Giải quyết nợ xấu có tính hệ thống trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam (Phần 2)

Giải quyết nợ xấu có tính hệ thống trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam (Phần 2)

3. Các phương án giải quyết nợ xấu trên thế giới: lý thuyết và thực tiễn

3.1 Cơ sở lý thuyết về giải quyết nợ xấu hệ thống

Khi nợ xấu xảy ra có tính hệ thống thì có ba hình thức giải quyết thông dụng sau: (i) giải pháp thị trường tự do: tự chịu trách nhiệm (self-reliance), (ii) chuyển nợ xấu từ các NHTM sang một công ty quản lý tài sản đặc biệt (SAMC), và (ii) xoá nợ (Mitchell, 2001). Gần đây, giải pháp thu hẹp tỷ lệ sở hữu (bail-in) bắt buộc đối với các cổ đông hiện hữu cũng được đề xuất để giải quyết nợ xấu nhằm tránh tình trạng rủi ro đạo đức một khi các ngân hàng trở thành quá lớn để sụp đổ (Zhou et al., 2012).

Giải pháp tự giải quyết (self-reliance): giải pháp này hàm ý các ngân hàng sẽ phải tự xử lý các khoản nợ xấu của mình để đạt được các chuẩn mực mà NHTW đưa ra. Các NHTM sẽ phải dùng các khoản dự phòng và huy động thêm vốn mới để bù đắp lại lượng vốn bị mất khi nợ xấu được ghi nhận là mất vốn. Các NHTM cũng phải tự thỏa thuận trong việc mua bán, xử lý nợ xấu để thu hồi vốn.

NHTW thường sẽ ấn định một khoảng thời gian nhất định để các NHTM tự xử lý. Khi không tự xử lý được, các NHTM có thể bị phá sản.

Giải pháp SAMC: việc hình thành công ty đặc biệt ở qui mô quốc gia để mua bán nợ xấu đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Hàn Quốc, Thái Lan, v.v. Mục đích của giải pháp này là tạo ra công cụ để giải quyết nhanh chóng nợ xấu tại các NHTM. SAMC sẽ tiến hành mua lại các khoản nợ xấu từ các NHTM với những mức chiết khấu khác nhau tùy vào đánh giá về chất lượng của các khoản nợ đó. Khi quá trình này được khởi động, nợ xấu tại các NHTM sẽ giảm đi nhanh chóng. Tất nhiên, các NHTM sẽ phải ghi nhận mất vốn một phần vì khi tài sản nợ xấu được chuyển sang cho SAMC, các NHTM chỉ thu được tiền về ở mức giá đã bị chiết khấu.

SAMC sau khi nhận các khoản nợ xấu của các NHTM sẽ tiến hành phân loại và thực hiện các hình thức bán nợ xấu cho các đối tác khác nhau trong nền kinh tế.

Kinh nghiệm cho thấy SAMC không nên dấn sâu vào các hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp mà chỉ nên dừng lại ở khâu mua nợ xấu và bán nợ xấu (Klingebiel, 2000).

Giải pháp xoá nợ:  giải pháp xóa nợ cho doanh nghiệp thường được đề xuất thực hiện khi các khoản nợ giữa các NHTM nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Vì cả hai đối tượng này đều thuộc sở hữu của nhà nước nên việc xóa nợ sẽ không làm thay đổi giá trị tài sản của nhà nước.

Vấn đề chính của giải pháp xóa nợ là nó ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước đối với thị trường và gây ra rủi ro về ngân sách mềm trong tương lai. Khi DNNN được xóa nợ thì đương nhiên NHTM nhà nước sẽ bị mất vốn. Và để hoạt động thì nhà nước buộc phải bơm vốn (recapitalization) cho ngân hàng tương đương với lượng vốn đã bị mất đi do xóa nợ.

3.2 Kinh nghiệm thế giới

Hiện tượng một hệ thống tín dụng lâm vào khủng khoảng do nợ xấu không phải là một cái gì đó cá biệt. Nó xảy ra ở nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong những giai đoạn khác nhau. Các nghiên cứu về những cuộc khủng hoảng tài chính này cũng như kinh nghiệm giải quyết hậu quả đã mang lại những bài học quí báu cho những quốc gia sau này trong việc ngăn ngừa cũng như giải quyết khủng hoảng kinh tế-tài chính do nợ xấu. Dưới đây là một số bài học của các quốc gia.

3.2.1 Kinh nghiệm chung

Tiến hành càng lâu, càng manh mún thì càng tốn nhiều chi phí

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một công việc tốn kém đối với nền kinh tế. Các nghiên cứu gần đây cho thấy mức độ tốn kém phụ thuộc nhiều vào tiến độ tái cơ cấu hệ thống. Quá trình tái cơ cấu hệ thống càng chậm chạp thì chi phí tái cơ cấu càng cao. Các quốc gia tiến hành tái cơ cấu nhanh và triệt để thì chi phí chỉ mất từ 0,4% - 15% GDP; các quốc gia tiến hành cái cơ cấu ở mức độ vừa phải thì chi phí mất từ 6%-33% GDP; còn với các quốc gia tiến hành chậm chạp, manh mún thì chi phí sẽ mất từ 15%-45% GDP (Dziobek và Pazarasioglu, 1998).

Bảng 4: Các kết quả và chi phí liên quan đến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Tiến độ nhanh và triệt để

Chi phí

Tiến độ vừa phải

Chi phí

Tiế độ chậm

Chi phí

Cote d’voire (1991)

  1.  

Chi lê (1983)

  1.  
  • (1992)
  1.  
  • (1991)
  1.  

Phần Lan (1991)

  1.  
  • (1993)
  1.  

Phillippines (1984)

  1.  
  • (1989)
  1.  
  • (1992)
  1.  

Tây ban nha (1980)

  1.  
  • (1993)
  1.  

 

 

Thụy điển (1991)

  1.  

Bal an (1993)

  1.  

 

 

Ghi chú: Quá trình tái cơ cấu của quốc gia được tiến hành từ năm thể hiện ở cột 1; chi phí là các khoản chi phân sách được tính cộng dồn theo phần trăm GDP, không bao gồm các khoản thu hồi chi phí của chính phủ.

Nguồn: Bảng 1, Dziobek và Pazarasioglu (1998)

Nên hình thành một cơ quan độc lập để thực hiện tái cơ cấu

Để tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như xử lý nợ xấu hệ thống, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy cần phải có một cơ quan có quyền lực để tiến hành nhanh chóng, có khả năng giám sát các chính sách liên quan đến tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, vì thời gian tiền hánh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thướng mất vài năm và gắn với những phí tổn đáng kể từ ngân sách.

Cơ quan này nên là một tổ chức độc lập khỏi NHTW. Điều này là quan trọng để đảm bảo rằng các chính sách của NHTW gắn với các chính sách vĩ mô hơn là xử lý các vấn đề vi mô. NHTW khi đó sẽ không phải can dự trực tiếp vào các hoạt động của các NHTM vì chi phí tài chính trong quá trình tái cơ cấu có thể gây ra các xung đột với chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, NHTW cần đảm bảo khả năng thanh toán và thanh khoản của hệ thống trong suốt quá trình tái cơ cấu. NHTW chỉ nên cho các tổ chức tín dụng vay ngắn hạn thay vì dài hạn.

Chia sẻ thua lỗ

Một nguyên tắc quan trọng của việc xử lý nợ xấu có tính hệ thống là cần phải thuyết phục được người dân rằng việc chia sẻ chi phí giữa ngân sách nhà nước, các tổ chức tín dụng, và xã hội là cần thiết và công bằng.

Thứ nhất, khi xảy ra nợ xấu có tính hệ thống thì nguyên nhân không hoàn toàn là do sự yếu kém trong quản trị của các NHTM có nợ xấu cao. Các chính sách tiền tệ và hệ thống giám sát lỏng lẻo là những nguyên nhân gián tiếp gây ra hiện trạng đó. Vì lẽ đó, việc xử lý nợ xấu cần chi phí từ ngân sách nhà nước.

Thứ hai, việc xử lý nợ xấu có tính hệ thống nhằm đảm bảo rằng sự đổ vỡ hệ thống sẽ không xảy ra. Khi đó tiền gửi của người dân sẽ không bị mất. Vì đây là lợi ích của toàn bộ người dân nên người dân cần chấp nhận để nhà nước đại diện gánh chịu một số chi phí trong quá trình xử lý nợ xấu này.

Xử lý các vấn đề liên quan đến sở hữu nhà nước

Nếu nợ xấu xảy ra nhiều tại khu vực DNNN thì việc đòi hỏi xử lý tập trung nợ xấu gắn với quá trình tái cơ cấu khu vực này là cần thiết. Vì các DNNN và các ngân hàng thương mại nhà nước đều thuộc sở hữu của nhà nước nên khi xử lý nợ xấu giữa hai khu vực này với ngân sách nhà nước ít nhiều mang tính chuyển giao tài sản nội bộ. Sự giàn xếp lẫn nhau giữa ba khu vực này thường có thể tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn khi tương tác với khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định

Để có thể yên tâm tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như xử lý nợ xấu thì điều kiện rất quan trọng của môi trường kinh tế vĩ mô là lạm phát thấp và ổn định. Kinh nghiệm thế giới cho thấy tăng trưởng kinh tế thấp vẫn có thể đảm bảo được việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thành công. Nhưng nếu lạm phát tái diễn thì khả năng thành công lại là rất ít.

3.2.2 Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Bối cảnh khủng khoảng kinh tế tài chính của Hàn Quốc giai đoạn 1997-1998 có nhiều nét khá tương đồng với Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế nước này bộc lộ những nhược điểm cơ cấu nội tại khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế khu vực. Nguyên nhân sâu xa là do việc sử dụng tín dụng quá nhiều bởi các Cheabol trong nền kinh tế. Bản thân các Cheabol Hàn Quốc cũng được định hình bởi các mối quan hệ chằng chịt về sở hữu chéo giữa các định chế tài chính với khu vực doanh nghiệp sản xuất.

Trước bối cánh nợ xấu tăng mạnh từ cuối năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện những giải pháp mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu của hệ thống tín dụng nhằm giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng.

Đầu tiên, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đánh giá lại nợ xấu của toàn bộ hệ thống. Trước khủng hoảng, chỉ các khoản nợ quá hạn trên sáu tháng mới bị xếp vào nhóm nợ xấu. Tuy nhiên, để có thể đánh giá đúng tình hình và đề ra các giải pháp hiệu quả, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã chấp nhận chuẩn mực quốc tế và đưa các khoản nợ quá hạn trên ba tháng vào nhóm nợ xấu. Kết quả là nợ xấu của toàn bộ hệ thống tài chính Hàn Quốc vào tháng 3.1998 lên tới 118 ngàn tỉ won, bằng 18% tổng dư nợ (tương đương khoảng 27% GDP của Hàn Quốc năm 1998), trong đó có 42% là nợ quá hạn từ 3 – 6 tháng, và 58% là nợ quá hạn trên sáu tháng.

Để giải quyết lượng nợ xấu khổng lồ trên, vào 8.1997, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật cải tiến lại chức năng và nhiệm vụ của KAMCO, vốn là một công ty quản lý tài sản nợ thuộc ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), để cho phép công ty này mua – bán nợ xấu của toàn bộ hệ thống tín dụng.

Cơ chế hình thành KAMCO

Bảng 5: Danh mục mua bán nợ xấu của KAMCO (tính đến 4.2003)

(nghìn tỷ won)

 

Lượng NPLs mua vào

Lượngf NPLs thanh lý

Lượng NPLs còn lại

 

Giá trị sổ sách

Giá trị mua bán thực

Giá trị sổ sách

Giá trị mua bán thực

Giá trị sổ sách

Thị giá

Các khoản nợ thường

30,7

9,4

25,5

11,1

5,1

0,5

Các khoản nợ đặc biệt

41,4

17,1

36,6

17,0

4,8

1,4

Các khoản nợ của Daewoo

35,4

12,7

3,6

2,8

31,9

10,4

Các khoản nợ được “tái cấu trúc” (“Workout” Loans)

2,6

0,6

0,2

0,2

2,4

0,5

Tổng

110,1

39,8

65,9

31,1

44,2

12,8

NGuồn: KAMCO, trong Dong He (2004).

KAMCO được sở hữu bởi ba đơn vị: Bộ Tài chính và kinh tế (đóng góp 42,8% vốn), KDB (28,6%), và các định chế tài chính khác (28,6%). Công ty này được vận hành bởi một uỷ ban gồm các đại diện đến từ Bộ Tài chính và kinh tế, Bộ Kế hoạch và ngân sách, Uỷ ban Giám sát tài chính, Hiệp hội các ngân hàng, Công ty bảo hiểm tiền gửi KDB và ba chuyên gia độc lập (một luật sư, một chuyên gia kiểm toán, và một chuyên gia kinh tế).

KAMCO có nhiệm vụ điều hành một quỹ quản lý nợ xấu (NPA) có thời hạn hoạt động 05 năm để giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống. Quỹ NPA này huy động tổng cộng 21,6 ngàn tỉ won, trong đó có 20,5 ngàn tỉ won đến từ việc phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, 500 tỉ won vay từ KDB và số còn lại, 600 tỉ won đến từ các định chế tài chính khác. Trái phiếu phát hành bởi NPA được thực hiện rải rác từ tháng 11.1997 – 12.1999.

Sau ba tháng kể từ ngày được giao chức năng nhiệm vụ mới, KAMCO bắt đầu mua khoản nợ xấu đầu tiên trị giá 4,4 ngàn tỉ won vào tháng 11.1997.

Tới tháng 4.2003, KAMCO đã mua tổng cộng 110,1 ngàn tỉ won nợ xấu theo giá sổ sách của toàn bộ hệ thống tín dụng với tổng số tiền 39,8 ngàn tỉ won và đồng thời bán được 65,9 ngàn tỉ won theo giá sổ sách với tổng số tiền thu về là 31,1 ngàn tỉ won. Số nợ xấu còn lại theo giá sổ sách là 44,2 ngàn tỉ won, với giá thị trường vào khoảng 12,8 ngàn tỉ won.

Quy trình mua bán nợ xấu

KAMCO mua các khoản nợ xấu của các tổ chức tài chính dựa trên các tiêu chí nhất định, bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khi một tổ chức tài chính đề nghị bán nợ xấu cho KAMCO, KAMCO sẽ phân tích, định giá, và đàm phán với bên bán về giá bán cuối cùng.

Vào thời gian đầu, việc định giá nợ xấu của KAMCO được dựa trên khả năng mất vốn của các khoản nợ, theo các quy định về an toàn vốn. Vào giai đoạn sau, KAMCO tiến hành định giá nợ xấu dựa trên đặc điểm của từng khoản nợ. Tính trung bình, KAMCO trả 36% giá trị sổ sách các khoản nợ xấu công ty này mua (tức được chiết khấu 64%). Các khoản nợ xấu có thế chấp có giá trung bình bằng 67% giá trị sổ sách, còn các khoản nợ xấu không có thế chấp có giá trị trung bình khoảng 11% giá trị sổ sách.

Xét tổng thể thì KAMCO đã định giá cao hơn mức giá trung bình trong giai đoạn đầu. Sau đó, việc định giá sát với thị trường hơn, kích thích các công ty mua bán nợ xấu tư nhân tham gia mạnh hơn vào quá trình này.

Việc thanh lý các khoản nợ xấu được tiến hành dưới nhiều hình thức, từ đấu thầu quốc tế cho đến bán buôn, bán lẻ, và tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp. Việc thanh lý chủ yếu được thực hiện vào cuối năm 2008 khi tình hình kinh tế của Hàn Quốc có những cải thiện đáng kể.

Vai trò của KAMCO

Tính đến tháng 4.2003, quỹ NPA do KAMCO điều hành đã thu được khoản lãi lên tới 7,3 ngàn tỉ won. Tuy nhiên, nếu tính cả chi phí vận hành, ước khoảng 9 ngàn tỉ won thì hoạt động của quỹ này thực ra là lỗ. Đó là chưa tính khoản nợ xấu chưa thanh lý hết vào thời điểm quỹ NPA được đóng, mà KAMCO có trách nhiệm tiếp tục xử lý.

Tuy nhiên, xét về tổng thể hoạt động của KAMCO, thông qua quỹ NPA, nó được đánh giá là thành công. Những hành động quyết đoán của KAMCO trong giai đoạn đầu đã giúp cho các công ty mua bán nợ xấu tư nhân của Hàn Quốc mạnh dạn hơn tham gia vào thị trường. Nếu như năm 1997, toàn bộ giá trị các thương vụ mua bán nợ xấu tại Hàn Quốc đều do KAMCO tiến hành thì con số này giảm xuống còn 58,15% vào năm 1998; và 2,81% vào năm 2000. Chính nhờ có sự tham gia của các công ty mua bán nợ xấu tư nhân mà nợ xấu của Hàn Quốc đã giảm mạnh từ 17% tổng dư nợ vào tháng 3.1998 xuống còn 2,3% vào cuối năm 2002.

Hình 1: Diễn biến nợ xấu của hệ thống tài chính Hàn Quốc, Q4.1997 – Q4.2004

(nghìn tỷ won)

Nguồn: Lim (2002), FSS Weekly Newsletters, và KAMCO, trong Dong He (2004).

4. Việt Nam nên làm gì để giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?

4.1 Xây dựng nguyên tắc xử lý nợ xấu có tính hệ thống

Chúng tôi cho rằng việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng của Việt Nam cần gắn liền với các quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bao gồm tái cơ cấu khu vực DNNN, tái cơ cấu đầu tư công, và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Cần làm điều này là vì các đặc thù của nợ xấu của Việt Nam như đã trình bày ở trên, đặc biệt là trên các khía cạnh nợ xấu của Việt Nam gắn với mô hình đầu tư theo chiều rộng và khu vực DNNN. Mục đích là để sao cho sau khi giải quyết xong nợ xấu trong giai đoạn hiện nay thì hiện tượng này sẽ không bị tái diễn trở lại.

Để có thể tiến hành xử lý nợ xấu hệ thống thành công thì chính phủ và NHNN nên nhanh chóng đưa ra các nguyên tắc và văn bản pháp lý để thực hiện tương tự như đã làm vào cuối năm 2011 khi Thống đốc đưa ra thông điệp đảm bảo người gửi tiền không bị thiệt hại khi một ngân hàng nào đó bị giải thể hoặc sáp nhập vào ngân hàng khác trong quá trình tái cấu trúc. Đó là các thông điệp về:

+ Xử lý nợ xấu gắn với các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế;

+ Xử lý nợ xấu theo phương án giảm thiểu tổn thất cho người đóng thuế;

+ Xử lý nợ xấu đảm bảo công bằng theo nghĩa những cổ đông lớn và các doanh nghiệp có nợ xấu sẽ phải gánh chịu phần tổn thất nhiều nhất;

+ Xử lý nợ xấu cần sự tham gia của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng nước ngoài nhưng cần đảm bảo rằng hệ thống tín dụng của quốc gia sau này sẽ nằm trong tầm kiểm soát của NHNN ngay cả khi các định chế tài chính nước ngoài ngày càng đóng vị trí quan trọng trong nền kinh tế.

4.2 Hình thành quĩ mua bán nợ xấu quốc gia

Như đã trình bày ở trên, về mặt lý thuyết một quốc gia có thể áp dụng các giải pháp xoá nợ, để các NHTM tự giải quyết, hay hình thành công ty mua bán nợ xấu đặc biệt tầm quốc gia để giải quyết nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Về giải pháp xóa nợ, Việt Nam không nên dùng trong giai đoạn hiện nay vì tuy là các DNNN hoặc NHTM nhà nước nhưng các tổ chức kinh tế này đều đã vận hành theo luật doanh nghiệp, hoặc như là các công ty cổ phần hoặc như là các công ty TNHH. Việc tiến hành xóa nợ tại các DNNN sẽ dẫn đến những doanh nghiệp tư nhân có cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các công ty cổ phần của các DNNN) sẽ được hưởng lợi.

Về giải pháp tự giải quyết, do số lượng các NHTM cổ phần của Việt Nam khá nhiều và có qui mô nhỏ, nên NHNN cần khuyến khích các tổ chức tín dụng tự thu xếp nợ với các doanh nghiệp, đặc biệt là sử dụng các khoản dự phòng để giải quyết nợ xấu.

Với các khoản nợ xấu liên quan đến việc tăng vốn điều lệ, NHNN nên có chủ trương ép thu hẹp (bail-in), tức cho phép các tổ chức này giảm vốn điều lệ song song với việc cắt bỏ các khoản nợ xấu tại các doanh nghiệp thành viên (tham khảo Zhou, 2012).

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng hiện tượng nợ xấu của Việt Nam hiện nay mang tính cơ cấu và hệ thống.  Đặc thù của nợ xấu Việt Nam là nợ xấu của khu vực DNNN lớn, tài sản thế chấp phần nhiều là BĐS, và sở hữu chồng chéo. Để giải quyết hiện tượng nợ xấu hệ thống này thì Việt Nam nên nhanh chóng hình thành một Công ty mua bán nợ xấu ở tầm quốc gia có chức năng mua bán nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Sự cần thiết phải có công ty này là để:

Có các quyết định nhanh chóng và quyết đoán: Do việc tái cơ cấu hệ thống tín dụng đòi  hỏi và tiến hành nhanh chóng và quyết đoán,  trong khi việc xử lý nợ xấu lại là một trong những khâu quan trọng và tốn kém nhất, nên nếu không có một định chế tập trung chịu trách nhiệm về việc này, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ mất thời gian và sẽ càng tồn kém cho nền kinh tế về sau này.

Giải quyết nợ xấu khu vực DNNN: Nút nghẽn chính của nền kinh tế hiện tại là khu vực DNNN. Đây là khu vực rất khó cho phá sản tương tự như khu vực doanh nghiệp tư nhân. Vì lẽ đó, các NHTM có nợ xấu tại khu vực này sẽ không thể tự giải quyết. Một khi nợ xấu của khu vực DNNN còn đó thì các ngân hàng cũng không thể có vốn để giải ngân cho khu vực tư nhân. Và nếu khu vực tư nhân không được cấp thêm vốn thì sức sản xuất của khu vực này sẽ giảm và kéo theo nợ xấu của khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục tăng.

Nếu có một công ty mua bán nợ quốc gia, các khoản nợ tại khu vực DNNN có thể chuyển hoàn toàn sang cho công ty mua bán nợ này. Khi đó, bằng các giải pháp tập trung, công ty mua bán nợ quốc gia có thể dễ dàng trao đổi với bên chịu trách nhiệm tái cấu trúc các DNNN để xử lý các khoản nợ này theo hướng bán các gói nợ cho các tổ chức tín dụng hoặc chuyển đổi các gói nợ thành cổ phần.

Đàm phán với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nước ngoài: việc giải quyết nợ xấu mang tính hệ thống không thể trông chờ vào các tổ chức kinh tế trong nước. Nếu như chỉ tiến hành việc chuyển nợ xấu từ tổ chức này sang tổ chức kia thì thực chất nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế vẫn còn đó.

Nhưng nếu như để cho các NHTM tự xoay xở trong việc bán nợ xấu cho các đối tác nước ngoài thì sẽ rất mất thời gian và tốn kém. Không phải công ty mua bán nợ của NHTM nào cũng có kinh nghiệm mua bán nợ với các đối tác nước ngoài. Chi phí đi lại, đàm phán v.v. có thể rất tốn kém sẽ gây nản lòng cho các AMC trong nước. Hơn nữa, các thương vụ có thể không đủ lớn để khiến cho các tổ chức nước ngoài quan tâm.

Với công ty mua bán nợ quốc gia, các khoản nợ xấu có thể được gộp lại thành gói để bán xỉ hoặc bán lẻ cho các tổ chức nước ngoài. Việc đàm phán “cả gói” sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn nhiều so với đàm phán mua bán từng khoản nợ một.

Kinh nghiệm của KAMCO Hàn Quốc cho thấy trong giai đoạn đầu của quá trình xử lý nợ xấu, việc bán “xỉ” các khoản nợ xấu sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Sau khi nền kinh tế đã hồi phục, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn, thì công ty mua bán nợ xấu quốc gia có thể dễ dàng “bán lẻ” các khoản nợ với mức thu hồi lớn so với ban đầu.

Tránh làm thị trường BĐS bị đóng băng quá dài: để giải quyết nợ xấu, một trong những giải pháp mà các NHTM thường làm là phát mãi tài sản thế chấp. Tuy nhiên, với giá trị tài sản thế chấp chiếm tới 60% là BĐS thì với một thị trường BĐS yếu kém như hiện nay, nếu thực hiện hành động này sẽ khiến cho thị trường BĐS đã suy giảm lại càng suy giảm thêm. Và khi đó, hàng tồn kho của ngành xây dựng (bao gồm các các công ty xây dựng và công ty sản xuất vật liệu xây dựng) sẽ ngày càng một lớn, khiến cho nợ xấu ngày càng cao.

Việc hình thành công ty mua bán nợ xấu quốc gia sẽ giúp cho phần lớn các khoản nợ xấu được bán cho các đối tác nước ngoài. Khi đó, Việt Nam về cơ bản sẽ tránh được ảnh hưởng của việc xử lý nợ xấu đối với thị trường BĐS. Cùng với đà hồi phục của nền kinh tế, thị trường BĐS ấm lên sẽ giúp cho lượng nợ xấu của nền kinh tế giảm bớt. Quá trình xử lý nợ xấu sẽ hoàn tất nhanh chóng hơn.

5. Tổng kết

Nợ xấu của hệ thống tín dụng Việt Nam vẫn tiếp tục dấu hiệu tăng lên, ở mức khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống tín dụng tính đến tháng 6.2012. Nợ xấu của hệ thống tín dụng của Việt Nam có đặc điểm là khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn, gắn với khu vực BĐS, và mang tính hệ thống. Để giải quyết tình trạng nợ xấu này, từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, chúng tôi cho rằng Việt Nam trước hết nên xây dựng những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng để tìm được sự đồng thuận của xã hội trong việc hình thành một định chế tập trung, tầm quốc gia để xử lý nợ xấu. Việc hình thành một định chế như vậy sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực DNNN, thu hút được đầu tư của nước ngoài, và tránh cho thị trường BĐS tiếp tục bị đóng băng.

Tài liệu tham khảo

Đinh Tuấn Minh (2012). “Bất ổn thị trường tài chính”, trong Tô Trung Thành và Nguyễn Trí Dũng, 2012, Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012: Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu, NXB Tri thức.

Dong He (2004). “The Role of KAMCO in Resolving Nonperforming Loans in the Republic of Korea”, IMF Working Paper WP04/172. Washington, D. C.

Dziobeck, C. và C. Pazarbasioglu (1997). “Lessons from Systemic Bank Restructuring : A Survey of 24 Countries”, IMF Working Paper, 161. Washington, D. C.

Goyal, S. (2012). Financial Sector Restructuring Lessons from International Experience, World Bank.

Klingebiel, D. (2000). “The Use of Asset Management Companies in the Resolution of Banking Crises Cross-Country Experiences”,   World Bank Policy, Research working paper : no. WPS 2284.

Zhou, J., V. Rutledge, W. Bossu, M. Dobler, N. Jassaud, và M. Moore (2012). “From Bail-out to Bail-in: Mandatory Debt Restructuring of Systemic Financial Institutions”, IMF staff discussion note SDN/12/03.