[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 1)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XI: Vòng xoáy đi lên (Phần 1)

ĐẠO LUẬT ĐEN (BLACK ACT)

LÂU ĐÀI WINDSOR tọa lạc về phía tây Luân Đôn là một trong những nơi trú ngụ của hoàng gia Anh. Vào đầu thế kỷ 18, bao quanh lâu đài là một khu rừng rậm đầy hươu sinh sống, dù ngày nay những dấu tích này không còn nhiều. Một trong những người gác rừng năm 1722 là Baptist Nunn đã bị kẹt trong một cuộc chiến bạo lực. Ông viết trong nhật ký ngày 27/6:

Bọn đen xuất hiện giữa đêm và bắn ba phát đạn, hai viên trúng cửa sổ phòng mình và mình buộc phải chấp nhận trả chúng 5 ghinea vào ngày 30 ở Crowhorne.

Trong một đoạn nhật ký khác Nunn viết: “Một điều ngạc nhiên mới mẻ. Một tên ngụy trang đã đem đến thông điệp hủy diệt”.

Bọn “Đen” bí ẩn đó là ai mà có những hành động đe dọa, bắn Nunn và đòi tiền? Những nhóm đàn ông trong vùng bôi đen mặt để che giấu diện mạo vào ban đêm xuất hiện khắp miền nam nước Anh trong thời kỳ này. Chúng tàn sát hươu và các động vật khác, đốt cháy các kho cỏ khô, lương thực, phá hoại hàng rào, ao cá. Trên bề nổi thì đây là tình trạng vô luật pháp, nhưng không hẳn vậy. Săn bắt hươu bất hợp pháp trên đất đai thuộc sở hữu của vua và quý tộc đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Toàn bộ số hươu ở Lâu đài Windsor đã bị giết trong cuộc nội chiến vào thập niên 1640. Sau thời kỳ Trung hưng vào năm 1660, Vua Charles II lên ngôi và hươu bắt đầu sinh sôi trở lại. Thế nhưng bọn Đen không đơn thuần săn hươu lấy thịt mà chúng tàn sát hươu vô tội vạ. Vì mục đích gì?

Cuộc Cách mạng Vinh quang 1688 đã xây dựng được một nền móng quan trọng là đại diện lợi ích đa nguyên trong Quốc hội. Thời kỳ này không ai đủ mạnh để có thể áp đặt ý chí chuyên chế của mình trong Quốc hội, dù là thương gia, nhà công nghiệp, quý tộc nhỏ hay tầng lớp quý tộc liên minh với Vua William xứ Orange mà sau này là liên minh dưới triều Hanover, người kế vị Nữ hoàng Anne năm 1714.

Những nỗ lực phục hồi đế chế Stuart vẫn được tiếp tục trong suốt hầu hết thế kỷ XVIII. Sau cái chết của Vua James II vào năm 1701, con trai ông là James Francis Edward Stuart, còn được gọi là “the Old Pretender” (nghĩa là “Kẻ tự xưng vương già”) được Pháp, Tây Ban Nha, giáo hoàng và những người ủng hộ đế chế Stuart ở Anh và Scotland hay còn gọi là những người theo phái Jacobite công nhận là người kế vị hợp pháp của Vương triều Anh. Năm 1708 James Stuart âm mưu giành lại ngôi báu với sự giúp đỡ của quân Pháp nhưng thất bại. Những thập niên sau đó chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy của phái Jacobite, trong đó có những cuộc nổi dậy lớn vào năm 1715 và 1719. Từ năm 1745 đến 1746, con trai của “Kẻ tự xưng vương già” là Charles Edward Stuart, còn được gọi là “Kẻ tự xưng vương trẻ”, cũng mưu đồ đoạt lại ngai vàng nhưng lực lượng của ông đã bị quân đội Anh đánh bại.

Như chúng ta đã thấy ở chương 7, Đảng Whig được thành lập vào những năm 1670 nhằm mục đích đại diện cho lợi ích thương mại và kinh tế mới xuất hiện. Đây là tổ chức chính yếu nằm sau cuộc Cách mạng Vinh quang. Từ 1714 đến 1760, đảng Whig chiếm đa số ghế trong Quốc hội. Khi đã có quyền lực trong tay, họ lại không tránh được cám dỗ lợi dụng vị thế mới giành được này để lấn át quyền của những người khác, giành lấy phần bánh của mình và ăn cho bằng hết. Họ không khác gì so với những ông vua Stuart, nhưng quyền lực của họ còn lâu mới là tuyệt đối. Quyền lực của họ không những bị các nhóm đối lập trong Nghị viện kiềm chế, đặc biệt là Đảng Tory vốn được thành lập để đối đầu với Đảng Whig, mà còn bị giới hạn bởi chính những thể chế mà họ đã đấu tranh để đưa vào nhằm củng cố Quốc hội và ngăn ngừa sự hình thành của một chủ nghĩa chuyên chế mới và sự trở lại của vương triều Stuart. Xã hội đa nguyên xuất hiện từ sau cuộc Cách mạng Vinh quang cũng có nghĩa là phần đông dân chúng, kể cả những người không có đại diện chính thức trong Quốc hội, đã được trao quyền, và “phong trào đen” chính là lời đáp trả của dân chúng khi nhận ra những người đảng Whig đang lạm dụng vị thế của họ.

Trường hợp của William Cadogan, một vị tướng có nhiều chiến tích trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha (War of the Spanish Succession) từ năm 1701 đến 1714 và trong cuộc đàn áp các cuộc nổi dậy của phái Jacobite là một minh họa cho việc đảng Whig lấn quyền của dân chúng đã dẫn đến “phong trào đen” như thế nào. Vua George I phong tước cho Cadogan vào năm 1716 và sau đó là bá tước vào đầu năm 1718. Cadogan cũng là một thành viên có ảnh hưởng của Hội đồng Nhiếp chính Thượng thẩm (Regency Council of Lords Justices) chi phối hầu hết mọi việc chính sự của nhà nước. Ông phục vụ với tư cách là tổng chỉ huy của Hội đồng này. Cadogan mua một khu đất lớn khoảng một nghìn mẫu ở Caversham, cách Windsor khoảng 20 dặm về phía tây. Tại đây ông xây dựng một dinh thự lớn với khuôn viên chỉn chu và khoanh vùng khu rừng rộng 240 mẫu để nuôi hươu. Tuy nhiên sự hình thành khu đất này đã xâm phạm quyền lợi của cư dân trong vùng. Người dân bị thu hồi đất, bị tước quyền chăn thả gia súc, thu lượm củi đốt và than bùn. Cadogan phải đối diện với sự phẫn nộ của bọn Đen. Vào ngày 1/1/1722, và lặp lại vào tháng 7, những người bôi mặt đen cưỡi ngựa có vũ trang đã tấn công khu rừng. Cuộc tấn công đầu tiên giết chết 16 con hươu. Không chỉ có một mình bá tước Cadogan. Rừng của nhiều người quyền thế và các chính trị gia khác cũng bị bọn Đen tấn công.

Chính quyền Whig không có ý định làm ngơ trước tình trạng này. Tháng 5/1723, Quốc hội thông qua Đạo luật Đen trong đó bổ sung 50 vi phạm phải chịu hình phạt tử hình bằng treo cổ. Theo Đạo luật Đen, mang vũ khí hay bôi mặt đen đều phạm tội. Trên thực tế, luật này nhanh chóng được sửa đổi để bổ sung điều khoản phạt tử hình đối với hành vi bôi mặt đen. Giới quyền thế trong đảng Whig thực thi đạo luật này một cách gắt gao. Baptist Nunn đã thiết lập một mạng lưới cung cấp thông tin ở Rừng Windsor để truy tìm tung tích của bọn Đen, và chẳng bao lâu sau đã bắt được một số. Việc chuyển từ bắt giữ sang treo cổ hẳn đã có thể là một sự vụ suôn sẻ.

Rốt cục thì Đạo luật Đen đã được thực thi, những người theo đảng Whig thao túng Quốc hội, Quốc hội chịu trách nhiệm trước đất nước, mà bọn đen lại hành động đi ngược lại lợi ích của một số người có quyền lực của đảng Whig. Ngay cả Sir Robert Walpole, bộ trưởng, bấy giờ là thủ tướng cũng có liên quan. Giống như Cadogan, Walpole là một thành viên có ảnh hưởng khác của Hội đồng Nhiếp chính Thượng thẩm. Ông ta được ban cho khu rừng Richmond nằm ở phía tây nam Luân Đôn. Khuôn viên này do Vua Charles I lập ra từ đất công. Việc chiếm đất công đã xâm phạm quyền lợi truyền thống của cư dân địa phương trong việc chăn thả gia súc, săn bắt thỏ và thu lượm củi. Tuy nhiên do khu đất này được quản lý lỏng lẻo, việc chăn thả và săn bắt vẫn tiếp diễn cho đến khi Walpole giao việc quản rừng cho con trai ông. Lúc đó khu rừng mới bị đóng cửa, tường bao được xây dựng và bẫy người được lắp đặt. Walpole có sở thích săn hươu. Ông có một căn nhà gỗ ở Hougton, ngay trong khu rừng. Đến đây sự uất ức của dân chúng trong vùng, mà cụ thể là những người bôi mặt đen, đã sớm được thổi bùng.

Vào ngày 10/11/1724, một cư dân sống ở bìa rừng là John Huntridge bị buộc tội giúp đỡ bọn trộm hươu và đồng mưu với những kẻ bôi mặt đen đã bị bắt. Cả hai tội danh đều phải chịu mức án treo cổ. Việc truy tố Huntridge do Hội đồng Nhiếp chính Thượng thẩm ra lệnh, mà trong đó Walpole và Cadogan là những người cầm trịch. Walpole thậm chí còn tự thu thập chứng cứ phạm tội của Huntridge thông qua tên chỉ điểm là Richard Blackburn. Việc kết tội chắc hẳn có thể tiên đoán được. Nhưng không, sau phiên xử kéo dài 8-9 tiếng, bồi thẩm đoàn kết luận Huntridge vô tội một phần dựa trên cơ sở quy trình mà cụ thể là một số bất thường trong phương pháp thu thập chứng cứ.

Không phải kẻ bôi mặt đen nào hay những người đồng cảm với họ cũng may mắn như Huntridge. Mặc dù một số người cũng được tha bổng hoặc giảm hình phạt, nhiều người đã bị treo cổ hoặc bị đày khổ sai ở thuộc địa, bấy giờ là Bắc Mỹ; luật này trên thực tế vẫn tồn tại trên giấy tờ và chỉ được bãi bỏ năm 1824. Tuy nhiên chiến thắng của Huntridge là một kỳ tích. Thành viên bồi thẩm đoàn không phải là đồng môn của Huntridge mà là các chủ đất và quý tộc nhỏ, những người lẽ ra phải ủng hộ cho Walpole. Nhưng bấy giờ không còn là thế kỷ 17 khi Tòa Sao (Court of Star Chamber) chỉ việc đơn giản làm theo ý chí của triều đình Stuart và hoạt động với tư cách là một công cụ đàn áp công khai, trong đó nhà vua sẽ bãi nhiệm những thẩm phán đưa ra quyết định đi ngược lại lợi ích triều đình. Lúc này kể cả thành viên đảng Whig cũng phải tuân thủ thượng tôn pháp luật. Đây là nguyên tắc trong đó pháp luật không được thực thi một cách chọn lọc hay võ đoán, và không ai được phép đứng trên pháp luật.

NHỮNG SỰ KIỆN XUNG QUANH ĐẠO LUẬT ĐEN cho thấy cuộc Cách mạng Vinh quang đã tạo ra một chế độ thượng tôn pháp luật. Khái niệm này đã có sức sống mạnh mẽ ở Anh nói riêng và Liên hiệp Anh nói chung. Giới quyền chức đã bị nguyên tắc này trói buộc nhiều hơn chính bản thân họ hình dung. Đáng chú ý, thượng tôn pháp luật không giống với pháp trị (rule by law - cai trị bằng luật pháp). Thậm chí nếu những người theo đảng Whig có khả năng thông qua một đạo luật hà khắc và sử dụng các biện pháp đàn áp để quét sạch những trở ngại từ dân chúng thì họ cũng phải đấu tranh với những trói buộc khác của chế độ thượng tôn pháp luật. Luật của đảng Whig đã xâm phạm quyền lợi của người dân vốn là thành quả của cuộc Cách mạng Vinh quang và những thay đổi trong thể chế chính trị mà cuộc cách mạng này đã đem lại thông qua việc xóa bỏ đặc quyền “thần thánh” của vua và đặc lợi của giới quý tộc. Như vậy thượng tôn pháp luật nghĩa là cả giới quý tộc cũng như không phải quý tộc đều chống lại việc thực thi Đạo luật Đen của đảng Whig.

Thượng tôn pháp luật là một khái niệm kỳ lạ nếu chúng ta nhìn nhận nó từ khía cạnh lịch sử. Tại sao luật pháp lại phải được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người? Nếu vua và tầng lớp quý tộc có sức mạnh chính trị còn dân chúng thì không, lẽ tự nhiên là cuộc chơi công bằng cho vua và tầng lớp quý tộc nghĩa là họ có quyền cấm đoán và trừng phạt những người còn lại. Thực tế, khó mà hình dung được chế độ thượng tôn pháp luật trong các thể chế chính trị chuyên chế. Thượng tôn pháp luật là sản phẩm của các thể chế chính trị đa nguyên và của những liên minh rộng rãi ủng hộ cho chủ nghĩa đa nguyên đó. Chỉ khi nào nhiều cá nhân và tổ chức cùng có tiếng nói trong một quyết định và có đủ quyền lực chính trị để có ghế trong cùng một bàn nghị sự thì ý tưởng về công bằng mới bắt đầu có ý nghĩa. Đến đầu thế kỷ 18, Liên hiệp Anh đã tồn tại chế độ đa nguyên và giới quyền thế của đảng Whig cũng nhận ra rằng, họ sẽ bị chính luật pháp và thể chế trói buộc, đúng như ý niệm về thượng tôn pháp luật bao hàm.

Vậy thì tại sao những người đảng Whig và thành viên Quốc hội lại phải nhượng bộ trước những trở lực này? Tại sao họ không tận dụng khả năng kiểm soát của mình đối với Quốc hội và nhà nước để ép buộc thực thi Đạo luật Đen một cách không thỏa hiệp và đảo ngược những quyết định của tòa án đi ngược lại ý muốn của họ? Trả lời câu hỏi này giúp chúng ta hiểu được tính chất của cuộc Cách mạng Vinh quang - vì sao nó không chỉ đơn thuần thay thế chủ nghĩa chuyên chế cũ bằng một chế độ chuyên chế mới. Thành tựu của Cuộc Cách mạng Vinh quang là sự kết nối giữa chủ nghĩa đa nguyên, thượng tôn pháp luật và động năng của vòng xoáy đi lên. Như chúng ta đã thấy ở chương 7, cuộc Cách mạng Vinh quang không lật đổ tầng lớp thượng lưu này để thay thế bằng tầng lớp thượng lưu khác mà nó là cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa chuyên chế bằng một liên minh rộng lớn bao gồm tầng lớp quý tộc nhỏ, thương gia, nhà sản xuất và các nhóm như đảng Whig và đảng Tory. Sự xuất hiện của các thể chế chính trị đa nguyên là một thành quả của cuộc cách mạng này. Thượng tôn pháp luật cũng hình thành như là một hệ quả của tiến trình đó. Trước sự hiện diện của nhiều đảng cùng chia sẻ quyền lực, lẽ tự nhiên là phải có luật pháp và những ràng buộc đối với tất cả các đảng, nếu không một đảng sẽ bắt đầu thâu tóm quá nhiều quyền lực và cuối cùng sẽ làm lũng đoạn chính nền tảng của chế độ đa nguyên. Do đó bản chất của chế độ thượng tôn pháp luật là sự giới hạn và trói buộc đối với những người cầm quyền. Đây cũng chính là lôgic của chủ nghĩa đa nguyên được hình thành nhờ liên minh rộng lớn với mục đích ban đầu là chống lại chế độ chuyên chế của triều đình Stuart.

Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi nguyên tắc thượng tôn pháp luật cùng với sự xóa bỏ đặc quyền thần thánh của triều đình trên thực tế đã trở thành lập luận then chốt chống lại chủ nghĩa chuyên chế Stuart. Dẫn lời sử gia người Anh E.P Thompson, trong cuộc đấu tranh chống lại nền quân chủ Stuart, “đã có những nỗ lực phi thường… để tạo ra hình ảnh của tầng lớp thống trị mà chính bản thân nó phải chấp nhận thượng tôn pháp luật, và sự chính danh của nó phụ thuộc vào tính công bằng và phổ quát của những hình thái luật pháp đó. Và những người cầm quyền, nói một cách nghiêm túc, dù muốn hay không cũng là tù nhân của chính luận điệu của họ; họ chơi trò chơi quyền lực theo luật có lợi cho họ, nhưng họ không thể phá luật của cả cuộc chơi vì như vậy toàn bộ cuộc chơi sẽ không còn nữa”.

Phá hỏng cuộc chơi sẽ làm cho cả hệ thống bất ổn và mở đường cho chủ nghĩa chuyên chế của một tập hợp con trong liên minh rộng lớn và thậm chí là sự trở lại của những người theo Stuart. Theo lời Thompson, điều ngăn cản Quốc hội không tạo ra một chủ nghĩa chuyên chế mới là: “Loại bỏ luật pháp thì quyền tối hậu của hoàng gia… có thể được khôi phục và trở thành mối nguy cho chính tài sản và mạng sống của họ”.

Hơn nữa, “chính phương tiện mà họ (giới quý tộc, thương gia… chống lại triều đình) đã lựa chọn để tự vệ tự bản thân nó không thể chỉ được dùng cho mục đích phục vụ giai cấp của họ. Luật pháp, trong định dạng và truyền thống của nó, đã bao gồm những nguyên tắc về bình đẳng và phổ quát vốn phải được áp dụng cho mọi tầng lớp nhân dân”.

Khi đã được thiết lập, nguyên tắc thượng tôn pháp luật không chỉ ngăn chặn sự trở lại của chủ nghĩa chuyên chế mà còn tạo ra một dạng vòng xoáy đi lên: nếu pháp luật được áp dụng công bằng cho tất cả mọi người thì không ai hay nhóm nào, ngay cả Cadogan hay Walpole, có thể đứng trên pháp luật, và dân thường bị buộc tội xâm phạm lãnh địa tư nhân cũng có quyền được xét xử công bằng.

CHÚNG TA ĐÃ BIẾT CÁC THỂ CHẾ kinh tế và chính trị dung hợp được hình thành như thế nào. Nhưng tại sao các thể chế này có thể duy trì qua thời gian? Câu chuyện về Đạo luật Đen và giới hạn áp dụng của nó đã minh họa cho vòng xoáy đi lên, một tiến trình phản hồi tích cực mạnh mẽ giúp bảo vệ các thể chế này trước những mưu đồ xóa bỏ chúng, và trên thực tế, tạo lực đẩy dẫn đến tình trạng dung hợp cao hơn. Lôgic của vòng xoáy đi lên xuất phát một phần từ thực tế là các thể chế dung hợp được đặt trên nền tảng những trở lực áp đặt lên việc thực thi quyền lực và trên cơ sở phân phối quyền lực đa nguyên trong xã hội vốn là dấu ấn của thượng tôn pháp luật. Khả năng để một tập hợp con áp đặt ý chí của mình lên người khác mà không có sự kiềm chế, thậm chí nếu những người khác chỉ là thường dân như Huntridge, sẽ đe dọa trạng thái cân bằng này. Nếu nó chỉ tạm thời bị gián đoạn trong trường hợp nông dân chống lại hành động chiếm hữu đất công của giới quyền thế thì có gì để đảm bảo là nó sẽ không tiếp tục bị gián đoạn? Và trong lần gián đoạn tiếp theo, điều gì sẽ ngăn cản triều đình và giới quý tộc lấy lại những gì mà thương gia, doanh nhân và quý tộc nhỏ đã giành được trong suốt nửa thế kỷ đấu tranh? Thực tế, ở lần gián đoạn tiếp theo có lẽ toàn bộ sự tồn tại của chủ nghĩa đa nguyên sẽ bị sụp đổ, vì một nhóm lợi ích nhỏ sẽ nắm quyền kiểm soát thay cho liên minh rộng lớn. Hệ thống chính trị sẽ không dám liều lĩnh vì điều này. Tuy nhiên chính điều này đã giúp chủ nghĩa đa nguyên, và nguyên tắc thượng tôn pháp luật mà nó bao hàm, trở thành đặc điểm bền bỉ của các thể chế chính trị của Liên hiệp Anh. Và chúng ta sẽ thấy rằng một khi chế độ đa nguyên và nguyên tắc thượng tôn pháp luật được thiết lập, thì trong tiến trình chính trị sẽ có những đòi hỏi đa nguyên thậm chí cao hơn và sự tham gia thậm chí rộng rãi hơn.

Vòng xoáy đi lên xuất hiện không chỉ từ lôgic tự thân của chế độ đa nguyên mà còn vì các thể chế chính trị dung hợp có xu hướng ủng hộ cho các thể chế kinh tế dung hợp. Điều này đến lượt nó sẽ dẫn đến sự phân phối công bằng hơn về thu nhập, trao quyền cho một bộ phận xã hội rộng lớn hơn và tạo ra sân chơi chính trị cân bằng hơn. Nó giới hạn những gì một người có thể đạt được từ việc thâu tóm quyền lực chính trị và giảm động cơ khuyến khích nhằm tái tạo các thể chế chính trị chiếm đoạt. Những nhân tố này đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành các thể chế chính trị thực sự dân chủ ở Liên hiệp Anh.

Chủ nghĩa đa nguyên cũng tạo ra một hệ thống cởi mở hơn và cho phép sự nở rộ của giới truyền thông độc lập, tạo điều kiện cho các nhóm có lợi ích trong việc duy trì thể chế dung hợp nhận thức và tổ chức lại để chống lại những mối đe dọa đối với những thể chế này. Một điều rất quan trọng là nhà nước Anh đã ngừng kiểm duyệt truyền thông từ sau năm 1688. Truyền thông đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc trao quyền cho dân chúng nói chung và trong việc duy trì vòng xoáy đi lên trong quá trình phát triển thể chế ở Mỹ, như chúng ta sẽ thấy trong chương này.

Trong khi vòng xoáy đi lên tạo ra khuynh hướng giúp duy trì các thể chế dung hợp, thì nó lại không phải là xu thế tất yếu hay không thể đảo ngược. Cả ở Liên hiệp Anh và Mỹ, các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp đều phải đối mặt với nhiều thử thách. Năm 1745 James Stuart đã đem quân đến tận Derby cách Luân Đôn 100 dặm với mưu đồ lật đổ các thể chế chính trị được thành lập từ sau cuộc Cách mạng Vinh quang. Ông ta đã thất bại. Quan trọng hơn cả những thách thức từ bên ngoài, thách thức từ trong lòng thể chế cũng có thể dẫn đến kết cục giải tán các thể chế dung hợp. Như chúng ta đã thấy trong câu chuyện Cuộc thảm sát Peterloo ở Manchester năm 1819, và như chúng ta sẽ nói kỹ hơn sau đây, giới quyền thế chính trị của Anh đã nghĩ đến việc sử dụng biện pháp đàn áp để tránh phải mở cửa hệ thống chính trị rộng rãi hơn, nhưng họ đã phải dừng lại. Tương tự, các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp ở Mỹ đã phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng tưởng chừng không thể vượt qua. Và tất nhiên, việc vượt qua được những thách thức này không phải là tất định. Thành công không chỉ nhờ vòng xoáy đi lên mà còn nhờ sự thiết lập con đường lịch sử khả dĩ mà các thể chế dung hợp của Liên hiệp Anh và Mỹ đã đi qua và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh