Bài học chống lạm phát

Bài học chống lạm phát

Bản chất của lạm phát

Bản chất của lạm phát là cung tiền vượt quá lượng tiền cần thiết lưu thông trong nền kinh tế. Xét đến cùng, đó là do ngân hàng trung ương bơm nhiều tiền ra nền kinh tế với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất đáng có của nền kinh tế. Lượng tiền thừa với lãi suất thấp này ban đầu chưa phản ánh ngay vào mức tăng giá cả do kỳ vọng giá cả của các thành viên tham gia thị trường vẫn chưa thay đổi. Tuy nhiên, theo thời gian, một số khu vực của nền kinh tế sẽ phát hiện ra sự dư thừa này và bắt đầu tăng giá. Nếu tốc độ tăng trưởng cung tiền tiếp tục được duy trì trong một thời gian đủ dài thì sự tăng giá sẽ lan ra toàn bộ nền kinh tế, tạo ra hiện tượng lạm phát giá cả.

Vì lạm phát tiền tệ có độ trễ so với sự tăng giá toàn bộ hàng tiêu dùng nên nó rất dễ bị các chính phủ lạm dụng để phục vụ cho các mục đích chính trị của mình. Đấy chính là lý do Fredrich von Hayek, nhà kinh tế lỗi lạc giành giải thưởng Nobel về lý thuyết tiền tệ năm 1974, đã ví lạm phát như thuốc phiện.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng cung tiền (M2) và lạm phát của Việt Nam (xem biểu đồ) cho thấy Việt Nam đã lạm dụng việc phát hành tiền để hỗ trợ tăng trưởng trong một thời gian dài. Trong các năm từ 2002-2006 việc tăng cung tiền không dẫn đến giá cả tăng cao khiến cho tốc độ tăng cung tiền ngày một lớn, từ mức trung bình khoảng 20% trong các năm 2002-2003, lên 25% năm 2004-2005, rồi 35% trong năm 2006, và năm 2007 đã vượt mức 40%. Từ năm 2007, lạm phát bắt đầu tăng tốc và Chính phủ đã ba lần thực hiện chính sách thắt chặt và rồi hai lần phải mở rộng cung tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Điều này cho thấy một khi lạm phát diễn ra, việc chữa trị là rất khó.

Đau đớn một lần hay kéo dài?

Có hai cách tiếp cận trong việc chống lạm phát. Cách thứ nhất là giảm từ từ (gradualist therapy) và cách thứ hai là giảm ngay tức thì (shock therapy). Biện pháp giảm từ từ đòi hỏi chính phủ phải theo đuổi một chính sách tuần tự nhất quán (policies in sequence) trong nhiều năm.

Một mặt phải giảm từ từ cung tiền, mặt khác phải dần thay đổi cơ cấu kinh tế để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn, sao cho với tốc độ tăng cung tiền thấp hơn, nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng ở mức tương đương so với mức tăng trưởng cung tiền cao trước đây.

Tuy đây là giải pháp đáng ao ước nhưng lại không hề dễ dàng cho các chính phủ do nó rất khó có thể duy trì được sự ủng hộ cũng như đồng thuận của các nhóm lợi ích trong một thời gian dài, xuyên suốt quá trình thay đổi cơ cấu kinh tế. Chính sách thắt chặt tiền tệ trong đầu năm 2008 và đầu năm 2010 đã phản ánh thực tế này. Mới tiến hành thì có vẻ dễ dàng nhưng sức ép từ các nhóm lợi ích trong nền kinh tế đã khiến cho sức hấp dẫn của lạm phát tiền để phục vụ tăng trưởng xảy ra vào nửa cuối các năm sau đó. Kết cục, lạm phát chưa kịp hạ thì đã tăng tốc trở lại.

Biện pháp giảm cung tiền ngay tức thì, đồng thời tiến hành giải phẫu “đau đớn” cơ cấu nền kinh tế thường được thực hiện khi chính phủ đủ mạnh (và ý thức được nếu kéo dài thì sức mạnh cải cách của chính phủ sẽ giảm đi) để chủ động thực hiện các biện pháp cải cách triệt để hoặc do có sự can thiệp từ bên ngoài, khi quốc gia đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Giải pháp này đòi hỏi Nhà nước phải thu nhỏ quyền lực của mình đối với nền kinh tế. Cụ thể, chính phủ cần thả nổi theo giá thị trường hầu hết các lĩnh vực đang kiểm soát giá để đảm bảo nền kinh tế thị trường vận hành thông suốt; tiến hành tư nhân hóa mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để nâng cao năng suất lao động; và đồng thời cắt giảm mạnh mẽ bộ máy chính phủ. Việc tinh giản bộ máy chính phủ sẽ giúp cho các khoản chi thường xuyên từ ngân sách giảm, nhờ đó có thể giảm được các khoản thu từ thuế và phí.

Bài học cho cuộc chiến chống lạm phát hiện nay

Việt Nam đã từng theo đuổi liệu pháp sốc để chống lạm phát phi mã những năm 1989-1991. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp như giải phóng sức sản xuất thông qua Khoán 10 và các biện pháp cho phép tư nhân, tiểu thương kinh doanh buôn bán; xóa bỏ chế độ hai giá đối với hầu hết các mặt hàng; và chấm dứt bao cấp đối với hầu hết các DNNN hoạt động không hiệu quả… Những giải pháp mạnh mẽ này giúp Việt Nam kiềm chế được tốc độ tăng CPI dưới hai con số và đạt mức tăng trưởng cao nhiều năm liền sau đó.

Hiện nay, để duy trì mức lạm phát thấp trong khi vẫn đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng cao, Chính phủ cần xem lại các bài học trên. Cụ thể Chính phủ nên nhanh chóng xây dựng thị trường cho các lĩnh vực điện, xăng dầu, giáo dục, y tế, và văn hóa; tiếp tục giải phóng sức sản xuất cho khu vực kinh tế tư nhân và cải tổ DNNN triệt để hơn nữa; xem lại chính sách về sở hữu đất đai để tạo ra một “Khoán 10” mới cho khu vực nông thôn; giảm chi tiêu nhà nước cho các khu vực không tạo ra năng suất như tinh giản biên chế bộ máy hành chính.

Các biện pháp tinh giản bộ máy hành chính nên được tiến hành để sao cho chi thường xuyên quay trở về mức 15-16% GDP như các năm 2000-2002 thay vì xấp xỉ 22% như hiện nay. Nhờ đó, các khoản thu thường xuyên từ thuế và phí từ khu vực sản xuất có thể cắt giảm về mức dưới 20% như hầu hết các quốc gia trong khu vực. Điều quan trọng nữa là sau khi đã kiểm soát lạm phát thành công, Chính phủ và Quốc hội cần xây dựng các công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa hiện đại, hình thành cơ chế giám sát và phòng ngừa không để lạm phát tăng quá 5%.

Nguồn: Saigon Times Online: Bài học chống lạm phát (05/08/2011). https://thesaigontimes.vn/bai-hoc-chong-lam-phat/