Chủ nghĩa tư bản là gì? (Phần Cuối)

Chủ nghĩa tư bản là gì? (Phần Cuối)

Tiến bộ tuyệt diệu đạt được nhờ chủ nghĩa tư bản trong một khoảng thời gian ngắn ngủi – sự cải thiện ngoạn mục các điều kiện tồn tại của con người trên trái đất – là điều mà lịch sử đã ghi lại. Chuyện ấy không bị che giấu, tránh né, không bị bác bỏ bởi đủ những tuyên truyền từ các kẻ thù của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều cần đặc biệt nhấn mạnh là một thực tế rằng tiến bộ này đã đạt được bởi những phương thức không cần có sự hy sinh. 

Tiến bộ không thể đạt được bằng việc bắt người ta phải thiếu thốn, bằng việc ép cho ra một lượng “thặng dư xã hội” từ những nạn nhân đang chết đói. Tiến bộ chỉ có thể đến từ thặng dư cá nhân, tức là từ công việc, năng lượng, sự dư thừa sáng tạo của những con người mà năng lực của họ sản xuất ra nhiều hơn mức tiêu dùng cá nhân của họ đòi hỏi, những người có khả năng về trí tuệ và tài chính để tìm kiếm cái mới, để cải thiện cái đã biết, để tiến lên. Trong một xã hội tư bản, nơi những con người đó được tự do hoạt động và mạo hiểm, tiến bộ không phải là chuyện hy sinh bản thân mình cho một tương lai xa vời nào đó, nó là một phần của thực tại mà người ta đang sống, là cái bình thường và tự nhiên, người ta đạt được nó như người ta sống và khi người ta sống – và hưởng thụ - cuộc sống của mình. 

Bây giờ hãy xem xét những lựa chọn thay thế - xã hội bộ lạc, nơi tất cả mọi người dồn hết nỗ lực, giá trị, tham vọng, và mục tiêu vào một cái ao bộ lạc hay một cái nồi chung, sau đó chờ đợi đói lả bên miệng nồi, trong khi kẻ cầm đầu của một toán đầu bếp quấy nồi lên bằng một lưỡi lê trong tay này, tay kia hắn cầm một tấm séc trống nắm giữ tất cả sinh mệnh của mọi người. Ví dụ chuẩn xác nhất về một hệ thống như thế là Liên bang các nước cộng hòa XHCN Xô Viết.

Nửa thế kỷ trước, những nhà cai trị Xô Viết ra lệnh cho nhân dân họ phải kiên nhẫn, chịu đựng thiếu thốn, và hy sinh vì sự nghiệp “công nghiệp hóa” đất nước, hứa hẹn rằng đây chỉ là tạm thời, rằng công nghiệp hóa sẽ mang lại cho họ sự dư thừa, và tiến bộ của Xô Viết sẽ vượt xa phương Tây tư bản chủ nghĩa.

Ngày nay, nước Nga Xô Viết vẫn không thể nuôi được con dân của mình – trong khi các nhà cai trị tranh nhau copy, vay mượn, hay là ăn cắp thành tựu công nghệ của phương Tây. Công nghiệp hóa không phải là một mục tiêu tĩnh; nó là tiến trình động với tốc độ lỗi thời rất mau chóng. Vì thế những tên nô lệ khốn khổ của nền kinh tế bộ lạc kế hoạch hóa, những người chết đói trong khi chờ máy phát điện và máy kéo, giờ đây đang chết đói chờ điện nguyên tử và những chuyến du lịch liên hành tinh. Do đó, trong một “nhà nước của nhân dân”, tiến bộ khoa học là mối đe dọa đối với con người, và mọi sự tiến bộ đều được lấy từ bộ da đang co quắt lại của người dân.

Điều đó chưa từng xảy ra với chủ nghĩa tư bản.

Sự thừa mứa của nước Mỹ không được tạo ra nhờ sự hy sinh của công chúng cho “lợi ích chung”, mà nhờ thiên tài năng suất của những con người tự do, vốn theo đuổi lợi ích cá nhân của họ và sự nghiệp làm ra của cải riêng của họ. Họ không bắt người dân phải chết đói để trang trải cho công cuộc công nghiệp hóa của nước Mỹ. Họ cho người dân công việc tốt hơn, lương cao hơn, và hàng hóa rẻ hơn với mọi thứ máy móc mới mà họ sáng chế ra, với mọi phát kiến khoa học hay tiến bộ công nghệ - và nhờ đó toàn bộ đất nước tiến lên và hưởng lợi từ, chứ không phải chịu đựng, từng bước tiến trên con đường đó.

Tuy nhiên, đừng phạm lỗi đảo ngược nguyên nhân và kết quả: lợi ích của một đất nước được trở nên khả thi chính xác là bởi một thực tế rằng lợi ích không phải là thứ bị áp đặt lên bất kỳ ai như một mục tiêu hay nhiệm vụ đạo đức; nó chỉ là kết quả; còn nguyên nhân là quyền con người theo đuổi lợi ích cá nhân mình. Chính quyền này – chứ không phải các kết quả của nó – đã thể hiện sự biện hộ về mặt đạo đức cho chủ nghĩa tư bản.

Nhưng quyền này không tương hợp với bản chất hay lý thuyết chủ quan về giá trị, với đạo đức vị tha và chủ nghĩa bộ lạc. Dễ thấy phẩm tính nào của con người sẽ bị kẻ nào đó bác bỏ khi hắn bác bỏ chủ nghĩa khách quan; và, nếu xem xét lịch sử của chủ nghĩa tư bản, sẽ thấy rõ phẩm tính nào của con người bị đạo đức vị tha và chủ nghĩa bộ lạc phối hợp với nhau chống lại: chúng chống lại trí tuệ của con người, chống lại trí thông minh – đặc biệt chống lại trí thông minh được áp dụng cho các vấn đề thuộc về sự sinh tồn, tức là năng lực sản xuất.

Trong khi chủ nghĩa vị tha tìm cách cướp các phần thưởng từ tay trí tuệ, bằng cách khẳng định rằng nghĩa vụ đạo đức của người có năng lực là phục vụ người không có năng lực và dâng hiến chính mình cho nhu cầu của bất cứ ai – quan điểm bộ lạc đi một bước xa hơn: nó phủ nhận sự tồn tại của trí tuệ và vai trò của trí tuệ trong việc sản xuất ra của cải.

Thật thiếu đạo đức khi coi của cải là một sản phẩm khuyết danh của bộ lạc, và khi nói chuyện “tái phân phối” nó. Quan điểm cho rằng của cải là kết quả của một tiến trình tập thể, không phân hóa, rằng tất cả chúng ta cùng làm gì đó và không thể nói rõ ai đã làm gì, do đó một kiểu “phân phối” bình đẳng chủ nghĩa là cần thiết – có lẽ đã phù hợp trong một khu rừng rậm nguyên thủy với một bầy người dữ tợn di chuyển từng hòn đá bằng lao động chân tay thô kệch (mặc dù ngay cả tại nơi đó thì ai đó cũng phải khởi động và tổ chức việc di chuyển đá). Duy trì quan điểm này trong một xã hội công nghiệp – nơi các thành tựu cá nhân đã được cộng đồng ghi nhận – là một sự lảng tránh dốt nát tới mức thậm chí đặt vấn đề hồ nghi nó cũng là xấu rồi.

Bất kỳ ai đã từng là người chủ hay người lao động, hay đã từng quan sát con người làm việc, hay đã từng tự mình lao động thật sự suốt một ngày, đều biết vai trò mấu chốt của năng lực, của trí khôn, của một trí tuệ có năng lực và khả năng tập trung – trong bất kỳ và trong tất cả các cấp độ công việc, từ thấp nhất tới cao nhất. Người đó phải biết rằng có năng lực hay thiếu năng lực (cho dù là thiếu thật hay do cố tình thiếu) tạo ra sự khác biệt sống còn trong bất kỳ tiến trình sản xuất nào. Bằng chứng đã quá rõ rệt – trên lý thuyết và trên thực tế, một cách logic và “theo kinh nghiệm”, trong các biến cố lịch sử và trong công việc hàng ngày của bất kỳ ai – đến mức không ai có thể nói là không biết. Người ta phạm những lỗi này không phải do không biết.

Khi các nhà công nghiệp lớn tạo ra của cải trên một thị trường tự do (tức là không sử dụng vũ lực, không có sự hỗ trợ hay can thiệp từ phía chính phủ), họ tạo ra của cải mới – họ không lấy của cải ấy từ những người không tạo ra chúng. Nếu bạn không tin điều này thì hãy nhìn vào “sản phẩm hoàn toàn xã hội” – và mức sống – của những quốc gia nơi con người không được phép tồn tại.

Hãy quan sát xem vấn đề trí tuệ con người được thảo luận một cách hiếm hoi và không thỏa đáng như thế nào trong các bài viết của các lý thuyết gia theo chủ nghĩa bộ lạc-nhà nước-vị tha. Hãy quan sát xem những người đang cổ súy cho nền kinh tế hỗn hợp cẩn thận tránh né như thế nào việc đề cập tới trí tuệ hay năng lực trong cách tiếp cận của họ tới các vấn đề chính trị - kinh tế, trong các tuyên bố, yêu cầu của họ, và trong cuộc chiến giữa các nhóm lợi ích với hành động cướp phá “sản phẩm hoàn toàn xã hội”.

Người ta thường hỏi: Tại sao chủ nghĩa tư bản lại bị phá hoại bất chấp những lợi ích không thể sánh được của nó đã được ghi nhận? Câu trả lời nằm ở một sự thực rằng cái dây cứu sinh nuôi dưỡng bất kỳ hệ thống xã hội nào là một nền triết học thống trị nền văn hóa và rằng chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ có một nền tảng triết học. Nó là sản phẩm cuối cùng và (một cách lý thuyết) không hoàn hảo của những ảnh hưởng từ Aristotle. Vào thế kỷ 19, khi cơn thủy triều của chủ nghĩa thần bí trỗi dậy dìm chết triết học, chủ nghĩa tư bản bị bỏ lại trong một khoảng chân không về trí tuệ, bị cắt mất sợi dây sinh mệnh của nó. Bản chất đạo đức, thậm chí các nguyên tắc chính trị của nó, đều chưa bao giờ được hiểu hay định nghĩa một cách đầy đủ. Những người tự nhận là bảo vệ nó thì đều cho là nó phù hợp với sự kiểm soát của chính quyền (tức là sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế), phớt lờ ý nghĩa và những ngụ ý của khái niệm laissez-faire. Do vậy, cái đã tồn tại trên thực tế, vào thế kỷ 19, không phải là chủ nghĩa tư bản thuần túy, mà là những nền kinh tế hỗn hợp khác nhau. Bởi vì sự kiểm soát sẽ dẫn tới việc phải gia tăng và duy trì gia tăng kiểm soát, nên chính yếu tố tĩnh nhất trong hỗn hợp đã phá vỡ hỗn hợp; yếu tố tư bản chủ nghĩa, tự do đã nhận lấy sự phê phán.

Chủ nghĩa tư bản không thể tồn tại trong một nền văn hóa bị thống trị bởi chủ nghĩa thần bí và vị tha, bởi sự lưỡng phân linh hồn-thể xác và quan điểm bộ lạc. Không hệ thống xã hội nào (và không thể chế hay hành động nào của con người dưới bất kỳ hình thức nào) có thể tồn tại mà không có một cơ sở đạo đức. Nếu căn cứ trên cơ sở đạo đức vị tha, chủ nghĩa tư bản phải - và đã – bị lên án ngay từ đầu.1

Đối với những người không hiểu hết vai trò của triết học trong các vấn đề chính trị-kinh tế, tôi đề xuất – như là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy tình trạng tri thức ngày nay – một vài trích dẫn sâu hơn trong đề mục về chủ nghĩa tư bản trong cuốn Từ điển bách khoa Anh (Encyclopaedia Britannica).

Một vài nhà quan sát có xu hướng coi các khiếm khuyết của chủ nghĩa tư bản là động cơ của sản xuất. Sự phê bình thường bắt nguồn hoặc là từ sự phản đối về đạo đức hay văn hóa đối với các đặc điểm nhất định của hệ thống tư bản chủ nghĩa, hoặc từ những thăng trầm ngắn hạn (khủng hoảng và suy thoái) làm ngắt quãng tiến bộ trong dài hạn. [các đoạn in nghiêng là của tôi.]

Những cuộc “khủng hoảng và suy thoái” do sự can thiệp của chính phủ gây ra, chứ không phải do hệ thống tư bản chủ nghĩa gây ra. Nhưng bản chất của “sự phản đối về đạo đức hoặc văn hóa” là gì? Bài viết không nói rõ cho chúng ta, mà cho ta một chỉ dẫn hùng hồn:

Tuy nhiên, như thế, cả khuynh hướng lẫn hiện thực [của chủ nghĩa tư bản] hiển nhiên đều mang cái mác lợi ích doanh nhân và còn hơn thế là kiểu tư duy của doanh nhân. Hơn nữa, không chỉ chính sách mà cả triết học về đời sống của quốc gia và cá nhân, sự phối hợp các giá trị văn hóa, cũng đeo cái mác đó. Thuyết vị lợi duy vật của chủ nghĩa tư bản, niềm tin ngây thơ của nó vào sự tiến bộ dưới một dạng nào đó, những thành tựu có thực của nó trong lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, tính chất các sáng tạo nghệ thuật của nó, tất cả đều có thể dẫn chiếu đến tinh thần của chủ nghĩa duy lý tỏa ra từ văn phòng của doanh nhân. [các đoạn in nghiêng là của tôi.]

Tác giả của bài viết này, người không đủ “ngây thơ” để tin vào một sự tiến bộ kiểu tư bản (hay lý tính), có vẻ như đang duy trì niềm tin khác:

Vào cuối thời kỳ trung cổ, Tây Âu đứng khoảng ở vị trí mà nhiều nước kém phát triển đang đứng hiện nay trong thế kỷ 20. [Điều này nghĩa là nền văn hóa của thời Phục Hưng xấp xỉ với Congo ngày nay; hoặc nếu không thì chứng tỏ là sự phát triển trí tuệ của con người chẳng có liên quan gì đến kinh tế học.] Trong các nền kinh tế kém phát triển, nhiệm vụ khó khăn của quản lý nhà nước là phải vượt qua được một tiến trình tích lũy phát triển kinh tế, bởi vì khi đã đạt một xung lượng nào đó thì tiến bộ xa hơn sẽ xuất hiện một cách tự động, không ít thì nhiều.

Một vài ý niệm như thế đã trở thành nền tảng cho mọi lý thuyết của nền kinh tế kế hoạch hóa. Chính là dựa trên một số niềm tin “tinh vi” như thế mà hai thế hệ người Nga đã tàn lụi, chờ đợi một sự phát triển tự động.

Các nhà kinh tế học cổ điển cố gắng đạt được một biện giải có tính bộ lạc về chủ nghĩa tư bản trên cơ sở là nó “phân phối” một cách tốt nhất “các nguồn lực” của một cộng đồng. Bút sa gà chết, như thế này:

Chủ đề trung tâm của kinh tế học cổ điển là lý thuyết thị trường về sự phân bổ nguồn lực trong khu vực tư nhân. Tiêu chí để phân phối giữa khu vực công cộng và khu vực tư nhân, về hình thức, giống như bất kỳ sự phân phối nguồn lực nào khác, tức là cộng đồng phải nhận được sự thỏa mãn ngang bằng với và từ mức gia tăng nguồn lực cận biên sử dụng trong lĩnh vực công và tư… Nhiều nhà kinh tế đã khẳng định rằng có bằng chứng đáng kể, có lẽ nổi trội, chứng tỏ rằng tổng lượng của cải trong nước Mỹ tư bản chẳng hạn, sẽ gia tăng nhờ sự tái phân phối các nguồn lực cho khu vực công – nhiều lớp học hơn và ít trung tâm mua bán hơn, nhiều thư viện công hơn và ít xe hơi hơn, nhiều bệnh viện hơn và ít chỗ chơi bowling hơn.

Điều đó nghĩa là một số người phải làm việc nặng nhọc suốt đời mà không được sử dụng phương tiện vận tải thích hợp (ô-tô), không có nơi phù hợp để đi mua những hàng hóa họ cần (trung tâm mua sắm), không có lạc thú giải trí (chỗ chơi bowling) – để cho những người khác có thể được có trường học, thư viện, và bệnh viện.

Nếu bạn muốn thấy các kết quả cuối cùng và ý nghĩa đầy đủ của quan điểm bộ lạc về của cải – xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt giữa hành động của tư nhân và hành động của chính phủ, giữa sản xuất và vũ lực, sự tận diệt khái niệm “quyền”, tận diệt sự tồn tại thực tế của một con người cá nhân, và thay thế nó bằng quan điểm coi con người như là những súc vật thồ có thể thay thế cho nhau hay như “các yếu tố sản xuất” – bạn hãy nghiên cứu đoạn sau đây:

Chủ nghĩa tư bản có định kiến chống lại khu vực công vì hai lý do. Thứ nhất, tất cả sản phẩm và thu nhập đều đổ dồn (?) trước tiên về khu vực tư trong khi các nguồn lực tới tay khu vực công thông qua một quá trình thuế má khổ sở. Các nhu cầu công cộng chỉ được thỏa mãn bởi sự chịu đựng của những người tiêu thụ trong vai trò người trả thuế [thế còn nhà sản xuất thì sao?], những người mà đại diện chính trị của họ nhận thức một cách sâu sắc về tình cảm nhân hậu [!] của những người đã ủy nhiệm cho mình về thuế má. Ý kiến cho rằng người dân biết rõ hơn chính phủ về việc phải làm gì với thu nhập của mình là quan niệm hấp dẫn hơn một quan điểm ngược lại nói rằng nhờ đóng thuế, người ta nhận được nhiều hơn so với khi mất tiền vì các hình thức chi tiêu khác. [Theo lý thuyết giá trị nào? Theo đánh giá của ai?]…

Thứ hai, áp lực của khu vực tư phải bán được hàng dẫn tới một số lượng cực kỳ nhiều phương tiện bán hàng hiện đại, có ảnh hưởng tới lựa chọn của người tiêu dùng và định hướng các giá trị của người tiêu dùng tới tiêu thụ cá nhân… [Điều này nghĩa là mong muốn của bạn được chi tiêu số tiền bạn kiếm được hơn là để tiền bị lấy khỏi túi bạn, chỉ là một định kiến.] Vì lý do đó, nhiều chi tiêu cá nhân bị đổ vào các nhu cầu mà không cấp thiết lắm theo bất kỳ một nghĩa cơ bản nào. [Cấp thiết – với ai? Nhu cầu nào là “cơ bản”, ngoài một hang động, một tấm da gấu, và một khoanh thịt sống?] Hệ luận tất yếu là nhiều nhu cầu công cộng bị bỏ qua bởi lẽ các nhu cầu tư nhân bề mặt, được sinh ra một cách nhân tạo, đã cạnh tranh thành công để có được cùng những nguồn lực đó. [Các nguồn lực của ai?]…

So sánh sự phân phối nguồn lực cho khu vực công và tư dưới chủ nghĩa tư bản và dưới chủ nghĩa tập thể XHCN đang sáng tỏ. [Quả có thế.] Trong nền kinh tế tập thể, tất cả nguồn lực hoạt động trong khu vực công và được dành cho cho giáo dục, quốc phòng, y tế, phúc lợi và các nhu cầu công cộng khác mà không có sự dịch chuyển thông qua thuế. Tiêu dùng cá nhân bị hạn chế trong những đòi hỏi được phép [phép của ai?] đối kháng với sản phẩm xã hội, cũng như các dịch vụ công trong nền kinh tế tư bản bị giới hạn trong những đòi hỏi được cho phép, đối kháng lại khu vực tư. [Phần in nghiêng là của tôi.] Trong nền kinh tế tập thể, nhu cầu công cộng được hưởng đúng loại ưu tiên mà tiêu dùng cá nhân được hưởng trong nền kinh tế tư bản. Ở Liên bang Xô Viết, giáo viên rất đông, nhưng xe hơi thì hiếm, trong khi tình hình ở Mỹ lại ngược lại.

Đây là kết luận của bài viết đó:

Các dự đoán liên quan đến sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản phần nào là vấn đề định nghĩa. Người ta thấy ở khắp nơi trong các nước tư bản một sự dịch chuyển hoạt động kinh tế từ khu vực tư sang khu vực công… Vào cùng thời điểm đó [sau Thế chiến II] tiêu dùng cá nhân có vẻ như đã được trù định là sẽ tăng ở các nước cộng sản. [Như là lượng tiêu thụ lúa mì?] Hai hệ thống kinh tế dường như được kéo lại gần nhau hơn nhờ hội tụ những thay đổi từ cả hai phía. Tuy nhiên những khác biệt đáng kể trong cấu trúc kinh tế vẫn tồn tại. Dường như có lý khi giả định rằng xã hội nào đầu tư nhiều hơn vào con người sẽ tiến bộ nhanh chóng hơn và thừa kế tương lai. Ở khía cạnh quan trọng này, trong mắt một số nhà kinh tế, chủ nghĩa tư bản vận hành trong thế bất lợi cơ bản nhưng không phải là không thể tránh được, để cạnh tranh với chủ nghĩa tập thể.

Quá trình tập thể hóa nền nông nghiệp Xô Viết đã đạt được bằng các kiểu nạn đói do chính phủ thiết kế nên – kế hoạch hóa thực hiện một cách cố ý để cưỡng bức nông dân vào các nông trang tập thể; những kẻ thù của nước Nga Xô Viết tuyên bố rằng 15 triệu nông dân đã chết trong nạn đói đó; chính phủ Xô Viết thừa nhận cái chết của 7 triệu nhân mạng.

Vào cuối Thế chiến II, các kẻ thù của Nga Xô tuyên bố rằng 30 triệu người đang lao động cưỡng bức trong các trại tập trung của Xô Viết (và đang hấp hối vì nạn thiếu dinh dưỡng theo kế hoạch, mạng người rẻ hơn lương thực); những kẻ biện hộ cho Nga Xô thừa nhận con số 12 triệu người.

Đấy là cái mà cuốn Từ điển bách khoa Anh đã gọi là “đầu tư vào con người”.

Trong một nền văn hóa nơi những tuyên bố như thế được đưa ra mà không bị trừng phạt gì về trí tuệ, được đưa ra trong một vòng hào quang ca ngợi sự đúng đắn về đạo đức, thì những người tội lỗi nhất không phải là những người theo chủ nghĩa tập thể; người tội lỗi nhất là người mà, do không đủ can đảm để thách thức chủ nghĩa thần bí hay chủ nghĩa vị tha, đã tìm cách bỏ qua các vấn đề lý trí và đạo đức, và bảo vệ hệ thống lý trí và đạo đức duy nhất trong lịch sử nhân loại – chủ nghĩa tư bản – trên đủ thứ căn cứ mà lại không phải là dựa trên lý trí và đạo đức.

Chú thích: 

(1) Để thảo luận về quan điểm mặc định của nhà triết học liên quan tới chủ nghĩa tư bản, xem tiểu luận tựa đề trong cuốn For the New Intellectual (Cho người trí thức mới) của tôi.

Nguồn bản dịch: Rand, Ayn (2010[1965]). Chủ nghĩa tư bản là gì? Phạm Đoan Trang dịch. Nguyên tác: What Is Capitalism (1965) https://ari.aynrand.org/issues/government-and-business/capitalism/

Dịch giả:
Phạm Đoan Trang