[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VII: Bước ngoặt thể chế (Phần 1)
RẮC RỐI VỚI VỚ
NĂM 1583, SAU KHI TỐT NGHIỆP Đại học Cambridge, William Lee về quê để trở thành tu sĩ ở Calverton nước Anh. Ngay trước đó, Nữ hoàng Elizabeth I (1558-1603) ban hành quy định buộc thần dân của bà phải luôn đội mũ len. Theo ghi chép của Lee, “để sản xuất mũ len thì phải có những người thợ đan len, nhưng nếu đan thủ công thì mất rất nhiều thời gian. Tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi nhìn mẹ và các chị tôi ngồi suốt buổi chiều tà bên những chiếc kim đan. Nếu món đồ được làm bằng hai chiếc kim đan và một cuộn chỉ, tại sao không dùng nhiều chiếc kim cùng một lúc”.
Suy nghĩ quan trọng này là khởi điểm của quá trình cơ giới hóa sản xuất dệt may. Lee trở nên bị ám ảnh với việc chế tạo một cỗ máy giúp giải phóng con người khỏi công việc đan tay bất tận. Ông nhớ lại: “Tôi bắt đầu xao lãng nhiệm vụ đối với Giáo hội và gia đình. Ý tưởng về cỗ máy và việc sáng tạo ra nó đã ăn sâu vào tim óc tôi”.
Cuối cùng, năm 1589, cỗ máy dệt vớ của ông đã sẵn sàng. Ông đến Luân Đôn với niềm háo hức tìm cách diện kiến Nữ hoàng Elizabeth I để cho bà biết cỗ máy hữu ích như thế nào và xin bà cấp bằng phát minh nhằm ngăn những người khác bắt chước thiết kế. Ông thuê một căn nhà để lắp đặt cỗ máy và với sự giúp đỡ của vị đại biểu quốc hội địa phương Richard Parkyns, ông đã gặp ngài Henry Carey Hunsdon, một thành viên trong Hội đồng cơ mật hoàng gia Anh. Carey bố trí cho Nữ hoàng Elizabeth đến xem cỗ máy, nhưng phản ứng của bà rất tiêu cực. Bà từ chối cấp bằng phát minh cho Lee, thay vì thế bà nhận định: “Ngươi nhắm cao đấy, thầy Lee. Hãy nghĩ xem phát minh này có thể gây ra những gì cho thần dân tội nghiệp của ta. Chắc chắn nó sẽ gây họa bằng cách tước đoạt việc làm của họ và làm cho họ trở thành ăn mày”. Tiêu tan hy vọng, Lee sang Pháp, cố gắng thử vận may ở đó; nhưng rồi cũng thất bại, ông quay về Anh, lại hỏi xin Vua James I (1603-1925), người kế vị nữ hoàng, cấp bằng phát minh. James I cũng khước từ với cùng lý do như nữ hoàng. Cả hai đều lo sợ rằng việc cơ giới hóa sản xuất vớ sẽ làm mất ổn định chính trị. Máy móc sẽ lấy mất công ăn việc làm của dân chúng, gây ra thất nghiệp, bất ổn chính trị và đe dọa quyền lực của triều đình. Máy dệt vớ là một phát minh có triển vọng làm tăng năng suất mạnh mẽ, nhưng nó cũng hứa hẹn sẽ gây ra sự phá hủy sáng tạo.
PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI PHÁT MINH tài ba của Lee minh họa cho ý tưởng then chốt trong quyển sách này. Nỗi lo sợ đối với sự phá hủy sáng tạo là lý do chính cản trở sự gia tăng mức sống bền vững trong suốt thời gian từ cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới đến Cách mạng công nghiệp. Đổi mới công nghệ làm cho xã hội loài người thịnh vượng, nhưng cũng liên quan đến sự thay thế cái cũ bằng cái mới và sự phá hủy các đặc quyền kinh tế cũng như quyền lực chính trị của một số người nào đó. Để tăng trưởng kinh tế bền vững, chúng ta cần có công nghệ mới, các phương thức làm việc mới, và thông thường, điều đó sẽ xuất phát từ những con người mới như Lee. Điều đó sẽ làm cho xã hội thịnh vượng, nhưng quá trình phá hủy sáng tạo mà nó tạo ra sẽ đe dọa phương kế mưu sinh của những người đang làm việc với các công nghệ cũ, như những người thợ đan thủ công sẽ bị thất nghiệp do công nghệ của Lee. Quan trọng hơn, những phát minh lớn như máy dệt vớ của Lee cũng có thể dẫn tới việc định hình lại quyền lực chính trị. Suy cho cùng, không phải nỗi lo lắng về vận mệnh của những người có thể bị thất nghiệp do cỗ máy của Lee khiến Nữ hoàng Elizabeth I và Vua James I từ chối cấp bằng phát minh cho ông; mà chính nỗi lo sợ rằng mình sẽ trở thành những kẻ thua cuộc về chính trị - lo sợ rằng những người bị mất việc do phát minh này sẽ gây ra bất ổn chính trị và đe dọa quyền lực hoàng gia. Như ta đã thấy với những người chống đối Luddites, người ta hoàn toàn có thể vượt qua sự chống đối của người lao động như những người thợ đan thủ công. Nhưng giới quyền thế, đặc biệt là khi quyền lực chính trị của họ bị đe dọa, sẽ tạo thành rào cản dữ dội hơn nhiều đối với sự phát minh đổi mới. Việc họ có nhiều thứ để mất do sự phá hủy sáng tạo có nghĩa là, chẳng những họ sẽ không phải là người du nhập các phát minh mới mà họ còn chống đối và ngăn chặn chúng. Vì thế, xã hội cần có những con người mới để giới thiệu các phát minh đổi mới triệt để nhất, và những người này cũng như sự phá hủy sáng tạo mà họ tạo ra phải vượt qua các nguồn chống đối, bao gồm sự chống đối từ những người cai trị hùng mạnh và giới quyền thế.
Ở nước Anh trước thế kỷ 17, các thể chế chiếm đoạt là chuẩn mực trong toàn xã hội. Cũng có lúc các thể chế này có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế, như đã được trình bày trong hai chương trước, nhất là khi chúng chứa đựng những yếu tố dung hợp, như ở Venice và La Mã. Nhưng chúng không cho phép sự phá hủy sáng tạo. Sự tăng trưởng do các thể chế này tạo ra không bền vững và sẽ đi đến kết thúc do thiếu phát minh đổi mới, do tình trạng đấu đá nội bộ phát sinh từ mong muốn hưởng lợi bằng cách chiếm đoạt, hay do các yếu tố dung hợp mới phôi thai đã bị đảo ngược hoàn toàn, như ở Venice.
Tuổi thọ của một người dân làng Natufian ở Abu Hureyra có lẽ không khác biệt lắm so với tuổi thọ của một công dân La Mã cổ đại. Tuổi thọ của một người La Mã điển hình cũng tương tự như của một người dân trung bình ở Anh vào thế kỷ 17. Về thu nhập, vào năm 301 SCN, hoàng đế La Mã Diocletian ban hành chiếu chỉ về giá tối đa, vạch ra biểu lương trả cho các loại lao động khác nhau. Chúng ta không biết chính xác giá và lương dưới thời Diocletian được thực thi ra sao, nhưng khi sử gia kinh tế Robert Allen sử dụng chiếu chỉ này để tính mức sống của một người lao động phổ thông điển hình, ông thấy nó gần như đúng bằng mức sống của một lao động phổ thông ở Ý thế kỷ 17. Ở nước Anh, càng xa về phía bắc, tiền lương càng cao và gia tăng, và mọi sự cũng thay đổi. Điều này xảy ra như thế nào là chủ đề của chương này.
XUNG ĐỘT CHÍNH TRỊ LUÔN HIỆN HỮU
Xung đột về thể chế và sự phân phối nguồn lực luôn luôn hiện hữu xuyên suốt lịch sử. Chúng ta đã thấy xung đột chính trị định hình sự tiến hóa của La Mã cổ đại và của Venice như thế nào, và ở đó, cuối cùng xung đột đã được giải quyết nghiêng về phía giới quyền thế, những người có thể củng cố vị trí quyền lực của họ.
Lịch sử vương quốc Anh cũng đầy xung đột giữa triều đình và thần dân, giữa các nhóm khác nhau tranh giành quyền lực, và giữa giới quyền thế và người dân. Dù vậy, kết quả không phải lúc nào cũng giúp củng cố quyền lực hiện hữu. Năm 1215, các quý tộc phong kiến, nhóm quyền thế ngay bên dưới nhà vua, đã đứng lên yêu cầu vua John ký bản Đại hiến chương Magna Carta ở Runnymede (xem bản đồ 9 chương 2). Văn kiện này quy định một số nguyên tắc cơ bản và là sự thách thức đáng kể đối với thẩm quyền của nhà vua. Quan trọng hơn cả, nó quy định rằng nhà vua phải tham khảo ý kiến giới quý tộc khi tăng thuế. Điều khoản gây tranh cãi nhất là điều 61, quy định rằng: “Giới quý tộc sẽ tuyển chọn 25 quý tộc bất kỳ trong vương quốc như họ muốn, những người sẽ dốc sức quan sát, duy trì và giúp giám sát nền hòa bình và tự do mà chúng ta đã trao cho và xác nhận với họ bằng hiến chương này”. Thực chất, giới quý tộc thành lập một hội đồng để đảm bảo rằng nhà vua phải thực hiện hiến chương, và nếu ông không thực hiện, 25 quý tộc này có quyền thâu tóm cung điện, đất đai và tài sản… cho đến khi việc điều chỉnh sửa đổi được thực hiện theo phán quyết của họ”. Vua John không thích Đại hiến chương Magna Carta, và ngay khi các quý tộc giải tán, ông buộc đức giáo hoàng hủy bỏ nó. Nhưng quyền lực chính trị của giới quý tộc và ảnh hưởng của Đại hiến chương vẫn tồn tại. Nước Anh đã có một bước tiến miễn cưỡng đầu tiên hướng tới chủ nghĩa đa nguyên.
Xung đột về các thể chế chính trị vẫn tiếp diễn, và quyền lực của triều đình bị khống chế hơn nữa bởi Quốc hội được bầu lần đầu tiên vào năm 1265. Không như Hội đồng bình dân ở La Mã hay nhánh lập pháp được bầu ngày nay, các đại biểu Quốc hội thoạt đầu là các quý tộc phong kiến được sắc phong (feudal nobles), và sau đó là các hiệp sĩ và giới quý tộc (aristocracy) giàu có nhất của cả nước. Mặc dù bao gồm giới quyền thế, Quốc hội Anh có hai đặc điểm nổi trội. Thứ nhất, Quốc hội không chỉ đại diện cho giới quyền thế liên minh mật thiết với nhà vua mà còn bao gồm nhiều nhóm lợi ích, trong đó có giới quý tộc thiểu số tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống, như thương mại và công nghiệp, và về sau là các chủ đất nhỏ, một tầng lớp nhà nông tham gia hoạt động thương mại và vươn lên về đẳng cấp xã hội. Vì thế, Quốc hội trao quyền cho những thành phần xã hội tương đối rộng - ít nhất là theo tiêu chuẩn thời bấy giờ. Đặc điểm thứ hai, và nói chung là kết quả của đặc điểm thứ nhất là, nhiều đại biểu Quốc hội kiên quyết chống đối nỗ lực gia tăng quyền lực của nhà vua và sẽ trở thành chỗ dựa chính của những người chống lại triều đình trong cuộc nội chiến Anh và trong cuộc Cách mạng Vinh quang sau đó.
Bất chấp Đại hiến chương và Quốc hội được bầu đầu tiên, xung đột chính trị vẫn kéo dài đối với quyền lực của triều đình và những người kế ngôi. Sự xung đột nội bộ này trong giới quyền thế được kết thúc bằng Chiến tranh Hoa hồng, cuộc chiến tay đôi giữa hai gia tộc cùng tranh đoạt ngôi vua là Lancaster và York. Gia đình Lancaster chiến thắng, và ứng viên của họ, Henry Tudor, lên ngôi, trở thành Vua Henry VII vào năm 1485.
Hai quá trình khác có liên quan với nhau cũng diễn ra. Thứ nhất là sự tập trung chính trị gia tăng từ thời vương triều Tudor. Sau năm 1485, Vua Henry VII tước vũ khí của giới quý tộc, thực chất là phi quân sự hóa họ, qua đó mở rộng quyền lực của nhà nước trung ương. Sau đó, con ông, Henry VIII, thực hiện một cuộc cách mạng trong chính phủ thông qua bộ trưởng Thomas Cromwell. Trong thập niên 1530, Cromwell xây dựng một bộ máy nhà nước non trẻ. Thay vì chỉ là gia đình riêng của nhà vua, bây giờ chính phủ trở thành một hệ thống các thể chế bền vững riêng biệt. Thêm vào đó, Vua Henry VIII còn cắt đứt với Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã và tước đoạt quyền lực của các tu viện, qua đó ông sung công toàn bộ đất đai của Giáo hội. Việc tước đoạt quyền lực của Giáo hội là một phần trong nỗ lực làm cho nhà nước trở nên tập quyền hơn. Sự tập trung hóa thể chế nhà nước này có nghĩa là lần đầu tiên, các thể chế chính trị dung hợp trở nên khả thi. Quá trình do Henry VII và Henry VIII phát động không chỉ tập trung hóa các thể chế nhà nước mà còn làm tăng nhu cầu về sự đại diện chính trị trên cơ sở rộng rãi hơn. Quá trình tập trung hóa chính trị trên thực tế có thể dẫn đến một hình thức chủ nghĩa chuyên chế, khi nhà vua và các cận thần có thể dẹp tan những nhóm quyền lực khác trong xã hội. Điều này quả thật là một trong những lý do xảy ra sự chống đối tập trung hóa nhà nước như ta đã thấy trong chương 3. Tuy nhiên, khi chống lại áp lực này, việc tập trung hóa các thể chế nhà nước cũng có thể huy động nhu cầu về một hình thức phôi thai của chủ nghĩa đa nguyên, như ở nước Anh dưới triều đại Tudor. Khi giới quý tộc và giới quyền thế địa phương nhận thấy rằng quyền lực chính trị đang ngày càng tập trung hơn và khó có thể ngăn chặn, họ đòi hỏi mình phải có tiếng nói về cách thức sử dụng quyền lực tập trung này. Ở nước Anh vào cuối thế kỷ 15 và thế kỷ 16, điều đó có nghĩa là nhóm này sẽ nỗ lực nhiều hơn để biến Quốc hội trở thành một lực lượng đối trọng với triều đình và kiểm soát một phần cách thức vận hành nhà nước. Vì thế, dự án Tudor không chỉ khơi mào cho quá trình tập trung hóa chính trị, một trụ cột của các thể chế dung hợp, mà còn gián tiếp góp phần vào chủ nghĩa đa nguyên, một trụ cột khác của các thể chế dung hợp.
Các diễn biến phát triển thể chế chính trị này diễn ra trong bối cảnh những thay đổi lớn khác về bản chất xã hội. Đặc biệt đáng kể là sự mở rộng xung đột chính trị, bao trùm những nhóm người có khả năng đưa ra các yêu sách đối với nhà vua và giới quyền thế chính trị. Cuộc Khởi nghĩa nông dân năm 1381 là yếu tố then chốt, sau đó giới quyền thế Anh bị rung chuyển bởi một loạt các cuộc khởi nghĩa quần chúng. Quyền lực chính trị đang được tái phân phối, không chỉ đơn thuần từ nhà vua đến các lãnh chúa, mà còn từ giới quyền thế đến nhân dân. Những thay đổi này, cùng với sự hạn chế ngày càng tăng đối với quyền lực của nhà vua, giúp cho sự ra đời của một liên minh rộng lớn chống lại chủ nghĩa chuyên chế trở nên khả thi và qua đó đặt nền móng cho các thể chế chính trị đa nguyên.
Mặc dù bị thách thức, song các thể chế chính trị và kinh tế mà vương triều Tudor kế thừa và duy trì rõ ràng vẫn mang tính chiếm đoạt. Nữ hoàng Elizabeth I, con gái vua Henry VIII, lên ngôi vào năm 1558 và băng hà năm 1603 mà không có con, và vương triều Tudor được thay thế bằng triều đại Stuart. Vị vua thứ nhất của triều đại Stuart, James I, không chỉ thừa kế các thể chế mà còn thừa kế luôn cả những mối xung đột trong đó. Ông muốn trở thành một người cai trị chuyên chế. Mặc dù nhà nước đã trở nên tập trung hơn và sự thay đổi xã hội đang phân phối lại quyền lực trong xã hội, các thể chế chính trị vẫn chưa có tính đa nguyên. Trong nền kinh tế, các thể chế chiếm đoạt không chỉ bộc lộ qua sự chống đối phát minh của Lee, mà còn biểu hiện dưới hình thức của đủ mọi thế lực độc quyền. Năm 1601, danh sách các độc quyền này đã được xướng lên trên Quốc hội, và một đại biểu đặt câu hỏi mỉa mai: “Thế còn chút canh thừa cơm cặn nào không?” Năm 1621, có 700 đơn vị độc quyền. Theo lời sử gia Anh Christopher Hill, người ta sống “trong một căn nhà xây bằng gạch độc quyền, với những cánh cửa làm bằng kính độc quyền; sưởi bằng than độc quyền (gỗ độc quyền của Ireland) đốt trong lò sưởi làm bằng sắt độc quyền… Họ tắm rửa bằng xà phòng độc quyền, trang phục được làm cứng bằng hồ bột độc quyền. Họ phục sức bằng đăng-ten độc quyền, vải lanh độc quyền, da độc quyền, chỉ vàng độc quyền… Họ dùng những chiếc thắt lưng độc quyền, khuy áo độc quyền, ghim cài độc quyền, vải được nhuộm bằng thuốc nhuộm độc quyền. Họ ăn bơ độc quyền, quả lý chua độc quyền, cá mòi muối hun khói độc quyền, cá hồi độc quyền, tôm độc quyền. Thức ăn của họ được ngâm tẩm bằng muối độc quyền, tiêu độc quyền, giấm độc quyền… Họ viết bằng bút độc quyền trên giấy độc quyền; đọc những quyển sách in độc quyền (bằng kính mắt độc quyền, dưới ánh sáng của những ngọn nến độc quyền).
Các đơn vị độc quyền này, và nhiều hơn thế nữa, mang lại cho các cá nhân hay các nhóm quyền kiểm soát duy nhất trong việc sản xuất ra nhiều loại hàng hóa. Họ cản trở việc phân bổ tài năng, vốn vô cùng quan trọng trong việc đạt được sự thịnh vượng kinh tế.
Cả James I và con ông Charles I, người thừa kế ngai vàng, đều khao khát củng cố ngôi vua, giảm ảnh hưởng của Quốc hội, và thiết lập các thể chế chuyên chế tương tự như đã được xây dựng ở Tây Ban Nha và Pháp nhằm tăng cường sự kiểm soát của họ và giới quyền thế đối với nền kinh tế, làm cho các thể chế trở nên có tính chiếm đoạt hơn. Xung đột giữa Vua James I và Quốc hội trở nên căng thẳng vào thập niên 1620. Trọng tâm của mối xung đột này là việc kiểm soát hoạt động thương mại ở hải ngoại và trong phạm vi quần đảo Anh. Khả năng ban bố thế lực độc quyền của nhà vua là nguồn thu chính của nhà nước và thường được sử dụng như một phương thức ban phát ân sủng đặc quyền cho những người ủng hộ nhà vua. Chẳng lạ gì, thể chế chiếm đoạt này, vốn cản trở sự tham gia và vận hành thị trường, đã gây thiệt hại đáng kể cho hoạt động kinh tế và quyền lợi của nhiều đại biểu quốc hội. Năm 1623, Quốc hội giành thắng lợi đáng kể bằng cách xoay sở để thông qua Luật Độc quyền, qua đó cấm Vua James I không được thành lập các đơn vị độc quyền mới trong nước. Tuy nhiên, nhà vua vẫn có thể thành lập các đơn vị độc quyền trong hoạt động ngoại thương vì thẩm quyền của Quốc hội không bao trùm các sự vụ quốc tế. Các độc quyền hiện hữu, quốc tế hay nội địa, đều còn nguyên vẹn, bất khả xâm phạm.
Quốc hội không nhóm họp định kỳ mà phải được nhà vua triệu tập. Quy ước ra đời sau Đại hiến chương Magna Carta là nhà vua phải triệu tập Quốc hội để được chấp thuận ban hành thuế mới. Charles I lên ngôi năm 1625, từ chối triệu tập Quốc hội sau năm 1629, và tăng cường các nỗ lực của Vua James I để xây dựng một thể chế chuyên chế cứng rắn. Ông tạo ra những khoản vay ép buộc, có nghĩa là dân chúng phải cho ông vay tiền, rồi ông đơn phương thay đổi điều khoản vay và từ chối trả nợ. Ông dựng lên và bán các đơn vị độc quyền trong hoạt động ngoại thương mà Luật Độc quyền vẫn còn chừa lại cho nhà vua. Ông cũng lũng đoạn tính độc lập của nhánh tư pháp và ra sức can thiệp nhằm tác động đến kết quả của các vụ kiện. Ông thu nhiều loại thuế và phí, trong đó gây tranh cãi nhiều nhất là “tiền tàu” đánh vào các địa hạt ven biển vào năm 1635 để đổi lại sự bảo vệ của Hải quân hoàng gia, sau đó mở rộng thuế này cho các địa hạt trong đất liền vào năm 1640. Tiền tàu được thu hằng năm cho đến tận năm 1640.
Hành vi ngày càng chuyên chế và các chính sách chiếm đoạt của Charles gây ra sự bất mãn và chống đối trên khắp đất nước. Năm 1640, đứng trước sự xung đột với Scotland và không có đủ tiền để trang bị cho quân đội ra chiến trường, ông buộc phải triệu tập Quốc hội để yêu cầu tăng thuế. Cái gọi là phiên họp “Quốc hội ngắn” (Short Parliament) đã được nhóm họp chỉ trong ba tuần. Các đại biểu đến Luân Đôn từ chối thảo luận về thuế, nhưng bộc lộ sự bất bình cho đến khi Charles bãi nhiệm họ. Người Scotland nhận thấy Charles không được đất nước ủng hộ nên đã xâm lăng nước Anh, chiếm đóng thành phố Newcastle. Charles bắt đầu thương lượng, và người Scotland yêu cầu phải có Quốc hội tham gia. Điều này buộc Charles phải triệu tập Quốc hội; phiên họp này được gọi là “Quốc hội dài” (Long Parliament) vì nó kéo dài đến năm 1648 mà không chịu giải tán, ngay cả khi Charles yêu cầu.
Năm 1642, nội chiến nổ ra giữa Charles và Quốc hội, cho dù trong Quốc hội cũng có nhiều đại biểu đứng về phía nhà vua. Diễn biến xung đột phản ánh cuộc chiến về các thể chế kinh tế và chính trị. Quốc hội muốn chấm dứt các thể chế chính trị chuyên chế; nhà vua muốn củng cố những thể chế này. Xung đột này có nguyên nhân gốc rễ từ kinh tế. Nhiều người ủng hộ nhà vua vì họ đã được ban phát các thế lực độc quyền béo bở. Ví dụ, các độc quyền địa phương dưới sự kiểm soát của các lái buôn giàu có và thế lực ở Shrewsbury và Oswestry được nhà vua bảo hộ trước sự cạnh tranh của các thương nhân Luân Đôn. Các lái buôn địa phương này đứng về phía Charles I. Phía bên kia, ngành công nghiệp luyện kim phát đạt tập trung xung quanh quận Birmingham vì các thế lực độc quyền ở đây suy yếu và vì những người mới tham gia ngành không phải thử việc 7 năm như ở những vùng khác trong nước. Suốt thời gian nội chiến, họ chế tạo gươm đao và cung cấp người tình nguyện cho phe Quốc hội. Tương tự, tình trạng thiếu kiểm soát phường hội ở huyện Lancashire tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời một loại vải mới, nhẹ hơn từ trước năm 1640. Nơi tập trung hoạt động sản xuất loại vải này là vùng duy nhất của Lancashire ủng hộ Quốc hội.
Dưới sự lãnh đạo của Oliver Cromwell, các đại biểu Quốc hội - thường được gọi là phe tóc ngắn (Roundhead) do kiểu tóc của họ - đã đánh bại phe hoàng gia, còn được gọi là phe ky sĩ (Cavalier). Charles bị xét xử và hành quyết vào năm 1649. Tuy nhiên, việc hạ bệ ông và thủ tiêu chế độ quân chủ không dẫn đến các thể chế dung hợp. Thay vào đó, nền quân chủ được thay thế bằng chế độ độc tài của Oliver Cromwell. Sau cái chết của Oliver Cromwell, chế độ quân chủ được phục hồi vào năm 1660 và vơ vét trở lại nhiều đặc quyền từng bị phá vỡ vào năm 1649. Con trai Charles, Charles II, bắt đầu một chương trình xây dựng chế độ chuyên chế giống hệt như cũ. Những nỗ lực này được củng cố bởi em trai ông, James II, lên ngôi vua sau khi Charles băng hà vào năm 1685. Năm 1688, nỗ lực tái thiết chế độ chuyên chế của James đã gây ra khủng hoảng và một cuộc nội chiến khác xảy ra. Lần này, Quốc hội thống nhất và có tổ chức hơn. Họ mời Tổng đốc Hà Lan, William xứ Orange và vợ ông, Mary, người con gái theo đạo Tin lành của Vua James để thay thế chính vua James. William mang theo quân đội và tranh đoạt ngai vàng để từ bỏ việc cai trị theo chế độ quân chủ chuyên chế, chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến do Quốc hội hun đúc nên. Hai tháng sau khi William đổ bộ lên quần đảo Anh ở Brixham vùng Devon (xem bản đồ 9, chương 4), quân đội của Vua James II tan rã và nhà vua bỏ chạy sang Pháp.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)