Lệch pha

Lệch pha

(TBKTSG) - Phân biệt hay nhận diện môi trường kinh doanh một địa phương nào đó thuận lợi hay phiền hà, hấp dẫn hay tụt hậu... thực ra chính là phân biệt hay nhận diện sự lệch pha giữa hệ thống cơ quan nhà nước địa phương đó với các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Lệch pha về tốc độ

Môi trường kinh doanh thuận lợi hay khó khăn, chính quyền có được xem là đồng hành với doanh nghiệp hay không phụ thuộc nhiều vào sự “lệch pha” giữa tốc độ của quyết định hành chính do cơ quan Nhà nước ban hành và quyết định kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự thành bại của một dự án đầu tư, sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào thời gian và tốc độ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được đưa ra thị trường. Điều kiện kinh doanh tuần này, tháng này có thể khác rất nhiều so với tuần trước, tháng trước. Do vậy, điều doanh nghiệp cần là quyết định hành chính được đưa ra càng nhanh càng tốt, càng dự đoán được càng tốt.

Trong khi đó, để ra được quyết định hành chính thì bộ máy nhà nước thường “dùng dằng” kéo dài cả tháng khi đáng ra có thể hoàn thành chỉ trong một vài ngày. Cho nên, bằng cách thức nào đó, thu hẹp được khoảng cách tốc độ này chính là tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nguyên nhân ngăn cản quá trình đưa ra quyết định hành chính nhanh gọn, tin cậy ở nước ta nhiều khi chính là sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Nói rằng sự phối hợp liên ngành ở nhiều cấp địa phương, thậm chí cả cấp bộ ngành trung ương, là khâu yếu nhất hiện nay, có lẽ không sai. Một thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư thường liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan. Nhưng sự hợp tác giữa các cơ quan này thường rất lỏng lẻo, như những hòn sỏi nằm bên cạnh nhau. Cơ quan nào cũng quan trọng, yêu cầu hay điều kiện của cơ quan nào doanh nghiệp cũng phải thực hiện trước.

 

"Cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới là khắc phục những sự lệch pha giữa hệ thống cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp."


Do vậy, để có được sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, muốn thủ tục hành chính chạy được suôn sẻ, chính doanh nghiệp và nhà đầu tư phải dành công sức và thời gian, kể cả chi phí chính thức và không chính thức để thúc đẩy. Để hoàn thành một thủ tục đất đai cho hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể phải “chạy” mướt mồ hôi từ cấp tỉnh xuống tận cấp huyện, cấp thôn; chạy lòng vòng giữa các sở, ngành. Thậm chí trong mỗi sở, những phòng khác nhau có thể có ý kiến khác nhau nên chuyện doanh nghiệp phải lần lượt gõ cửa từng phòng không phải là chuyện hiếm.Đáng chú ý, dù có thể không tìm được bất cứ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ quy trình hành chính này nhưng bất cứ cơ quan nào cũng có thể gây khó khăn hoặc làm cho tiến trình thủ tục đó đi vào ngõ cụt.

Quy trình thủ tục hành chính chậm trễ là một chuyện nhưng làm rủi ro tăng lên mới là điều doanh nghiệp lo ngại. Chẳng hạn, theo một nghiên cứu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đất đai và xây dựng của VCCI năm 2013, có đến 18 nhóm thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện từ khi bắt đầu làm hồ sơ đến khi xây dựng nhà máy. Riêng một nhóm thủ tục như giới thiệu địa điểm, qua rà soát ở một tỉnh, đã có đến tám điểm cơ quan nhà nước có quyền kiểm tra, thẩm tra hồ sơ. Mỗi điểm này, mỗi bộ phận chức năng khác nhau trong cơ quan nhà nước đều thực hiện cách đánh giá riêng của mình. Cơ quan cấp trên kiểm tra cả việc đánh giá hồ sơ ở cấp thấp hơn lẫn hồ sơ của doanh nghiệp. Do vậy, nguy cơ là hồ sơ luôn có thể trả lại cho nhà đầu tư để yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa bất kỳ lúc nào trong phạm vi tám điểm đó. Bất cứ mắt xích nào trong quy trình thủ tục hành chính này đều có thể làm ách tắc hay kéo dài cả quy trình đang thực hiện.

Lệch pha về tư duy

Chuyện quyết định nhanh hay chậm, đúng hay sai trong thủ tục hành chính về đầu tư không thể không nói đến yếu tố con người - từ người lãnh đạo cho đến từng công chức thừa hành. Trong hoạt động này, quan chức nhà nước và doanh nghiệp rất dễ lệch pha nhau.

Với người lãnh đạo, dù chưa có một nghiên cứu chính thức nào nhưng tôi tin rằng có mối quan hệ nhân quả giữa lãnh đạo địa phương (tạm gọi là) có tư duy gần doanh nghiệp, am hiểu kinh doanh với những thành công trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp mà địa phương đó đón nhận được. Với lãnh đạo có tư duy kinh doanh tốt sẽ hiểu nhà đầu tư hay doanh nghiệp thực chất cần gì, cải cách gì sẽ giúp ích nhiều nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Chẳng hạn trong xúc tiến và quảng bá về môi trường kinh doanh và đầu tư của địa phương, một số lãnh đạo địa phương luôn nhấn mạnh về truyền thống cách mạng, anh hùng, sản phẩm đặc trưng văn hóa... của địa phương, nhưng chắc rằng đó không phải là yếu tố mà nhà đầu tư chú trọng hay ưu tiên hàng đầu.

Các nhà đầu tư cũng không dễ dàng bị thuyết phục bởi những bài phát biểu hùng hồn của lãnh đạo địa phương tại những hội nghị xúc tiến đầu tư hoành tráng đó. Họ cũng chưa vội tin những chính sách được đưa ra trong các văn bản nhiều chữ của tỉnh được in ra hàng loạt.

Cái họ cần là những thông tin cần cho hoạt động kinh doanh được cung cấp thuận lợi, dễ dàng và chuyên nghiệp. Họ sẽ lắng nghe và kiểm nghiệm những tiếng nói thực tế từ những doanh nghiệp đang làm ăn tại chính địa phương đó. Và chắc rằng, với kinh nghiệm có được, họ luôn quan sát và cảnh giác để biết rằng giữa văn bản và thực tiễn luôn có những khoảng cách xa ngái.

Đối với công chức, trong thủ tục hành chính, nếu công chức sẵn sàng “xắn tay áo” vào để giải quyết, đồng hành cùng doanh nghiệp, không đặt ra điều kiện gì thì sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện và thuận lợi. Công chức nào ngay từ đầu đã tìm cách chứng minh cho doanh nghiệp thấy vai trò và tầm quan trọng của mình, tạo ra khó khăn, đe dọa bằng sự phiền hà để họ phải ý thức rằng muốn “qua sông” phải “lụy đò” thì chắc chắn môi trường kinh doanh ở đó sẽ hoàn toàn khác.

Lệch pha về lòng tin

Nhiều người nói với tôi, hình như một trong những cái thiếu nhất của môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay chính là lòng tin: lòng tin giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Ở rất nhiều tỉnh, thành phố, trong mắt nhiều lãnh đạo và công chức nhà nước, doanh nghiệp tư nhân luôn có trình độ thấp, kém hiểu biết, làm ăn chụp giật, sẵn sàng vi phạm pháp luật. Còn trong mắt của chính các doanh nghiệp tư nhân này thì quan chức cũng thường không tốt đẹp gì hơn: quan liêu, hách dịch, thậm chí tham nhũng hay vòi vĩnh...

Hai chủ thể này đáng ra phải là hai đối tác quan trọng trong quá trình phát triển nhưng lại xa rời nhau, thiếu lòng tin lẫn nhau. Do thiếu lòng tin, những biện pháp quản lý mà Nhà nước đặt ra luôn dựa trên sự nghi kỵ, theo tâm lý phòng ngừa “một người đau bụng nhưng bắt cả làng uống thuốc”, cho dù người có khả năng vi phạm chỉ là số ít trong số những người thực hiện. Do thiếu lòng tin vào chính quyền nên các doanh nghiệp cũng có xu hướng đầu tư thận trọng, ngắn hạn và không xác định làm ăn bài bản, đàng hoàng.

Bộ máy nhà nước và cộng đồng kinh doanh phải cùng có được lòng tin; chia sẻ những tư duy, giá trị chung và các quyết định đưa ra phải đồng tốc.

Nguồn: Đậu Anh Tuấn, Lệch pha, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 1/2/2015