Muốn chiến thắng chủ nghĩa thân hữu, cần tách biệt doanh nghiệp và Nhà nước

Muốn chiến thắng chủ nghĩa thân hữu, cần tách biệt doanh nghiệp và Nhà nước

Trong hơn 30 năm làm việc ở Washington, tôi đã trải qua một vài luật định rất tồi tệ.

- Tổng thống George H.W. Bush bội ước lời hứa không tăng thuế vào những năm 1990 (lời hứa “hãy xem tôi nói: không tăng thuế”). 

- Việc tăng thuế của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993, mà OMB (Cục quản lý Hành chính và Ngân Sách) thừa nhận là một thất bại 18 tháng sau đó.

- Tất cả các thể loại chính sách tồi tệ dưới thời George W. Bush, bắt đầu với dự luật giáo dục mang tên “không cán bộ nào bị bỏ lại phía sau”. 

- Một loạt các chính sách tồi tệ trong hai năm đầu tiên của nhiệm kỳ Obama, bao gồm gói kích thích giả tạo, Dodd-Frank, và Obamacare.

Thế nhưng trải nghiệm đáng thất vọng nhất có lẽ là gói cứu trợ TARP. Thất vọng một phần vì chính sách sai lầm của chính phủ đã làm nảy sinh điều kiện cho cuộc khủng hoảng, thế nên thật ngán ngẩm khi chứng kiến đám đông người biểu tình ở Washington lại tiếp tục đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản (thực chất là lặp lại những gì đã xảy ra vào những năm 1930).

Mặc dù vậy, chán ngán hơn cả vẫn là các phản ứng chính sách. Dưới sự ảnh hưởng đáng kể của Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson, Chính quyền Bush đã quyết định giải cứu các công ty lớn của phố Wall thay vì sử dụng “giải pháp FDIC”, tức là giải pháp lẽ ra có thể đã giải cứu những người gửi tiền và đóng cửa các tổ chức lớn bị vỡ nợ. 

Sự phá hủy sáng tạo 

Nói một cách khác, TARP là chủ nghĩa thân hữu thuần túy. Các công ty Phố Wall đã “đầu tư” vào Washington bằng việc đóng góp thật nhiều cho các chính trị gia và TARP chính là phần thưởng của họ.

Đặt trong bối cảnh này, bạn sẽ hiểu tại sao, trong cuộc phỏng vấn dưới đây, tôi lại khẳng định rằng việc giải thể hai hội đồng cố vấn kinh doanh là một cái may trong cái rủi của Charlottesville.

Do đấy chỉ là một đoạn của một cuộc phỏng vấn dài hơn và tôi đã không có cơ hội để làm rõ thêm, dưới đây là một vài trích đoạn từ một bài báo trên Harvard Business Review bởi Robert Litan và Ian Hathaway về mối liên hệ giữa các con số năng suất rỗng tuếch (chủ đề mà tôi đã viết tuần trước) và chủ nghĩa thân hữu.

Bài viết của Baumol dựng lên khả năng rằng năng suất của nước Mỹ thấp là vì những người đáng lẽ sẽ trở thành nghiệp chủ khởi tạo (entrepreneurs) đang tập trung vào loại công việc không phù hợp. Trong một bài nghiên cứu năm 1990 mang tên "Entrepreneurship: Productive, Unproductive, and Destructive" [Nghiệp chức khởi tạo: tính năng suất, phi năng suất, và hủy diệt], Baumol đã lập luận rằng mức ham muốn khởi tạo kinh doanh ở một quốc gia về cơ bản là cố định theo thời gian, và rằng thứ quyết định thành quả khởi tạo kinh doanh của một quốc gia là cấu trúc động cơ chi phối và định hướng các nỗ lực khởi tạo kinh doanh giữa các nỗ lực “năng suất” và “phi năng suất”. Hầu hết mọi người nghĩ khởi tạo kinh doanh là loại hình hoạt động “năng suất”, như Baumol đã đề cập tới, nơi mà ở các công ty, những người sáng lập sẽ cho ra và thương mại hóa thứ gì đó mới hoặc tốt hơn, qua đó làm lợi cho xã hội và chính bản thân họ. 

Một số lượng lớn các nghiên cứu lập luận rằng các nghiệp chủ khởi tạo theo trường phái “Schumpeter”, những người “phá hủy sáng tạo” cái cũ vì cái mới, là tối quan trọng để mang lại những đổi mới sáng tạo đột phá và sự gia tăng nhanh chóng của năng suất và mức sống. Tuy nhiên, Baumol đã không lạc quan cho lắm vì một thể loại nghiệp chủ khởi tạo hoàn toàn khác: những nghiệp chủ khởi tạo “phi năng suất”, lợi dụng các mối quan hệ đặc biệt với chính phủ để dựng nên các con hào luật lệ, gìn giữ chi tiêu công cho riêng lợi ích của mình, hoặc bẻ cong một số điều luật cụ thể theo ý của họ, kìm hãm sự cạnh tranh để tạo ra những lợi thế cho công ty mình. Các nhà kinh tế gọi đây là hành vi trục lợi (rent-seeking behavior).

Đó là lý thuyết.

Còn bằng chứng thì sao?

Obamacare có thể được coi là một ví dụ minh hoạ vì nó cơ bản là một món quà cho các công ty dược phẩm và các công ty bảo hiểm sức khỏe lớn. Nhưng các học giả nhìn vào vấn đề theo cách rộng hơn để thấy liệu có một vấn đề phổ quát cho cả nền kinh tế hay không. 

Liệu chúng ta có thấy sự tăng lên của giới nghiệp chủ khởi tạo phi năng suất như Baumol đã lập luận?... Nhà kinh tế học James Bessen của trường Đại học Boston đã cung cấp bằng chứng ủng hộ rằng hành vi trục lợi có xu hướng tăng.

Trong một bài báo năm 2016, Bessen cho thấy kể từ năm 2000, “các yếu tố chính trị” chiếm một vai trò đáng kể trong sự gia tăng của lợi nhuận doanh nghiệp. Điều này xảy ra thông qua sự tăng lên của các quy định có lợi cho các công ty hiện hữu. Tương tự, các nhà kinh tế Jeffrey Brown and Jiekun Huang của trường Đại học Illinois đã phát hiện rằng các công ty mà ở đó các giám đốc điều hành có các mối quan hệ mật thiết với những người hoạch định chính sách quan trọng có tỷ lệ sinh lời từ cổ phiếu cao bất thường. 

Thế này thì quá tệ.

Tôi không muốn các công ty làm ăn phát đạt nhờ vào sự kết thân của các CEO với các chính trị gia. Nếu các nghiệp chủ khởi tạo và tập đoàn đang làm ra tiền, tôi muốn điều đó xảy ra là vì họ cung cấp những loại hàng hóa và dịch vụ giá trị cho khách hàng. 

Năm ngoái tôi có viết về nghiên cứu của Bessen. Thật không thoải mái khi phải nghĩ rằng các công ty làm ra được nhiều tiền hơn từ các mối quan hệ chính trị thay vì từ nghiên cứu phát triển.

Vấn đề này rắc rối bởi hai nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, nó đồng nghĩa với tăng trưởng chậm hơn bởi sự can thiệp của chính phủ đang phá hủy sự phân bổ hiệu quả về vốn và lao động, điều mà nghiệp chủ khởi tạo năng suất có thể mang lại. 

Thứ hai, chủ nghĩa thân hữu làm xói mòn lòng tin một cách ghê gớm, bởi những người dân thường sẽ đánh đồng kinh doanh với chủ nghĩa tư bản, cho nên sự ủng hộ của họ dành cho chủ nghĩa tư bản sẽ giảm xuống khi họ thấy rằng các công ty đang dành được những sự ưu ái đặc biệt.

Tôi ước gì người dân hiểu được rằng doanh nghiệp lớn và kinh doanh tự do không phải là một. 

Dù thế, tôi hiểu rõ sự khinh miệt của họ đối với một số công ty lớn. Xem cái cách mà một số ít các công ty lớn sử dụng Ngân hàng xuất-nhập khẩu để giành được những khoản lợi nhuận bất chính đi. Còn cách mà các công ty nông nghiệp móc túi người tiêu dùng với vụ lừa đảo ethanol thì sao? Đừng quên rằng H&R Block đang cố tác động IRS (Sở Thuế vụ Liên bang) để đánh bật các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường.

Big Sugar cũng giành được một món hời bằng việc đầu tư vào các chính trị gia. Một ví dụ nữa là các công ty điện tử làm giàu cho mình nhờ tác động tới Washington để ra lệnh cấm bóng đèn sợi đốt. Chẳng cần phải nói, chúng ta không thể bỏ qua các chương trình năng lượng xanh tham nhũng của Obama, thứ đã vỗ béo ví tiền của các nhà tài trợ có quan hệ tốt. Rồi thì General Motors đã trở thành “Government Motors” bởi các chính trị gia bóc lột những thường dân Mỹ.

Chốt lại là đã đến lúc cứu lấy chủ nghĩa tư bản khỏi tay những kẻ trục lợi trong cộng đồng doanh nghiệp. 

*Daniel J. Mitchell là nhà kinh tế ở Washington, chuyên về chính sách tài khóa, cụ thể là cải cách thuế, cạnh tranh thuế quốc tế, và gánh nặng kinh tế của chi tiêu chính phủ. Ông còn làm việc trong ban biên tập của tờ Cayman Financial Review.

Nguồn: Daniel J. Mitchell, To Fight Cronyism, We Need a Separation of Business and State, FEE, 28/8/2017

 

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Phan Thị Mai Trang