Bất tuân dân sự (phần 1)

Bất tuân dân sự (phần 1)

Lời người dịch: “Civil Disobedience” (xuất bản lần đầu năm 1849), bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.

Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất”, và mong ước phương châm ấy được áp dụng vào thực tế một cách có hệ thống hơn và càng nhanh càng tốt. Khi phương châm ấy được đưa vào thực tế thì nhất định cuối cùng nó sẽ đưa đến, tôi tin như thế: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả” và khi mà mọi người sẵn sàng chấp nhận chuyện đó thì họ sẽ có một chính phủ như thế. Chính phủ, trong trường hợp tốt nhất, chỉ là một phương tiện; nhưng thường thì đa số các chính phủ, và đôi khi tất cả các chính phủ, đều là những phương tiện tồi. Lý luận phong phú, vững chắc và có sức thuyết phục dùng để phản đối việc duy trì một đội quân thường trực; cuối cùng, có thể cũng được áp dụng để chống lại một chính phủ thường trực. Quân đội thường trực chỉ là cánh tay của chính phủ thường trực. Chính phủ – tự nó chỉ là một hình thức để nhân dân thực hiện ý chí của mình – có thể bị lạm dụng và biến chất trước khi nhân dân kịp dùng nó để thực hiện những điều họ muốn. Bằng chứng là cuộc chiến tranh hiện nay ở Mexico, đấy là do một nhóm người coi chính phủ thường trực chỉ là phương tiện trong tay mình gây ra, chứ ngay từ đầu, nhân dân đâu có đồng ý với cách làm như thế.

Chính phủ Mỹ là gì – chẳng phải đấy chỉ là một truyền thống, mặc dù chưa lâu, đang tìm cách tự biến mình thành hiện tượng vĩnh viễn, nhưng lại thường xuyên đánh mất tính chính trực của mình hay sao? Chính phủ Mỹ không có cả sức sống lẫn sức mạnh của một người đơn lẻ, vì một người đơn lẻ cũng có thể bắt nó khuất phục ý chí của mình. Đối với nhân dân, đấy chỉ là một loại súng gỗ. Nhưng, như thế không có nghĩa là không cần chính phủ; vì nhân dân cần một loại máy móc phức tạp nào đó, nghe thấy tiếng nổ đinh tai nhức óc của nó, để chắc chắn rằng họ có chính phủ. Như vậy là, các chính phủ đã chứng minh được rằng họ dễ dàng lừa được dân chúng, cũng như lừa được chính mình nhằm thu lợi cho mình. Thật tuyệt vời, chúng ta phải công nhận như thế. Nhưng chính phủ của chúng ta chưa bao thúc đẩy được sự nghiệp gì, ngoài việc nhanh chóng né sang một bên. Chính phủ không giữ cho đất nước được tự do. Chính phủ không đưa người sang miền Tây. Chính phủ không làm công tác giáo dục. Tất cả những thành tựu đó đều là do những đặc điểm cố hữu của nhân dân Mỹ mà ra, thậm chí thành tựu còn có thể lớn hơn, nếu chính phủ thỉnh thoảng không cản trở họ. Vì chính phủ là phương tiện mà người dân không dùng để gây phiền hà cho nhau, và như đã nói, nó sẽ là phương tiện hữu hiệu nhất nếu những người bị trị ít bị nó làm phiền nhất. Nếu thương mại không đàn hồi như miếng cao su thì nó sẽ không bao giờ vượt qua được những chướng ngại mà những nhà làm luật thường xuyên tạo ra trên đường đi của nó; và nếu có thể xử những nhà làm luật này theo kết quả những việc họ làm mà không tính đến ý định của họ thì họ đáng bị coi là và đáng bị trừng phạt như những kẻ ngỗ nghịch đem những vật thể lạ đặt lên đường ray xe lửa.

Nếu nói một cách cụ thể và như một công dân, chứ không phải như những người phủ nhận mọi chính phủ, tôi không đòi hỏi giải tán chính phủ ngay lập tức, mà đòi hỏi một chính phủ được cải thiện ngay lập tức. Hãy để cho từng người nói rõ anh ta sẵn sàng tôn trọng một chính phủ như thế nào và đấy sẽ là bước đầu tiên dẫn đến một chính phủ như thế.

Nói cho cùng, một khi chính quyền lọt vào tay nhân dân thì họ sẽ chuyển cho đa số cai trị và cho nó tiếp tục cai trị trong một thời gian dài; đấy không phải là do nó cai trị một cách công bằng, cũng không phải là nó có vẻ công chính nhất đối với thiểu số, mà đơn giản là bởi vì đấy là nhóm mạnh nhất. Nhưng, chính phủ của đa số, trong mọi trường hợp, không thể dựa vào sự công bằng, dù là thứ công bằng mà người ta vẫn hiểu.
Chả lẽ không thể có một chính phủ, trong đó lương tâm chứ không phải là đa số được quyền quyết định đúng sai? Trong đó, đa số chỉ quyết định những vấn đề mà quy định về phương tiện có thể áp dụng ư? Chả lẽ công dân lại phải giao lương tâm của mình, dù trong phút chốc hay chỉ một phần nhỏ lương tâm, cho cơ quan lập pháp ư? Thế thì mỗi người còn cần lương tâm để làm gì? Tôi nghĩ rằng, trước hết chúng ta phải là một con người, rồi sau mới là một thần dân. Không cần giáo dục tinh thần tôn trọng pháp luật bằng tinh thần tôn trọng lẽ phải. Bổn phận duy nhất tôi có quyền thừa nhận là luôn luôn làm những việc mà tôi cho là đúng. Người ta nói đúng rằng đoàn thể không có lương tâm; nhưng đoàn thể của những người có lương tâm thì có lương tâm. Luật lệ không bao giờ làm cho người ta trở thành công chính hơn, chính vì tôn trọng pháp luật mà ngay cả những người đứng đắn cũng thường xuyên, liên tục trở thành tác nhân của sự bất công.

Hậu quả thường thấy và đương nhiên của việc tôn trọng thái quá pháp luật là đội quân với các đại tá, đại úy, hạ sỹ, binh sỹ, lính tải đạn và tất cả những người khác, hành quân trong theo đội hình qua núi đồi và thung lũng để ra chiến trường mặc dù họ không muốn như thế, thậm chí đi ngược lại lương tâm và lương tri của mình – làm cho cuộc hành quân trở thành cực kì khó khăn và làm cho mọi người lo lắng. Các binh sỹ chắc chắn biết rằng họ bị lôi kéo vào một công việc đáng nguyền rủa, tất cả bọn họ đều có thái độ yêu hòa bình. Thế họ là ai? Họ có phải là người hay không? Hay họ chỉ là những pháo đài hay kho vũ khí nhỏ, di động được, nằm trong tay một kẻ vô lương tâm có chức có quyền? Xin hãy ghé thăm một quân cảng và ngắm nhìn một chú lính hải quân: chính phủ Mỹ đã tạo ra một con người như thế nào; bằng những trò phù thủy của mình, họ đã tạo ra một con người như thế nào – không phải là người, mà chỉ một cái bóng, có thể nói là một tử thi biết đi, một tử thi đã bị chôn với tất cả các nghi lễ của nhà binh,

Chúng tôi chôn anh
Không kèn không trống
Chúng tôi đưa xác anh vào huyệt mộ
Không có tiếng súng giã từ

Quần chúng đang phục vụ quốc gia không phải như những con người thực sự, mà bằng sức lực của mình, như những cỗ máy. Họ là quân đội thường trực, là cảnh sát, là cai tù, v.v. Trong đa số trường hợp, họ không cần đến lương tri hay ý thức đạo đức; họ tự hạ mình ngang bằng với cỏ cây, đất đá; một lúc nào đó, có thể chế được những người gỗ làm những nhiệm vụ y như thế. Những người đó không đáng tôn trọng hơn một con bù nhìn rơm hay một đống đất. Giá trị của họ cũng chỉ ngang với chó, ngựa mà thôi. Nhưng chính những người đó lại thường được coi là những công dân tốt. Những người khác, thí dụ, đa số các nhà làm luật, các chính trị gia, các luật sư, tăng lữ, nhân viên văn phòng, phục vụ quốc gia chủ yếu bằng cái đầu của họ, và vì thường không có khả năng phân biệt về mặt đạo đức, mà vô tình họ có thể phục vụ cả qủy sứ cũng như Chúa Trời. Chỉ rất ít người, đấy là các anh hùng, những người yêu nước, những thánh tử đạo, những nhà cải cách theo nghĩa cao qúy của từ này và những người chân chính là phục vụ quốc gia với cả lương tâm của mình, và vì vậy mà họ thường phản đối chính phủ và bị chính phủ coi là kẻ thù. Một người thông thái chỉ có ích khi là một con người và sẽ không chấp nhận là “cục đất sét” và “lấp kín cái lỗ để cho gió khỏi thổi vào”, mà sẽ dành việc đó cho nắm tro tàn của mình:

Ta thuộc dòng dõi quý phái

Không là đầy tớ

Không là tay sai

Không là thần dân mù quáng

Của bất cứ quốc gia nào trên mặt đất này


Người hy sinh tất cả cho đồng bào của mình lại thường bị họ coi là vô tích sự và ích kỉ; nhưng người chỉ hy sinh cho họ một phần lại được tung hô là ân nhân và nhân đức.

Con người thời nay phải có thái độ như thế nào đối với chính phủ Mỹ. Tôi xin trả lời rằng, gắn bó với nó là đã nhục nhã rồi. Tôi không bao giờ công nhận cái tổ chức chính trị vốn là chính phủ của kẻ nô lệ là chính phủ của mình.

Tất cả mọi người đều công nhận quyền làm cách mạng; nghĩa là, quyền từ chối trung thành với và chống lại chính phủ khi những hành động bạo ngược hay sự bất tài của nó đã trở thành không thể chịu đựng được nữa. Nhưng, hầu như tất cả mọi người đều nói rằng hiện nay chưa đến mức như thế. Họ nghĩ rằng đấy là tình hình trong cuộc cách mạng năm 1775.

Nếu người ta nói với tôi rằng chính phủ này không ra gì vì nó đánh thuế một số hàng hóa ngoại quốc được đưa vào cảng nước mình, thì có nhiều khả năng là tôi sẽ không cuống lên vì chuyện đó, vì tôi có thể sống mà không cần những món hàng đó. Máy móc nào chả có ma sát, và có khả năng là cái máy này làm được khá nhiều việc tốt đẹp để loại trừ cái xấu xa. Dù thế nào thì ồn ào về chuyện này cũng là việc quá xấu xa. Nhưng khi ma sát được những cỗ máy của chính mình tạo ra, còn áp bức và cướp bóc trở thành những hiện tượng có tổ chức, thì tôi nói: Chúng ta không cần cái máy này nữa. Nói cách khác, khi một phần sáu dân cư của đất nước tự tuyên bố là vùng đất của tự do lại là những người nô lệ, còn đất nước thì bị quân đội nước ngoài chinh phục và cai trị một cách bất công và phải tuân theo luật quân sự thì tôi nghĩ rằng đấy là lúc để những người trung thực nổi dậy và làm cách mạng. Nhiệm vụ này còn trở thành khẩn thiết hơn nữa, đấy là khi đất nước bị chinh phục không phải là đất nước của chúng ta, còn quân xâm lược lại là quân đội của chúng ta.
Paley, được nhiều người coi là rất có uy tín khi bàn về các vấn đề đạo đức, trong chương “Nghĩa vụ tuân chủ chính phủ dân sự”, nói rằng, tất cả trách nhiệm dân sự đều là do lợi ích mà ra; sau đó ông ta viết:

“Khi mà quyền lợi của toàn xã hội đòi hỏi, nghĩa là, khi không thể chống lại hay thay chính phủ hợp pháp mà không gây ra bất tiện cho xã hội thì Chúa nói rằng phải phục tùng chính phủ hợp pháp – nhưng chỉ cho đến lúc đó mà thôi, không hơn. Từ nguyên tắc này, ta thấy rằng tính chính đáng của mỗi trường hợp phản kháng phải được tính toán bằng cách so sánh những bất công mà chính phủ đã tạo ra với giá phải trả cho những biện pháp sửa chữa”.

Mỗi người phải tự đánh giá, ông ta nói như thế. Nhưng, dường như Paley không bao giờ nghĩ tới những trường hợp, khi mà nguyên tắc lợi ích không thể áp dụng được, đấy là khi nhân dân, cũng như từng cá nhân riêng lẻ, phải giành lấy công lý bằng mọi giá. Nếu tôi giành giật một cách bất công tấm ván từ tay một người sắp chết đuối thì tôi phải trả lại cho người đó, mặc dù chính tôi đang bị chìm. Nhưng theo Paley thì đây là việc làm không phù hợp. Nhưng trong trường hợp như thế, kẻ cứu được mạng mình lại là người đánh mất nó. Dân tộc ta không được giữ nô lệ và không được đánh nhau với Mexico nữa, dù cái giá phải trả là sự tồn tại của chính dân tộc này.

Trong thực hành, các dân tộc đều đồng ý với Paley, nhưng chả lẽ có ai đó nghĩ rằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Massachusetts đã hành động một cách công chính hay sao?

Thực chất là, không phải một trăm ngàn chính trị gia miền Nam mà là một trăm ngàn thương gia và địa chủ ở đấy phản đối công cuộc cải cách ở Massachusetts, đấy là những người coi thương mại và nông nghiệp cao hơn là nhân tính và chưa sẵn sàng đối xử một cách công bằng đối với những người nô lệ và Mexico, với bất cứ giá nào. Tôi không tranh cãi với những kẻ thù ở xa, mà tranh cãi với những người hàng xóm của mình, những người cộng tác với họ và làm theo mệnh lệnh của những người ở xa, không có những người này thì kẻ thù ở xa sẽ trở thành vô hại. Chúng ta thường nói rằng, quần chúng nhân dân chưa sẵn sàng; nhưng sự cải thiện diễn ra một cách chậm chạp vì số ít kia cũng chẳng thông thái hay là tốt đẹp hơn hẳn đám quần chúng kia. Điều quan trọng không phải là nhiều người cũng phải tốt như bạn, mà quan trọng là phải có điều thiện cao nhất, làm cho cả mẻ bột lên men.

Nếu có hàng ngàn người nghĩ rằng mình phản đối chế độ nô lệ và chiến tranh, nhưng trên thực tế lại không làm gì để chấm dứt những hiện tượng như thế; những người tự coi mình là hậu duệ của Washington và Franklin, lại ngồi, tay đút túi và nói rằng họ không biết phải làm gì và không làm gì; những người thậm chí còn muốn giải quyết vấn đề thương mại tự do trước khi giải quyết vấn đề tự do, và sau mỗi bữa ăn trưa lại lặng lẽ đọc bản thông báo giá cả cùng với những tin tức mới nhất từ Mexico và có thể ngủ quên lúc nào không hay.
Giá của một người trung thực và người yêu nước hiện nay là bao nhiêu? Họ lưỡng lự, và họ hối hận, đôi khi họ cũng viết những bản kiến nghị; nhưng họ chẳng làm được việc gì nghiêm túc và đến nơi đến chốn hết. Họ sẽ tiếp tục ngồi đợi, lòng đầy cảm khái; và để mặc cho những người khác khắc phục tai họa đó, để họ không còn phải hối hận vì nó nữa. Đối với sự nghiệp chính nghĩa, điều lớn nhất mà họ có thể làm là bỏ vào hòm lá phiếu chẳng có giá trị gì, cùng với sự ủng hộ mờ nhạt và lời chúc thành công. Cứ một người đức hạnh thì có chín trăm chín mươi chín người bảo vệ đức hạnh; nhưng tiếp xúc với một người thực sự sở hữu một cái gì đó thì dễ dàng hơn hẳn so với việc tiếp xúc với người tạm thời đứng gác cái đó.

Tất cả các cuộc bầu cử đều là trò chơi, tương tự như chơi cờ hay chơi xúc xắc vậy, có pha chút màu đạo đức, một trò chơi với đúng và sai, có những vấn đề đạo lý và có tiền cược. Tính cách của cử tri không có nghĩa lý gì. Tôi bầu theo cách mà tôi cho là đúng, có thể như thế, nhưng tôi không toàn tâm toàn ý lo lắng cho cái đúng ấy giành phần thắng. Tôi muốn giao nó cho đa số. Bổn phận đó như vậy là không bao giờ vượt quá quan điểm lợi ích.

Thậm chí bầu cho cái đúng đôi khi cũng có nghĩa là chưa làm gì cả. Đấy chỉ là thể hiện một cách mù mờ cho mọi người thấy ước muốn của bạn rằng cái đúng phải thắng mà thôi. Một người thông thái không bao giờ lại để mặc cho công lý phụ thuộc vào may rủi, cũng như không muốn nó chiến thắng nhờ vào sức mạnh của đa số. Hành động của đám đông thường chứa rất ít giá trị đạo đức. Cuối cùng, nếu đa số ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ thì hoặc là họ không quan tâm đến nó hoặc là chẳng còn mấy nô lệ nữa để mà huỷ bỏ. Lúc đó họ chính là những kẻ nô lệ. Chỉ có người khẳng định quyền tự do cá nhân của mình bằng việc bỏ phiếu mới thúc đẩy được việc bãi bỏ chế độ nô lệ.

Nghe nói rằng ở Baltimore và một vài nơi nữa, người ta tổ chức hội nghị với thành phần chủ yếu là các chủ bút và những chính trị gia chuyên nghiệp để chọn ứng viên tổng thống; nhưng tôi xin hỏi, đối với một người trí thức, có tư duy độc lập và tự trọng, quyết định của hội nghị như thế có giá trị gì? Chả lẽ trí tuệ và tính trung thực của ông ta không có lợi hơn cho chúng ta hay sao? Chúng ta có thể bỏ qua những tiếng nói độc lập hay sao? Chả lẽ không có nhiều người từ chối tham gia những cuộc hội nghị như thế hay sao? Nhưng không: tôi thấy rằng con người gọi là tự trọng thay đổi ngay lập tức quan điểm của mình và bỏ mặc đất nước của mình, trong khi đất nước có đầy đủ lý do hơn để bỏ mặc anh ta. Anh ta lập tức chấp nhận ứng viên được chọn theo cách đó, miễn là có ứng viên, và bằng cách đó, anh ta đã chứng tỏ mình là người mà những kẻ mị dân có thể sử dụng cho những mục đích của họ.

Lá phiếu của anh ta cũng chẳng có giá trị gì hơn lá phiếu của một người ngoại quốc vô nguyên tắc hay của người cử tri đã bị mua chuộc. Đâu rồi con người chân chính, một người đàn ông, như ông hàng xóm của tôi nói, không để ai uốn cong sống lưng! Số liệu thống kê của chúng ta hóa ra là sai: không có nhiều người đến thế! Có bao nhiêu đàn ông trên một ngàn dặm vuông trên đất nước này? Chắc chưa được một người. Nước Mỹ có điều gì hấp dẫn để người ta đến đây định cư? Người Mỹ đã thoái hóa thành con người kỳ quặc – loại người có thể nhận biết được vì cách sống theo bầy đàn khá phát triển và thể hiện rõ sự thiếu thốn về tri thức và lòng tự tin; loại người sinh ra trước hết và trên hết là để quan tâm đến tình trạng của nhà tế bần và ngay từ khi còn vị thành niên đã tích cóp tiền cho quỹ dành cho các bà góa và trẻ mồ côi nào đó – tóm lại, loại người chỉ dám sống nhờ công ty bảo hiểm với lới hứa rằng sẽ chôn cất anh ta đàng hoàng.

Tất nhiên là người ta không có trách nhiệm cống hiến cuộc đời mình cho việc loại trừ cái ác, dù đấy có là cái ác lớn nhất, người đó có quyền có những mối quan tâm khác; nhưng, ít nhất anh ta cũng phải có trách nhiệm tránh xa điều ác và dù không nghĩ đến nó, anh ta cũng không được ủng hộ nó. Nếu tôi theo đuổi những mục đích và suy tưởng khác, trước hết tôi phải nhìn xem liệu tôi có ngồi trên đầu trên cổ người khác khi theo đuổi những suy tưởng ấy không. Tôi phải tụt xuống để người đó cũng có thể theo đuổi suy tưởng của anh ta.
Xin hãy xem những sự bất nhất. Tôi nghe thấy một số đồng bào tuyên bố: “Cứ để cho họ ra lệnh cho tôi đi đàn áp những cuộc bạo loạn của nô lệ hay đi Mexico xem, đừng hòng nhé!” nhưng chính những người đó, bằng lòng trung thành của mình, đã trực tiếp, hoặc ít nhất là gián tiếp, bằng tiền của mình, trang bị cho những người thay thế mình. Chính những người hoan hô người lính không chịu tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa lại vẫn ủng hộ cái chính phủ bất công đang tiến hành cuộc chiến tranh ấy. Thế là nhân danh Trật Tự và Phục Tùng Dân Sự, tất cả chúng ta đã bị buộc phải kính trọng và khuyến khích sự hèn hạ của chính mình. Lần đầu phạm tội người ta cảm thấy đỏ mặt, nhưng lần sau người ta sẽ bàng quan; vô luân, như vẫn thường thế, trở thành bàng quan về đạo đức và không hoàn toàn vô ích đối với cuộc đời mà chúng ta đã tạo dựng lên.

Cái sai lớn nhất và lan rộng nhất lại cần cái đức bất vụ lợi nhất ủng hộ. Sự phê phán nhẹ nhàng tinh thần yêu nước lại thường bị những con người cao quý để ý. Những người phê phán chính phủ và những hành động của chính phủ một cách qua loa, nhưng cuối cùng vẫn ủng hộ sự tồn tại của nó, chắc chắn chính là những người ủng hộ chính phủ chân thành nhất và là những trở ngại nghiêm trọng nhất đối với cải cách. Một số người kiến nghị bang này rời khỏi liên bang, coi thường yêu cầu của tổng thống. Tại sao họ không hủy bỏ sự liên hệ của họ với bang và từ chối nộp tiền vào kho bạc của nó? Chả lẽ họ không có thái độ với bang hệt như thái độ của bang với liên minh hay sao? Không phải là chính những nguyên nhân cản trở, không cho bang chống lại liên minh cũng là những nguyên nhân không cho họ chống lại bang hay sao?

Làm sao người ta có thể hài lòng và yên trí khi có một quan điểm nào đó? Người ta có thể yên trí được không nếu cho rằng mình đã bị xúc phạm? Nếu bạn bị người hàng xóm lừa một dollar thì bạn sẽ không cảm thấy hài lòng khi biết rằng mình đã bị lừa, hoặc nói rằng mình đã bị lừa hoặc ngay cả kiến nghị anh ta phải trả, mà bạn sẽ thực hiện ngay lập tức các biện pháp buộc anh ta phải trả toàn bộ số tiền và lần sau không bị lừa nữa. Hành động xuất phát từ nguyên tắc – nhận thức và thực thi công lý – sẽ làm thay đổi các sự vật và các quan hệ, thực chất là một hành động cách mạng, hoàn toàn khác biệt với những hành động trước đó. Nó không chỉ phân chia nhà nước và nhà thờ, nó phân chia gia đình, hơn thế nữa, nó chia rẽ ngay từng cá nhân, tách phần qủy ra khỏi phần Người của anh ta.

(còn nữa)


Nguồn: Phạm Nguyên Trường: Bất tuân dân sự (toàn bài) (phamnguyentruong.blogspot.com) 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường