[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 2)

[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 2)

NHỮNG HI VỌNG DÂN CHỦ Ở MỸ LATIN

Peru chưa phải là trường hợp nơi mà dân chủ gặp nhiều khó khăn nhất ở Mỹ Latin; bất bình đẳng ở Brazil cũng tương tự như thế, người bản địa chiếm đa số ở Bolivia còn bị đẩy ra bên lề nhiều hơn, còn ở Ecuador thì việc động viên quần chúng theo lối dân túy và quản trị tồi đã hất hết vị tổng thống này đến vị tổng thống khác ra khỏi quyền lực. Từ giữa những năm 1980, mười sáu tổng thống Mỹ Latin không tại vị đến hết nhiệm kì.1 Tuy nhiên, thành công của hệ thống dân chủ ở Mỹ Latin và vùng Caribbe là đáng chú ý. Nếu năm 1975, một người nào đó tiên đoán rằng, chỉ trong một thế hệ, tất cả các chế độ quân sự trong khu vực này đều sẽ bị sụp đổ và gần như toàn bộ khu vực đều trở thành dân chủ thì người đó sẽ bị coi là lạc quan tếu. Nhưng ở Mỹ Latin, chuyện đó xảy ra chỉ trong hơn một thập niên. Chế độ cộng sản ở Cuba tiếp tục là chế độ độc tài công khai cuối cùng trong khu vực. Sau một giai đoạn suy thoái dân chủ kéo dài, Venezuela đã rơi vào chế độ độc tài dưới quyền của một người cứng rắn. Và kể từ khi chế độ độc tài Duvalier sụp đổ, Haiti đã tổ chức những cuộc bầu cử có tính cạnh tranh, nhưng vẫn chưa phải là chế độ dân chủ. Nhưng ngoài ba nước này ra, tất cả các nước khác ở Mỹ Latin và vùng Caribbe ít nhất đã trở thành các nước dân chủ bầu cử, trong đó những người lãnh đạo chính phủ là do dân bầu và có thể – và thường là – bị thay thế trong những cuộc bầu cử tương đối tự do, công bằng và được tiến hành theo định kì.2 Nói chung, những cuộc bầu cử này cho thấy tỉ lệ cử tri đi bầu khá cao và tạo ra kết quả được nhiều người coi là chính danh.3 Trên thực tế, Mỹ Latin đã có bước tiến dài trong việc thiết chế hóa nền văn hóa và cơ sở hạ tầng quản lý những cuộc bầu cử đa đảng và có tính cạnh tranh – một thành tích đặc biệt cao đối với khu vực với quá nhiều chuyện mua bán phiếu, gian lận bầu cử, đe dọa và tranh giành quyền lực đầy bạo lực. Hơn nữa, mười một nước Mỹ Latin tiến hành bầu cử tổng thống năm 2006, với cuộc cạnh tranh đặc biệt gay gắt ở Mexico, “tất cả những ứng viên thất cử đều chấp nhận thất bại,” mọi người đều thể hiện thái độ tôn trọng tiến trình bầu cử và những thiết chế độc lập làm nhiệm vụ quan sát.4 Ảnh hưởng của giới quân nhân ngày càng giảm.

Nếu ở Mỹ Latin, cuộc đấu tranh một cách hòa bình và tự do để giành quyền lực thông qua hòm phiếu đang được củng cố thì những khía cạnh khác của dân chủ lại không được như thế. Dân chủ còn phải mang quyền công dân đến cho những sắc dân thiểu số và nhiều người nghèo khổ trong khu vực. Ở nhiều nước trong khu vực này, tội ác và bạo lực vẫn còn hoành hành, cảnh sát đòi hối lộ và vi phạm quyền của các cá nhân, bộ máy nhà nước tham nhũng và thiếu trách nhiệm, hệ thống tư pháp yếu và có quá nhiều vụ tồn đọng, công lí chỉ được thực thi phần nào và quá chậm, nếu quả thật là có công lí. Tóm lại, dân chủ đã hiện diện nhưng vẫn còn nông. Trước khi trở thành sâu sắc hơn, tự do hơn và có trách nhiệm giải trình hơn, chế độ dân chủ ở khu vực này vẫn dễ bị chủ nghĩa dân túy mang màu sắc độc tài tấn công.

Mặc cho sức cám dỗ của các phong trào dân túy, người Mỹ Latin vẫn tiếp tục tin vào lời hứa của dân chủ. Đa số (và theo một số đánh giá, là đa số áp đảo) thích chế độ dân chủ hơn bất kì hình thức chính phủ nào khác, mặc dù họ không hài lòng với cách thức mà chế độ dân chủ ở nước họ đang hoạt động. Theo đánh giá hàng năm, từ năm 1995 đến năm 2005, của khảo sát Latinobarometer, trong giai đoạn đầu, niềm tin cho rằng chế độ dân chủ bao giờ cũng tốt hơn đã giảm (từ khoảng 60% hồi cuối những năm 1990 xuống còn khoảng 53%), nhưng số người ủng hộ đã tăng trở lại (lên đến 58% vào năm 2006). Và ở những nước mà trước đây số người ủng hộ dân chủ tương đối ít như Brazil, Paraguay, Guatemala và Honduras lại gia tăng mạnh nhất.5 Trong khi đó, trong suốt thập kí đó, tỉ lệ người Mỹ Latin ủng hộ chế độ độc tài hầu như vẫn không thay đổi – chỉ khoảng 15%.

Năm 2005, khi người dân Mỹ Latin được hỏi liệu họ có “ủng hộ chính phủ quân sự thay thế chính phủ dân chủ, nếu tình hình trở nên quá tồi tệ”, 30% nói có, nhưng tuyệt đại đa số, 62% nói không.6 Và khi sự ủng hộ dân chủ được trình bày một cách nhẹ nhàng hơn: “Dân chủ có thể có vấn đề, nhưng đây là hình thức chính phủ tốt nhất” thì 75% dân chúng đồng ý. Hai phần ba nói rằng dân chủ là cách duy nhất để trở thành nước phát triển.8 Hơn nữa, trong suốt giai đoạn điều tra và trên khắp khu vực, đa số người Mỹ Latin công nhận rằng dân chủ không thể tồn tại mà không có quốc hội (58%) và không có các đảng phái chính trị (55%).9

Về mức độ tham gia của cá nhân, trung bình 58% người được hỏi nói rằng cách mà người ta bỏ phiếu “có thể làm sự vật thay đổi trong tương lai,”10 nhưng người ta còn thấy tham nhũng tràn lan (kể cả trong các kì bầu cử) và chính phủ chưa phản ứng tích cực trước những lo lắng của họ. Tiếp theo, 70% thấy ít hay chưa có bình đẳng trước pháp luật. Hơn hai phần ba nghĩ rằng chính phủ nước họ phục vụ cho quyền lợi của các nhóm có quyền lực, chứ không phải phục vụ toàn thể nhân dân.11 Kết quả là, họ ít tin tưởng vào các chính khách hay ít tin tưởng vào phần lớn các thiết chế dân chủ. Chỉ có khoảng 20% tin vào các đảng phái chính trị, 25% tin vào quốc hội và một phần ba số người được hỏi tin vào hệ thống tư pháp mà thôi. Mức độ tin tưởng các vị tổng thống trong thời gian gần đây có cao hơn một chút (năm 2006 là 47%), nhưng đây có thể là tín hiệu đáng lo ngại, theo hướng tin vào cá nhân hơn là tin vào thiết chế.12 Nói chung, ba chế độ dân chủ tự do và được củng cố nhất – Uruguay, Chile và Costa Rica – đã có thành tích tốt hơn về những thông số này, nhưng ngay cả Costa Rica, một nước có chế độ dân chủ liên tục và lâu đời nhất trong khu vực, thời gian gần đây cũng đã bị nghẹt thở vì những vụ bê bối tham nhũng của tổng thống. Trong khi tỉ lệ người dân Mỹ Latin hài lòng với cách thức hoạt động của chế độ dân chủ gia tăng đáng kể vào năm 2006 – ở Brazil, Argentina, Mexico, Bolivia và Panama tăng thêm được 14% hoặc hơn, đấy là khi các vị tổng thống được lòng dân đã thực hiện được một số lời hứa của họ – nhưng tỉ lệ trung bình trong khu vực vẫn chỉ là 38%, và đây là con số cao nhất trong suốt một thập kỉ.13

Dường như Mỹ Latin bao gồm ba khu vực chứ không phải một. Có những nước mà chế độ dân chủ dường như đã ăn sâu bén rễ cả về các tiêu chuẩn cũng như kì vọng, nhiều người dân thể hiện sự hài lòng với thành tích của dân chủ và tin tưởng vào các thiết chế cũng như các nhà lãnh đạo. Uruguay luôn luôn đứng đầu, rồi đến Costa Rica và Chile, thời gian gần đây là Argentina, Panama, và Cộng hòa Dominica. Ở những nước này, tổng thống được dân chúng tin tưởng vì đã tạo được tiến bộ về kinh tế và tránh được những vụ bê bối lớn. Dân chúng có thái độ lạc quan, đa số tuyệt đối (hai phần ba hoặc hơn) tin rằng dân chủ có thể mang lại phát triển. Ở những nước này, người dân đánh giá một cách tích cực hơn hệ thống tư pháp và quốc hội và tin tưởng hơn vào chính phủ nói chung (gần hoặc lớn hơn 50%). Họ cho rằng pháp quyền là: nhà nước có khả năng thực thi pháp luật và thi hành công lí. Và tỉ lệ người cho rằng có một số tiến bộ trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cao hơn (gần 45%), trong khi trung bình ở khu vực chỉ là 30%. Venezuela cũng nằm trong nhóm những nước có thái độ lạc quan và ủng hộ dân chủ – một hiện tượng dường như bất thường trong khi tổng thống Hugo Chavez đang tấn công vào các thiết chế dân chủ, nhưng đây có thể là do phong trào mang tính mị dân và những khoản chi tiêu lớn trong lĩnh vực xã hội của ông ta. Trong cả bảy nước thuộc nhóm này, người dân cảm nhận được chất lượng dân chủ cao hơn phần còn lại của châu Mỹ Latin14 và một nửa (tính trung bình) hài lòng với cách thức hoạt động của chế độ dân chủ, trong khi ở những nước được khảo sát khác con số này chỉ là 27%15

Rồi đến những nước Mỹ Latin mà trong quá khứ đã từng gặp khó khăn, nhưng hiện nay dân chủ dường như đang được cải thiện và ổn định dần: Mexico, Colombia, Brazil và ở mức độ nào đó là Honduras và Bolivia. Những nước này nằm trong khoảng trung bình trong khu vực về nhận thức của công chúng về mức độ dân chủ ở nước họ, về sự ủng hộ và hài lòng với dân chủ. Thời gian gần đây người Brazil và người Colombia đánh giá bộ máy tư pháp và quốc hội của họ tích cực hơn người dân các nước Mỹ Latin khác. Ở cả hai nước này, các vị tổng thống được lòng dân đã tái cử với số phiếu cao nhờ vào cương lĩnh nói về tiến bộ kinh tế và an ninh, tức là những cương lĩnh giúp nâng cao niềm tin vào và sự hài lòng với chế độ dân chủ.

Cuối cùng, những nước mà theo đánh giá của các nhà quan sát bên ngoài và của người dân trong nước là có chế độ dân chủ yếu nhất khu vực. Nói chung, những nước này thường có mức độ ủng hộ và tin tưởng vào dân chủ thấp nhất, cũng như có những vấn đề về đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, nhiều người bị đẩy ra ngoài chính trị. Đấy là các nước Trung Mỹ (Guatemala, EI Salvador, Nicaragua và ở mức độ nào đó là Honduras), các nước nằm trên dãy núi Andes (Ecuador, Bolivia, Peru) và Paraguay. Trong tám nước này, chỉ khoảng 25% dân chúng cảm thấy hài lòng với cách thức hoạt động của chế độ dân chủ (Paraguay chỉ có 12%). Người dân Bolivia dường như tạm thời đang nuôi hi vọng về việc bầu Evo Morales, một người bản địa chiếm đa số nhưng bị đẩy ra bên ngoài trong một thời gian dài, lên làm tổng thống. Nhưng trong bảy nước còn lại, thái độ nói chung là bi quan. Tất cả đều nói rằng, chỉ có 42% người dân trong những nước này tin rằng dân chủ có thể mang đến phát triển (ở những nước được khảo sát khác, con số này là 65%). Dân chúng cho rằng kinh tế đang ở trong tình trạng tồi tệ và chưa tới 25% nói rằng đã có cải thiện trong thời gian gần đây.Tương tự như thế, chỉ có 25%, thậm chí ít hơn, số người được hỏi nói rằng có tiến bộ trong việc bài trừ tham nhũng. Người dân ở những nước này là những người có thái độ hoài nghi nhất khu vực Mỹ Latin về khả năng của đất nước họ trong việc thi hành luật pháp, họ cho rằng hầu hết các quan chức đều tham nhũng, còn các thiết chế thì hoạt động rất kém. Trung bình, chỉ có 29% số người được hỏi đánh giá hệ thống tư pháp của họ một cách tích cực mà thôi.

Chú thích: 

(1) Alejandro Toledo, “Democracy or Populism: Responding to the Crisis in Latin America”, address to the New York Democracy Forum, April 18, 2007, www.ned.org.

(2) Nhưng một số nhà quan sát vẫn coi Guatemala còn bị dính mắc vào chế độ độc tài có tiến hành những cuộc tuyển cử vì mức độc bạo lực còn cao, trong khi giới quân nhân thì tự tung tự tác mà không bị trừng phạt.

(3) Nhưng ở những nước mà bầu cử không phải là nghĩa vụ thì tỉ lệ tương đối thấp: dưới 50% trong những cuộc bầu cử gần đây ở Guatemala, Honduras, El Salvador và Colombia. Tôi xin cám ơn Charles Kenney vì đã chỉ ra sự kiện này.

(4) Jorge Castañeda and Patricio Navia, “The Year of Ballot”, Current History 106 (February 2007); 51.

(5) Inform Latinobarómetro (Santiago: Corporación Latinobarómetro, http://www.latinobarometro.org/uploads/media/2006_02.pdr), p. 72. Giá trị trung bình của khu vực này không phải là giá trị trung bình của tất cả người dân Mỹ Latin mà là giá trị trung bình của 18 nước trong khu vực (chưa điều chỉnh theo dân số). Cuộc khảo sát mới gọi là Dự án Điều tra Dư luận Xã hội (LAPOP, tại địa chỉ http://www.vanderbilt.edu/lapop/), vừa phát hiện ra mức độ ủng hộ dân chủ cao và thường xuyên của người dân Mỹ Latin. Đấy có thể là do những cố gắng nhằm tìm số người trả lời ở nông thôn tương ứng với tỉ lệ dân cư của họ và có thể do cách lấy mẫu và tiến hành. Do đó số liệu của Latinobarómetro có thể được coi là chưa đánh giá đầy đủ sự ủng hộ cho dân chủ.

(6) Latinobarómetro Report, 2005: 1995-2005, A Decade of Public Opinion, Corporación Latinobarómetro, http://www.latinobarometro.org/uploads/media/2005_02.pdf., p. 51.

(7) Inform Latinobarómetro, 2006, p. 65.

(8) Latinobarómetro Report, 2005, p. 52

(9) Latinobarómetro Report, 2006, pp. 61-62.

(10) Latinobarómetro Report, 2005, p. 14.

(11) Inform Latinobarómetro, 2006, p. 66.

(12) Ngược lại, 70% tin vào nhà thờ và đài phát thanh, Inform Latinobarómetro, 2006, p. 30.

(13) Ibid., p. 74.

(14) Xếp hạng về dân chủ đứng thứ 6 trên thang từ 1 đến 10, 10 là dân chủ nhất.

(15) Số liệu về tham nhũng và chế độ pháp quyền, xin đọc Latinobarómetro Report, 2005, pp. 23-30; về đánh giá thành tích của dân chủ và chính phủ, xin đọc Inform Latinobarómetro, 2006, pp. 63-80. Các số liệu như thế cũng được sử dụng cho hai nhóm nước được nói tới bên dưới.

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường