Hoà bình là một lựa chọn (Phần 2)

Hoà bình là một lựa chọn (Phần 2)

Tags: Văn hóa

(Tiếp theo Phần 1)

Có khi nào chiến tranh là đúng đắn?

Một vài người tin rằng khởi xướng một cuộc chiến – hay việc giết chóc – là việc làm đúng đắn để trở thành một “quốc gia không khoanh tay đứng nhìn”, giống như lập trường của Albright. (Và một vài người sẽ ủng hộ lập trường này). Tuy nhiên, hãy suy nghĩ kỹ hơn một chút. Nếu như chiến tranh là để tạo dựng “một thế giới an toàn hơn cho con cháu chúng ta.” Liệu đó có phải là một lý do hợp lý? Sẽ cần nhiều bằng chứng để ta trả lời được câu hỏi: “Có thực sự việc giết chóc ngày hôm nay sẽ tạo dựng một thế giới an toàn hơn trong tương lai?” Có thể là chiến tranh sẽ khiến cho chúng ta được an toàn hơn trong tương lai ngắn, thì rõ ràng rằng, chưa ai có thể đưa ra minh chứng cụ thể và đủ thuyết phục để bảo vệ cho các hành động tham chiến. Những lý do cho cuộc chiến chống Iraq của chính phủ Hoa Kỳ cũng không hề giải quyết được vấn đề thiếu chứng cứ thuyết phục này.  

Con người đã luôn cố gắng xây dựng đủ mọi luận điểm bào chữa cho sự công bằng của chiến tranh, bào chữa cho việc thamchiến và phương thức thamchiến. Luận điểm bảo vệ cho việc tham chiến trong tiếng La-tinh là jus ad bellum. Cụm từ này khác với phương thức thực hiện chiến tranh, jus in bello. Hai luận điểm này thường được thảo luận một cách độc lập khi ta cố gắng trả lời câu hỏi: Liệu tham chiến có phải là hành động hợp lý? Và phương thức thực hiện chiến tranh thế nào là hợp lý? Rất nhiều luật gia và triết gia nổi tiếng đã tranh luận và bàn cãi về việc cái gì có thể biện minh được cho hành động tham chiến.Và một khi chiến tranh đã bắt đầu, liệu có bất kỳ rào cản đạo đức và luật pháp nào áp đặt lên việc sử dụng vũ lực hay không? Nếu có, đó là những rào cản nào?

Liệu ai đó có quyền khởi động chiến tranh để bảo vệ danh dự của một nhà cầm quyền/một quốc gia, để trở thành một“quốc gia không khoanh tay đứng nhìn”, để thâu tóm những nguồn lực, nguồn tài nguyên đất quý giá, để bảo vệ lợi ích của ai đó hay bảo vệ cuộc sống của một dân tộc? Một khi chiến tranh nổ ra, liệu anh ta có quyền chỉ giết những chiến binh vũ trang trên mặt trận, hay hành quyết cả tù nhân, giết hại cả gia đình những người lính trong đó có cả con cái họ (những đứa trẻ rất có thể sẽ trở thành chiến binh trong tương lai)? Qua thời gian, ngày càng nhiều giới hạn được đặt ra trong các trường hợp xảy ra chiến tranh. Rất nhiều nguyên tắc, quy ước và thỏa thuận được thiết lập để kiểm soát phương thức thực hiện chiến tranh.

Tổng hợp lại, những chủ đề nêu trên đều được biết tới với cái tên chung “luật chiến tranh” và “lý thuyết chiến tranh công bằng”9 (just war theory). Có thể có quan điểm cho rằng, một cuộc chiến, dù có được coi là chính nghĩa hay không, thì jus in bello - tính hợp pháp của phương thức tiến hành chiến tranh- vẫn cần phải đảm bảo. Tuy nhiên, hiện nay, một cách tiếp cận khác cũng đang được áp dụng, đó là: nếu đó là một cuộc chiến được cho là vì chính nghĩa, thì mọi phương thức cần thiết để đạt được thắng lợi đều là hợp lý, bất chấp những hậu quả đáng tiếc và không mong đợi.

Tuy nhiên, đối với những người quan tâm đến công lý, chỉ với phương thức tiến hành chiến tranh đúng đắn thì không thể hợp lý hóa việc tham chiến (jus ad bellum). Robert Holmes đã từng tranh luận mạnh mẽ trong cuốn sách của mình “On War and Morality” [Về chiến tranh và đạo đức]: “Không thể lấy mục đích để biện minh cho phương tiện; chính những giới hạn về sử dụng phương tiện (trong trường hợp tham chiến, đó là hành vi giết chóc, phá huỷ cũng như những đặc tính khác của chiến tranh), cộng với mức độ đáp ứng được các yêu cầu cho hành vi tham chiến, mới chính là yếu tố biện minh được cho mục đích của một cuộc chiến”10 Không chỉ có “những kẻ xấu xa” bị giết trong chiến tranh. Những người dân vô tội cũng có thể trở thành “thiệt hại ngoài dự kiến”. Nếu như việc giết người và phá hủy là phi nghĩa thì cả phương thức thực hiện những hành vi đó – hay chính bản thân cuộc chiến - cũng là phi nghĩa. Do đó, “để chứng minh lý do tham chiến là đúng đắn thì ngay từ ban đầu, phương thức tiến hành chiến tranh cũng phải được lựa chọn và cân nhắc một cách đúng đắn. Tham chiến và chọn lựa phương thức tham chiến không còn là hai khái niệm riêng biệt.Ta không thể hợp lý hoá chiến tranh khi tự thân không lý giải nổi tại sao lại lựa chọn phương thức tham chiến đó.”11

Khi xem xét chiến tranh, chỉ nhìn vào kết quả bên ngoài của cuộc chiến là một hành động thiếu trách nhiệm đạo đức nghiêm trọng. Sau chiến tranh, kể cả chúng ta có giành lại được mảnh đất lịch sử, bảo vệ được danh dự, khôi phục được uy tín, trả đũa quân xâm lược hay bất kỳ điều gì khác, nếu không xét tới hậu quả của chiến tranh, thì đó là vẫn là một hành động thiếu trách nhiệm. Holmes đã từng khẳng định, “Bản chất của chiến tranh được hình thành bởi bạo lực, tàn phá và chết chóc một cách có hệ thống và có chủ ý. Điều này chính xác, với bất kể phương tiện thực hiện nào, dù là bom nguyên tử hay là cung tên.”12 

Tôi đã quen với việc người ta quên mất lập luận này. Mười năm trước, khi đó tôi đang làm việc tại Iraq lúc chiến tranh đang tàn phá đất nước này, tôi được mời tới dự hội thảo tại Canada. Khi trò chuyện với một khách mời tại hội thảo, cô này đã chia sẻ rằng, cô rất tiếc khi Canada không tham gia vào “Liên minh Tự nguyện”, một nhóm các quốc gia xâm chiếm Iraq và lật đổ chính quyền độc tài hà khắc của Saddam Hussein và Đảng Baath. Tôi nói với cô ấy rằng cô nên vui mừng khi chính phủ của mình đã cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn không tham gia vào cuộc xâm lược.

Sau cuộc hội đàm, tôi có để cập đến “những câu chuyện vỉa hè” ở Baghdad.Câu chuyện lan truyền rằng lực lượng cảnh sát Iraq mới được tập huấn để bắn bất cứ ai mang theo thiết bị phát nổ tự chế (IEDs). Một viên chức nhà nước cao cấp đã mô tả quyết tâm của chính phủ bằng cách tự mình hạ sát một tù nhân. Vào thời điểm đó, các thiết bị phát nổ tự chế đã giết rất nhiều sĩ quan và cả dân thường. (Lúc đó cũng như bây giờ, tôi đều không biết liệu câu chuyện này có phải sự thật hay không. Tôi chỉ đơn thuần tường thuật lại câu chuyện những người Iraq kể cho tôi nghe.) Vẫn cô gái đã nhiệt tình ủng hộ Canada tham chiến, cô ấy đã rất sốc, xúc động, kinh hãi và yêu cầu “cần phải làm gì đó”.Tôi nói rằng cô ấy nên xem xét những hậu quả có thể xảy ra trước khi chấp nhận tham chiến. Đó là những thứ chỉ “xảy ra” trong chiến tranh. Kể ra câu chuyện này, tôi muốn lấy đây làm minh chứng thể hiện sự thiếu hiểu biết của những người mong muốn tham chiến, và không lường trước được hậu quả của một cuộc chiến đẫm máu đầy bạo lực và những hành động phi pháp.

Chiến tranh không chỉ dẫn đến những thương vong ngoài dự tính, mà nó còn thay đổi nhân cách con người. Không chỉ những người lính mới bị khủng hoảng về đường lối đạo đức, mà tư tưởng của dân chúng cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Joe Klein, người ủng hộ nhiệt tình Tổng thống Obama,và là một nhà báo rất được kính trọng tại tờ báo Times, đã nhiệt tình bảo vệ việc chính quyền Obama khi nói về quyết định ném bom bằng máy bay quân sự không người lái trong một chương trình tranh luận trên truyền hình: 

 

[Đó là] nếu [máy bay không người lái] bị sử dụng sai, và rất nhiều khả năng thiết bị này sẽ bị lạm dụng nếu chúng ta không có những cá nhân phù hợp điều hành chính phủ. Nhưng, suy cho cùng, điểm mấy chốt vẫn là: “Con cháu ai sẽ bị chết?” Việc chúng ta đang làm thực chất là giảm thiểu khả năng con cháu chúng ta, những đứa bé đang sống trên đất nước này, sẽ bị giết trong tương lai bởi hành động khủng bố.

Bỏ qua tinh thần đảng phái với thái độ tự mãn rất khó chịu trong câu phát biểu trên (“nhiều khả năng thiết bị này sẽ bị lạm dụng nếu chúng ta không có những cá nhân phù hợp điều hành chỉnh phủ”), ít ai có thể tưởng tượng rằng người ta sẽ đưa ra lời bào chữa vô cảm cho hành động giết chóc như vậy, và Klein còn không hề tỏ ra hối lỗi. Thật đúng là con người có thể dễ dàng bỏ qua nhiều giá trị đạo đức khi cố gắng bảo vệ cho những cuộc chiến mà họ cho rằng được khởi xưởng bởi “những cá nhân phù hợp.”

Với những luận điệu như vậy, ở mọi lúc và mọi nơi, ta luôn tìm thấy rất nhiều ý kiến phản chiến. Lý do là bởi, những kẻ gây chiến sẽ luôn mang theo một trách nhiệm nặng nề, đó là: tìm đủ chứng cứ để thuyết phục sự đúng đắn của cuộc chiến. Không dễ gì để có thể làm được điều này. Nhiều người phủ nhận toàn bộ luận điệu cũng như chứng cứ được đưa ra. Một số khác lại cho rằng, việc phát động chiến tranh tự vệ hay việc gây chiến trước để ngăn chặn chiến tranh sau này có thể được cho là hợp lý nếu có những bằng chứng xác thực. Trong mọi trường hợp, cần rất nhiều bằng chứng mới có thể chứng minh được đâu là một hành động khiêu khích, và còn cần nhiều bằng chứng hơn nữa mới có thể thuyết phục được dân chúng rằng, cuộc chiến chỉ có ý nghĩa tự vệ, chứ không phải là hành động xâm lược mượn danh bảo vệ “danh dự quốc gia”. Trong trường hợp ta không chắc chắn nên ủng hộ hay nên phản đối chiến tranh, gánh nặng trách nhiệm đó sẽ khiến ta chọn phản đối. Không có chuyện đứng giữa, không có ý kiến trung lập trong hoàn cảnh này, không bao giờ có thể viện dẫn những giả định “nếu như”.Ta chỉ có hai sự lựa chọn về thái độ đối với chiến tranh: Ủng hộ hay Phản đối.

Nguồn: Palmer, T. G., Pinker, S., & Martin, E., Peace, Love & Liberty, Jameson Books, Incorporated, 2014, Chapter 1, 5-17 

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh