Tại sao Việt Nam không nên chấp nhận lạm phát cao?

Tại sao Việt Nam không nên chấp nhận lạm phát cao?

Gần đây tôi có nghe một số chuyên gia kinh tế phát biểu rằng Việt Nam có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn mục tiêu 4% để cứu nền kinh tế, viện cớ rằng nền kinh tế cần phục hồi sau đại dịch Covid-19, giá nguyên – nhiên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh do chiến tranh Nga – Ukraine hay lạm phát cao ở Mỹ và châu Âu.

Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ quá đỗi nguy hiểm, cần được các cơ quan điều hành kinh tế gạt bỏ ra khỏi đầu. Dưới đây là các lý do tại sao lại phải như vậy.

Trước hết, dù không tuyên bố nhưng Chính phủ Việt Nam trong 6-7 năm gần đây đã điều hành chính sách tiền tệ hướng đến lạm phát mục tiêu dao động trong khoảng 2-4%/năm. Chính sách này, song hành với chính sách kiểm soát nợ công, đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô, từ đó giúp Chính phủ có nhiều dư địa tập trung vào giải quyết các vấn đề cơ cấu và môi trường kinh doanh của nền kinh tế. Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng bền vững trong nửa thập kỷ vừa qua và tiếp tục đứng vững được trước dông bão của đại dịch Covid-19 năm ngoái cũng như các cú sốc địa chính trị hiện nay.

Người ta có thể viện cớ rằng việc “thả” lạm phát tăng 6-7% chỉ mang tính nhất thời. Nhưng kinh nghiệm của Việt Nam trước đây, trên thế giới trong thập niên 1960-1970, và ở nhiều nước phát triển hiện nay cho thấy, một khi các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có thái độ chủ quan, thả cho lạm phát chạy, coi lạm phát chỉ là nhất thời (transitory), thì nó nhanh chóng trở thành dai dẳng (persistent). Các chính phủ sẽ bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu không chống thì lạm phát sẽ tiếp tục tăng, còn nếu chống thì nền kinh tế sẽ bị đình trệ. Chẳng khác gì ngồi trên lưng hổ; đã trót ngồi lên rồi thì cứ phải chạy, nhảy xuống sẽ bị hổ ăn thịt. Thế nên, tất cả các cơ quan chính phủ và toàn bộ nền kinh tế đều phải quay cuồng chống chọi với lạm phát nhưng sao cho không dẫn đến suy thoái kinh tế. Hàng loạt chính sách phát triển kinh tế khác sẽ phải gác lại để ưu tiên cho mục tiêu này.

Lạm phát, một khi được thực hiện một cách chủ động bởi các cơ quan điều hành của Chính phủ, chẳng khác nào là hành động tước đoạt tài sản của người nghèo.

Thứ hai, lạm phát, một khi được thực hiện một cách chủ động bởi các cơ quan điều hành của Chính phủ, chẳng khác nào là hành động tước đoạt tài sản của người nghèo. Người giàu có thể chống chọi được với lạm phát nhờ có tài sản tích lũy. Họ sẽ có cơ hội giàu hơn nhờ giá tài sản tăng trở lại khi lạm phát qua đi. Trong khi đó người nghèo sẽ bị vắt kiệt mọi đồng tiết kiệm để bù đắp cho sự gia tăng giá cả của hàng hóa thiết yếu mà họ buộc phải chi tiêu.

Người ta có thể biện minh rằng Chính phủ có thể hỗ trợ người nghèo qua các chính sách trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, tất cả các chính sách trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước cho những mục tiêu nhất thời đều có nhiều bất cập. Hoặc khoản trợ cấp không đến được địa chỉ cần giúp, hoặc không đến được đúng thời điểm cần trợ giúp, hoặc dẫn đến cơ chế xin-cho, tham nhũng… Những bất cập này là của mọi quốc gia, nhưng tệ hơn ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhiều khoản trợ cấp của Chính phủ cho người nghèo ban hành trong giai đoạn đại dịch Covid-19 cho đến nay vẫn chưa giải ngân được là một ví dụ. Ngoài ra, chính sách trợ cấp quá đà có thể khiến cân đối ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng, tạo ra vòng xoáy in tiền để bù đắp chi tiêu chính phủ, gây ra lạm phát phi mã như trường hợp của Sri Lanka gần đây.

Thứ ba, việc cho rằng nếu lạm phát của Việt Nam có tăng lên cao, chẳng hạn 6-7%, thì đấy là do các yếu tố khách quan, bên ngoài như giá xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh. Nhưng lạm phát dai dẳng chưa ở đâu và chưa bao giờ là do yếu tố phi tiền tệ. Như chúng ta quan sát giá hàng hóa thế giới hiện nay (theo đô la Mỹ), có thể giá xăng dầu tăng nhưng giá một số hàng hóa khác, chẳng hạn sắt thép lại giảm; giá lúa mì, giá bắp tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng lại quay trở lại mức giá đầu năm 2022… Sự thay đổi giá cả của từng hàng hóa khi đó hoàn toàn phản ánh khả năng cung ứng cũng như sức tiêu thụ của hàng hóa đó trong nền kinh tế. Đấy là chưa loại trừ sự tăng giá của những mặt hàng này do yếu tố lạm phát dai dẳng của Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Vì thế, nếu như Chính phủ kiên định mục tiêu lạm phát 4%, tức phải điều hành cung tiền trong nền kinh tế sao cho đảm bảo vừa đủ nhu cầu lưu thông, thanh khoản trong nền kinh tế, thì sẽ luôn có hiện tượng giá cả của một số mặt hàng tăng nhưng một số mặt hàng khác giảm, và giá cả trung bình của tổng thể hàng hóa tiêu dùng trên thị trường sẽ hầu như không tăng, hoặc chỉ tăng nhẹ trong phạm vi mục tiêu đã đề ra của Chính phủ.

Có thể có người cho rằng vì lạm phát tăng mạnh ở Mỹ và nhiều nước phát triển nên Việt Nam không thể tránh khỏi nhập khẩu lạm phát. Đây là một ngụy biện. Trong bất kỳ nền kinh tế nào, hàng hóa nhập khẩu chỉ chiếm một tỷ trọng nhất định. Nếu là hàng hóa tiêu dùng như quần áo hay bơ sữa nhập khẩu, khi giá cả của chúng tăng, chúng sẽ đối diện với việc bị hàng nội địa cạnh tranh thay thế, dẫn đến quy mô tiêu thụ của những mặt hàng đó giảm; tất nhiên, giá cả của các mặt hàng nội địa có thể tăng theo, nhưng nếu ngân sách chi tiêu của người tiêu dùng dành cho những mặt hàng đó không đổi thì cầu của ngành đó sẽ bị giảm, tạo ra áp lực buộc các nhà nhập khẩu cũng như nhà sản xuất những mặt hàng hóa đó phải giảm giá, chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.

Nếu đó là những hàng hóa tư liệu sản xuất như xăng dầu hay máy móc thiết bị, thì chúng ta đều biết rằng chúng chỉ cấu thành một phần giá cả hàng hóa. Nếu chi phí nhân công không tăng, giá nguyên liệu đầu vào khác sản xuất trong nước không tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước sẽ phải gánh chịu phần tăng giá đó, chấp nhận biên lợi nhuận giảm, nếu như họ không thể đẩy được chúng sang giá hàng hóa tiêu dùng. Và tương tự như hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, việc có tăng được giá hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sức mua của người tiêu dùng.

Thứ tư, người ta có thể viện cớ vào lập luận ở ngay trên, rằng doanh nghiệp trong nước sẽ không thể chịu được thua lỗ khi giá đầu vào tăng (do nhập khẩu lạm phát) trong khi sức mua của người dân không tăng hoặc thậm chí giảm (vì giá hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu tăng). Đây cũng là một ngụy biện. Có thể một số doanh nghiệp thua lỗ nhưng không phải hầu hết hoặc tất cả các doanh nghiệp đều thua lỗ. Nếu quả như thế thì sức mua của nền kinh tế đã bị suy giảm rất mạnh, và điều này ắt sẽ khiến cho giá cả của đa số mặt hàng giảm theo, và khi đó nền kinh tế phải đối diện với nguy cơ giảm phát, CPI tăng dưới 2%, chứ không phải tăng lên vượt quá mục tiêu 4%.

Trong trường hợp một số doanh nghiệp lãi, một số doanh nghiệp lỗ ở mức độ nhiều ít khác nhau thì đó là chuyện bình thường của nền kinh tế. Ở một số thời điểm, doanh nghiệp ngành này sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn những ngành khác. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch chịu thua thiệt nhưng các doanh nghiệp công nghệ lại được hưởng lợi; giai đoạn nhập khẩu lạm phát, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như gạo, cá tra… được hưởng lợi trong khi những doanh nghiệp trong các ngành vận tải lại thua thiệt.

Cuối cùng, người ta có thể viện cớ rằng thời điểm hiện nay là thời điểm đặc biệt (đại dịch Covid-19 vẫn còn, chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, nền kinh tế Mỹ và châu Âu có nguy cơ suy thoái…) nên nếu không “bơm tiền” hoặc “giải cứu” thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ phá sản, lao động bị thất nghiệp hàng loạt, khiến cho nền kinh tế Việt Nam không thể phục hồi được, hoặc thậm chí bị kéo vào vòng vào suy thoái.

Thực sự thì thời điểm hiện nay, nếu so với bối cảnh năm 2008-2009, thực lực của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn rất nhiều nhờ nền tảng vĩ mô ổn định trong một thời gian dài. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn và tương đối đa phương, đảm bảo rằng nếu một bộ phận nền kinh tế chịu thiệt vì nhập khẩu lạm phát, thì một bộ phận khác lại được hưởng lợi nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Thế nên sẽ không thể có hiện tượng doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản hàng loạt vì nhập khẩu lạm phát. Nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm hơn trong năm nay hoặc năm sau so với dự kiến, nhưng một khi môi trường vĩ mô được duy trì ổn định, nó sẽ bứt phá mạnh hơn trong những năm tiếp theo.

Nếu những người làm chính sách thực sự lo lắng cho người lao động có nguy cơ bị thất nghiệp vì một bộ phận doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc bị phá sản thì hãy nghĩ đến việc hoàn thiện lưới an sinh xã hội, để sao cho những người thất nghiệp vẫn có nguồn thu nhập tối thiểu trong thời gian đi tìm công việc ở những ngành được hưởng lợi nhờ nhập khẩu lạm phát. Nhưng đừng để họ bị tước đoạt thêm nữa vì chính sách chủ ý để lạm phát tăng cao.

Nguồn: Saigon Times Online : Tại sao Việt Nam khong nên chấp nhận lạm phát cao? (28/07/2022).