[Tinh thần dân chủ] Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần 4)

[Tinh thần dân chủ] Chương 1: Giá trị phổ quát (Phần 4)

TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN

May là, ngày càng có nhiều dữ liệu từ các cuộc điều tra dư luận nói với chúng ta rằng, những người dân bình thường ở những khu vực khác nhau thực sự nghĩ gì về dân chủ. Một trong những cách để đánh giá xem liệu dân chủ có phải là giá trị phổ quát hay không là hỏi người dân trên thế giới xem họ có nghĩ rằng dân chủ là hình thức chính phủ tốt nhất hay không. Một cách khác là xem bao nhiêu phần trăm người dân sống trong các nước dân chủ chấp nhận một số hình thức chính phủ độc tài nào đó thế chỗ cho chính phủ của họ. Về mặt tổng thể, câu trả lời cho những câu hỏi vừa nêu và những câu hỏi liên quan khác cho mức độ cao đến kinh ngạc về sự gắn bó với dân chủ trong các xã hội ngoài phương Tây. Hơn nữa, trong khi các khu vực hoặc nhóm văn hóa (và chắc chắn là các nước) có mức độ gắn bó khác nhau đối với các giá trị dân chủ, nhưng những khác biệt này không phải lúc nào cũng đi theo hướng mà các lý thuyết văn hóa kỳ vọng.

Những thông tin gợi mở nhất về ý kiến của dân chúng xuất phát từ hai nguồn. Một là World Values Survey (Khảo sát các giá trị trên thế giới), một công trình khảo sát toàn diện thái độ của dân chúng đối với tất cả mọi thứ, từ chính trị tới những mục tiêu của quốc gia và vai trò của thế giới. Cuộc khảo sát này được tiến hành khoảng mười năm một lần và lần gần đây nhất (1999-2001) được tiến hành tại 80 quốc gia, từ những nước giàu có nhất cho đến những nước nghèo nhất, tức là bao gồm khoảng 85% dân số thế giới.1 Mặc dù khảo sát chỉ có vài câu hỏi về dân chủ, lợi thế của nó là những câu hỏi này được diễn đạt như nhau trong tất cả các nước.2 Từ giữa đến cuối những những năm 1990, một nguồn dữ liệu thứ hai (và đầy đủ hơn cho mục đích này) xuất hiện dưới hình thức các cuộc khảo sát khu vực (regional barometer – ND), tức là những thước đo đánh giá theo định kì tình cảm của người dân đối với dân chủ, độc tài và thành tích của chính phủ của họ. Những thước đo này thể hiện sâu sắc nhất những khu vực đang diễn ra cuộc đấu tranh vì dân chủ hay trong tình trạng chưa rõ ràng: Mỹ Latin, châu Phi, Đông Á, Nam Á, châu Âu hậu cộng sản và chẳng bao lâu nữa (cùng với dự án khảo sát Ả Rập (Arab Barometer) đang hình thành) là Trung Đông. Nhưng, vì đấy là những dự án khảo sát riêng biệt chứ không phải là một cuộc khảo sát duy nhất trên toàn cầu, những câu hỏi được đưa ra ít có tính chuẩn hóa. Điều đó làm cho việc so sánh trở thành khó khăn hơn. Tuy nhiên, những thước đo mang tính khu vực như thế ngày càng sử dụng những câu hỏi giống nhau, chúng ta có thể dựa vào đó để so sánh dân chúng từ những nền văn hóa và mức độ phát triển rất khác nhau quan niệm thế nào về dân chủ.

Ba câu hỏi từ World Values Survey cung cấp cho ta bức tranh ban đầu khá tốt về các khuynh hướng dân chủ. Thứ nhất, đồng ý với tuyên bố “Chế độ dân chủ có thể có những khó khăn, nhưng nó là hình thức quản trị tốt hơn bất kì hình thức nào khác”, thể hiện người dân ủng hộ dân chủ tới mức nào? Thứ hai, đồng ý với ý tưởng “Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, không cần bận tâm tới quốc hội và những cuộc tuyển cử” thể hiện sức cám dỗ của độc tài đến mức nào? Thứ ba, dân chúng nói rằng “tôn trọng uy quyền hơn nữa” là “tốt” – là dấu hiệu cho thấy giá trị của tự do thấp đến mức nào?3 Như có thể thấy trong bảng 1.1, niềm tin cho rằng dân chủ (ít nhất là về nguyên tắc) là hệ thống tốt nhất giữ thế thượng phong và có tính phổ quát. Trong khi, ở các nước phương Tây đã công nghiệp hóa tỉ lệ ủng hộ có cao hơn một ít, nhưng trong tất cả các khu vực – thậm chí ở Liên Xô cũ – trung bình 80% người dân nói rằng dân chủ là hệ thống tốt nhất. Tuy nhiên, khi câu hỏi về yêu ghét dân chủ được trình bày khác đi một chút thì dân chúng thường sẵn sàng chọn câu trả lời về chế độ phi dân chủ thậm chí ngay cả khi các chế độ thay thế cụ thể được nêu ra. Ví dụ, gần một nửa dân chúng thuộc Liên Xô cũ (và như chúng ta sẽ thấy trong chương 9, ở Nga thậm chí còn lớn hơn), và 45% những người được hỏi ở Mỹ Latin, và cứ 5 người thì có 2 người ở 11 nước châu Á (trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ) và hơn một phần ba một chút ở 6 nước Trung Đông Hồi giáo ủng hộ ý tưởng “nhà lãnh đạo mạnh” không thèm đếm xỉa tới cơ chế giải trình của chế độ dân chủ. Trong khi chỉ có một phần tư dân chúng của 22 nước phương Tây và một phần ba dân chúng trong 16 nước Trung và Đông Âu ủng hộ ý tưởng này mà thôi. Cuối cùng, đa số người dân trong tất cả các khu vực đều muốn thấy sự tôn trọng uy quyền hơn nữa. Nhưng, trong khi không có sự khác biệt giữa đa số ủng hộ sự tôn trọng uy quyền ở phương Tây, châu Á và Đông Âu thì ở Liên Xô cũ và đặc biệt là ở Mỹ Latin và Trung Đông Hồi giáo, số người ủng hộ cao hơn hẳn.

BẢNG 1.1 XU HƯỚNG DÂN CHỦ, THEO KHU VỰC

 

KHU VỰC

(và số nước)

 

% ĐỒNG Ý

Chế độ dân chủ có thể có những khó khăn, nhưng nó là hình thức quản trị tốt hơn bất kì hình thức nào khác

  % CHẤP THUẬN

Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, không cần bận tâm tới quốc hội và những cuộc tuyển cử

 

% ĐỒNG Ý

Tôn trọng uy quyền hơn nữa là “tốt”

Phương Tây (22)

92

24

54

Đông Âu (16)

88

33

           53

Liên Xô cũ (7)

81

48

63

Mỹ Latin (9)

88

45

73

Châu Á (11)

85

39

52

Trung Đông Hồi giáo (6)

 

88

 

36

 

78

Chúng ta học được gì từ những so sánh theo khu vực này, dù chỉ là một số nước? Bài học sẽ được chứng minh rõ ràng trong thảo luận một cách cụ thể hơn tại phần II của tác phẩm này là phải cảnh giác trước những khuôn mẫu và giả định của những lý thuyết dựa trên văn hóa. Nhiều người trong những khu vực khác nhau trên khắp thế giới ước mong dân chủ. Ngay cả ở châu Phi, khu vực nghèo nhất thế giới, mà tình yêu đối với dân chủ cũng cao một cách đáng ngạc nhiên, trung bình, cứ 5 người thì có 3 người nói rằng dân chủ là hình thức quản trị đáng mong ước hơn bất cứ hình thức nào khác – tỷ lệ còn cao hơn cả ở Mỹ Latin và Liên Xô cũ.4 Đúng là ở bên ngoài phương Tây sức quyến rũ của độc tài có mạnh hơn, nhưng không có khu vực nào đạt đến đa số hết. Và nếu một số xã hội ngoài phương Tây có xu hướng nghiêng về phía dân chủ ít tự do hơn (hay phi tự do) so với phương Tây, những khu vực khác, thậm chí ngay cả ở Đông Á, có thể có cách tiếp cận gần gũi với cam kết với những giá trị tự do của phương Tây, như chúng ta sẽ thấy ngay sau đây.

(Còn tiếp)

Chú thích

1. Xem http://www.worldvaluessurvey.org/.

2. Dĩ nhiên là có những thách thức to lớn cho việc dịch những câu hỏi này sang nhiều ngôn ngữ nhằm thể hiện chính xác sự tinh tế, nhưng những cuộc thăm dò mang tính so sánh này đã làm việc kiên trì nhằm kiểm tra độ tin cậy của dịch thuật.

3. Các dữ liệu thô và nội dung của công trình khảo sát này được trình bày trong Ronald Inglehart, Miguel Basa’nez, Jaime Diez-Medrano, Loek Halman and Ruud Luijkx, Human Beliefs and Values: A Cross-Cultural Sourcebook Based on the 1999-2002 Values Surveys (Buenos Aires: Siglo XXIEditores, 2004), questions E018, E114, and El23.

4. Câu hỏi này dường như tương tự như câu hỏi thứ nhất trong bảng 1.1, nhưng trên thực tế, nó khắt khe hơn vì nó không phải là câu hỏi đơn giản là có hay không mà nó cho người ta hai lựa chọn khả dĩ khác! “Trong một số trường hợp, các chính phủ phi dân chủ có thể là đáng mong ước hơn” hay “Đối với một số người như tôi hình thức chính phủ nào thì cũng thế”. Các trình bày trong thước đo theo khu vực có khác nhau một chút. Cách trình bày này là lấy từ thước đo cho

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường