[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 2)

[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 2)

TỪ ENCOMIENDA ĐẾN THÂU TÓM ĐẤT ĐAI

Ngày 14/1/1993, Ramiro De León Carpio tuyên bố nhậm chức tổng thống Guatemala. Ông bổ nhiệm Richard Aitkenhead Castillo làm Bộ trưởng Tài chính, và Ricardo Castillo Sinibaldi làm Bộ trưởng Phát triển. Ba người này đều có một điểm chung: cả ba đều là hậu duệ của những người chinh phục Tây Ban Nha đã đến Guatemala vào đầu thế kỷ 16. Ông tổ lừng lẫy của De León là Jan De León Cardona, trong khi hai người cùng tên Castillo đều là dòng dõi của Bernal Díaz del Castillo, người từng viết một trong những tài liệu nổi tiếng mô tả tận mắt việc chinh phục Mexico. Để ban thưởng cho việc phục vụ Hernán Cortés, Díaz del Castillo được bổ nhiệm làm thống đốc Santiago de los Caballeros, ngày nay là thành phố Antigua ở Guatemala. Cả Castillo và De León đều sáng lập các triều đại cai trị cùng với những nhà chinh phục khác như Pedro de Alvarado. Nhà xã hội học người Guatemala Marta Casaús Arzú đã xác định được một nhóm nòng cốt gồm 22 gia đình ở Guatemala có quan hệ ràng buộc bằng hôn nhân với 26 gia đình khác bên ngoài nhóm nòng cốt. Nghiên cứu phả hệ và chính trị của bà cho thấy rằng các gia đình này đã kiểm soát quyền lực kinh tế và chính trị ở Guatemala từ năm 1531. Ngay cả với định nghĩa rộng hơn về những gia đình nào là một phần của giới quyền thế này, vẫn cho thấy rằng họ chỉ chiếm hơn 1% dân số vào thập niên 1990.

Ở Sierra Leone và phần lớn vùng hạ Sahara châu Phi, vòng xoáy đi xuống có hình thức của những thể chế chiếm đoạt do các cường quốc thực dân thiết lập rồi được các nhà lãnh đạo sau khi giành độc lập tiếp quản. Ở Guatemala, cũng như ở phần lớn Trung Mỹ, ta thấy một hình thức đơn giản hơn, trần trụi hơn của vòng xoáy đi xuống: những người có quyền lực kinh tế và chính trị sẽ thiết kế các thể chế nhằm bảo đảm sự liên tục quyền lực của họ, và họ đã làm điều đó một cách thành công. Kiểu vòng xoáy đi xuống này dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của các thể chế chiếm đoạt, của một giới quyền thế cầm quyền không đổi cùng với tình trạng kém phát triển.

Vào thời điểm chinh phục thuộc địa, Guatemala có mật độ dân cư đông đúc với dân số vào khoảng 2 triệu người Maya. Bệnh tật và bóc lột gây thiệt hại nặng nề ở đây cũng như ở mọi nơi khác của châu Mỹ. Chưa đến thập niên 1920 thì dân số đã quay về mức này. Cũng như ở những nơi khác trên Đế quốc Tây Ban Nha, người dân bản xứ được phân bổ cho những người chinh phục trong hệ thống cai trị encomienda. Như ta đã thấy trong bối cảnh thuộc địa hóa Mexico và Peru,encomienda là một hệ thống lao động cưỡng bức mà về sau nhường chỗ cho những thể chế cưỡng bức tương tự khác, đặc biệt là hệ thống repartimiento, còn gọi là mandamiento ở Guatemala. Giới quyền thế, bao gồm dòng dõi của những người chinh phục và một số thành phần bản xứ khác, không chỉ hưởng lợi từ hệ thống lao động cưỡng bức mà còn kiểm soát và độc quyền hóa hoạt động thương mại thông qua một phường hội thương nhân được gọi là Consulado de Comercio. Hầu hết dân chúng Guatemala sống ở các vùng núi cao cách xa bờ biển. Chi phí giao thông cao làm giảm mức độ phát triển của nền kinh tế xuất khẩu, và đất đai thoạt đầu không có giá trị cao. Phần lớn đất đai vẫn trong tay người dân bản xứ, với những vùng đất làng xã rộng lớn được gọi là ejidos. Phần còn lại chủ yếu vẫn còn bỏ hoang và được cho là thuộc sở hữu nhà nước. Việc kiểm soát và đánh thuế thương mại kiếm được nhiều tiền hơn so với kiểm soát đất đai.

Cũng như ở Mexico, giới quyền thế Guatemala chống đối Hiến pháp Cadiz (chương 1); sự chống đối đã khích lệ họ tuyên bố độc lập ngay khi giới quyền thế Mexico làm điều này. Sau một liên minh ngắn ngủi với Mexico và Liên bang Trung Mỹ, giới quyền thế thuộc địa thống trị Guatemala theo chế độ độc tài của Rafael Carrera từ năm 1839 đến 1865. Trong suốt thời gian này, hậu duệ của những người chinh phục và giới quyền thế bản xứ duy trì các thể chế kinh tế chiếm đoạt của thời kỳ thuộc địa hầu như không thay đổi. Thậm chí việc tổ chức Consulado cũng giữ nguyên sau khi giành độc lập. Mặc dù đây là một thể chế hoàng gia, người ta vẫn vui vẻ tiếp tục duy trì nó trong một chính phủ cộng hòa.

Nền độc lập chỉ đơn thuần là một vụ đảo chính của giới quyền thế địa phương hiện hữu, hệt như ở Mexico; họ tiếp tục duy trì như thường lệ các thể chế kinh tế chiếm đoạt mà nhờ đó họ được hưởng lợi to lớn. Trớ trêu thay, trong thời kỳ này, Consulado vẫn phụ trách sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng cũng như trước khi giành độc lập, Consulado quan tâm đến quyền lợi riêng của họ chứ không phải quyền lợi của đất nước. Một phần trách nhiệm của phường hội là phát triển cơ sở hạ tầng, như các hải cảng và đường sá, nhưng cũng như ở Đế quốc Áo-Hung, nước Nga và Sierra Leone, điều này thường đe dọa đưa đến sự phá hủy sáng tạo và có thể gây bất ổn hệ thống. Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng thường bị chống đối thay vì được thực hiện. Ví dụ, việc phát triển một hải cảng ở bờ biển Suchitepéquez giáp với Thái Bình Dương, là một trong những dự án được đề xuất. Vào lúc đó, các hải cảng phù hợp duy nhất là ở bờ biển Caribê, và được Consulado kiểm soát. Consulado không làm gì về phía Thái Bình Dương vì một hải cảng trong khu vực này sẽ mang lại phương tiện lưu thông dễ dàng hơn cho hàng hóa từ các thị trấn cao nguyên Mazatenango và Quezaltenango, và việc tiếp cận với một thị trường khác của những hàng hóa này sẽ xói mòn thế lực độc quyền ngoại thương của Consulado. Lôgic này cũng áp dụng cho đường sá, trong đó Consulado có trách nhiệm đối với cả nước. Như ta có thể dự đoán, phường hội cũng không muốn xây dựng đường sá, vốn có thể giúp củng cố các nhóm cạnh tranh hay có tiềm năng phá hủy thế độc quyền của họ. Áp lực làm đường một lần nữa cũng xuất phát từ đông Guatemala và Quezaltenango, thuộc vùng Los Altos. Nhưng nếu con đường giữa Los Altos và bờ biển Suchitepéquez được cải thiện, điều này biết đâu có thể tạo ra một tầng lớp thương nhân, là một đối thủ cạnh tranh với các thương nhân Consulado ở thủ đô. Vì thế, con đường không bao giờ được cải thiện.

Hậu quả của sự chi phối bởi giới quyền thế này là vào giữa thế kỷ 19, Guatemala dường như đang sống trong một thời kỳ khác, trong khi phần còn lại của thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nhưng những thay đổi này cuối cùng cũng ảnh hưởng đến Guatemala. Chi phí giao thông giảm nhờ vào các đổi mới công nghệ như xe lửa chạy bằng hơi nước, đường sắt và các loại tàu mới chạy nhanh hơn. Hơn nữa, thu nhập gia tăng của người dân Tây Âu và Bắc Mỹ đã tạo ra một nhu cầu khổng lồ về nhiều sản phẩm mà những nước như Guatemala có tiềm năng sản xuất.

Vào đầu thế kỷ, bột chàm và phẩm son, hai loại chất nhuộm màu tự nhiên, đã được sản xuất để xuất khẩu, nhưng cơ hội lợi nhuận lớn hơn là sản xuất cà phê. Guatemala có nhiều vùng đất thích hợp để trồng cà phê, và việc canh tác bắt đầu lan rộng mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ Consulado. Khi giá cà phê thế giới tăng và thương mại quốc tế mở mang dẫn đến những cơ hội lợi nhuận khổng lồ, giới quyền thế Guatemala trở nên quan tâm đến cà phê. Năm 1871, chế độ cai trị độc tài kéo dài do Carrera tạo nên cuối cùng bị lật đổ bởi một nhóm người tự xưng là những người theo chủ nghĩa tự do, theo tên của phong trào tự do trên toàn thế giới. Ý nghĩa của chủ nghĩa tự do (liberalism) đã thay đổi theo thời gian. Nhưng vào thế kỷ 19 ở Hoa Kỳ và châu Âu, nó cũng tương tự như cái mà ngày nay người ta gọi là chủ nghĩa tự do (libertarianism), và nó tiêu biểu cho tự do cá nhân, chính phủ có giới hạn và thương mại tự do. Nhưng sự việc ở Guatemala vận động hơi khác. Thoạt đầu do Miguel García Granados lãnh đạo, và sau năm 1873 do Justo Rufino Barrios cầm đầu, những người theo chủ nghĩa tự do ở Guatemala phần lớn không phải là những con người mới với các ý tưởng tự do. Rốt cuộc, vẫn chính những gia đình ấy phụ trách. Họ duy trì các thể chế chính trị chiếm đoạt và tổ chức lại nền kinh tế để khai thác cà phê. Họ bãi bỏ Consulado vào năm 1871, nhưng tình hình kinh tế đã thay đổi. Trọng tâm của các thể chế kinh tế chiếm đoạt bây giờ là sản xuất và xuất khẩu cà phê.

Sản xuất cà phê cần có đất đai và lao động. Để có đất xây dựng trang trại cà phê, phe tự do thúc đẩy tư nhân hóa đất đai, trên thực tế là thâu tóm đất đai mà trước đây thuộc làng xã hay chính phủ. Mặc dù nỗ lực của họ bị chống đối quyết liệt, nhưng ứng với các thể chế chính trị chiếm đoạt cao độ và sự tập trung quyền lực chính trị ở Guatemala, giới quyền thế cuối cùng đã chiến thắng. Từ năm 1871 đến 1883, gần một triệu mẫu đất, chủ yếu là đất làng xã và đất biên giới, rơi vào tay giới quyền thế, và chỉ khi đó cà phê mới phát triển nhanh chóng. Mục đích của họ là thành lập các điền trang lớn. Đất tư nhân hóa thường được bán đấu giá cho các thành viên của giới quyền thế truyền thống hay những người có quan hệ với họ. Sau đó, quyền lực cưỡng bức của nhà nước tự do được sử dụng để giúp các chủ sở hữu đất lớn tiếp cận lao động bằng cách điều chỉnh và tăng cường các hệ thống lao động cưỡng bức. Tháng 11/1876, tổng thống Barrios viết thư cho tất cả các thống đốc Guatemala:

Vì đất nước có những vùng đất rộng lớn cần được khai thác thông qua hoạt động canh tác với vô số người lao động hiện nay vẫn đứng ngoài phong trào phát triển các yếu tố sản xuất của đất nước, cho nên các ông cần phải giúp đỡ mọi hoạt động nông nghiệp xuất khẩu:

1. Từ các thị trấn Anh-điêng trong địa phận hành chính của mình, đối với các chủ sở hữu trang trại trong địa phận, những người có nhu cầu về lao động, các ông sẽ cung cấp cho họ số lượng lao động họ cần, 50 hay 100 người.

Hệ thống repartimiento, hay nghĩa vụ lao động cưỡng bức, chưa từng bị dỡ bỏ sau khi giành độc lập, giờ đây lại còn gia tăng phạm vi và thời hạn. Hệ thống được thể chế hóa vào năm 1877 thông qua Nghị định 177, quy định rằng các chủ lao động có thể yêu cầu và được chính phủ cung cấp lên đến 60 người lao động trong 15 ngày công nếu trang trại ở cùng địa phận hành chính, và trong 50 ngày công nếu ở bên ngoài địa phận hành chính. Yêu cầu có thể được gia hạn theo ý muốn của chủ lao động. Những lao động này có thể bị tuyển dụng cưỡng bức trừ khi họ có thể chứng minh bằng sổ lao động cá nhân rằng việc phục vụ gần đây đã được thực hiện một cách thỏa đáng. Mọi người lao động nông thôn đều buộc phải mang theo sổ lao động cá nhân, được gọi là libreta, bao gồm các chi tiết như họ đã làm việc cho ai và hồ sơ nợ nần của họ. Nhiều người lao động nông thôn bị mắc nợ chủ lao động, và một người lao động mắc nợ không được rời bỏ chủ lao động hiện thời nếu không được phép. Nghị định 177 cũng quy định rằng cách duy nhất để tránh bị đưa vào repartimiento là chứng minh bạn hiện đang mắc nợ một chủ lao động khác. Vì thế người lao động bị rơi vào tròng. Ngoài các luật lệ này, còn vô số luật về người không có việc làm thường xuyên cũng được ban hành để bất cứ ai không thể chứng minh đã có việc làm, ngay lập tức đều bị đưa vào repartimiento hay các kiểu lao động cưỡng bức khác đang vận hành, hay bị buộc phải chấp nhận việc làm ở một trang trại. Hệt như Nam Phi vào thế kỷ 19 và 20, chính sách đất đai sau năm 1871 cũng được soạn thảo nhằm làm xói mòn nền kinh tế sơ khai của người dân bản xứ, buộc họ làm việc với mức lương thấp. Hệ thống repartimiento kéo dài đến thập niên 1920; hệ thống libreta và toàn bộ các luật khác về người không có việc làm thường xuyên có hiệu lực đến năm 1945, khi ở Guatemala lần đầu tiên nở rộ một nền dân chủ ngắn ngủi.

Cũng như trước năm 1871, giới quyền thế Guatemala cai trị thông qua lực lượng quân đội hùng mạnh. Họ tiếp tục làm điều đó sau khi hoạt động sản xuất kinh doanh cà-phê cất cánh. Jorge Ubico, tổng thống từ năm 1931 đến 1944, cai trị trong một thời gian dài nhất. Ubico đắc cử tổng thống năm 1931 mà không có đối thủ, vì không ai đủ dại dột để dám tranh cử với ông. Cũng như Consulado, ông không chấp nhận điều gì có thể dẫn đến sự phá hủy sáng tạo và đe dọa quyền lực chính trị cũng như lợi nhuận của ông và của giới quyền thế. Do đó, ông phản đối công nghiệp vì cùng một lý do như Francis I ở Áo-Hung và Nicholas I ở nước Nga; người lao động công nghiệp có thể gây rối. Trong một quy định luật pháp chưa từng thấy về tính đàn áp hoang tưởng, Ubico cấm sử dụng những từ như obreros (công nhân), sindicators (công đoàn) và huelgas (đình công). Bạn có thể bị bỏ tù nếu sử dụng những từ này. Mặc dù Ubico đầy quyền lực, nhưng giới quyền thế vẫn giật dây. Sự chống đối chế độ lên cao vào năm 1944, được cầm đầu bởi những sinh viên đại học bất mãn bắt đầu tổ chức biểu tình. Bất mãn trong quần chúng gia tăng, và vào ngày 24/6, 311 người, phần lớn là từ giới quyền thế, ký vào một bức thư ngỏ kịch liệt phản đối chế độ. Ubico thoái vị vào ngày 1/7. Mặc dù tiếp theo đó là một chế độ dân chủ vào năm 1945, chế độ này bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 1954, dẫn đến nội chiến tàn khốc. Chỉ sau năm 1986, Guatemala mới được dân chủ hóa một lần nữa.

Những người chinh phục Tây Ban Nha không chút hối tiếc về việc thiết lập hệ thống chính trị và kinh tế chiếm đoạt. Đó là lý do họ đến Tân thế giới bằng mọi cách. Nhưng hầu hết các thể chế họ thiết lập chỉ nhằm mục đích tạm thời. Ví dụ, hệ thống cai trị encomienda là việc trao quyền tạm thời về người lao động. Họ không có một kế hoạch hoàn chỉnh về cách thức họ sẽ thiết lập một hệ thống kéo dài thêm 400 năm nữa. Trên thực tế, những thể chế họ thiết lập đã thay đổi đáng kể trong suốt quá trình đó, nhưng có một điều không thay đổi: bản chất chiếm đoạt của các thể chế, kết quả của vòng xoáy đi xuống. Hình thức chiếm đoạt thay đổi, nhưng bản chất chiếm đoạt của thể chế không thay đổi, mà nhân thân của giới quyền thế cũng không thay đổi. Ở Guatemala, hệ thống encomienda, repartimiento và việc độc quyền hóa thương mại đã nhường đường cho sổ lao động libreta và sự thâu tóm đất đai. Nhưng đại đa số người Maya bản xứ vẫn tiếp tục làm việc như những người lao động lương thấp, không có trình độ học vấn, không có quyền và không có dịch vụ công cộng.

Ở Guatemala, cũng như ở phần lớn Trung Mỹ, trong một mô thức điển hình của vòng xoáy đi xuống, các thể chế chính trị chiếm đoạt nâng đỡ cho các thể chế kinh tế chiếm đoạt, rồi đến lượt mình, các thể chế kinh tế chiếm đoạt tạo ra bệ đỡ cho các thể chế chính trị chiếm đoạt và sự liên tục quyền lực của cùng một giới quyền thế như cũ.

Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)

Dịch giả:
Trần Thị Kim Chi
Hiệu đính:
Vũ Thành Tự Anh