trước mọi nghi ngờ về “chủ nghĩa Saint-Simon” trên khía cạnh cộng sản, theo cách thường được hiểu thời bấy giờ (Schriften, vol. 4, p. 294). Ít ai nghi ngờ rằng mọi điểm tương tự rõ rệt với chủ nghĩa Saint-Simon trong các tác phẩm của ông sau này có vẻ đã bắt nguồn từ luận văn đó. Và những điểm tương đồng đó thực sự là không ít. Đặc biệt quan niệm của List về “các quy luật tự nhiên của tiến trình lịch sử” rất có thể bắt nguồn từ chủ nghĩa Saint-Simon; theo quan điểm này, tiến hóa xã hội cần phải đi qua các giai đoạn xác định, một ý tưởng được trường phái lịch sử của các nhà kinh tế Đức dễ dàng chấp nhận. Ảnh hưởng chung của người Pháp đến List như thế nào, bài diễn thuyết của ông chống lại “tư tưởng học” là một bằng chứng.Việc trường phái lịch sử của các nhà kinh tế học Đức đã tiếp nhận từ các tác gia Đức khác mối quan tâm đến sự khám phá ra các giai đoạn xác định của tiến trình phát triển kinh tế, và B. Hildebrandt tiếp nhận các chủ nghĩa Saint-Simon đã được chỉ ra bởi J. Plenge, Stammformen der vergleichenden Wirtschaftstheorie (Essen, 1919), p. 15.

(42) Xem H. Louvancour, De Henri Saint-Simon à Charles Fourier (Chartres, 1913), và H. Bourgin, Fourier: Contribution à l’étude du socialisme français (1905), esp. pp. 415 et seq.

(43) Xem M. Dommanget, Victor Considérant, sa vie, son oeuvre (Paris, 1929).

(44) Về các yếu tố chủ nghĩa Saint-Simon trong học thuyết của Proudhon, xin đặc biệt lưu ý K. Diehl, Proudhon(1888-96), vol. 3, pp. 159, 176,280.

(45) Thậm chí có thể đã có những ảnh hưởng trực tiếp tới chủ nghĩa xã hội ban đầu tại Anh. Ít nhất một trong những bức thư của T. Hodgskin, viết năm 1820 không lâu sau khi ông trở về từ Pháp, đã thể hiện những dấu vết rất rõ của chủ nghĩa Saint-Simon. Xem E. Halévy, Thomas Hodgskin (Paris, 1903), pp. 58-59. Tôi có được thông tin này là nhờ Dr. W. Stark.

(46) Mazzini, trong thời gian từ 1830 đến 1835, đặc biệt trong thời gian lưu vong tại Pháp, đã có quan hệ gần gũi với P. Leroux và J. Renaud thuộc nhóm những người theo chủ nghĩa Saint-Simon, và kết quả của việc này có thể thấy xuyên suốt trong các tác phẩm của ông. Về việc này, xem G. Salvemini, Mazzini (trong G. d’Acandia, La Giovine Europa) (Rome, 1915), passim; O. Vossler, Mazzini’s politisches Denken und Wollen, supp. no. 11, Historische, Zeitung (München, 1927), p. 42-52; và B. Croce, History of Europe, p. 118, 142. Về thái độ chỉ trích sau này của Mazzini đối với tư tưởng Saint-Simon, xem “Thoughts on Democracy” của ông trong Joseph Mazzini, A Memoir của E. A. V(enturi) (London, 1875), esp. pp. 205-17.

(47) Xem G. Weill, “Le Saint-Simonisme hors de France”, Revue d’histoire économique et sociale 9 (1921): 109, và O. Vossler, op. cit., p. 44.

(48) Xem N. Mehlin, “Auguste Strindberg”, Revue de Paris 19 (15 tháng 10 năm 1912): 857.

(49) Xem A. Herzen, Le monde Russe et la révolution (Paris, 1860-62), vol. 6, pp. 195 et seq.

(50) Xem G. Weill, op. cit., và J. F. Normano, “Saint-Simonian America”, Social Force 9 (Tháng 10, 1932).

(51) Xem Ernest Solvay, A propos de Saint-Simonisme (Principes libérosocialistes d’action sociale). Projet de lettre au journal Le Peuple, 1903 (in năm 1916). Tham khảo P. Héger và C. Lefebure, Vie d’Ernest Solvay (Brussels, 1929), pp. 77, 150.

(52) Tờ Producteur thời hậu chiến được xuất bản tại Paris từ năm 1919 bởi một nhóm gồm G. Darquet, G. Gros, H. Clouard, M. Leroy và F. Delaisi. Về việc này, xem M. Bourbonnais, Les Néo-Saint-Simoniens et la via sociale d’aujourd’hui (Paris, 1923).

(53) Xem thêm G. J. Gignoux, “L’Industrialisme de Saint-Simon à Walter Rathenau”, Revue d’histoire des doctrines économiques et sociales (1923), và G. Salomon, “Die Saint-Simonisten,” Zeitschrift für die gesamte Staatswissenschaft 82 (1927): 550-76. Về ảnh hưởng của tư tưởng Saint-Simon trong khái niệm về các lý thuyết tập thể của chủ nghĩa phát xít, xem Hans Reupke, Unternehmer und Arbeiter in der fascistischen Wirtschaftsidee (Berlin, 1931), pp. 14, 18, 22, 29-30, 40.

(54) Xem Johann Plenge, Gründung und Geschichte des Crédit Mobilier (việc thành lập và lịch sử của ngân hàng động sản) (Tübingen, 1903), esp. pp. 79 et seq., và đoạn trích từ p. 139 của Báo cáo hàng năm của Crédit mobilier cho năm 1854: “Khi ta đụng chạm đến một ngành công nghiệp, điều ta mong muốn hơn hết là có được sự phát triển của nó không phải bằng con đường của sự cạnh tranh, mà bằng con đường liên hiệp và hợp nhất, bằng cách sử dụng những lực lượng một cách tiết kiệm nhất chứ không phải bằng sự đối lập và hủy hoại giữa chúng với nhau”.Ở đây chúng ta không có đủ chỗ để bàn về các lý thuyết tín dụng theo chủ nghĩa Saint-Simon trong tay anh em nhà Pereires về vấn đề này chúng ta phải tham khảo J. B. Vergeot, Les Crédit comme stimulant et régulateur de l’industrie, la conception Saint-Simonienne, ses réalisations, v.v.. (Paris, 1918), và K. Moldenhauer, Kreditpolitik und Gesellschaftsreform (Jena, 1932). Nhưng phải nói một điều rằng anh em nhà Pereire, sau khi có được Banque de Savoy với đặc quyền in tiền giấy của nó, nhằm đạt đến một vị thế để đưa các lý thuyết của họ vào thực tiễn, đã trở thành những người ủng hộ nhiệt tình cho trường phái “hoạt động ngân hàng tự do” và là căn nguyên của cuộc tranh cãi lớn giữa trường phái “hoạt động ngân hàng tự do” và “hoạt động ngân hàng tập trung” từng sôi động ở Pháp trong vào sau năm 1864. Về điều này, xem V. C. Smith, The Rationale of Central Banking (London, 1936), pp. 33 et seq.

(55) Xem J. Hansen, G. v Mevissen (Berlin, 1906), vol. 1, p. 60, 606, 644-46, 655, và W. Daebritz, Gründung und Anfänge der Discontogesellschaft (Berlin và Muenchen, 1931), pp. 34-36.

(56) Xem H. M. Hirschfeld, “Le Saint-Simonisme dans les Pays-Bas: Le Crédit mobilier Néerlandais”, Revue d’economie politique (1923), pp. 364-74.

(57) Xem F. G. Steiner, Die Entwicklung des Mobilbankwesens in Oesterreich von den Anfängen bis zur Krise von 1873 (Wien, 1913), pp. 38-78.

(58) Xem H. M. Hirschfeld, “Der Crédit Mobilier Gedanke mit besonderer Berücksichtigung seines Einflusses in den Niederlanden”, Zeitschrift für Volkswirtschaft und Sozialpolitik, n.f. 3 (1923): 438-65.

(59) Xem G. v. Schulze-Gaevernitz, Die deutsche Kreditbank (Grundriss der Sozialökonomik V/2) (1915), p. 146.

(60) Xem M. Wallon, Les Saint-Simoniens et les chemins de fer (Paris, 1908), H. R. d’Allemagne, Prosper Enfantin et les grandes entreprises du XIX siècle (Paris, 1935).

(61) Xem Vues politiques et pratiques sur les travaux publiques en France, được bốn kỹ sư theo phái Saint-Simon là G. Lamé, B. P. E. Clapeyron, và S. và E. Flachat xuất bản năm 1832.

(62) Được trích trong G. Pinet, Ecrivains et penseurs polytechniciens (Paris, 1887), p. 165.

(63) Xem C. Pecqueur, Economie sociale: des intérêts du commerce, de l’industrie et de l’agriculture, et de la civilisation en général, sous l’influence des applications de la vapeur (Paris, 1838).

(64) Đặc biệt Jourdan, một người bạn thân của Enfantin, và Guérault. Về người thứ hai này, tham khảo Sainte-Beuve, Nouveaux Lundis, 4; và về quan hệ của bản thân Sainte-Beuve với chủ nghĩa Saint-Simon, xem M. Leroy, “Le Saint-Simonisme de Sainte-Beuve”, Zeitschrift für Sozialwissenschaft 7 (1938): 132-47.

(65) Xem A. Guerard, Napoléon III (Cambridge, Mass.: Havard University Press, 1943), p. 215, trong đó điều miêu tả này về Napoleon III được xem là “chính xác đến sửng sốt”; và H. N. Boon, Rêve et réalité dans l’oeuvre économique et sociale (The Hague, 1936).

(66) Des Idées Napoléoniennes (1839), L’idée Napoléonienne (1840), và De l’extinction du paupérisme (1844).

(67) Về toàn bộ giai đoạn hoạt động này của họ, xem G. Weill, “Les Saint-Simoniens sous Napoleon III”, Revue des études Napoleoniennes (May 1931): 391-406.

(68) Cf. E. Halévy, “La doctrine économique Saint-Simonienne”, trong L’Ere des tyrannies (Paris, 1938), p. 91.

(69) Xem L. Brentano, “Die gewerbliche Arbeiterfrage”. trong Schonberg, Handbuch der politischen Oekonomie (1882), pp. 935 et seq.

(70) K. Grün, Die soziale Bewegung in Frankreich und Belgien (1845), p. 182. Sẽ thú vị khi ta so sánh tuyên bố này với một bản viết tay của Lord Acton (Cambridge University Library, Acton 5487); ở đoạn bàn về Bazard, Acton nói: “Một hệ thống bị giam hãm. Nó là những mảnh vỡ của chính nó, tan rã, rồi đơm hoa kết trái.” Tham khảo thêm J. S. Mill, Principles of Political Economy, 2d ed. (1849), vol. 1, p. 250: tư tưởng St. Simon, “chỉ trong ít năm được phổ biến rộng rãi, đã gieo hạt giống cho gần như tất cả các trào lưu xã hội chủ nghĩa từng lan rộng tại Pháp kể từ ngày đó”; và W. Roscher, Geschichte der Nationalökonomik in Deutschland (1874), p. 845: “Và không thể phủ nhận rằng những nhà văn ấy (Bazard, Enfantin, Comte, Considérant) đã có một ảnh hưởng thực tiễn lớn như thế nào đối với thời đại của họ mà những lãnh tụ xã hội chủ nghĩa ngày nay hoàn toàn không thể nào sánh nổi; cũng như họ vượt hơn hẳn loại người sau về tầm quan trọng khoa học. Trong sách vở xã hội chủ nghĩa thời gian gần đây nhất, hầu như không có những tư tưởng đáng kể nào mà đã không được các nhà văn Pháp ấy nói ra, thậm chí đã được nói ra bằng một hình thức sắc sảo và xứng đáng hơn nhiều”.