Chủ nghĩa thân hữu: quan hệ độc hại giữa doanh nghiệp và chính phủ

Chủ nghĩa thân hữu: quan hệ độc hại giữa doanh nghiệp và chính phủ

Về bản chất, chủ nghĩa tư bản thân hữu không thể tương thích với thị trường tự do. Có thể định nghĩa "chủ nghĩa tư bản thân hữu" là môi trường trong đó doanh nghiệp lobby chính phủ nhằm chiếm lấy các đặc quyền ở các dạng khác nhau: độc quyền, trợ cấp, ưu đãi về thuế, ưu đãi về lãi suất cho vay, hay các quy định có lợi cho các doanh nghiệp đó về cạnh tranh nhưng lại ngăn các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.

Phái cấp tiến và phái bảo thủ thi thoảng sẽ phản đối chủ nghĩa tư bản thân hữu nhưng lại dựa trên cơ sở xem loại hình doanh nghiệp hay ngành nghề nào nên được chính phủ ưu đãi. Thông thường, Phái cấp tiến ủng hộ các hoạt động "xanh", còn phái bảo thủ ủng hộ các hoạt động mang tính chất quân sự. Cả hai bên đều tỏ ra ủng hộ các "nông hộ" dù thực tế viện trợ nông nghiệp sẽ chảy vào túi các chủ nông trang trại lớn. Còn những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarians), về nguyên tắc, luôn phản đối các ưu đãi của chính quyền.

Nguyên nhân và hệ quả của chủ nghĩa tư bản thân hữu

Chủ nghĩa tư bản thân hữu phổ biến ở cấp liên bang cũng như tiểu bang, lí do là bởi việc cấp phép kinh doanh ở mức tiểu bang hay liên bang gần như sẽ tạo ra chuyện độc quyền của các doanh nghiệp lớn, có thâm niên và lại khá khó và đắt đỏ cho các doanh nghiệp mới. Chính vì thế, chủ nghĩa thân hữu vừa bất công, vừa có hại. Thông qua việc thúc đẩy lợi nhuận của một số ngành hay một số công ty bất chấp thiệt hại đối với các ngành hay công ty khác, chính phủ đã vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng, qua đó gây tổn hại cho các cơ sở không được nhận ưu đãi tương đương. Và bởi chính phủ ưu đãi qua các chính sách công nên chính người nộp thuế cũng bị ảnh hưởng. Hoạt động ưu tiên như vậy khiến chi phí bị "xã hội hóa" trong khi lợi ích lại được "tư nhân hóa".

Chủ nghĩa tư bản thân hữu sinh ra tham nhũng trong cả doanh nghiệp và chính phủ, bởi vì để đổi lấy sự ưu ái của chính phủ thì các công ty phải chi tiền cho các chiến dịch tranh cử của các chính trị gia liên quan. Hơn nữa, hành vi này gây hại cho các công ty cạnh tranh tiềm năng và gián tiếp tiêu tốn hàng tỉ đô la của xã hội.

Nhìn chung, theo lời của Matthew Mitchell (tác giả cuốnThe pathology of Privilege - Bệnh lý của sự đặc quyền), thì chủ nghĩa thân hữu mang "sức mạnh hủy diệt phi thường". Doanh nghiệp lớn được xem là thủ phạm tồi tệ nhất trong vấn đề này, song một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ít nhất gần đây các doanh nghiệp lớn không có nhiều ảnh hưởng lớn lên chính phủ liên bang. Có thể chứng minh điểm này bằng con số so sánh: chi phí lobby chỉ chiếm 3 tỉ đô-la mỗi năm, trong khi chi phí quảng cáo lên đến 300 tỉ đô-la mỗi năm (Tylen Cowen, Big Business: a love letter, 170-171).

Nhưng việc các doanh nghiệp lớn chi bao nhiêu cho việc vận động hành lang không phải là thước đo hiệu quả để xem xét ảnh hưởng của các công ty đó về mặt chính sách. Có thể các doanh nghiệp đó chi tương đối ít cho việc vận động hành lang là bởi chỉ cần chi chừng đó để đạt mục đích. Ngay cả khi là vậy thì có thể hầu hết các công ty lớn không ảnh hưởng nhiều đến chính phủ bởi chúng ta đang sống trong một thời kỳ có nhiều biến chuyển nhanh chóng về công nghệ. Theo một báo cáo do các nhà phân tích của Credit Suisse tiến hành, "thâm niên của một công ty trong danh sách S&P 500 hiện đã giảm từ mức 60 năm xuống chỉ còn 20 năm ở mức hiện tại" (Technology killing off corporate America: Average life span of companies under 20 years - Công nghệ giết chết doanh nghiệp Mỹ: Tuổi thọ trung bình của các công ty dưới 20 năm).

Tuy nhiên, ở cấp tiểu bang và thành phố, các doanh nghiệp lâu năm dùng chính sách cấp phép lao động để đẩy các các doanh nghiệp mới ra rìa. Hiện có gần 33% người lao động có giấy phép, so với con số 5% vào những năm 1950, mà nhiều loại giấy phép trong số đó không liên quan gì đến sự an toàn cho người tiêu dùng (Trích báo cáo: License to Work: First Edition, Executive Summary).

Nói rõ hơn, không phải doanh nghiệp vận động hành lang nào cũng để tìm kiếm các đặc quyền. Một số công ty chỉ vận động nhằm ngăn chặn hay thay đổi các quy định bất công, có hại. Khái niệm "chủ nghĩa tư bản thân hữu" chỉ áp dụng cho nhóm thứ nhất. Cần nhắc lại, không phải doanh nghiệp nào tham gia vào chủ nghĩa tư bản thân hữu đều có lỗi ngang nhau.

Một số có thể còn không có lỗi. Hãy xem xét một doanh nghiệp đang tìm kiếm ưu đãi thuế hay trợ cấp trong một trạng thái phòng vệ chỉ bởi doanh nghiệp đó không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn hơn vốn đang nhận được ưu đãi thuế và trợ cấp.

Không một doanh nghiệp hay cá nhân nào có nghĩa vụ phải làm những thứ mang tính bắt buộc trong một hệ thống hay tình huống tham nhũng, nếu làm như vậy nghĩa là gây tổn hại hay thậm chí phá hủy chính nó. Trong trường hợp này, việc không tìm kiếm sự đối xử thuận lợi như đối thủ thì cũng như việc tuân thủ luật trong một trò chơi mà tất thảy đều gian lận. Tuy nhiên, một doanh nghiệp tìm kiếm ưu đãi thuế hoặc trợ cấp một cách phòng thủ sẽ ngừng nhận các khoản ưu đãi thuế hoặc trợ cấp khi không còn cần đến chúng nữa. Nếu không làm vậy thì doanh nghiệp đó cũng chả khác gì một danh sách dài các doanh nghiệp tìm kiếm sự ủng hộ chỉ để giành lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh. Không cần phải nói, một doanh nghiệp vốn đã phát triển mạnh thì cũng không cần đến ưu đãi thuế hay trợ cấp. Chính thế nên việc Amazon thành công trong việc cố kiếm trợ cấp thuế cho trụ sở chính thứ hai trở nên hết sức đáng khinh.

Một số người theo chủ nghĩa tự do cá nhân không cho rằng tìm kiếm ưu đãi thuế là "chủ nghĩa tư bản thân hữu", bởi vì họ cho rằng ngay từ đầu chính phủ không có quyền áp thuế lên doanh nghiệp. Phải nói rằng dù tuyên bố này về thuế có cơ sở hay không thì cách lập luận đó cũng đi hơi xa. Nếu việc kiếm ưu đãi thuế là chấp nhận được, thì việc kiếm trợ cấp cũng là chấp nhận được bởi về bản chất thì trợ cấp cũng lấy từ khoản thuế mà chính phủ ngay từ đầu không có quyền áp đặt lên doanh nghiệp. Tiếp tục trôi theo mạch lập luận đó, nếu việc kiếm ưu đãi thuế là chấp nhận được thì việc kiếm các khoản vay được bảo lãnh cũng như các khoản vay lãi suất thấp từ chính phủ cũng chấp nhận được, bởi các khoản đó cũng lấy từ khoản thuế mà nhà nước vốn không có quyền áp lên doanh nghiệp ngay từ đầu. Do đó, việc tìm ưu đãi thuế, trợ cấp hay các khoản vay đều không phải là chủ nghĩa thân hữu, một quan điểm mà những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tất nhiên sẽ bác bỏ.

Điều quan trọng cần lưu ý là một doanh nghiệp không nhận được sự trợ giúp của chính phủ (trong khi đối thủ được nhận trợ cấp) không phải khi nào cũng hoạt động kém hơn. Đôi khi điều ngược lại mới đúng. Ví dụ, J.J. Hill’s Great Northern Railroad là tuyến đường sắt xuyên lục địa duy nhất được xây dựng và vận hành mà không cần sự can thiệp nào của chính phủ, đồng thời cũng là dự án thành công nhất. Hai yếu tố này có sự liên quan mang tính hữu cơ. Bởi không nhận được trợ cấp nên Hill chỉ xây dựng đường ray của mình ở những nơi người dân sử dụng đường ray, còn các đối thủ nhận trợ cấp thì cứ vậy xây đại trà, bởi Quốc hội trả tiền theo dặm (Folsom, Myth of the Robber Barons  - Huyền thoại về những tên cướp). Bởi sự thịnh vượng của Hill và các khách hàng nông dân của ông gắn bó mật thiết với nhau, Hill có động lực để dạy cho họ về những công nghệ và phương thức nông nghiệp mới nhất. Trong lúc hầu hết các tuyến đường sắt được trợ cấp phá sản trong cơn hoảng loạn năm 1873 thì tuyến đường sắt Great Northen của Hill không chỉ tồn tại mà còn là tuyến đường "được xây dựng tốt nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất trong tất cả các tuyến đường sắt trên thế giới", ngay cả khi mức giá mà Hill đưa ra giảm xuống lúc hiệu suất tăng lên (Trích lời của tác giả Michael P.Malone trong Railroads, Robber Barons, and Unbridled Capitalism).

Tương tự, công việc kinh doanh tàu hơi nước của Commodore Vanderbilt phát triển mạnh mẽ mà không cần sự trợ giúp nào của chính phủ, trong khi các đối thủ được vỗ béo nhờ trợ cấp thì lại trở nên ì ạch dưới sức nặng của sự kém cỏi và lãng phí tài nguyên (Folsom, Myth of the Robber Barons). Vào những năm 1830, Vanderbilt đã thiết lập các tuyến đường trên khắp vùng Đông Bắc, cung cấp dịch vụ rẻ hơn và nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh của mình. Bất kỳ khi nào mở thêm tuyến đường mới thì ông đều đưa ra chính sách giảm giá vĩnh viễn, nhờ đó đánh bại Robert Fulton, người được cơ quan lập pháp của bang New York cho phép độc quyền trong ba mươi năm. Để cạnh tranh với những đối thủ đang được trợ cấp thì Vanderbilt không có gì ngoài trí thông minh, do đó ông đã nghĩ ra nhiều cách để giảm chi phí và thu hút hành khách, qua đó khiến sản phẩm tàu hơi nước của mình trở nên hấp dẫn nhất trên thị trường. Ông cũng cạnh tranh với một loại tàu hơi nước xuyên Đại Tây Dương do Edward Collins điều hành - ông này nhận được những khoản trợ cấp rồi chi cho các tàu hơi nước xa hoa nhưng kém hiệu quả về kinh tế (trang 6-8). Vandelbilt tuyên bố rằng sự thịnh vượng của ông là "kết quả trực tiếp của tự do thương mại và cạnh tranh không giới hạn", và ông mong muốn những người kinh doanh kế tiếp cũng sẽ được hưởng sự tự do rộng mở này (trang 7-9).

Vậy ai là người có lỗi?

Rõ ràng là chủ nghĩa thân hữu vừa có hại, vừa bất công. Vậy ai phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này? Nhân tố nào là động lực chính: doanh nghiệp vận động để giành lấy trợ cấp, thuế, các khoản vay lãi suất thấp, các quy định ngăn cản cạnh tranh, hay người có lỗi là chính phủ - bên đưa ra các ưu đãi đó? Một hàng dài các nhà kinh tế học, từ Adam Smith thế kỷ 18 đến Milton Friedman thế kỷ 20, đã chỉ trích việc các doanh nghiệp tìm kiếm ưu đãi như trên. Ngày nay, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và những người bảo vệ thị trường tự do có xu hướng đổ lỗi cho chính phủ, trong khi nhánh cấp tiến lại có xu hướng đổ lỗi cho doanh nghiệp.

Một lý do khiến những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đổ lỗi cho chính phủ là bởi chính phủ vi phạm nguyên tắc công bằng khi chơi trò thiên vị. Chắc hẳn là vậy, song chả phải doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ đạo đức phải cạnh tranh công bằng trên thị trường thay vì tìm kiếm sự đối xử đặc quyền hay sao? Một số người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng nghĩa vụ duy nhất của doanh nghiệp là tối đa hóa giá trị của cổ đông mà không lừa dối hay gian lận. Nhưng tránh lừa dối hoặc gian lận là chưa đủ. Như Milton Friedman đã chỉ ra, một doanh nghiệp phải tăng lợi nhuận của mình trong "các quy tắc của trò chơi", và các quy tắc không chỉ ngăn chặn sự lừa dối và gian lận mà còn yêu cầu "cạnh tranh cởi mở và tự do". Về bản chất, Chủ nghĩa tư bản thân hữu là phản đề của sự cạnh tranh cởi mở và tự do.

Lập luận thứ hai mà những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân đưa ra để chứng minh việc chính phủ phải chịu trách nhiệm về chủ nghĩa thân hữu đó là nếu chính phủ không nắm giữ quyền lực can thiệp vào nền kinh tế thì doanh nghiệp cũng chẳng thể vận động hành lang được. Vậy thì gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ chính phủ đã ngạo mạn sử dụng quyền lực của mình để can thiệp vào nền kinh tế.

Lời phàn nàn này cũng đúng. Nhưng liệu có phải chính phủ tự có được quyền lực này, chứ không phải được khích lệ một phần từ phía doanh nghiệp? Điều này có vẻ đáng ngờ, đó là bởi vì cả các nhân viên chính phủ và các doanh nhân đều cùng muốn tăng cường sức mạnh can thiệp của chính phủ. Mỗi bên đều muốn gì đó từ bên còn lại và sẵn sàng đánh đổi những ưu ái để có được nó.

Lý do thứ ba khiến những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân coi chính phủ là thủ phạm chính trong vấn đề này là bởi chính quyền mới là tác nhân duy nhất có quyền hạn thay đổi những điều luật cho phép chính phủ can thiệp vào nền kinh tế. Đây là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những người muốn thay đổi luật không thể thành nhân viên chính phủ nếu như không có sự ủng hộ của các cử tri. Thật không may, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân dường như là nhóm duy nhất ủng hộ những cá nhân có tư tưởng cải cách như vậy. Có quá nhiều doanh nghiệp ủng hộ các chính trị gia thông qua các quy định bảo vệ họ khỏi cạnh tranh và quá nhiều cử tri phi doanh nghiệp nghĩ rằng tất cả các quy định đều nhằm bảo vệ khách hàng khỏi bị tổn hại hoặc để phục vụ công bằng xã hội. Dường như triết lý dẫn đường của cử tri là "cẩn phải thực thi nghiêm chỉnh các quy định này, bởi đó là lý do tồn tại của chính phủ trong xã hội"; nếu không có các quy định như vậy thì chúng ta chỉ như những đứa trẻ bơ vơ trong bàn tay của các con buôn cơ hội. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân và những người bảo vệ thị trường tự do khác đều biết rằng hầu hết các quy định của liên bang đều mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn trên cái giá phải trả của doanh nghiệp nhỏ, và việc cấp phép ở cấp tiểu bang hay liên bang thường bảo vệ những doanh nghiệp lâu năm hơn là các doanh nghiệp mới. Đáng buồn thay, ngay cả những quy định và yêu cầu cấp phép rõ ràng là vô lý nhất cũng được nhiều cử tri hoan nghênh với vòng tay rộng mở.

Hãy xem xét các quy định của liên bang về bánh anh đào đông lạnh. FDA yêu cầu tất cả những chiếc bánh nướng như vậy phải chứa ít nhất 25% quả anh đào tính theo trọng lượng, trong đó không quá 15% không được có tì vết. Thậm chí FDA còn quy định cụ thể hơn định nghĩa tính "đông lạnh" hay "không bị tì vết" dựa trên lượng vỏ bánh. May thay, gần đây, FDA gần đây đã thông báo rằng họ sẽ bãi bỏ quy định này ("FDA ngừng quy định số lượng quả anh đào trong bánh anh đào đông lạnh”).

Nhưng khi tôi đăng thông báo này trên Facebook, một số bạn bè của tôi tỏ ra lo lắng, cứ như thể nếu không có những quy định này thì những người cuồng bánh anh đào đông lạnh sẽ buộc phải ăn bột mì nguyên chất thay vì ăn bánh anh đào vậy. Tuy nhiên, chả ai tỏ ra lo lắng về chuyện bánh việt quất và các loại bánh hoa quả khác không bị kiểm soát tương tự.

Có vẻ trong vấn đề này không có thủ phạm chính nào. Chính phủ, doanh nghiệp, bên cấp tiến hay bên bảo thủ đều đáng trách như nhau. Chính phủ có lỗi nhiều hơn khi chủ động cung cấp các khoản trợ cấp, ưu đãi thuế hay các khoản vay cho doanh nghiệp hay ngành nghề nào đó, chẳng hạn trong trường hợp của ngành công nghiệp ô tô điện. Nếu một doanh nghiệp hay ngành nghề nào đó chủ động vận động hành lang để được ưu đãi thì doanh nghiệp/ ngành nghề đó có lỗi nhiều hơn. Bên bảo thủ có lỗi nhiều hơn khi thúc đẩy trợ cấp cho các nhà sản xuất thiết bị quân sự, còn bên cấp tiến có lỗi nhiều hơn khi đòi hỏi các doanh nghiệp phải chịu nhiều quy định hơn.

Phương thức để đạt được thị trường mở, cạnh tranh

Vậy có cách nào thoát khỏi vấn đề này? Hai tác giả Michael Munger và Mario Villarreal‐Diaz (tác giả cuốn sách The Road to Crony Capitalism [Con đường dẫn đến chủ nghĩa tư bản thân hữu] thì tỏ ra bi quan. Hai tác giả cho rằng các doanh nhân thường hành động theo lý tính, mà chuyện để tiền không sinh thêm lợi nhuận thì lại phi lý tính (trang 341). Chuyện chính trị gia tìm kiếm phiếu bầu cũng tương tự. Tuy nhiên xác định xem chuyện gì có lý tính  hay phi lý tính thì phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Nếu mục tiêu của một cá nhân là phải kiếm tiền dù bằng phương thức nào đi nữa - thì cách hành xử hợp lý chính là cách doanh nhân và chính trị gia phải tiếp tục trò tư bản thân hữu, như ý mà Munger và Villarreal‐Diaz đã chỉ ra.

Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, đã và đang có những doanh nhân (chẳng hạn như John Mackey, người sáng lập Wholefoods, hay John Allison, cựu giám đốc điều hành BB&T) với mục tiêu chỉ kiếm tiền trong một môi trường công bằng, cạnh tranh. Và cũng có những chính trị gia có mục tiêu đối xử với mọi người một cách bình đẳng (chẳng hạn như Justin Amash). Đối với tất cả những người thuộc nhóm này, chủ nghĩa thân hữu là phi lý tính.

Nhưng hầu hết các chính trị gia và doanh nhân nhìn nhận thế nào về chủ nghĩa thân hữu? Cho đến nay theo tôi được biết thì chưa có nghiên cứu nào về quan điểm của các chính trị gia về vấn đề này. Nhưng Matthew Mitchell và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu quan trọng về niềm tin của các doanh nhân về chủ nghĩa thân hữu (A Culture of Favoritism: Corporate Privilege and Beliefs About Markets and Government [Văn hóa của Chủ nghĩa Thiên vị: Đặc quyền Doanh nghiệp và Niềm tin về thị trường và chính phủ]). Trong một cuộc khảo sát với 500 lãnh đạo kinh doanh của các công ty lớn, 61% báo cáo rằng công ty của họ được hưởng lời từ ít nhất một hình thức thiên vị nào đó, thường qua hình thức ưu đãi thuế (trang 6).

Song có đến 70% các nhà lãnh đạo cũng cho rằng chính phủ không nên ưu đãi các công ty hay ngành nào cụ thể (trang 37). Tuy nhiên, phản hồi này thấp hơn nhiều ở những người nghĩ rằng công ty của họ đang được ưu ái (61,1%) so với những người nghĩ rằng công ty của họ không được ưu ái (83,8%) (trang 36-38). Các lãnh đạo doanh nghiệp nhận được các khoản trợ cấp lớn nhất của chính phủ có nhiều khả năng tin rằng họ đang làm điều đúng đắn cho doanh nghiệp và xã hội bằng cách nhận các ưu đãi đó. Thật khó để xác định niềm tin đó là nguyên nhân hay hệ quả của chủ nghĩa thân hữu, hay là cả hai. May mắn thay, trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và người dân nói chung, 76% phản đối chủ nghĩa thiên vị ("Fifty Years of Rent‐​Seeking: A Q&A with Matthew Mitchell" [Năm mươi năm trục lợi: phỏng vấn Matthew Mitchell], trên tờ the Bridge, ngày 24 tháng 7 năm 2019).

Vì vậy, nhiệm vụ thay đổi tư duy của những người cho rằng thiên vị là tốt cho kinh tế, xã hội, tuy khó nhưng không phải là không thể. Một lý do khác để hy vọng là ít nhất hai học giả cánh tả nổi tiếng đã nhận ra rằng quy định thường giúp ích cho các doanh nghiệp lớn trên cái giá phải trả của doanh nghiệp nhỏ. Nhà sử học cánh tả, Gabriel Kolko, viết về sự thất bại của đảng cấp tiến khi thấy rằng quy định liên bang về nền kinh tế mà họ đang thúc đẩy thực ra đang mang lại lợi ích cho doanh nghiệp lớn. (The Triumph of Conservatism, A Reinterpretation of American History, 1900–1916  [Chiến thắng của Chủ nghĩa Bảo thủ, Diễn giải lại Lịch sử Hoa Kỳ, 1900–1916]). Năm 1973, Ralph Nader, nhà hoạt động, luật sư ủng hộ vai trò chính phủ, đồng tác giả một bài báo với Mark Green, trong đó lập luận rằng cách thức điều tiết của chính phủ đối với nền kinh tế rút cục mang lại lợi ích cho các công ty lớn bất chấp lợi ích của các công ty nhỏ, làm suy yếu cạnh tranh và tạo ra các ngành độc quyền ("Economic Regulation vs. Competition: Uncle Sam the Monopoly Man" [Quy định điều tiết kinh tế vs. cạnh tranh: Chú Sam1 độc quyền”). Điều này dẫn đến việc giải điều tiết (một phần]) một số ngành công nghiệp lớn, bao gồm cả các hoạt động hàng không. Liệu chuyện này có thể xảy ra lần nữa không?

Đối với việc cấp phép lao động, hiện chiếm khoảng 33% công nhân Mỹ, chúng ta có thể hy vọng từ thực tế là vào những năm 1950, việc cấp phép lao động chỉ nằm ở mức 5%. Những nỗ lực của Viện Tư pháp đã dẫn đến cải cách ở một số bang. Không lẽ việc giảm cấp phép lao động là không khả thi?

Nhìn chung, không bao giờ có thể tách biệt được hoàn toàn nhà nước và nền kinh tế ngay cả khi ta có một nhà nước tối thiểu, bời nhà nước phải dựa vào tư nhân để thực hiện chức năng tối thiểu của nó: bảo vệ người dân khỏi tội phạm và kẻ thù ngoại quốc. Như vậy về bản chất thì chính những doanh nghiệp tư nhân là những bên phải xây đường, nhà cửa, xe quân sự và vũ khí mà nhà nước cần để thực hiện chức năng cơ bản của mình. Thế nên mầm mống của chủ nghĩa thân hữu vẫn luôn tiềm tàng, đòi hỏi ta luôn cảnh giác.

Chú thích:

(1) Chú Sam (Uncle Sam) ý chỉ nước Mỹ

Nguồn: Neera K. Badhwar, Cronyism: A Toxic Friendship Between Business And Government, Libertarianism.org

Dịch giả:
Phan Thị Mai Trang
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh