Nhà nước phúc lợi và sự xói mòn trách nhiệm (Phần 1/3)

Nhà nước phúc lợi và sự xói mòn trách nhiệm (Phần 1/3)

Liệu rằng các nhà nước phúc lợi có tạo ra sự tin tưởng, gắn kết xã hội, và các chuẩn mực về trách nhiệm, hay là chúng đòi hỏi phải sẵn có trước đó sự tin tưởng, sự gắn kết xã hội, và các chuẩn mực về trách nhiệm ở mức độ cao để tránh gây ra xung đột và rối loạn xã hội một cách có hệ thống? Một nghiên cứu về nhà nước phúc lợi của các nước Bắc Âu cho thấy vai trò không thể thay thế của các chuẩn mực về trách nhiệm trong việc tránh rối loạn xã hội. Trách nhiệm có trước phúc lợi, không phải ngược lại. Hơn nữa, các bằng chứng thu thập được qua nhiều thập kỷ cho thấy các nhà nước phúc lợi làm suy yếu một cách có hệ thống chuẩn mực trách nhiệm cùng với sự tin tưởng và sự gắn kết xã hội.

Chính sách kinh tế mới mà Tổng thống Franklin D. Roosevelt khởi xướng có thể được coi như là mốc đánh dấu sự ra đời của nhà nước phúc lợi Hoa Kỳ. Chính những đạo luật và sắc luật hành pháp đã tạo ra các thể chế và chương trình chính yếu, hình thành nên nhà nước phúc lợi hiện đại như ngày nay. Tuy nhiên, vị kiến trúc sư của nhà nước phúc lợi Hoa Kỳ này lại quan ngại về khả năng tồn tại lâu dài của các chương trình mà chính ông tạo ra, bởi vì ông tin rằng các khoản thanh toán phúc lợi có thể ảnh hưởng đến các quy tắc xã hội.

Sau hai năm nhiệm kì của mình, Roosevelt đã phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ và ca ngợi việc mở rộng các chương trình phúc lợi. Tuy nhiên, trong cùng bài phát biểu, ông lưu ý rằng nhiều cá nhân đã mất việc làm trong thời kỳ Đại Suy thoái vẫn còn thất nghiệp. Roosevelt bình luận rằng "Gánh nặng cho chính phủ liên bang đã tăng lên nhanh chóng." Mặc dù vậy, mối quan tâm lớn nhất của ông không phải là tính bền vững của tài chính công mà là nguy cơ rằng sự phụ thuộc của công chúng có thể tạo ra một vấn đề sâu sắc về đạo đức và tinh thần. Với tầm nhìn xa rộng, Tổng thống đã đi đến kết luận:

Người Mỹ ưu tiên nhân đạo khi yếu tố này được cân nhắc. Những bài học lịch sử, với những bằng chứng xác thực rõ ràng, chỉ ra một cách chắc chắn rằng phụ thuộc liên tục vào cứu trợ gây ra sự tan rã về đạo đức và tinh thần, và về cơ bản là hủy hoại  sợi dây gắn kết quốc gia. Cứu trợ theo cách này chẳng khác gì phân phát một liều thuốc ngủ, hủy diệt tinh vi tinh thần con người. Điều đó làm tổn hại đến sức mạnh của chính sách tốt. Điều đó cũng vi phạm các truyền thống của Mỹ.1

Trong bầu không khí chính trị hiện tại, quan điểm của Roosevelt về lợi ích công cộng có thể bị lên án là khá cực đoan. Tuy nhiên, lịch sử đã xác minh những cảnh báo của ông. Không chỉ những người ủng hộ việc thu nhỏ các khu vực công mà còn cả - có lẽ thậm chí còn nhiều hơn - những người ủng hộ xây dựng các quốc gia phúc lợi lớn nên cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách có thể thay đổi chuẩn mực và hành vi của con người như thế nào trong thời gian dài.

Mối quan ngại của Roosevelt

Quan điểm của Tổng thống Roosevelt vào thời điểm đó phổ biến hơn ngày nay người ta tưởng. Vào đầu thế kỷ XX, ngay cả những người đề xuất về nhà nước phúc lợi cũng lo lắng rằng việc xây dựng các chương trình phúc lợi có thể làm căng thẳng kết cấu xã hội. Để hiểu tại sao, bạn phải nhớ rằng để nhà nước phúc lợi hoạt động đúng đắn thì việc hầu hết các cá nhân tuân thủ nghĩa vụ đóng thuế là chưa đủ. Cũng là chưa đủ khi mà hầu hết các cá nhân tuân thủ các tiêu chuẩn không lạm dụng các dịch vụ phúc lợi. Thay vào đó, để hệ thống tồn tại lâu dài, phần lớn các cá nhân phải tuân theo cả hai tiêu chuẩn trên và phải tin rằng những người khác cũng tuân thủ như vậy. Nói cách khác, họ phải tuân theo khế ước xã hội.

Tuy nhiên, khi các chương trình trợ cấp trở nên "hào phóng" hơn và thuế được tăng lên, thì chuyển từ làm việc và đóng thuế sang không làm việc (hoặc làm việc ít hơn) và hưởng trợ cấp sẽ có lợi hơn. Nếu tất cả mọi người trong xã hội đều tuân thủ các quy tắc về làm việc và đóng thuế, chỉ dựa vào các chương trình phúc lợi khi cần thiết, thì thậm chí vẫn có thể duy trì được một hệ thống tái phân phối quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu một số cá nhân bắt đầu gạt bỏ quy tắc, những người khác có thể sẽ làm theo. Nếu có một lượng đủ lớn số người thay đổi hành vi của họ, hoặc bằng cách né tránh thuế hoặc lạm dụng trợ cấp, sự xói mòn các chỉ tiêu phúc lợi có thể tăng tốc do khế ước xã hội bắt đầu tan vỡ.2

Đây không chỉ là suy đoán dựa trên lập luận lý thuyết trò chơi trừu tượng. Các nhà nghiên cứu Erns Fehr và Urs Fischbacher đã phát hiện ra rằng các quy tắc pháp luật và cơ chế thực thi pháp luật thường thiếu hiệu lực nếu không phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Các chuẩn mực xã hội có thể được xem như là các quy tắc "hợp tác có điều kiện". Nói một cách cực đoan hơn, “sự bội ước của những người khác là biện minh chính đáng cho sự bội ước cá nhân”3. Nói cách khác, nếu một cá nhân nhận thức được rằng hàng xóm của mình tuân theo chuẩn mực, cô ấy cũng sẽ làm như vậy. Nếu những người hàng xóm bắt đầu gạt bỏ các chuẩn mực, cô ấy cũng có thể thay đổi hành vi của mình. Sự xói mòn nền tảng hợp tác có điều kiện của một nhà nước phúc lợi bền vững có thể gây ra những ảnh hưởng xã hội nghiêm trọng. Kết quả có thể làm suy giảm đạo đức công việc, gia tăng sự phụ thuộc của công chúng và làm gay gắt thêm xung đột xã hội.

Xem xét vấn đề này ở mức độ sâu hơn thì việc thi hành các quy tắc chặt chẽ hơn để khôi phục hệ thống các chuẩn mực bền vững là chưa đủ. Các biện pháp hành chính để kiểm soát việc sử dụng các chương trình công cộng có thể là tín hiệu cho các công dân tuân thủ luật pháp rằng các vi phạm đã trở nên phổ biến. Friedrich Heinemann đã nghiên cứu xem bằng cách nào mà một hệ thống phúc lợi "hào phóng" có thể - theo thời gian - làm suy yếu chính các chuẩn mực giúp cho chính hệ thống phúc lợi đó có thể tồn tại. Ông giải thích rằng việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với việc nhận hoặc sử dụng các khoản trợ cấp không đúng cách có thể "được coi là hạn chế sự tự quyết định của người dân và sau đó sẽ làm mất đi động lực nội tại để tôn trọng pháp luật"4.

Nếu xã hội đến một điểm mà tại đó việc sử dụng các chương trình phúc lợi trở thành thông lệ, sự xuống cấp của các chuẩn mực sẽ khó có thể dừng lại. Áp đặt các quy định hạn chế hoặc các biện pháp hành chính có thể là không thích hợp để ngăn chặn sự xói mòn các chuẩn mực và thực tế có thể đẩy nhanh quá trình. Rõ ràng, người ta có thể hiểu hơn tại sao chính Tổng thống Roosevelt lại coi việc cứu trợ là "một chất gây nghiện, một kẻ hủy diệt tinh vi tinh thần con người.”

Hệ quả khôn lường

Theo thời gian, những người đề xướng nhà nước phúc lợi đã quên lời cảnh báo của Roosevelt. Những người ủng hộ chính sách phúc lợi ngày càng tự tin rằng có thể đưa ra các dịch vụ và trợ giúp "hào phóng" của chính phủ, với sự tài trợ bởi các mức thuế cao, mà không làm xói mòn các chuẩn mực xã hội vốn đóng vai trò quan trọng giúp cho hoạt động tái phân phối được bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển xã hội hiện tại cho thấy có lý do thực sự để lo lắng về những ảnh hưởng lâu dài của chính sách phúc lợi. Các chính sách phúc lợi nhằm mục đích giảm bớt tình trạng nghèo đói – và ở một chừng mực nào đó là thành công – đều vô tình tạo ra tình trạng "xã hội đói nghèo" dai dẳng. Những lo ngại về sự lệ thuộc vào phúc lợi nảy sinh trong các cộng đồng bên lề dẫn đến sự thay đổi trong tư duy chính trị5. Tổng thống Ronald Reagan nhấn mạnh mối quan tâm này vào năm 1986, trong bài phát biểu của mình về vấn đề cải cách phúc lợi cho quốc gia:

Từ những năm 1950, tình trạng nghèo đói ở Mỹ đã giảm. Xã hội Mỹ, một xã hội của những cơ hội, đã làm được những điều kỳ diệu. Tăng trưởng kinh tế đã tạo ra những nấc thang cho hàng triệu người leo lên thoát khỏi đói nghèo và trở nên thịnh vượng. Năm 1964, chính sách Cuộc chiến chống đói nghèo (War on Poverty) đã được khởi xướng và một điều hài hước đã xảy ra. Nghèo đói, được đánh giá bởi sự phụ thuộc, đã không thu hẹp và sau đó thực sự trở nên tồi tệ hơn. Tôi đoán bạn có thể nói, nghèo đói đã thắng cuộc chiến. Nghèo đói thắng một phần bởi vì thay vì giúp đỡ người nghèo, các chương trình của chính phủ đã làm đứt sợi dây liên kết các gia đình nghèo với nhau6.

Tổng thống Reagan cung cấp một ví dụ căn bản về vấn đề vốn xã hội của các gia đình có thể bị xói mòn bởi các chương trình phúc lợi (có vẻ như) nhằm giúp họ:

Có lẽ hệ quả tệ nhất của phúc lợi là sự chiếm đoạt vai trò của nhà cung cấp. Ở những bang có mức chi trả cao nhất, ví dụ như trợ cấp xã hội cho một người mẹ đơn thân có thể cao hơn thu nhập của một công việc có mức lương tối thiểu. Nói cách khác, cô ấy có thể được trả đủ để không làm gì cả. Nhiều gia đình đủ điều kiện để nhận được nhiều lợi ích hơn khi người cha "vắng mặt". Phải làm gì để một người đàn ông biết rằng con cái của mình sẽ khấm khá hơn nếu không bao giờ ông ta được công nhận hợp pháp là cha của chúng? Theo các quy định về phúc lợi hiện tại, một cô gái vị thành niên mang thai có thể có đủ tiêu chuẩn để nhận trợ cấp phúc lợi, khoản trợ cấp đó cho cô ấy có một căn hộ riêng của mình, cung cấp chăm sóc y tế, đồ ăn và quần áo. Cô ấy chỉ phải đáp ứng một điều kiện: không kết hôn hoặc xác nhận cha đứa trẻ7.

Bài phê bình của Ronald Reagan rất có ý nghĩa với công chúng. Người Mỹ ủng hộ các chính sách để giới hạn phạm vi các chương trình phúc lợi, với động lực hạn chế những hậu quả không mong đợi của sự phụ thuộc vào phúc lợi. Không chỉ đảng viên Cộng hòa, mà còn một số đảng viên Dân chủ, ủng hộ chính sách đó. Quan trọng hơn cả là vào năm 2006, Tổng thống Bill Clinton đã ký Đạo luật Hài hòa Trách nhiệm Cá nhân và Cơ hội Việc làm (Personal Responsibility and Work Opportunity Reconciliation Act). Ông đã hứa "biến phúc lợi thành cơ hội thứ hai, chứ không phải là một cách sống." Trong một bài báo được công bố 10 năm sau đó trên tờ New York Times, Bill Clinton lập luận rằng đạo luật được hai đảng ủng hộ thực sự thành công:

10 năm qua đã cho thấy rằng chúng ta đã thực sự chấm dứt chế độ phúc lợi trước đây, tạo ra một khởi đầu mới cho hàng triệu người Mỹ. Trong thập kỷ qua, các khoản phúc lợi đã giảm đáng kể, từ 12,2 triệu người năm 1996 xuống còn 4,5 triệu người hiện nay. Đồng thời, những người phụ thuộc vào trợ cấp xã hội giảm 54%. 60% các bà mẹ ngừng nhận phúc lợi đã đi làm việc, những con số này vượt xa dự đoán của các chuyên gia8.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất mà các quy tắc xã hội bị xói mòn, đã khiến người ta phải xem xét lại các chương trình phúc lợi. Đây là vấn đề đã nhận được sự quan tâm ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, có một niềm tin dai dẳng giữa những người ủng hộ chế độ nhà nước phúc lợi trong thời đại hiện nay rằng bằng cách nào đó có thể tạo ra các hệ thống ổn định kết hợp giữa phúc lợi lớn và thuế cao. Những người đề xướng thường chỉ ra các nước Bắc Âu - Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, và Phần Lan - như là bằng chứng. Các nhà nước phúc lợi ở khu vực này dường như đã thành công trong việc cung cấp các dịch vụ rộng khắp và trợ cấp tiền mà không làm giảm đi trách nhiệm cá nhân, ít nhất là nhìn thoáng qua. Nếu phúc lợi "hào phóng" thành công ở Bắc Âu, vậy tại sao không phải ở phần còn lại của thế giới?

Vấn đề này khá thú vị đối với tôi. Một lý do là tôi đã viết khoảng 20 cuốn sách và hơn 100 bản báo cáo về chính sách, chủ yếu là giải quyết các vấn đề xã hội khác nhau ở Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác. Một lý do khác là bản thân tôi đã lớn lên trong một gia đình nhập cư ở Thụy Điển, chủ yếu được hỗ trợ phúc lợi. Vì vậy, tôi đã có kinh nghiệm trực tiếp về các lợi ích ngắn hạn mà các chương trình như vậy cung cấp cho các gia đình kém may mắn. Tôi cũng đã nhìn thấy những bất lợi dài hạn của một hệ thống khiến cho toàn bộ các gia đình và cộng đồng rơi vào “bẫy” phụ thuộc.

(Xem tiếp Phần 2)

* Nima Sanandaji là một cộng sự Thụy Điển của Trung tâm Nghiên cứu Cải cách thị trường giáo dục. Ông là tác giả của tác phẩm Scandinavian Unexceptionalism: Culture, Markets, and the Failure of Third-Way Socialism [Scandinavia không phải là ngoại lệ: Văn hoá, Thị trường, và sự thất bại của Chủ nghĩa dân chủ xã hội] (London: Institute of Economic Affairs, 2015) và nhiều tác phẩm khác. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Hoàng gia ở Stockholm.

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Chú thích:

(1) Franklin D. Roosevelt, Annual Message to Congress, ngày 04/01/1935 (The American Presidency Project), truy cập ngày 10/6/2015, www.presidency.ucsb.edu/ws/?pid=14890.

(2) Friedrich Heinemann, “Is the Welfare State Self-Destructive? A Study of Government Benefit Morale”, Kyklos số 61 (2008): 237–257.

(3) Erns Fehr và Urs Fischbacher, “Social norms and human cooperation,” Trends in Cognitive Sciences số 4 (2004): trang 185–190, đặc biệt là trang 186.

(4) Heinemann, “Is the Welfare State Self-Destructive?” 240.

(5) Tom G. Palmer, "Di sản của Bismarck" Hậu Nhà nước Phúc lợi, do Tom G. Palmer biên soạn (Ottawa, Illinois: Sách Jameson, 2012), 42-45, có tại https://studentsforliberty.org/wp-content/uploads/2012/04/After-the-Welfare-State-PDF.pdf

(6) Ronald Reagan, Thông điệp liên bang qua đài phát thanh về cải cách phúc lợi, ngày 15/02/1986 (The American Presidency Project), truy cập ngày 10/6/2015, www.presidency.ucsb.edu/ws/?pid=36875.

(7) Như trên

(8) Bill Clinton, “How We Ended Welfare, Together,” New York Times, ngày 22/8/2006.

Dịch giả:
Nguyễn Thị Hồng An
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.