![[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 10)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k24011.48_(1).jpg)
[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 10)
ĐÔI ĐIỀU XEM XÉT VỀ NHỮNG NGUYÊN NHÂN CỦA NỀN ĐẠI THƯƠNG MẠI HOA KÌ (1/2)
Thiên nhiên hấp dẫn người Mĩ trở thành một quốc gia hàng hải. − Phạm vi lớn của bờ biển nước Mĩ. − Độ sâu các cảng. − Độ lớn các dòng sông. − Cần gán nguyên nhân trí tuệ cho tầm cao về thương mại của người Mĩ hơn là nguyên nhân vật chất. − Vì sao lại có ý kiến như thế. − Tương lai người Mĩ gốc Anh trong tư thế quốc gia thương mại. − Sự phá sản của Liên bang cũng không ngăn cản sức bật hàng hải của các quốc gia tạo thành Liên bang. − Vì sao. − Người Mĩ gốc Anh được hấp dẫn một cách tự nhiên vào công việc phục vụ các nhu cầu của cư dân Nam Mĩ. − Cũng như người Anh, họ trở thành những yếu tố của một bộ phận lớn của thế giới.
Từ vịnh Fondy cho tới sông Sabine nằm trong vịnh Mexico, bờ biển của Hoa Kì trải dài gần chín trăm dặm.
Bờ biển đó tạo thành một đường liền không đứt quãng, và tất cả đều có chế độ địa lí giống nhau.
Trên thế giới chẳng có quốc gia nào lại có thể có những bến cảng thương mại nào sâu hơn, rộng hơn và chắc chắn hơn của Mĩ.
Những con người cư trú trên đất Hoa Kì là một dân tộc lớn và văn minh bị số phận đẩy vào sống giữa hoang mạc cách xa trung tâm văn minh chính tới hàng trăm dặm. Vậy là nước Mĩ hàng ngày cần đến châu Âu. Dần dà, người Mĩ đã đi tới chỗ sản xuất ra hoặc chế tạo ra ở đất nước mình phần lớn những đồ vật cần cho họ, nhưng chưa khi nào hai lục địa lại có thể sống hoàn toàn độc lập với nhau: có quá nhiều mối ràng buộc tự nhiên giữa nhu cầu của đôi bên, giữa tư tưởng của họ, giữa thói quen và tập tục của họ.
Liên bang có những sản phẩm cần thiết cho chúng ta mà đất đai châu Âu hoàn toàn từ chối tạo ra, hoặc có làm ra thì giá rất đắt. Người Mĩ chỉ dùng hết rất ít những sản phẩm này; họ bán số còn thừa cho chúng ta.
Vậy nên châu Âu thành thị trường của nước Mĩ, cũng như nước Mĩ là thị trường của châu Âu; và thương mại đường biển cũng cần cho cư dân Hoa Kì để chuyên chở nguyên liệu vào các bến cảng của chúng ta và chở về nước họ các sản vật thủ công nghiệp của châu Âu.
Vậy là nếu Hoa Kì từ chối thương mại, như cho tới nay người Tây Ban Nha ở Mexico đã làm, thì họ phải cung cấp vô số thức ăn cho nền công nghiệp của các quốc gia sống ven biển, hoặc là họ buộc phải trở thành một trong những cường quốc hàng hải thế giới: họ không tránh khỏi hai phương án này.
Người Mĩ gốc Anh thời nào thì cũng tỏ ra yêu biển mãnh liệt. Khi có được độc lập, một mặt nó cắt đứt những mối dây liên hệ thương mại với nước Anh, lại đem về cho thiên tài hàng hải của họ một sức bật mạnh mẽ mới. Kể từ thời đó, số tàu buôn của Liên bang gia tăng theo tỉ lệ cũng nhanh gần như dân số của họ. Giờ đây chính người Mĩ tự vận chuyển về nước mình chín phần mười sản phẩm của châu Âu. Lại cũng chính người Mĩ đem đến cho người tiêu dùng châu Âu ba phần tư đồ xuất khẩu của Tân thế giới.
Tàu buôn Hoa Kì đến chật hải cảng Havre và Liverpool. Chỉ thấy một số lượng nhỏ nhoi các tàu buôn Anh hoặc Pháp tại cảng New York.
Như vậy, thương gia Mĩ không chỉ đương đầu với cạnh tranh ngay trên đất mình, mà họ còn cạnh tranh lợi thế với thương gia nước ngoài trên cả xứ người.
Để giải thích vì sao lại như vậy: trong tất cả các tàu buôn trên thế giới, chỉ có tàu buôn Mĩ vượt đại dương với giá thành rất hạ. Chừng nào thương đoàn hàng hải Hoa Kì còn duy trì được ưu thế đó so với các nước khác, thì không những họ giữ được những gì đã chiếm, mà mỗi năm sẽ còn gia tăng số thắng lợi phẩm.
Có một vấn đề khó giải quyết đó là tìm hiểu xem vì sao người Mĩ chuyên chở trên biển giá thấp hơn người khác rất nhiều. Mới đầu người ta định lí giải điều đó bằng ưu thế vật chất do thiên nhiên chỉ trao riêng vào tay họ thôi; nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Tàu buôn của Mĩ đóng cũng đắt gần như tàu buôn đóng ở nước ta; cách đóng không tốt hơn và tuổi thụ nói chung cũng kém ta.
Lương một thuỷ thủ Mĩ cao hơn lương thuỷ thủ châu Âu; điều đó được chứng minh khi ta bắt gặp số đông người châu Âu trong ngành hàng hải thương mại Hoa Kì.
Vì đâu mà người Mĩ dọc ngang trên biển với giá thành thấp hơn chúng ta?
Tôi nghĩ là ta không nên tìm nguyên nhân trình độ cao hơn này của họ trong những ưu thế vật chất; nó có nguyên nhân từ những phẩm chất thuần tuý trí tuệ và đạo đức.
Đây là một so sánh để làm sáng tỏ điều tôi mới suy nghĩ:
Trong những năm chiến tranh Cách mạng, người Pháp đã du nhập vào nghệ thuật quân sự một chiến thuật mới khiến các viên tướng già cũng lúng túng và chút nữa thì làm tiêu ma những nhà nước quân chủ xưa cũ của châu Âu. Lần đầu tiên họ tiến hành hàng loạt công việc mà trước đó người ta chưa coi là cần thiết trong chiến tranh. Họ yêu cầu binh lính phải có những nỗ lực mới mà các quốc gia văn minh chưa bao giờ đòi hỏi ở binh lính của họ. Người ta thấy các binh lính đó vừa chạy vừa làm mọi việc và không ngại phơi mình trước hiểm nguy để đạt kết quả đã định.
Người Pháp hồi đó không đông người và không giàu bằng kẻ thù. Họ vô cùng thiếu thốn nguồn lực. Thế mà họ luôn luôn thắng, cho tới khi bên kẻ thù quyết định phải có cách bắt chước họ.
Người Mĩ cũng du nhập một chút gì đó tương tự vào thương mại. Người Pháp thích làm những điều để có “chiến công”, còn người Mĩ thích làm mọi điều gì để hạ giá thành.
Nhà hàng hải châu Âu phiêu lưu ra biển khơi một cách thận trọng. Ông ta chỉ lên đường khi thời tiết thân thiện mời mọc. Nếu xảy ra một tai nạn bất ngờ, ông ta trở lại cảng ngay, vào ban đêm hạ bớt buồm xuống, và khi thấy đại dương sủi bọt trắng xoá xô vào đất liền, ông ta cho tàu chạy chậm lại và nhìn mặt trời phỏng đoán thời tiết.
Người Mĩ coi thường những chuyện kĩ càng đó và xông pha trước hiểm nguy. Bão táp còn đang gầm gào mà ông ta đã lên đường rồi. Đêm cũng như ngày, ông ta giương các loại buồm cho căng hết cỡ. Con tàu mệt mỏi vì phong ba có trục trặc gì thì vừa chạy vừa chữa, và khi sắp đến đích, ông ta tiếp tục bay vào bờ như thể bến cảng đã ở trước mắt rồi.
Người Mĩ thường hay bị đắm tàu. Nhưng không có nhà viễn dương nào vượt biển nhanh hơn người Mĩ. Làm mọi điều như mọi người nhưng với thời gian ít hơn, nên nhà viễn dương Mĩ cũng có thể làm mọi điều ấy với ít chi phí hơn.
Trước khi sắp kết thúc một chuyến đi dài ngày, nhà viễn dương châu Âu cho rằng mình nên dừng chân nhiều lần. Ông ta tốn không biết bao nhiêu thời giờ quý báu để tìm một bến cảng xả hơi hoặc trùng trình không chịu rời bến và mỗi ngày ở lại như vậy đều tính bằng tiền.
Nhà viễn dương người Mĩ xuất bến ở Boston đi Trung Hoa mua chè. Ông ta tới Quảng Châu, ở đó vài ngày và lập tức quay về. Trong vòng gần hai năm ông ta đi quãng đường bằng chu vi trái đất và chỉ nhìn thấy đất liền duy nhất một bận. Suốt hành trình dài tám tới mười tháng, ông ta uống nước phèn và ăn thịt ướp. Ông ta không ngừng đấu tranh chống lại biển khơi, chống lại bệnh tật, chống lại sự buồn chán. Nhưng khi về lại nhà, ông ta có thể bán cân chè rẻ hơn một xu so với ông lái người Anh: đích thế là đã đạt rồi.
Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)