Nguyên lý tự do trên bình diện chính trị

Nguyên lý tự do trên bình diện chính trị

Chủ nghĩa tự do cá nhân là gì? Và thế nào thì không phải là chủ nghĩa tự do cá nhân? Chủ nghĩa tự do cá nhân có phải là một hệ thống triết học hoàn chỉnh cho chúng ta biết ý nghĩa của sự tồn tại, chân lý, nghệ thuật, và cuộc sống? Nó có phải là một triết lý đạo đức cho chúng ta biết làm thế nào để sống tốt hơn? Hay nó là một triết lý chính trị dung hòa nhiều triết lý hòa bình về cuộc sống và đạo đức, một khuôn khổ cho những tương tác xã hội mang tính tự nguyện? Dù bạn là ai, người đi theo hay không đi theo chủ nghĩa tự do cá nhân, việc làm rõ thuật ngữ “chủ nghĩa tự do cá nhân” cũng sẽ có ích cho bạn.

Đi thẳng vào vấn đề, chủ nghĩa tự do cá nhân chính là một triết lý chính trị đề cao nguyên lý tự do.

Nói một cách đơn giản, bạn có thể là một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và đồng thời là một người Hindu, Thiên Chúa giáo, Do Thái, Hồi giáo, một Phật tử, một nhà thần luận, người theo thuyết bất khả tri, một người vô thần, hoặc theo bất kỳ một tôn giáo nào khác, miễn là bạn tôn trọng quyền bình đẳng của người khác. Bạn có thể thích hip hop, những bản nhạc của Rachmaninoff2 hay của Brahms2, nhạc reggae3, kinh kịch Trung Hoa, hay bất kỳ thể loại âm nhạc nào khác hoặc không phải là fan hâm mộ của dòng nhạc nào cả. Có rất nhiều ví dụ khác có thể kể ra, tuy nhiên bằng đó có lẽ đã đủ cho bạn hiểu về chủ nghĩa tự do cá nhân. Có thể nói chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là một triết lý sống, triết lý tình yêu, siêu hình học hay tôn giáo, nghệ thuật hay chân giá trị mặc dù nó hoàn toàn tương thích và có thể đặt cạnh hằng hà sa số các triết lý khác nhau.

Vậy thế nào là một triết lý chính trị? Một triết lý chính trị có ba cấu phần: biện minh, nguyên lý và chính sách. Phần biện minh của một triết lý chính trị là những chuẩn mực để biện hộ cho niềm tin của ai đó, đó có thể là các nguyên tắc như: mang lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất, tôn trọng quyền tự chủ của người khác thì mới là sinh vật có đạo đức, công bằng trong việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi, hay một điều gì đó tương tự. Phần nguyên lý là những khẳng định có tính trừu tượng nhằm chỉ ra bằng cách nào để có thể hiện thực hóa được những niềm tin đã được biện minh. Phần chính sách là sự áp dụng, thực hành những nguyên lý để giải quyết những vấn đề cụ thể, thực tế nào đó. Trong đời sống chính trị hàng ngày, chính sách là trung tâm các cuộc thảo luận và mối quan tâm chính của mọi người, để tìm câu trả lời cho những câu hỏi như “Chúng ta có nên nâng (hoặc giảm) các loại thuế?”, “Chúng ta có nên gây chiến với nước khác?” hay “Có nên cấm hút cần sa?”

Các nguyên lý làm nền tảng cho quan điểm chính sách của một người nào đó đôi khi được tiết lộ qua chính câu hỏi, chẳng hạn như “Chúng ta có nên quan tâm nhiều hơn đến việc tuân thủ Hiến pháp hay giúp đỡ những người khốn khó?” Những câu hỏi như thế này đôi khi đã cho chúng ta biết những nguyên lý mà người đặt câu hỏi ưu tiên và là nền tảng cho quan điểm chính sách của họ. Việc biện minh, lý giải cho những nguyên lý này thường được dành riêng cho những thảo luận, đối thoại về triết học, nơi người ta tranh luận về những câu hỏi như “Liệu tự do có nên được ưu tiên hơn bình đẳng?”, “Đâu là căn cứ để chúng ta chọn lựa giữa hai phương án: tuân thủ Hiến pháp hay đáp ứng nhu cầu của người nghèo?”

Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là một triết lý chính trị hoàn chỉnh, cung cấp chỉ dẫn rốt ráo cho mọi vấn đề, từ việc biện minh cho đến việc đề ra chính sách. Chủ nghĩa tự do cá nhân có thể định nghĩa như là sự cam kết đối với cấu phần ở giữa: nguyên lý tự do. Mỗi người có thể lý giải, biện minh cho hệ thống nguyên lý này theo nhiều cách khác nhau. (Trong thực tế, nguyên lý tự do có thể - và thường là - được biện minh như là một nguyên lý dựa trên nhiều chuẩn mực khác nhau; nó có thể được biện minh dựa trên nền tảng tôn trọng sự tự chủ dựa trên nền tảng hướng tới sự thịnh vượng chung. Việc chọn lựa đâu là nền tảng biện minh thực sự của chủ nghĩa tự do cá nhân là không cần thiết nếu cả hai nền tảng này đều hội tụ về một nguyên lý chung). Hơn nữa, việc áp dụng nguyên lý tự do trong các vấn đề chính sách có thể dẫn đến những tranh luận và bất đồng ý kiến, tùy thuộc vào nhận định tình hình của mỗi người, tình hình thực tế và các lý do khác.

Cần nhấn mạnh rằng cam kết với nguyên lý tự do trên phương diện chính trị không yêu cầu bất kỳ người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ủng hộ người khác cần phải làm gì với sự tự do của họ. Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể lên án một người nào đó vì hành vi đáng hổ thẹn, vô đạo đức, thô lỗ, hoặc vô lương tâm của họ hoặc có thể bảo vệ và biện hộ cho cách cư xử đó, miễn là hành vi đó không vi phạm quyền của người khác.

Nguyên lý tự do trên phương diện chính trị

Chủ nghĩa tự do cá nhân giới hạn các cam kết của mình ở mức độ các nguyên lý. Cụ thể, chủ nghĩa tự do cá nhân được xây dựng dựa trên nguyên lý tiền giả định về tự do: tất cả mọi người phải được tự do làm những gì họ muốn với cuộc sống và quyền lợi của mình, trừ khi có một lý do hợp lý nào đó (như vi phạm quyền bình đẳng của người khác) để hạn chế họ. Mỗi người đều có quyền tự do. Người theo các triết lý chính trị khác có thể đề xuất chính sách của mình dựa trên các nguyên lý khác, chẳng hạn như:

• Tình bằng hữu: nguyên lý cho rằng mọi người nên có một phần trách nhiệm đối cuộc sống của những người khác.

• Bình đẳng về kết quả: nguyên lý cho rằng mọi người nên có vị trí tương đương nhau, tức được sử dụng hàng hoá, mức độ thoả dụng, hay kết quả đáng muốn tương đương nhau.45

Ai đó có thể sẽ đặt câu hỏi: Có cách nào tốt hơn để diễn đạt nguyên lý tự do? “Tự do cá nhân, chính phủ hạn quyền, thị trường tự do và hòa bình” là một khẩu hiệu của Viện Cato. Liệu đây có phải là cách tốt nhất để giải thích nguyên lý tự do, hay nó có thể gây nhầm lẫn, khiến mọi người tưởng rằng nguyên lý tự do được phân nhỏ thành từng hợp phần khác nhau. Ví dụ như "thị trường tự do" và "hòa bình" có thể được xem như các khía cạnh khác nhau của nguyên lý tự do? Một công thức cho nguyên lý tự do có thể coi là hoàn chỉnh hoặc hữu ích nhất hay không còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Đối với Viện Cato, một viện chủ yếu về nghiên cứu chính sách công, công thức nguyên lý tự do trong khẩu hiệu trên của họ có vẻ khá phù hợp với họ.

Biện minh cho tự do

Một triết lý bảo vệ cho một nguyên lý hoặc tập hợp các nguyên lý và bác bỏ những nguyên lý khác cần có một luận cứ biện minh tại sao nguyên lý này được chọn, nguyên lý khác lại không. Sự lựa chọn giữa các nguyên lý đòi hỏi sự biện minh. Ai đó lập luận rằng “mỗi người sở hữu bản thân mình và do đó có quyền ra các quyết định liên quan đến cơ thể và tài sản riêng của mình”. Ngay cả với nguyên lý tưởng chừng như dễ hiểu này, chúng ta không chỉ đơn thuần cần một sự diễn đạt cụ thể hơn (ví dụ như “quyền sở hữu” là gì và “liên quan” ở đây là liên quan đến mức độ nào), mà nó còn cần sự biện minh, lý giải ở mức độ sâu hơn. Nếu không có một luận cứ biện minh, nguyên lý trên chỉ là một tuyên bố. Các luận cứ biện minh cho nguyên lý tự do khá đa dạng. Trong những năm qua, nhiều luận cứ đã được nghiên cứu và phát triển, bảo vệ, tranh luận và phê phán bởi những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và vẫn còn được tiếp tục tranh luận ngày nay. Dưới đây là một số ít trong số nhiều luận cứ đó; đi kèm theo mỗi luận cứ là tên nhà tư tưởng đã biện minh cho tự do, chí ít là có tên tuổi gắn với luận cứ đó:

• Tiện ích – Tự do phải là nguyên lý của đời sống chính trị bởi vì nó tạo ra lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất (Jeremy Bentham);

• Tự chủ - Chính phủ hạn quyền và tôn trọng quyền bình đẳng là khuôn khổ phù hợp để đảm bảo quyền tự chủ của các thể nhân có đạo đức4 (Robert Nozick);

• Mưu cầu chính đáng cuộc sống và hạnh phúc riêng của một người – Tự do là một yêu cầu thiết yếu để theo đuổi hạnh phúc phù hợp với bản chất con người (Ayn Rand);

• Luật tự nhiên và quyền tự nhiên – Tự do là một đặc tính của bản chất con người như là một sinh vật vừa vì mình và vì xã hội (John Locke);

• Khải huyển – Tự do là một đặc quyền do Chúa ban tặng, và theo đó không ai có quyền cướp sự tự do cùng với những đặc quyền khác do Chúa ban tặng người khác (John Locke và Thomas Jefferson);

• Sự đồng cảm – Tự do có thể coi là “hệ thống đơn giản” phù hợp với khả năng của con người, giúp một người có thể đặt mình vào vị trí của một người khác (Adam Smith);

• Đồng thuận - Nguyên lý tự do được xem như là nhu cầu tất yếu để đạt được sự đồng thuận chung giữa các thể nhân có lý trí5 (Jan Narveson);

• Khiêm nhường – Tự do được xem như là một nguyên lý của một tổ chức chính trị bởi vì không ai có thể biết cần những gì để định hướng, chỉ đạo cuộc sống của những người khác (F.A. Hayek);

• Công bằng – Tự do là phương tiện hiệu quả nhất để có thể mang lại lợi ích cho những người kém may mắn trong xã hội (John Tomasi).

Lưu ý rằng đây không phải là danh sách đầy đủ những luận cứ biện minh cho tự do. Hơn nữa, người ta có thể dựa vào một hoặc nhiều luận cứ để biện minh cho một nguyên lý chính trị. Điểm mấu chốt là mặc dù chủ nghĩa tự do cá nhân không cần phải dựa hoàn toàn vào một luận cứ biện minh cụ thể nào đó, không có nghĩa là nó có thể đứng vững mà không cần một luận cứ nào đó. Chủ nghĩa tự do cá nhân theo cách hiểu như vậy không gắn liền với bất kỳ một luận cứ cụ thể nào để biện minh cho nguyên lý tự do.

Nguyên lý tự do cung cấp chỉ dẫn cho hành vi của con người, nhưng nó không phải là một nguyên lý tự biện minh. Trong khi chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là một triết lý chính trị toàn diện, một cá nhân ở chừng mực nào đó có thể coi là đi theo chủ nghĩa tự do cá nhân vì cam kết của họ với các giá trị biện minh sâu hơn, chẳng hạn như sự hưng thịnh của loài người, quyền tự chủ, lý trí, hạnh phúc, giới luật tôn giáo, sự thông cảm, hoặc sự công bằng.

Một nguyên lý, đa chính sách

Tương tự như việc một nguyên lý có thể có nhiều luận cứ biện minh khác nhau, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cũng có cách làm và quan điểm khác nhau khi áp dụng nguyên lý tự do. Đã có các cuộc tranh luận mở về nhiều chủ đề khác nhau như bằng sáng chế và bản quyền tác giả (quyền sở hữu tài sản dựa trên sự sáng tạo hoặc sự độc quyền do nhà nước cho phép?), án tử hình đối với người phạm tội giết người (đó chỉ là một sự trừng phạt công bằng hay là một quyền lực nguy hiểm?), phá thai (một vấn đề gây tranh cãi tùy thuộc vào việc người ta tin rằng có hai hay là chỉ có một thể nhân liên quan), thuế (đó là sự ăn trộm, hay là để phục vụ những lợi ích chung như quốc phòng, chi phí hợp pháp cho các dịch vụ?), chính sách đối ngoại và quân sự (tất cả người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đều ngầm đồng thuận về chống chiến tranh, nhưng họ có bất đồng về những điều kiện cần thiết để bác bỏ ngầm định đó hay luận cứ biện minh cho việc tồn tại của lực lượng quân sự), và thậm chí hôn nhân đồng tính (liệu nhà nước có nên chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với các cặp vợ chồng đồng tính, hay nhà nước nên đứng ngoài hoàn toàn đối với việc kết hôn của công dân, và coi hôn nhân thuộc phạm vi của luật hợp đồng?). Những người biết suy xét hẳn sẽ có những quan điểm khác nhau về cách áp dụng một nguyên lý nào đó.

Điều đó không có nghĩa là không có các chính sách liên quan đến chủ nghĩa tự do cá nhân. Luật ngăn cấm hành vi giết người, hiếp dâm, nô lệ và trộm cắp là nền tảng cơ bản cho bất kỳ hệ thống pháp luật văn minh nào, những luật này thậm chí nên được các chính phủ áp dụng. Tuy nhiên, việc cần áp dụng các chính sách cụ thể gì để thực thi những luật nói trên vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Ở đây một lần nữa có thể nói những người biết suy xét có thể khác biết trong quan điểm, và cách thực thi chính sách. Chẳng hạn như việc các chính phủ hoặc công dân cần làm gì để bảo vệ người dân và gia đình họ trước bạo lực vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh luận.

Người ta cũng bàn luận về những biện pháp nửa chừng. Ví dụ như người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có nên ủng hộ việc hợp pháp hóa sử dụng cần sa cho mục đích y tế, mặc dù nếu đúng ra mà nói, nếu áp dụng nhất quán nguyên lý tự do, việc hợp pháp hóa cần sa có thể được thực hiện mà không có ràng buộc nào về mục đích sử dụng? Đó có phải là “sự phản bội” nguyên lý tự do hay một bước tiến tới tự do ở mức độ cao hơn? Những người biết suy xét có thể sẽ có những suy nghĩ khác nhau về vấn đề này.

Sự khác biệt giữa chính trị và đạo đức

Chủ nghĩa tự do cá nhân là một triết lý chính trị, không phải là một triết lý đạo đức. Đạo đức quan tâm đến điều gì là đúng hoặc điều gì là tốt vì bản thân nó chính là hệ thống những quy định, quan điểm về những gì được cho là đúng, là tốt. Nó tự tìm cách để xác định thế nào là đúng, là tốt. Mặc dù có liên quan, triết lý chính trị quan tâm đến một phạm trù khác của hành vi con người. Đó là các loại hình thái quan hệ giữa người với người. Thường có sự chồng chéo đáng kể giữa hai lĩnh vực triết học này bởi vì cả hai đều quy định các quy tắc ứng xử của con người và giải quyết vấn đề con người nên hành động như thế nào với chính mình và trong các mối tương tác với những người khác. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa chúng chính là những luận cứ biện minh cho việc tại sao một cá nhân cần phải tuân theo các quy tắc ứng xử.

Hành động đạo đức được biện minh dựa trên cơ sở cho rằng thể nhân làm điều gì đó bởi vì anh ta là một sinh vật có đạo đức. Căn cơ đạo đức6 của một người sẽ định hướng người đó hành động đúng đắn. Đạo đức bắt đầu với thể nhân đạo đức cá lẻ và đặt câu hỏi: “Một cá nhân phải hành động như thế nào khi cô ấy/anh ấy là một thể nhân đạo đức?”. Trái lại, các quy tắc ứng xử trong một triết lý chính trị được biện minh dựa trên nền tảng rằng thể nhân phải tôn trọng các cá nhân khác và coi họ là những thể nhân đạo đức riêng biệt. Đó là một triết lý xã hội với phương châm làm rõ cách mọi người đối xử với nhau khi tương tác với người khác. Triết lý chính trị sẽ đặt ra câu hỏi: “Một cá nhân phải hành động như thế nào khi cô ấy/anh ấy tương tác với các cá nhân khác?”.

Nói cách khác, đạo đức có nguồn gốc tự thân: con người phải hành động, cư xử như thế nào vì bản thân họ là con người. Nguồn gốc của triết lý chính trị lại liên quan đến người khác: những đòi hỏi đối xử với người khác một cách công bằng vì người khác cũng là con người.

Nói như vậy không có nghĩa các cân nhắc, xem xét về đạo đức trong quy tắc ứng xử của một cá nhân không bao gồm những quan tâm, nhu cầu của người khác. Để xác định xem đó có phải là một hành động đạo đức không, trong nhiều tình huống, chúng ta cần phải xem xét liệu hành động của chúng ta có ảnh hưởng đến những người khác hoặc quan tâm đến mục đích và mối quan tâm của người khác như thể đó là mục đích và mối quan tâm của chính mình. Tuy nhiên, trọng tâm của mối quan tâm này vẫn thuộc về căn cơ đạo đức (moral agency) của một thể nhân. Cách chúng ta quan tâm đến các cá nhân khác một cách đạo đức chính là chúng ta đã xem họ như là một phần của căn cơ đạo đức của chúng ta. Ngược lại, cách chúng ta quan tâm đến các cá nhân khác theo triết lý chính trị lại là coi họ như những thể nhân đạo đức riêng biệt, cần được tôn trọng, và do đó giới hạn căn cơ đạo đức của chúng ta theo cách thức đảm bảo sự tôn trọng dành cho cá nhân khác.

Vì hầu hết mọi hoạt động của con người đều bao gồm sự tương tác với người khác, nên những quy tắc đạo đức và chính trị có thể được áp dụng cho những tình huống tương tự nhau, mà đôi khi làm cho người ta nhầm lẫn và coi triết lý chính trị và đạo đức là một. Một số người cố gắng luật pháp hóa đạo đức; bởi vì họ tin rằng nếu một việc gì đó là vô đạo đức, thì rõ ràng cũng là bất hợp pháp. Nếu con người không nên làm một điều gì đó, thì người khác nên ngăn cản họ làm việc đó. Bàn về vấn đề này, nhiều người thường nói “mỗi người có quan niệm đạo đức khác nhau” và người ta không nên áp đặt “quan điểm đạo đức của mình” lên quan điểm của người khác. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người ta cần ủng hộ chủ nghĩa tương đối về đạo đức (“quan điểm đạo đức của tôi” cũng tốt hoặc chính đáng như “quan điểm đạo đức của bạn”) để hướng tới tự do. Thực ra, thuyết tương đối về đạo đức là một nền tảng rất yếu cho tự do, vì nếu tất cả các tuyên bố đều tốt như nhau, tại sao tự do lại luôn tốt hơn ép buộc?

Có một phiên bản khác của lập luận này, đó là: có thể tồn tại một hệ thống đạo đức phổ quát áp dụng cho tất cả mọi người nhưng không ai có thể thật sự hiểu hệ thống này là gì; chính vì sự thiếu hiểu biết về một hệ thống đạo đức chuẩn mực, chúng ta không nên luật pháp hóa bất kỳ hệ thống đạo đức nào. Mặc dù đây là một lập luận mạnh hơn chủ nghĩa tương đối đạo đức ở phía trên, lập luận này vẫn chấp nhận ý tưởng “luật pháp hóa đạo đức” nếu chúng ta có thể xác định thế nào là “một hệ thống đạo đức chuẩn mực”. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận rằng có một hệ thống đạo đức duy nhất, phổ quát, và được nhiều người biết đến và thống nhất, việc luật hóa đạo đức thông qua các thể chế chính trị vẫn khá bất hợp lý và khó có thể luật hóa được vì đạo đức liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của con người hơn triết lý chính trị. Đạo đức – hay chúng ta hy vọng đạo đức – sẽ giúp chúng ta sống một cuộc sống tốt hơn. Trong khi đó, luật pháp giúp chúng ta đối xử công bằng với nhau.

Một số người cho rằng một triết lý chính trị không có nền tảng cơ sở dựa trên một nguyên tắc đạo đức cụ thể nào đó là một triết lý không có sự biện minh. Nhưng hãy nhớ rằng, một nguyên lý định hình một triết lý chính trị nào đó thuộc về cấu phần ở giữa [trong ba cấu phần: biện minh, nguyên lý, và chính sách – ND]. Nó vẫn có một luận cứ biện minh (hoặc, có lẽ, nhiều luận cứ biện minh khác nhau), nhưng những luận cứ này có thể đúng hoặc không đúng theo các nguyên lý của chủ nghĩa tự do cá nhân. Như đã chỉ ra ở trên, những người có những luận cứ khác nhau vẫn có thể có đồng ý với một nguyên lý chung. Trong trường hợp này, chấp nhận sự khác biệt, đa dạng chính là một biểu hiện của sự áp dụng nguyên lý tự do, đó là cho phép các cá nhân có thể có những quan điểm đạo đức và hành vi khác nhau, miễn là tất cả mọi người đều được hưởng các quyền một cách công bằng.

Trong hầu hết các trường hợp, đạo đức và triết lý chính trị thực sự có thể đưa ra những quy tắc ứng xử giống nhau, ví dụ đối với việc giết người, hãm hiếp, và ăn cắp, những hành vi này chắc chắn được coi là vô đạo đức và phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nhưng cũng có những trường hợp, trong khi về mặt đạo đức, một hành động nào đó cần được thực hiện hoặc cấm, nhưng đứng từ quan điểm triết lý chính trị lại không. Ví dụ như, đạo đức có thể đòi hỏi bạn phải yêu mến, đối xử với hàng xóm như người anh (hoặc chị) của bạn, nhưng triết lý chính trị – hay ít nhất là triết học chính trị tự do cá nhân – lại không có yêu cầu nào như thế. Như vị thánh đáng kính Thomas Aquinas lập luận, “Nhân luật được xây dựng và áp dụng cho một nhóm người nhất định, phần lớn trong số họ không hoàn hảo về đức hạnh. Vậy nên nhân luật không cấm đoán tất cả các tệ nạn, khả năng mà chỉ những người hoàn toàn đức mạnh mới không phạm phải, và chỉ cấm đoán những hành vi tội ác nghiêm trọng, khả năng mà đa số sẽ không phạm phải. Hầu hết các tội ác này gây ảnh hưởng và tổn thương người khác. Nếu không có sự cấm đoán những hành vi gây tổn thương, xã hội loài người sẽ không thể duy trì được. Vì vậy pháp luật nghiêm cấm hành vi giết người, trộm cắp và những hành vi khác tương tự.”7 Chúng ta có thể phản đối nhiều điều và coi đó là hành động vô đạo đức, thậm chí xấu xa khi nhìn bằng nhãn quan đạo đức, nhưng từ quan điểm của triết lý chính trị mà nói, chúng lại được chấp nhận. Câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra khi phân định xem một hành động nên bị cấm đoán bởi luật pháp hay không chính là: hành động này có vi phạm quyền của người khác không?

Kết luận

Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể là những người theo bất kỳ một tín ngưỡng tôn giáo nào hoặc không theo một tôn giáo nào đó, có thể là người ủng hộ nhiều học thuyết triết học khác nhau, có những lối sống khác nhau, là thành viên của nhiều nhóm sắc tộc và ngôn ngữ khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất và được kết nối bởi một nguyên lý tự do chung. Họ có thể khác biệt khi đi vào áp dụng cụ thể nguyên lý tự do, có thể không đồng ý với một thực tế/sự thật có liên quan nào đó, và vì thế, như là một hệ quả của sự khác biệt, đôi khi họ thấy mình ở trên hai đầu chiến tuyến đối lập nhau khi tranh luận về một vấn đề cụ thể nào đó, mặc dù họ cùng tán thành nguyên lý tự do. Nguyên lý này gắn kết họ khi họ cùng tổ chức chiến dịch kêu gọi bãi bỏ luật cấm đoán những hành vi được coi là phạm pháp mà không có nạn nhân, phản đối chế độ độc tài, bảo vệ quyền tự do thương mại và kinh doanh, chống lại bạo lực quá khích, và thường cùng nhau ủng hộ và hỗ trợ sự tự do bình đẳng cho tất cả mọi người.

Tôi khuyến nghị những người đồng ý với nguyên lý tự do trên bình diện chính trị khám phá những quan niệm, tư tưởng của người theo chủ nghĩa tự do cá nhân một cách nghiêm túc hơn, đọc nhiều hơn về những tư tưởng này, nghĩ về chúng, để thảo luận, tranh luận, và so sánh chúng với các triết lý chính trị khác, hay nói một cách ngắn gọn hãy dùng trí óc của bạn. Một người ủng hộ nguyên lý tự do là người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Lý do một người ủng hộ nguyên lý này có thể khác với lý do của người theo chủ nghĩa tự do cá nhân khác; đó chính là sự khác biệt giữa chủ nghĩa tự do cá nhân với hầu hết các triết lý chính trị khác, bởi vì nó không đòi hỏi sự nhất trí về nền tảng cơ sở, chỉ cần tất cả mọi người nhất trí rằng mỗi người có quyền bình đẳng như nhau về tự do. Một người theo chủ nghĩa tự do cá nhân có thể bất đồng về các quy định chính sách thích hợp nhất để đưa nguyên lý mà họ cùng ủng hộ vào đời sống. Đó chính là nguyên lý tự do trên bình diện chính trị, nguyên lý đã định hình triết lý của chủ nghĩa tự do cá nhân và gắn kết những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân với nhau. Vâng, đó là tất cả những gì về nguyên lý tự do, và tôi nghĩ như thế cũng là đủ để nói về nó rồi.

Chú thích:

(1) Sergei Vasilievich Rachmaninoff (1873-1943): nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano và nhạc trưởng người Nga. Ông là một trong số những nghệ sĩ piano xuất sắc nhất trong thời đại của mình, và ở vai trò của một nhà soạn nhạc, ông là một trong những đại diện nổi bật cuối cùng của trường phái lãng mạn trong âm nhạc cổ điển Nga. (ND, theo Wikipedia)

(2) Johannes Brahms (1833 -1897 tại Viên): nhà soạn nhạc, chơi đàn piano và chỉ huy dàn nhạc người Đức. Các tác phẩm của ông được xếp vào chủ nghĩa lãng mạn. (ND, theo Wikipedia)

(3) Reggae: một dòng nhạc ra đời ở Jamaica vào cuối những năm 1960. (ND, theo Wikipedia)

(4) Thể nhân đạo đức: Một thể nhân có khả năng hành động dựa trên nhận thức về đúng, sai. (ND, theo Wikipedia)

(5) Thể nhân có lý trí: Một thể nhân có lý trí có ưu tiên rõ ràng và luôn chọn phương án tối ứ để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Một thể nhân có lý trí là bất cứ đối tượng nào có thể đưa ra quyết định, có thể là một con người, một công ty, cỗ máy hay một phần mềm. (ND, theo Wikipedia)

(6) Căn cơ đạo đức: khả năng đưa ra những đánh giá, nhận định mang tính đạo đức của một cá nhân dựa trên những ý niệm phố biển về đúng và sai và chịu trách nhiệm cho những hành động đúng hoặc sai của cá nhân này. (ND, theo Wikipedia)

(7) St. Thomas Aquinas, “Treatise on Law, Q. 96, Art. 2,” Summa Theologica (Westminster, Maryland: Christian Classics, 1981), p. 1018.

Nguồn: Why Liberty: Your Life, Your Choices, Your Future, edited by Tom G. Palmer, Jameson Books; 1st edition, 2013.

Dịch giả:
Lương Vân Lam
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.