Kế hoạch phá hoại cơ sở hạ tầng của Biden

Kế hoạch phá hoại cơ sở hạ tầng của Biden

Tổng thống Biden và đảng Dân chủ vừa chi 1,9 nghìn tỷ đô la cho một dự luật kích thích kinh tế không cần thiết, và đó có thể chỉ là bước khởi đầu cho đợt xả ngân sách của họ. Tiếp sau đó là kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ đô la hoặc hơn. Dự luật kích thích được tài trợ bởi vay nợ, nhưng Đảng Dân chủ nói rằng dự luật cơ sở hạ tầng sẽ được tài trợ bởi việc tăng thuế. Những đợt tăng thuế đó, kết hợp với các quy định về lao động và quy định xanh mà Biden muốn áp đặt, sẽ làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng thay vì giúp cải thiện chúng.

Điểm cốt lõi của chính sách cơ sở hạ tầng là phải công nhận khu vực tư nhân nắm phần lớn quyền sở hữu cơ sở hạ tầng. Năm 2019, cả nước có 40 nghìn tỷ đô la tài sản cố định không thuộc quân sự và không thuộc sở hữu của công dân - một thước đo về cơ sở hạ tầng theo nghĩa rộng. Khu vực tư nhân sở hữu 65% trong số đó, bao gồm các nhà máy điện, đường sắt vận chuyển hàng hóa, đường ống, nhà máy, mạng băng thông và nhiều thứ khác. Chính quyền bang và địa phương sở hữu 30%, bao gồm đường cao tốc, trường học và sân bay. Chính phủ liên bang chỉ sở hữu 5%, bao gồm các đập, cơ sở bưu điện viễn thông và các tài sản khác.

Mặc dù sở hữu tương đối ít, chính phủ liên bang áp đặt quyền kiểm soát lớn đối với cơ sở hạ tầng tư nhân thông qua thuế và các quy định. Khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng để kiếm lợi nhuận, do đó, khi chính phủ, với việc mở rộng các quy định và tăng thuế, làm giảm lợi nhuận khu vực này, các doanh nghiệp sẽ cắt giảm đầu tư, và cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng.

Biden đang đề xuất mức tăng lớn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm cả việc tăng thuế suất doanh nghiệp liên bang từ 21% lên 28%. Vì cơ sở hạ tầng tư nhân rất lớn, những thay đổi có vẻ khiêm tốn về thuế suất có thể tạo ra tác động lớn. Tổ chức Thuế ước tính rằng việc tăng thuế của Biden sẽ làm giảm đầu tư vào tài sản cố định, bao gồm cả cơ sở hạ tầng, hơn 1 nghìn tỷ đô la.

Đây là một tổn thất lớn đối với nền kinh tế không chỉ vì cơ sở hạ tầng tư nhân lớn hơn cơ sở hạ tầng của chính phủ, mà còn vì chúng mang tính đổi mới hơn. Đầu tư vào đường cao tốc và trường học sẽ mở rộng nguồn lực, nhưng đầu tư tư nhân cũng mở rộng nguồn lực và thường là hiện thân của những tiến bộ công nghệ. Mọi thế hệ robot nhà máy, vệ tinh, nhà máy bán dẫn và cơ sở hạ tầng băng thông đều tiên tiến hơn thế hệ trước.

Hãy xem các nhà cung cấp băng thông như AT&T và Verizon. Hàng năm, họ đầu tư hơn 50 tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng mạng – ví dụ như 5G – và tạo ra lợi ích kinh tế trên diện rộng. Viện Chính sách Tiến bộ đã đúng khi cho rằng: “Hàng trăm tỷ đô la đầu tư của các nhà cung cấp băng thông đã cho phép internet của Mỹ đáp ứng tuyệt vời nhu cầu tăng vọt đối với internet khi đại dịch xảy ra”.

Việc tăng thuế doanh nghiệp của Biden sẽ làm suy yếu những khoản đầu tư quan trọng này, tuy nhiên kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông cũng bao gồm hàng tỷ đô la trợ cấp cho băng thông. Biden sẽ móc lại từ túi bạn những gì ông ta ban phát, và nền kinh tế nói chung sẽ thu hẹp lại khi thị trường bị thay thế bởi sự phân bổ nguồn lực chính trị.

Tổng thống Biden đề xuất "các khoản tài trợ và quỹ dành riêng để giúp các nhà sản xuất trang bị lại và xây dựng các nhà máy mới." Nhưng các nhà sản xuất thường lấy tiền từ đâu để “trang bị lại và xây dựng nhà máy mới”? Câu trả lời là từ lợi nhuận của họ, thứ mà Biden đang dự tính tịch thu lại bằng mức thuế thu nhập cao hơn.

Cách tiếp cận này cũng gây ra tổn hại tương tự với đầu tư công nghệ. Biden sẽ chi 300 tỷ đô la cho các hạng mục như “tài trợ vốn cạnh tranh để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ thương mại hóa công nghệ tiên tiến”. Tuy nhiên, ông lại muốn tăng gấp đôi mức thuế đánh vào lãi vốn (capital gains tax) từ ​​20% lên 40%, và điều này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ nhỏ. Lãi vốn là phần thưởng cho các khoản đầu tư công nghệ rủi ro mất nhiều năm để bù lại, vì vậy khi thuế suất lên lãi vốn tăng, các nhà đầu tư sẽ chuyển sang các khoản đầu tư an toàn hơn như trái phiếu địa phương miễn thuế.

Các chính sách quy định do Biden đề xuất cũng sẽ gây thiệt hại cho đầu tư. Các đề xuất của ông nhằm mục đích “phát thải ròng bằng không” và một trong những mệnh lệnh hành pháp đầu tiên của ông yêu cầu “mọi khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng liên bang” phải giảm thiểu “ô nhiễm khí hậu”. Rõ ràng là Biden muốn loại bỏ sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch, vốn là một phần chính trong cơ sở hạ tầng của Mỹ. Động thái về cơ sở hạ tầng đầu tiên của ông khi nhậm chức chính là loại bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Chương trình nghị sự của liên đoàn lao động của Biden cũng làm tăng thêm thiệt hại. Biden muốn tạo "công việc công đoàn" đối với các tuyến đường cao tốc, vận chuyển, năng lượng, sản xuất, đường sắt, sân bay, băng thông và hệ thống nước. Ông ta muốn tất cả các dự án được liên bang hỗ trợ phải có “thỏa thuận lao động dự án”, trong đó yêu cầu thuê nhân công thông qua công đoàn, trả lương và phúc lợi theo công đoàn, đồng thời sử dụng các quy tắc làm việc của công đoàn. Lưu ý rằng chỉ 13% công nhân xây dựng của Mỹ hiện là thành viên công đoàn.

Các quy tắc Davis‐Bacon được công đoàn hậu thuẫn đã tăng chi phí tiền lương cho các dự án đường cao tốc lên khoảng 20%, và các Thỏa thuận lao động dự án – Project Labour Agreements (PLAs) có thể sẽ tăng chi phí hơn nữa. Do đó, theo kế hoạch của Biden, người nộp thuế sẽ thu lời ít hơn đối với các cơ sở hạ tầng mới được xây dựng bằng tiền của họ.

Trong một cuộc họp của Nhà Trắng về cơ sở hạ tầng vào ngày 4 tháng 3, Biden đã nói rằng “nếu có cơ sở hạ tầng tốt nhất, chúng ta có thể trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều”. Tuy nhiên chúng ta không thể có được cơ sở hạ tầng tốt nhất nếu thuế và các quy định cao hơn làm suy yếu đầu tư tư nhân và chi tiêu liên bang bị hướng tới những vấn đề vô nghĩa và không cần thiết, chẳng hạn như “cuộc cách mạng” đường sắt cao tốc của Biden.

Chúng ta sẽ có một cuộc cách mạng thực sự về cơ sở hạ tầng bằng cách áp dụng các cuộc cải cách như nhiều quốc gia khác theo hướng tư nhân hóa đường sắt chở khách, sân bay, cảng biển, kiểm soát không lưu, hệ thống đường thủy và các cơ sở hạ tầng khác. Sẽ không cần đến trợ cấp cơ sở hạ tầng nếu có thể loại bỏ sự can thiệp của chính phủ và được hỗ trợ bởi người dùng. Thay vì chi 2 nghìn tỷ đô la, chúng ta nên tư nhân hóa cơ sở hạ tầng ở những khu vực khả thi và cắt giảm thuế và các quy định đối với các khu vực còn lại.

*Chris Edwards là Giám đốc về Nghiên cứu Chính sách Thuế và biên tập viên của Tờ DownsizingGo Government.org

Nguồn: Chris Edwards, Biden’s Anti‐​Infrastructure Plan, Washington Examiner, 23/3/2021

Dịch giả:
Phạm Lan Hương
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh