[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 6)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương X: Vài điều xem xét tình trạng hiện thời và tương lai nào cho ba chủng tộc đang sống trên lãnh thổ Hoa Kì (Phần 6)

ĐÂU LÀ NHỮNG CƠ MAY TRƯỜNG TỒN CỦA LIÊN BANG HOA KÌ? NHỮNG NGUY CƠ NÀO ĐE DOẠ NÓ? (2/4)

Cái lãnh thổ ngày nay có hai mươi bốn bang và ba khu rộng lớn vẫn chưa nằm trong quy chế bang mặc dù đã có người ở, (lãnh thổ này) rộng 131.144 dặm vuông tức là gần bằng năm lần diện tích nước Pháp. Trong khu vực này, đất đai khác nhau, nhiệt độ khác nhau và sản vật rất khác nhau.

Cái vùng lãnh thổ rộng lớn này do các nước cộng hoà Mĩ chiếm đã đẻ ra những điều nghi ngờ về khả năng duy trì sự đoàn kết thống nhất. Ở đây ta cần thấy rõ như sau: những lợi ích trái ngược đôi khi nảy sinh ở các tỉnh khác nhau của một đế quốc mênh mông để đến nỗi cuối cùng chúng xoay ra đánh lộn; khi đó có khi đất nước to lớn lại làm nguy hại hơn cả cho khả năng trường tồn của nó. Nhưng khi con người sinh sống trên lãnh thổ mênh mông đó không có lợi ích trái ngược nhau, thì chỉ riêng độ lớn lãnh thổ cũng đủ phục vụ cho sự thịnh vượng chung, vì sự thống nhất của chính quyền tạo thuận lợi đặc biệt cho sự trao đổi giúp tạo ra những sản phẩm đất đai khác nhau và khi bán được các sản phẩm đó dễ dàng hơn thì giá trị sản phẩm đó cũng tăng lên.

Vậy mà tôi thấy có những lợi ích khác nhau tại các vùng khác nhau của Liên bang, nhưng tôi lại không thấy ở đó có những lợi ích trái ngược nhau.

Các bang miền Nam hầu như hoàn toàn làm nghề nông; các bang miền Bắc chuyên về thủ công nghiệp và thương mại; các bang miền Tây chuyên cả về thủ công nghiệp lẫn nông nghiệp. Miền Nam thu hoạch thuốc lá, gạo, bông và đường; miền Bắc và miền Tây là ngô và lúa mạch. Đó là những nguồn tài phú khác nhau; nhưng muốn sinh lợi từ các nguồn đó, có một phương tiện chung và một thuận lợi chung cho tất cả, đó là sự đoàn kết thống nhất.

Miền Bắc, là nơi chuyển tải sản vật của người Mĩ gốc Anh đi khắp nơi trên thế giới, và chuyên chở các nguồn tài phú bốn biển năm châu về cho Liên bang, lợi ích hiển nhiên của vùng này là sự trường tồn của Liên bang như nó đang tồn tại bây giờ đây, sao cho số lượng người sản xuất và người tiêu dùng người Mĩ phải ở mức cao nhất có thể. Miền Bắc là kẻ trung gian tự nhiên nhất giữa bên này là miền Nam và miền Tây của Liên bang, và bên kia là các vùng trên thế giới. Vậy là miền Bắc cần phải trông đợi miền Nam và miền Tây đoàn kết thống nhất và thịnh vượng, sao cho họ cung cấp được nguyên liệu cho sản phẩm thủ công nghiệp và đổ cho đầy các đoàn tàu hàng.

Về phía mình, miền Nam và miền Tây cũng có lợi ích trực tiếp hơn nữa đối với việc duy trì Liên bang và sự thịnh vượng của miền Bắc. Phần lớn sản phẩm miền Nam được xuất khẩu bằng đường biển; vậy là miền Nam và miền Tây cần đến những nguồn lực thương mại của miền Bắc. Họ cần phải trông mong Liên bang có sức mạnh hàng hải to lớn để bảo vệ được họ một cách hữu hiệu. Miền Nam và miền Tây cần phải tự nguyện đóng góp vào chi phí cho hải đoàn, mặc dù họ không có tàu thuyền riêng. Vì nếu như hải quân châu Âu phong toả các bến cảng của miền Nam và của vùng đồng bằng sông Mississippi, thì hạt gạo các bang Carolina, thuốc lá bang Virginia, và đường và bông mọc ở các thung lũng sông Mississippi sẽ có số phận ra sao? Vậy là chẳng có một mảnh ngân sách Liên bang nào lại không được đem dùng để bảo vệ một lợi ích vật chất chung cho tất cả các bang trong Liên bang.

Không kể đến tính hữu ích về thương mại này, miền Nam và miền Tây của Liên bang còn tìm thấy ưu thế lớn về chính trị khi họ đoàn kết thống nhất với nhau và đoàn kết thống nhất với miền Bắc.

Trong lòng miền Nam là vô số dân nô lệ, những cư dân đe doạ hôm nay và càng đe doạ hơn trong ngày mai.

Các Bang miền Tây chiếm giữ vùng sâu của một thung lũng duy nhất. Các con sông tưới tắm cho lãnh thổ các bang này dù xuất phát từ các rặng Rocky Mountains hoặc Alléghanys thì tất cả đều hoà dòng vào sông Mississippi và đổ về vịnh Mexico. Do vị trí của mình, các bang miền Tây đều hoàn toàn cô lập với các truyền thống châu Âu và nền văn minh Cựu Thế giới.

Cư dân miền Nam vậy là phải mong ước duy trì Liên bang để không sống cô độc với người da đen trước mặt, và các cư dân miền Tây cũng phải ước mong như vậy để khỏi bị bó giò trong vùng Trung Mĩ không có giao thương tự do với thế giới bên ngoài.

Vậy là có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các lợi ích vật chất của tất cả các phần trong Liên bang.

Tôi cũng sẽ lập luận như thế trước những ý kiến và tình cảm vẫn được gọi bằng lợi ích phi vật chất của con người.

Dân Hoa Kì nói nhiều đến lòng yêu tổ quốc. Tôi phải thú nhận là mình không tin lắm kiểu ái quốc “chín chắn” dựa cơ sở trên lợi ích đó, vì khi lợi ích thay đổi mục đích thì nó lại có khả năng huỷ diệt.

Tôi cũng chẳng coi trọng lắm cái ngôn ngữ của người Mĩ khi ngày ngày họ biểu lộ ý đồ duy trì hệ thống liên bang mà cha ông họ đã chọn.

Lí do duy trì đa số công dân dưới cùng một thể thức chính quyền ít có tính chất một nguyện vọng duy lí đoàn kết thống nhất, mà phần nhiều là do một sự đồng tình có tính chất bản năng, có phần không cố tình, do tương đồng về tình cảm và giống nhau về tư tưởng.

Tôi không bao giờ có ý định quy kết rằng con người tạo thành một xã hội chỉ duy nhất vì họ thừa nhận một thủ lĩnh chung và tuân thủ luật lệ chung. Chỉ có xã hội một khi con người nhìn vô số đồ vật theo cùng một dạng; khi trên vô số vấn đề họ có chung ý tưởng; sau hết, khi trước những sự kiện như nhau họ có những ấn tượng giống nhau và những tư tưởng cùng như nhau.

Nhìn nhận vấn đề theo quan điểm đó, hễ ai nghiên cứu những gì xảy ra ở Hoa Kì sẽ dễ dàng phát hiện ra điều này: dân Mĩ chia năm sẻ bảy thành hai mươi tư chủ quyền tách bạch mà lại vẫn tạo thành một quốc gia duy nhất. Và có thể nhà nghiên cứu kia sẽ nghĩ rằng trạng thái xã hội tồn tại thực thụ trong lòng Liên bang của người Mĩ gốc Anh hơn là ở những dân tộc châu Âu nào đó, dù rằng những anh này có chung một nền lập pháp và quy thuận vào chỉ một người.

Dù người Mĩ gốc Anh có nhiều tôn giáo đấy, song họ lại có cùng chung cách thức nhìn nhận vấn đề tôn giáo.

Không phải bao giờ họ cũng nhất trí về các biện pháp để chính quyền của họ tốt hơn, và họ khác nhau khi đi tìm một số hình thức thích hợp cho chính quyền, nhưng họ đều nhất trí với nhau về các nguyên tắc chung phải có để chi phối các xã hội con người. Từ bang Maine đến Florida, từ bang Missouri cho tới Đại Tây Dương, người ta tin tưởng rằng nguồn gốc của mọi quyền lực chính đáng là ở nhân dân. Người ta có chung các tư tưởng về tự do và bình đẳng. Người ta có cùng ý tưởng về báo chí, về quyền lập đoàn thể, về bồi thẩm đoàn, về trách nhiệm của các nhân viên công quyền.

Nếu chúng ta bước từ các tư tưởng chính trị và tôn giáo sang các quan điểm triết học và đạo đức đang điều phối hành động cuộc sống hàng ngày và điều khiển toàn bộ ứng xử của con người, chúng ta sẽ nhận thấy dân Mĩ có cùng một sự nhất trí như thế.

Người Mĩ gốc Anh coi lí tính phổ quát của con người là cơ sở của uy lực đạo đức, cũng như họ coi uy lực chính trị làm tính phổ quát của mọi người công dân, và người Mĩ cho rằng phải dựa theo sự cảm nhận của tất cả mọi người để xác định cái gì là được phép và cái gì bị cấm, cái gì là đúng và cái gì là sai. Phần đông người Mĩ gốc Anh nghĩ rằng chỉ cần hiểu kĩ lợi ích của mình tới đâu là đủ để dẫn dắt con người tới công bằng và lương thiện. Họ tin rằng từ khi ra đời con người đã có được khả năng tự quản lí chính mình, và không một ai có quyền bắt buộc người đồng loại mình phải sống hạnh phúc hết. Tất cả mọi người đều có một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng hoàn thiện của con người. Họ cho rằng việc quảng bá sự thông tuệ tất yếu dẫn đến những kết quả hữu ích, còn dốt nát thì dẫn tới những kết quả tai hoạ. Tất cả đều coi xã hội như là một cơ thể đang tiến lên phía trước, coi nhân loại như một hình ảnh đang đổi thay, ở đó không thể có cái gì là muôn đời cố định, và họ chấp nhận rằng cái gì hôm nay dường như là tốt đẹp với họ thì ngày mai có thể bị thay thế bởi cái tốt hơn vẫn còn đang ẩn giấu kín đâu đó.

Tôi không hề nói rằng tất cả những ý tưởng đó đều đúng, tôi chỉ nói người Mĩ có cách nghĩ như vậy thôi.

Đồng thời với việc người Mĩ gốc Anh đoàn kết thống nhất với nhau vì những ý tưởng chung như vậy, họ lại được tách biệt khỏi mọi quốc gia khác vì một tình cảm, lòng kiêu hãnh.

Kể từ năm chục năm nay, người ta không ngừng nhắc đi nhắc lại cho cư dân Hoa Kì rằng họ là quốc gia duy nhất có niềm tin tôn giáo, có đầu óc thông tuệ và có tự do. Họ nhìn thấy cho tới nay ở đất nước họ các thiết chế dân chủ đều phát triển tốt đẹp, trong khi ở khắp nơi trên thế giới chẳng anh nào làm được như thế. Vì vậy mà họ có một cách nghĩ to tát về bản thân, và chẳng xa xôi bao nhiêu cái lúc họ tin tưởng mình là một giống riêng của loài người.

Vậy là những nguy cơ đe doạ Liên bang Mĩ chẳng hề sinh ra từ sự khác biệt ý tưởng cũng như khác biệt về lợi ích. Ta phải tìm nguy cơ đó trong sự khác biệt tính cách và trong những đam mê của người Mĩ.

Những con người sinh sống trên lãnh thổ Hoa Kì mênh mông hầu hết đều có chung gốc gác; nhưng một thời gian dài, khí hậu và nhất là chế độ nô lệ đã đem lại cho họ những sự khác biệt rõ nét giữa tính cách người Anh miền Nam Hoa Kì và tính cách người Anh miền Bắc Hoa Kì.

Chúng ta thường nghĩ rằng chế độ nô lệ mang lại cho một bộ phận Liên bang những lợi ích trái ngược với lợi ích những vùng khác. Tôi không thấy điều đó. Chế độ nô lệ đã chẳng tạo ra ở miền Nam những lợi ích trái ngược với lợi ích miền Bắc; nhưng nó đã làm thay đổi tính cách cư dân miền Nam và tạo cho họ những thói quen khác.

Tôi đã có lần chỉ ra cái ảnh hưởng của chế độ sử dụng lao động nô lệ đối với khả năng thương mại của người Mĩ miền Nam; ảnh hưởng đó cũng lan toả sang tập tục của họ.

Nô lệ là một người đầy tớ không bao giờ cãi lại và chịu làm mọi điều không một tiếng làu bàu. Có khi anh ta giết chủ mình, nhưng không bao giờ kháng cự lại chủ. Ở miền Nam, chẳng có gia đình nào nghèo đến nỗi không có nô lệ trong nhà. Người Mĩ miền Nam ngay từ khi lọt lòng đã được “đầu tư” cho thành một thứ nhà độc tài trong gia đình mình. Những khái niệm đầu tiên được biết về cuộc đời là nó sinh ra để ra lệnh, và cái thói quen tiêm nhiễm đầu tiên là sự dễ dàng ngự trị kẻ khác. Và nền giáo dục cũng có xu hướng mạnh mẽ để biến người Mĩ miền Nam thành một con người kiêu căng, khẩn trương, gắt gỏng, bạo hành, đam mê nhiệt tình, luôn trông ngóng những khó khăn trở ngại. Nhưng đó cũng là con người dễ nản chí nếu không thắng lợi ngay từ trận đầu.

Người Mĩ miền Bắc không trông thấy những người nô lệ chạy lăng xăng quanh chiếc nôi anh ta nằm. Anh ta cũng chẳng sẵn có những đầy tớ để sai phái, vì phần nhiều là anh ta phải tự thoả mãn các nhu cầu của mình. Vừa mới sinh ra thôi, cái tất yếu của cuộc đời đã ùa tới tạo thành tư tưởng của anh ta. Từ rất sớm anh ta đã tự học được một cách chính xác giới hạn tự nhiên của quyền lực mình có được tới đâu. Anh ta không trông mong dùng sức mạnh để khuất phục ý chí đối kháng của mọi người, và anh ta biết rằng, để có được sự ủng hộ của đồng loại, trước hết anh ta cần thu phục được ân huệ của họ. Thế là anh ta trở nên con người nhẫn nhịn, chín chắn, khoan dung, phản ứng chậm chạp, và kiên trì thực thi ý đồ.

Tại các bang miền Nam, những nhu cầu bức bách nhất của con người luôn luôn được thoả mãn. Vì thế người Mĩ miền Nam chẳng hề phải bận lòng tới những nhu cầu vật chất của cuộc đời; đã có người khác lo cho anh ta mọi thứ đó. Được tự do trong chuyện này, đầu óc tưởng tượng của anh ta hướng sang những đối tượng khác to tát hơn và kém xác định chính xác hơn. Người Mĩ miền Nam thích cái gì vĩ đại, sang trọng, vinh quang, huyên náo, lạc thú, thích nhất là sự nhàn rỗi. Chẳng có gì bắt ép anh ta phải cố gắng thì mới sống được, và do chỗ anh ta không có việc gì cần phải làm, anh ta lúc nào cũng ngái ngủ và chẳng làm bất cứ việc gì ngay cả những việc có ích.

Ở miền Bắc, do chỗ có được sự bình đẳng về sản nghiệp, chế độ nô lệ không tồn tại ở đó nữa, con người ở đó như thể bị cuốn hút vào những lo âu vật chất mà người da trắng ở miền Nam vẫn coi thường. Kể từ ấu thơ, anh ta chăm lo đấu tranh chống lại cảnh khốn cùng và anh ta học được cách đặt tiện nghi lên cao hơn những vui thú của trí tuệ và tình cảm. Được tập trung vào từng chi tiết nhỏ của cuộc đời, trí tưởng tượng của anh ta tắt ngóm, anh ta không có nhiều ý tưởng và nếu có thì chúng cũng kém khái quát, nhưng chúng lại thực tế hơn nhiều, sáng sủa và chân xác hơn rất nhiều. Do chỗ anh ta hướng mọi nỗ lực của trí khôn vào mục tiêu duy nhất là đi tìm cuộc sống hạnh phúc, nên chẳng mấy chốc mà thành người cực giỏi trong việc này. Thật tuyệt vời khi anh ta biết cách sinh lợi từ thiên nhiên và từ con người để tạo ra của cải; thật kì diệu cách anh ta biết nghệ thuật làm cho từng thành viên xã hội ganh đua nhau tạo ra sự thịnh vượng chung và từ sự ích kỉ của mỗi con người mà biết cách tạo ra được cái hạnh phúc chung.

Người miền Bắc không chỉ có kinh nghiệm, mà có cả tri thức. Song anh ta không coi khoa học như một thú vui, anh ta coi trọng nó như một phương tiện, và anh ta chỉ nghiến ngấu vồ lấy những ứng dụng hữu ích của khoa học thôi.

Tính tình người Mĩ miền Nam bột phát hơn, tinh tế hơn, cởi mở hơn, rộng lượng hơn, thông tuệ hơn và sắc sảo hơn.

Tính tình người Mĩ miền Bắc hoạt động hơn, duy lí hơn, sáng suốt hơn và khéo léo hơn.

Một anh (miền Nam) có những thị hiếu, những định kiến, những yếu đuối và sự vĩ đại của những con người quý tộc.

Một anh (miền Bắc) có những phẩm chất và những thói xấu đặc trưng cho tầng lớp trung lưu.

Hãy nhập hai con người thành xã hội, hãy trao cho hai con người những lợi ích như nhau và phần nào ý tưởng như nhau; nếu tính cách của họ, trí khôn của họ và trình độ văn minh của họ khác biệt nhau, thì có vô vàn dịp để họ không sao thống nhất được với nhau. Nhận xét đó có thể áp dụng cho trường hợp các dân tộc khác nhau sống với nhau thành một xã hội.

Chế độ nô lệ không trực tiếp công kích Liên bang Mĩ bằng các lợi ích, mà tiến công Hoa Kì gián tiếp qua các tập tục.

Có tất cả mười ba bang nhập vào với nhau theo Hiệp nghị liên bang năm 1790. Bây giờ Liên bang có hai mươi bốn bang. Dân số năm 1790 chỉ có gần bốn triệu người thì sau bốn mươi năm đã tăng gần bốn lần, vào năm 1830 đã là gần mười ba triệu.

Những thay đổi như vậy không thể diễn ra ổn thoả cho được.

Với một xã hội gồm nhiều dân tộc cũng như một xã hội của nhiều cá nhân, có ba nguyên tắc kéo dài sự tồn tại của nó: sự khôn ngoan của những thành viên xã hội, sự yếu đuối kém còi của các cá nhân, và số lượng ít của chúng.

Những người Mĩ sống xa bờ Đại Tây Dương để đi sâu vào miền Tây là những kẻ phiêu lưu, những con người sốt ruột mong rũ bỏ mọi loại xiềng ách, những kẻ thèm khát giàu sang, lắm khi là những con người bị ruồng bỏ ở các bang họ ra đời. Họ cùng nhau tiến sâu vào giữa hoang mạc mà anh nọ chẳng quen biết anh kia. Tại đó họ chẳng có gì để giữ chân nhau, không có truyền thống, không có tinh thần gia đình, không có những tấm gương để mà noi theo. Giữa họ với nhau, sự ngự trị của luật pháp còn yếu ớt, ngự trị của tập tục lại còn yếu ớt hơn nữa. Vậy là, những con người hàng ngày đổ xô đến các thung lũng sông Mississippi là những con người thấp hèn về mọi phương diện so với những người Mĩ đang sinh sống trong phạm vi cũ của Liên bang. Ấy thế mà, họ lại đã có ảnh hưởng lớn trong các hội đồng, và họ tham gia vào việc điều hành mọi công việc chung ngay cả trước khi học được cách điều hành chính mình.

Những cá nhân thành viên xã hội càng yếu kém thì xã hội lại càng có cơ hội kéo dài sự tồn tại, vì khi đó họ chỉ có được an toàn một khi đoàn kết thống nhất với nhau. Khi vào năm 1790 cái nước cộng hoà đông dân nhất của Mĩ mới có chưa đến 500.000 cư dân, thì mỗi nước cộng hoà đó đều thấy mình chẳng nghĩa lí gì cho dù có tư cách là một quốc gia độc lập, và tư duy đó khiến họ dễ dàng tuân phục quyền uy Liên bang. Nhưng khi một trong những bang đó có 2.000.000 cư dân như New York và trải rộng trên một lãnh thổ gần bằng một phần tư diện tích nước Pháp, thì bang đó sẽ cảm thấy chỉ có nó là mạnh thôi, và nó có thể tiếp tục coi Liên bang là hữu ích cho sự phồn vinh của nó, song nó sẽ chẳng coi Liên bang như là tất yếu đối với sự tồn tại của nó nữa; nó có thể bất cần Liên bang; và một khi còn chịu ở lại trong Liên bang, chẳng chóng thì chày nó sẽ muốn có một vị thế nổi trội trong liên minh đó.

Chỉ nguyên việc gia tăng các thành viên Liên bang cũng đã là sức mạnh để phá vở mối liên minh. Những con người cùng bị đặt vào theo một góc nhìn vẫn không tri giác các đồ vật giống như nhau. Lại càng như thế khi góc nhìn khác nhau. Càng gia tăng thêm số lượng các nước cộng hoà Mĩ, thì lại càng giảm cơ may có chung sự tán đồng đối với luật pháp.

Ngày nay, lợi ích của các bên khác nhau trong Liên bang không đối nghịch nhau. Nhưng nào ai dám đoán trước những đổi thay khác nhau nảy sinh trong tương lai ở một đất nước mà mỗi ngày lại làm mọc lên biết bao nhiêu thành phố và cứ năm năm một lần điều tra dân số lại thấy đẻ ra không biết bao nhiêu con người?

Kể từ khi lập nên các khẩn địa của người Anh, số cư dân cứ hai mươi hai năm lại tăng gần gấp đôi. Tôi không thấy những nguyên nhân để một ngày nào đó sau đây một trăm năm lại ngăn chặn được đà gia tăng dân cư Mĩ gốc Anh này. Trước khi một trăm năm nữa trôi đi, tôi nghĩ rằng cái lãnh thổ Hoa Kì đã chiếm giữ hoặc tuyên bố chiếm giữ sẽ có hơn một trăm triệu dân và sẽ chia thành bốn mươi bang.

Tôi chấp nhận là một trăm triệu người đó không hề có lợi ích khác nhau. Ngược lại tôi coi tất cả đều có lợi thế ngang nhau khi đoàn kết thống nhất với nhau. Vậy mà tôi vẫn nói rằng ngay cả như vậy họ vẫn là một trăm triệu con người tạo thành bốn mươi quốc gia khác nhau với sức mạnh không đồng đều, và sự duy trì được chính quyền Liên bang sẽ chỉ là một điều ngẫu nhiên may mắn.

Tôi rất muốn bộc lộ thêm lòng tin vào khả năng hoàn thiện của con người; nhưng khi con người chưa đủ sức đổi thay bản chất người và chưa hoàn toàn thay đổi, thì tôi sẽ vẫn từ chối tin vào khả năng kéo dài một chính quyền có sứ mệnh duy trì đoàn tụ bốn chục quốc gia khác nhau sống rải rác trên một lãnh thổ rộng bằng một nửa châu Âu mà lại tránh được giữa họ với nhau không xảy ra lục đục, không có tham vọng và không đánh nhau, và đủ sức hội nhập các ý nguyện riêng của những quốc gia ấy vào việc thực thi những ý đồ chung.

Nhưng cái nguy cơ to lớn nhất của Liên bang Hoa Kì khi nó to lớn lên lại là do sự liên tục chuyển dịch các lực lượng đang diễn ra trong lòng Liên bang.

Theo đường chim bay, từ bờ hồ Thượng tới vịnh Mexico đường dài khoảng bốn trăm dặm. Con đường dài vô tận đó bò ngoằn ngoèo làm thành biên giới Hoa Kì. Con đường dài đó khi thì ở bên trong lãnh thổ đã chiếm lĩnh được, khi thì lan xa tới các hoang mạc. Người ta tính toán rằng trên khắp cái mặt trận mênh mông đó, người da trắng dàn hàng ngang mỗi năm tiến bước trung bình bảy dặm. Thỉnh thoảng lại có một chướng ngại vật: đó là một khu vực không sinh lợi gì, một cái hồ, một bộ tộc Anh điêng bản địa tình cờ bắt gặp trên đường hành tiến. Đoàn quân da trắng dừng lại chút ít. Hai đầu mút của hàng ngang cong lại chạm vào gặp nhau, sao đó lại tiếp tục hành tiến. Trong cuộc tiến quân dần dần và liên tục đó của giống người châu Âu tới vùng núi Rocky Mountains có cái gì đó như là ý Chúa Trời xếp đặt sẵn: nó như cơn hồng thuỷ người không ngừng dâng cao và mỗi ngày lại được bàn tay Chúa giúp dâng cao thêm.

Bên trong phạm vi con đường dàn hàng ngang của đoàn người đi chiếm lĩnh đất đai, người ta xây lên các thành phố và dựng nên các bang to lớn. Năm 1790, chỉ mới có vài ba nghìn người đi tiên phong trải khắp các thung lũng sông Mississippi; bây giờ cũng ở các thung lũng đó là số dân ngang với dân số toàn Liên bang năm 1790. Dân số ở đó nay lên tới gần bốn triệu người rồi. Thành phố Washington dựng lên năm 1800 ở trung tâm Liên bang Mĩ; giờ đây vị trí của nó nằm ở một trong những đầu mút của Liên bang. Những đại biểu nhân dân khoá cuối cùng của các bang miền Tây, để có thể tới dự họp Hạ viện, phải đi một quãng đường dài bằng quãng đường du khách đi từ Vienne đến Paris.

Tất cả các bang của Liên bang cùng một lúc đều bị cuốn theo cuộc đi tìm sản nghiệp; nhưng tất cả không thể phát triển và thịnh vượng theo cùng nhịp điệu như nhau.

Ở miền Bắc Liên bang, những nhánh của dãy núi Alléghanys tiến sát tới Đại Tây Dương, tạo thành những vịnh rộng và những bến cảng đón được tàu cỡ lớn nhất. Ngược lại, từ sông Potomac, và dọc theo bờ biển nước Mĩ cho tới cửa sông Mississippi, chẳng còn gặp một miền đất bằng phẳng và có cát nào nữa. Ở phần đất này của Liên bang, cửa các con sông đều bị chẹn lại, và những bến cảng mọc lên thưa thớt giữa vùng đầm phá này không đủ độ sâu cho tàu bè và không thể cung cấp những tiện nghi phục vụ cho công cuộc giao thương dù là nhỏ hơn rất nhiều so với miền Bắc.

Cộng thêm vào sự thấp kém do thiên nhiên tạo ra này còn có sự thấp kém khác do luật pháp tạo ra.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn