[Tinh thần dân chủ]  Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần 1)

[Tinh thần dân chủ] Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần 1)

Từ khi diễn ra các cuộc cách mạng ở Mỹ và Pháp, có hai quan điểm về tự do đối chọi nhau. Một là, những cuộc cách mạng này thể hiện những quyền và giá trị phổ quát. Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ không khẳng định đặc quyền của người Mỹ về quyền “sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nó tuyên bố rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng, rằng họ được “Tạo hóa ban cho những quyền bất khả tương nhượng”. Nó khẳng định, như quy luật chung theo “Luật của Tự nhiên và của Thiên Chúa về Tự nhiên”, “Rằng các chính phủ được lập ra là để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ có những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của những người bị trị”.Mặc dù nhiều người trong số những người lập ra chế độ dân chủ Mỹ nghi ngờ về mức độ lan tỏa của tự do, tiềm ẩn trong ngôn ngữ của họ và trong nhiều việc mà Mỹ dính líu với thế giới kể từ đó đến nay, là niềm tin vào lời hứa mang tính phổ quát và khả năng của chế độ dân chủ.

Quan điểm thứ hai của tự do nói rằng nếu mọi người, theo một nghĩa nào đó, sinh ra đã bình đẳng với nhau, tuy nhiên họ không mang trong mình những giá trị và kỳ vọng như nhau về chính phủ. Tự do và dân chủ không phải là những giá trị phổ quát mà là những ý niệm của phương Tây. Nền văn hóa đặt ra những giới hạn cho sự lan tỏa của chúng. Một trong những người ủng hộ nổi tiếng nhất cho quan điểm này là vị thủ tướng lâu năm của Singapore, ông Lý Quang Diệu, người trong khi đề cao những giá trị của châu Á về trật tự, gia đình và cộng đồng, đã coi “việc nói cho mọi người để họ không gán một cách bừa bãi hệ thống của họ cho những xã hội mà hệ thống đó sẽ không hoạt động”1 là công việc của ông. Năm 2001, trong một cuộc phỏng vấn năm 2001 trên chương trình PBS có tên là “Comnanding Heights” (Những đỉnh cao chỉ huy), ông nhận xét:

Tôi không tin là bạn có thể áp đặt cho các nước khác những tiêu chuẩn xa lạ với họ, hoàn toàn không liên quan gì với quá khứ của họ. Vì vậy, đòi Trung Quốc trở thành chế độ dân chủ, khi trong lịch sử thành văn suốt 5.000 năm qua họ không bao giờ tính đếm, trên đầu người; tất cả các nhà cầm quyền đều cai trị bằng quyền của hoàng đế, và nếu bạn không đồng ý, bạn sẽ bị chặt đầu chứ không đếm đầu...

Chương trình phải gồm có các quyền con người. Nhưng tôi không nghĩ rằng bạn có thể áp đặt cho họ cách thức cai trị, liệu họ có cần mỗi người một phiếu để bầu tổng thống hay liệu họ có nên được cai trị theo cách khác. Tôi không nghĩ... việc đòi hỏi các xã hội khác làm theo hệ thống cai trị của bạn là việc khôn ngoan hay thực tế. Có thể họ chưa sẵn sàng.2

Thái độ hoài nghi của Lý [Quang Diệu]cũng phù hợp với nhiều phân tích của giới hàn lâm chỉ rõ rằng châu Á có những giá trị riêng, và rằng những giá trị này không phù hợp với những ý niệm tự do của phương Tây về dân chủ. Trong một cuốn sách có ảnh hưởng, xuất bản năm 1985, một trong những học giả lỗi lạc nhất của Mỹ về châu Á, nhà chính trị học của MIT, Lucian Pye, khẳng định rằng các xã hội ở châu Á thường thiếu vắng chủ nghĩa cá nhân và sự nghi ngờ chính quyền, những thứ làm cho nền dân chủ ở phương Tây thành công. Xã hội châu Á, ông khẳng định, coi trọng lòng trung thành với gia đình và nhóm hơn là quyền tự do và nhu cầu của cá nhân, phục tùng chính quyền nhằm “đáp ứng lòng khát khao sâu sắc về mặt tâm lý về sự an toàn của người phụ thuộc”, và coi trọng trật tự hơn là xung đột. Ngay cả nếu chế độ dân chủ có tồn tại đi nữa, ônggiải thích, thì đấy cũng là kiểu dân chủ hạn hẹp hay phi tự do, tức là chế độ dân chủ không cho chỉ trích chính quyền, loại bỏ đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, và tập trung quyền lực chính trị trong tay những nhà lãnh đạo cá nhân.”3

Thái độ hoài nghi về mặt văn hóa như thế cũng đã được người ta đem áp dụng, theo những cách khác nhau, cho Mỹ Latin, cũng như Trung Đông. Đặc biệt là trước cuối những năm 1970, các học giả nổi tiếng về Mỹ Latin nhận thấy khu vực như chìm vào những truyền thống văn hóa “chuyên chế, ăn trên ngồi trốc, thứ bậc, tập đoàn và độc đoán, do Tây Ban Nha để lại”, tức là những truyền thống “không thuận lợi cho chế độ dân chủ.”4 Jeanne Kirkpatrick, đại sứ của chính quyền tổng thống Ronald Reagan ở Liên hiệp quốc, từng nói: “Thế giới Ả Rập là khu vực duy nhất trên thế giới, nơi niềm tin của tôi, nói rằng nếu bạn để người dân quyết định thì họ sẽ đưa ra quyết định về cơ bản là hợp lý, đã bị lung lay. Nhưng ở đó, họ không đưa ra những quyết định hợp lý, họ đưa ra những quyết định theo trào lưu của tôn giáo chính thống.”5

Quan điểm này tiếp tục định hình cách nghĩ của phương Tây về những khả năng cho nền dân chủ Ả Rập. Năm 1992, nhà sử học theo trường phái bảo thủ người Anh, nay đã quá cố, Elle Kedourie, viết những lời bác bỏ quyết liệt như sau: Không có gì trong truyền thống chính trị của thế giới Ả Rập – tức là truyền thống chính trị của đạo Hồi – có thể làm cho tư tưởng tổ chức chính phủ hiến định và đại diện trở thành gần gũi hay dễ hiểu đối với dân chúng. Khái niệm... về chủ quyền của nhân dân như là nền tảng của tính chính danh của chính phủ, ý tưởng về đại diện, về các cuộc bầu cử, về phổ thông đầu phiếu, về các thiết chế chính trị được quy định bởi luật pháp do quốc hội ban hành, những đạo luật này lại được bộ máy tư pháp độc lập bảo vệ và duy trì, ý tưởng về tính chất thế tục của nhà nước, ý tưởng về xã hội gồm rất nhiều nhóm và các hiệp hội tự quản – tất cả đều rất xa lạ với truyền thống chính trị Hồi giáo.6

Thay vào đó, Kedourle khẳng định rằng đấy là truyền thống quyền lực tuyệt đối và tập trung cao độ do quốc vương Hồi giáo đứng đầu cộng đồng “không được xác định bởi bất kỳ biên giới lãnh thổ thường trực nào” và do đó có xu hướng tiến hành chiến tranh nhằm mở rộng lãnh thổ. Những nỗ lực nhắm đến dân chủ trong thế giới Ả Rập “đều thất bại”, đầu tiên và trước hết là vì “những nước này đã quen với… chế độ chuyên chế và tuân phục thụ động rồi.”7

Giữa lúc kế hoạch của chính quyền của Tổng thống George W. Bush nhằm mang lại nền dân chủ cho Iraq gặp thất bại làm người ta choáng váng thì nhiều tư tưởng gia và các nhà bình luận trong lĩnh vực chính sách ngoại giao lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự vô nghĩa hoàn toàn hay nguy hiểm trong nỗ lực nhằm thúc đẩy dân chủ trong thế giới Ả Rập. Không khó nhận ra trong tai họa của Iraq lời xác nhận đầy ấn tượng chính đề của Samuel P. Huntington về “sự đụng độ của các nền văn minh” và lời cảnh báo của ông rằng “những người không nhận thức được sự chia rẽ cơ bản [giữa các nền văn minh] chắc chắn sẽ bị chúng làm cho vỡ mộng.”8 Năm 1996, Huntington đã viết một cách đầy bi quan về triển vọng toàn cầu của chế độ dân chủ tự do.

Phương Tây khác với những nền văn minh khác... về tính cách đặc thù của những giá trị và các thiết chế của nó. Trong đó có, đáng chú ý nhất là Kitô giáo, chủ nghĩa đa nguyên, chủ nghĩa cá nhân và chế độ pháp quyền... Gộp lại, những tính chất này là đặc thù của phương Tây.

Ông đồng ý với Arthur M. Schlesinger Jr. rằng châu Âu là “cội nguồn – cội nguồn có một không hai” của tư tưởng về quyền tự do cá nhân, về chế độ dân chủ chính trị, về chế độ pháp quyền, về quyền con người, về quyền tự do văn hóa”. Theo lời của Huntington thì: “Chúng làm cho nền văn minh phương Tây trở thành duy nhất và nền văn minh phương Tây có giá trị không phải vì nó là phổ quát mà nó là duy nhất.”9

Không chỉ những giá trị dân chủ tự do của phương Tây không phải là phổ quát, mà, ngoài ra, Huntington cảnh báo – một số người hoài nghi bây giờ có thể coi là quan niệm thấu triệt – nỗ lực nhằm đưa chúng vượt qua các chia rẽ về mặt văn hóa sẽ đòi hỏi phải sử dụng bạo lực. “Chủ nghĩa đế quốc là hậu quả hợp lý tất yếu của thuyết phổ quát”. Vì vậy, Mỹ và châu Âu nên “công nhận rằng trong thế giới với nhiều nền văn minh, sự can thiệp của phương Tây vào công việc của những nền văn minh khác có lẽ là nguồn gốc nguy hiểm nhất của sự bất ổn và xung đột tiềm tàng trên toàn cầu.”10 Giữa lúc Iraq đang sụp đổ, thái độ hoài nghi của Huntington tạo được sức quyến rũ nhất định. Những luận cứ trên cơ sở văn hóa về những giới hạn đối với dân chủ lại trở thành trào lưu. Nhưng có đúng không?

Tôi chấp bút tác phẩm này là để trả lời câu hỏi táo bạo sau đây: Cả thế giới có thể trở thành dân chủ hay không? Thực sự là có thể xây dựng được các xã hội tự do và dân chủ trên toàn thế giới hay không? Làm như thế chắc chắn sẽ động chạm đến nhiều thứ chứ không chỉ tạo ra các cơ cấu chính trị mới; nó đòi hỏi phải tạo ra những tiêu chuẩn mới, như Gandhi từng nói: “sự thay đổi của trái tim”. Các cơ cấu dân chủ sẽ chỉ là mặt tiền, trừ phi nhân dân đánh giá được những nguyên tắc quan trọng nhất của chế độ dân chủ: chủ quyền của nhân dân, trách nhiệm giải trình của nhà cầm quyền, tự do, và chế độ pháp quyền. Và, nếu không thiết lập được những nguyên tắc chủ yếu đó thì những chế độ dường như là dân chủ cuối cùng sẽ nhường chỗ cho chế độ độc tài, khoác áo dân sự hay quân sự. Nhưng tinh thần dân chủ chỉ giới hạn trong các nền văn hóa phương Tây, hay nó là chuẩn mực và khát vọng phổ quát?

Hoàn toàn không phụ thuộc vào việc một người nào đó cho rằng những khái niệm này khó chịu hay quyến rũ, thì những khái niệm về các giới hạn cố hữu trong văn hóa đối với tự do cũng không đứng vững được trước logic hay bằng chứng. Không chỉ là có một loạt các luận cứ triết học và tôn giáo chống lại những khái niệm đó mà đa phần là từ các nhà tư tưởng và các nhà lãnh đạo ngoài-phương-Tây, nhưng quan điểm cho rằng dân chủ là đặc thù của nền văn hóa phương Tây không phù hợp với khối lượng ngày càng gia tăng của những dữ liệu khảo sát ý kiến của công chúng, chứng tỏ sự ủng hộ đáng kể chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Nó cũng không phù hợp với các xu hướng trong luật pháp và điều ước quốc tế. Tất cả những điều này ám chỉ rằng một số giá trị phổ quát đang bắt đầu xuất hiện trên thế giới, và hai trong số đó là tự do và dân chủ.

(còn nữa)

Chú thích

1.  Lee Kuan Yew, Interviewed by Fareed Zakaria, “Culture Is Destiny: A Conversation with Lee Kuan Yew”, Foreign Affairs 73 (March-April 1994): 111.

2.  Chép lại từ cuộc phỏng vấn trong chương trình PBS Commanding Heights, được thực hiện vào tháng 5 năm 2001, http://www.pbs.org/wgbh/commandingheights/shared/minliextlo/int_ leekuanyew.html. Bốn năm sau đó, tạp chí Der Spiegel của Đức hỏi lý do ông “không thích chế độ dân chủ phương Tây”, Lý trả lời: “Tôi không thể sử dụng luật lệ của họ để quản lý hệ thống của tôi. Tôi phải sửa đổi cho phù hợp với quan niệm của nhân dân chúng tôi. Trong các xã hội đa sắc tộc, bạn không bỏ phiếu theo quyền lợi kinh tế và quyền lợi xã hội của bạn, bạn bỏ phiếu theo chủng tộc và tôn giáo. Giả sử tôi đưa hệ thống của họ vào đây thì người Malay sẽ bỏ phiếu cho người Hồi giáo, người Ấn Độ sẽ bỏ phiếu cho người Ấn Độ, người Trung Quốc sẽ bỏ phiếu cho người Trung Quốc. Tôi sẽ có những cuộc đụng độ thường xuyên trong nghị viện, không thể nào giải quyết được vì người Trung Quốc chiếm đa số lúc nào cũng giữ thế thượng phong. Vì vậy mà tôi tìm được công thức làm thay đổi được chuyện đó”. Der Spiegel phỏng vấn Lý Quang Diệu, ngày 14 tháng 8 năm 2005, htlp://lnfoproc.blogspot.com/2005/0B/Iee-kuan-yew-lntervlew.html.

3.   Lucian Pye, Asia Power and Politics: Cultural Dimensions of Authority (cambridge, Mass.: Harvard Unlversity Press, 1985), p. vii; xem thêm pp. 18-19, 22-29, 326-41.

4. Howard Wiarda, “The Dominican Republic: Mirror Legacies of Democracy and Authoritarianism”, trong Larry Diamond, Juan J. Linz, and Seymour Martin Lipset, eds., Democracy in Developing Countries: Latin America (Boulder, Colo.: Lynne Rlenner, 1990), p. 450.

5.  Trích theo Martin Kramer, “Islam vs. Democracy”, Commentary, January 1993, p. 36. Nói đúng ra, Kramer coi vấn đề chính đối với dân chủ ở Trung Đông không phải nằm trong bản thân nền văn hóa Arab hay đạo Hồi mà ở sự ngóc đầu dậy của trào lưu chính thống Hồi giáo.

6.  Elle Kedourie, Democracy and Arab Culture (Washington, D.C.: Washington Institute for Near East Policy, 1992), pp. 5-6. Kedourle sinh ra và lớn lên trong gia đình Do Thái ởBaghdad, Iraq, sau đó chuyển sang Anh để học đại học.

7.  Ibid, pp. 6 and 103.

8.  Samuel P. Huntington, The Clash of Civilization and the Remaking of World Order (New York; Simon and Schuster, 1996), p. 309.

9. Ibid., pp. 311.

10. Ibid., pp. 310 and 312.

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường