[Tinh thần dân chủ] Chương 4: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Nhân tố bên trong (Phần 1)

[Tinh thần dân chủ] Chương 4: Động cơ thúc đẩy dân chủ: Nhân tố bên trong (Phần 1)

Trong những chương trước, chúng ra đã thấy chuyển hóa dân chủ trở thành khả thi khi xảy ra khủng hoảng tính chính danh trong các chế độ độc tài. Chế độ là chính danh khi tuyệt đại đa số dân cư tin rằng đấy là hình thức cai trị phù hợp nhất đối với đất nước của họ – tốt hơn tất cả những những phương án thay thế mà họ có thể tưởng tượng được – và vì vậy mà về mặt đạo đức, nó có quyền ban hành luật, thu thuế, và buộc người ta phải tuân phục.1 Trong một số trường hợp (Philippines, Argentina, Đông Âu và châu Phi) các chế độ độc tài đã thất bại, không thể tạo dựng được sự phát triển, không kiểm soát được tham nhũng, không tập hợp được xã hội hay giữ được trật tự làm cho nhiều người nghĩ rằng chế độ đã đánh mất tính chính danh hay đánh mất cái mà nhà xã hội học đã quá cố, Seymour Martin Lipset, thường gọi là tư cách đạo đức để cai trị. Trong những trường hợp khác (Tây Ban Nha, Nam Hàn và Đài Loan) những thành công trong phát triển của chế độ độc tài lại tạo ra công chúng có học thức cao hơn và đòi hỏi nhiều hơn về chính trị với những tư tưởng làm nền tảng cho tư cách đạo đức để cai trị. Trong cả hai trường hợp, tình hình quốc tế thay đổi càng làm nổi bật hơn nữa cảm giác – không chỉ trong nhân dân nước đó, mà còn trong các quốc gia đầy sức mạnh và trong dư luận quốc tế – rằng chế độ không có tính chính danh. Cũng thế, các chế độ dân chủ bị tiêu diệt – bởi những người đứng đầu ngành hành pháp hám quyền như Vladimir Putin ở Nga và Hugo Chavez ở Venezuela hay các quân nhân như ở Pakistan – khi những chế độ này mất hoặc không xây dựng được tính chính danh. Thường thì, chế độ dân chủ sụp đổ dễ dàng hơn khi nó đã đánh mất niềm tin của xã hội, nếu không phải là mất niềm tin vào dân chủ nói chung, thì cũng mất niềm tin vào các thiết chế tạo ra chế độ dân chủ của đất nước đó. Mất niềm tin vào chính phủ cụ thể là một chuyện – nhà lãnh đạo hay đảng hoặc liên minh của ông/bà ta có thể bị thay thế trong cuộc tuyển cử mới. Nhưng khi dư luận xã hội nói chung tin rằng hệ thống chính phủ đã đánh mất thẩm quyền đạo đức để cai trị thì hệ thống đã bị đe dọa, nếu đấy là chế độ dân chủ thì càng bị đe dọa hơn nữa.

Tất cả các chế độ – ngay cả những chế độ dân chủ đã được củng cố ở phương Tây – cũng phải dựa vào sự kết hợp giữa tính chính danh và sức mạnh. Có khả năng là không có quốc gia tương đối lớn nào mà mỗi công dân đều coi hệ thống chính phủ của mình là chính danh; đôi khi, cần phải sử dụng sức mạnh hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh nhằm buộc người ta phải phục tùng hay trừng phạt những hành vi chống lại hệ thống. Cũng thế, không có chế độ nào – dù tàn bạo và chuyên chế đến đâu – chỉ dựa vào sức mạnh mà có thể sống sót. Ngay cả khi hầu hết các công dân, trong chỗ riêng tư, đều căm ghét chế độ, ví dụ như ở Miến Điện, thì bao giờ cũng có một số người trung thành với chế độ và những người thực lòng tin vào chế độ, họ coi chế độ là chính danh và sẽ hết mình bảo vệ và giữ gìn nó. Nếu họ đủ nhẫn tâm và hiệu quả đến mức có thể kiểm soát được nhà nước và bộ máy an ninh và dùng khủng bố và sợ hãi để khuất phục nhân dân thì chỉ cần một hoặc một vài phần trăm dân số là những người trung thành với chế độ là được.

Nhưng chế độ độc tài càng bớt toàn trị và bớt đàn áp, và nó càng dành nhiều không gian cho phe đối lập và bất đồng chính kiến thì sự sống sót của nó càng phụ thuộc vào mức độ chấp nhận tự nguyện nào đó của dân chúng. Một số người chấp nhận vì cho rằng chế độ có tính chính danh. Một số người chấp nhận là vì cùng tồn tại theo lối thực dụng hoặc được kết nạp vào. Một số vì cam chịu hoặc thờ ơ. Nhưng cái mà chế độ độc tài không thể dung thứ là đám đông các công dân có tổ chức và tự tin phủ nhận tính chính danh của chế độ. Trong chế độ dân chủ, khi lực lượng đối lập tổ chức và giành được đa số thì họ sẽ thực hiện những thay đổi trong đảng hay liên minh cầm quyền. Trong chế độ độc tài, khi lực lượng đối lập tổ chức và động viên được đa số thì họ sẽ tiến hành thay đổi chế độ.

Chế độ dân chủ phụ thuộc vào sự ổn định của tính chính danh và phục tùng một cách tự nguyện hơn là chế độ độc tài. Vì lí do là chế độ dân chủ, về bản chất, là hệ thống của sự đồng thuận của nhân dân. Một lí do nữa là mức độ sử dụng bạo lực là có giới hạn, nếu còn gọi là chế độ dân chủ. Tỉ lệ công dân tin rằng chế độ dân chủ là chính danh càng nhỏ thì hệ thống càng dễ bị tổn thương, càng dễ bị các quân nhân lật đổ chính phủ để giành quyền lực, càng dễ tan rã trật tự chính trị hay sụp đổ nhà nước. Tính chính danh là máu, là nguồn sống của chế độ dân chủ, còn các nhà độc tài thì như những con cá mập bơi trong nước. Khi họ thấy tính chính danh bị chảy máu là họ thấy nguy hiểm và họ tấn công.

Là người cai trị, các nhà độc tài còn gặp phải thế lưỡng nan về tính chính danh. Vì mặc dù, để sống còn, họ ít phụ thuộc vào tính chính danh, nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì tính chính danh. Trong mấy thập kỉ gần đây, khi bàn về tính chính danh của chế độ, dân chủ ngày càng trở thành tư tưởng được nhiều người chia sẻ, vì vậy mà duy trì chế độ độc tài trắng trợn trở thành khó khăn hơn bao giờ hết. Kết quả là, khác với các thời đại trước, khi chế độ nằm trong tay một người, một gia đình, một nhóm người, một đảng hay một nhóm quân nhân được coi là tự nhiên, là quyền lực của thiên tử hay phương tiện để thực hiện những mục tiêu của cách mạng, các chế độ độc tài hiện nay không thể tự tung tự tác trong việc thiết lập và duy trì tính chính danh của mình như trước nữa. Ngày càng khó nói rằng chế độ độc tài, về bản chất là tốt.

Ngày nay các chế độ độc tài – trừ một vài nước còn giữ chế độ quân chủ như Ả Rập Saudi hay độc tài toàn trị như Bắc Hàn – đều phải tự biện hộ, chủ yếu là dựa vào thành tích của họ. Để làm như thế, chế độ độc tài nào cũng đối diện với thế lưỡng nan ngay từ trong bản chất, một kiểu catch-22 2 kinh điển. Nếu chế độ không thực hiện được những điều người dân kì vọng – trật tự và phát triển kinh tế – để đánh đổi hay chấp nhận chế độ độc tài – thì nó sẽ bị mất tính chính danh.

Nhưng nếu chế độ giải quyết được những vấn đề đã dẫn nó tới quyền lực – thường là khủng hoảng kinh tế, phân cực trong xã hội, bạo lực chính trị hay bạo loạn – thì những biện pháp cứng rắn của nó sẽ không còn cần thiết nữa. Còn nếu chế độ độc tài tạo được kinh tế phát triển bền vững thì sau một thời gian nó sẽ chuyển hóa xã hội theo hướng làm cho chế độ độc tài trở thành không cần thiết và người dân muốn xóa bỏ, để chuyển sang chế độ dân chủ.

CHIA RẼ TRONG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI

Muốn hiểu được ngọn ngành nguyên nhân của chuyển hóa dân chủ thì phải nhìn vào “những rạn nứt” trong chế độ độc tài. Trong một công trình nghiên cứu so sánh có ảnh hưởng mạnh về quá trình chuyển hóa từ chế độ độc tài ở Nam Âu và Mỹ Latin, Guillermo O’Donnell và Philippe Schmitter đã rút ra kết luận dứt khoát như sau: “Không có sự chuyển hóa nào mà không bắt đầu từ hậu quả – trực tiếp hay gián tiếp – của sự chia rẽ ngay bên trong chế độ độc tài”, về nguyên tắc là “giữa những người theo đường lối cứng rắn và những người theo đường lối mềm dẻo.”3 Những trường hợp chuyển hóa ở châu Á cũng ủng hộ luận điểm này. Chia rẽ trong ban lãnh đạo hay chia rẽ trong những người ủng hộ chế độ là tác nhân chính của chuyển hóa dân chủ.

Đương nhiên là luận cứ này nhấn mạnh vai trò của giới ăn trên ngồi trốc, và như tôi đã nói trong Chương 2, cuộc vận động rộng rãi trong xã hội dân sự thường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chế độ độc tài. Tuy nhiên, lựa chọn của một nhóm tương đối ít người trong ban lãnh đạo chế độ và phe đối lập – những tính toán, những sai lầm, cạnh tranh, xung đột, liên minh và thỏa thuận của họ – có thể quyết định có chuyển hóa hay không, chuyển hóa như thế nào và với những bước đi như thế nào.4 Trong tất cả các trường hợp (trừ khi bị nước ngoài chinh phục hay nổi dậy có tính cách mạng), chế độ độc tài đều đánh mất ý chí và sự cố kết trước khi bị mất quyền lực. Nhưng tại sao một số nhà lãnh đạo các chế độ độc tài (hay những người ủng hộ nó) lại tin rằng chế độ phải dân chủ hóa và thậm chí cuối cùng là từ bỏ quyền lực?

Lí do quan trọng nhất là các chế độ độc tài bị mất tính chính danh ngay ở trong nước khi họ đã hoàn thành sứ mệnh mà họ tự tuyên bố và trở thành không cần thiết nữa – hoặc khi họ hoàn toàn thất bại, không thể thực hiện được sứ mệnh của mình. Nhưng khi chế độ độc tài không thực hiện được sứ mệnh thì chất xúc tác cho thay đổi nằm ở thất bại của họ chứ không phải ở sự chia rẽ. Nhiều cuộc chuyển hóa trong làn sóng thứ ba là bởi thất bại như thế: các chế độ độc tài ở Hy lạp, Argentina, Uruguay, Philippines, Đông Âu, Benin, Zambia, Indonesia và các cuộc cách mạng màu ở Serbia, Georgia và Ukraine. Đấy chủ yếu không phải là những thỏa thuận đạt được trên bàn đàm phán mà là những gián đoạn đầy kịch tính do thành tích kém cỏi về kinh tế và chính trị gây ra. Ở Hy Lạp, Argentina và Bồ Đào Nha, phong trào dân chủ phát triển nhanh chóng vì những thất bại nặng nề trong lĩnh vực quân sự – những cuộc chiến tranh thiếu tính toán do chế độ gây ra hay cuộc chiến chống nổi dậy ở thuộc địa phải trả giá quá đắt (Bồ Đào Nha).5 Cuối những năm 1980, ngay cả giới chóp bu cộng sản ở Đông Âu cũng không còn tin rằng hệ thống của họ là hệ thống hiệu quả nữa, hệ thống này đã tụt hậu so với các lân bang ở phương Tây. Nỗi sợ hãi và sức mạnh của Liên Xô đã giúp duy trì những chế độ độc tài này và khi Liên Xô rút lui thì con đường dẫn tới dân chủ đã rộng mở. Ở Philippines, Serbia, Georgia và Ukraine, những cố gắng nhằm gian lận kết quả bầu cử và không chấp nhận thay đổi một cách hòa bình là tín hiệu về sự thất bại về chính trị của chế độ.

Ở Indonesia, ba thập kỉ phát triển ngoạn mục và quản lí kinh tế khéo léo đã nổ tung trong có vài tháng do căng thẳng bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 ở khu vực Đông Á gây ra, nó cũng cho thấy chủ nghĩa tư bản thân hữu quá quắt nằm ngay trong “Trật Tự Mới” của tổng thống Suharto. Đến lúc đó, Indonesia đã từng là thí dụ về sự thành công của chế độ độc tài: “Từ năm 1975 đến năm 1997, không có nước nào trên thế giới khởi đầu giai đoạn này với mức thấp [chỉ số phát triển con người (HDI) của UNDP] lại cải thiện được nhiều bằng Indonesia.” 6 Trong một phần tư thế kỉ trước khi đổ vỡ, thu nhập bình quân đầu người ở Indonesia đã tăng gấp ba lần.7 Suharto đã lợi dụng được sự tiến bộ về vật chất của đất nước (cùng với việc sử dụng một cách khôn khéo hối lộ và bạo lực) nhằm thổi phồng những lo ngại cho rằng cùng với chế độ dân chủ, sự rối loạn dưới thời Sukarno cũng sẽ trở lại và “né tránh những đòi hỏi về trách nhiệm giải trình… Nhưng cuộc thí nghiệm của Suharto càng kéo dài thì càng ít người Indonesia phải tự mình trải qua “giai đoạn tồi tệ” dưới thời Sukarno.”8 Khi Suharto quay ra sử dụng những biện pháp thô bạo nhằm chèn ép người đang thách thức chế độ của ông ta và đang được lòng dân là bà Megawati – con gái của cố tổng thống Sukarno và bị thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1997 – là ông ta đã đào hố ngay dưới chân mình. Những câu chuyện về những vụ tham nhũng khủng và những thủ đoạn độc quyền của con cái và đồng minh của tổng thống bắt đầu xuất hiện. Lúc đó, khi đồng Rupiah của Indonesia bị áp lực bán tháo cuối năm 1997, nhà độc tài già nua “đã phản ứng… một cách đầy mâu thuẫn và không nhất quán”, và từ chối, không chịu đóng cửa các ngân hàng kém kiệu quả và tham nhũng. 9 Mấy tháng do dự đã biến tình trạng khẩn cấp về tài chính thành cuộc khủng hoảng. Tháng 5 năm 1998, khi chính phủ tuyên bố cắt trợ cấp về điện và nhiên liệu thì bạo loạn lan rộng, lực lượng an ninh đã bắn chết mấy sinh viên. Trật Tự Mới bị dỡ bỏ, Suharto buộc phải từ chức.

Sự thất bại thảm hại của các chế độ độc tài thể hiện rõ nhất trong quá trình chuyển hóa diễn ra ở châu Phi hồi đầu những năm 1990. Trên khắp châu lục này, ba thập kỉ độc lập chỉ tạo ra được sự phát triển không đáng kể. Trong giai đoạn này, thu nhập bình quân thực tế trên đầu người trong khu vực châu Phi hạ Sahara chỉ tăng có 22% trong khi ở Mỹ Latin tăng tới 60% 10 và trong những năm 1980, thu nhập bình quân đầu người khu vực châu Phi hạ Sahara giảm tới 1,1% một năm. 11 Phần lớn các nước châu Phi bị tê liệt vì những khoản nợ nước ngoài.

Trong giai đoạn từ 1982 đến 1989, tổng số nợ nước ngoài của các nước nằm ở châu Phi hạ Sahara đã tăng gấp đôi – ngang với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần gấp bốn lần thu nhập từ xuất khẩu của những nước này. Trả lãi đã ngốn mất trung bình một nửa thu nhập từ xuất khẩu hằng năm, ngân sách mà các chính phủ dành cho dịch vụ cơ bản chẳng còn được bao nhiêu. Phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài ngày càng gia tăng, mặc dù viện trợ hàng năm là 15 tỉ USD, từ ngày giành được độc lập, mức sống của dân chúng nhiều nước đang ngày càng giảm. Kết quả là, năm 1989, 25 trong tổng số 30 nước có chỉ số phát triển con người thấp nhất là những nước nằm ở châu Phi.12 10% trẻ em chết khi chưa được một tuổi. Hơn một nửa (một số nước là hai phần ba hoặc hơn) người lớn mù chữ. Trên khắp châu lục này, cơ sở hạ tầng được xây dựng trong giai đoạn cuối thời thuộc địa hay giai đoạn đầu thời hậu thuộc địa bị hư hỏng nặng. Bệnh viện không có thuốc, cũng chẳng có bác sĩ; trường học thì không có giấy, sách và phấn. Chính phủ không có ngoại tệ để mua phụ tùng, phương tiện giao thông vận tải công cộng tồi tệ đến mức hàng ngày người dân phải đi bộ nhiều giờ để tới nơi làm việc và trở về nhà. Ở một số nước, công chức không được trả lương mấy tháng liền vì nhà nước thực chất đã phá sản.

Thất bại không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị. Chế độ độc tài ăn sâu bén rễ vào các nước châu Phi, chủ nghĩa lí tưởng những năm đầu thời hậu thuộc địa phai tàn dần, chế độ độc đảng ngày càng tỏ ra độc đoán và áp bức, và những người cai trị – nhiều người xuất thân là những người xã hội chủ nghĩa – ngày càng giàu lên một cách trơ trẽn. Tham nhũng chính trị và tham nhũng trong bộ máy quản lí hành chính trở thành hiện tượng bình thường và trên thực tế, đấy là con đường làm giàu quan trọng nhất. Những người cầm quyền đã ăn hết vốn của đất nước, phá vỡ khế ước xã hội và những phần còn sót lại của tính chính danh về mặt chính trị của chính họ, cơ sở ủng hộ họ thu hẹp lại thành một nhóm nhỏ trung thành với đảng hay những người bạn thân và một ít người cùng sắc tộc.

Khi các nhà nước độc tài khánh kiệt đến mức không còn đủ sức mua chuộc phe đối lập và kiệt quệ đến mức không đàn áp được họ nữa thì phản đối sẽ gia tăng. Báo cáo của Michael Bratton và Nicholas vande Walle về sự cáo chung của nhà độc tài Benin, Mathieu Kérékou, là đặc trưng cho những thất bại trên khắp châu lục này.

Tháng 1 năm 1989, các sinh viên trường đại học tổng hợp quốc gia cùng bước ra khỏi lớp… Họ đòi chính phủ trả những khoản học bổng đã bị hoãn lại trong một thời gian dài và khôi phục lại những biện pháp bảo đảm việc làm trong lĩnh vực công cho các sinh viên tốt nghiệp đại học tổng hợp. Tháng 7, công nhân viên chức và giáo viên cũng đổ ra đường phố, đe dọa tổng bãi công vì mấy tháng rồi chưa có lương.

Chính phủ Benin không thể đáp ứng được những đòi hỏi này vì họ đã phá sản. Thất thu thuế diễn ra suốt mấy năm liền, vốn chạy ra nước ngoài gia tăng, còn các quan chức cao cấp thì dính vào những vụ bê bối tài chính đáng xấu hổ.13

Quyền lực của Kérékou sụp đổ, ông ta mời những nhà cải cách tham gia nội các và thả hai trăm tù chính trị. Những nhượng bộ nửa vời này không thuyết phục được người phản đối, họ “đòi chấm dứt ngược đãi tù chính trị và hạn chế tối đa nạn tham nhũng”. Đến tháng 12, Kérékou buộc phải chấm dứt chế độ độc đảng và quyết định tổ chức “hội nghị hòa giải dân tộc” và “có lẽ đã nhận ra sự kém cỏi của người lãnh đạo, những thành phần quan trọng nhất trong liên minh cầm quyền bắt đầu bỏ chạy”. Quân đội và các công đoàn tuyên bố độc lập với chính quyền, và đến cuối năm 1989, những cuộc biểu tình đã làm tê liệt thủ đô. Hội nghị quốc gia họp vào đầu tháng 2 năm 1990 tự tuyên bố là cơ quan có chủ quyền, cách chức Kérékou và khởi động công cuộc chuyển hóa sang dân chủ.14

Nhưng các chế độ độc tài sụp đổ không chỉ vì bị thối rữa và không thể giải quyết được những nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân nước mình. Các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã đứng vững suốt bốn thập niên, mặc dù ai cũng thấy những dấu hiệu hời hợt và vô liêm sỉ của “tính chính danh” của chúng. Nhiều chế độ độc tài đáng ghét vẫn tiếp tục sống lay lắt nhiều năm, thậm chí hàng thập kỉ vì họ có nguồn lực để mua sự ủng hộ của giới quân sự và nhóm chóp bu trong đảng, các nhà quản lí cấp cao, các nhà lãnh đạo công đoàn và giới doanh nhân. Nhưng những nguồn lực để mua chuộc này phải được lấy từ đâu đó, và khi nhà nước hoạt động quá tệ thì nó không thể thu được thuế, nhà nước phải tìm được nguồn lực thay thế khác hoặc sụp đổ. Nếu gặp may thì chế độ có thể kiểm soát được vùng lãnh thổ có mỏ dầu, mỏ kim cương, hay các mỏ khoảng sản khác, đủ – nếu có mỏ dầu thì có thể thừa, như đã thấy trong Chương 3 – để duy trì chế độ. Nếu không, chế độ độc tài sẽ phải phụ thuộc vào viện trợ của nước ngoài và dễ bị tổn thương, như Kérékou và những kẻ cai trị ở châu Phi khác hồi cuối những năm 1980 và đầu 1990 – khi những người cung cấp cắt các khoản viện trợ vì chính phủ không tiến hành cải cách trong lĩnh vực kinh tế và quản trị.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CHỀ ĐỘ ĐỘC TÀI

Động cơ bổ sung cho quá trình chuyển hóa dân chủ trong ba thập niên vừa qua chính là thành công của chế độ độc tài trong phát triển kinh tế. Ở Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil, Chile và Tây Ban Nha, dưới chế độ độc tài, mức sống của người dân đã tăng lên đáng kể, thậm chí là bùng nổ. Từ năm 1960 đến năm 1987, nằm dưới sự cai trị của hai chế độ độc tài quân sự khác nhau, thu nhập bình quân đầu người (tính theo giá mua tương đương bằng USD) đã tăng gấp hơn năm lần, năm 1987 thu nhập đầu người ở Hàn Quốc đạt 8.500 USD, đưa nước này lên hàng những nước có thu nhập đầu người trên tung bình. Cũng thời gian đó, Đài Loan còn đạt được thu nhập trên đầu người cao hơn, từ năm 1964 trở đi thu nhập bình quân trên đầu người tăng trung bình hơn 7% một năm và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9% một năm. 15 Trong các nước Mỹ Latin thành tựu trong lĩnh vực kinh tế cũng góp phần thúc đẩy chuyển hóa dân chủ. Khi chuyển sang dân chủ vào năm 1985, thu nhập bình quân đầu người ở Brazil đạt gần 7.000 USD, tức là tăng gấp đôi sau hai thập kỉ nằm dưới cự cai trị của chế độ độc tài quân sự, thu nhập bình quân đầu người ở Chile cũng chỉ thấp hơn chút ít khi nước này chuyển sang dân chủ vào năm 1989. Tại thời điểm chuyển tiếp, Hàn Quốc, Đài Loan và Brazil đã nằm ở đỉnh cao hơn của vùng thu nhập mà Huntington coi là khu vực chuyển hóa. 16 Từ năm 1960 đến khi Francisco Franco chết năm 1975, thu nhập bình quân đầu người thực tế ở Tây Ban Nha (đã hiệu chỉnh theo lạm phát) cũng đã tăng hơn hai lần. Với thu nhập bình quân đầu người năm 1975 là 13.000 USD (theo giá USD năm 2004), nước này đã nằm trong hàng ngũ các nước phát triển – mặc dù hầu hết những nước này đã là những nước dân chủ.17

Năm nước này là ngoại lệ, nhưng ở nhiều nước, chế độ độc tài đã nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ giáo dục, tiếp cận với thông tin và nhận thức về thế giới, tức là những điều kiện thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa. Tun-jen Cheng, một trong những nhà nghiên cứu chính trị hàng đầu của Đài Loan, viết một cách ngắn gọn và súc tích về vai trò của phát triển kinh tế trong quá trình chuyển hóa bối cảnh chính trị như sau:

Phát triển nhanh chóng… đã tự do hóa những hậu quả mà Quốc dân đảng cầm quyền không thể lường trước hết được. Cùng với sự cất cánh của nền kinh tế, Đài Loan cũng có chung những đặc điểm của tất cả các xã hội tư bản đang phát triển: tỉ lệ người biết chữ, trao đổi thông tin, thu nhập trên đầu người đều gia tăng; khu vực đô thị phân hóa – công nhân, giai cấp trung lưu có tay nghề cao, tầng lớp doanh nhân – xuất hiện. Tầng lớp doanh nhân nổi bật lên vì tính độc lập của họ. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu tổ chức, nhưng họ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước độc đảng. Nhằm ngăn chặn, không cho tư bản lớn hình thành, Quốc dân đảng đã tìm cách tránh thành lập doanh nghiệp và chọn ra “các nhà vô địch quốc gia”. Kết quả là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thống lĩnh lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành những người sử dụng lao động và trao đổi ngoại tệ chính và tương đối độc lập với Quốc dân đảng.18

Quá trình dân chủ hóa ở Đài Loan còn được thúc đẩy bởi sự “xuất hiện của những nhà khoa bảng thuộc tầng lớp trung lưu, những người trưởng thành trong giai đoạn có tốc độ phát triển kinh tế cao”. Những nhà tư tưởng hàng đầu này móc nối – thông qua gia đình và các liên kết xã hội – với tầng lớp doanh nhân và thường được học về luật và khoa học xã hội ở nước ngoài, làm cho họ ngả về “các lí tưởng của nền dân chủ phương Tây.”19

Trong suốt nửa thế kỉ qua, quan điểm cho rằng có mối liên hệ mật thiết giữa mức độ phát triển kinh tế của một nước và sác xuất trở thành dân chủ của nước đó là một trong những lý thuyết nổi tiếng của khoa học xã hội và là một trong những lý thuyết có nhiều bằng chứng ủng hộ nhất. Từ năm 1959, khi Seymour Martin Lipset công bố tiểu luận nổi tiếng “Một vài điều kiện tất yếu của dân chủ”, hết công trình nghiên cứu này đến công trình nghiên cứu khác – sử dụng các phương pháp thống kê – đã chứng minh quan hệ vững chắc giữa phát triển kinh tế và dân chủ.20 Tuy nhiên, như tôi đã giải thích trong Chương 1 rằng, trong mấy năm gần đây mối quan hệ này đã bị xói mòn, đấy là khi có nhiều nước nghèo đã chấp nhận hệ thống dân chủ. Còn trong các nước giàu hơn thì mối quan hệ vẫn hầu như không thể nào bác bỏ được. Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc hàng năm vẫn xếp hạng 177 nước theo HDI (Human Development Index), bao gồm thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình, và học vấn trung bình (chủ yếu là tỉ lệ biết đọc biết viết ở người trưởng thành).21 Trong số 25 quốc gia độc lập có “mức phát triển con người cao nhất”, chỉ có Singapore là nước không dân chủ mà thôi. Trong số 40 nước phát triển nhất, chỉ có ba vương quốc nhỏ, có nhiều dầu là Kuwait, Bahrain, và Brunei là nằm trong số những nước phi dân chủ. Trong số 50 nước thịnh vượng nhất, chỉ có thêm hai quốc gia độc tài là Qatar và Các Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (United Arab Emirates), đây cũng là những nước nhỏ và có nhiều dầu khí.22

Mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và tự do – các quyền chính trị và tự do dân sự, được Freedom House đánh giá hàng năm – cũng không kém phần ấn tượng.23Trên thực tế, 44 nước dân chủ trong số 50 quốc gia phát triển nhất – trừ nước Seychelles bé tí – đều là những nước dân chủ tự do. Phần lớn những nước này (38 trong số 44 nước) được Freedom House xếp hạng là những nước tự do nhất – theo hai tiêu chí: các quyền chính trị và tự do dân sự. Các nước dân chủ phi tự do hiện chỉ vừa mới xuất hiện với mức độ phát triển kinh tế còn thấp.

Người ta đang tranh cãi về lí do của mối liên hệ giữa phát triển và dân chủ, giữa phát triển và tự do. Một số nhà khoa học xã hội cho rằng dân chủ làm cho kinh tế phát triển nhanh hơn, nhưng bằng chứng thì khá mù mờ. Có lúc nhiều người đã ủng hộ luận cứ cho rằng vì dân chủ xuất hiện ở phương Tây, mà phương Tây với truyền thống tự do, tư bản và đạo Tin Lành, thuận lợi cho phát triển, vì vậy phát triển xảy ra sau khi đã có hay cùng với dân chủ. Câu chuyện nhân quả đó hóa ra là không đứng vững được khi có nhiều nước nghèo ở châu Á và Mỹ Latin phát triển và trở thành các nước dân chủ. Rõ ràng là các nước có thể phát triển về kinh tế trước, sau đó mới chuyển sang dân chủ, không phụ thuộc vào tôn giáo và lịch sử của họ: chế độ độc tài có thể đưa đất nước lên hàng những nước có thu nhập trung bình hay trung bình cao và sau đó mở đường tiến tới dân chủ. Thực ra, bên ngoài phương Tây, quan hệ giữa dân chủ và phát triển là rất sâu sắc. Năm 1990, Henry Rowen, một nhà kinh tế học ở đại học Stanford, đã phát hiện ra rằng mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và tự do vẫn rất mạnh ngay cả khi bỏ qua các chế độ dân chủ giàu có ở phương Tây. Trên thực tế, mối liên hệ vững chắc giữa phát triển kinh tế và mức độ tự do hiện diện trong tất cả các nhóm nước có chung nền văn hóa mà Huntington gọi là các nền văn minh – trừ một nhóm. Ngoại lệ: nền văn minh Hồi giáo và nhóm nước này không phải là tất cả những nước với tín đồ Hồi giáo chiếm đa số mà là những nước thuộc thế giới Ả Rập. Rowen kết luận: “Kết quả này ủng hộ lời giải thích nói rằng mối quan hệ giàu có–dân chủ không phải là hiện tượng thuần túy của phương Tây.”24

Dĩ nhiên là điều này để ngỏ hai khả năng. Thứ nhất, phát triển làm cho quá trình chuyển hóa sang dân chủ dễ xảy ra hơn. Thứ hai – luận cứ của Lipset – là phát triển duy trì dân chủ một khi nó đã xuất hiện. Cả hai dường như đều đúng. Một công trình nghiên cứu toàn diện sự thay đổi chế độ trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1990 phát hiện ra rằng thu nhập bình quân đầu người có ảnh hưởng tích cực đối với quá trình chuyển hóa sang dân chủ. Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn trước Thế chiến II, nhưng hiện nay ảnh hưởng vẫn còn mạnh, ngay cả khi mức độ phát triển còn thấp cho đến vừa phải. “Phát triển cao bao giờ cũng làm gia tăng khả năng chuyển hóa sang dân chủ.”25

Nghiên cứu giai đoạn ngắn hơn, từ năm 1950 đến năm 1990, Adam Przeworski và các đồng nghiệp của ông chỉ ra rằng, phát triển kinh tế góp phần duy trì mạnh mẽ chế độ dân chủ – nước càng nghèo thì khả năng đổ vỡ dân chủ càng cao. Trong những quốc gia nghèo nhất, năm nào chế độ dân chủ cũng có sác xuất đổ vỡ là 12% (kết quả: “tuổi thọ” của chế độ dân chủ là 8 năm). Với mức thu nhập cao hơn, tuổi thọ tăng lên thành 18 năm… lên đến mức thu nhập của theo đầu người của Argentina năm 1975 khoảng 9.300 USD 26 và không có chế độ dân chủ nào với mức thu nhập theo đầu người cao hơn bị sụp đổ trong vòng bốn thập kỉ (và từ đó đến nay cũng chưa có chế độ nào sụp đổ.) 27 Nếu xem xét 58 nước trên thế giới. với mức thu nhập tính theo đầu người cao hơn con số bên trên, ta sẽ thấy một qui luật rất ấn tượng. Ngoài 8 nước với phần lớn thu nhập quốc gia từ dầu mỏ 28– làm méo mó nền chính trị, cơ cấu xã hội và phát triển mà tôi đã thảo luận trong Chương 3 – năm 1975 trên thế giới chỉ có hai nước giàu hơn Argentina là phi dân chủ, đấy là Singapore and Malaysia, đây là hai đối thủ chính của luận điểm về quan hệ gần gũi giữa phát triển kinh tế và dân chủ, sẽ được thảo luận trong Chương 10: “Ngoại lệ châu Á?”

 

Chú thích:

[1] Có ba định nghĩa có ảnh hưởng nhất về tính chính danh, có thể tìm thấy trong tác phẩm của Seymour Martin Upset, Political Man: The Social Bases of Politics, (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1981), p] 64; Juan J] Linz, The Breakdown Of Democratic Regimes: Crisis, Breakdown and Reequilibration (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1978), pp] 16-18; và Robert A] Dahl, Polyarchy: Participation and Opposition (New Haven, Conn]: Yale University Press, 1971), pp] 129-31]

[2] Catch-22 là cuốn tiểu thuyết có tiêu đề rất khó dịch sang các ngôn ngữ khác] Sau khi tác phẩm này được xuất bản, Catch-22 trở thành một khái niệm mới, được bổ sung vào kho từ vựng tiếng Anh] Catch-22 trở thành khái niệm chỉ tình thế lưỡng sự (double bind), trong đó, hai sự việc có bản chất đối nghịch cùng xuất hiện một lúc] Người nào gặp phải tình trạng Catch-22 thường rơi vào cảnh huống tiến thoái lưỡng nan - ND]

[3] Guillermo O’Donnell and Philippe C] Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tantative Conclusions about Uncertain Democracies (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986), p] l9]

[4] Xin đọc, ví dụ, Dankwart A] Rustow, “Transition to Democracy: Toward a Dynamic Model”, Comparative Politics 2, no] 3 (April 970): 337-63; Juan J] Linz, “Innovative Leadership in the Transition to Democracy and a New Democracy”: The Case of Spain”, được trình bày tại Hội nghị về “Innovative Leadership and International Politics”, Hebrew Unlversity, Jerusalem, June 8 -10, 1987, và “Transitions to Democracy”, Washington Quarterly 13, no] 3 (Summer 1990): 143-62; và quan điểm nhắm vào cơ cấu giới ăn trên ngồi trốc, xin đọc Michael Burton and John Higley, “Elite Seltlements”, Amerian Sociological Review 52, no]3 (June 1987): 295-307; và John Higley and Michael Burwn, “The Elite Variable in Democratic Transitions and Breakdowns”, American Sociological Review 54, no] 1 (February 1989): 17-32]

[5] Muốn tìm hiểu cuộc khủng hoảng tính chính đáng đã xói mòn những chế độ này như thế nào, xin đọc Samuel P] Huntington, The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman: University of Oklahoma Press, 1991 ), pp] 49-57]

[6] Donald Emmerson, “Southeast Asia after the Crisis: A Tale of Three Countries”, Journal of Democracy 10 (October 1999): 38]

[7] UNDP, Human Development Report, 2000 (New York: Oxford University Press, 2000), p]184]

[8] Emmerson, “A Tale of Three Countries”, p] 39]

[9] Ibid], p] 43

[10] world bank, world development indiccators online, http://web]worldbank]org/wbsite/ externaldatastatistics/o,,contentmdk:20398986-menupk:64133163-pagepk:64133150- pipk:64133175-thesitepk:239419,00]html]

[11] World Bank, World Development Report, 1992 (Washington, D]C]: World Bank, 1992), table 1]

[12] Larry Diamond, “Africa: The Second Wind of Change”, Times Literary Supplement, July 2, 1993, in lại trong Peter Lewis, ed], Africa: The Second Wind of Change (Boulder, Colo]: West-view Press, 1998), p] 265]

[13] Michael Bratton and Nicolas van de Walle, Democratic Experiment in Africa: Regime Transition in Comparative Perspective (New York: Cambridge Unlversity Press, 1997), p] l]

[14] Ibid], pp] 1-2]

[15] Hung-mao Tien, The Great Transition: Political and Social Change in the Republic of China

(Stanford, Calif]: Hoover Institution Press, 1989), p] 27]

[16] Tính theo giá USD năm 2004, từ 2]700 đến 8]100 USD] Trong giai đoạn từ 1974 đến 1989, mười sáu (16) trong hai mươi mốt (21) chế độ độc tài có thu nhập bình quân đầu người nằm trong khoảng này đã dân chủ hóa hay đã tự do hóa đáng kể, trong khi năm (5) nước khác đã trở thành các nước dân chủ] Huntington, The Third Wave, p] 62, table 2]1]

[17] Con số 13]000 USD và tất cả những số khác trong chương này là tính theo giá mua tương đương (PPP) của USD năm 2004] PPP hiệu chỉnh những méo mó của tỉ giá hối đoái từ đồng tiền quốc gia sang USD và bằng cách đó tạo điều kiện cho ta so sánh chính xác hơn thu nhập bằng USD, theo nghĩa là thu nhập có thể mua được gì trong từng nước] “Với tỉ giá theo sức mua tương đương, một dollar quốc tế có sức mua đối với GNP (Gross National Income) trong nước [của nước cụ thể] như đồng dollar của Mĩ đối với GNP của Mĩ”] World Bank, World Dewlopment Report, 2007 (Washington D]C]: World Bank, 2006), p] 300] GNP danh định trên đầu người ở Tây Ban Nha năm 1975 là 3]230 USD, và hầu hết các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 3]000 USD đều đã là các nước dân chủ] Huntington, The Third Wave, p] 62, table 2]1]

[18] Tun-jen Cheng, “Democratizing the Quasi-Leninist Regime in Taiwan”,World Politics41 (July 1989), 481]

[19] Ibid], p] 483] Về vai trò của tầng lớp trung lưu trong việc thúc đẩy chuyển hóa dân chủ ở Đài Loan và Hàn Quốc, xin đọc Hsin-Huang Michael Hsiao and Hagen Koo, “The Middle Classes and Democratization”, trong Larry Diamond, Marc F] Planner, Yun-han Chu, and Hung-mao Tien, eds], Consolidating the Third Wave Democracies: Themes and Perspectives] (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1997), pp] 312-33]

[20] Seymour Martin Lipset, “Some Social Requisites of Democracy; Economic Development and Political Legitimacy”, American Political Science Review 53 (March l9S9): 69-105; Larry Diamond, “Economic Development and Democracy Reconsidered”, in Gary Marks and Larry Diamond, eds], Reexamining Democracy: Essays in Honor Seymour Martin Lipset (Newbury Park, Calif]: SAGE, 1992), pp] 93-139]

[21] Ba phương diện này được đánh giá ngang nhau, nhưng công thức tính điểm thì phức tạp hơn] Ví dụ, thu nhập bình quân đầu người được hiệu chỉnh để không quá nhấn mạnh vào thu nhập khi thu nhập quá cao (điều này cũng giúp hiệu chỉnh tình trạng méo mó của các nước có nhiều dầu mỏ)] Xem UNDP, Human Development Report, 2004 (New York: United Nations Development Program, 2004), pp] 258-59]

[22] UNDP, Human Development Report, 2006 (New York: United Nations Development Program, 2006), bảng 1, p] 283] Cuba được UNDP xếp thứ 50, nhưng chỉ là bề ngoài vì xếp hạng chỉ dựa trên hai thông số (sức khỏe và giáo dục, không có thu nhập)] Nếu có thu nhập trên đầu người thì sẽ bị xếp hạng dưới 50 vì vậy mà thôi loại Cuba ra khỏi xếp hạng]

[23] Diamond, “Economic Development and Democracy Reconsidered”; Henry S] Rowen, “The Tide Underneath the Third Wave’”, Journal of Democracy 6 (January 1995): 52-64]

[24] Rowen, “The Tide Undernealh the ‘Third Wave’”, p] S5]

[25] Carles Boix and Susan C] Stokes, “Endogenous Democratization”, World Politics 55 (July 2003): 531] Ronald Inglehart and Christian Welzel cũng rút ra kết luận tương tự khi sử dụng các số liệu trong giai đoạn 1950-90, Modernization, Cultural Change and Democracy: The Human Development Sequence (Cambridge: Cambridge University Press, 2005), p] 169] Cả hai công trình nghiên cứu đều bác bỏ khám phá của Adam Przeworski và các đồng nghiệp của ông rằng khả năng xuất hiện dân chủ không liên quan với mức độ phát triển kinh tế] Adam Przeworski, Michael E] Alvarez, Jose Antonio Cheibub, and Fernando Limongi, Democracy and Development: Political Institutions and Well-being in the World, 1950-1990 (Cambridge: Cambridge University Press, 2000)]

[26] Xin nhắc lại, thu nhập tính theo đầu người ở đây (và ở những chỗ khác trong chương này) được tính theo sức mua tương đương với USD năm 2004] Przeworski et al], Democracy and Development, p] 98]

[27] Trong số những vụ sụp đổ dân chủ trong làn sóng thứ ba có hai nước giàu nhất là Nga, trong năm 2000, với thu nhập trên đầu người là 8]600 USD (tính theo sức mua tương đương với USD năm 2004) và Thái Lan, trong năm 2005, với thu nhập tính theo đầu người tương tự như thế]

[28] Tám nước tương đối nhiều dầu mỏ (xếp theo mức độ phát triển) là Kuwait, Brunei, Bahrain, Qatar, United Arab Emirates (Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống Nhất), Oman, Nga và Ả Rập Saudi]

Nguồn: Tinh thần dân chủ: Cuộc đấu tranh nhằm xây dựng xã hội tự do trên toàn thế giới

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường