[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 3: Các ràng buộc đạo đức và nhà nước (Phần 4)

[Tình trạng Không chính quyền, Nhà nước và Xã hội không tưởng] Chương 3: Các ràng buộc đạo đức và nhà nước (Phần 4)

CỖ MÁY TRẢI NGHIỆM

Ngoài ra, khi chúng ta đặt câu hỏi rằng đâu là điều có ý nghĩa, bên cạnh trải nghiệm cảm nhận của mọi người “từ bên trong,” thì lại nảy sinh nhiều vấn đề đáng kể khác. Giả sử có một cỗ máy trải nghiệm có thể tạo ra cho bạn bất kỳ trải nghiệm nào mà bạn muốn. Những nhà tâm lý học thần kinh cực xuất sắc có thể kích thích não bộ của bạn, từ đó bạn suy nghĩ và cảm nhận rằng bạn đang viết một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, hoặc là đang kết bạn, hoặc đang đọc một quyển sách thú vị. Bạn sẽ luôn lơ lửng trong một cái bể, với các điện cực khác nhau cắm vào đầu. Liệu bạn có nên tham gia vào cỗ máy này để sống và lập trình trước những trải nghiệm cho cuộc sống? Nếu bạn lo lắng về việc bỏ lỡ những trải nghiệm đáng mong muốn, chúng ta có thể giả định rằng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này đã nghiên cứu kỹ lưỡng về cuộc sống của nhiều người khác. Bạn có thể chọn từ thư viện hay kho chứa khổng lồ của họ những trải nghiệm như vậy, rồi lựa ra những trải nghiệm mà bạn muốn thiết kế cho cuộc sống của bạn, chẳng hạn, trong hai năm tới. Sau hai năm qua đi, bạn sẽ có mười phút hoặc mười giờ để bước ra khỏi chiếc bể, rồi lại chọn lựa những trải nghiệm cho hai năm tiếp theo. Dĩ nhiên, trong khi ở trong chiếc bể, bạn sẽ không nhận thức được là bạn đang ở trong chiếc bể ấy; bạn sẽ có cảm giác như mọi trải nghiệm đang thực sự diễn ra. Những người khác cũng có thể tham gia vào cỗ máy này để có những trải nghiệm mà họ muốn, do đó không cần ai đó ở ngoài để phục vụ họ. (Ta tạm bỏ qua những vấn đề như, ai sẽ chăm sóc máy móc nếu mọi người đều tham gia vào cỗ máy này.) Bạn có tham gia không? Bên cạnh cái cách mà cuộc sống của chúng ta cảm nhận từ bên trong, thì đâu là điều có ý nghĩa với chúng ta? Sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy mệt mỏi trong khoảng thời gian từ thời điểm bạn cân nhắc quyết định đến thời điểm bạn tham gia vào cỗ máy, nhưng bạn không từ bỏ. Vài thời điểm lo lắng mệt mỏi có đáng gì so với niềm hạnh phúc của một đời người (nếu đó là lựa chọn của bạn), và tại sao bạn lại cảm thấy lo lắng mệt mỏi nếu quyết định của bạn tốt nhất?

Bên cạnh những trải nghiệm, điều gì có ý nghĩa với chúng ta? Trước tiên, chúng ta muốn làm một cái gì đấy, chứ không phải làm chỉ để có được trải nghiệm. Trong một số tình huống trải nghiệm, trước hết là vì chúng ta muốn làm những hành động mà chúng ta muốn có được các trải nghiệm từ việc làm ấy, hoặc từ việc nghĩ rằng chúng ta đã làm điều đó. (Nhưng tại sao chúng ta muốn tự mình làm những hoạt động ấy, thay vì đơn thuần trải nghiệm chúng?) Lý do thứ hai khiến chúng ta không tham gia vào cỗ máy, là bởi chúng ta muốn tồn tại theo một cách nhất định, trở thành một kiểu người nhất định. Kẻ lơ lửng trong chiếc bể chẳng qua là một khối vật chất không có chủ kiến quyết định. Không có câu trả lời nào cho câu hỏi rằng một người sẽ trông ra sao khi ở lâu trong chiếc bể. Anh ta có phải là một người dũng cảm, tốt bụng, thông minh, dí dỏm, tình cảm không? Không chỉ ở chỗ khó trả lời những câu hỏi này; mà còn bởi vì anh ta không thể nào trở nên như thế. Việc tham gia vào cỗ máy trải nghiệm là một kiểu tự sát. Đối với một số người đang bối rối trong ảo tưởng, câu hỏi chúng ta là gì dường như không có chút ý nghĩa nào, trừ khi nó được phản ánh trong trải nghiệm của chúng ta. Nhưng liệu có đáng ngạc nhiên khi biết rằng việc chúng ta là gì lại quan trọng đối với chúng ta? Tại sao chúng ta chỉ nên quan tâm tới cái cách mà chúng ta sử dụng thời gian, chứ không phải tới việc chúng ta là gì?

Thứ ba, việc tham gia vào một cỗ máy trải nghiệm tức là nhốt chúng ta vào một thực tại nhân tạo, một thế giới nơi không có gì sâu sắc hơn hoặc quan trọng hơn những điều nhân tạo.1 Không có sự tiếp xúc thực sự với bất kỳ một thực tại sâu sắc nào, mặc dù trải nghiệm về sự tiếp xúc như vậy có thể được mô phỏng trong cỗ máy. Nhiều người mong muốn giữ bản thân cởi mở với những mối liên hệ như vậy, và khám phá những ý nghĩa sâu sắc hơn.2 Điều này giúp giải thích sự xung đột dữ dội của các tranh luận về thuốc kích thích thần kinh, mà một số người xem chúng đơn thuần như những cỗ máy trải nghiệm cục bộ, và những người khác xem chúng như những con đường dẫn đến một thực tế sâu sắc hơn; điều mà một số người coi là tương đương với việc đầu hàng trước cỗ máy trải nghiệm, còn những người khác lại coi như là theo đuổi một trong những lý lẽ để không phải đầu hàng!

Để biết được điều gì có ý nghĩa với chúng ta bên cạnh sự trải nghiệm, chúng ta đã hình dung ra một cỗ máy trải nghiệm và rồi nhận ra rằng chúng ta sẽ không sử dụng cỗ máy ấy. Chúng ta có thể tiếp tục hình dung một chuỗi những cỗ máy, mỗi cỗ máy được thiết kế để bù đắp vào những khiếm khuyết của những cỗ máy trước. Chẳng hạn, vì cỗ máy trải nghiệm không đáp ứng được mong muốn tồn tại của chúng ta theo một cách nào đó, hãy hình dung một cỗ máy biến hình có thể biến chúng ta thành bất cứ kiểu người nào mà ta muốn trở thành (tương thích với chính chúng ta). Chắc chắn người ta sẽ không sử dụng cỗ máy biến hình này để trở thành người mà họ muốn trở thành, cũng tương tự như họ không tham gia vào cỗ máy trải nghiệm!3 Vì vậy, còn có điều gì đó có ý nghĩa với một người bên cạnh những trải nghiệm của con người và cả việc họ trông như thế nào. Lý do không chỉ vì những trải nghiệm của con người không có quan hệ gì hết với việc người đó trông như thế nào. Bởi cỗ máy trải nghiệm có thể được thiết kế giới hạn chỉ cung cấp những trải nghiệm khả thi cho một tuýp người tham gia. Chẳng phải chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt trên thế giới đó sao? Hãy xem xét cỗ máy kết quả, loại máy này có thể tạo ra bất kỳ kết quả nào mà bạn muốn tạo ra trên thế giới này, và đưa véc-tơ hành vi của bạn vào bất kỳ hoạt động chung nào. Chúng ta sẽ không thảo luận sâu về các chi tiết thú vị của những cỗ máy này hoặc máy khác ở đây. Điều đáng lo ngại nhất về chúng là chúng đang sống cuộc đời của chúng ta cho chính chúng ta. Có phải ta sai lầm khi cố gắng tìm kiếm các chức năng bổ sung cụ thể nằm ngoài khả năng mà máy móc có thể làm cho chúng ta? Có lẽ những gì chúng ta mong muốn là sống (một động từ chủ động) cuộc sống của chính mình, và tiếp xúc với thực tại. (Và máy móc không thể làm điều này cho chúng ta.) Do không có điều kiện làm rõ thêm về những ngụ ý của luận điểm này, điều mà tôi tin rằng nó có kết nối đáng ngạc nhiên với các vấn đề ý chí tự do và quan hệ nhân quả của tri thức, nên chúng ta chỉ cần lưu ý đến sự phức tạp của vấn đề về những điều có ý nghĩa đối với con người bên cạnh những trải nghiệm của họ. Cho đến khi người ta tìm thấy một câu trả lời thỏa đáng, và xác định được rằng câu trả lời này cũng không áp dụng được cho động vật, thì người ta không thể khẳng định một cách duy lý rằng trải nghiệm cảm xúc của động vật là thứ duy nhất xác lập giới hạn cho những gì chúng ta có thể làm với chúng.

TÍNH THIẾU XÁC ĐỊNH CỦA LÝ THUYẾT ĐẠO ĐỨC

Điều gì phân biệt con người với động vật, để những ràng buộc nghiêm ngặt chỉ áp dụng cho cách đối xử với con người, mà không áp dụng cho cách đối xử với động vật?4 Liệu những sinh vật từ một thiên hà khác có thể đối xử với chúng ta như cái cách mà chúng ta thường đối xử với động vật không, và nếu vậy, liệu có thể biện minh cho việc chúng ta bị những sinh vật kia đối xử như một phương tiện, theo thuyết công lợi? Có phải các sinh vật được sắp xếp theo một thang đo tăng dần nhất định, do đó bất cứ sinh vật nào cũng có thể bị hy sinh hoặc chịu đau đớn để cho những sinh vật khác không ở bậc thấp hơn chúng có thể đạt được một tổng lợi ích lớn hơn?5 Một quan điểm trọng tinh hoa như vậy về hệ thống cấp bậc sẽ phân biệt ba cấp bậc đạo đức (hình thành sự phân chia thứ bậc):

Cấp bậc 1: Sinh vật không thể bị hy sinh, bị thương tổn, và vân vân, vì lợi ích của bất kỳ sinh vật nào khác.

Cấp bậc 2: sinh vật chỉ có thể bị hy sinh, bị thương tổn, và vân vân, vì lợi ích của những sinh vật bậc cao hơn trên thang đo, nhưng không vì lợi ích của những sinh vật cùng hoặc dưới bậc.

Cấp bậc 3: sinh vật có thể bị hy sinh, gây thương tổn, và vân vân, vì lợi ích của các sinh vật khác cùng bậc hoặc bậc cao hơn.

Nếu động vật nằm ở cấp bậc 3, và chúng ta ở cấp bậc 1, thì sinh vật nào nằm ở cấp bậc 2? Có lẽ chính chúng ta mới là kẻ chiếm cấp bậc 2! Về mặt đạo đức, có nên cấm việc sử dụng con người như phương tiện để đạt được lợi ích cho sinh vật khác, hay chỉ cần cấm việc sử dụng họ vì lợi ích của người khác, tức là, vì những sinh vật cùng bậc?6 Liệu những quan điểm thông thường có chứa đựng khả năng tồn tại của nhiều hơn một khoảng phân chia đáng kể về mặt đạo đức (giống như cấp bậc ở khoảng giữa con người và động vật), và liệu có quan điểm nào xét đến mặt bên kia của con người? Một số quan điểm thần học cho rằng Chúa được phép hy sinh con người cho những mục đích của chính ngài. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng đến việc con người gặp phải những sinh vật ngoài trái đất, những sinh vật mà trải qua thời thơ ấu của chúng mọi “giai đoạn” phát triển đạo đức mà các nhà tâm lý học phát triển của chúng ta có thể xác định được. Những sinh vật này tuyên bố rằng tất cả bọn chúng đều tiếp tục trải qua thêm mười bốn giai đoạn liên tục nữa, mỗi giai đoạn đều cần thiết để bước vào giai đoạn sau. Tuy nhiên, chúng không thể giải thích cho chúng ta (vì chúng ta còn đang ở giai đoạn sơ khai) về nội dung và phương pháp lập luận của những lập luận cho các giai đoạn sau ấy. Những sinh vật này khẳng định rằng chúng ta có thể bị hy sinh vì hạnh phúc của họ, hay chí ít là để duy trì khả năng cao hơn của chúng. Chúng nói rằng chúng hiểu được sự thật này, vì chúng đang ở độ tuổi trưởng thành về mặt đạo đức chứ không phải như những đứa trẻ, và bậc phát triển đạo đức cao nhất của chúng ta cũng chỉ như đứa trẻ đối với chúng mà thôi. (Câu chuyện kiểu như thế này có lẽ nhắc nhở chúng ta rằng nếu có một chuỗi các giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn là một điều kiện tiên quyết cho giai đoạn tiếp theo, thì sau khi đạt đến một điểm nào đó, sẽ chuyển sang quá trình suy thoái chứ không phải là tiến bộ. Việc phớt lờ khả năng lão hoá nhằm chỉ ra rằng, để đạt đến một giai đoạn nhất định, trước tiên người ta phải trải qua các giai đoạn khác.) Quan điểm đạo đức của chúng ta liệu có cho phép chúng ta hy sinh bản thân đơn thuần vì những khả năng cao hơn của những sinh vật này, bao gồm cả khả năng đạo đức của chúng? Không dễ để bóc tách quyết định này ra khỏi những tác động nhận thức luận của việc suy ngẫm về sự tồn tại của những thẩm quyền đạo đức như vậy từ những kẻ khác với chúng ta, trong khi chúng ta thừa nhận rằng có thể chúng ta mắc sai lầm, rằng chẳng có sự tồn tại nào như vậy. (Ngay cả khi chúng ta không biết các sinh vật ngoài hành tinh này thực sự nắm giữ quan điểm gì, thì vẫn có những tác động nhận thức luận tương tự.)

Những sinh vật nằm ở cấp bậc số 2 sẽ có thể bị hy sinh, nhưng không vì lợi ích của những sinh vật ở cùng bậc hoặc ở bậc thấp hơn. Nếu chúng không bao giờ gặp hoặc biết đến hoặc ảnh hưởng lên những sinh vật cao hơn trong hệ thống cấp bậc, thì chúng sẽ nằm ở bậc cao nhất cho mỗi trường hợp mà chúng thực sự gặp phải và cần suy xét. Như vậy, dường như sẽ có một ràng buộc lề tuyệt đối, nhằm ngăn chặn việc chúng bị hy sinh cho bất kỳ mục đích nào. Hai lý thuyết đạo đức rất khác nhau, một lý thuyết thứ bậc trọng tinh hoa đặt con người vào cấp bậc 2, và một lý thuyết ràng buộc lề tuyệt đối; nhưng cả hai đều đưa ra những phán xét đạo đức giống hệt nhau cho những tình huống mà con người thực sự phải đối mặt, và giải thích tốt ngang nhau cho (hầu như) tất cả những phán xét về mặt đạo đức mà chúng ta đưa ra. (Chúng ta nói “hầu như tất cả”, vì chúng ta đưa ra những phán xét về các tình huống giả định, bao gồm những "siêu nhân" nào đó đến từ hành tinh khác.) Đây không phải là viễn kiến của triết gia, khi cho rằng hai lý thuyết khác nhau này có thể giải thích tất cả các dữ liệu khả dĩ một cách tốt ngang nhau. Đây cũng không phải là việc thông qua các thủ thuật khác nhau để đưa một quan điểm ràng buộc lề vào trong hình hài của một quan điểm tối đa hóa. Thay vào đó, hai lý thuyết khác nhau này giải thích cho tất cả dữ liệu thực tế, tức là dữ liệu về những tình huống mà chúng ta đã gặp phải từ trước đến nay; song chúng lại trở nên khác biệt một cách đáng kể đối với một số tình huống giả định khác.

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu chúng ta cảm thấy khó khăn khi phải quyết định xem nên tin vào lý thuyết nào. Bởi chúng ta không bị buộc phải suy nghĩ về những tình huống giả định này; nên chúng không phải là những tình huống định hình quan điểm của chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là về việc liệu những sinh vật bậc cao có thể hy sinh chúng ta vì lợi ích của chúng hay chăng, mà còn về những gì mà chúng ta nên làm. Vì nếu có những sinh vật như vậy tồn tại, quan điểm hệ thống thứ bậc trọng tinh hoa sẽ không quy giản về thành quan điểm ràng buộc lề "chủ nghĩa Kantian" như những gì chúng ta đã trình bày. Một con người không thể hy sinh đồng loại của mình vì lợi ích của chính anh ta hoặc vì một đồng loại khác của anh ta, nhưng liệu anh ta có thể hy sinh đồng loại của mình vì lợi ích của những sinh vật bậc cao hơn? (Chúng ta cũng sẽ quan tâm đến câu hỏi rằng liệu các sinh vật bậc cao hơn có thể hy sinh chúng ta vì lợi ích của chính họ hay không.)

(Còn nữa)

 

Chú thích

(1) Ông Thom Krystofiak đã gợi ý điểm này cho tôi.

(2) Các quan điểm tôn giáo truyền thống khác nhau ở chỗ tiếp xúc với một thực tại siêu việt. Một số người cho rằng sự tiếp xúc ấy mang lại phúc lạc vĩnh cửu hoặc Niết bàn, nhưng họ lại không phân biệt rõ ràng giữa nó với việc thuần tuý tham gia rất lâu dài vào một cỗ máy trải nghiệm. Những người khác tin rằng có những mong muốn cố hữu để thực hiện ý chí của một đấng cao hơn đã tạo ra tất cả chúng ta, mặc dù có lẽ không ai sẽ nghĩ đến điều này nếu chúng ta phát hiện ra rằng chúng ta là đối tượng tiêu khiển được tạo ra bởi một đứa trẻ siêu năng lực nào đó đến từ một thiên hà khác hoặc một loại không gian khác. Vẫn có những người khác hình dung đến sự hợp nhất cuối cùng với một thực tại cao hơn, nhưng vấn đề là mong muốn đó là không rõ ràng, và sự hợp nhất này sẽ dẫn chúng ta đến đâu cũng là một điều không rõ ràng.

(3) Một số người sẽkhông muốn sử dụng cỗ máy biến hình này một chút nào; trông nó có vẻ như gian lận. Nếu việc sử dụng máy biến hình này chỉ xảy ra một lần thì sẽ không đáp ứng được tất cả các đòi hỏi; vẫn sẽ có những trở ngại mới mà chúng ta cần phải vượt qua, một trạng thái mới mà ta phải leo cao hơn nữa. So với trạng thái được cung cấp bởi tài năng thiên phú di truyền và môi trường thời thơ ấu, liệu trạng thái này có chút nào xứng đáng hơn? Nhưng nếu cỗ máy biến hình có thể được sử dụng thường xuyên và vô thời hạn, và chúng ta có thể dễ dàng chuyển đổi bản thân bằng cách nhấn nút để có thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào, thì không có thứ gì mà chúng ta cần phải chống lại hoặc vượt qua cả. Vậy còn thứ gì để làm nữa? Một số lý thuyết thần học đã đưa Chúa vượt ra khỏi thời gian, có phải vì một đấng toàn năng toàn trí có thể cũng không thể vượt qua các trạng thái cao mãi trong khoảng thời gian của chính ngài?

(4) Ít nhất một triết gia đã đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có lý do chính đáng để ít coi trọng lợi ích của động vật bằng lợi ích của chúng ta hay không, và từ đó đặt ra những giới hạn ít nghiêm ngặt hơn trong việc đối xử với động vật so với việc đối xử với con người hay không. Đọc Leonard Nelson, System of Ethics (New Haven, Conn.: Yale University Press, 1956), mục 66, 67. Sau khi tôi viết ra các thảo luận của tôi về động vật, vấn đề này cũng đã được đề cập trong một bài tiểu luận thú vị của Peter Singer, “Animal Liberation,” New York Review of Books, April 5, 1973, trang 17-

(5) Chúng ta bỏ qua một vài điểm khó khăn, chẳng hạn như xếp vị trí của một sinh vật vào chỗ nào trên thang đo, và làm sao để so sánh giữa các loài sinh vật cụ thể. Làm thế nào để xác định được vị trí của một loài trên thang đo? Nếu một sinh vật khiếm khuyết thì liệu có còn được xếp chung bậc với những sinh vật cùng loài không? Với hai sinh vật giống hệt nhau ở hiện tại (chúng thậm chí có thể giống hệt nhau về khả năng cả trong tương lai lẫn trong quá khứ), nếu ta không được phép đối xử với chúng tương tự nhau, bởi một sinh vật là thành viên bình thường của một loài và sinh vật kia là thành viên bất thường của một loài cao hơn trên thang đo, thì đây có phải là một điều bất thường? Và các vấn đề về việc so sánh giữa các sinh vật và các loài lại mờ nhạt trước vấn đề so sánh giữa các loài với nhau.

(6) Một số người sẽ nói rằng chúng ta đang đưa ra một quan điểm mục đích luận, rằng mỗi người có giá trị tuyệt đối so với những người khác. Nhưng một lý thuyết mục đích luận tối đa hóa tổng giá trị sẽ không cấm việc hy sinh một số người vì lợi ích của người khác. Hy sinh một số người cho những người khác sẽ không tạo ra lợi nhuận ròng, nhưng cũng sẽ không gây ra một khoản lỗ ròng. Vì một lý thuyết mục đích luận cho rằng cuộc sống của mỗi người có sức nặng ngang nhau, nên nó không chấp nhận việc giảm tổng giá trị (yêu cầu rằng mỗi hành động đều phải làm tăng lợi ích tổng giá trị, điều này sẽ loại trừ các hành động trung lập), vì vậy nó sẽ cho phép hy sinh một người vì người khác. Không có thủ thuật nào tương tự như những thủ thuật đã đề cập trước đó, chẳng hạn như sử dụng các biểu thức biểu thị cho các mục tiêu có trọng số tuyệt đối hoặc gán cho một số mục tiêu nhất định (đại diện cho các ràng buộc) một trọng số tuyệt đối có bậc cao hơn tuyệt đối so với các mục tiêu khác (ngay cả khi không thực hiện được điều này, thì các chi tiết đã rất rắc rối), dường như các quan điểm thể hiện trạng thái 2 không thể đại diện được như là mục đích luận. Điều này chứng minh cho nhận xét trước đây của chúng ta rằng “mục đích luận” và “ràng buộc lề” không làm suy giảm tất cả các cấu trúc có thể có của quan điểm đạo đức.

(còn nữa)

Nguồn: Nozick, Robert (1974). Anarchy, State and Utopia. Basic Books