[Tinh thần dân chủ] Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần cuối)

[Tinh thần dân chủ] Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần cuối)

HỒI GIÁO CÓ PHẢI LÀ VẤN ĐỀ?

Một câu hỏi dai dẳng khác cũng được giải quyết trong những cuộc khảo sát này: Hồi giáo có phải là trở ngại đối với các giá trị dân chủ hay không. Mặc dù người ta đã nói nhiều về “sự đụng độ giữa các nền văn minh”, nhất là sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, bằng chứng của cuộc khảo sát ở châu Phi chứng tỏ rằng “người Hồi giáo cũng ủng hộ dân chủ như người không theo Hồi giáo”. Trong bốn nước châu Phi với dân số chủ yếu là người Hồi giáo (Mali, Nigeria, Tanzania và Uganda), cuộc khảo sát đa số người Hồi giáo cũng như không Hồi giáo đều ủng hộ dân chủ và thái độ do dự trong việc ủng hộ dân chủ trong những người Hồi giáo châu Phi “chủ yếu là do thiếu giáo dục và những thành tố khác của hiện đại hóa chứ không hoàn toàn là do tôn giáo.”1

Trong thế giới Hồi giáo, những bằng chứng mà cuộc khảo sát thu thập được cho đến nay cho thấy “những xu hướng và gắn bó với đạo Hồi chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế đối với quan điểm về dân chủ.”2 Cụ thể, Giáo sư Mark Tessler của đại học Michigan đã phát hiện ra rằng lòng mộ đạo của cá nhân trong bất kỳ nước Hồi giáo nào dường như cũng không liên quan gì tới tinh thần ủng hộ dân chủ. Sau khi cân nhắc bằng chứng thống kê, ông rút ra kết luận: “Đạo Hồi không phải là không tương thích với dân chủ và không ngăn cản sự xuất hiện thái độ ủng hộ dân chủ.”3

Ở Trung Á tình hình cũng tương tự như thế. Cụ thể, ở Kazakhstan và Kyrgyzstan, Richard Rose, một nhà nghiên cứu chính trị người Mĩ, người đã từng tiến hành những cuộc khảo sát rộng lớn nhất về thái độ và giá trị trong thế giới hậu cộng sản, phát hiện ra rằng trong các nhóm tôn giáo khác nhau thái độ ủng hộ dân chủ cũng gần như nhau. “Những người Hồi giáo sùng đạo nhất cũng có tinh thần dân chủ như những người không sùng đạo”. Ở tất cả các nước, đa số các nhóm tôn giáo – cả Hồi giáo lẫn Chính thống giáo, cả người sùng đạo lẫn không sùng đạo cũng như người không theo tôn giáo nào – đều tin rằng “dân chủ tốt hơn bất kì hình thức chính phủ nào khác.”4

Pippa Norris và Ronald Inglehart đã tiến hành kiểm tra một cách hệ thống nhất luận điểm “sự xung đột giữa các nền văn minh” liên quan tới đạo Hồi và dân chủ, bằng cách sử dụng ý kiến của dân chúng trong 9 nước có dân số chủ yếu là người Hồi giáo và 22 nước phương Tây với dân số chủ yếu là người Thiên chúa giáo, do Khảo sát Giá trị Toàn cầu (World Values Survey) thu thập được. Kết quả thật bất ngờ. Trong 7 đề mục được hỏi, hai nhóm nước (hay theo quan niệm của Samuel Huntington là nền văn minh) mức độ ủng hộ trung bình cho các lí tưởng dân chủ gần như giống nhau (86% tán thành dân chủ (68%) và không ủng hộ những hình thức ra quyết định phi dân chủ (61%). Trên mỗi phương diện chính trị này, hai nhóm nước chí ít cũng có phần dân chủ hơn phần lớn các nhóm văn hóa khác. Nhưng về những vấn đề xã hội – ủng hộ bình đẳng giới, đồng tính, nạo phá thai, ly hôn và không ủng hộ áp dụng tiêu chuẩn tôn giáo đối với lãnh đạo chính trị – thì có sự khác biệt lớn. Về những vấn đề này, các xã hội phương Tây có quan niệm tự do hơn (thường cách biệt hơn 25%) các nước Hồi giáo. Về các giá trị xã hội, các nước Hồi giáo có xu hướng bảo thủ nhất so với 9 nền văn minh (theo định nghĩa của Huntington) còn lại. Do đó, Norris và Inglehart kết luận: “Trong các nước cộng hòa Hồi giáo, thái độ ủng hộ dân chủ lan rộng – thậm chí ngay cả trong số những người đang sống trong các xã hội độc tài – đến mức làm người ta phải ngạc nhiên. Đường phân chia căn bản về văn hóa giữa phương Tây và Hồi giáo là những vấn đề về bình đẳng giới và tự do tính dục.”5 Đến lượt mình, những vấn đề này lại có ảnh hưởng tới nội dung và chiều sâu của dân chủ, nhưng chúng không nhất thiết là sức mạnh hay khả năng tồn tại của dân chủ.

Khi so sánh giữa người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo (hay người Hồi giáo và người Ấn giáo ở Ấn Độ) bên trong 9 nước đang phát triển và hậu cộng sản, ta cũng được kết quả tương tự như thế. Về những vấn đề xã hội, người Hồi giáo có xu hướng ít tự do hơn và thiếu khoan dung hơn. Về những vấn đề văn hóa dân chủ như lòng khoan dung về chính trị, tham gia chính trị, và không chấp nhận những lựa chọn thay thế phi dân chủ, ủng hộ tự do ngôn luận, người Hồi giáo thường không khác biệt nhiều so với người không theo Hồi giáo, còn khi có khác biệt thì nó diễn ra theo hướng không thể dự đoán được. Do đó, “không thể nói… được rằng văn hóa Hồi giáo ủng hộ nhiều hay ủng hộ ít hệ thống quản trị dân chủ” hơn so với văn hóa Thiên chúa giáo hay các nền văn hóa khác.6

Nếu quan trọng không phải là một giáo lý cố định mà là những lời giải thích còn đang tiến triển và gây tranh cãi thì đây là tin vui. Trong thế giới Ả Rập và Iran, cũng như ở châu Âu và Mỹ chúng ta đều chứng kiến sự phục hưng từ đầu thế kỉ XX của điều mà Filali-Ansary gọi là “tư tưởng Hồi giáo đã được khai sáng”. Dựa trên chủ nghĩa đa nguyên, lòng khoan dung và tư duy phê phán, tư tưởng này rõ ràng là dân chủ hay hoàn toàn tương thích với dân chủ.7 Nhưng trong suốt thế kỉ vừa qua nó đã phải chiến đấu với ngày càng nhiều các nhà tư tưởng Hồi giáo, những người đã và đang tìm cách “đưa ra những luận cứ chống lại dân chủ và ủng hộ những mô hình Hồi giáo “đích thực” hơn, ví dụ như Sayyid Qutb, người sáng lập tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo và Ayatollah Ruhollah Khomeini, người lập ra nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.8 Những học thuyết Hồi giáo về bản chất là phản dân chủ và cực đoan này được tổ chức chính trị hiệu quả (và tàn nhẫn) hơn tài trợ, trong khi những người Hồi giáo theo tư tưởng tự do phải chiến đấu chống lại cả những người theo phái chính thống lẫn nhà nước độc tài thế tục. Nhà nước độc tài thế tục đã sử dụng mối đe dọa của Hồi giáo nhằm phỉ báng tất cả những thách thức, trong đó có những người Hồi giáo theo tư tưởng tự do và những người dân chủ thế tục, đồng minh tự nhiên của họ.

Hiện nay những người Hồi giáo theo tư tưởng tự do như Filali-Ansary đang đưa ra chương trình nghị sự làm cho tư tưởng Hồi giáo tương thích với thực hành dân chủ. Điều đó đòi hỏi, như ông viết: “hiện đại hóa những quan niệm của tôn giáo” (như đã từng xảy ra với Thiên chúa giáo và Do Thái giáo) sao cho tuyệt đại đa số những người có đạo đều gán cho các giáo lí tôn giáo giá trị chân thực mang tính biểu tượng, làm cho những giáo lí này “phù hợp với nhận thức duy lí và nghiên cứu khoa học”. Trong quá trình này (một số người tung hô như là cuộc Cải cách Hồi giáo, nhưng Filali-Ansary thích gọi là “sự tiến hóa thông thường”, ý nghĩa của những thuật ngữ và biểu tượng thiêng liêng sẽ phai nhạt, trong khi cam kết với những lời răn dạy mang tính đạo đức hơn của Hồi giáo sẽ được củng cố – và liên kết với những giá trị phổ quát như chế độ pháp quyền.9

CHÍNH ĐỀ: “CÁC GIÁ TRỊ CHÂU Á”

Dữ liệu về dư luận xã hội cũng bác bỏ ý tưởng – được những nhà cai trị độc tài ở châu Á cũng như nhiều người ở phương Tây ủng hộ trong một thời gian dài – cho rằng người châu Á, mà cụ thể hơn là người Đông Á, thể hiện những giá trị chính trị phi tự do, cộng đồng và độc tài hơn là dân chúng ở những khu vực khác. Người châu Á thích chế độ dân chủ cũng gần như người phương Tây. Russell Dalton và Doh Chull Shin đã xây dựng được thước đo về cam kết với chế độ dân chủ bằng cách xác định bốn niềm tin rộng lớn hơn: chế độ dân chủ là tốt và bị cai trị bởi nhà lãnh đạo cứng rắn, bởi quân đội hay bởi các “chuyên gia” là xấu. Trong khi bốn nước “phương Tây” trong Vành Đai Thái Bình Dương (New Zealand, Canada, Australia và Mỹ – theo đúng thứ tự như thế) có điểm cao nhất trên thang này, thì sự khác biệt với các nước châu Á nói chung là “khá khiêm tốn”, còn với Nhật Bản, Singapore, Nam Hàn và Hong Kong thì không đáng kể.”10

Trên thước đo tương tự, khi hỏi chế độ dân chủ hoạt động như thế nào – nó có tạo ra hỗn loạn, sự do dự hay thành tích kinh tế tồi tệ – thậm chí còn khó phân biệt giữa Đông và Tây hơn. Trong khi người phương Tây biểu lộ thái độ tích cực thấy rõ đối với dân chủ thì người Đông Á, thậm chí những người (ở Trung Quốc và Việt Nam) sống trong những nước cực kì độc đoán cũng có thái độ như thế. Cụ thể “cứ cho là trong các xã hội châu Á người ta thích thỏa thuận và ghét xung đột thì thật đáng ngạc nhiên là đa số bác bỏ quan điểm cho rằng dân chủ là không tốt đối với việc giữ gìn trật tự”.11 Hơn thế nữa, Dalton và Shin trích dẫn cuộc khảo sát năm 2002 của Pew cho thấy cứ ba người Việt Nam thì có hai người thậm chí còn ủng hộ “chế độ dân chủ của Mỹ”.

Nếu những luận cứ về “giá trị châu Á” có giá trị nào đó thì người Đông Á phải ủng hộ chế độ dân chủ theo kiểu hoàn toàn phi tự do, đặt trật tự lên trên tự do, cộng đồng lên trên cá nhân và người lãnh đạo lên trên luật pháp. Nhưng giả định này trái ngược với dữ liệu về dư luận xã hội. Người châu Á cũng không thường xuyên theo đuổi “tôn trọng uy quyền” hơn người phương Tây. Trên thực tế, khi xem xét uy quyền trong gia đình và những lĩnh vực xã hội khác, Dalton và Nhu Ngoc T. Ong phát hiện ra rằng người Canada, Australia và Mỹ dường như đứng cao hơn trên bảng xếp hạng (trung bình 65%) so với người Đông Á (trung bình 45% trong 8 nước).12

Cuộc khảo sát ở Đông Á (East Asia Barometer) đưa ra nhiều tuyên bố về giá trị mang tính chính trị hơn cho các cá nhân trong 6 nước dân chủ Đông Á.13 Trung bình cứ mười người thì có sáu người không đồng ý với tuyên bố: “điều quan trọng nhất đối với nhà lãnh đạo chính trị là thực hiện mục tiêu của mình ngay cả khi ông ta phải lờ đi các thủ tục đã được xác lập” và ý tưởng cho rằng nhà lãnh đạo được đa số ủng hộ có thể “bất chấp quan điểm của thiểu số” cũng bị bác bỏ với tỉ lệ như thế.14 Trong ba người thì chỉ có một người nói rằng “gặp trường hợp khó khăn” chính phủ có thể bất chấp luật pháp và hơn một nửa phản đối kiểm duyệt và ủng hộ tư pháp độc lập. Thực vậy, khi xem xét một trong những biểu hiện tệ hại nhất của những điều được coi là “giá trị của châu Á” – “Những người lãnh đạo chính phủ tương tự như người chủ gia đình, chúng ta phải tuân theo quyết định của các ông ấy”– cuộc khảo sát cho thấy 53% bác bỏ nguyên tắc này. Trong khi tỉ lệ bác bỏ ở Trung Quốc là một phần ba thì ở Hồng Kông là hai phần ba.

 Các nước phát triển về kinh tế ở châu Á – Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (cả Hong Kong nữa) thường thể hiện sự cam kết với các giá trị của chủ nghĩa tự do và chế độ pháp quyền mạnh hơn hẳn những nước kém phát triển hơn (Thái Lan, Philippines và Mông Cổ). Ngoài ra, ở Đài Loan – nơi mà những câu hỏi khảo sát này được đưa ra từ năm 1984 – có xu hướng đáng chú ý là sự gia tăng liên tục những giá trị của chủ nghĩa tự do, trong đó có lòng khoan dung đối với chủ nghĩa đa nguyên và không muốn tiếp tục tuân theo một cách mù quáng uy quyền của chính phủ.15 Tất cả những sự kiện này cho thấy rằng các giá trị châu Á đang bị gặm nhấm dần cùng với phát triển kinh tế và thực hành dân chủ. Không những không phải là trở ngại đối với dân chủ, những giá trị của châu Á – tỏ ra hoài nghi tự do và chủ nghĩa đa nguyên của chế độ dân chủ – có xu hướng biến mất khi người dân trở nên giàu có hơn, được học hành tốt hơn và có nhiều kinh nghiệm với dân chủ hơn. Ngay cả những nước châu Á kém phát triển hơn cũng có thể kiên quyết bám vào những nguyên tắc dân chủ đến mức làm người ta phải ngạc nhiên. Khi người dân Indonesia được phỏng vấn (lần đầu tiên) trong cuộc khảo sát vào năm 2006, 64% nói rằng dân chủ bao giờ cũng đáng ưa thích hơn (một trong những tỉ lệ cao nhất trong cuộc khảo sát này) và hơn 80% (bằng tỉ lệ ở Đài Loan) không đồng ý với ý tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo chính trị nên bỏ qua những thủ tục đã được xác lập, nếu cần phải làm như thế thì mới đạt được mục đích của họ.16 Khi chúng ta xem xét một cách kĩ lưỡng hơn các nước nghèo hơn và độc tài hơn ở châu Á, ta cũng thấy rẳng những giá trị chính trị của dân chúng cũng không phù hợp với luận điểm về giá trị châu Á. Theo Dalton và Shin: “Không những không lưỡng lự (hay phản đối quyết liệt) chế độ dân chủ tự do như một số công trình nghiên cứu trước đó cho thấy, những cuộc khảo sát ý kiến của dân chúng hiện nay tìm được sự ủng hộ rộng rãi cho chế độ dân chủ và hoạt động của tiến trình dân chủ trong hầu hết các nước ở Đông Á.”17

Dĩ nhiên là không chỉ niềm tin và các giá trị đã thay đổi một cách đột ngột trong ba mươi năm vừa qua. Sự thay đổi về mặt văn hóa như thế phản ánh và còn phần nào thúc đẩy sự mở rộng một cách ngoạn mục chế độ dân chủ trên thế giới mà tôi sẽ bàn trong chương sau.

(Hết)

Chú thích

(1) “Islam, Democracy, and Public Opinion In Africa”, Afrobarometer Briefing Paper No.3, September 2002, http://www.afrobarometer.org/paper/AfrobriefNo3.pdf.

(2) Tessler, “Do Islamic Orientations Influence Attitudes Toward Democracy in the Arab World?” p. 40. Xem thêm Mark Tessler, “Islam and Democracy in the Middle East: The Impact of Religious Orientations on Attitudes toward Democracy in Four Arab Countries”, Comparative Politics 34 (April 2002), 337-54

(3) Tessler, Do Islamic Orientations Influence Attitudes Toward Democracy in the Arab World?” p. 245.

(4) Richard Rose, “How Muslims View Democracy: Evidence from Central Asia”, Journal of Democracy 13 (October 2002): 107.

(5) Pippa Norris and Ronald Inglehart, “Islamic Culture and Democracy: Testing the ‘Clash of Civilizations’ Thesis”, trong Ronald Inglehart, ed., Human Values and Social Change: Findings from Values Surveys (Leiden, The Netherlands: Brill, 2003), pp. 30-31.

(6) YilmazEsmer, “Is There an Islamic Civilization?” trong Inglehart, Human Values and Social Change, p. 62.

(7) Abdou Filali-Ansary, “The Sources of Enlightened Muslim Thought”, trong Diamond et al., Islam and Democracy in the Middle East, pp. 237-51.

(8) Abdelwahab El-Affendi, “The Elusive Reformation’, In Diamond el al., Islam and Democracy in the Middle East, p. 255.

(9) Filali-Ansary, “Muslims and Democracy”, p. 203.

(10) Russell J. Dallon and Doh Chull Shin, “Democratic Aspirations and Soccial Modernization” trong Dalton and Shin, eds., Citizens, Democracy, and Markets around the Pacific Rim (Oxford and New York: Oxford University Press, 2006), p. 83.

(11) Tác phẩm đã dȁn, trang 85.

(12) Russell J. Dalton và Nhu-Ngoc T. Ong, “Authority Orientations and Democratic Attitudes: A Test of the ‘Asian Values’ Hypothesis”, trong Dalton and Shin, Citizens, Democracy, and Markets around the Padflc Rim, p. 101.

(13) Trong giai đoạn thực hiện khảo sát East Asia Barometer đầu tiên, khi những câu hỏi này được đưa ra, 6 nước dân chủ được khảo sát là Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và Mông Cổ, nhưng Thái Lan vừa bị đảo chính quân sự, còn Indonesia (cùng với những nước khác) đã được đưa thêm vào trong cuộc khảo sát thứ hai, được thực hiện trong năm 2005 và 2006.

(14) Doh Chull Shin và Jason Wells, “Challenge and Change in East Asia: Is Democracy the Only Game In Town?” Journal of Democracy 16 (April 2005): 95-96.

(15) Diamond, Developing Democracy, pp. 188-90. Ngay cả khi dân chúng Đài Loan đã mệt mỏi vì bế tắc chính trị và hoài nghi về tham nhũng thì sự cam kết với những giá trị tự do này vȁn tiếp tục ăn sâu bén rễ. Giữa những cuộc khảo sát được tiến hành vào năm 2001 và 2005, số người không đồng ý với ý kiến cho rằng chính phủ nên quyết định tư tưởng nào thì được phép thảo luận đã tăng từ 63% lên 71% (tiếp tục xu hướng từ năm 1990, lúc đó chỉ có 50%), còn số người không đồng ý với ý tưởng cho rằng phải thuân theo quyết định của những người lãnh đạo chính phủ vì họ “giống như người đứng đầu gia đình” tăng từ 63% lên 71%.

(16) Dữ liệu từ vòng hai cuộc khảo sát Asian Barometer.

(17) Dalton and Shin, “Democratic Aspirations”, pp. 87-88.

 

 

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường