[Chế độ dân chủ -  Một dẫn nhập] Chương 9: Chính sách dân chủ được ban hành như thế nào?

[Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập] Chương 9: Chính sách dân chủ được ban hành như thế nào?

Thủ tướng Đức thế kỷ XIX, Otto von Bismarck, được cho là đã nhận xét rằng nếu bạn thích luật pháp hoặc xúc xích thì bạn không bao giờ nên xem quá trình làm ra chúng. Đúng là có những lý do chính đáng để lo lắng về cách ban hành quyết định trong các chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ được cho là có trách nhiệm chuyển ý kiến của nhiều cá nhân thành một gói các quyết định tập thể. Nhưng chúng ta cần phải biết quá trình này chưa hoàn hảo ở đâu, chưa hoàn hảo như thế nào và tại sao lại chưa hoàn hảo.

Những cuộc bầu cử

Ví dụ, nếu coi bầu cử là phương pháp lựa chọn các ứng viên hay chính sách thì đấy là phương pháp có nhiều hạn chế mà ai cũng thấy. Trước hết, bầu cử không diễn ra thường xuyên - đôi khi phải bốn, năm năm hoặc hơn mới được tổ chức một lần. (Ngược lại, trên thị trường, chúng ta có thể chọn những sản phẩm mà mình ưa thích bất cứ lúc nào). Lựa chọn của cử tri cũng rất hạn chế. Nhiều vấn đề công cộng đa dạng và phức tạp được đưa ra dưới dạng cả gói, có lẽ chỉ được hai hoặc ba ứng cử viên trình bày mà thôi. (Một lần nữa, thị trường cho chúng ta quyền lựa chọn giữa vô số sản phẩm riêng lẻ chứ không chỉ là một vài gói). Sau đó, quyết định của đa số được áp đặt lên tất cả mọi người.

Ngoài ra còn có nghịch lý “giấy, búa, kéo” (trò chơi Oẳn tù tì – ND). Cử tri có thể thích một ứng cử viên này hơn ứng viên kia (như thích giấy chứ không thích búa) và thích ứng cử viên thứ hai hơn thứ ba (ví dụ thích búa chứ không thích kéo); nhưng sau đó họ có thể thích người thứ ba (kéo) chứ không thích người thứ nhất (giấy). Vì lý do đó, thứ tự bỏ phiếu có thể tạo ra kết quả hoàn  toàn khác nhau. Ví dụ: ở Pháp và những khác, các ứng cử viên dẫn đầu từ vòng bỏ phiếu ban đầu bước vào vòng chung kết, thông thường ứng cử viên dẫn đầu ở vòng đầu tiên nhưng sẽ bị đánh bại ở cuộc bầu cử chỉ còn hai người trong vòng bỏ phiếu thứ hai.

Cử tri

Cử tri có rất nhiều động cơ khác nhau. Họ có thể là những người cả đời ủng hộ một đảng cụ thể nào đó, dù vấn đề có là gì thì cũng thế. Họ có thể đơn giản là chỉ muốn làm cho đảng cầm quyền bực mình. Hoặc họ có thể chỉ bỏ phiếu về một số quan tâm của khu vực hay cá nhân, chẳng hạn như đóng cửa một bệnh viện ở gần đó. Họ thậm chí có thể không bỏ phiếu cho cái mà họ thực sự muốn, mà bỏ phiếu theo lối chiến thuật, tức là bầu cho ứng cử viên mà họ không thích, nhằm loại bỏ ứng cử viên mà họ còn căm ghét hơn. Hoặc họ có thể hoàn toàn không hiểu các vấn đề, nhưng vẫn cảm thấy có nghĩa vụ phải đi bầu cử. (Nhiều người, nhiều đến mức có thể làm chúng ta ngạc nhiên, không quyết định bỏ cho ai cho đến khi họ vào phòng bỏ phiếu với lá phiếu cầm trên tay).

Các cuộc bầu cử không phải là quá trình mang tính lý tưởng, hợp lý, trong đó các cử tri có suy nghĩ, có hiểu biết, độc lập cân nhắc cẩn thận những vấn đề trong giai đoạn bầu cử và bỏ phiếu cho những chính sách mà họ cho là tốt nhất vì lợi ích lâu dài của đất nước nói chung.

Ứng viên

Ngay cả chính trị gia có tinh thần chí công vô tư nhất cũng phải thu thập phiếu bầu để có chức vụ và làm được cái gì đó. Do đó, “động cơ bỏ phiếu” là động lực lớn của họ, một lần nữa động lực làm méo mó quá trình ban hành quyết định.

Ví dụ, các chính trị gia có xu hướng tập trung vào các cử tri “nằm ở khoảng giữa”. Xét cho cùng, có nhiều cử tri trung dung về chính trị chứ không thuộc phe cực đoan, và có nhiều khả năng là họ dễ bị thuyết phục để thay đổi quan điểm hơn là những người ở phe cực đoan. Nhưng nếu các ứng cử viên và các đảng phái đều ngả về trung tâm, thì lựa chọn thực sự của cử tri sẽ giảm - đặc biệt là những người có quan điểm mạnh mẽ nhưng không thuộc phái trung dung.

Các chính trị gia cũng chú tâm vào các nhóm vận động hành lang – nhờ động cơ và tổ chức của những nhòm này - có thể mang lại cho họ nhiều phiếu bầu. - đặc biệt là khi các nhóm vận động hành lang hợp tác với những nhóm lợi ích khác. Chính “đa số im lặng” cuối cùng sẽ là những người đưa ra dự luật - nhưng “đa số im lặng” lại có rất ít tiếng nói.

Thành viên cơ quan lập pháp

Do đó, những người đại diện được lựa chọn bằng quy trình này không phải là những người bảo vệ lợi ích công cộng một cách vô tư. Họ đã thỏa hiệp ngay từ trước khi nhậm chức. Có những lời hứa trước các nhóm lợi ích đã ủng hộ họ và các đảng trưởng đã tạo dựng thương hiệu cho việc bầu chọn mà họ phải giữ.

Việc các chính sách của họ được cơ quan lập pháp thông qua cũng là quá trình chẳng theo nguyên tắc nào. Họ có thể phải đổi chác: “ông bỏ phiếu cho chính sách của tôi, thì tôi sẽ bỏ phiếu cho chính sách của ông”. Ví dụ, vị đại diện này có thể bỏ phiếu cho đề xuất của vị khác về việc xây dựng trường học hoặc bệnh viện mới trong quận của họ, không phải vì niềm tin vào giá trị của nó mà với hy vọng rằng người kia sẽ ủng hộ mình trong tương lai.

Tương tự như thế, các sáng kiến lập pháp lớn hơn có thể cần phải được cho vào một gói thì mới có được sự ủng hộ cần thiết. Vì vậy, đầu những năm 1950, Tổng thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đã đưa ra kế hoạch xây dựng đường cao tốc liên bang sao cho chúng mang lại lợi ích cho đa số các bang. Và trong khi bỏ phiếu ủng hộ việc xây dựng những con đường tốt hơn cho bang của mình, các thượng nghị và hạ nghị sĩ thấy rằng mình đang bỏ phiếu cho toàn bộ mạng lưới, dù họ có nghĩ đấy là ý tưởng tốt hay không tốt. Và Dự luật “TARP” khẩn cấp trong năm 2008 nhằm bảo lãnh cho các ngân hàng Mỹ đang gặp khó khăn khi trình lên Quốc hội chỉ dài đúng hai trang giấy. Nhưng vì mọi người đều biết rằng nhất định người ta phải thông qua Dự luật, nên các hạ nghị sĩ đã đòi đủ loại đặc ân nếu muốn được họ ủng hộ. Cuối cùng Dự luật này dài 451 trang, đầy những nhượng bộ như giảm thuế cho các nhà sản xuất vải, nhà máy rượu, tàu đánh cá, khu liên hợp đua xe thể thao và thậm chí cả nhà sản xuất mũi tên bằng gỗ.

Các chính trị gia chuyên nghiệp và các quan chức vụ lợi phản ứng trước những biện pháp khuyến khích do những người vận động hành lang và các nhóm gây áp lực đưa ra nhằm thúc đẩy, làm cho họat động không ngừng của chính phủ ngày càng gia tăng. Những người đang sống đã thấy người ta bãi bỏ một bộ luật quan trọng nào hay chưa? — Craig Smith và Tom Miers (2011), Democracy and the Fall of the West (tạm dịch: Chế độ dân chủ và sự sụp đổ của phương Tây)

Các quan chức

Các quan chức chịu trách nhiệm thực thi tất cả những đạo luật này cũng không phải là những thiên thần hoàn toàn vị tha. Họ có thể tự hào khi được phụng sự công chúng, nhưng họ vẫn có những lợi ích riêng. Ví dụ: nếu họ có thể mở rộng cơ quan của mình thì ngân sách, tiền lương, địa vị, khả năng giữ được việc làm và triển vọng thăng tiến của họ đều có thể được cải thiện.

Và họ có thể phục vụ lợi ích của mình bằng những cách khác nữa. Ví dụ, luật có hiệu lực trong phạm vi rất rộng và thường cần các quan chức quản lý quyết định những quy tắc chính xác nào sẽ được áp dụng và phải giải thích và quản lý những quy tắc đó như thế nào. Là chuyên gia trong lĩnh vực quản trị của mình (có thể còn hơn cả các chính trị gia đã ban hành luật), các quan chức có thể dễ dàng làm cho luật trở thành phức tạp thêm - sau đó lại cần nhiều quan chức hơn để quản lý.

Họ cũng có thể để lại cho mình nhiều quyền trong quá trình quyết định luật sẽ vận hành như thế nào. Nó mang lại cho họ địa vị và vai trò quan trọng vì nó làm cho các doanh nghiệp và công chúng phụ thuộc vào cách giải thích của họ hoặc vào khả năng quyết định người nào sẽ nhận được hợp đồng, trợ cấp hoặc giấy phép do họ ban cho. Đôi khi thậm chí họ có thể nhận hối lộ hay quà tặng.

Những người sống dựa vào chính trị

Các phương tiện truyền thông, các nhóm vận động hành lang, các viện nghiên cứu và những người sống dựa vào các khoản chi tiêu của chính phủ đều quan tâm đến việc duy trì và mở rộng quá trình ban hành quyết định tập thể.

Ví dụ, các đài phát thanh, truyền hình cần lấp đầy chu kỳ tin tức 24 giờ của họ. May mắn cho họ là các chính trị gia tìm mọi cách thể hiện quan điểm và “thêu dệt thêm” các chính sách của mình. Các phương tiện truyền thông cũng muốn có “tin sốt dẻo” - và một lần nữa, các chính trị gia trong chính phủ buộc phải có, bằng cách “tiết lộ” các chính sách trước khi có thông báo chính thức, để công chúng có thể nghe được quan điểm của họ trước khi đối thủ của họ thậm chí biết được chuyện gì đang xảy ra.

Các tổ chức tư vấn và các nhóm vận động có thể tự cho mình là chuyên gia và tuyên bố là vô tư, nhưng họ cũng đưa lợi ích của mình vào cuộc tranh luận. Các nhóm vận động, chú tâm cao độ vào một số vấn đề then chốt, có thể sẽ kêu gọi tăng các khoản chi tiêu công hoặc giảm thuế cho vấn đề đó mà không suy nghĩ nhiều về tác động của nó đối với người nộp thuế nói chung.

Cuối cùng, có những người sống dựa vào nhà nước. Các nhân viên chính phủ là một nhóm cử tri khá lớn, họ khó mà có thể bỏ phiếu để làm cho chính phủ nhỏ đi và ít quan liêu hơn. Ngoài ra còn hàng triệu người khác, chẳng hạn như người về hưu, người hưởng phúc lợi và những người làm công tác hậu cần cho các cơ quan chính phủ. Ở một số nước tiên tiến, số người được nhà nước cung cấp quá nửa thu nhập chiếm đa số trong dân chúng. Họ quan tâm để nhà nước ngày càng to ra, chứ không phải là tiết kiệm tiền của người đóng thuế.

Kết luận

Vế nhiều mặt, chế độ dân chủ tốt hơn các hệ thống chính quyền chuyên chế khác, nhưng chúng ta không nên có thái độ ủy mị. Khi nói về “dân chủ” và quá trình ban hành quyết định dân chủ, là chúng ta đang nói về chính trị và quá trình ban hành quyết định mang tính chính trị. Và như hầu hết mọi người sẽ đồng ý: tiến trình chính trị chưa thể hoàn hảo. Do đó, muốn đảm bảo rằng chế độ dân chủ sẽ mang tới những lợi ích lớn nhất, chúng ta phải luôn là những người thực tế, chúng ta phải nắm được cách hoạt động của nó. Chúng ta nên cảnh giác với các lỗi lầm của nó và nếu có thể, thì cố gắng sửa chữa hoặc giảm thiểu những lỗi lầm đó. Nếu thành công, phần thưởng có thể là rất đáng kể.

Nguồn: Eamonn Butler, Chế độ dân chủ - Một dẫn nhập, Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên gốc: Eamonn Butler (2020), Introduction to Democracy, London Publishing Partnership.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường