[Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại - Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói] - Chương VI: Phân hóa thể chế (Phần 1)
VENICE ĐÃ TRỞ THÀNH VIỆN BẢO TÀNG NHƯ THẾ NÀO
NHỮNG HÒN ĐẢO tạo thành Venice nằm xa tít phía bắc biển Adriatic. Thời Trung cổ, Venice có lẽ là nơi giàu nhất thế giới, với một hệ thống thể chế kinh tế dung hợp tiên tiến nhất đặt cơ sở trên tính dung hợp chính trị mới phôi thai. Venice giành độc lập vào năm 810 SCN, một thời điểm hóa ra là tình cờ. Nền kinh tế châu Âu đang hồi phục từ tình trạng sa sút mà nó phải gánh chịu khi Đế quốc La Mã sụp đổ, và những vị hoàng đế như Charlemagne đang thiết lập lại quyền lực chính trị tập trung mạnh mẽ. Điều này dẫn đến ổn định, an ninh hơn và mở mang thương mại, và Venice ở vào một vị trí độc đáo để tranh thủ những lợi thế này. Đây là đất nước của những người đi biển, tọa lạc ngay giữa lòng Địa Trung Hải. Đến từ phương Đông là các loại gia vị, hàng hóa sản xuất ở Byzantine và nô lệ. Venice trở nên giàu có. Vào năm 1050, sau ít nhất một thế kỷ mở mang kinh tế, Venice có tới 45 nghìn dân. Đến năm 1200, dân số tăng thêm hơn 50% lên đến 70 nghìn người. Năm 1330, dân số lại tăng thêm 50% nữa, lên đến 110 nghìn người; Venice khi ấy lớn bằng Paris, và có lẽ lớn gấp ba lần Luân Đôn.
Một trong những yếu tố làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế ở Venice là một loạt sáng kiến về hợp đồng làm cho các thể chế kinh tế trở nên có tính dung hợp hơn. Nổi tiếng nhất là commenda, một hình thức sơ khai của công ty cổ phần, được hình thành cho từng thương vụ. Một commenda liên quan đến hai đối tác, một người định cư ở Venice và một người lữ hành trên biển. Đối tác định cư góp vốn vào công ty, còn đối tác lữ hành áp tải hàng hóa. Thông thường, phần vốn góp của đối tác định cư chiếm tỷ trọng chi phối. Các nghiệp chủ trẻ không có của cải có thể tham gia vào hoạt động kinh doanh bằng cách áp tải hàng hóa. Đó là kênh chính để đưa xã hội tiến lên. Bất kỳ tổn thất thua lỗ nào trong cuộc hành trình đều được chia sẻ dựa vào giá trị góp vốn của các đối tác. Nếu chuyến đi có lời, lợi nhuận sẽ được chia dựa vào hai loại hợp đồng commenda. Nếu commenda là hợp đồng đơn phương thì đối tác định cư cung cấp 100% vốn và nhận được 75% lợi nhuận. Còn nếu là hợp đồng song phương thì đối tác định cư góp 67% vốn và nhận được 50% lợi nhuận. Nghiên cứu văn khố chính thức, ta có thể thấy sức đẩy của commenda mãnh liệt đến mức nào trong việc thúc đẩy xã hội tiến lên: các tài liệu này đầy rẫy những danh tính mới, những người trước đây không thuộc giới quyền thế Venice. Trong văn khố nhà nước, vào các năm 960, 971 và 982 SCN, số lượng những tên tuổi mới lần lượt chiếm tới 69%, 81% và 65% danh sách.
Tính dung hợp kinh tế này và sự vươn lên của những gia đình mới thông qua hoạt động thương mại buộc hệ thống chính trị phải trở nên cởi mở hơn. Chức vụ tổng trấn cai quản Venice trọn đời do Cơ quan lập pháp (General Assembly) bầu chọn. Tuy là một tập hợp chung của toàn thể công dân, trên thực tế Cơ quan lập pháp bị chi phối bởi một nhóm nòng cốt bao gồm các gia đình quyền thế. Mặc dù tổng trấn có nhiều quyền lực nhưng quyền lực này giảm dần theo thời gian bởi sự thay đổi thể chế chính trị. Sau năm 1032, tổng trấn được bầu cùng với một Hội đồng công tước (Ducal Council) mới ra đời với nhiệm vụ bảo đảm rằng tổng trấn không thâu tóm quyền lực tuyệt đối. Vị tổng trấn đầu tiên, Domenico Flabianico, nhậm chức trong “vòng vây” của hội đồng này. Ông là một nhà buôn tơ lụa giàu có, xuất thân từ một gia đình trước đây chưa từng nắm giữ chức vụ cao. Sự thay đổi thể chế này được tiếp nối bằng sự mở rộng mạnh mẽ quyền lực thương mại và hải quân của Venice. Năm 1082, Venice được trao đặc quyền thương mại ở Constantinople, và một khu định cư của người Venice ra đời ở thành phố này, và chẳng bao lâu đã có tới 10 nghìn người Venice. Ở đây, chúng ta thấy các thể chế kinh tế và chính trị dung hợp bắt đầu vận hành song song.
Sự mở mang kinh tế của Venice, vốn đã tạo ra thêm áp lực thay đổi chính trị, lại càng bùng nổ sau những thay đổi về thể chế chính trị và kinh tế tiếp theo sau vụ ám sát tổng trấn vào năm 1171. Đổi mới quan trọng đầu tiên là sự ra đời của Hội đồng tối cao (Great Council), sẽ trở thành quyền lực chính trị tối hậu ở Venice từ đó về sau. Hội đồng tối cao bao gồm những người đang nắm giữ chức vụ trong nhà nước ở Venice, chẳng hạn như các thẩm phán, và được chi phối bởi giới quý tộc. Ngoài những người đương chức này, mỗi năm lại có thêm hàng trăm thành viên mới được đề cử vào hội đồng bởi một ủy ban đề cử gồm bốn thành viên được chọn bằng cách bốc thăm từ hội đồng hiện hữu. Sau đó, hội đồng cũng lựa chọn thành viên cho hai viện trực thuộc, Viện Nguyên lão (Senate) và Tứ thập viện (Council of Forty), vốn có các nhiệm vụ lập pháp và hành pháp khác nhau. Hội đồng tối cao cũng bầu chọn Hội đồng công tước, được mở rộng từ bốn lên sáu thành viên. Đổi mới thứ hai là sự ra đời của một hội đồng khác, do Hội đồng tối cao lựa chọn bằng cách bốc thăm, có nhiệm vụ bổ nhiệm tổng trấn. Cho dù việc tuyển chọn phải được cơ quan lập pháp thông qua, nhưng vì họ chỉ bổ nhiệm một người, nên điều này thực chất trao quyền bổ nhiệm tổng trấn cho hội đồng. Đổi mới thứ ba là tổng trấn mới phải tuyên thệ khi nhậm chức rằng ông chấp nhận quyền lực bị giới hạn bởi Hội đồng công tước. Theo thời gian, giới hạn quyền lực này tiếp tục gia tăng để các vị tổng trấn về sau phải phục tùng phán quyết của các phán quan (magistrate), khi ấy mọi phán quyết của họ đều phụ thuộc vào sự phê duyệt của Hội đồng công tước. Hội đồng công tước cũng đảm nhận vai trò bảo đảm rằng tổng trấn sẽ tuân thủ mọi phán quyết của Hội đồng tối cao.
Các cuộc cải cách chính trị này dẫn đến một loạt đổi mới thể chế tiếp theo về luật pháp: sự ra đời của các phán quan, tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm, luật hợp đồng tư nhân mới và luật phá sản. Các thể chế kinh tế mới của Venice cho phép dân chúng sáng tạo ra các hình thức kinh doanh hợp pháp mới và các loại hợp đồng mới. Đã có sự đổi mới tài chính nhanh chóng và chúng ta thấy sự khởi đầu của hệ thống ngân hàng hiện đại ở Venice vào thời điểm này. Có cảm tưởng như không gì có thể cưỡng lại được xu hướng tiến tới các thể chế dung hợp hoàn toàn của Venice.
Nhưng có một mối căng thẳng trong toàn bộ tình thế này. Tăng trưởng kinh tế được nâng đỡ bởi các thể chế dung hợp của Venice đi kèm với sự phá hủy sáng tạo. Mỗi làn sóng mới của những thanh niên trẻ dám nghĩ dám làm, trở nên giàu có thông qua hệ thống hợp đồng commenda hay các thể chế kinh tế tương tự, đều có xu hướng làm giảm lợi nhuận và thành công kinh tế của giới quyền thế lâu đời. Và không chỉ làm giảm lợi nhuận, họ còn thách thức quyền lực chính trị của giới quyền thế này. Vì thế, trong giới quyền thế hiện hữu ở Hội đồng tối cao luôn thường trực sự cám dỗ thôi thúc họ, bằng mọi cách có thể, ngăn không để những nhân tố mới này tham gia hệ thống.
Ngay từ lúc mới thành lập Hội đồng tối cao, tư cách thành viên được xác định mỗi năm. Như ta đã thấy, bốn người được chọn ngẫu nhiên để đề cử 100 thành viên trong năm tới, những người tự động được tuyển chọn vào hội đồng. Ngày 3/10/1286, Hội đồng tối cao đề nghị điều chỉnh luật để việc đề cử phải được xác nhận bởi đa số trong Tứ thập viện, vốn được kiểm soát chặt chẽ bởi các gia đình quyền thế. Điều này sẽ mang lại cho giới quyền thế quyền phủ quyết những người mới được đề cử vào hội đồng, quyền lực mà trước đây họ không có. Đề nghị này bị bác bỏ. Vào ngày 5/10/1286, đề nghị khác lại được đưa ra và lần này đã được thông qua. Từ đó về sau, người mới được đề cử sẽ tự động được xác nhận nếu cha hay ông họ đã từng phục vụ trong hội đồng. Bằng không, Hội đồng công tước sẽ yêu cầu phải xác nhận đề cử. Ngày 17/10/1286, một thay đổi khác trong luật lệ được thông qua, quy định rằng việc đề cử người vào Hội đồng tối cao phải có sự phê duyệt của Tứ thập viện, tổng trấn và Hội đồng công tước.
Các cuộc tranh cãi và sửa đổi hiến pháp năm 1286 là điềm báo trước sự đóng cửa (La Serrata) của Venice. Tháng 2/1297, người ta quyết định rằng nếu bạn là thành viên của Hội đồng tối cao trong bốn năm trước, bạn sẽ tự động được đề cử và phê duyệt. Những người mới được đề cử bây giờ phải được Tứ thập viện phê duyệt, nhưng chỉ với 12 lá phiếu. Sau ngày 11/9/1298, các thành viên hiện hữu và gia đình họ không cần được xác nhận nữa. Hội đồng tối cao giờ đây thực chất là đóng cửa và niêm phong với những người bên ngoài, và các thành viên đương nhiệm ban đầu nghiễm nhiên trở thành giới quý tộc cha truyền con nối. Việc đóng cửa và niêm phong này xảy ra vào năm 1315, với “Sách vàng” (Libro d’Oro), là một sổ đăng ký chính thức tầng lớp quý tộc Venice.
Những người nằm ngoài tầng lớp quý tộc mới phôi thai này không để cho quyền lực của họ bị xói mòn mà không tranh đấu. Căng thẳng chính trị tăng dần ở Venice từ năm 1297 đến 1315. Hội đồng tối cao phản ứng lại một phần bằng cách tự mở rộng quy mô. Trong một nỗ lực kết nạp những kẻ phản đối ầm ĩ nhất, quy mô Hội đồng tăng từ 450 lên 1.500 thành viên. Sự mở rộng này được bổ trợ bằng sự trấn áp. Lực lượng cảnh sát được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1310, và hiện tượng đàn áp trong nước tăng dần, rõ ràng như một phương thức để củng cố trật tự chính trị mới.
Sau khi đóng cửa chính trị, Hội đồng tối cao quay ra thực hiện việc đóng cửa kinh tế. Việc chuyển sang các thể chế chính trị chiếm đoạt giờ đây được tiếp nối bằng việc chuyển sang các thể chế kinh tế chiếm đoạt. Quan trọng hơn cả, họ cấm sử dụng hợp đồng commenda, một trong những sáng kiến thể chế vĩ đại đã làm cho Venice trở nên giàu có. Điều này chẳng có gì ngạc nhiên: commenda làm lợi cho các thương nhân mới, và giờ đây giới quyền thế kỳ cựu đang ra sức loại trừ họ. Đây chỉ là một trong nhiều biện pháp hướng tới các thể chế chiếm đoạt hơn. Biện pháp kế tiếp bắt đầu được thực hiện vào năm 1314 khi nhà nước Venice bắt đầu tiếp quản và quốc hữu hóa thương mại. Nhà nước tổ chức các đội hải thuyền để hoạt động thương mại, và bắt đầu từ năm 1324 trở về sau, nhà nước thu thuế cao đối với những cá nhân muốn tham gia thương mại. Thương mại đường dài trở thành hoạt động dành riêng cho tầng lớp quý tộc. Đó là lúc sự thịnh vượng của Venice bắt đầu suy tàn. Với các hoạt động kinh doanh chính được độc quyền hóa bởi giới quyền thế ngày càng thu hẹp, tình trạng sa sút bắt đầu. Venice tưởng chừng như đang trên đường trở thành một xã hội dung hợp đầu tiên trên thế giới, thế nhưng họ đã sa vào một bước ngoặt. Các thể chế chính trị và kinh tế trở nên chiếm đoạt hơn, và Venice bắt đầu trải qua tình trạng suy sụp kinh tế. Cho đến năm 1500, dân số giảm còn 100 nghìn người. Từ năm 1650 đến 1800, trong khi dân số châu Âu gia tăng nhanh chóng thì dân số Venice lại giảm dần.
Ngày nay, hoạt động kinh tế duy nhất của Venice là du lịch, nếu không kể đến một vài hoạt động đánh cá. Thay vì đi tiên phong trên con đường thương mại và các thể chế kinh tế, người Venice làm bánh pizza, làm kem và thổi thủy tinh màu cho các đoàn du khách nước ngoài. Du khách đến chiêm ngưỡng các kỳ quan của Venice từ thời trước khi đóng cửa, như Dinh tổng trấn và những con ngựa của Thánh đường St. Mark chiếm đoạt từ Byzantium thưở Venice còn thống trị Địa Trung Hải. Từ một cường quốc kinh tế, Venice giờ đây đã trở thành một viện bảo tàng.
TRONG CHƯƠNG NÀY, chúng tôi sẽ tập trung vào sự phát triển lịch sử của các thể chế ở những vùng khác nhau trên thế giới và giải thích lý do khiến chúng tiến hóa theo những lộ trình khác khau. Trong chương 4, chúng ta đã thấy cách thức các thể chế ở Tây Âu phân hóa như thế nào so với các thể chế ở Đông Âu, và các thể chế ở nước Anh phân hóa ra sao so với phần còn lại của Tây Âu. Đây là hệ quả của những khác biệt thể chế nhỏ nhặt, chủ yếu là do sự phân hóa thể chế tương tác với các thời điểm quyết định. Khi đó, người ta dễ đi đến ảo tưởng rằng sự khác biệt thể chế này là phần nổi của một tảng băng lịch sử sâu thẳm, mà bên dưới làn nước, ta thấy các thể chế của Anh và châu Âu dứt khoát trôi giạt ra xa khỏi các thể chế ở những nơi khác, dựa vào những biến cố lịch sử từ nhiều thiên niên kỷ trước. Phần còn lại của tảng băng, nhự người ta nói, chính là lịch sử.
Chỉ có điều, sự thật không phải như thế vì hai lý do. Thứ nhất, việc chuyển sang các thể chế dung hợp, như câu chuyện Venice cho thấy, có thể bị đảo chiều. Venice đã từng trở nên thịnh vượng. Nhưng các thể chế chính trị và kinh tế đã bị lật đổ, và sự thịnh vượng đó bị đảo ngược. Ngày nay, Venice giàu có chỉ bởi vì người ta kiếm được thu nhập ở những nơi khác rồi quyết định đến đó chi tiêu với sự ngưỡng mộ hào quang quá khứ của nó. Sự kiện các thể chế dung hợp có thể bị đảo ngược cho thấy rằng không có một quá trình cải thiện thể chế được tích lũy một cách đơn giản.
Thứ hai, những khác biệt thể chế nhỏ nhặt, đóng vai trò thiết yếu vào những thời điểm quyết định lại có bản chất phù du. Vì nhỏ bé, nên chúng có thể bị đảo ngược, rồi lại tái xuất hiện và lại bị đảo ngược một lần nữa. Chúng ta sẽ thấy trong chương này rằng, trái với điều ta dự kiến từ các lý thuyết địa lý hay văn hóa, nước Anh, nơi xảy ra bước tiến dứt khoát hướng tới các thể chế dung hợp vào thế kỷ 17, chỉ là một vùng đất thiếu sinh khí, chẳng những trong nhiều thiên niên kỷ sau cuộc Cách mạng thời kỳ Đồ đá mới ở Trung Đông mà ngay cả vào đầu thời Trung cổ, sau Sự suy tàn của Đế quốc Tây La Mã. Quần đảo Anh chỉ ở vị thế bên lề so với Đế quốc La Mã, và chắc chắn là kém quan trọng hơn lục địa Tây Âu, Bắc Phi, vùng Balkan, Constantinople hay Trung Đông. Khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ 5 SCN, nước Anh gánh chịu tình trạng suy sụp nhiều nhất. Nhưng những cuộc cách mạng chính trị dẫn đường cho Cách mạng công nghiệp không diễn ra ở Ý, Thổ Nhĩ Kỳ hay ngay cả lục địa châu Âu, mà lại xảy ra ở Anh.
Khi tìm hiểu lộ trình dẫn đến cuộc Cách mạng công nghiệp của Anh và những nước đi theo lộ trình đó, di sản của La Mã có ý nghĩa quan trọng vì nhiều lý do. Thứ nhất, La Mã, cũng như Venice, đã trải qua những đổi mới thể chế lớn đầu tiên. Cũng như Venice, thành công kinh tế ban đầu của La Mã dựa vào các thể chế dung hợp - chí ít theo các tiêu chuẩn thời bấy giờ. Cũng như ở Venice, các thể chế này dứt khoát đã trở nên có tính chiếm đoạt hơn theo thời gian. Với La Mã, điều này là hệ quả của sự thay đổi từ một nền cộng hòa (510 TCN - 49 TCN) chuyển sang một đế quốc (49 TCN - 476 SCN). Mặc dù trong thời kỳ cộng hòa, La Mã đã xây dựng được một đế chế ấn tượng, hoạt động thương mại đường dài và giao thông nở rộ, nhưng phần lớn nền kinh tế La Mã dựa vào sự chiếm đoạt. Việc chuyển đổi từ nền cộng hòa sang đế quốc làm tăng sự chiếm đoạt và cuối cùng dẫn đến kiểu xâu xé nội bộ, bất ổn và sụp đổ giống như ta đã thấy với các thành bang Maya.
Thứ hai và quan trọng hơn, chúng ta sẽ thấy rằng sự phát triển thể chế sau đó của Tây Âu, cho dù không phải là di sản trực tiếp của La Mã, vẫn là hệ quả của thời điểm quyết định chung trên khắp khu vực sau sự sụp đổ Đế quốc Tây La Mã. Thời điểm quyết định này gần như không xảy ra song hành ở những nơi khác trên thế giới, như châu Phi, châu Á hay châu Mỹ, cho dù chúng ta cũng sẽ thấy qua lịch sử của Ethiopia rằng khi những nơi khác trải qua những thời điểm quyết định tương tự, đôi khi họ phản ứng theo những cách thức hết sức giống nhau. Sự suy tàn của La Mã đã dẫn đến chủ nghĩa phong kiến, mà như một sản phẩm phụ, cũng làm cho chế độ nô lệ trở nên kiệt quệ, dẫn đến sự ra đời của những thành phố nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các triều đình và giới quý tộc, và trong quá trình đó đã tạo ta một tập hợp thể chế trong đó quyền lực chính trị của những người cai trị bị suy yếu dần. Chính từ nền tảng phong kiến này mà nạn dịch hạch đã tàn phá rồi lại củng cố các thành phố độc lập hơn nữa và tiếp sức cho người nông dân bằng tổn thất của các vương triều, giới quý tộc và các chủ sở hữu đất lớn. Và chính từ bối cảnh này mà các cơ hội hình thành từ hoạt động thương mại Đại Tây Dương sẽ phát huy tác dụng. Nhiều nơi trên thế giới không xảy ra những thay đổi này và vì thế đã trôi giạt ra xa.
Nguồn: Daron Acemoğlu, James A. Robinson (2012). Vì Sao Các Quốc Gia Thất Bại. Trần Thị Kim Chi dịch, Vũ Thành Tự Anh hiệu đính. NXB Trẻ. Nguyên tác: Why Nations Fail (2012)