Liên minh châu Âu trên đường trở thành nền kinh tế kế hoạch hoá sinh thái

Liên minh châu Âu trên đường trở thành nền kinh tế kế hoạch hoá sinh thái

Liên minh Châu Âu (EU) đã đặt ra định mức phát thải CO2 cho các nhà sản xuất xe cơ giới và do đó, trên thực tế đã đặt ra quy định rằng các nhà sản xuất xe hơi cần phải sản xuất loại xe nào. EU cũng đưa ra chính sách thuế sinh thái mới, trong đó ngầm quy định những loại đầu tư nào được coi là tốt (phát thải ít CO2), và những loại đầu tư nào được coi là xấu. Với quy chuẩn sửa đổi về “hiệu suất sử dụng năng lượng của các toà nhà”, các chủ sở hữu bất động sản đều phải chịu trách nhiệm tu sửa lại các toà nhà theo định hướng giảm thải khí carbon.

Ba ví dụ trên đây cho thấy, tinh thần kinh tế thị trường đang dần biến mất ở châu Âu. Bởi vậy, đây là lúc cần nhắc lại: Kinh tế thị trường được xây dựng trên nền tảng của sở hữu tư nhân và cạnh tranh – các doanh nghiệp tự quyết định họ sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào. Một trong các công cụ giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định là giá trên thị trường. Các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc phát triển sản phẩm mới và tạo ra các cơ hội mới cho thị trường. Khách hàng cũng có vai trò quyết định, vì việc họ mua hay không mua sản phẩm sẽ quyết định thành công hay thất bại của các doanh nghiệp. Trái ngược với kinh tế thị trường là kinh tế xã hội chủ nghĩa, ở đó không có giá cả thật mà chỉ có giá cả do nhà nước hoạch định; nhà nước cũng quyết định mặt hàng nào được sản xuất và sản xuất như thế nào.

Tất nhiên, không ở đâu trên thế giới tồn tại hai mô hình kinh tế này ở dạng thuần khiết. Trên thực tế, tất cả các hệ thống kinh tế trên thế giới đều là các hệ thống lai ghép. Ở các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã luôn tồn tại các yếu tố thị trường (nếu không, chúng có thể đã chết yểu hơn nhiều). Ở các nước tư bản chủ nghĩa ngày nay, vẫn đang tồn tại nhiều yếu tố của kinh tế kế hoạch hoá (mà chúng thường chỉ gây hại cho thị trường). Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày càng có nhiều yếu tố kế hoạch hoá xuất hiện.

Ba ví dụ trên về chính sách giảm phát thải CO2 của EU cho thấy: thuế môi trường đưa ra các tiêu chuẩn về việc một hoạt động kinh tế có được coi là “sinh thái bền vững” hay không. Không phải là các doanh nhân mà là các chính trị gia và cán bộ nhà nước là những người quyết định những loại đầu tư nào nên được diễn ra. Ảnh hưởng của các chính phủ đặc biệt được lộ rõ trong cuộc tranh luận hiện nay về việc khí gas và năng lượng hạt nhân có được coi là “bền vững” hay không. Các nhà chính trị đảng Xanh của Đức chống năng lượng hạt nhân, trong khi ở Pháp thì họ lại ủng hộ. Kết quả là: những tính toán chính trị quyết định bức tranh đầu tư.

Điều tương tự cũng xảy ra với quy định mới về giảm thải định mức CO2 cho xe cơ giới. Không phải là giới doanh nghiệp – hay cuối cùng là người tiêu dùng – quyết định việc loại xe nào cần được sản xuất, mà là các chính phủ. Ông Oliver Luksic, chuyên gia vận tải của đảng Dân chủ Tự do (FDP) kiêm Tổng thư ký Bộ Số hoá và Giao thông CHLB Đức, nói rằng: “Chúng ta đang ở thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá kiểu đảng Xanh, nơi mà nhà nước chứ không phải luật cung-cầu quyết định việc loại ô tô nào nên được sản xuất. Lẽ ra nên để các công nghệ tự do cạnh tranh thì chỉ có loại xe điện chạy bằng ắc-quy là được ưu tiên, những loại xe này không hề đại diện cho tiến bộ và đổi mới công nghệ. Các hãng sản xuất ô-tô buộc phải chạy theo quy định nhà nước và không còn cách nào khác là xin nhà nước hỗ trợ tiền. Các bài báo kiểu báo cáo thành tích như “Volkswagen vượt định mức giảm thải CO2 cho năm 2020” khiến ta không khỏi không nhớ tới những tin tức về kinh tế dưới thời CHDC Đức.

Ví dụ thứ ba: Liên minh Châu Âu muốn tất cả các nước thành viên phải thông qua quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng cho các tòa nhà. Tới năm 2030, các ông chủ bất động sản phải tu bổ lại các ngôi nhà theo tiêu chuẩn về hiệu quả sử dụng năng lượng ngặt nghèo, trong khi các tòa nhà công sở thì chỉ có thời hạn tới 2027 để hoàn thành việc đó. Khoảng 15% trong số 220 triệu căn hộ và tòa nhà ở EU cần phải tu sửa theo tiêu chuẩn đó. Điều này dĩ nhiên khiến giới lobby cho các doanh nghiệp sản xuất tấm cách nhiệt mừng rỡ: “Trong 10 năm tới, tất cả các toà nhà sử dụng quá nhiều năng lượng sẽ phải tu bổ lại!”. Điều đó cũng đồng nghĩa, ai không có khả năng đó (do thiếu vốn hay phương tiện) sẽ bị phạt nặng, buộc phải phá sản hoặc bán rẻ sở hữu (thực tế cũng chẳng khác gì bị tịch biên tài sản).

Cách đây 100 năm, nhà kinh tế học Ludwig von Mises đã xuất bản một tác phẩm lừng danh: Chủ nghĩa xã hội: Một phân tích kinh tế và xã hội học, trong đó ông chỉ ra rằng, chủ nghĩa xã hội không thể hoạt động được vì ở đó không có giá cả thực tế, do nhà nước quyết định việc sản xuất cái gì. Sự sụp đổ của các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đã xác nhận tính đúng đắn của nhận định ấy. Tuy nhiên, có vẻ như con người vẫn không học được gì từ vô số lần thất bại lặp đi lặp lại của các hình thái kinh tế xã hội chủ nghĩa khác nhau. Điều này hoàn toàn đúng với những gì Hegel đã viết trong các bài giảng về lịch sử triết học: “Kinh nghiệm và lịch sử đã dạy chúng ta rằng, các dân tộc và các chính quyền không học được gì từ lịch sử và cũng không bao giờ hành động theo những bài học được đúc rút ra từ đó.”

* Rainer Zitelmann là tác giả của cuốn sách “Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản” (The Power of Capitalism: https://the-power-of-capitalism.com/)

Nguồn: Rainer Zitelmann, European Union on the road to a green planned economy.

(Bài viết do tác giả gửi cho Thị trường tự do Academy.)