Nhà nước phúc lợi và sự xói mòn trách nhiệm (Phần 2/3)

Nhà nước phúc lợi và sự xói mòn trách nhiệm (Phần 2/3)

(Tiếp theo Phần 1)

Khu vực phía bắc theo đạo Tin lành

Bốn quốc gia Bắc Âu - Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy - thường được những người ủng hộ nhà nước phúc lợi đánh giá là những mô hình thành công với các chính sách, có thể trở thành khuôn mẫu cho các quốc gia khác. Nhà kinh tế học thương mại đoạt giải Nobel, đồng thời là nhà phê bình của tờ New York Times, Paul Krugman đã viết: "Mỗi lần tôi đọc một câu chuyện ai đó nói về "sự sụp đổ của các quốc gia phúc lợi ở châu Âu", tôi thấy có động lực để đưa người đó đi bộ du lịch ở Stockholm."9 Các nước Bắc Âu được nhiều người cho là đã thực hiện thành công các mô hình nhà nước phúc lợi quy mô lớn, với các chương trình hào phóng và nhiều loại hình dịch vụ công cộng, đồng thời tránh được các rủi ro về đạo đức liên quan đến chính sách phúc lợi10.

Thực tế là không chỉ chính sách mà nền văn hoá cũng tạo nên một phần của thế giới này. Các quốc gia Bắc Âu - và một số quốc gia phía Bắc châu Âu khác như Đức và Hà Lan - có đặc điểm là các chuẩn mực xã hội coi trọng một cách lạ thường vào trách nhiệm cá nhân chứ không phải việc hưởng lợi tiền chùa (free riding) dựa trên những nỗ lực của người khác. Tôn giáo, khí hậu và lịch sử dường như đã đóng một vai trò trong việc hình thành những nền văn hoá độc đáo này.

Hơn một trăm năm trước, nhà xã hội học Max Weber đã quan sát thấy rằng các quốc gia theo đạo Tin Lành ở Bắc Âu có xu hướng có mức sống cao hơn, có các tổ chức giáo dục chất lượng hơn và có sự gắn kết xã hội nhìn chung tốt hơn các nước Công giáo và Chính thống giáo. Weber tin rằng nguyên nhân của sự thành công của các quốc gia Tin Lành đã được thiết lập trong "Nền đạo đức Tin Lành" tốt hơn11. Nhà nghiên cứu kinh tế và phúc lợi người Thụy Điển, Assar Lindbeck, sau này đã phát triển lý thuyết đó bằng cách xem xét các yếu tố khác ngoài tôn giáo. Lindbeck giải thích trên phương diện lịch sử rằng người nông dân thật khó có thể sống sót nếu không làm việc cần cù trong môi trường đầy khắc nghiệt như Bắc Âu. Bởi vậy, cộng đồng dân cư do túng thiếu đã tạo ra một nền văn hoá chú trọng đặc biệt đến trách nhiệm cá nhân và công việc cần mẫn.12

Điều đặc biệt ở các quốc gia Bắc Âu không chỉ là lạnh mà còn cả phần lớn lịch sử gần đây của họ là những nông dân độc lập. Xét về mặt lịch sử, làm việc cần cù, chăm chỉ là một điều cần thiết ở vùng phía Bắc lạnh giá. Phần thưởng của việc cần mẫn làm việc cũng được tích lũy cho các cá nhân và gia đình của họ do chế độ sở hữu tư về đất đai rộng khắp. Ngoài ra, các xã hội đồng nhất (homogeneous society) Bắc Âu đã phổ biến văn hoá dựa trên sự gắn kết xã hội mạnh mẽ và mức độ tin tưởng cao nhất trên thế giới13. Một nghiên cứu với 60 quốc gia thực hiện bởi Jan Delhey và Kenneth Newton cho thấy rằng các nước Bắc Âu14 có các đặc điểm truyền thống gắn liền với mức độ tin tưởng cao. Các tác giả này đã viết: "Các nước có văn hóa tin tưởng cao được đặc trưng bởi sự đồng nhất về sắc tộc, truyền thống tôn giáo Tin Lành, chính phủ tốt, sự giàu có (sản phẩm GDP bình quân đầu người) và sự bình đẳng về thu nhập". Và Delhey và Newton giải thích rằng: "Sự kết hợp các nét đặc trưng này được ghi nhận nhiều nhất ở các nước Bắc Âu có nền văn hóa tin tưởng cao, nhưng mô thức kết hợp tương tự cũng được tìm thấy ở 55 quốc gia còn lại, mặc dù ở dạng yếu hơn.”15

Nhà nước phúc lợi dựa vào các chuẩn mực xã hội

Mức độ tin tưởng cao, đạo đức nghề nghiệp tốt và sự gắn kết xã hội là những điểm khởi đầu hoàn hảo cho một nền kinh tế thịnh vượng. Đây cũng là nền tảng của chính sách phúc lợi dân chủ xã hội bền vững; mức độ gắn kết xã hội cao đã có từ trước cho phép các chương trình phúc lợi và các loại thuế phí cao được thực thi mà không tác động đến thói quen làm việc gây ra bởi các chính sách như vậy ở mức độ giống như có thể xảy ra trong một môi trường khác. Do đó, các nước Bắc Âu và các khu vực khác của Bắc Âu đã có những điều kiện tối ưu để đưa ra các chính sách của nhà nước phúc lợi16.

Thước đo mức độ miễn cưỡng trong việc yêu cầu trợ cấp của chính phủ khi không có quyền lợi hợp pháp được gọi là "nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi" (benefit morale). Nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi được đo trong Khảo sát các giá trị Thế giới (World Value Survey), một nghiên cứu về thái độ toàn cầu, trong đó những người tham gia được hỏi rằng, liệu họ có tin rằng việc đòi hỏi từ chính phủ những lợi ích mà họ không sở hữu (entitled) có đôi khi là chính đáng. Bằng cách xem xét 31 nền kinh tế phát triển khác nhau trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 2010, Daniel Arnold đã chứng minh rằng nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi cao làm giảm tần suất yêu cầu trợ cấp nghỉ phép và ốm đau.17

Một khi chúng ta nhận ra rằng nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi ảnh hưởng đến các nhà nước phúc lợi, sự hiểu biết của chúng ta về các chính sách phúc lợi hiện đại có thể được mở rộng. Một khái niệm phổ biến là các chính trị gia ở Hoa Kỳ đã chọn đưa ra các chương trình công cộng ít hào phóng, có lẽ vì họ ít quan tâm đến nhu cầu của người nghèo, trong khi các chính trị gia ở các nước Bắc Âu đã chọn một con đường hào phóng hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt về hệ tư tưởng không phải là toàn bộ sự thật. Chúng ta phải tính đến sự thực là các chính sách phúc lợi của nhà nước phù hợp cho các xã hội Bắc Âu hơn là đối với Mỹ. Sự tiến hóa lịch sử của các chính sách hiện nay ủng hộ khái niệm đó. Các nước Bắc Âu đã đưa ra các dự án nhà nước phúc lợi sớm. Nhưng những người theo Dân chủ Xã hội Bắc Âu vào thời đó đã có một cách tiếp cận thực tế và cẩn thận không làm gián đoạn hệ thống chính phủ nhỏ thành công đang tồn tại. Do đó quy mô của chính phủ vẫn duy trì ở mức nhỏ trong một thời gian dài.

Vào cuối năm 1955, gánh nặng thuế ở Thụy Điển ở mức tương đương như ở Hoa Kỳ (thuế ở mức 24% GDP ở cả hai nước) trong khi ở Đan Mạch thấp hơn một chút (23% GDP)18. Khi cuộc Đại suy thoái đã bao trùm toàn thế giới, các chính trị gia như Franklin D. Roosevelt đã phản ứng lại bằng cách đưa ra các chương trình công cộng khổng lồ, xem sự tham gia của nhà nước như là kích thích tốt nhất. Và có chút bất ngờ khi các nước Bắc Âu phản ứng theo một cách khác. Những quốc gia phụ thuộc vào thương mại này ban đầu bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, họ đã phục hồi nhanh chóng bằng cách dựa vào cách tiếp cận theo định hướng thị trường. Trong suốt những năm khủng hoảng, các động cơ của Nohab Flight (nay là Volvo Aero) đã ra đời. Ngay sau cuộc khủng hoảng, Securitas và SAAB được thành lập. Một phương pháp mới để tạo ra bột giấy đã được phát minh, dẫn đến việc tạo ra Sunds Defibrator (nay là Metso Paper, một nhà phát triển hàng đầu về thiết bị ngành công nghiệp giấy)19.

Câu chuyện rằng từ rất sớm Hoa Kỳ đã chọn con đường thị trường tự do trong khi các nước Bắc Âu nhanh chóng chuyển sang các chế độ phúc lợi quy mô lớn chỉ là hư cấu. Trên thực tế, hệ thống phúc lợi của Mỹ phát triển song song với hệ thống phúc lợi của các nước Bắc Âu. Nhưng có một sự khác biệt lớn: hệ thống phúc lợi của Mỹ sớm gặp phải những lời chỉ trích, chính vì những hậu quả khôn lường đã diễn ra một cách rõ ràng như các chuẩn mực xã hội bị xói mòn và gia đình bị tan vỡ. Ở những nước Bắc Âu thuần nhất, hệ thống này không vấp phải những lời chỉ trích ở giai đoạn đầu tiên - ít nhất là không ở quy mô tương tự [như ở Mỹ].

Các chuẩn mực mạnh mẽ, mang tính đặc thù, liên quan đến trách nhiệm cá nhân và thói quen làm việc chăm chỉ ở Bắc Âu đã làm cho những xã hội đặc biệt thích hợp để tránh nguy cơ về đạo đức khi mở rộng các khu vực công. Mối quan hệ văn hoá Bắc Âu với các chính sách tập thể hoàn toàn khác so với môi trường văn hóa đa dạng của người Mỹ. Lý do tương tự cũng có thể giải thích tại sao các nước Bắc Âu lại thành công hơn trong việc giới thiệu các nhà nước phúc lợi so với các nước láng giềng phía Nam của họ, và lý do này không hẳn là đặc biệt gì; lòng tin và đạo đức liên quan đến trách nhiệm cá nhân cũng đóng vai trò tương tự.

Con gà hay quả trứng có trước?

Trước khi các học giả đưa ra mối quan hệ này, Franklin D. Roosevelt và Ronald Reagan đã biết lo xa khi hiểu rằng các chuẩn mực và khả năng tồn tại các chế độ phúc lợi đi đôi với nhau. Câu hỏi quan trọng nảy sinh rằng đâu là chiều hướng của quan hệ nhân quả. Cái gì có trước, con gà hay quả trứng? Từ quan điểm lý thuyết, người ta có thể lập luận chắc chắn rằng một nhà nước phúc lợi hào phóng thậm chí có thể củng cố các chuẩn mực như nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi và lòng tin. Nếu công chúng mong muốn chính sách phúc lợi và biết rằng các chương trình phúc lợi nhà nước dựa vào các chuẩn mực như lòng tin rộng khắp thì mọi người có thể hành động để củng cố các chuẩn mực này. Tương tự như vậy, nhà nước có thể khởi động nhiều chương trình nhằm thúc đẩy việc tuân thủ hệ thống. Trong trường hợp con gà và quả trứng, không hề dễ dàng để phân biệt cái nào có trước cái nào. Nhà nghiên cứu Thụy Điển, Andreas Bergh và cộng sự người Đan Mạch, Christian Bjørnskov áp dụng các phương pháp nghiên cứu tinh vi để kiểm tra vấn đề bằng cách nhìn vào mức độ tin tưởng.

Như Bergh và Bjørnskov lưu ý, một truyền thống lâu đời trong tâm lý cho thấy rằng từ thủa ấu thơ các cá nhân đã hình thành được thái độ tin tưởng người lạ ở một mức độ nhất định. Cảm nhận cơ bản đó vẫn tương đối ổn định cho phần còn lại của cuộc đời của mỗi cá nhân, nếu nó không bị xáo trộn bởi các sự kiện lớn. Thật vậy, mức độ tin tưởng cao dường như trải dài qua các thế hệ, vì chúng được truyền từ cha mẹ sang con cái. Một quan sát quan trọng chỉ ra rằng mức độ tin tưởng của công dân Mỹ gần với các mức độ tin tưởng của các quốc gia nơi tổ tiên họ đã từng sinh sống. Và quả như vậy, không một nhóm nào ở Hoa Kỳ có mức độ tin tưởng cao như những người có nguồn gốc Bắc Âu20. Người Mỹ gốc Bắc Âu thậm chí có mức độ tin tưởng cao hơn so với người anh em của họ hiện đang sống tại các quốc gia Bắc Âu21. Điều đó cho thấy rằng nền văn hoá tin tưởng Bắc Âu bắt rễ trước khi các quốc gia phúc lợi hiện đại hình thành. Cuối cùng, hiện tượng di cư quy mô lớn từ các nước Bắc Âu sang Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX diễn ra trước khi các quốc gia Bắc Âu này chuyển sang chế độ nhà nước có các khu vực công rộng lớn.

Bergh và Bjørnskov sử dụng một số kỹ thuật thống kê khác nhau để kiểm tra mức độ tin tưởng trong lịch sử. Họ đi đến đến kết luận rằng mức độ tin tưởng trong lịch sử không phải do chính nhà nước phúc lợi gây ra, vì các quốc gia phúc lợi là hiện tượng tương đối gần đây và mức độ tin tưởng trong lịch sử có trước khi hình thành các nhà nước phúc lợi. Các tác giả đã đưa ra một kết luận rõ ràng: “Sự tin tưởng cao trong các nhà nước có chế độ phúc lợi phổ quát, không phải vì sự phổ quát của nhà nước phúc lợi tạo ra niềm tin, mà bởi vì cộng đồng dân cư có mức độ tin tưởng cao có vẻ như đem đến và duy trì các nhà nước phúc lợi phổ quát rộng lớn".22

Vì vậy, trên thực tế, chúng ta có thể tách quả trứng ra khỏi con gà. Mức độ tin tưởng cao trong số cộng đồng dân cư Bắc Âu tồn tại trước khi các chế độ phúc lợi đương đại hình thành. Ngoài ra, các chuẩn mực tương tự đã dẫn đến mức sống cao và giảm nghèo đói ở Bắc Âu, thậm chí còn nhiều hơn so với Hoa Kỳ. Các chỉ số khác về đạo đức làm việc không được đo theo cùng cách như mức độ tin tưởng. Tuy nhiên, rất ít người tranh cãi với tuyên bố rằng người Mỹ gốc Bắc Âu cũng có những chuẩn mực rất mạnh liên quan đến công việc và trách nhiệm cá nhân. Kết quả là, con cháu Mỹ gốc Bắc Âu tại Hoa Kỳ hiện nay có tỷ lệ nghèo đói thấp hơn một nửa so với mức trung bình nước Mỹ, một hình trạng đã giữ liên tục trong nhiều thập kỷ. Người Mỹ gốc Bắc Âu thậm chí còn có tỷ lệ đói nghèo thấp hơn người anh em họ của họ ở Bắc Âu. Dường như các chuẩn mực của Bắc Âu cùng với chủ nghĩa tư bản Mỹ khiến đói nghèo thậm chí thấp hơn các chuẩn mực của Bắc Âu cùng với chủ nghĩa xã hội dân chủ kiểu Bắc Âu23. Cuối cùng, Điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy những cá nhân có nguồn gốc Bắc Âu có thu nhập trung bình hàng năm cao hơn mức trung bình của người Mỹ và cũng cao hơn đáng kể so với các nước Bắc Âu.24

So sánh đơn giản này hy vọng cho thấy sự sai lầm khi cố gắng sao chép một nhà nước phúc lợi Bắc Âu ở Hoa Kỳ và niềm tin sai lầm rằng các chính sách này sẽ mang lại cùng một mức nghèo đói thấp như ở các nước Bắc Âu. Nếu người Mỹ gốc Bắc Âu đã đạt được thành công về mặt xã hội tương tự (hoặc trên thực tế còn cao hơn) so với ở Bắc Âu, có lẽ yếu tố văn hoá cũng nên được đưa vào. Tương tự, như Philipp Doerrenberg và các đồng tác giả của ông cho thấy, khi xem xét đến vấn đề thuế, người tuân thủ lại được hưởng lợi sau cùng. Các tác giả thấy rằng các chính phủ khai thác các nhóm sẵn sàng đóng thuế cao bằng cách đánh thuế nhiều hơn25. Không phải ngẫu nhiên mà thuế cao hơn ở các nước có thái độ tuân thủ chính sách thuế cao hơn. Tóm lại, chỉ cần sao chép chính sách thuế hoặc chính sách phúc lợi của Bắc Âu sẽ không dẫn đến những kết quả tương tự như ở Bắc Âu nếu không có sự hỗ trợ của văn hoá cho những chính sách như vậy.

Lý thuyết nhà nước phúc lợi tự hủy diệt

Cho đến nay, chúng ta đã chứng minh rằng nhà nước phúc lợi dựa trên các chuẩn mực đã có từ trước, và các nhà nước phúc lợi lớn đã được triển khai tại các quốc gia hình thành được các chuẩn mực vững chắc trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng chính sách phúc lợi tự nó ảnh hưởng đến các quy tắc như thế nào? Và lời cảnh báo của Franklin D. Roosevelt rằng sự phụ thuộc vào phúc lợi là "một kẻ hủy diệt tinh vi của tinh thần con người” thì sao?

Trước đó, học giả Friedrich Heinemann đã nghiên cứu liệu rằng cảnh báo của Roosevelt về "sự băng hoại đạo đức là kết quả của việc phụ thuộc vào phúc lợi" có được ủng hộ bởi bằng chứng nào không. Nghiên cứu này dựa vào Khảo sát các giá trị Thế giới mà Daniel Arnold đã sử dụng trong công việc của mình. Heinemann xác minh liệu nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi có bị ảnh hưởng trong một thời gian dài bởi các chính sách phúc lợi không. Ông đã đưa ra kết luận rằng cơ chế tự hủy diệt hiện hữu trong nhà nước phúc lợi: việc chi trả phúc lợi hào phóng theo thời gian làm suy giảm sự miễn cưỡng chấp nhận đối với việc sử dụng quá mức sự hỗ trợ công cộng. Cũng có thể nói, việc chi trả phúc lợi hào phóng có thể làm suy thoái các chuẩn mực tương tự mà nhà nước phúc lợi đó phụ thuộc. Nạn thất nghiệp tăng cao, mà là kết quả của những chính sách làm cản trở thị trường lao động vận hành, có thể dẫn đến cùng hệ quả. Heinemann giải thích: "Trong dài hạn, sự gia tăng phúc lợi từ chính phủ và nạn thất nghiệp liên quan đến sự suy giảm nền tảng đạo đức của nhà nước phúc lợi"26.

Khảo sát các giá trị Thế giới đã cung cấp bằng chứng ủng hộ mạnh mẽ về sự suy giảm các chuẩn mực xã hội ở Bắc Âu. Ví dụ, trong khảo sát 1981-1984, 82% người Thụy Điển và 80% người Na Uy đồng ý với tuyên bố: "việc đòi hỏi từ chính phủ những phúc lợi mà họ không có quyền hợp pháp được hưởng không bao giờ là điều chính đáng”. Công dân của hai nước này vẫn có quan điểm đạo đức mạnh mẽ đối với phúc lợi của chính phủ cho đến những năm 1980. Tuy nhiên, khi người dân điều chỉnh văn hóa của họ theo các chính sách kinh tế mới, nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi có xu hướng giảm đều đều. Khảo sát năm 2005-2008 cho thấy chỉ 56% người Na Uy và 61% người Thụy Điển tin rằng họ không có quyền đòi các phúc lợi mà họ không có chính danh. Khảo sát năm 2010-2014 chỉ tiến hành tại Thụy Điển trong số các nước Bắc Âu. Nó cho thấy rằng nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi tiếp tục tụt dốc ở Thụy Điển: chỉ 55% người trả lời rằng lạm dụng phúc lợi không bao giờ là điều đúng đắn.27

Các chuẩn mực thay đổi chậm, mất hàng thế hệ

Những người kiến thiết nhà nước phúc lợi tin rằng có thể tránh được các rủi ro đạo đức gây ra bởi các các khoản trợ cấp cao và thuế cao, ít nhất là trong xã hội dân chủ không tưởng mà các nước Bắc Âu hướng đến. Tại sao lời cảnh báo của Roosevelt không được coi trọng? Câu trả lời đơn giản là vì các chuẩn mực thay đổi từ từ, thậm chí qua nhiều thế hệ. Khi chính phủ tăng thuế hoặc khiến việc sống dựa vào phúc lợi trở nên hấp dẫn, hầu hết mọi người vẫn tiếp tục hành xử như trước đây. Do đó, ít nhất là giai đoạn ban đầu, có vẻ như các chính sách đã không làm thay đổi hành vi của người dân. Nhưng các chuẩn mực không cố định. Theo thời gian, ngay cả dân số Bắc Âu cũng đã điều chỉnh các chuẩn mực của mình để phù hợp với các ưu đãi do các nhà nước phúc lợi đương thời tạo ra.

Jean-Baptiste Michau đã nghiên cứu mối liên hệ giữa phúc lợi của chính phủ và việc lan truyền văn hoá về đạo đức nghề nghiệp. Ông lưu ý rằng cha mẹ có những lựa chọn hợp lý liên quan đến "nỗ lực nhiều như thế nào để nuôi dạy con cái làm việc chăm chỉ", dựa trên "sự kỳ vọng của họ về chính sách sẽ được thực hiện bởi thế hệ tiếp theo". Do đó, tồn tại một độ trễ đáng kể từ thời điểm các chính sách cụ thể được đưa ra, hoặc thậm chí là từ thời điểm diễn ra một cuộc tranh luận về những chính sách tương lai, cho đến khi có những thay đổi về quan niệm đạo đức. Xây dựng nên một mô hình với độ trễ giữa 2 yếu tố đó, Michau cho rằng những chính sách cung cấp quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp hào phóng có thể là lời giải thích cho sự tồn tại của tỷ lệ thất nghiệp đáng kể trong lịch sử thất nghiệp tại châu Âu sau chiến tranh Thế giới thứ hai.28

Trong một nghiên cứu khác, Martin Halla, Mario Lackner, và Friedrich G. Schneider tiến hành một phân tích thực nghiệm về tính động của nhà nước phúc lợi. Các tác giả đặt giả thuyết rằng các cá nhân không phản ứng ngay lập tức trước những thay đổi về khuyến khích kinh tế. Lý do là các cá nhân chịu sự ràng buộc bởi các chuẩn mực xã hội trong một thời gian. "Do đó, các tác động làm giảm động lực phải mất một khoảng thời gian trễ nhất định thì mới thành hiện thực". Điều thú vị là các tác giả nhận thấy rằng chi tiêu xã hội công cộng ở mức cao thậm chí tạo ra tác động tích cực, dù ở mức nhỏ, đến nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi. Điều này phù hợp với lý thuyết cho rằng các cá nhân trước hết điều chỉnh các chuẩn mực của họ để đáp ứng mục đích của các chương trình phúc lợi công cộng. Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, mức chi tiêu cao dẫn tới giảm nhuệ khí trước cám dỗ phúc lợi. Điều đó phù hợp với lý thuyết cho rằng các cá nhân theo thời gian điều chỉnh hành vi của họ theo các khuyến khích kinh tế. Halla, Lackner và Schneider cảnh báo: "kết quả của chúng tôi cho thấy nhà nước phúc lợi có nguy cơ phá hủy nền tảng (kinh tế) của chính mình và ủng hộ giả thuyết về nhà nước phúc lợi tự phá hủy"29.

Ngay cả các chuẩn mực phúc lợi của Bắc Âu cũng tuân theo dự đoán của Roosevelt 

Các nước Bắc Âu vẫn duy trì được nhiều chuẩn mực độc nhất của mình. Tuy nhiên, rõ ràng là các chuẩn mực thực sự đã xấu đi khi người dân dần dần điều chỉnh hành vi của mình để đáp lại chế độ thuế cao và phúc lợi hào phóng. Lý thuyết về quá trình tự phá hủy của các nhà nước phúc lợi đã được phát triển bởi Assar Lindbeck, một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Thụy Điển. Lindbeck đã tuyên bố rằng những thay đổi trong đạo đức nghề nghiệp có liên quan đến sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các định chế nhà nước phúc lợi30. Ngoài ra, ông tin rằng bằng chứng gian lận phúc lợi rõ ràng ở Thụy Điển, ví dụ như - một số cá nhân nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc tiền nghỉ ốm trong khi làm việc trong nền kinh tế ngầm - dẫn đến làm suy yếu các chuẩn mực chống lạm dụng các chế độ phúc lợi khác nhau. Do đó cần cải cách để hạn chế gian lận và duy trì hệ thống phúc lợi31.

Một số nghiên cứu ở Thụy Điển cho thấy một phần đáng kể dân số bày tỏ thái độ cho rằng cuộc sống sống dựa vào trợ cấp ốm đau mặc dù không bị bệnh là có thể chấp nhận được. Ví dụ, một khảo sát từ năm 2001 cho thấy 41% nhân viên Thụy Điển tin rằng trợ cấp ốm đau là có thể chấp nhận được đối với những người không bị bệnh nhưng cảm thấy căng thẳng trong công việc. Thêm vào đó, 44% - 48% đáp lại rằng có thể chấp nhận yêu cầu trợ cấp ốm đau ngay cả đối với những người không bị ốm, nếu những người đó không hài lòng với môi trường làm việc hoặc gặp vấn đề trong gia đình họ32.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng sự vắng mặt vì lý do ốm đau gia tăng trong các sự kiện thể thao. Ví dụ, đối với nam giới tỷ lệ nghỉ ốm tăng gần 7% vào Thế vận hội mùa đông năm 1988, và 16% liên quan đến chương trình truyền hình của Giải vô địch thế giới ở bộ môn trượt tuyết xuyên quốc gia năm 198733. Tại Giải Bóng đá thế giới năm 2002, tỷ lệ nghỉ ốm tăng đến mức độ đáng kinh ngạc ở nam giới là 41%. Sự khác nhau rõ rệt giữa các sự kiện trong cuối những năm 1980 và đầu những năm 2000 có thể được xem như một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp theo thời gian - mặc dù cả ba con số đều cao lạ thường34.

Trong những năm gần đây, chính phủ cánh tả và cánh hữu ở Thụy Điển đã giảm sự hào phóng của hệ thống phúc lợi. Ngoài ra, các chức năng “gác cổng” đã được đưa ra, chủ yếu đối với quy định thời gian nghỉ ốm để hạn chế việc lạm dụng. Thật thú vị, một bài báo gần đây cho thấy những cải cách này có thể cần phải tốn thời gian khá dài để đảo ngược tác động dài hạn mà nhà nước phúc lợi trước đó tạo ra. Nhà kinh tế học Martin Ljunge gợi ý rằng các chính trị gia muốn tăng sự hào phóng của nhà nước phúc lợi phải tính đến chi phí dài hạn của các chính sách đó. Dưới đây là nội dung tóm tắt của gợi ý này:

Thế hệ trẻ sử dụng bảo hiểm y tế thường xuyên hơn thế hệ nhiều tuổi hơn. Hơn 20% người trẻ hiện nay nghỉ bệnh so với những người sinh ra cách đó hai mươi năm trước, sau khi đã tính đến các yếu tố chi phối khác. Đòi hỏi cao hơn về chế độ nghỉ ốm hưởng lương của các thế hệ trẻ có thể được xem như một thước đo về việc nhà nước phúc lợi đã tác động nhanh như thế nào đến thái độ đối với việc sử dụng các phúc lợi công cộng. Kết quả có ý nghĩa đối với chính sách kinh tế. Nhu cầu bảo hiểm xã hội tăng lên, ngay cả khi các nguyên tắc không được mở rộng hơn. Đánh giá chính sách dựa trên những thay đổi về hành vi ngay trước và sau một cuộc cải cách có thể đánh giá thấp những thay đổi dài hạn có liên quan đến tính toàn vẹn về tài chính của một nhà nước phúc lợi.35

Tương tự như vậy, nhà nghiên cứu người Đan Mạch, Casper Hunnerup Dahl, đã đi đến kết luận rằng: "Mức độ phân phối cao ở các nhà nước phúc lợi của Đan Mạch không chỉ đơn thuần là giảm bớt các khuyến khích cụ thể khiến một số người Đan Mạch đi kiếm việc làm hoặc làm thêm giờ. Nhiều bằng chứng cho thấy nhà nước phúc lợi cũng gây ra tác động tốn kém và lâu dài đối với đạo đức nghề nghiệp của người Đan Mạch”36. Chẳng nghi ngờ gì khi sự xói mòn các chuẩn mực do thích ứng lâu dài với chính sách phúc lợi là một hiện tượng có thể quan sát được chứ không phải chỉ là lý thuyết.

Chính sách của các nước Bắc Âu nhằm đảo ngược sự xói mòn các chuẩn mực

Đối với thế giới bên ngoài, các nước Bắc Âu ngày nay dường như vẫn là những ví dụ rõ ràng về việc có thể hình thành các khu vực công lớn mà không dẫn đến rủi ro đạo đức của nhà nước phúc lợi như dự đoán nổi tiếng của Roosevelt. Tuy nhiên, những người có cái nhìn sâu sắc hơn về các chính sách của Bắc Âu có thể nhận thấy rằng phần lớn sự phát triển gần đây đã tập trung vào vấn đề xói mòn chuẩn mực và tình trạng lạm dụng chế độ phúc lợi. Như đã nêu ở trên, việc giảm mức độ hào phóng của nhà nước phúc lợi - cũng như những cắt giảm thuế đáng kể - đã được đưa ra ở Thụy Điển. Kiềm chế việc lạm dụng xin phép nghỉ ốm được đặc biệt quan tâm. Xu hướng hiện nay ở các quốc gia này, tỷ lệ nghỉ ốm tăng lên nhanh chóng đến mức cao mặc dù dân số thuộc nhóm có sức khoẻ tốt nhất trên thế giới, cho thấy có nhiều vấn đề phải giải quyết.

Thụy Điển không còn giữ danh hiệu quốc gia với mức thuế cao nhất trên thế giới. Ngày nay Đan Mạch đang nắm giữ vị trí này. Mặc dù Đan Mạch vẫn chưa đưa ra các cải cách rộng rãi như ở Thụy Điển, nhưng đã nhận ra rằng sự thay đổi là rất cần thiết. Khá ngạc nhiên là cuộc tranh luận về việc các chính sách phúc lợi đã dẫn đến việc lạm dụng và tạo ra cạm bẫy như thế nào trong các hệ thống phúc lợi không còn giới hạn bên trong những người bảo thủ hoặc những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ở Đan Mạch. Các đảng viên đảng xã hội dân chủ cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận này. Bjarne Corydon, thời đó là Bộ trưởng Tài chính thuộc đảng Xã hội Dân chủ của Đan Mạch, đã được truyền thông quốc tế quan tâm vào năm 2013 khi thảo luận về sự cần thiết phải cắt giảm các hệ thống trợ cấp trong nước. Corydon giải thích rằng không phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi mà chính phủ đang cải cách thuế, trợ cấp phúc lợi và hệ thống nghỉ hưu sớm: "Sự thật là chúng tôi đang xoay xở với một chương trình nghị sự tích cực, đó là củng cố và hiện đại hóa nhà nước phúc lợi, và kết quả của sự thay đổi này sẽ là một xã hội tốt hơn nhiều so với xã hội chúng ta có ngày hôm nay." Đảng lãnh đạo Xã hội Dân chủ đã đi xa hơn trong việc hình thành một tầm nhìn mới cho tương lai của nhà nước phúc lợi: "Tôi tin vào vai trò của cạnh tranh trong nhà nước phúc lợi hiện đại. Nếu chúng ta muốn đảm bảo nhận được sự ủng hộ cho nhà nước phúc lợi, chúng ta phải tập trung vào chất lượng dịch vụ công thay vì các chương trình trợ cấp".37

Nguồn: Tom G. Palmer, Self-Control or State Control? You Decide, Atlas Network 2016

Chú thích:

(9) Paul Krugman, “Socialist Hellhole Blogging,” New York Times ngày 19/8/2011. Bài viết xuất hiện trong blog của Krugman, The Conscience of a Liberal. Truy cập ngày 10/6/2015, http://krugman.blogs.nytimes.com/2011/08/19/socialist-hellhole-blogging.

(10) Thuật ngữ rủi ro đạo đức (moral hazard) được sử dụng để mô tả các tình huống mà trong đó có hai bên hoặc nhiều bên có thông tin không đầy đủ và bất đối xứng về ý định của bên kia. Ví dụ bao gồm các tình huống trong đó một bên đưa ra quyết định, và bên kia chịu các chi phí; các tình huống trong đó có một bên đứng ra bảo hiểm rủi ro, bên được bảo hiểm có nhiều khả năng sẽ tham gia vào các hành vi mạo hiểm; và các tình huống mà trong đó những người được trợ cấp phúc lợi công cộng nhằm tránh khỏi những ảnh hưởng của thất nghiệp hoặc thu nhập thấp giảm động lực sản xuất của mình để có đủ điều kiện hưởng các phúc lợi.

(11) Robert H. Nelson, “Max Weber Revisited,” trong cuốn "Religion, Economy and Cooperation", Ilkka Pyysiäinen biên soạn (Berlin and New York: Walter de Gruyter GmbH & Co., 2010).

(12) Assar Lindbeck, “Hazardous Welfare-State Dynamics,” American Economic Review, Papers and Proceedings số 85 (1995): 9–15; và Assar Lindbeck, “An Essay on Welfare State Dynamics,” CESifo Working Paper Series số 976 (2003).

(13) Niclas Berggren, Mikael Elinder, và Henrik Jordahl, “Trust and Growth: A Shaky Relationship,” Empirical Economics số 35 (2008): 251–274.

(14) Trong nghiên cứu này, Iceland, một quốc gia nhỏ ở Bắc Âu áp dụng chế độ nhà nước phúc lợi ở quy mô hạn chế hơn, cũng được đề cập.

(15) Jan Delhy và Kenneth Newton, “Predicting Cross-National Levels of Social Trust: Global Patterns or Nordic Exceptionalism?” European Sociological Review số 21 (2005): 311–27.

(16) Nima Sanandaji, "Scandinavian Unexceptionalism—Culture, Markets, and the Failure of Third-Way Socialism", (Luân Đôn: Viện Kinh tế, 2015). Tôi tìm hiểu các chuẩn mực về an sinh xã hội và sự xói mòn chuẩn mực ở Scandinavia.

(17) Daniel Arnold, “Benefit Morale and Cross-Country Diversity in Sick Pay Entitlement,” Kyklos số 66 (2013): 27–45.

(18) Cơ sở dữ liệu thuế OECD. Na Uy và Phần Lan có tỷ lệ thuế cao hơn một chút, lần lượt ở mức 28% và 27% GDP. Thậm chí cả hai nước này có thuế thấp hơn Vương quốc Anh (30%).

(19) Sanandaji, "Scandinavian Unexceptionalism" (2015).

(20) Andreas Bergh và Christian Bjørnskov, “Historical Trust Levels Predict the Current Size of the Welfare State,” Kyklos (2011): 1–19.

(21) Eric M. Uslaner, “Where you stand depends upon where your grandparents sat—The inheritability of generalized trust”, Public Opinion Quarterly (2008): 725-740; Tino Sanandaji, "Proving Bo Rothstein wrong: Why do Swedes trust more? Culture, not welfare state policy" blog đăng ngày 02/10/2010, truy cập ngày 28/3/2016, http://www.tino.us/2010/10/ proving-bo-rothstein-wrong-why-do-swedes-trust-more-culture-notwelfare-state-policy/.202

(22) Bergh và Bjørnskov, “Historical Trust Levels,” 1.

(23) Khảo sát Cộng đồng Hoa Kỳ (ACS) từ năm 2013 cho thấy tỷ lệ đói nghèo của người Mỹ gốc Scandinavia, người Mỹ gốc Thụy Điển và người Mỹ gốc Phần Lan là 5,1%. Trong khi những người Mỹ gốc Na Uy là 4,7% và 4,2% là người Mỹ gốc Đan Mạch. Điều này được so sánh với mức trung bình toàn quốc là 11,7%. Các nhà kinh tế học Geranda Notten và Chris de Neubourg đã viết một bài báo từ năm 2011 tính toán tỷ lệ đói nghèo ở các nước Châu Âu và Hoa Kỳ bằng cách sử dụng cùng một cách đo lường. Tỷ lệ này ở Đan Mạch là 6,7%, Thụy Điển 9,3% và 15% ở Phần Lan.

(24) Sanandaji, "Scandinavian Unexceptionalism" (2015).

(25) Philipp Doerrenberg và cộng sự, “Nice Guys Finish Last: Do Honest Taxpayers Face Higher Tax Rates?” Kyklos số 1 (2014): 29–53.

(26) Heinemann, “Is the Welfare State Self-Destructive?” 237.

(27) Dữ liệu Khảo sát các giá trị Thế giới cho câu hỏi V198, "Tính hợp lý: Yêu cầu phúc lợi từ chính phủ": http://www.worldvaluessurvey.org/WVSDocumentationWV5.jsp (chọn WV6_Results_v_2015_04_18.pdf)

(28) Jean-Baptiste Michau, “Unemployment Insurance and Cultural Transmission: Theory and Application to European Unemployment” Báo cáo của CEP số 936, Centre for Economic Performance (Luân Đôn: Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị Luân Đôn, 2009): 2.

(29) Martin Halla, Mario Lackner, and Friedrich G. Schneider, “An Empirical Analysis of the Dynamics of the Welfare State: The Case of Benefit Morale,” Kyklos số 1 (2010): tr 55–74, đặc biệt là tr 56 - 71.

(30) Lindbeck, “Hazardous Welfare-State Dynamics”; Assar Lindbeck, “Prospects for the Welfare State”, tài liệu hội thảo số 755 (Stockholm: Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Đại học Stockholm, 2008).

(31) Lindbeck, ""Prospects for the Welfare State"". Cần lưu ý rằng các nước Scandinavia có nền kinh tế ngầm tương đối lớn so với các nước như Hoa Kỳ. Các nền kinh tế ngầm Scandinavia đã giảm như là một phần của tổng GDP theo thời gian, trùng hợp với một sự chuyển đổi sang tự do kinh tế lớn hơn. Để ước lượng kích cỡ của nền kinh tế ngầm, xem Friedrich Schneider và Colin C. Williams, "The Shadow Economy", Hobart Paper 172 (Luân Đôn: Viện Kinh tế, 2013).

(32) Arne Modig and Kristina Broberg, “Är det OK att sjukskriva sig om man inte är sjuk?” memo T22785 (Stockholm: TEMO, 2002).

(33) Peter Skogman Thoursie, “Reporting Sick: Are Sporting Events Contagious?” Journal of Applied Econometrics, số 19 (2004): 809–823.

(34) Malin Persson, "Korta sjukskrivningar dưới fotbolls-VM 2002-en empirisk studie," mimeo (Uppsala: Khoa Kinh tế, Đại học Uppsala, 2005). Trong cả hai trường hợp, tỷ lệ ốm đau ở phụ nữ được sử dụng để kiểm soát các biến số khác.

(35) Martin Ljunge, “Yngre generationers högre sjukskrivningstal—ett mått på hur snabbt välfärdsstaten förändrar normer,” Ekonomisk Debatt 5 (2013): 56–61. Được dịch từ tiếng Thụy Điển.

(36) Casper Hunnerup Dahl, “Velfæerdsstat og Arbejdsmoral,” (Copenhagen: CEPOS, 2013): 2. Được dịch từ tiếng Đan Mạch. Xem thêm tại New York Times, “Danes Rethink a Welfare State Ample to a Fault”, 10/4/2013.

(37) Politiken, “Corydon: Konkurrencestat er ny velfærdsstat” 23/8/2013

Dịch giả:
Nguyễn Thị Hồng An
Hiệu đính:
Đinh Tuấn Minh
Biên tập:
Palmer, Tom G.