Chính sách kinh tế của Joe Biden và Chủ nghĩa xã hội kiểu II

Chính sách kinh tế của Joe Biden và Chủ nghĩa xã hội kiểu II

Trong tuần này, ứng viên tổng thống đầy tiềm năng Joe Biden đã thông báo kế hoạch huy động 4 nghìn tỉ đô la qua việc tăng thuế đánh vào "các tập đoàn và người giàu" nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Hôm thứ năm (9/7/2020), Joe Biden tiết lộ phần đầu tiên của kế hoạch phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng COVID mang tên "Xây dựng lại hoành tráng hơn" (Build Back Better)

Theo báo cáo của tạp chí Morning Brew, Biden dự định chi: 300 tỷ đô la cho "mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các ngành công nghệ tiên tiến như pin, xe điện, trí tuệ nhân tạo và 5G; và 400 tỷ đô la vào "các hàng hóa và dịch vụ do Mỹ sản xuất. Biden muốn giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế nước ngoài, đặc biệt trong chuỗi cung ứng y tế của Mỹ. Các chính sách dạng "đầu tư mua sắm công" đó cũng sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm thiểu số làm chủ."

Để chi trả cho kế hoạch này, Biden dự kiến huy động 4 nghìn tỷ đô la bằng cách tăng thuế đánh vào "các tập đoàn và những người giàu có".

"Đây sẽ là một đợt huy động đầu tư vào R&D và mua sắm theo những cách chưa từng thấy kể từ thế chiến II", Biden cho biết.

Gọi một chính sách như vậy là "xã hội chủ nghĩa" thì nghe có vẻ cường điệu hóa và đầy vẻ hù dọa kiểu đảng phái. Sao mà "đầu tư" vào các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, lại là chủ nghĩa xã hội được?

Thông thường, khi chúng ta hình dung một đất nước chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội, ta thường hình dung ra những nhà cách mạng chiếm giữ các nhà máy (trường hợp năm 1917 tại Nga) hay các chính phủ cách mạng quốc hữu hóa các ngành công nghiệp (trường hợp Venezuela những năm 2000).

Theo tư duy đó, ta thường cho rằng chủ nghĩa xã hội nảy sinh qua quá trình chiếm đoạt và lật đổ: bằng cách đập phá doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải "đầu tư" vào nó.

Tuy vậy, "cảm giác" bề mặt từ một chính sách nhất định có thể che đậy đi thực tế. Trong trường hợp này, thực tế chính là việc "đầu tư" vào các doanh nghiệp tư nhân lại là một trong những cách hiệu quả nhất để tàn phá các doanh nghiệp đó.

Trong chuyên luận vĩ đại Human action [Hành động con người], nhà kinh tế học Ludwig von Mises đã viết: "Có hai hình mẫu để hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội"

"Mô hình đầu tiên … thuần túy mang tính quan liêu. Tất cả các nhà máy, cửa hàng, trang trại đều chính thức bị quốc hữu hóa, biến thành các cơ quan chính phủ do các công chức điều hành. Mọi đơn vị của bộ máy sản xuất có mối quan hệ với tổ chức trung ương cấp trên y như cách một bưu điện địa phương có mối quan hệ với văn phòng tổng cục bưu điện."

Mises gọi đây là "mô hình Lenin hay mô hình Nga", vì đó là cách Vladimir Lenin xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Nga sau Cách mạng tháng Mười.

Mô hình thứ hai", Mises tiếp tục viết, "trên danh nghĩa thì có vẻ tôn trọng quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất, cũng như duy trì biểu hiện bề ngoài của thị trường thông thường, đó là giá cả, lãi suất và tiền lương".

Nhưng "nền kinh tế thị trường" này chỉ là một dạng vỏ bọc, Mises giải thích. Thông qua các biện pháp can thiệp (bằng mệnh lệnh, "đầu tư", v.v.) vào nền kinh tế, chính phủ tác động lên cách doanh nghiệp phát triển, đến mức cuối cùng chính nhà nước chỉ đạo sản xuất và do đó trở thành chủ sở hữu thực tế của các tư liệu sản xuất đó.

Mises gọi đây là "mô hình Hindenburg hay mô hình kiểu Đức" trong việc hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội, bởi đó là cách Paul von Hindenburg, thủ lĩnh của Quân đội Đế chế Đức, áp đặt "chủ nghĩa xã hội thời chiến" lên nước Đức trong Thế chiến thứ nhất, và cũng là cách mà chủ nghĩa xã hội sau này tái xuất dưới thời Đức Quốc xã.

Hình thức này của chủ nghĩa xã hội thoạt nhìn có vẻ giống chủ nghĩa tư bản, ngay cả đối với những người vận hành bên trong. Các chủ doanh nghiệp cũ có thể nghĩ rằng họ vẫn đang nắm quyền điều hành doanh nghiệp của mình.

Song như Mises giải thích, đó chỉ là một ảo tưởng:

“Tuy nhiên, dưới hình thức này thì không còn nghiệp chủ mà chỉ có các nhà quản lý cửa hàng (tức "Betriebsführer" theo thuật ngữ của luật pháp Đức Quốc Xã). Nhìn qua thì các nhà quản lý cửa hàng có vai trò thiết yếu trong việc điều hành các xí nghiệp được giao phó cho họ: họ mua và bán, thuê, trả công, sa thải lao động, soạn thảo hợp đồng trả lãi và khấu hao. Tuy nhiên trong mọi hoạt động của mình, họ phải tuân theo một cách vô điều kiện các mệnh lệnh từ cơ quan quản lý sản xuất tối cao của chính phủ. Văn phòng quản lý tối cao này (hay Reichswirtschaftsministerium – Bộ Kinh tế Đế chế - theo thuật ngữ của Đức Quốc xã) ra lệnh cho các cửa hàng phải sản xuất mặt hàng gì, sản xuất bao nhiêu, định giá như thế nào, mua từ ai hay bán cho ai. Nó chỉ định mọi công nhân vào vị trí của mình và ấn định tiền lương của anh ta. Nó quy định các nhà tư bản ủy thác vốn cho ai và theo những điều khoản nào”.

Những "nhà quản lý" mà Mises nói đến không còn là những nghiệp chủ nữa, mà về cơ bản đã trở thành những quan chức thao tác vận hành. Tương tự như vậy, người lao động không còn tham gia vào một thị trường lao động thực thụ nữa mà cơ bản được nhà nước "huy động" và giao việc. Như Mises kết luận:

“Khái niệm trao đổi thị trường (trong những mô hình như thế) chỉ là một trò giả mạo. Tất cả tiền lương, giá cả và lãi suất đều do chính phủ ấn định; mà nếu vậy thì tiền lương, giá cả và lãi suất chỉ mang tính hình thức, còn thực chất là những thuật ngữ định lượng dùng trong các mệnh lệnh của chính phủ nhằm xác định công việc, thu nhập, tiêu dùng và mức sống của mỗi người dân. Chính phủ chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất. Những người quản lý cửa hàng phụ thuộc vào chính phủ chứ không phải nhu cầu của người tiêu dùng và cấu trúc giá cả của thị trường. Như vậy đây thực chất là chủ nghĩa xã hội nấp dưới vỏ bọc thuật ngữ của chủ nghĩa tư bản mà thôi. Tuy một số cái mác của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa vẫn được giữ lại, nhưng chúng lại mang nội hàm hoàn toàn khác với ý nghĩa thực sự của chúng trong nền kinh tế thị trường".

Những mác "thị trường" này thực tế không có vai trò gì nhằm điều phối sản xuất. Do đó, chủ nghĩa xã hội với vỏ bọc tư bản chủ nghĩa sẽ sớm gặp phải tình trạng hỗn loạn như dạng chủ nghĩa xã hội thông thường.

Bất kỳ nơi nào từng thử nghiệm chủ nghĩa xã hội đều phải chịu những hậu quả thảm khốc, và tương lai cũng sẽ luôn như vậy, cho dù thông qua hình thức quốc hữu hóa hay can thiệp của chính phủ. Điều cực kỳ thiết yếu hiện nay là chúng ta phải nắm bắt được thực tế này, bởi việc thực hiện một kế hoạch như Biden đưa ra sẽ là một bước nhảy tiến đến mô hình xã hội chủ nghĩa thứ hai mà Mises mô tả. Ta cũng có thể gọi nó là "Xã hội chủ nghĩa kiểu II", bởi nó cũng độc hại chẳng kém bệnh tiểu đường hay các loại bệnh dịch khác.

Ngành công nghệ càng nhận được nhiều "đầu tư công" thì càng có nhiều quan chức chính phủ can thiệp vào hoạt động của các "nghiệp chủ công nghệ" đích thực, cho đến khi ngành công nghệ bị quốc hữu hóa hoàn toàn.

Các doanh nghiệp nhỏ càng nhận được nhiều "hỗ trợ" từ chính phủ thì họ càng bị khuất phục trước nhà nước.

Dần dà, chính phủ sẽ nắm đằng chuôi.

Khi lợi nhuận thị trường thực tế càng bị đánh thuế để tài trợ cho tất cả các "khoản đầu tư" và "hỗ trợ" này thì các doanh nhân sẽ dần biến thành những bộ máy phụ thuộc vào chính phủ để có thu nhập.

Điều khiến "chủ nghĩa xã hội kiểu II" trở nên đặc biệt độc hại không chỉ bởi vẻ ngoài khó nắm bắt, mà bởi nó có thể hiện diện khá suôn sẻ. Thay vì bị đe dọa thôn tính, những doanh nghiệp đầu ngành lại bị dụ dỗ bằng "đầu tư". Thay vì bị đưa vào các trại lao động, công nhân bị ru ngủ một cách ngoan ngoãn qua khái niệm "hỗ trợ".

Và trong trường hợp bất kỳ độc giả nào vẫn nghĩ rằng đây chỉ là cuộc nói chuyện đảng phải, tôi sẽ lưu ý rằng Tổng thống Trump đã đi một vài bước khá xa trên con đường này. Gói hỗ trợ CARES dành cho các cá nhân, các khoản vay PPP cho các doanh nghiệp nhỏ, việc cứu trợ các doanh nghiệp lớn, việc Cục Dự trữ Liên Bang mua trái phiếu doanh nghiệp, việc Fed cứu trợ các ngân hàng và thị trường chứng khoán bằng cách bơm hàng nghìn tỉ đô la mới vào hệ thống: tất cả các chính sách đó đều là những bước nhảy dài vào ngõ cụt dẫn đến Chủ nghĩa Xã hội kiểu II.

Chủ nghĩa xã hội đã tàn phá nhiều sinh mạng hơn bất kỳ đại dịch đơn lẻ nào có thể gây ra. Chúng ta không được để nỗi hoảng sợ trước một mối đe dọa lớn đẩy ta vào vòng vây của một mối đe dọa lớn hơn nhiều.

Nguồn: Dan Sanchez, Joe Biden’s Economic Plan and Type 2 Socialism, Foundation for Economic Education, 10/7/2020

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh