[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 4)

[Tinh thần dân chủ] Chương 9: Chia rẽ thời hậu Cộng Sản (Phần 4)

TƯƠNG LAI DÂN CHỦ TRONG CÁC NƯỚC HẬU TOÀN TRỊ

Nhiệm vụ xây dựng các chế độ dân chủ ổn định và thực sự tự do ở Trung và Đông Âu rõ ràng là chưa thể kết thúc cùng với việc kết nạp mười nước này vào EU. Thực vậy, có những dấu hiệu cho thấy quyết định kết nạp một đất nước và cùng với nó là đánh mất đòn bẩy chính trị mạnh mẽ đã làm cho tầng lớp chóp bu cầm quyền ít quan tâm đến các tiêu chuẩn của tự do và phản ứng tiêu cực đối với EU ở những vùng nông thôn và vẫn còn giữ truyền thống tại một số nước, trong đó có Ba Lan. Nếu sự phát triển của khu vực này trong thời gian gần đây có tạo ra điều gì đó cần phải bàn thì đấy chính là niềm tin cho rằng câu chuyện về phát triển dân chủ trong khu vực này đã mĩ mãn. Tất nhiên, chẳng có ở đâu trên thế giới này là mĩ mãn hết. Ngay cả những nước tự do hơn trong số các nước dân chủ hậu cộng sản cũng còn những khiếm khuyết nghiêm trọng, nhưng có nhiều khả năng là đấy vẫn sẽ là những nước dân chủ và họ cũng có nhiều cơ hội để trở thành những nước tự do hơn, có trách nhiệm giải trình cao hơn và ổn định hơn về mặt thiết chế khi nền kinh tế của họ phát triển và những thế hệ mới có những trải nghiệm dân chủ hơn.

Georgia và Ukraine cũng như ở Moldova, những nước mà đảng Cộng sản vẫn giữ được đa số trong những cuộc bầu cử quốc hội năm 2004 – gây khó khăn cho lực lượng đối lập chính trị – cần phải làm nhiều hơn nữa thì mới ổn định được chế độ dân chủ. Vì có chung đường biên giới với EU, Ukraine và Moldova có vị trí thuận lợi hơn về mặt địa lí và dễ tiến bộ hơn về chính trị so với Georgia. (Tuy nhiên, chuyện này có thể thay đổi, nếu nước láng giềng phía nam của Gruzia là Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên EU). Khi ba nước này tiếp tục hướng về phía Tây, về phía NATO và EU, họ sẽ bị ép ít nhất là giữ được những tiêu chí của chế độ dân chủ bầu cử. Tuy nhiên, các lực lượng ủng hộ tự do trong chính trị và trong xã hội dân sự phải tiến hành cuộc đấu tranh kéo dài nhằm thể chế hóa các cuộc cải cách chính trị và kinh tế và các tiêu chuẩn giúp giữ vững chế độ dân chủ.

Trong thời gian trước mắt, những nước còn lại khác của Liên Xô cũ có thể sẽ tiếp tục ở lại trong những nấc thang khác nhau của chế độ độc tài. Nhưng sự ổn định của những chế độ này cũng không thể coi là được bảo đảm. Nếu Cách mạng hoa Tulip không mang đến cho Kyrgyzstan chế độ dân chủ dân cử thì nó đã tái khẳng định những tiêu chuẩn cụ thể về việc duy trì chế độ đa nguyên chính trị và ngăn chặn quyền lực cá nhân và những vụ lạm dụng quyền lực. Đấy chính là nền tảng để có thể tiếp tục. Ở Kazakhstan, quá trình phát triển kinh tế một cách từ từ và hội nhập toàn cầu của nền kinh tế dầu khí đang bùng nổ của họ có thể là chất kích thích cho thay đổi. Ở Uzbekistan, tổng thống Islam Karimov đã đặt cược quá đậm vào việc tăng cường đàn áp và trông cậy vào các nhà tài trợ độc tài ở Nga và Trung Quốc.

Điều này làm rõ một điểm quan trọng hơn: mức độ ổn định của chế độ độc tài trong không gian hậu Xô Viết phụ thuộc vào sự ổn định và trợ giúp của chế độ độc tài vốn là nòng cốt của Liên Xô cũ, tức là ở chính nước Nga. Khi nhiệm kì của Vladimir Putin chuẩn bị kết thúc, với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2008, cuộc tranh giành quyền thừa kế ngôi nhà một lần nữa có thể mở ngỏ cho tương lai chính trị của chính nước Nga. Nếu chế độ ở Nga đã không còn là chế độ dân chủ ngay trong những ngày đầu dưới thời của Putin, thì nó cũng không phải là chế độ độc tài vững chắc. Nó không phải được cai trị tốt hơn một cách rõ ràng và không phải là nhà nước ít tham nhũng hơn so với thời Boris Yeltsin. Nó chỉ là nhà nước giàu có hơn, nhà nước độc tài được hưởng lợi vì giá dầu và khí đốt gia tăng đột ngột mà thôi. Nếu giá dầu khí giảm, những nhóm lợi ích trong lĩnh vực chính trị, an ninh quốc gia, và doanh nghiệp đặc quyền đặc lợi từng trở thành giàu có và giữ thế thượng phong dưới thời Putin có thể gặp những thách thức nghiêm trọng, dù họ có lật đổ được bao nhiêu “kẻ hoạt đầu chính trị” và cướp được bao nhiêu của cải thì cũng thế.Mặc dù Putin đã tiêu diệt hoặc thâu tóm được phần lớn phe đối lập, ông ta vẫn không thể khuất phục được tất cả. Sự vùng lên phong trào mới, ủng hộ dân chủ, dưới sự lãnh đạo của nhà cựu vô địch cờ vua thế giới, Garry Kasparov, thể hiện sự dẻo dai của các lực lượng và giá trị của tự do ở Nga. Kasparov “cho rằng việc Putin kiểm soát được tất cả các đòn bẩy quyền lực che khuất những điểm yếu cơ bản của hệ thống: Tham nhũng, khoảng cách giàu và nghèo quá lớn, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe và giáo dục đều giảm.”

Như chúng ta đã thấy, những chế độ độc tài dựa vào nguồn lực đến từ bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương khi những nguồn lực này sụt giảm. Nếu chế độ dân chủ ở Nga thời Yeltsin còn yếu và dễ bị tổn thương thì chế độ của Nga hiện nay cũng dễ bị tổn thương như thế, và đấy là niềm hi vọng cho phong trào dân chủ mới trong toàn bộ khu vực này. Ý kiến do Michael McFaul đưa ra cách đây mấy năm trước vẫn đúng: “Nga chuyển động thì cả khu vực cùng chuyển động.”

Nguồn: Larry Diamond (2008). Tinh Thần Dân Chủ. Phạm Nguyên Trường dịch. Nguyên tác: The Spirit of Democracy (2008)

Dịch giả:
Phạm Nguyên Trường