Luận chứng cửa kính vỡ

Luận chứng cửa kính vỡ

(Tiếp theo Chương 1 - Bài học kinh tế cơ bản)

Chương II: Câu chuyện cửa kính vỡ

Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ minh họa đơn giản nhất. Hãy cùng bắt chước nhà kinh tế học Bastiat và chọn ví dụ về một tấm kính cửa sổ bị ném vỡ.

Một tên càn quấy liệng một hòn gạch vào cửa sổ hiệu bánh mỳ. Sau đó, ông chủ cửa hàng bực tức lao ra ngoài nhưng gã càn quấy đã biến mất. Một đám đông xúm lại xem lỗ hổng trên cửa sổ và những mảnh kính vương vãi trên các khay bánh với đôi chút mãn nguyện ngấm ngầm trong lòng. Sau vài phút, họ bắt đầu thảo luận về sự việc. Chắc chắn vài người sẽ nói với nhau, hay thậm chí với ông chủ hiệu bánh, rằng đây không phải là một điều hoàn toàn tồi tệ; nó sẽ tạo ra việc làm cho người thợ kính. Và rồi họ bắt đầu thảo luận hăng hơn. Tấm kính mới sẽ mất chừng bao nhiêu tiền? Chắc là khoảng 250 đôla? Đó cũng là một khoản kha khá! Song nếu cửa sổ không bao giờ vỡ thì những người thợ kính sẽ thất nghiệp hết à? Câu chuyện của họ dường như không có hồi kết! Người thợ kính sẽ kiếm được 250 đôla và sẽ dùng khoản tiền đó để mua những hàng hóa khác, nghĩa là những người bán hàng đó sẽ có 250 đôla để mua những gì họ cần từ những người bán hàng khác, và khoản tiền đó sẽ luôn được luân chuyển tiếp. Chiếc cửa sổ vỡ kính sẽ tạo ra vốn và việc làm cho ngày càng nhiều người. Kết luận cuối cùng của cuộc thảo luận, nếu đám đông đó đưa ra, sẽ là: kẻ đã liệng hòn gạch không phải là tên phá hoại mà là một người đóng góp cho xã hội.

Chúng ta hãy thử nhìn sự việc này bằng một cách khác. Đám đông có lý trong kết luận đầu tiên của mình: hành vi phá hoại này sẽ tạo ra việc làm cho người thợ kính. Khi nghe được sự việc này, người thợ kính sẽ chẳng đau buồn gì hơn một người tổ chức tang lễ khi nhận tin có người qua đời. Nhưng người chủ cửa hàng sẽ bị mất đi 250 đôla mà ông ta định dùng để mua một bộ vest mới. Bây giờ ông ta sẽ phải dùng khoản tiền đó để lắp lại kính cửa sổ và không có được bộ vest. Thay vì có cả cửa kính và 250 đôla, giờ đây ông ta chỉ có một cái cửa sổ. Hoặc giả sử ông ta định đi mua bộ vest ngay chiều hôm đó, thay vì có cả cửa kính và bộ vest, giờ đây ông ta đành phải hài lòng với chiếc cửa sổ lành lặn và không có bộ vest. Nếu chúng ta coi ông ta là một phần của cộng đồng, cộng đồng đó đã mất một bộ vest, và nghĩa là nó đã trở nên nghèo hơn.

Nói tóm lại, người thợ kính có được việc làm cũng có nghĩa là người thợ may mất đi việc làm. Không có một công việc mới nào được thực sự tạo ra. Những người trong đám đông chỉ nghĩ đến hai bên trực tiếp liên quan đến sự việc này: ông chủ hiệu bánh mỳ và người thợ kính. Họ đã quên mất bên thứ ba cũng có liên quan đến sự việc này: người thợ may. Họ không nghĩ đến ông ta bởi vì chính sự việc này đã khiến ông ta không xuất hiện. Trong vài ngày nữa, họ sẽ nhìn thấy cửa sổ mới, song họ sẽ không bao giờ nhìn thấy bộ vest mới bởi nó không bao giờ được may. Họ chỉ nhìn thấy những gì rõ ràng trước mắt.

Chương III: Ích lợi của sự phá hoại

Ví dụ về chiếc cửa kính vỡ chúng ta vừa sử dụng là một ví dụ ở dạng đơn giản nhất minh họa cho những luận chứng kinh tế sai lầm. Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra sự bất hợp lý của nó sau một vài phút suy nghĩ. Song chính luận chứng cửa kính vỡ dưới muôn vàn vỏ bọc khác nhau, là sai lầm xuất hiện nhiều và thường xuyên nhất trong lịch sử kinh tế học. Ngày nay, nó đã trở nên phổ biến hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Nó được chấp nhận và áp dụng hàng ngày bởi những người đứng đầu các ngành sản xuất, các phòng thương mại, các lãnh đạo công đoàn, các phóng viên, nhà báo và người dẫn chương trình truyền hình, bởi các nhà thống kê với các phương pháp nghiên cứu ưu việt nhất cũng như bởi các giáo sư kinh tế học ở các trường đại học hàng đầu của chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, họ đều tin vào ích lợi của sự phá hoại.

Mặc dù một số người trong bọn họ sẽ không cho rằng những hành vi phá hoại nhỏ cũng đem lại ích lợi kinh tế, nhưng khi nói đến sự phá hoại với quy mô lớn, họ đều có thể chỉ ra vô vàn lợi ích kinh tế khác nhau. Họ cho rằng trong thời chiến, chúng ta giàu có hơn so với thời bình. Họ đưa ra dẫn chứng về việc chiến tranh có thể dẫn đến những “phép mầu trong sản xuất”. Họ cho rằng thế giới trở nên thịnh vượng nhờ lượng nhu cầu khổng lồ được “tích tụ” sau chiến tranh. Tại châu Âu, sau Thế Chiến II, họ vui mừng đếm từng ngôi nhà và thành phố bị san bằng và “cần phải xây dựng lại”. Tại Mỹ, họ thống kê những ngôi nhà đã không được xây dựng và những đôi tất nylon đã không được sản xuất trong thời gian chiến tranh; cộng lại với những chiếc xe hơi và lốp xe cũ kỹ, những chiếc radio và tủ lạnh lỗi thời, họ có được một con số đáng nể.

Đây chính là người bạn cũ của chúng ta - luận chứng kinh tế cửa kính vỡ - trong một trang phục mới, và người bạn cũ này đã phát tướng đến mức chúng ta không nhận ra nổi nữa. Lần này nó được hỗ trợ bởi một loạt những luận chứng sai lầm có liên quan khác. Nó đã nhầm lẫn giữa nhu cầu sử dụng và nhu cầu kinh tế. Đúng là chiến tranh càng phá hủy và gây nhiều đói nghèo thì nhu cầu sau chiến tranh càng lớn. Nhưng nhu cầu sử dụng không phải là nhu cầu kinh tế. Nhu cầu kinh tế thật là sự kết hợp của hai yếu tố: nhu cầu sử dụng của con người và lượng sức mua tương đương với nhu cầu đó. Để có thể hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa nhu cầu sử dụng và nhu cầu kinh tế, ta có thể nhìn vào Ấn Độ và Mỹ: nhu cầu sử dụng của Ấn Độ lớn hơn Mỹ rất nhiều lần, song sức mua của Ấn Độ lại nhỏ hơn nhiều so với Mỹ. Chính vì thế, nhu cầu kinh tế của Ấn Độ, cũng như lượng hoạt động kinh doanh mới mà nhu cầu này có thể tạo ra, nhỏ hơn nhiều so với Mỹ.

Bên cạnh sai lầm này, có một luận chứng kinh tế sai lầm khác mà những người ủng hộ luận chứng cửa kính vỡ thường sử dụng: họ nghĩ rằng “sức mua” chỉ được tính đơn thuần bằng tiền. Tiền được in tại các nhà máy in tiền, và nếu luận chứng này đúng, nếu giá trị sản phẩm được đo bằng tiền, thì ngành in tiền sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Nhưng thực tế là càng nhiều tiền được in ra, giá trị của một đơn vị tiền tệ càng giảm. Sự giảm giá trị của tiền tệ có thể được đo bằng sự tăng giá cả hàng hóa. Nhưng vì nhiều người luôn tính giá trị tài sản hay thu nhập của mình bằng lượng tiền mình có, họ cho rằng họ trở nên giàu có hơn khi tổng số tiền tăng lên, mà không tính đến thực tế là họ có thể có ít hơn nếu quy ra hiện vật hoặc hàng hóa. Phần lớn những sự phát triển kinh tế nhanh chóng mà mọi người cho rằng có được nhờ Thế Chiến II thực ra là do sự lạm phát thời chiến. Nếu quy về mức lạm phát của thời bình, những sự phát triển này thực ra chỉ ở mức bình thường. Chúng ta sẽ quay trở lại ảo tưởng về tiền tệ này trong phần sau.

Luận chứng về nhu cầu kinh tế được tích tụ lại trong thời gian chiến tranh, giống như luận chứng về cửa kính vỡ, chỉ đúng một phần. Giống như chiếc cửa sổ bị vỡ tạo ra công việc cho người thợ kính, sự phá hủy của chiến tranh tạo ra công việc cho những nhà sản xuất một số hàng hóa nhất định. Nhà cửa và thành phố bị phá hủy tạo ra công việc cho ngành xây dựng. Do không có điều kiện để sản xuất xe hơi, radio và tủ lạnh trong thời chiến, sau chiến tranh sẽ có một lượng nhu cầu tích tụ lớn đối với một số loại hàng hóa nhất định.

Phần lớn mọi người cho rằng có sự tăng tổng nhu cầu kinh tế đột biến sau chiến tranh. Điều này đúng một phần bởi sự giảm sức mua của tiền tệ. Nhưng điều chủ yếu xảy ra không phải là sự tăng tổng mà là sự chuyển hướng của nhu cầu kinh tế từ các loại hàng hóa khác sang một vài loại hàng hóa nhất định. Tại châu Âu, người ta đã xây dựng rất nhiều nhà cửa sau chiến tranh bởi nhu cầu bắt buộc, nhưng khi họ tập trung vào xây nhà, họ sẽ có ít nguồn lực hơn để làm các việc khác. Khi họ mua nhà, sức mua của họ để mua các thứ khác sẽ bị giảm đi. Bất kỳ khi nào hoạt động kinh tế tăng lên trong một lĩnh vực nhất định, nó sẽ giảm đi một mức tương đương trong các lĩnh vực khác (trừ trường hợp các nguồn lực cũng được kích thích phát triển do sự khan hiếm hay do hoàn cảnh cấp thiết).

Tóm lại, chiến tranh làm chuyển hướng các nỗ lực kinh tế sau chiến tranh. Nó thay đổi tỷ trọng giữa cách ngành sản xuất và làm chuyển biến kết cấu nền kinh tế.

Từ sau Thế Chiến II, châu Âu đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hay rất nhanh ở cả những quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh và những quốc gia thoát được điều này. Một số quốc gia phải chịu sự tàn phá nặng nề nhất như Đức đã phát triển nhanh hơn những nước ít bị tàn phá hơn như Pháp. Điều này một phần bởi Đông Đức đã đi theo những chính sách kinh tế hợp lý hơn, và một phần bởi những nhu cầu cấp bách về nhà cửa và các điều kiện cơ bản khác đã khiến người dân của quốc gia này nỗ lực nhiều hơn. Song điều này không có nghĩa là việc phá hoại tài sản sẽ đem lại lợi ích cho những người có tài sản bị phá hoại. Không ai tự đốt nhà mình vì tin rằng nhu cầu phải xây lại ngôi nhà sẽ khiến mình nỗ lực nhiều hơn.

Sau chiến tranh, các nguồn lực và sự nỗ lực của con người thường được kích thích mạnh hơn bình thường trong một khoảng thời gian nhất định. Ở phần đầu chương ba của cuốn History of England (Lịch sử nước Anh), Macaulay chỉ ra rằng:

Sự rủi ro hay thiếu khả năng lãnh đạo không thể khiến đất nước nghèo đi nếu từng người dân hạ quyết tâm và dồn trí lực vào việc cải thiện đời sống của bản thân mình, qua đó làm cho đất nước trở nên thịnh vượng hơn. Các khoản chi lãng phí, các mức thuế nặng nề, các điều luật hạn chế thương mại một cách bất hợp lý, các thẩm phán tham nhũng, chiến tranh khốc liệt, bạo loạn, bắt bớ, hỏa hoạn, lũ lụt, v.v… không thể phá hủy nguồn vốn của một quốc gia nhanh hơn lòng quyết tâm của từng công dân trong việc tạo ra nó.

Không một người nào muốn tài sản của mình bị phá hủy, trong thời bình cũng như trong thời chiến. Điều gì gây tổn hại với một cá nhân chắc chắn cũng gây tổn hại cho cộng đồng các cá thể tạo nên quốc gia đó.

Nhiều luận chứng sai lầm thường gặp trong kinh tế học xuất phát từ xu hướng tư duy trừu tượng hóa – xu hướng đang trở nên rất phổ biến ngày nay. Họ nghĩ về số đông, về cộng đồng, về “quốc gia”, mà quên mất hay bỏ qua những cá nhân vốn chính là những người tạo nên cộng đồng hay quốc gia và khiến nó trở nên có ý nghĩa. Nếu chúng ta nghĩ trước hết về những người có tài sản bị phá hủy trong chiến tranh, chúng ta sẽ không thể cho rằng sự phá hủy của chiến tranh là một lợi ích kinh tế.

Những người cho rằng sự phá hủy của chiến tranh sẽ làm tăng tổng “nhu cầu kinh tế” quên mất rằng cung và cầu của thị trường chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu, hay cùng một sự việc được nhìn vào từ hai khía cạnh khác nhau. Cung tạo nên cầu bởi vì xét cho cùng thì cung chính là cầu. Trên thực tế, những gì được sản xuất và cung cấp là tất cả những gì chúng ta có để trao đổi lấy những thứ mình cần. Điều này có nghĩa là lượng lúa mỳ người nông dân cung cấp cho thị trường chính là cơ sở cho nhu cầu của họ về xe hơi hay các loại hàng hóa khác.

Tất cả những điều này đều tiềm ẩn trong sự phân công lao động của xã hội hiện đại và trong nền kinh tế trao đổi hàng hóa.

Rất nhiều người, trong đó có cả những người được coi là nhà kinh tế học nổi danh, không nhìn ra được luận chứng mang tính nền tảng này bởi sự tồn tại của một số yếu tố phức tạp khác như tiền lương và tiền tệ với vai trò là trung gian cho mọi sự trao đổi trong nền kinh tế hiện đại. John Stuart Mill và một học giả thuộc trường phái cổ điển khác, cho dù họ đôi khi chưa chỉ ra được hết những tác động phức tạp phát sinh từ việc sử dụng tiền tệ, đã nhìn xuyên qua “bức màn tiền tệ” này để thấy được những điều này. Trên phương diện đó, họ đã tiến xa hơn nhiều nhà kinh tế học ngày nay, những người không những không hiểu rõ được yếu tố tiền tệ mà còn bị nó làm cho nhầm lẫn. Lạm phát thuần túy – nghĩa là việc thuần túy in thêm tiền với hậu quả là sự tăng lương và mức giá - khiến nhiều người nghĩ rằng có sự gia tăng trong nhu cầu kinh tế. Nhưng nếu ta nhìn vào sản xuất và sự trao đổi hàng hóa thì không có sự gia tăng nào.

Sức mua thật, khi bị giảm, luôn giảm tương đương với sức sản xuất thật. Chúng ta không được để mình bị lừa bởi sự tăng giá cả và tăng “thu nhập quốc dân” trên con số tiền tệ do hậu quả của lạm phát.

Một số người cho rằng Đức và Nhật trong thời kỳ hậu chiến có nhiều lợi thế kinh tế hơn so với Mỹ bởi các nhà máy cũ của họ đã bị phá huỷ toàn bộ trong chiến tranh, và vì thế họ có cơ hội xây dựng những nhà máy mới hiện đại với trang thiết bị tối tân. Điều này giúp họ có sản lượng cao hơn và chi phí thấp hơn so với Mỹ, vốn vẫn sử dụng những nhà máy và các trang thiết bị cũ kỹ. Song nếu đây thực sự là một lợi thế kinh tế, Mỹ có thể gỡ lại bằng cách tự phá bỏ các nhà máy và trang thiết bị cũ của mình. Nếu điều này là đúng, các nhà sản xuất ở mọi nơi trên thế giới hàng năm đều nên phá bỏ các nhà máy và trang thiết bị cũ và xây dựng các nhà máy mới với trang thiết bị hiện đại và tối tân hơn.

Trên thực tế, có một tốc độ tối ưu cho việc quay vòng cơ sở vật chất, một thời điểm tốt nhất để phá bỏ cơ sở cũ và xây dựng mới. Nhà sản xuất sẽ chỉ có lợi thế về kinh tế nếu nhà máy của ông ta bị bom phá hủy khi giá trị thực của nhà máy và thiết bị sản xuất, qua khấu hao và hư hỏng trong quá trình sử dụng, đã bằng không (0) hoặc âm. Lợi ích kinh tế sẽ thể hiện qua việc nhà máy của ông ta đã được phá hủy mà không cần thuê đội tháo dỡ, và đằng nào thì ông ta cũng chuẩn bị xây dựng lại nhà máy và mua trang thiết bị mới.

Khấu hao và hư hỏng từ trước sẽ giảm bớt thiệt hại khi nhà máy bị phá hủy, và nếu chúng không được thể hiện đầy đủ trong sổ sách thì thiệt hại sẽ có vẻ lớn hơn thực tế. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những nhà máy mới với trang thiết bị hiện đại sẽ đẩy nhanh tốc độ thải loại các nhà máy và trang thiết bị cũ. Nếu chủ nhà máy cũ cố gắng sử dụng nhà máy của mình lâu hơn khoảng thời gian tối ưu thì các chủ nhà máy mới (những người, sau khi nhà máy của mình bị phá hủy, có đủ lòng quyết tâm và vốn để xây dựng lại) sẽ có một lợi thế so sánh, hay chính xác hơn là sẽ giảm được mức thiệt hại của họ so với các chủ nhà máy cũ.

Tóm lại, kết luận của chúng ta là việc nhà máy bị phá hủy bởi bom đạn chiến tranh không bao giờ đem lại lợi thế về kinh tế trừ khi giá trị thực của nhà máy đó đã bằng không (0) hoặc âm do khấu hao và hư hỏng từ trước.

Trong phần thảo luận vừa rồi, chúng ta chưa nói đến một điều quan trọng: các nhà máy và trang thiết bị không thể được thay thế bởi cá nhân hay chính phủ trừ khi họ đã hoặc sẽ tích lũy đủ vốn để làm việc này. Nhưng chiến tranh cũng phá hủy nguồn vốn tích lũy của con người.

Một số yếu tố có thể bù đắp lại những thiệt hại này. Các tiến bộ về khoa học kỹ thuật được đưa ra trong thời kỳ chiến tranh có thể giúp tăng năng suất cho các cá nhân hay quốc gia tại những thời điểm nhất định, từ đó dẫn đến việc tăng tổng sản phẩm quốc dân. Ngoài ra, nhu cầu kinh tế sau chiến tranh luôn khác với trước chiến tranh. Thế nhưng, những yếu tố này không nên khiến chúng ta bỏ qua chân lý cơ bản là sự phá hủy của bất kỳ thứ gì vẫn còn giá trị thực sẽ là một sự mất mát về tài sản, một rủi ro, một thảm họa. Ngay cả trong một số trường hợp cụ thể, khi ta có những yếu tố có thể bù đắp lại cho sự mất mát này, sự phá hoại vẫn không bao giờ có thể mang lại lợi ích hay lợi thế kinh tế. 

Nguồn: Henry Hazlitt, Kinh tế học trong một bài học (Economics in One Lesson), Chương 2 + Chương 3

Dịch giả:
Phạm Việt Anh
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh