[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VI: Phân hóa thể chế (Phần 3)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VI: Phân hóa thể chế (Phần 3)

…LA MÃ MỘT THỜI SUY TÀN

Flavius Aetius là một người có tính cách sôi động và thú vị khác thường sống ở thời kỳ cuối của Đế quốc La Mã, với biệt danh “người La Mã cuối cùng” trong tác phẩm Sự suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã (The Decline and Fall of the Roman Empire) của Edward Gibbon. Từ năm 433 đến 454 SCN, khi ông bị hoàng đế Valentinian III ám sát, tướng Aetius có lẽ là người giàu quyền lực nhất ở Đế quốc La Mã. Ông định hình chính sách đối nội và đối ngoại, và tham gia trong các cuộc chiến chống lại các bộ tộc man rợ cũng như những người La Mã khác trong các cuộc nội chiến. Ông cũng là người duy nhất trong các vị tướng lĩnh quyền lực tung hoành trong nội chiến không phải để tìm kiếm ngôi vị hoàng đế cho riêng mình. Từ cuối thế kỷ thứ 2, nội chiến đã trở thành thực tế cuộc sống ở Đế quốc La Mã. Từ sau cái chết của Marcus Aurelius vào năm 180 SCN cho đến khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào năm 476 SCN, gần như không có thập niên nào mà không có nội chiến hay đảo chính cung đình chống lại nhà vua. Hiếm có vị hoàng đế nào qua đời vì nguyên nhân tự nhiên hay hy sinh trên chiến trường. Hầu hết bị ám sát bởi những kẻ tranh quyền đoạt vị hay chính các chiến binh của họ.

Sự nghiệp của Aetius minh họa cho những thay đổi từ nền Cộng hòa La Mã và thời kỳ đầu của Đế quốc La Mã cho đến hồi kết của đế quốc này. Sự tham gia vào các cuộc nội chiến triền miên và quyền lực của ông trong mọi lĩnh vực hoạt động của đế quốc không chỉ tương phản với quyền lực hạn chế hơn nhiều của các vị tướng lĩnh và nguyên lão trong những thời kỳ trước đó, mà còn giúp ta thấy vận mệnh của người La Mã đã thay đổi triệt để theo nhiều cách như thế nào trong suốt thời gian này.

Vào thời kỳ cuối của Đế quốc La Mã, các bộ tộc bị coi là man rợ, những người thoạt đầu chiếm đa số và được đưa vào quân đội La Mã hay được sử dụng làm nô lệ, trở nên chi phối nhiều phần lãnh thổ của đế chế. Thời thanh niên, Aetius bị các bộ tộc man di này - thoạt đầu là người Goths dưới sự lãnh đạo của Alaric và sau đó là rợ Hung (the Huns) - bắt làm con tin. Mối quan hệ của người La Mã với các bộ tộc man di này cho thấy sự việc đã thay đổi như thế nào từ sau nền cộng hòa. Alaric vừa là một kẻ thù tàn bạo, vừa là một đồng minh thân thiết, đến mức vào năm 405 ông còn được đề cử làm một trong các tướng lĩnh cao cấp nhất của quân đội La Mã. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ là tạm thời. Cho đến năm 408, Alaric chiến đấu chống lại La Mã, thâm nhập nước Ý và cướp bóc thành Rome.

Rợ Hung vừa là kẻ thù hùng mạnh vừa là liên minh thường xuyên của La Mã. Mặc dù họ đã từng bắt giữ Aetius làm con tin, nhưng về sau lại chiến đấu cùng ông trong các cuộc nội chiến. Nhưng rợ Hung không theo phe nào được lâu, dưới thời Attila họ lại phát động một cuộc chiến lớn chống La Mã vào năm 451 khi vừa vượt qua sông Rhine. Lần này, đứng về phía La Mã lại là người Goths dưới sự lãnh đạo của Theodoric.

Tất cả những điều này không ngăn giới quyền thế La Mã cố gắng nhân nhượng những người chỉ huy các bộ tộc man di, thông thường không phải là để bảo vệ lãnh thổ La Mã mà là để giành ưu thế trong các trận giao tranh nội bộ nhằm tranh giành quyền lực. Ví dụ, người Vandals dưới thời vua Geiseric đã cướp bóc nhiều nơi trên bán đảo Iberia rồi sau đó chinh phục những vùng trồng ngũ cốc của La Mã ở Bắc Phi từ năm 429 trở về sau. Phản ứng của La Mã trước tình thế này là định gả con gái còn bé của vua Valentinian III cho Geiseric. Lúc bấy giờ vua Geiseric đã cưới con gái của một trong các thủ lĩnh người Goths, nhưng ngay cả hôn ước xem ra cũng không ngăn cản được vị vua này. Ông hủy bỏ cuộc hôn nhân, lấy cớ rằng hoàng hậu đang cố gắng mưu sát ông và trả bà về gia đình sau khi cắt cả hai tai và mũi bà. May thay cho nàng dâu tương lai từ La Mã, vì còn trẻ nên nàng được giữ lại Ý và không bao giờ hoàn thành hôn ước với Geiseric. Về sau, nàng lấy một vị tướng lĩnh quyền lực khác, Petronius Maximus, người vạch kế hoạch và điều khiển việc ám sát Aetius theo lệnh hoàng đế Valentinian III, rồi chính hoàng đế ngay sau đó cũng bị hành thích trong một mưu đồ do Maximus ngấm ngầm dự định. Sau đó, Maximus tự xưng vương, nhưng thời gian trị vì của ông vô cùng ngắn ngủi và kết thúc bằng cái chết của ông trong trận tấn công của người Vandals dưới sự chỉ huy của Geiseric chống lại Ý, qua đó chứng kiến cảnh La Mã sụp đổ và bị cướp bóc dã man.

CHO ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ THỨ 5, các bộ tộc man di đã ngấp nghé xâm chiếm La Mã. Một vài sử gia lập luận rằng đây là những kẻ tiếp bước các đối thủ hung hãn hơn mà người La Mã phải đương đầu suốt thời kỳ cuối của đế chế. Nhưng thành công của người Goths, rợ Hung và người Vandals trong cuộc chiến với La Mã là triệu chứng, chứ không phải căn nguyên sự suy tàn của La Mã. Dưới thời cộng hòa, La Mã từng đối phó với những đối thủ nguy hiểm hơn và có tổ chức hơn nhiều, chẳng hạn như người Carthaginian. Sự suy tàn của La Mã có nguyên nhân tương tự như các thành bang Maya. Các thể chế chính trị và kinh tế ngày càng có tính chiếm đoạt cao độ đã dẫn đến sự diệt vong của đế chế vì chúng gây ra tình trạng xâu xé nội bộ và nội chiến.

Nguồn gốc của sự suy tàn ít ra đã manh nha từ lúc Augustus thâu tóm quyền lực, từ đó khởi động những thay đổi làm cho các thể chế chính trị trở nên có tính chiếm đoạt hơn. Điều này bao gồm những thay đổi về cơ cấu quân đội, làm cho phương án “ly khai” của binh lính trở nên bất khả thi, qua đó xóa bỏ yếu tố then chốt bảo đảm sự đại diện chính trị của người dân La Mã. Hoàng đế Tiberius, người kế vị Augustus vào năm 14 SCN, đã giải tán Hội đồng nhân dân và chuyển quyền lực của cơ quan này sang Viện nguyên lão. Thay cho tiếng nói chính trị, người dân La Mã giờ đây được cấp phát miễn phí lúa mì, dầu ô-liu, rượu vang, thịt lợn, và được giải trí bằng đấu trường cùng các trận tranh tài của các đấu sĩ. Với công cuộc cải cách của Augustus, các hoàng đế bắt đầu không dựa vào quân đội hình thành từ các chiến binh - nhân dân nữa, mà dựa vào các Đội cận vệ, nhóm chiến binh chuyên nghiệp quyền thế do Augustus dựng lên. Đội cận vệ chẳng bao lâu trở thành những kẻ môi giới độc lập quan trọng cho những người muốn trở thành hoàng đế, thường không thông qua các biện pháp hòa bình mà bằng nội chiến và thủ đoạn. Augustus cũng củng cố quyền lực của giới quý tộc chống lại người dân thường, và sự cách biệt giàu nghèo gia tăng từng làm nền tảng cho xung đột giữa Tiberius Gracchus và giới quý tộc vẫn tiếp diễn, thậm chí còn tăng cường hơn nữa.

Sự tích lũy quyền lực ở trung ương làm cho quyền sở hữu tài sản của người dân La Mã trở nên ít bảo đảm hơn. Đất đai của nhà nước cũng mở rộng theo đế chế như một hệ quả của hiện tượng sung công, và ở nhiều vùng lãnh thổ thuộc đế chế, đất của nhà nước chiếm đến một nửa diện tích. Các quyền sở hữu trở nên đặc biệt bất ổn do sự tập trung quyền lực vào tay hoàng đế và đám tùy tùng của ông. Theo một mô thức không khác biệt lắm so với những gì từng xảy ra ở các thành bang Maya, xâu xé nội bộ để giành quyền kiểm soát vị trí quyền lực gia tăng. Nội chiến xảy ra liên miên, thậm chí từ trước thế kỷ thứ 5 nhiễu nhương rối loạn, khi các bộ tộc man rợ tiếm quyền. Ví dụ, Septimius Severus thâu tóm quyền lực từ Didius Julianus, người tự xưng vương sau khi ám sát Pertinax vào năm 193 SCN. Severus, vị vua thứ ba trong năm này, thường được gọi là “năm có 5 vua”, khi đó đã tiến hành cuộc chiến chống lại những kẻ tranh giành ngôi báu khác, các vị tướng Pescennius Niger và Clodius Albinus, những người cuối cùng lần lượt bị đánh bại vào các năm 194 và 197 SCN. Severus sung công toàn bộ tài sản của các đối thủ bại trận trong cuộc nội chiến tiếp theo. Mặc dù những người thống trị có năng lực như Trajan (98-117 SCN), Hadrian và Marcus Aurelius trong thế kỷ sau có thể làm chậm bước chân suy tàn của đế chế, nhưng họ không thể hay không muốn giải quyết các vấn đề thể chế cơ bản. Không ai đề nghị từ bỏ đế chế hay tái lập các thể chế chính trị hữu hiệu theo đường lối của Cộng hòa La Mã xưa kia. Marcus Aurelius, bất kể tất cả những thành công của mình, đã truyền ngôi cho con trai Commodus, lại là một người giống như Caligula hay Nero hơn là giống cha.

Tình trạng bất ổn ngày càng tăng, thể hiện rõ rệt qua quy hoạch và vị trí của các tỉnh thành thuộc đế chế. Đến thế kỷ thứ 3 SCN, mọi thành phố lớn trong đế chế đều có một thành lũy phòng thủ. Trong nhiều trường hợp, các đài tưởng niệm còn bị phá sập để lấy gạch đá dùng làm pháo đài. Ở Gaul trước khi người La Mã xuất hiện vào năm 125 TCN, người ta thường xây dựng các khu định cư trên đỉnh đồi, vì như vậy sẽ dễ phòng thủ hơn. Khi người La Mã mới đến, các khu định cư được dời xuống đồng bằng. Vào thế kỷ thứ 3, xu hướng này lại đảo ngược.

Cùng với bất ổn chính trị gia tăng là sự thay đổi xã hội làm cho các thể chế kinh tế ngày càng có tính chiếm đoạt nhiều hơn nữa. Mặc dù tư cách công dân được mở rộng đến mức vào năm 212 SCN, gần như toàn bộ những người cư trú trong đế quốc đều là công dân, nhưng sự thay đổi này xảy ra cùng với sự thay đổi về vị thế giữa các công dân khác nhau. Quan niệm cho rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật trở nên không còn giá trị. Ví dụ như dưới triều đại của Hadrian (từ năm 117 đến 137 SCN), có sự khác biệt rõ ràng về các loại luật lệ áp dụng cho các thành phần công dân La Mã khác nhau. Quan trọng không kém, vai trò của người dân hoàn toàn khác so với thời Cộng hòa La Mã, khi họ có thể phát huy ảnh hưởng đối với các quyết định chính trị và kinh tế thông qua các cơ quan lập pháp ở Rome.

Chế độ nô lệ vẫn tồn tại dai dẳng trên khắp La Mã, cho dù người ta vẫn tranh cãi về việc liệu tỷ lệ nô lệ trong tổng dân số trên thực tế có giảm dần qua các thế kỷ hay không. Quan trọng không kém, khi đế chế phát triển, ngày càng có nhiều người lao động nông nghiệp bị chuyển sang thân phận “bán nô lệ” (coloni) và bị trói buộc vào đất đai. Thân phận bán nô lệ này được thảo luận sâu rộng trong các văn kiện pháp lý như các bộ luật Codex TheodosianusCodex Justinianus , và có lẽ bắt nguồn từ triều đại Dioclectian (từ năm 284 đến 305 SCN). Quyền của các địa chủ đối với coloni gia tăng đáng kể. Hoàng đế Constantine năm 332 cho phép các địa chủ xiềng xích những coloni nào bị nghi ngờ là tìm cách bỏ trốn, và từ năm 365 SCN, coloni không được quyền bán tài sản của họ nếu không có sự cho phép của địa chủ.

Giống như việc ta có thể sử dụng các con tàu đắm và lõi băng Greenland để tìm hiểu sự mở mang kinh tế của La Mã vào thời kỳ đầu, ta cũng có thể sử dụng các phương pháp này để tìm hiểu sự suy tàn của họ. Đến năm 500 SCN, từ đỉnh cao 180 con tàu giảm xuống chỉ còn 20. Khi La Mã suy tàn, hoạt động thương mại Địa Trung Hải sụp đổ, và một vài học giả thậm chí còn lập luận rằng mãi đến thế kỷ 19, hoạt động thương mại ở đây mới quay về đỉnh cao thời La Mã. Lõi băng Greenland cũng kể cho ta nghe câu chuyện tương tự. Người La Mã dùng bạc để đúc tiền, và chì có nhiều ứng dụng, như để làm tẩu thuốc hay bộ đồ ăn. Sau khi đạt đỉnh cao vào thế kỷ thứ 1 SCN, hàm lượng chì, bạc và đồng trong lõi băng giảm dần.

Thành tựu tăng trưởng kinh tế dưới thời Cộng hòa La Mã thật là ấn tượng, cũng tương tự như các ví dụ khác về tăng trưởng trong các thể chế chiếm đoạt như Liên Xô. Nhưng sự tăng trưởng đó có giới hạn và không bền vững, ngay cả khi ta tính đến sự kiện là nó xảy ra trong các thể chế có tính dung hợp một phần. Tăng trưởng nhờ vào năng suất nông nghiệp tương đối cao, cống vật đáng kể từ các tỉnh thành và hoạt động thương mại đường dài, nhưng lại không đặt nền tảng trên sự tiến bộ công nghệ hay sự phá hủy sáng tạo. Người La Mã kế thừa một vài công nghệ cơ bản, sắt thép và vũ khí, chữ viết, canh tác bằng cày bừa và các kỹ thuật xây dựng. Ngay từ thời Cộng hòa, họ đã sáng tạo ra những công nghệ khác: xây nề bằng xi măng, hệ thống bơm và bánh xe nước. Nhưng sau đó, công nghệ trì trệ suốt thời kỳ Đế quốc La Mã. Ví dụ, trong vận chuyển đường thủy, gần như không có thay đổi về thiết kế hay lắp ráp trang bị tàu, và người La Mã chưa bao giờ biết đến bánh lái đuôi tàu mà bẻ lái bằng mái chèo. Công nghệ bánh xe nước lan truyền rất chậm, cho nên sức nước không bao giờ giúp cách mạng hóa nền kinh tế La Mã. Ngay cả những thành tựu vĩ đại như cống dẫn nước và hệ thống thoát nước thành phố cũng sử dụng công nghệ hiện hữu, cho dù người La Mã đã hoàn chỉnh nó. Có thể có sự tăng trưởng kinh tế nào đó không cần phát minh đổi mới mà chỉ dựa vào công nghệ hiện hữu, nhưng đó là sự tăng trưởng không có phá hủy sáng tạo. Và sự tăng trưởng đó không kéo dài. Khi các quyền sở hữu trở nên không bảo đảm và các quyền kinh tế của người dân giảm theo sự sụt giảm quyền chính trị, tăng trưởng kinh tế cũng sa sút.

Điều đáng kể là, dưới thời La Mã, sự sáng tạo và lan truyền công nghệ mới dường như được định hướng bởi nhà nước. Nhưng khi nhà nước quyết định không quan tâm đến sự phát triển công nghệ thì đây không phải là một tin tốt lành, và điều này thường xảy ra do nỗi lo sợ về sự phá hủy sáng tạo. Tác giả La Mã vĩ đại, Trưởng lão Pliny, kể lại câu chuyện như sau. Dưới triều đại hoàng đế Tiberius, có một người phát minh ra thủy tinh không vỡ và dâng lên nhà vua với dự kiến sẽ được ban thưởng. Ông trình bày phát minh của mình và Tiberius hỏi ông đã kể cho ai nghe về phát minh đó hay chưa. Khi ông đáp rằng ông chưa kể cho ai, Tiberius truyền lôi ông ra ngoài và giết chết, “vì sợ rằng vàng sẽ trở thành bùn và mất giá trị”. Có hai điều thú vị về câu chuyện này. Thứ nhất, nhà phát minh đến gặp Tiberius ngay từ đầu để được ban thưởng, thay vì tự mình thiết lập hoạt động kinh doanh và kiếm lời bằng cách bán thủy tinh. Điều này cho thấy vai trò của nhà nước La Mã trong việc kiểm soát công nghệ. Thứ hai, Tiberius muốn hủy bỏ phát minh do ảnh hưởng kinh tế bất lợi mà nó có thể mang lại. Đây là nỗi lo sợ về ảnh hưởng kinh tế của sự phá hủy sáng tạo.

Cũng có bằng chứng trực tiếp từ thời Đế quốc La Mã về nỗi lo sợ các hệ lụy chính trị của sự phá hủy sáng tạo. Suetonius kể lại rằng, người phát minh ra công cụ vận chuyển cột đá đến Capitol, thành trì của Rome, với chi phí tương đối thấp, đã xin tiếp kiến Vespasian, vị hoàng đế trị vì từ năm 69 đến 79 SCN. Những chiếc cột đá này rất to, nặng và rất khó vận chuyển. Để đưa chúng từ các hầm mỏ, nơi người ta tạo ra chúng, đến Rome cần đến hàng nghìn nhân lực, tốn rất nhiều công quỹ. Vespasian không giết nhà phát minh nhưng ông từ chối sử dụng sáng kiến này, ông cho rằng: “Làm thế nào ta có thể nuôi sống dân chúng đây?” Lại một nhà phát minh nữa tìm đến nhà nước. Có lẽ điều này hợp lẽ tự nhiên hơn so với thủy tinh không vỡ, vì nhà nước La Mã tham gia sâu rộng vào việc khai khoáng và vận chuyển cột đá. Một lần nữa, phát minh bị từ chối do mối đe dọa về sự phá hủy sáng tạo, không phải vì tác động kinh tế mà vì nỗi lo sợ về hệ lụy chính trị của nó. Vespasian lo ngại rằng nếu ông không duy trì niềm vui của công chúng và kiểm soát họ thì có bất ổn chính trị. Nhân dân La Mã phải luôn bận rộn và dễ bảo, và tốt hơn là nhà vua nên duy trì công ăn việc làm cho họ, như vận chuyển cột chẳng hạn. Điều này bổ trợ cho bánh mì và đấu trường, những thứ cũng được cung cấp miễn phí để làm hài lòng dân chúng. Cũng cần nói thêm rằng cả hai trường hợp này đều xảy ra chẳng bao lâu sau khi nền Cộng hòa sụp đổ. Các hoàng đế La Mã có nhiều quyền lực hơn để ngăn chặn sự thay đổi so với những người cầm quyền dưới thời Cộng hòa.

Một lý do quan trọng khác của tình trạng thiếu đổi mới công nghệ là sự phổ biến của chế độ nô lệ. Khi Đế quốc La Mã bành trướng lãnh thổ, đại đa số dân chúng bị bắt làm nô lệ, thường bị đưa về Ý để làm việc trong các điền trang lớn. Nhiều công dân ở Rome không cần làm việc: họ sống bằng lương thực do nhà nước cấp phát. Khi ấy động cơ đổi mới xuất phát từ đâu? Chúng ta đã lập luận rằng đổi mới xuất phát từ những con người mới với những ý tưởng mới, xây dựng các giải pháp mới cho những vấn đề cũ. Ở La Mã, những người làm công việc sản xuất là nô lệ, và về sau là các coloni bán nô lệ gần như không có động cơ đổi mới, vì chính chủ nô, chứ không phải họ, sẽ hưởng lợi từ bất kỳ sự phát minh đổi mới nào. Như chúng ta sẽ thấy nhiều lần trong quyển sách này, những nền kinh tế dựa vào áp bức lao động và những hệ thống như nô lệ và nông nô đều nổi tiếng là không có đổi mới. Đây là sự thật từ thế giới cổ xưa cho đến kỷ nguyên hiện đại. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, các bang miền bắc tham gia vào Cách mạng công nghiệp chứ không phải miền nam. Lẽ dĩ nhiên, chế độ nô lệ và nông nô tạo ra của cải khổng lồ cho những người sở hữu nô lệ và kiểm soát nông nô, nhưng nó không dẫn đến đổi mới công nghệ và sự thịnh vượng cho xã hội.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh