![[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 5)](http://thitruongtudo.vn/upload/01_bai_viet/k240013_(1).jpg)
[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương XII: Vòng xoáy đi xuống (Phần 5)
PHẢN HỒI TIÊU CỰC VÀ VÒNG XOÁY ĐI XUỐNG
Các nước giàu đã trở nên giàu có chủ yếu vì họ đã nỗ lực để có thể phát triển các thể chế dung hợp vào một thời điểm nào đó trong 300 năm qua. Các thể chế này tồn tại lâu dài thông qua quá trình của một vòng xoáy đi lên. Ngay cả khi chỉ bắt đầu với một mức độ dung hợp hạn chế và đôi khi mong manh, chúng đã dẫn đến những diễn biến giúp tạo ra một quá trình phản hồi tích cực, dần dần làm tăng tính dung hợp của thể chế. Nước Anh không trở thành một nền dân chủ ngay sau cuộc Cách mạng Vinh quang năm 1688. Vẫn còn phải chờ lâu lắm. Chỉ một phần nhỏ dân số được đại diện chính thức, nhưng điều quan trọng là, đất nước đã có chủ nghĩa đa nguyên. Một khi chủ nghĩa đa nguyên được tôn trọng, sẽ có xu hướng cho các thể chế trở nên dung hợp hơn theo thời gian, ngay cả khi đây là một quá trình chông gai và bấp bênh.
Trong bối cảnh này, nước Anh là điển hình của những vòng xoáy đi lên: các thể chế chính trị dung hợp tạo ra giới hạn đối với việc sử dụng và chiếm đoạt quyền lực. Chúng cũng có xu hướng tạo ra các thể chế kinh tế dung hợp, mà đến lượt mình, các thể chế kinh tế dung hợp giúp duy trì tính liên tục của các thể chế chính trị dung hợp.
Trong các thể chế kinh tế dung hợp, của cải không tập trung vào tay một nhóm thiểu số để có thể sử dụng sức mạnh kinh tế nhằm gia tăng quyền lực chính trị một cách không cân xứng. Hơn nữa, trong các thể chế kinh tế dung hợp, lợi ích từ việc nắm giữ quyền lực chính trị cũng có giới hạn hơn, qua đó làm yếu đi các động cơ khuyến khích mọi nhóm và mọi cá nhân mới phất lên và giàu tham vọng, ra sức giành lấy quyền kiểm soát nhà nước. Sự tụ họp các yếu tố này vào một thời điểm quyết định, bao gồm sự tương tác giữa các thể chế hiện hữu, các cơ hội và thách thức mang lại vào thời điểm quyết định, cùng nhau đưa đến sự khởi đầu của các thể chế dung hợp, như trường hợp nước Anh cho thấy. Nhưng một khi đã có các thể chế dung hợp này, ta không còn cần đến sự hội tụ các yếu tố này để chúng tồn tại. Các vòng xoáy đi lên, mặc dù vẫn phụ thuộc vào yếu tố ngẫu nhiên quan trọng, sẽ giúp đảm bảo sự liên tục thể chế và thậm chí còn mở ra một quá trình động học đưa xã hội tiến tới tính dung hợp ngày càng cao hơn.
Trong khi các vòng xoáy đi lên làm cho các thể chế dung hợp tồn tại lâu dài, các vòng xoáy đi xuống tạo ra áp lực vững chắc hướng đến sự tồn tại dai dẳng của các thể chế chiếm đoạt. Lịch sử không phải là định mệnh, và các vòng xoáy đi xuống không phải là không thể phá vỡ như chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong chương 14, nhưng chúng dai dẳng. Các vòng xoáy đi xuống tạo ra một quá trình phản hồi tiêu cực mãnh liệt, trong đó các thể chế chính trị chiếm đoạt hun đúc các thể chế kinh tế chiếm đoạt, rồi đến lượt mình, các thể chế kinh tế chiếm đoạt lại tạo thành bệ đỡ cho sự tồn tại dai dẳng của các thể chế chính trị chiếm đoạt. Chúng ta đã thấy điều này rõ ràng nhất trong trường hợp của Guatemala, ở đó cùng một giới quyền thế nắm giữ quyền lực, thoạt đầu là dưới thời thực dân, rồi sau đó là dưới thời độc lập qua hơn bốn thế kỷ; các thể chế chiếm đoạt làm giàu cho giới quyền thế, và của cải của họ tạo thành nền tảng cho sự liên tục thống trị của họ.
Quá trình vòng xoáy đi xuống này cũng thể hiện rõ ràng qua sự tồn tại dai dẳng của nền kinh tế đồn điền ở miền nam Hoa Kỳ, ngoài ra nó còn cho thấy độ bền đáng kể của vòng xoáy đi xuống trước những thách thức. Các chủ đồn điền miền nam Hoa Kỳ mất đi quyền kiểm soát chính thức đối với các thể chế kinh tế và chính trị sau khi bại trận trong cuộc nội chiến. Chế độ nô lệ, vốn là nền tảng của nền kinh tế đồn điền, đã bị bãi bỏ, và người da màu được trao quyền chính trị và kinh tế như người da trắng. Thế nhưng cuộc nội chiến không kết liễu quyền lực chính trị hay nền tảng kinh tế của giới quyền thế chủ đồn điền, và họ vẫn có thể tái cơ cấu hệ thống dưới một chiêu bài khác nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát chính trị địa phương của họ, và để đạt được cùng một mục tiêu: nguồn lao động rẻ mạt dồi dào cho các đồn điền của họ.
Hình thức này của vòng xoáy đi xuống, trong đó các thể chế chiếm đoạt tồn tại dai dẳng vì giới quyền thế kiểm soát và hưởng lợi từ chúng vẫn tồn tại, không phải là hình thức duy nhất. Thoạt nhìn qua, ta thấy một hình thức rắc rối hơn nhưng không kém phần thực tế và không ít tác hại hơn của sự phản hồi tiêu cực đã định hình sự phát triển chính trị và kinh tế ở nhiều nước, và biểu hiện qua kinh nghiệm của các nước châu Phi vùng hạ Sahara, cụ thể như Sierra Leone và Ethiopia. Dưới một hình thức mà nhà xã hội học Robert Michels gọi là quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ, việc lật đổ một chế độ cai trị bằng các thể chế chiếm đoạt sẽ báo hiệu sự xuất hiện của những ông chủ mới sẽ khai thác cùng những thể chế chiếm đoạt độc hại như cũ.
Lôgic của loại vòng xoáy đi xuống này cũng dễ hiểu khi ta nhìn lại sau khi sự việc đã xảy ra: các thể chế chính trị chiếm đoạt gần như không tạo ra sự giới hạn đối với việc sử dụng quyền lực, vì thế, thực chất là không có thể chế nào để giới hạn việc sử dụng và lạm dụng quyền lực của những người đã lật đổ các nhà độc tài trước đây và giành lấy quyền kiểm soát nhà nước; và các thể chế kinh tế chiếm đoạt có nghĩa là sẽ có những lợi nhuận và của cải khổng lồ đạt được chỉ đơn thuần bằng cách kiểm soát quyền lực, tước đoạt tài sản của người khác và thiết lập các thế lực độc quyền.
Lẽ dĩ nhiên, quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ không phải là một quy luật thực sự, theo ý nghĩa như các quy luật vật lý. Nó không vẽ ra một lộ trình bất di bất dịch, như cuộc Cách mạng Vinh quang ở Anh hay thời Minh Trị Duy Tân ở Nhật Bản cho thấy.
Một yếu tố then chốt trong các tình huống này, trong đó người ta đã chứng kiến một bước ngoặt hướng tới các thể chế dung hợp, là sự trao quyền cho một liên minh rộng khắp, có thể đứng lên chống lại chủ nghĩa chuyên chế và thay thế các thể chế chuyên chế bằng các thể chế đa nguyên dung hợp hơn. Một cuộc cách mạng của liên minh rộng khắp làm cho sự vươn lên của các thể chế chính trị đa nguyên trở nên khả thi hơn. Ở Sierra Leone và Ethiopia, quy luật sắt của thể chế chính trị đầu sỏ trở nên có nhiều khả năng xảy ra hơn không chỉ vì các thể chế hiện hữu có tính chiếm đoạt cao độ hơn mà còn vì cả phong trào độc lập ở Sierra Leone và cuộc đảo chính của Derg ở Ethiopia đều không được lãnh đạo bởi những liên minh rộng khắp, mà đúng hơn, bởi các cá nhân và nhóm người mưu cầu quyền lực để họ có thể thực hiện việc chiếm đoạt.
Vẫn còn một khía cạnh khác, thậm chí còn mang tính tàn phá hơn của vòng xoáy đi xuống, như dự đoán qua thảo luận của chúng ta về các thành bang Maya trong chương 5. Khi các thể chế chiếm đoạt tạo ra sự cách biệt giàu nghèo to lớn trong xã hội, cùng với của cải đồ sộ và quyền lực không bị kiểm soát của những người cầm quyền, sẽ có nhiều người mong muốn tranh giành quyền kiểm soát nhà nước và kiểm soát thể chế. Khi đó, các thể chế chiếm đoạt không chỉ lát đường cho chế độ mới, thậm chí còn có tính chiếm đoạt nhiều hơn, mà còn gây ra xâu xé nội bộ và nội chiến liên miên. Các cuộc nội chiến này sẽ gây ra nhiều đau thương hơn cho dân chúng và cũng tàn phá cả mức độ tập trung nhà nước ít ỏi mà các xã hội này từng đạt được. Điều này cũng thường khởi động cho một quá trình dẫn đến tình trạng vô luật pháp, thất bại nhà nước và rối loạn chính trị, phá vỡ mọi hy vọng về thịnh vượng kinh tế, như chương sau sẽ cho thấy.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)