[Nền kinh tế tự do] Chương 1: Thế giới kì lạ của thị trường

[Nền kinh tế tự do] Chương 1: Thế giới kì lạ của thị trường

ĐƯỜNG RA CHỢ 1

Chẳng mấy người phương Tây tới thăm khu công nghiệp đầy khói bụi ở thành phố Lan Châu, trên sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Số người dám đi theo con đường hẹp, đầy bùn mà hôm nay tôi đang đi còn ít hơn nữa - đấy là một trong những phố chợ của thành phố này. Hai bên đường san sát những sạp hàng, với cột kèo bằng gỗ tuềnh toàng, mái và tường xám xịt, nhếch nhác. Một đứa trẻ đứng cạnh quầy hàng tròn mắt nhìn tôi, rồi cuống quýt chạy đi thông báo với mẹ rằng nó vừa trông thấy một người ngoại quốc, là tôi.

Bà ta đang ngồi, cạnh bên một cái cân có tuổi đời dễ chừng gấp đôi tuổi mình, trong một lối đi chật chội mà đằng sau là toàn bộ kho hàng: mấy bao tải gạo, bột, hạt hướng dương, đậu phộng, và bên trên tất cả những thứ đó là cái giá ọp ẹp chất đầy những túi gia vị - những vị khách tới đây thường ngửi và nếm chúng trước khi đi sang quầy hàng khô khác.

Một cái thau nhựa to, thả đầy những con cá sống

vẫn đang bơi, chắn ngang đường đi của tôi.

Thằng nhóc vẫn chú mục vào tôi, mắt nó mở to. Nhưng tôi tiếp tục rảo bước. Quầy hàng tiếp theo chất đầy dưa hấu, dứa, lựu, cam, gừng, tỏi, cà chua, đậu xanh, ngô, súp-lơ, và những thứ hoa quả lạ lẫm khác. Người bán hàng, một phụ nữ còn trẻ, tóc đen, dài, đang rửa rau trong một cái chậu men đầy nước.

Có tiếng chuông leng keng phía sau. Tôi nhanh chóng tránh qua một bên, nhường đường cho chiếc xe đạp đang kéo một cái bếp lò nghi ngút khói, to bằng cái thùng phi chứa dầu, chở thức ăn nóng mang ra chợ bán.

Tôi đi tiếp. Một cái thau nhựa to, thả đầy những con cá sống vẫn đang bơi, chắn ngang đường đi của tôi. Cạnh đó là một gian hàng bày chật những lồng gà, lồng vịt và cả chim bồ câu còn sống. Rồi lại đến những thùng cá to hơn, lần này là những cái thùng tôn. Rồi đến một người bán quần áo lót. Tiếp đến là gian hàng với cơ man nào là chảo, bình sứ, cốc thủy tinh, bát ăn cơm chất thành đống, bàn chải đủ mọi kiểu dáng, màu sắc, xẻng hót rác, xô và lỉnh kỉnh đồ đạc khác. Tiếng chuông xe đạp thứ hai, chất nghễu nghện một chồng bìa các tông mang đi tái chế, tất cả đều có những chữ tượng hình màu sắc sặc sỡ của Trung Quốc. Trong khi đó, từ quầy thức ăn nóng khói bốc ra nghi ngút (tốt nhất, không nên hỏi đấy là món gì) trên một bếp ga đã quá tuổi về hưu từ lâu. Một quầy hàng khác bán bánh đủ màu, đủ cỡ, nằm lẫn lộn giữa những lạp xưởng, chân gà, thịt rán, bánh nhân cá và bánh hình tròn - tôi không chắc là mình có muốn biết nó là gì hay không.

KHÔNG CẦN NÓI, NHƯNG CẢ HAI BÊN ĐỀU CÓ LỢI

Tôi đã tới nơi cần đến: một quầy hàng bằng gỗ, nhỏ tí, không có cửa, chỉ có một cửa sổ lớn, không có kính. Bên trong là một cô gái trẻ, ưa nhìn, mặc sơ mi đỏ, cô thợ may duy nhất trên phố chợ. Cô không có máy may - một ngày nào đó có thể cô sẽ tiết kiệm đủ tiền để mua một chiếc - nhưng cô vá tay với độ chính xác tuyệt hảo.

Chúng tôi không biết tiếng của nhau, nhưng tôi đưa cho cô cái quần đang cầm trên tay và chỉ cho cô chỗ gấu quần bị rách. Cô hiểu ngay và cúi đầu thật thấp - như thể nói cho một người không được may mắn sinh ra là người Trung Quốc rằng cô đã hiểu. Tôi muốn hỏi giá, vì vậy tôi chỉ vào lòng bàn tay và sự bối rối hiện rõ trên gương mặt. Cô đưa lên năm ngón tay, tôi hiểu là 5 tệ. Có lẽ đấy là cách mặc cả, nhưng đối với tôi, đây là khoản tiền nhỏ và tôi sẵn sàng trả, còn hơn là mất thì giờ tìm người thợ may khác.

Mấy đứa trẻ chân đất xúm lại

để ngắm nhìn sinh vật kì quặc này

Tôi gật đầu. Cô cầm lấy cái quần của tôi, cái kim được đưa ra - thật đáng ngại - chỉ màu hồng sặc sỡ. Tôi đứng bên ngoài - quầy của cô không đủ chỗ cho hai người - và nhìn quanh trong khi chờ đợi. Dọc hai bên con đường lớn là những xe hàng của những người bán hoa quả, dầu ăn, gạo - thậm chí là cả quần áo lót. Xa hơn nữa là những người bán hàng ngồi ngay trên mặt đất, hàng hóa được bày trên một tấm vải hay tấm ni lông.

Mấy đứa trẻ chân trần xúm lại để ngắm nhìn sinh vật kì quặc đã đặt chân lên vùng đất của chúng. Nhưng chỉ vài phút sau, chỗ rách trên chiếc quần của tôi đã được vá xong, mà không thấy vết chỉ màu hồng nào hết. Tôi vui vẻ trả khoản tiền đã thỏa thuận và bước đi, sau khi đã mỉm cười và cúi đầu chào nhau đến mấy lần. Dường như tôi đã làm cô vui - mặc dù tôi nghĩ rằng vì tôi là người ngoại quốc, chứ không phải vì tôi đã trả cô nhiều tiền. Và cô cũng làm tôi vui: tối nay tôi có thể đến buổi chiêu đãi mà không cần phải cài kim băng vào chỗ gấu quần bị rách.

Tôi còn học được nhiều điều nữa.

THỊ TRƯỜNG CÓ MẶT KHẮP NƠI

Đấy là một trong những lý do để tôi khẳng định niềm tin của mình rằng thị trường có mặt khắp nơi. Trung Quốc vẫn được coi là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhưng ngay cả ở đây tôi cũng tìm thấy những khu chợ chẳng khác gì ở châu Âu hay ở Mỹ. Hàng hóa có thể khá kì quặc (còn người bán có thể không kì quặc bằng), về sự tấp nập và ồn ào thì ở đây cũng chẳng khác khu chợ Petticoat Lane ở London là mấy). Còn những mặt khác thì chợ ở đâu cũng thế - rất nhiều loại hàng hóa và nhiều người bán, còn đám đông khách hàng thì lựa chọn theo ý mình.

Quyền lựa chọn là đặc điểm của thị trường. Do đó, cô thợ may không bị buộc phải vá cái quần của tôi, tôi cũng không bị buộc phải chấp nhận giá mà cô đưa ra. Cả hai chúng tôi đều có quyền phủ quyết vụ thương thảo - cô gái quyết định đợi khách hàng khác, còn tôi thì đi tìm người thợ may khác. Không thể gọi một cái gì đó là thị trường trừ phi cả hai bên đều có thể lựa chọn không tham gia giao dịch.

Về sự tấp nập và ồn ào thì ở đây cũng chẳng khác

khu chợ Petticoat Lane ở London là mấy.

Nhưng chúng tôi không bỏ đi vì trong vụ trao đổi này cả hai bên đều có lợi. Đối với tôi, 5 tệ là khoản hy sinh nho nhỏ để trông có vẻ bảnh bao. Đối với cô gái, đây là phần thưởng khả dĩ cho vài phút làm việc. Bằng cách này, như chúng ta sẽ thấy trong Chương 2, thị trường tạo ra quá trình hợp tác êm thấm giữa những người chuyên làm những món hàng khác nhau mà họ thông thạo - cô thợ may khéo may vá, còn tôi giỏi về kinh tế học, nói ví dụ thế.

Nói cho cùng, sự khác biệt càng lớn - như trong trường hợp của tôi, tôi hoàn toàn không biết khâu vá và thực tế là tôi đang đi du lịch, tôi không có những dụng cụ chuyên dùng để khâu vá - thì chúng tôi càng dễ hợp tác với nhau hơn. Chúng tôi không cần phải tranh cãi xem việc vá cái quần của tôi quan trọng tới mức nào, hay cần phải bỏ phiếu công khai xem có cần phải vá hay không. Chúng tôi không cần phải được mọi người đồng ý rằng việc vá quần sẽ có lợi cho toàn xã hội. Trên thực tế, chính sự khác biệt - cô gái coi khoản tiền tôi trả có giá trị cao hơn là thời gian bỏ ra, còn tôi lại coi tài khâu vá của cô cao hơn mấy đồng bạc kia - đã mang chúng tôi lại với nhau. Giá cả là cái duy nhất chúng tôi phải thỏa thuận.

KHÔNG CÓ NGƯỜI HOÀN HẢO

Thị trường là sản phẩm của con người. Thị trường không bao giờ hoàn hảo. Nếu bạn có cuốn sách giáo khoa về kinh tế học, bạn nên xé bỏ ngay chương nói về “cạnh tranh hoàn hảo” - đấy là chương mô tả sự cân bằng hoàn hảo phổ biến trên các thị trường, khi mà nhiều nhà sản xuất riêng lẻ bán những món hàng y hệt nhau cho nhiều người mua, những người hoàn toàn biết rõ giá cần trả trong mỗi giao dịch. Đấy không “chỉ là trừu tượng hóa về lý thuyết” - đấy đơn thuần là ngớ ngẩn. Chương 2 giải thích, chính sự không hoàn hảomất cân đối làm cho thị trường hoạt động.

Tôi tin chắc rằng, thực ra ở Trung Quốc có rất nhiều - có thể hàng triệu - thợ may. Nhưng một người xa lạ như tôi sẽ khó tìm được họ, chưa nói là so sánh họ với nhau. Như Chương 3 cho thấy, thông tin như thế có khác gì mò kim đáy biển. Thông tin không phải là thứ miễn phí và không phải là hoàn hảo. Người mua phải bỏ thời gian và sức lực để tìm người bán mà họ thích, còn người bán thì phải bỏ thời gian và công sức để lôi kéo người mua. Nếu người mua nào cũng đều nắm được tất cả thông tin thì những người làm quảng cáo sẽ mất việc (Và chúng ta không muốn như thế, đúng không?).

Chính sự không hoàn hảo và mất cân đối

làm cho thị trường hoạt động

 Chính tôi đã mất công tìm người vá cái quần rách của mình. Trong trường hợp của tôi, chi phí cho việc tìm kiếm là khá nhỏ, nhưng nếu bạn mua một món hàng nhiều tiền - ví dụ, ngôi nhà hay xe ô tô - thì bạn sẽ muốn tìm kiếm trong một khu vực rộng hơn và mất nhiều thời gian hơn, cũng như lựa chọn thận trọng hơn.

Có khả năng là bạn muốn dành thời gian để làm hợp đồng, cũng như tôi phải mất một ít thời gian để giải thích tôi muốn gì và thỏa thuận giá cả vậy. Những khoản chi phí này gọi là chi phí giao dịch. Không có những khoản chi phí này thì các luật sư cũng thất nghiệp hết (Nhưng đáng buồn là, đấy chính là cuộc sống - mọi thứ chẳng bao giờ hoàn hảo).

THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐỘ TIN CẬY

Cho nên, tôi hành động trên cơ sở thông tin không đầy đủ. Tôi biết rằng có mấy bà thợ may già ngồi ở góc phố cách đó mấy tòa nhà. Nhưng tôi đã đi khá xa rồi và không đáng bỏ công sức tìm kiếm thêm nữa. Dù sao, tôi tin người bạn áo-đỏ của tôi hơn: việc cô ấy có thể đầu tư vào cái quấy hàng nhỏ bé của mình chứng tỏ tay nghề của cô đủ lôi kéo được nhiều khách hàng trung thành.

Những sự khác biệt về thời gian, địa điểm và độ tin cậy (trình bày chi tiết trong Chương 6), tất cả đều có ảnh hưởng tới lựa chọn của tôi. Nhưng, những khác biệt này là động lực của thị trường. Đối với tôi, những người thợ may này không giống hệt nhau. Ngay cả những món đồ gia vị được bán trên các sạp chợ này cũng khác nhau, khách hàng thành thạo ngửi và nếm từng món trước khi đi sang quầy khác. Một số quầy có thể có hàng tươi hơn, một số bán rẻ hơn. Hoặc có thể một số có những lựa chọn hữu ích hơn.

Với những khách hàng khó chiều như thế, người bán luôn luôn bị đe dọa là sẽ mất khách vào tay những người bán hàng khác - điều này làm cho họ phải cố gắng tìm cho bằng được loại hàng hóa, chất lượng, giá cả mà dân chúng muốn. Cạnh tranh (Chương 5) không phải là “hoàn hảo” - ngay cả khi có hai người bán những món hàng tương đối giống nhau cũng làm cho họ phải rất thận trọng rồi. Đôi khi chỉ cần bị đe dọa cạnh tranh là đủ.

AI? CÁI GÌ? Ở ĐÂU? VÌ SAO?

Tất cả những điều vừa trình bày có nghĩa là thị trường là hành trình khám phá liên tục của cả người mua lẫn người bán. Người mua thường xuyên nếm các món gia vị, ngửi mùi phở, vỗ thử quả dưa, gõ nhẹ vào tròng kính, kiểm tra giá, và quyết định xem nên tin người bán hàng nào. Còn người bán thì phải thường xuyên điều chỉnh giá cả nhằm phản ứng trước việc có bao nhiêu khách hàng sẵn sàng mua và những người bán hàng cạnh tranh với mình đang đòi bao nhiêu. Không có gì là đứng yên một chỗ; mỗi khi thấy từ “trạng thái cân bằng” trong sách giáo khoa kinh tế học, xin hãy dùng bút xóa và xóa đi ngay lập tức.

Mỗi khi thấy từ “trạng thái cân bằng” trong sách giáo khoa kinh tế học,

xin hãy dùng bút xóa và xóa đi ngay lập tức.

Việc một số người bán hàng tiếp tục đứng vững trên thương trường hết năm này sang năm khác chứng tỏ họ đang làm đúng, và người tiêu dùng sẵn sàng mua món hàng mà họ sản xuất chứ không chỉ nhìn, ngửi, gõ và bỏ đi. Quá trình khám phá này làm cho cungcầu phù hợp với nhau - nó nói cho người bán rằng cần sản xuất cái gì để có thể đáp ứng nhu cầu luôn luôn thay đổi và mang tính cá nhân của các khách hàng.

Các doanh nhân luôn luôn tìm tòi thay đổi,

phản ứng với nó và coi đó là cơ hội.

Đạo sư về quản lý Peter F. Drucker

Nắm được nhu cầu là năng khiếu. Bạn phải đoán được người mua có thể muốn gì và thử sản xuất cái đó. Bạn phải có một chút tinh thần của doanh nhân - nắm bắt cơ may, đầu tư thời gian và tiền của vào cái gì đó mới mẻ, có thể thành công mà cũng có thể không thành công - tương tự như những người bán phở rong hay suy nghĩ xem có ai mua những cái thùng các tông đã qua sử dụng hay không.

TRẬT TỰ TỰ PHÁT

Thị trường có thể trông như một khu vực lộn xộn - chợ trên đường phố Lan Châu mà tôi nói tới bên trên là một dòng người ồn ào, khói và hỗn loạn - nhưng không hề lộn xộn. Chắc chắn là ở đây không có cơ quan quyền lực tập trung kiểm soát. Không có ai bảo người ta phải bán cái gì hay bán với giá bao nhiêu (sẽ nói trong Chương 4). Người ta chỉ đơn giản là tụ tập tại một chỗ và hy vọng rằng đưa ra được những món hàng hấp dẫn với giá cả hấp dẫn. Thị trường thành công không phải vì cơ quan quyền lực nào đó chỉ đạo. Thị trường thành công là vì những người tham gia thị trường cùng tuân theo một tập hợp các luật lệ đã có hiệu lực hàng thế kỷ.

Ví dụ, xin xem xét quyền sở hữu tài sản. Hàng hóa (hay dịch vụ, như thời gian và tài khéo của cô thợ may của tôi) của chủ tiệm là của họ. Tiền của tôi là của tôi. Nếu họ lôi kéo được nhiều khách hàng thì họ phải tìm cách để bán được hàng. Nếu tôi không trả tiền hay họ lừa tôi là vi phạm luật lệ. Để thị trường hoạt động, sở hữu của người dân phải được bảo đảm.

Tôi không trả tiền hay họ lừa tôi là vi phạm luật lệ.

Đối với chúng ta, những luật lệ này đã trở thành tự nhiên đến mức phần lớn những giao dịch hàng ngày không cần phải có văn bản pháp lý hay hợp đồng. Giao dịch được thực hiện trên cơ sở lòng tin. Khách hàng mua những thứ rau quả lạ hay chân gà ở ngoài chợ đơn giản cho rằng đấy là những thứ an toàn; nếu không, họ có thể đòi lại tiền hoặc sẽ không bao giờ quay lại quầy hàng đó nữa. Tương tự, những người thợ may tin rằng khi họ trao cho bạn chiếc quần đã sửa xong, bạn sẽ không bỏ chạy mà không trả tiền. Đấy là luật lệ.

Nhưng cuộc đời vốn không hoàn hảo. Đôi khi tài sản của ta bị người khác làm cho thiệt hại. Ví dụ, quần áo lót trong kho của người bán có thể bị giảm giá trị vì khói và mùi từ quầy hàng của người bán thức ăn ám vào. Và đám đông dân chúng túm tụm trên con phố này có nghĩa là bạn phải mất một ít thời gian mới đi tới được quầy hàng mà bạn muốn tìm. Ảnh hưởng ngoại tác (externality) có thể là vấn đề khó giải quyết. Nhưng, như chúng ta sẽ thấy trong Chương 7, thị trường luôn tìm được cách để làm việc đó. Ở Lan Châu, người bán thức ăn và người bán quần áo dường như đã làm được bằng cách đảm bảo rằng họ đứng cách xa nhau.

THỊ TRƯỜNG GIÚP CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN SỐNG

Người ta có thể lấy làm ngạc nhiên là hệ thống này - không có cơ quan quyền lực chỉ đạo, nơi mà người bán hay người mua chỉ nghĩ đến lợi ích của chính mình - lại hoạt động hiệu quả như thế. Nhưng nó đúng là hiệu quả, vì nó tạo điều kiện cho những người khác nhau, với những mục đích và ý kiến khác nhau hợp tác một cách hòa bình và vì nó lái các nguồn lực một cách nhanh chóng và hiệu quả đến nơi người dân cần những nguồn lực này.

Chắc chắn là thị trường phải trả lời những lo lắng về mặt đạo đức (Chương 8), ví dụ, sự thực là nó không làm cho người ta hoàn toàn bình đẳng với nhau. Ví dụ, cô thợ may nghèo hơn hẳn tôi. Nhưng, nhờ hệ thống thị trường, cô thợ may và những người khác ở Trung Quốc đang vươn lên khá nhanh, cứ mỗi 5 năm mức sống của họ lại tăng gấp đôi. Hệ thống thị trường là cơ chế xóa đói giảm nghèo hiệu quả nhất và là cơ chế tạo ra của cải hiệu quả nhất hành tinh. Đấy là lý do vì sao bạn thấy thị trường có mặt (hầu như) khắp nơi.

Và có thị trường mua bán tất cả mọi thứ. Thị trường hàng hóa (rau quả, gia vị, ô tô), thị trường dịch vụ (thợ sửa ống nước, giáo viên, thợ giặt, diễn viên, gái điếm), thị trường nhà ở và thị trường tài chính, như cổ phiếu và tiền. Còn có cả thị trường ảo trên mạng, ví dụ eBay, được khảo sát trong Chương 9. Xét cho cùng, trao đổi trên thị trường phổ quát đến mức từ thị trường đã bao trùm toàn bộ ý tưởng về trao đổi - chứ không chỉ có nghĩa là nơi người ta đứng xung quanh những món hàng hóa được mang ra trao đổi (xem nội dung bên dưới).

ĐƯA NGUỒN LỰC TỚI NHỮNG NƠI

CHÚNG ĐƯỢC SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NHẤT

Ở một góc, gần phố chợ Lan Châu còn có một cái chợ kì quặc hơn nữa. Những người đàn ông - dân nhà quê, da đen sạm, già trước tuổi. Người cầm theo búa tạ, người có xẻng; người có búa chim. Vài người có những con lăn để sơn tường, cán rất dài. Bên cạnh mỗi người - trong khi họ ngồi chơi bài - là một miếng bìa các tông với mấy chữ viết bằng tay nói về kỹ năng của họ. Sáng nào họ cũng vào thành phố với hy vọng sẽ được người ta thuê làm mấy giờ mỗi ngày.

Đấy là thị trường lao động không chính thức. Họ không bán hàng hóa mà bán dịch vụ. Họ tập trung ở đây để những người cần lao động biết chỗ mà tìm và có thể tìm được một cách dễ dàng mà không cần sục sạo vào những ngôi làng gần đó. Gần khu vực những người đàn ông này ngồi lại có một khu chợ kiểu khác - mấy dãy phố cắt nhau, với những căn nhà lợp tôn bán đủ thứ để người ta tự làm - gỗ, máy móc, thiết bị, bồn tắm, lò sưởi, điều hòa, ống, dây điện, gạch, ngói, cửa sổ, máy khoan, xẻng, phụ kiện chiếu sáng, sơn, thang, khóa và nhiều thứ khác. Người bán biết rằng khách hàng có thể cần người giúp đào rãnh thoát nước hay sơn trần nhà. Có thị trường lao động ngay bên cạnh thật tiện lợi biết bao!

Tiện lợi nhưng không phải ngẫu nhiên. Hệ thống trao đổi tự do có sức mạnh quá sức tưởng tượng trong việc lái các nguồn lực mà người ta cần đến đúng nơi và đúng lúc.

Đây chính là phép màu của thị trường.

Thị trường là gì?

Từ thị trường gợi lên trong tâm trí bạn hình ảnh nào? Có thể đấy là hình ảnh dân chúng tụ tập trong một ngày quy định trong tuần để mua hay bán những món hàng như lương thực, thực phẩm hoặc gia súc. Hoặc bạn có thể nghĩ tới một cao ốc dùng làm nơi buôn bán: tương tự như dãy phố từng là thị trường ngũ cốc hồi thế kỷ XX ở Anh (vẫn còn, nhưng chủ yếu là phố để người dân đi dạo).

Tuy nhiên, thị trường còn có nghĩa trừu tượng nữa. Nó ám chỉ toàn bộ hoạt động kinh tế mua và bán. Và trao đổi những hàng hóa hay dịch vụ đặc biệt - như thị trường bảo hiểm hay thị trường dầu mỏ.

Khi bạn chào bán thứ gì đó, người ta bảo rằng bạn đưa nó ra thị trường. Từ này còn bao gồm cả nhóm người mà bạn muốn giao dịch - ví dụ, thị trường cho thanh niên hay thị trường du lịch. Nó còn có nghĩa là nhu cầu về món hàng cụ thể, mà người bán nói là thị trường ế ẩm hay thị trường đông đúc. Và nói về giá những món hàng được đem ra trao đổi là thị trường hôm nay lên.

Từ thị trường hữu ích. Gần như một đồ vật có thật.

Chú thích: 

(1) Tiếng Anh từ market vừa có nghĩa là chợ, vừa có nghĩa là thị trường, thương trường; ở đây từ này sẽ được chuyển ngữ theo cả ba cách, tùy ngữ cảnh.

Nguồn: Nền kinh tế tự do,  Eamonn Butler. Nhà xuất bản tri thức, 2023

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường