![[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 1)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_10.1_(1).png)
[Tinh thần dân chủ] Chương 8: Con đường gập ghềnh của Mỹ Latin (Phần 1)
Alejandro Toledo không hợp với hình ảnh về tổng thống Mỹ Latin. Làn da quá tối, mũi quá to, tóc quá dài. Khi được bầu làm tổng thống Peru vào năm 2001, ông là người đầu tiên của đất nước mà phần lớn là hậu duệ của người bản địa được bầu lên chức vụ này theo lối dân chủ. Và câu chuyện của ông, ở khía cạnh nào đó, là ẩn dụ cho niềm hi vọng và khó khăn của chế độ dân chủ Mỹ Latin.
Toledo sinh ra ở vùng núi Peru, cao hơn mặt biển gần bốn ngàn mét (nguyên văn twelve thousand feet – ND), bố là thợ nề, còn mẹ là người giúp việc, là người con thứ tám trong số mười sáu anh chị em – bảy người đã chết ngay khi còn ẵm ngửa và trong lúc còn bé tí. Gia đình ông không thể tiếp cận với dịch vụ y tế; mới được năm tuổi, ông đã phải cắt rốn cho đứa em mới sinh (cha ông phải tha phương cầu thực trong một khu mỏ). Ngay lúc còn bé như thế, trong khi cho lũ cừu và lợn của gia đình ăn và ngủ trong một căn phòng với mười bốn người, ông đã trở thành “một người Da Đỏ nổi loạn chống lại tình trạng đói nghèo.”1 Khi gia đình chuyển đến làng chài Chimbote, ai thuê việc gì Alejandro đều nhận tất, mang hàng hóa ra ga xe lửa, đánh giày, bán báo và bán vé số. Cha ông là người có tư tưởng, ông quyết tâm cho tất cả các con đều được học tiểu học. Nhưng đứa con nào cũng phải làm để giúp đỡ gia đình khi đứa em tiếp theo đi học. Thấy Alejandro là một học sinh có trí tuệ và tham vọng phi thường, các thầy giáo của cậu thúc giục gia đình cho cậu học lên trung học. Ông bố nói không, gia đình cần cậu làm việc, nhưng Toledo đã tìm cách vừa làm vừa học, ban ngày đi học, ban đêm đánh giày, còn cuối tuần thì đi bán kem.
Khi học năm thứ ba ở trường trung học, lúc vừa tròn mười bốn tuổi, Toledo gặp và kết thân với hai tình nguyện viên thuộc tổ chức Peace Corps của Mỹ, hai người này vừa tới Chimbote và đang tìm nhà ở. Lúc đó, cậu đã nhận thức được hiện thực của giai cấp và thành phần dân tộc của mình. “Tôi muốn học lên đại học, nhưng biết là không có khả năng”, ông nói với tôi. “Hết trung học là thành tích cao nhất của tôi về mặt học vấn”. Mục tiêu của ông là kinh doanh, có thể là thợ cơ khí, “để có địa vị cao hơn bố một chút”. Tuy nhiên, hai người Mỹ đã động viên anh, họ cho anh những cuốn sách triết học, và giúp anh học tiếng Anh khi trò chuyện. Anh học khá hơn hẳn và trở thành lớp trưởng. Anh giành thắng lợi trong một cuộc thi viết và trở thành phóng viên chính trị thường trú ở Chimbote của tờ La Prensa, tờ báo hàng đầu của Peru. Anh vẫn tiếp tục đánh giày và bán vé số khi được tin là bài báo đầu tiên đã được in và rất tự hào về điều đó, đồng thời cũng cảm thấy nhục nhã về chỗ đứng của mình trong cuộc đời khi thấy người đàn ông với đôi giày mà anh đang đánh chế giễu ý nghĩ cho rằng một cậu bé đánh giầy Da Đỏ lại có thể là tác giả bài báo mà ông ta đang đọc.
Lúc đó Toledo lại có một cú nhảy ngoạn mục khác. Anh giành được một học bổng cho một năm học ở Đại học San Francisco (University of San Francisco – USF) của tổ chức gọi là Rotary Club. Học phí chỉ kéo dài một năm, vì vậy, một lần nữa anh phải tự giúp mình trong khi vẫn tìm cách hoàn thành chương trình của nhà trường. Một thời gian ngắn sau khi đến San Francisco, anh phụ giúp việc nhà cho một gia đình người châu Âu để có chỗ ăn ở. Chưa bao giờ nhìn thấy các thiết bị điện, anh đã làm cháy thiết bị nướng bánh mì và làm hỏng những thiết bị khác, và vì thế mà bị chủ nhà mắng nhiếc mãi. Gia đình này nói với các tình nguyện viên của Peace Corps, những người đã giúp anh tìm được việc làm: “Các vị đã mang người này tới để thỏa mãn cái ngã của quý vị. Tốt nhất là đưa anh ta về với bộ lạc của anh ta”. Đấy không phải là lần sỉ nhục duy nhất.
Anh là người gốc Tây Ban Nha. Anh là người Da Đỏ. Anh có bộ tóc dài, phủ tới tận lưng. Có nhiều người hỏi: “Anh là người Navajo? (Navajo là người Mĩ bản địa sống ở vùng tây-nam nước Mĩ – ND). Anh tới từ khu vực nào? (ý nói khu vực định cư dành riêng cho người Da Đỏ – ND)”. Nhưng Toledo không nản chí. Anh theo học lớp buổi tối và làm công việc bơm ga vào ca đêm. Anh ngủ từ 7 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Từ 12 giờ trưa tới 1:30 chiều thì làm công việc rửa bát trong trường học. Từ 2 giờ tới 5 giờ chiều chơi bóng đá để giành học bổng, đủ trả học phí ba năm cuối đại học. Anh đã nhận được bằng cử nhân kinh tế của USF vào năm 1970 bằng cách đó và sau đó thì được tài trợ để làm luận án tiến sĩ về phát triển quốc tế ở Stanford School of Education. Ông còn tiếp tục theo học để lấy hai bằng thạc sĩ (một bằng về kinh tế học), cũng như bảo vệ được luận án tiến sĩ.
Sau khi rời Stanford, trong quá trình làm việc cho Liên hiệp quốc và Ngân hàng Thế giới cũng như những tổ chức khác, Toledo đã giữ nhiều chức vụ và làm tư vấn cho nhiều dự án phát triển quốc tế. Ông làm những việc này xen kẽ với những giai đoạn làm chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của tổng thống Peru về ngân hàng trung ương và giảng dạy ở trường kinh doanh hàng đầu của Peru. Từ năm 1991 đến 1994, ông là học giả nội trú ở Viện nghiên cứu phát triển quốc tế của Harvard (Harvard Institute for International Development) và giáo sư thỉnh giảng ở đại học Waseda ở Tokyo. Từ nước ngoài, ông lo lắng quan sát việc tổng thống Alberto Fujimori thâu tóm quyền lực trong vụ tự đảo chính năm 1992, ông ta giải tán quốc hội, tiêu diệt nhiều trung tâm quyền lực độc lập và biến các thiết chế của Peru thành dân chủ giả hiệu. Chấn động trước quá trình phá hoại chế độ dân chủ do Fujimori tiến hành và thất vọng trước việc những bài viết về đói nghèo chẳng có tác động gì đến đời sống của người nghèo, Toledo quyết định tham gia chính trường. Tháng 8 năm 1994, ông về Peru và trở thành ứng cử viên độc lập nhằm thách thức Fujimori trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1995. Lúc đó Fujimori đang rất được lòng dân, Toledo thất bại, ông chỉ thu được 3% phiếu bầu. Nhưng ông không nản. Mặc dù chế độ độc tài đã ăn sâu bén rễ và ông đã bị dọa giết hơn một trăm lần (theo báo cáo của chính ông), năm 1999 ông vẫn thành lập chính đảng mới, lấy tên là Perú Possible và một lần nữa đối đầu với Fujimori trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, Toledo trở thành đối thủ chính của Fujimori, người tìm cách ở lại trong nhiệm kì thứ ba, vi phạm quy định của chính hiến pháp. Khi Fujimori làm nghiêng lệch sân chơi ở vòng bỏ phiếu thứ nhất và sau đó việc kiểm phiếu bị tố cáo là gian lận, các nhà theo dõi của OAS lên án các cuộc bầu cử và Toledo rút lui, không tham gia vòng hai. Đội một chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, ông dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối của phe đối lập, hàng trăm ngàn người dân Peru đã đổ ra đường phố đòi lập lại chế độ dân chủ đích thực. Vụ tham nhũng của Fujimori bị lật tẩy sau đó mấy tháng và ông ta buộc phải từ chức, Toledo lại tham gia tranh cử và được bầu làm tổng thống năm 2001.
Năm năm Toledo ở cương vị tổng thống là giai đoạn quản trị cân bằng, nhưng không thể nói là thành công về chính trị. Trong thời gian ông làm tổng thống, nền kinh tế Peru đạt thành tích tốt nhất trong sáu thập niên, tốc độ phát triển trung bình 5% năm, cao nhất trong toàn bộ khu vực này. “Lạm phát ở mức thấp còn quản lý ngân sách thì được thực hiện một cách thận trọng.”2 Thâm hụt ngân sách giảm từ 3,3% GDP xuống còn gần bằng không và các khoản nợ xấu giảm hơn 85%. Năm 2006, Peru là nước có mức độ rủi ro quốc gia (Country risk – rủi ro quốc gia – là rủi ro đi kèm với một giao dịch xuyên biên giới, bao gồm nhưng không hạn chế những khác biệt về luật pháp, chiến tranh, bạo động... – ND) thấp nhất Mỹ Latin, cho nên các khoản đầu tư nước ngoài chảy vào như thác đổ, tăng tới 50% ngay trong nhiệm kì của Toledo. Cùng với những khoản đầu tư mở rộng vào lĩnh vực khai khoáng, thu nhập từ xuất khẩu của Peru đã tăng gấp ba lần.3 Nhưng vấn nạn quan trọng nhất của quá trình phát triển ở Mỹ Latin – nạn nghèo đói khủng khiếp và bất bình đẳng quá lớn trong thu nhập làm cho khu vực này đứng vào hàng kém nhất trong phân phối thu nhập và của cải trên thế giới – tiếp tục làm cho xã hội và chính tổng thống thất vọng. Tăng trưởng mang lại lợi ích chủ yếu cho một phần ba số người nằm trên đỉnh của kim tự tháp phân phối thu nhập, còn người nghèo hầu như chẳng được gì, mà họ lại chiếm tới 48% dân số. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao. Tiền lương thực tế tăng chậm và những quy định về bảo đảm công ăn việc làm tiếp tục bị xói mòn.”4 Ở mức độ nào đó, tất cả các nước thực hiện chính sách tự chủ về tài chính và cải cách kinh tế đều gặp những khó khăn như thế khi đối diện với tiến trình toàn cầu hóa, cùng với sự di chuyển của đồng vốn và áp lực về tiền lương. Những cố gắng của Toledo đã làm giảm được phần nào cảnh nghèo đói cùng cực (25%) và tỉ lệ chết ở trẻ sơ sinh và trẻ em, đấy là khi các khoản chi của chính phủ cho các chương trình xã hội căn bản và cho y tế và giáo dục gia tăng, nhưng chưa thể nào đáp ứng được kì vọng của cử tri – đặc biệt là người bản địa đã bị thiếu thốn từ quá lâu rồi.5
Về mặt chính trị, Toledo tiến hành sa thải những nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của đất nước và bắt đầu tái cơ cấu lực lượng vũ trang. Năm 2002, cuộc cải cách hệ thống có tính tập quyền cao của Peru đã “cấp cho chính quyền mới ở các khu vực gần một phần tư ngân sách quốc gia và một loạt quyền lực mà trước đây vẫn thuộc lĩnh vực của chính phủ trung ương.”6 Nhưng những thay đổi này là mối đe dọa đối với những nhóm lợi ích đầy sức mạnh và Toledo phải đấu tranh với các di sản thâm căn cố đế của một thập niên độc tài dưới thời Fujimori và người đứng đầu cơ quan tình báo, Vladimir Montesinos của ông ta. Montesinos đã làm suy thoái một cách có hệ thống giới ăn trên ngồi trốc trong lĩnh vực chính trị, xã hội và cả trong lĩnh vực kinh doanh của Peru. Khi các công tố viên tìm cách dẫn độ cựu tổng thống lưu vong đang lẩn trốn ở Nhật Bản và truy tố Montesinos và một số quan chức cao cấp dưới thời Fujimori, đội cảnh vệ cũ đã phản công quyết liệt. Việc chính phủ của Toledo điều tra tới 1.500 người dính dáng tới tham nhũng “đe dọa khá nhiều người trong giới ăn trên ngồi trốc”. Nhiều doanh nghiệp và tập đoàn truyền thông lớn – đã từng cỗ vũ “bọn băng đảng tội phạm Montesinos” – “trả đũa bằng cách lập kế hoạch nhằm hạ bệ Toledo, với hi vọng rằng chính phủ mới sẽ ân xá cho họ.”7 Họ đã không thành công, nhưng họ đã liên tục đưa lên các phương tiện truyền thông những bài mang tính tiêu cực và nhục mạ, chế giễu tổng thống mỗi khi có dịp. Và chính Toledo cũng mắc sai lầm, ông đã tự nâng lương cho mình ngay trong năm đầu tiên, làm cho một số thành viên trong nội các đầu tiên xa lánh và thời gian đầu ông đã không chịu nhận cô con ngoài giá thú. Mặc dù ông quản lí một cách chính trực và kiềm chế hiếm có trong suốt lịch sử Peru, nhưng các phương tiện truyền thông đã tìm mọi cách nhằm miêu tả ông như một chính khách có đời sống xa hoa, bàng quan với người nghèo, cùng một giuộc với giai cấp chính trị tham nhũng, trong khi chỉ thỉnh thoảng mới nhắc tới sự kiện là “chính phủ của Fujimori đã ăn cắp 1,8 tỉ USD của nhà nước.”8 Do đó, số người ủng hộ Toledo giảm xuống chỉ còn 10%, giữa lúc xã hội có thái độ hoài nghi giới chính trị trong nước.
Khi rời nhiệm sở, Toledo đã khôi phục được đáng kể tỉ lệ người ủng hộ (khoảng 50%), đấy là do người ta bắt đầu nhận thức được thành tích trong chính sách của ông.9 “Lần đầu tiên trong lịch sử nước cộng hòa, sự chuyển giao quyền lực của tổng thống” đã diễn ra ở Peru “trong khi chính sách của nước này là dân chủ, hòa bình xã hội giữ thế thượng phong, kinh tế phát triển nhanh chóng và thị trường thế giới đã quen với các sản phẩm của Peru.”10 Nhưng Toledo cũng đã học được một số bài học cực kì quan trọng, có thể có ý nghĩa lớn đối với chế độ dân chủ ở Mỹ Latin. Kiến thức về kinh tế của ông, sự tận tâm của ông với dân chủ và những dự định tốt không thôi chưa đủ. Ông tôn trọng nhân quyền,quyền tự do báo chí và sự độc lập của các thiết chế dân chủ, làm cho Peru giữ được thứ hạng tốt nhất trong bảng xếp hạng về tự do trong nhiều năm. Ông thúc đẩy những cuộc cải cách kinh tế mà nước này đang rất cần và đã giám sát bộ máy quản lý có nhiều chuyên gia đầy năng lực đang điều hành nền kinh tế của đất nước thời gian đó. Nhưng, ông nhận thức được rằng các cuộc cải cách kinh tế phải kết hợp với “những dự án xã hội nhắm vào người cực kì nghèo khổ ở cả khu vực nông thôn lẫn đô thị – những người chỉ sống với chưa đầy một USD một ngày – được tiến hành sớm hơn và sâu sắc hơn”. Và để giành chiến thắng về chính trị, tổng thống phải chiến đấu nhằm chinh phục dư luận xã hội. Ông tin tưởng rằng đây là vấn đề không chỉ của riêng Peru.
Nếu mức độ nghèo đói không giảm một cách đáng kể, nếu chúng ta không giải quyết được số người bị đẩy ra bên lề xã hội, thì sẽ có nhiều lời ta thán ở ngoài đường phố, đấy là lời ta thán của công đoàn, của những người trồng cây coca, của người dân bản địa và những lời ta thán này sẽ cản trở các khoản đầu tư. Chúng ta không thể tái phân bố đói nghèo, do đó chúng ta phải giữ vững tốc độ phát triển kinh tế. Nhưng muốn phát triển, chúng tacần đầu tư và để có đầu tư, chúng ta cần ổn định về pháp luật, xã hội và kinh tế. Chúng ta không thể có ổn định với mức độ bất bình đẳng và nghèo đói như chúng ta đang có ở Mỹ Latin hiện nay. Chúng ta cần những dự án xã hội nhắm vào những người nghèo khổ nhất, được tiến hành song song với những khoản đầu tư trong dài hạn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Không có những cải thiện như thế trong ngắn hạn, có thể chúng ta sẽ không có thời gian để phản ứng trước những kì vọng và phản đối của người dân. Chế độ dân chủ ở Mỹ Latin có thể không gặp nguy hiểm, nhưng cai trị một cách dân chủ thì đang gặp rủi ro.Thêm mỗi nhiệm kì mới, các vị tổng thống càng có ít thời gian để phản ứng hơn.11
Chú thích:
(1) Interview with Alejandro Toledo, Center for advanced Study in Behavioral Sciences, Stanford, February 8, 2007.
(2) Cynthia McClintock, “An Unlikely Comeback in Peru”, Journal of Democracy 17 (October 2006): 96.
(3) Những số liệu thống kê này (cũng như những số liệu khác, nếu không dẫn nguồn) có thể tìm được trong tác phẩm Peru on the Rise, 2001-2006: Economic and Social Report on Peru (Lima: Government of Peru, 2006). Xem them Marcelo M. Giugale, Vicente Fretes-Cibils and John L. Newman, eds., An Opportunity of a Different Peru: Prosperous, Equitable, and Governable (Washington, D.C.: World Bank, 2007), Introduction and chapter 1.
(4) McClintock, “An Unlikely Comeback in Peru”, p. 97.
(5) Một trong những lí do vì sao dưới thời Toledo nghèo đói không giảm nhiều là do “sự phát triển diễn ra sau vụ suy thoái đột ngột” dưới thời người tiền nhiệm và vì vậy, trước hết phải lấp đầy năng lực dư thừa. Phát triển liên tục với tốc độ đó sẽ xóa đói giảm nghèo rất nhanh, nhưng vụ suy thoái sâu trước đó đòi hỏi phải có những chính sách xã hội có mục tiêu rõ ràng hơn và những cuộc cải cách rộng rãi hơn. Giugale et at; An opportunity for Different Peru, quoted from p. 45.
(6) Freedom House, Freedom in the World, 2006: The Annual Survey of Political Rights and Civil Liberties (New York: Freedom House, 2006), p. 564.
(7) McClintock, “An Unlikely Comeback in Peru”, p. 98.
(8) Ibid.
(9) Những cuộc thăm dò trước khi ông rời nhiệm sở cho thấy tỉ lệ ủng hộ giao động từ 47 đến 51%, ở thành thị là 67%. Tờ La República (Lima), July 27, 2006; và tờ El Perunano, July 1, 2006, and July 28, 2006.
(10) Glugale, “A Synthesis”, in Glugale et al., An Opportunity for a Different Peru, p. 1.
(11) Interview with Alejandro Toledo, Center for Advanced Study in the Behavioral Sciences, Stanford, February 8, 2007.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)