![[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 3)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k22071_12.3_(1).jpg)
[Tinh thần dân chủ] Chương 10: Châu Á là ngoại lệ? (Phần 3)
DÂN CHỦ ĐANG BỊ ÁP LỰC
Từ khi diễn ra cuộc chuyển hóa dân chủ cuối năm 1980 và đầu những năm 1990, Đài Loan và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ làm người ta phải ngạc nhiên trong việc mở rộng tự do, các quan chức dân sự kiểm soát lực lượng vũ trang và hủy bỏ tình trạng an ninh quốc gia. Đài Loan hiện nay là một trong những nước dân chủ vững chắc nhất ở châu Á và đã chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực có tính lịch sử sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống của đảng đối lập lâu đời vào năm 2000. Cử tri Hàn Quốc đã chuyển từ chính đảng và các phe phái này sang chính đảng và phe phái khác, và năm 1997 bầu nhà bất đồng chính kiến lâu năm là Kim Dae Jung lên làm tổng thống.
Ngay trong giai đoạn đầu của chế độ dân chủ, Hàn Quốc đã gia tăng tính minh bạch của chính phủ và ngân hàng, thanh trừng giới quân sự độc tài và giới tình báo, mở rộng quyền giám sát của quốc hội, quyền lực được phân cấp và tiến hành bầu cử trực tiếp các tỉnh trưởng và thị trưởng thành phố. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nước này đã thực hiện những cuộc cải cách quan trọng nhằm tăng khả năng cạnh tranh và kiểm soát chủ nghĩa tư bản thân hữu, kết quả là phục hồi kinh tế nhanh chóng và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.
Bằng những mối liên hệ với nền kinh tế thế giới và mức sống, trình độ giáo dục và xã hội dân sự đều cao, quay lại với chế độ quân sự hoặc phi dân chủ là việc gần như không thể tưởng tượng đối với cả Đài Loan lẫn Hàn Quốc, mặc cho thái độ hoài nghi của công chúng về cách thức hoạt động của dân chủ. Tuy nhiên, cả hai đều trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị, cản trở quá trình thiết chế hóa nhanh chóng chế độ dân chủ tự do. Ở cả hai nước, các thiết chế dân chủ chưa thực hiện được hết chức năng và tình trạng hỗn loạn ở Đài Loan đã làm giảm tiềm năng của đất nước này trong vai trò mô hình và cảm hứng cho quá trình chuyển hóa dân chủ ở Trung Quốc đại lục.
Khi ứng cử viên đối lập của Đài Loan, Chen Shui-bian (Trần Thủy Biển), giành được chức vụ tổng thống với một đa số khiêm tốn vào năm 2000, hệ thống dân chủ ở nước này đã đối mặt với một số thách thức. Cuộc đối dầu giữa Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của Chen [Shui-bian], ủng hộ việc đưa Đài Loan thành nước độc lập và khuyến khích bản sắc của đa số người Đài Loan bản địa, chống lại Quốc dân đảng (KMT), đã cai trị Đài Loan kể từ ngày những người sáng lập đảng bỏ chạy khỏi cuộc cách mạng cộng sản ở Trung Hoa đại lục vào năm 1949. Sau cuộc bầu cử này, Quốc Dân Đảng vẫn kiểm soát được quốc hội và đòi hỏi rằng Chen [Shui-bian] nên xây dựng “cuộc sống chung” theo kiểu Pháp, Quốc Dân Đảng sẽ nắm chức thủ tướng. Nhưng Chen [Shui-bian] muốn đảng của ông ta nắm toàn quyền, mặc dù đảng này kiểm soát chưa tới một phần ba số ghế đại biểu quốc hội. Quốc Dân Đảng (cùng với nhóm đã li khai, Đảng Đầu tiên của Dân, PFP) chuyển sang thái độ đối đầu. Khi Chen [Shui-bian] hủy bỏ, không cho xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới và đẩy nhanh chương trình nghị sự ủng hộ độc lập của đảng mình, phe đối lập tuyên bố sẽ buộc tội ông vì quản trị theo lối đơn phương. Trong quốc hội, liên minh đối lập “chặn gần như tất cả các dự luật quan trọng mà chính phủ đưa ra”, chính phủ thường xuyên phá vỡ những ràng buộc về pháp lí, và hết vụ tranh chấp này đến vụ tranh chấp khác được đưa lên toà bảo hiến mà không có giải pháp rõ ràng nào.Tìm cách quay lại với những thập kỉ cai trị độc đảng và nắm giữ mãi quyền lực, Chen [Shui-bian] và các đồng minh của ông quay sang sử dụng “một số cách làm tai hại cũ”, như can thiệp vào cuộc bầu cử của công đoàn, “giám sát một cách trái pháp luật kẻ thù chính trị của mình, truy tố một số người được lựa chọn và kiểm tra sổ sách thuế khóa làm cho các nhà tài trợ Quốc Dân Đảng hoặc những người đứng đầu các khu vực chạy sang phe của mình” và buộc các doanh nghiệp góp quỹ cho đảng để đổi lấy các hợp đồng và các khoản vay của chính phủ.
Khi kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, sự phân cực và ngờ vực trở thành sâu sắc thêm. Chiến dịch tranh cử tháng 3 năm 2004 chuyển thành không chỉ cuộc trưng cầu dân ý về thành tích của Chen [Shui-bian] và sự cản trở của phe đối lập mà còn là trận đấu được nhiều người tham gia giữa hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về đất nước: về mặt chủng tộc, đây là người “Đài Loan” hay người “Trung Quốc”, là nhà nước độc lập, riêng rẽ hay “thực thể” để ngỏ khả năng thống nhất với đại lục. “Bên nào cũng sợ bên kia tìm kiếm quyền lực nhằm... tạo ra những thay đổi không thể đảo ngược trong mối quan hệ với đại lục và cách hiểu về bản sắc dân tộc.” Thẻ “xanh” (màu biểu tượng của Đảng – ND) của đảng Chen [Shui-bian] lẽo đẽo theo sau thẻ “xanh đậm”, gắn kết Quốc Dân Đảng với PFP (Đảng Đầu tiên của Dân), nhưng vụ mưu sát kỳ quặc ngay đêm trước của cuộc bầu cử, cả Chen và phó chủ tịch đảng DPP đều bị thương, giúp ông ta tiếp tục vận động tái cử. Các ứng viên đối lập, Lien Chan và James Soong, cho rằng vụ nổ súng là một trò lừa bịp được tổ chức kĩ lưỡng nhằm giúp Chen [Shui-bien] giành được cảm tình của cử tri. Nguyên đơn đã bị thua, nhưng vụ bê bối cũng đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Trong một cuộc thăm dò, chưa tới một nửa số người được hỏi cho rằng cuộc bầu cử này là công bằng.
Khi những cáo buộc về tham nhũng dẫn đến vụ buộc tội con rể Chen vì những vụ giao dịch nội bộ vào mùa hè năm 2006, một trăm ngàn người biểu tình (do một số người trước đây từng ủng hộ tổng thống dẫn dắt) đã xuống đường đòi Chen từ chức. Đáp lại, đảng cầm quyền huy động những người trung thành với mình, đôi khi đã xảy ra đụng độ với những người phản đối trên đường phố. Chen [Shui-bian] vượt qua được giông tố của những cuộc biểu tình đó, nhưng bế tắc càng sâu sắc thêm. Các cuộc phản đối lại bùng lên khi đệ nhất phu nhân bị buộc tội tham nhũng vào tháng 11 năm đó và công tố viên cho biết ông ta cũng có thể đã kết tội tổng thống, nếu hiến pháp cho phép làm việc đó. “Nhiều người tin rằng tệ tham nhũng ở cấp cao nhất diễn ra tấp nập ngay trước mắt [Chen].” Chen [Shui-bian] không chịu từ chức, ngay cả khi bị đảng của mình áp lực. Cũng trong thời gian đó, kinh tế Đài Loan tiếp tục trì trệ, tốc độ tăng trưởng thấp hơn các nước khác ở Đông Á, và khi Chen [Shui-bian] không ủng hộ hội nhập kinh tế với Trung Quốc đại lục, các nhà đầu tư đã chuyển sang những nơi khác. Cuộc khủng hoảng đã chứng tỏ sức bật của chế độ dân chủ ở Đài Loan, đặc biệt là “sự độc lập và sự chính trực của hệ thống tư pháp”. Xã hội dân sự có kỷ luật, vượt qua lằn ranh chia rẽ các đảng phái, đòi hỏi trách nhiệm giải trình.
Ở Hàn Quốc, dân chủ đã sẵn sàng chiến đấu sau khi một người nằm ngoài bộ máy, nghiêng về phía cánh tả, Roh Moo Hyun, đã vượt qua khe cửa hẹp để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 2 năm 2002. Tương tự như ba tổng thống Hàn Quốc được bầu từ ngày chế độ dân chủ được phục hồi vào năm 1987, Roh được nhiều người ủng hộ khi mới nhậm chức, nhưng sau đó đã đánh mất dần sự ủng hộ của người dân. Trong khi tìm cách thay đổi hiện trạng, Roh vượt qua cả người tiền nhiệm được coi là “tiến bộ”, Kim Dae Jung, bằng cách “bỏ con đường chính trị dân chủ đã được thiết chế hóa, quay sang nói chuyện trực tiếp và đầy cảm xúc với nhân dân.” Cũng như ở Đài Loan, tổng thống mới bị lôi kéo vào cuộc đối đầu làm tiêu hao sinh lực với những người bảo thủ chiếm đa số trong quốc hội. Nhằm cứu vãn vốn liếng chính trị đang chìm dần của ông, mới sau một năm nhậm chức, Roh đã đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý trong toàn quốc về chính quyền của mình. Hiến pháp không có điều khoản rõ ràng nào về việc này. Tháng 3 năm 2004, sau khi ủy ban bầu cử phán quyết rằng tổng thống đã vi phạm đòi hỏi về mặt pháp lí nói rằng ông phải có thái độ trung lập trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Roh trở thành tổng thống đầu tiên bị quốc hội Hàn Quốc đem ra luận tội. Ông chỉ vượt qua được vụ này khi tòa án hiến pháp quyết định chỉ trừng phạt chứ không cách chức và sau đó, sau khi đảng của ông đã giáng cho các lực lượng bảo thủ một cú choáng váng vì đã giành đa số ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, sau đó tòa án đã quyết định bác kế hoạch đưa thủ đô ra khỏi Seoul của Roh. Tổng thống cũng “bị tấn công vì tìm cách thông qua dự luật nhằm hạn chế việc lưu hành những tờ nhật báo của phe bảo thủ.” Tương tự như ba vị tổng thống được bầu một cách dân chủ trước đó, Roh trở thành tổng thống “vịt què” yếu thế vì mất sự ủng hộ của dân chúng. “Bị bầm dập vì nền chính trị khốc liệt của Hàn Quốc, hoang mang vì những mối lo lắng của cử tri cứ thay đổi luôn xoành xoạch và bị tấn công không thương tiếc trong các cuộc thăm dò dư luận”, cuối năm 2006 “chậm chạp bước vào năm cuối cùng của nhiệm kì” Roh chỉ được 11% cử tri ủng hộ mà thôi.
Tuy nhiên, trong những khía cạnh khác, Hàn Quốc tiếp tục công cuộc chuyển hóa mạnh mẽ từ xã hội phát triển sang xã hội công nghiệp rồi hậu công nghiệp. Nước này khoe rằng có “thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn Bồ Đào Nha và gần như bằng Hy Lạp, kinh tế đang chuyển nhanh vào nền sản xuất công nghệ cao và đổi mới, và tỉ lệ người dân sử dụng Internet băng thông rộng và điện thoại cầm tay cao đến mức nước này “đã trở thành một trong những quốc gia nối mạng cao nhất thế giới,” nhưng số vụ li hôn cũng tăng rất nhanh, còn tỉ lệ sinh lại giảm mạnh. Hiện nay, Hàn Quốc là “xã hội đang già hóa nhanh nhất thế giới”, và cũng như các xã hội hậu công nghiệp khác, đặc biệt là ở châu Âu, chế độ dân chủ của nước này sẽ phải tìm cách chuyển đổi sang xã hội ngày càng đa sắc tộc hơn vì họ phải nhập khẩu lực lượng lao động để bù vào sự thiếu hụt ngày càng nhiều lực lượng lao động trẻ.
Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)