Chủ nghĩa tư bản thân hữu - Nguyên nhân của các vấn đề xã hội

Chủ nghĩa tư bản thân hữu - Nguyên nhân của các vấn đề xã hội

Kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, những người phê phán chủ nghĩa tư bản đã nỗ lực gấp đôi để thuyết phục người dân Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới rằng hệ thống tự do cá nhân và kinh doanh tự do đã thất bại.

Những người này khăng khăng cho rằng chính chủ nghĩa tư bản không kiểm soát tràn lan trên toàn thế giới là gốc rễ của tất cả những bất hạnh cá nhân và xã hội. Chúng ta nghe và đọc về điều này không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng và từ phát ngôn của các nhà bình luận chính trị. Chúng ta còn có thể thấy rõ điều này khi một ứng cử viên xã hội chủ nghĩa được bầu vào vào vị trí lãnh đạo của đảng Lao động Anh, cũng như khi một ứng viên tự xưng là “nhà xã hội dân chủ” được đánh giá cao trong các cuộc thăm dò dư luận trong cuộc đua ứng viên vị trí tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ.

Điều đầu tiên quan sát được chính là nhiều nếu không muốn nói là hầu hết những điều không may về kinh tế và xã hội thường được nhắc đến nhất không phải là sản phẩm của một hệ thống kinh doanh tự do “thất bại”. Nguyên nhân của việc này nằm ở việc một hệ thống kinh doanh tự do được thực thi nhất quán không còn tồn tại ở Mỹ.  

Vòng kiềm tỏa của các quy định

Chúng ta đang sống trong sự kiểm soát, quản lý và quy định hết sức chặt chẽ của một nhà nước phúc lợi theo chủ nghĩa can thiệp. Hơn 80.000 trang trong Sổ đăng ký Liên bang (Federal Register) cụ thể hóa và liệt kê tất cả các quy định của Liên bang nhằm áp dụng lên và buộc tất cả các doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ; đấy chỉ là một biểu hiện về việc chính phủ đã dệt nên một mạng nhện các mệnh lệnh đối với cộng đồng kinh doanh.

Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ đã ước tính rằng chi phí các doanh nghiệp Mỹ cần bỏ ra để tuân thủ núi quy định này có thể lên tới 2 nghìn tỷ USD một năm.

Đồng thời, mạng lưới rối ren của các mối quan hệ giữa chính phủ tham nhũng và khu vực tư nhân cũng được phản ánh ở quy mô và chi phí của các hoạt động vận động hành lang liên quan đến chính phủ Liên bang.

Theo Trung tâm Phản ứng Chính phủ (Center for Responsive Government), một tổ chức phi đảng phái, trong năm 2014, có gần 12.000 nhà vận động hành lang đã đăng ký làm việc tại Washington, DC. Công việc của họ là tác động đến việc soạn dự thảo luật phục vụ các nhóm lợi ích đặc biệt nhằm đạt được mục đích giảm thuế theo ngành, các quy định chống cạnh tranh hoặc hạn chế thị trường, phân phối lại của cải, các quỹ trợ cấp của người đóng thuế và bảo hộ khỏi cạnh tranh trên thị trường tự do và thương mại tự do, hoặc nhằm thúc đẩy các “lý tưởng” có động cơ tư tưởng khác nhau.

Bạo chi để chiếm đoạt nhiều người khác

Trung tâm Phản ứng Chính phủ - cơ quan theo dõi ai là người vận động hành lang, vì mục đích và do nguyên nhân gì - thông qua việc nhắm mục tiêu vào những người nắm giữ hoặc ứng cử cụ thể cho các chức vụ được bầu cử Liên bang, bao gồm Tổng thống và cả hai Viện của Quốc hội Hoa Kỳ, ước tính rằng trong năm 2014 các nhà vận động hành lang đã chi gần 3,25 tỷ USD cho việc theo đuổi các đặc quyền cho một số người song gây tổn hại lên những người khác trong xã hội.

Chỉ riêng trong năm 2013-2014, hơn 500 triệu USD đã được chi cho hoạt động vận động hành lang của các nhóm tài chính, bảo hiểm và bất động sản. Các nhóm vận động tư tưởng hay cổ vũ cho một phong trào riêng lẻ đã tổng chi hơn 352 triệu USD. Các luật sư và nhà vận động hành lang đã chi 151,5 triệu USD; các công ty y tế chi 142 triệu USD; và các liên đoàn lao động đã “đầu tư” 140,6 triệu USD cho vận động hành lang.

Các công ty truyền thông và điện tử chi 116 triệu USD; lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên 115 triệu USD; kinh doanh nông nghiệp, 77 triệu USD; công ty xây dựng, 67,7 triệu USD; các công ty vận tải chi 61 triệu USD còn các công ty quốc phòng chi 25,4 triệu USD.

Dựa trên Hồ sơ Công cộng của Văn phòng Thượng viện, Trung tâm Phản ứng Chính phủ tính toán rằng các nhà vận động hành lang đã chi gần 41 tỷ USD cho các hoạt động vận động hành lang trong 15 năm qua, kể từ đầu thế kỷ XXI.

Hàng tỷ USD phục vụ nhóm lợi ích đặc biệt này đã ảnh hưởng và tác động đến việc chi hàng nghìn tỷ USD trong chi tiêu chính phủ Liên bang trong cùng một thập kỷ rưỡi. Các nhà vận động hành lang làm việc với và lợi dụng những người giữ chức vụ chính trị cao để các nhóm lợi ích và hệ tư tưởng thuê họ có thể chiếm đoạt nhiều người khác trong xã hội Mỹ; họ có thể được coi là một trong những kẻ kiếm chác thành công nhất trong cả nước.

Những chính trị gia tốt nhất có thể mua bằng tiền

Nhưng mối quan hệ cộng sinh giữa các chính trị gia và tất cả các loại nhóm lợi ích đặc biệt không bắt đầu hay kết thúc ở việc vận động hành lang chính thức cho các đặc quyền và ưu đãi về lập pháp, quy định và tài chính trong các phòng họp của Quốc hội và Nhà Trắng ở Washington, D.C.

Mối quan hệ cộng sinh đó diễn ra quanh năm trên khắp đất nước dưới hình thức chiến dịch và vận động bầu cử để giúp những người được bầu hoặc được tái bầu cử, những người được sử dụng quyền lực của chính phủ theo cách mà các nhóm lợi ích và các nhà hoạt động tư tưởng mong muốn và từ đó họ hy vọng đạt được lợi ích.

Thêm vào đó, theo Trung tâm Phản ứng Chính trị, trong năm 2013-2014, các cá nhân và PACS (Uỷ ban Hành động Chính trị) đã quyên góp hơn 1,6 tỷ USD cho 1.671 đảng viên của cả hai đảng chính trị lớn đang tranh cử tại Thượng viện và Hạ viện. Các ứng cử viên Đảng Dân chủ nhận được 736 triệu USD, trong khi các ứng cử viên Đảng Cộng hòa nhận 901,5 triệu USD.

Điều này có vẻ vô lý, nhưng những khoản tiền dành cho vận động hành lang lập pháp và gây quỹ tài trợ chiến dịch tất nhiên không bao gồm thêm hàng triệu USD hối lộ những người nắm quyền chính trị hoặc những người muốn nắm giữ vị trí cao đại diện cho các quỹ tài trợ nằm ngoài các kênh chính thức dưới dạng “quà tặng”, đồ du lịch, tài khoản chi phí ngoài sổ sách và hối lộ ngoài luồng thuộc loại này hay loại khác.

Thế giới thực của chủ nghĩa tư bản thân hữu bị tha hóa và biến chất bao gồm nhiều thứ hơn là các khoản chi tiêu vận động hành lang và đóng góp cho chiến dịch tranh cử để có được những chiếc ghế bên lề hội trường trong vũng lầy chính trị.

Các phương tiện truyền thông quay cuồng với tiết lộ về việc công ty ô tô Volkswagen đã thao túng thông tin về tiêu chuẩn phát thải trên các phương tiện dùng động cơ diesel của họ nhằm đánh lừa các cơ quan quản lý môi trường ở cả Hoa Kỳ và châu Âu. Điều này đang được nhiều phương tiện truyền thông miêu tả như một ví dụ khác và là “bằng chứng” về hậu quả của chủ nghĩa tư bản vô pháp, vô thiên khi để chúng phát triển mà không có các yêu cầu cao, quy định chặt chẽ của chính phủ và sự giám sát gắt gao.

Quan hệ đối tác Chính phủ và Vụ bê bối Volkswagen

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn có thể thấy đây là một ví dụ khác về kết quả phát sinh từ “quan hệ đối tác” của chính phủ, doanh nghiệp và liên đoàn lao động. Ở Đức, đại diện liên đoàn lao động có vị trí trong ban điều hành của các công ty và tập đoàn lớn, hợp tác chặt chẽ với các cấp khác nhau của chính phủ Đức để đạt được các mục đích và mục tiêu chính trị, “xã hội” rất khác biệt và tách biệt với những gì một công ty thị trường tự do thực sự làm khi theo đuổi lợi nhuận hòa bình và trung thực trong việc phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường mở và cạnh tranh.

Ngày 25 tháng 9 năm 2015, tờ New York Times dẫn lời một cựu giám đốc điều hành của Volkswagen cho biết:

Không có công ty nào mà chủ sở hữu và công đoàn hợp tác chặt chẽ với nhau như Volkswagen. [Volkswagen] đảm bảo việc làm cho hơn một nửa ban giám sát. Điều mà ban lãnh đạo, chính phủ và các đoàn thể đều mong muốn là toàn dụng lao động, và càng nhiều việc làm thì càng tốt. Volkswagen được coi là doanh nghiệp mang sứ mệnh quốc gia cung cấp việc làm cho người dân Đức. Đó là lý do thúc đẩy họ trở thành số 1 thế giới. Còn những chuyện khác thì họ đều lờ đi.

Trong nền kinh tế thị trường bị chính trị hóa như vậy, làm việc và phục vụ lợi ích “quốc gia” và “xã hội” trở thành nguyên tắc dẫn lối các quyết định kinh doanh. Nó không chỉ dẫn đến điều hành kinh doanh lãng phí và không hiệu quả, thể hiện qua việc không hoặc hiếm khi quan tâm đến việc quản lý chi phí và phân bổ lao động và nguồn lực hiệu quả để tạo ra các sản phẩm tốt hơn, mới hơn và ít tốn kém hơn, mà còn phá huỷ động lực của các cá nhân tham gia vào các hoạt động này.

Việc "vượt rào" một hoặc nhiều tiêu chuẩn quy định do chính phủ áp đặt lên các doanh nghiệp này chỉ là một cách “kinh doanh” để thực hiện các mục tiêu chính trị khác như “tạo công ăn, việc làm” và “toàn dụng lao động”. Các mục tiêu này là một phần của “quan hệ đối tác” giữa doanh nghiệp với các chính trị gia địa phương, trung ương và các lãnh đạo công đoàn.

Điều duy nhất mà các doanh nghiệp mong muốn trong mạng lưới chính trị phức tạp này là: Không để bị bắt. Nếu bạn bị bắt thì các đối tác chính trị của bạn sẽ giống như Đại úy Renault, cảnh sát trưởng trong bộ phim năm 1942 “Casablanca”. Khi Renault ra lệnh đóng cửa quán cà phê Rick’s Café, người chủ hỏi anh ta vì lý do gì. Renault tuyên bố rằng anh ta "bị sốc" khi phát hiện ra quán cafe là tụ điểm đánh bạc. Ngay lúc đó, tay điều khiển vòng quay roulette1 xuất hiện với một xấp giấy bạc franc trên tay và nói với Renault, "Tiền thắng bạc của ngài đây, thưa ngài."

Volkswagen đã bị tóm gáy và sẽ phải bồi thường rất lớn về tài chính và các khoản phạt khác do chính phủ Hoa Kỳ và châu Âu đặt ra. Và cũng như mọi khi, những thế lực chính trị chống lưng cho Volkswagen, đặc biệt là ở Đức, những kẻ đã thúc đẩy và hợp tác với công ty này để chơi trò chơi can thiệp chính phủ vốn chẳng liên quan gì tới hoạt động kinh doanh định hướng thị trường, sẽ lên án gay gắt những kẻ tham lam và “hành vi ích kỷ ”của những con buôn ham lợi nhuận.

Tất cả những ví dụ và sự thật này về các hoạt động vận động hành lang, tài trợ chiến dịch và quan hệ đối tác doanh nghiệp-chính phủ làm nổi bật mức độ tràn lan của “chủ nghĩa tư bản” đang hiện hữu ở Hoa Kỳ hoặc châu Âu - hay trên thực tế là tất cả các nơi khác trên thế giới - không có gì liên quan đến thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản tự do.

Bàn tay tham nhũng của Nhà nước can thiệp

Nhà kinh tế học người Áo, Ludwig von Mises, đã mô tả chủ nghĩa tư bản méo mó, biến chất và bị chính trị hóa này hơn 80 năm trước, vào năm 1932, trong một bài luận về "Huyền thoại về sự thất bại của chủ nghĩa tư bản", được xuất bản ngay trước khi Hitler và phong trào Phát xít nắm quyền:

Ở các chính phủ theo chủ nghĩa can thiệp, việc quản lý doanh nghiệp theo cách đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất và ít tốn kém nhất không còn là điều quan trọng cốt yếu đối với sự thành công của doanh nghiệp.

Điều quan trọng hơn là một người có “mối quan hệ tốt”  với các cơ quan chính trị để đảm bảo các biện pháp can thiệp của chính phủ có lợi chứ không gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Ngay cả việc tăng thêm một vài đồng mark vào thuế bảo hộ sản phẩm của doanh nghiệp và giảm đi một vài đồng mark đối với thuế nguyên vật liệu thô dùng cho sản xuất cũng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều cho doanh nghiệp, lớn hơn lợi ích của việc quản trị kinh doanh cẩn trọng nhất.

Doanh nghiệp dù được quản lý tốt đến đâu cũng sẽ thất bại nếu không biết cách bảo vệ lợi ích của mình trong việc xây dựng mức thuế suất trong các cuộc đàm phán trước hội đồng trọng tài và với các cơ quan có thẩm quyền. Việc có được "quan hệ" trở nên quan trọng hơn là sản xuất tốt và rẻ.

Vì vậy, các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp không còn do những người hiểu cách tổ chức công ty và chỉ đạo sản xuất theo điều kiện thị trường, mà thay vào đó là những người hiểu rõ 'trên dưới', những người biết làm thế nào để hòa hợp với báo chí và tất cả các đảng phái chính trị, đặc biệt là với những người cấp tiến, để họ và công ty của họ không làm mất lòng ai đó. Các tổng giám đốc thường xuyên đàm phán với các cơ quan chức năng của nhà nước và lãnh đạo đảng hơn là với những người mà họ mua hoặc những người mà họ bán.

Vì câu hỏi đặt ra về việc giành được các ưu đãi chính trị cho các doanh nghiệp này, các giám đốc phải trả ơn các chính trị gia bằng sự ưu ái. Trong những năm gần đây, có tương đối ít doanh nghiệp lớn không phải chi những khoản tiền khổng lồ cho các chủ trương khác nhau mặc dù ngay từ đầu đã biết rõ rằng sẽ không mang lại lợi nhuận. Nhưng bất chấp tổn thất dự kiến, những chủ trương này vẫn cần phải thực hiện vì lý do chính trị. Chúng ta thậm chí không đề cập đến các khoản đóng góp cho các mục đích không liên quan đến kinh doanh - cho các quỹ vận động, các tổ chức phúc lợi công cộng và những thứ tương tự.

Các thế lực ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn nhằm mục đích thao túng các ngân hàng lớn, các vấn đề công nghiệp và các tập đoàn chứng khoán độc lập với các cổ đông. . . Giám đốc các doanh nghiệp lớn hiện nay không còn nghĩ rằng họ cần quan tâm đến lợi ích của cổ đông nữa, vì họ cảm thấy mình được nhà nước hỗ trợ triệt để và có dư luận xã hội can thiệp sau lưng.

Ở những quốc gia mà chủ nghĩa nhà nước đã hoàn toàn giành được quyền kiểm soát. . . họ quản lý công việc của các công ty mà không quan tâm nhiều đến lợi nhuận của công ty giống như giám đốc các doanh nghiệp đại chúng. Và kết quả là sự sụp đổ. 

Lý thuyết được thêu dệt nên cho rằng những doanh nghiệp này quá lớn để có thể quản lý một cách đơn thuần về lợi nhuận. Đây là một ý tưởng cực kỳ tiện lợi, vì lẽ nếu từ bỏ lợi nhuận trong quản lý công ty sẽ dẫn tới vỡ nợ. Nó cũng tiện lợi cho những người liên quan, vì lý thuyết này sẽ đòi hỏi sự can thiệp và hỗ trợ của nhà nước đối với những doanh nghiệp bị coi là quá lớn để được phép hoạt động không kiểm soát. . .

Cuộc khủng hoảng mà thế giới đang gánh chịu ngày nay là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa can thiệp và của chủ nghĩa xã hội quốc gia và thành thị; tóm lại, đó là cuộc khủng hoảng của các chính sách chống tư bản chủ nghĩa ”.

Những mô tả của Mises về nhà nước can thiệp và “quan hệ đối tác” giữa chính phủ và doanh nghiệp trong những năm giữa hai cuộc Thế chiến và tình hình ngày nay có gì khác nhau?

Thị trường tự do thực sự nghĩa là không có đặc quyền cho bất cứ ai.

Nếu những gì chúng ta có ngày nay được nhìn nhận rộng rãi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, thì chúng ta có thể định nghĩa và giải thích một chủ nghĩa tư bản thị trường tự do thực sự sẽ như thế nào? Hãy để tôi gợi ý bảy điểm sau đây về bản chất của một nền kinh tế tự do thực sự:

1. Tất cả các tư liệu sản xuất (đất đai, tài nguyên, vốn) đều thuộc sở hữu tư nhân;

2. Việc sử dụng các tư liệu sản xuất dưới sự kiểm soát của các chủ sở hữu tư nhân có thể là cá nhân hoặc tổ chức doanh nghiệp;

3. Nhu cầu của người tiêu dùng quyết định phương thức sản xuất sẽ được sử dụng như thế nào;

4. Lực lượng cạnh tranh của cung và cầu quyết định giá cả của hàng hóa tiêu dùng và các yếu tố sản xuất khác nhau bao gồm tiền lương của người lao động;

5. Sự thành công hay thất bại của các doanh nghiệp cá thể và doanh nghiệp tập đoàn được xác định bởi lãi và lỗ mà các doanh nghiệp này kiếm được trong cuộc cạnh tranh tự do với các đối thủ của họ trên thị trường;

6. Thị trường tự do không chỉ giới hạn trong các giao dịch trong nước, và bao gồm tự do thương mại quốc tế;

7. Chính phủ bị giới hạn trong các hoạt động của mình nhằm thực thi và bảo vệ cuộc sống, quyền tự do và tài sản có được một cách trung thực chống lại bạo lực và gian lận.

Trong một thị trường tự do thực sự, không có chỗ cho các chính trị gia đưa ra đặc quyền và ưu đãi, bởi không có thứ gì để bán. Không có động cơ hoặc lợi ích nào để các nhóm lợi ích đặc biệt chi số tiền khổng lồ để đóng góp cho các chiến dịch hoặc chi phí vận động hành lang.

Bởi vì người ta không thể mua được quyền lợi chính trị cho một số người trên cái giá phải trả của những người khác.

Không thể xuất hiện cái kiểu “quan hệ đối tác” lãng phí và bại hoại giữa chính phủ và các doanh nghiệp bởi vì quyền lực chính trị bị hạn chế khỏi bất kỳ nhiệm vụ nào ngoài việc đảm bảo quyền sống, quyền tự do và tài sản có được một cách hòa bình của mỗi cá nhân.

Như Ludwig von Mises đã nói, các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị mà thế giới phải gánh chịu không phải là khủng hoảng hay thất bại của thị trường tự do. Không, đó là cuộc khủng hoảng và thất bại của nhà nước phúc lợi theo chủ nghĩa can thiệp, và hệ tư tưởng chống thị trường tự do tư bản chủ nghĩa.

*Tiến sĩ Richard M. Ebeling là Giáo sư Xuất sắc về Đạo đức và Lãnh đạo Doanh nghiệp Tự do tại trường kỹ thuật Carolina.

Trước đây ông là giáo sư Kinh tế tại Đại học Northwood, chủ tịch Quỹ Giáo dục Kinh tế (2003–2008), được gọi là Giáo sư Kinh tế Ludwig von Mises tại Đại học Hillsdale (1988–2003) ở Hillsdale, Michigan, và từng là phó chủ tịch của các vấn đề học thuật cho Tổ chức Tương lai của Tự do (1989–2003).

Chú thích:

(1) Vòng quay roulette hay bánh xe roulette là một trò đánh bạc thông dụng

Nguồn: Richard M. Ebeling, Crony Capitalism the Cause of Society’s Problems, The Future of Freedom Foundation, 28/9/2015

Dịch giả:
Phạm Lan Hương
Hiệu đính:
Phạm Thị Mai Trang