[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chủ nghĩa tự do và các chính đảng (Phần 4)

[Chủ nghĩa tự do truyền thống] - Chủ nghĩa tự do và các chính đảng (Phần 4)

Đây là phần trích đăng từ chương "LIBERALISM AND THE POLITICAL PARTIES" trong cuốn sách "Chủ nghĩa tự do truyền thống", tác phẩm kinh điển, có tính chất đặt nền móng cho chủ nghĩa tự do cá nhân của Ludwig von Mises, xuất bản lần đầu năm 1929. Nhan đề bài viết do TTTD Academy đặt.

- Thị trường Tự do Academy

5. Công tác tuyên truyền của đảng và tổ chức đảng

Khi các ý tưởng tự do được truyền bá từ quê hương họ, tức là Tây Âu, sang Trung và Đông Âu thì các thế lực truyền thống - chế độ quân chủ, giới quý tộc và tăng lữ - dựa vào những phương tiện đàn áp mà họ nắm trong tay cảm thấy hoàn toàn yên tâm.

Họ thấy không cần phải dùng vũ khí trí tuệ để chiến đấu với chủ nghĩa tự do và tư tưởng của thời Khai sáng. Họ cho rằng đàn áp, ngược đãi và bỏ tù những người bất đồng còn có ích hơn. Họ ca ngợi bộ máy trấn áp và bạo lực của quân đội và cảnh sát. Mãi sau này họ mới kinh hoàng nhận ra rằng hệ tư tưởng mới đã chinh phục được tâm trí của các quan chức và binh lính, và bằng cách đó đã tước được vũ khí của họ. Sự thất bại của chế độ cũ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa tự do đã dạy cho những người ủng hộ nó một sự thật đơn giản là không có gì mạnh hơn tư tưởng và các nhà tư tưởng, và chỉ có dùng tư tưởng mới chống lại được tư tưởng. Họ nhận thức được rằng tin vào vũ lực là ngu, vì chỉ có thể sử dụng được người cầm súng nếu họ sẵn sàng tuân thủ, và cuối cùng thì tư tưởng chính là nền tảng của mọi chính quyền và khả năng chi phối của nó.

Công nhận chân lí xã hội đó là một trong những niềm tin chủ yếu làm nền tảng cho lí thuyết chính trị của chủ nghĩa tự do. Từ đó chủ nghĩa tự do rút ra kết luận rằng về lâu dài chân lí và công bằng sẽ phải chiến thắng, vì thắng lợi của nó trong lĩnh vực tư tưởng là sự thực không thể nghi ngờ. Ai giành được chiến thắng trong lĩnh vực này cuối cùng cũng sẽ giành được chiến thắng trong lĩnh vực công việc cụ thể, vì không có lực lượng khủng bố nào có thể đè bẹp được nó. Vì vậy ta không phải lo lắng cho sự lan truyền của chủ nghĩa tự do. Dù có xảy ra chuyện gì thì nó vẫn sẽ chiến thắng.

Có thể hiểu được những người chống đối chủ nghĩa tự do ngay cả trên khía cạnh này nếu ra lưu ý rằng họ chẳng làm gì cả ngoài chuyện đảo ngược những điều mà chủ nghĩa tự do dạy; nghĩa là, tư tưởng của họ là thứ dựa trên sự bác bỏ và phản ứng lại những tư tưởng của chủ nghĩa tự do. Họ không thể đưa ra được học thuyết toàn diện và nhất quán về kinh tế và xã hội có thể đối chọi được với hệ tư tưởng của chủ nghĩa tự do, vì chủ nghĩa tự do là kết luận khả dĩ duy nhất có thể được rút ra từ một học thuyết toàn diện và nhất quán. Còn cái cương lĩnh hứa hẹn mang lại điều gì đó cho một nhóm người hay một vài nhóm người, không có hi vọng được toàn dân ủng hộ, và sẽ thất bại về chính trị ngay từ đầu. Như vậy nghĩa là các đảng đó sẽ phải tạo dựng một cơ chế nào đó để trói buộc những nhóm người mà đảng nhắm tới nằm hoàn toàn trong tầm kiểm soát của đảng và giữ mãi họ trong tình trạng như thế. Họ phải làm mọi cách để chủ nghĩa tự do không tìm được người ủng hộ trong những giai cấp mà họ lệ thuộc.

Để đạt được mục đích đó, các đảng được tổ chức theo kiểu giữ chặt từng cá nhân sao cho họ không dám nghĩ đến việc bỏ đảng. Ở Đức và Áo, hệ thống kiểu này đã phát triển đến độ tinh xảo, và ở các nước Đông Âu các hệ thống này được sao chép lại, khiến cho từng cá nhân biến thành đảng viên thay vì là người công dân bình thường. Ngay từ lúc còn bé người ta đã được đảng chăm sóc. Hoạt động thể dục thể thao và hoạt động xã hội được tổ chức theo đường lối của đảng. Từ hệ thống hợp tác xã, nông dân phải thông qua đó mới nhận được tiền trợ cấp và tài trợ; đến những định chế giúp các chuyên gia thăng tiến và thị trường lao động cũng như hệ thống quỹ tiết kiệm - tất cả đều được quản lí theo đường lối của đảng. Muốn được tôn trọng, đấy là nói trong tất cả những vấn đề mà chính quyền có thể được tự do hành động, cá nhân buộc phải dựa vào sự ủng hộ của đảng. Trong những hoàn cảnh như thế, sao nhãng công việc của đảng sẽ làm người ta nghi ngờ, còn ra khỏi đảng thì có nghĩa là sẽ gặp những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, nếu không nói là sẽ bị phá sản về mặt kinh tế và tẩy chay về mặt xã hội.

Các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi có cách xử lí đặc biệt đối với những người có tay nghề cao. Những nghề tự do như luật sư, bác sĩ, nhà văn, nghệ sĩ không có đủ người để thành lập những đảng riêng nhằm bảo vệ quyền lợi của chính họ. Vì vậy họ ít chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng đặc quyền đặc lợi giai cấp. Những người làm nghề tự do chính là những người ủng hộ chủ nghĩa tự do một cách ngoan cường và lâu dài nhất. Cuộc chiến đấu không khoan nhượng và nhẫn tâm nhằm đòi cho bằng được những quyền lợi đặc biệt của các đảng phái sẽ chẳng mang lại cho họ điều gì. Đấy là điều mà các đảng hoạt động như các nhóm gây áp lực coi là điều cực kì đáng lo. Họ thể chấp nhận việc giới tri thức tiếp tục gắn bó với chủ nghĩa tự do. Họ sợ rằng nếu các tư tưởng tự do, được một vài người trí thức tái phát triển và giải thích một cách cặn kẽ, sẽ đủ sức làm cho đội ngũ đảng viên của họ siêu lòng và ủng hộ thì hàng ngũ của họ sẽ thưa thớt dần. Họ vẫn còn nhớ những tư tưởng như thế đã gây ra những mối nguy hiểm như thế nào đối với chế độ đặc quyền đặc lợi của xã hội đẳng cấp. Vì vậy các đảng đấu tranh đòi đặc quyền đặc lợi đã tự tổ chức một cách có hệ thống nhằm buộc những người làm nghề tự do phải phụ thuộc vào họ. Chuyện đó đã xảy ra ngay sau khi các đảng này đưa giới trí thức vào nắm quyền trong bộ máy của đảng. Các bác sĩ, luật sư, nhà văn, nghệ sĩ phải tham gia vào các tổ chức của bệnh nhân, khách hàng, độc giả và người bảo trợ cho mình, và phụ thuộc vào các tổ chức như thế. Những người lừng khừng hay đấu tranh chống lại đều bị tẩy chay và buộc phải làm theo.

Việc khuất phục những người làm nghề tự do còn được tiếp tục bằng thủ tục bổ nhiệm vị trí giảng dạy và chức vụ trong bộ máy nhà nước. Ở những nơi mà hệ thống đảng đã phát triển một cách đầy đủ thì chỉ có các đảng viên đại diện cho đảng cầm quyền hoặc theo thỏa thuận (dù là thỏa thuận ngầm) của tất cả các đảng đấu tranh giành đặc quyền mới được bổ nhiệm vào các chức vụ như thế. Và cuối cùng, ngay cả báo chí độc lập cũng bị các đảng phái kiểm soát bằng các biện pháp đe dọa tẩy chay.

Đòn cuối cùng trong việc tổ chức các đảng này chính là thành lập các đơn vị vũ trang của chính họ. Tổ chức theo lối nhà binh, bắt chước mô hình của quân đội quốc gia, các đơn vị này soạn thảo kế hoạch hành động và chuyển quân, họ có vũ khí và sẵn sàng tấn công. Họ mang cờ quạt và kèn đồng diễu binh qua các đường phố, đấy chính là lời cảnh báo với thế giới rằng thời đại của những cuộc vận động và chiến tranh bất tận đang tới gần.

Cho đến lúc này, có hai hoàn cảnh có thể làm dịu bớt nguy cơ xuất hiện tình hình như vừa nói. Thứ nhất, đã có sự cân bằng quyền lực giữa các đảng phái trong các cường quốc quan trọng nhất. Còn ở những nơi không có sự cân bằng như thế, ví dụ như ở Nga và Ý, quyền lực của nhà nước, bất chấp ngay cả một số nguyên tắc còn sót lại của chủ nghĩa tự do, đã được sử dụng để đàn áp và khủng bố những người ủng hộ các đảng đối lập.

Hoàn cảnh thứ hai giúp cho điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra là ngay cả các dân tộc căm ghét chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản đến tận xương tủy vẫn phải ngóng trông vào đầu tư từ những nước vốn là ví dụ điển hình của tinh thần tự do và tư bản chủ nghĩa - mà trên hết là nước Mĩ. Không có nguồn tín dụng từ những nước này thì người ta sẽ thấy ngay hậu quả của chính sách ăn vào vốn. Chủ nghĩa bài tư bản chỉ có thể tồn tại bằng cách bám vào chủ nghĩa tư bản. Vì vậy mà nó phải tính đến dư luận xã hội ở phương Tây, nơi chủ nghĩa tự do vẫn còn được mọi người công nhận, dù về mặt hình thức thì đã phai nhạt nhiều. Đối diện với thực tế là các nhà tư sản chỉ muốn cho những người có khả năng trả nợ trong tương lai vay, nên những đảng phá hoại vẫn phải biết điều với "ảnh hưởng mang tính toàn cầu của chủ nghĩa tư bản" vốn dĩ là thứ bị họ la ó phản đối.

6. Chủ nghĩa tự do như là "đảng tư bản"

Như vậy, dễ nhận thấy là, nếu không phủ nhận bản chất của chủ nghĩa tự do thì không thể đặt nó ngang hàng với các đảng đấu tranh giành đặc quyền đặc lợi. Nó hoàn toàn khác biệt với các đảng kia. Các đảng đó chiến đấu và ca ngợi bạo lực, còn chủ nghĩa tự do thì ngược lại, chỉ muốn hòa bình và cạnh tranh về tư tưởng. Vì lí do đó mà tất cả các đảng, dù có chia rẽ với nhau đến đâu, đã lập ra mặt trận thống nhất nhằm chống lại chủ nghĩa tự do.

Kẻ thù của chủ nghĩa tự do vu cho chủ nghĩa tự do là đảng đấu tranh vì lợi ích của giai cấp tư sản. Đấy là đặc trưng của phương pháp tư duy của họ. Đơn giản là vì họ chỉ có thể coi hệ tư tưởng chính trị là hình thức bảo vệ cho đặc quyền đặc lợi của một số người nào đó, bất chấp sự thịnh vượng chung của toàn xã hội.

Không nên coi chủ nghĩa tự do là đảng đấu tranh cho những lợi ích đặc biệt, cho đặc quyền đặc lợi vì quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất không phải là đặc quyền chỉ có lợi cho những nhà tư sản mà là thể chế có ích cho toàn xã hội, và như thế cũng có nghĩa là có ích cho từng người. Đấy không chỉ là ý kiến của những người theo phái tự do; ở một mức độ nào đó, ngay những người đối lập với họ cũng nghĩ như thế. Khi những người marxist bảo vệ quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội chưa thể trở thành hiện thực khi thế giới chưa "chín muồi", vì một hệ thống xã hội sẽ không bao giờ biến mất "trước khi tất cả các lực lượng sản xuất có thể có trong xã hội cũ phát triển hết cái không gian mà hệ thống này dành cho chúng", thì họ cũng thừa nhận, ít nhất là tại thời điểm hiện nay, sự cần thiết của thể chế sở hữu tư nhân đối với xã hội. Ngay cả những người Bolshevik, những người mà mới gần đây còn tuyên truyền cách hiểu của họ về chủ nghĩa Marx (dường như thế giới đã chín muồi rồi) bằng bom đạn, giáo gươm và giá treo cổ, thì nay cũng buộc phải thú nhận rằng họ đã quá vội vàng. Thế mà nếu chủ nghĩa tư bản và "thượng tầng kiến trúc" pháp lí của nó, tức sở hữu tư nhân, là điều kiện không thể bỏ qua được thì liệu người ta có thể nói rằng hệ tư tưởng coi sở hữu tư nhân là nền tảng của xã hội là hệ tư tưởng chỉ ủng hộ cho lợi ích ích kỉ của giai cấp tư sản nhằm chống lại lại lợi ích của toàn thể xã hội được không?

Cho rằng sở hữu tư nhân là không thể thiếu được, dù là tạm thời hay vĩnh viễn, nhưng các hệ tư tưởng bài chủ nghĩa tự do lại tin rằng sở hữu tư nhân phải bị các sắc lệnh hoặc những hành động can thiệp của nhà nước điều tiết và hạn chế. Cái họ đề xuất không phải là chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản mà là chủ nghĩa can thiệp. Nhưng kinh tế học đã chứng minh rằng chủ nghĩa can thiệp là hành động tự sát. Nó không đạt được mục đích mà những người ủng hộ nó đặt ra. Nghĩa là sẽ là sai lầm khi cho rằng bên cạnh chủ nghĩa xã hội (tài sản công) và chủ nghĩa tư bản (tài sản tư) còn có thể có cách tổ chức hợp tác xã hội hữu hiệu thứ ba, mà cụ thể là chủ nghĩa can thiệp. Những cố gắng nhằm đưa chủ nghĩa can thiệp vào thực tiễn chắc chắn sẽ dẫn tới những điều kiện trái ngược với dự định của các tác giả của nó. Lúc đó họ sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn: hoặc là từ bỏ mọi hành động can thiệp, và bằng cách đó để mặc cho sở hữu tư nhân tự hoạt động, hoặc là thay sở hữu tư nhân bằng chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ những nhà kinh tế học theo trường phái tự do mới ủng hộ luận điểm này (Dĩ nhiên là tư tưởng thịnh hành cho rằng các nhà kinh tế học chia rẽ theo đảng phái là tư tưởng hoàn toàn sai lầm). Chính Marx, trong tất cả những tranh luận về lí thuyết của mình cũng chỉ thấy có hai lựa chọn: chủ nghĩa xã hội hay là chủ nghĩa tư bản. Ông thường chế nhạo và coi khinh những nhà cải cách - những người bị "tư tưởng tiểu tư sản" cầm tù - bác bỏ chủ nghĩa xã hội, đồng thời lại muốn tái cấu trúc chủ nghĩa tư bản. Kinh tế học thậm chí không bao giờ có ý định chứng minh rằng hệ thống sở hữu tư nhân được nhà nước điều tiết và cản trở là hệ thống khả thi. Khi những "người xã hội chủ nghĩa salon" muốn chứng minh điều đó bằng mọi giá, họ liền bắt đầu bằng cách phủ nhận kiến thức khoa học trong lĩnh vực kinh tế, và cuối cùng họ đã tuyên bố rằng nhà nước làm gì cũng đều có lí. Vì khoa học đã chứng minh được sự phi lí của chính sách do họ đề suất, họ liền tìm cách bác bỏ cả logic lẫn khoa học.

Việc chứng minh tính khả thi của chủ nghĩa xã hội cũng ở trong tình trạng tương tự. Những người cầm bút trước Marx đã cố gắng tìm cách chứng minh, nhưng vô ích. Họ không thể làm được, cũng như họ không thể bác bỏ được những phản bác đầy trọng lượng, dựa trên những phát hiện của khoa học, về tính khả thi của thế giới không tưởng của họ. Tưởng như đến giữa thế kỉ XIX tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã hoàn toàn bị mất giá rồi. Nhưng Marx đã xuất hiện. Chắc chắn là Marx đã không chứng minh - điều không thể chứng minh được - rằng chủ nghĩa xã hội là khả thi, ông chủ làm một việc đơn giản là tuyên bố rằng việc xuất hiện chủ nghĩa xã hội là tất yếu. Từ khẳng định tùy tiện đó và từ tiền đề - mà ông tưởng là hiển nhiên - cho rằng tất cả những gì xảy ra trong giai đoạn sau của lịch sử loài người đều tiến bộ hơn giai đoạn trước, Marx rút ra kết luận rằng chủ nghĩa xã hội sẽ hoàn hảo hơn chủ nghĩa tư bản, và vì vậy đương nhiên không thể nghi ngờ tính khả thi của nó. Vì vậy việc bận tâm về tính khả thi của chủ nghĩa xã hội, thậm chí nghiên cứu các vấn đề của chế độ xã hội đó là thái độ thiếu khoa học. Tất cả những người muốn làm việc đó đều bị những người xã hội chủ nghĩa tẩy chay và bị dư luận xã hội, do những người xã hội chủ nghĩa kiểm soát, rút phép thông công. Mặc dù có những khó khăn như thế, nhưng kinh tế học đã tạo dựng mô hình lí thuyết về hệ thống xã hội chủ nghĩa, và chứng minh một cách rõ ràng rằng tất cả các kiểu chủ nghĩa xã hội đều bất khả thi vì tính toán kinh tế là điều bất khả trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội không dám trả lời vấn đề này, tất cả những điều họ đưa ra đều vô giá trị và chẳng có ý nghĩa gì. Điều đã được khoa học chứng minh về mặt lí thuyết lại được những thất bại của những cuộc thí nghiệm của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa can thiệp khẳng định trên thực tế.

Vì vậy mà lời khẳng định, như nhiều người thường nói, rằng bảo vệ chủ nghĩa tư bản là công việc của bọn tư sản và doanh nhân; lợi ích của họ mâu thuẫn với lợi ích của các nhóm khác nhưng lại được hệ thống tư bản chủ nghĩa khuyến khích, chỉ là những lời tuyên truyền lòe bịp, nhắm vào sự nhẹ dạ của quần chúng. Người "giàu" cũng không có nhiều lí do ủng hộ thể chế sở hữu tư nhân hơn người "nghèo". Nếu quyền lợi đặc biệt, trực tiếp của họ bị đe dọa thì họ khó mà là người theo phái tự do được. Quan niệm cho rằng bảo vệ chủ nghĩa tư bản chỉ có lợi cho các giai cấp hữu sản vì họ có thể giữ mãi tài sản của mình là do người ta đã không hiểu được bản chất của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, nơi mà sở hữu liên tục được chuyển từ tay người kém năng lực sang tay người có nhiều năng lực hơn. Trong xã hội tư bản, chỉ có thể giữ được tài sản của mình nếu ta thường xuyên giành lại được nó qua những vụ đầu tư thông minh. Người giàu, tức là người đã có tài sản, chẳng có lí do đặc biệt nào để muốn giữ mãi hệ thống cạnh tranh tự do mở rộng cửa cho tất cả mọi người, đặc biệt nếu đấy là tài sản thừa kế chứ không phải tự họ làm ra thì họ sẽ lo sợ và chẳng ham hố cạnh tranh. Ngược lại, họ rất muốn chủ nghĩa can thiệp vì bao giờ nó cũng có xu hướng bảo tồn sự phân chia tài sản giữa những người đang nắm giữ số tài sản đó. Nhưng họ cũng không hi vọng được chủ nghĩa tự do ưu ái, trong hệ thống này người ta không quan tâm tới những yêu sách đã thuộc về quá khứ nhằm bảo vệ lợi ích cho những khối tài sản đã định hình.

Nghiệp chủ chỉ có thể phát đạt khi ông ta cung cấp cho người tiêu dùng những thứ họ cần. Khi thế giới hừng hực chuẩn bị chiến tranh, người theo phái tự do tìm cách giải thích cho mọi người lợi ích của hòa bình, còn nghiệp chủ thì sản xuất đại pháo và súng máy. Nếu dư luận xã hội hiện nay ủng hộ đầu tư vào nước Nga thì người theo phái tự do lại tìm cách giải thích rằng đầu tư vào quốc gia, nơi chính phủ công khai tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của nó là tước đoạt tất cả vốn tư bản thì có khác gì ném hàng hóa xuống biển. Nhưng nghiệp chủ vẫn không ngần ngại cung cấp hàng hóa cho nước Nga, với điều kiện là ông ta có thể chuyển rủi ro cho những người khác, đấy có thể là nhà nước mà cũng có thể là những nhà tư sản kém thông minh hơn, những người bị dư luận dẫn dắt, còn chính dư luận xã hội thì lại bị đồng tiền của Nga xỏ mũi. Người theo phái tự do đấu tranh chống lại xu hướng thương mại tự cấp tự túc. Nhưng nhà sản xuất người Đức lại xây nhà máy ở các tình miền Đông, vốn là những tỉnh không cho hàng hóa của Đức thâm nhập, nhằm phục vụ thị trường ở đây vì đang có hàng rào thuế quan bảo hộ. Các nghiệp chủ và các nhà tư sản có đầu óc sáng suốt có thể nhận thấy hậu quả tai hại của chính sách bài chủ nghĩa tự do đối với toàn xã hội, nhưng, với tư cách là những nghiệp chủ và nhà tư sản, họ không chống lại mà tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.

Không có giai cấp nào có thể ủng hộ chủ nghĩa tự do nhằm bảo vệ những lợi ích ích kỉ, bất chấp việc gây thiệt hại cho toàn thể xã hội và các tầng lớp khác, chỉ vì một lí do đơn giản: chủ nghĩa tự do không phục vụ cho lợi ích đặc biệt nào. Chủ nghĩa tự do không thể hi vọng vào sự giúp đỡ mà người ta dành cho các đảng bài chủ nghĩa tự do vì những người muốn tìm đặc quyền đặc lợi đều gắn bó với những đảng đó. Khi người theo phái tự do xuất hiện trước cử tri để tranh cử và được hỏi rằng ông ta hay đảng của ông ta định làm gì cho họ và nhóm của họ thì ông ta chỉ có thể trả lời như sau: chủ nghĩa tự do phục vụ tất cả mọi người, nhưng không phục vụ đặc quyền đặc lợi của bất cứ ai.

Là người theo trường phái tự do nghĩa là phải nhận thức được rằng về lâu dài đặc quyền đặc lợi dành cho một nhóm nhỏ, gây thiệt hại cho những người khác, nhất định sẽ dẫn đến đánh nhau (nội chiến); mặt khác, không thể ban phát đặc quyền đặc lợi cho đa số vì như thế giá trị của đặc quyền đặc lợi sẽ không còn, kết quả duy nhất mà người ta nhận được sẽ là: năng suất lao động xã hội giảm.

Nguồn bản gốc: Liberalism - The Classical Tradition. Edited by Bettina Bien Greaves, Liberty Fund, Inc. 2005

Nguồn bản dịch: Mises, Ludwig von (2013[1927]). Chủ nghĩa tự do truyền thống. Phạm Nguyên Trường dịch, Đinh Tuấn Minh hiệu đính. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Liberalism (1927) Liberalismus (bản tiếng Đức)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh