[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VII: Về tính toàn quyền của phe đa số ở Hoa Kì và những tác động của nó (Phần 4)

[Nền dân trị Mỹ] - Phần II Chương VII: Về tính toàn quyền của phe đa số ở Hoa Kì và những tác động của nó (Phần 4)

TÁC ĐỘNG CỦA BẠO QUYỀN CỦA PHE ĐA SỐ ĐẾN TÍNH CÁCH DÂN TỘC CỦA NGƯỜI MĨ; VỀ ĐẦU ÓC BÈ PHÁI Ở HOA KÌ

Những tác động của bạo quyền của phe đa số cho tới nay vẫn còn thấy rõ trong tập tục hơn là trong cách điều hành xã hội. − Chúng kìm hãm sự phát triển những tính cách lớn. − Những nền cộng hoà dân chủ có tổ chức như của Hoa Kì khiến cho đại đa số con người có đầu óc bè phái. − Bằng chứng của đầu óc đó ở Hoa Kì. − Vì sao ở trong nhân dân người ta có lòng yêu nước hơn là trong những người nhân danh nhân dân làm công việc cai trị dân.

Ảnh hưởng của những điều vừa nói trên mới chỉ thể hiện yếu ớt trong xã hội chính trị; nhưng người ta cũng nhận xét thấy những tác động khó chịu đến tính cách dân tộc của người Mĩ. Tôi cho rằng nhờ tác động ngày càng gia tăng từ bạo quyền của phe đa số mà có một nhóm nhỏ những con người nổi danh giờ đây leo lên được sân khấu chính trị ở Hoa Kì.

Khi cuộc cách mạng ở Mĩ bùng nổ, những con người ấy xuất hiện trong đám đông; khi đó công luận dẫn dắt ý chí con người và không tỏ ra bạo quyền đối với những con người đó. Những con người nổi tiếng thời đó, khi họ tự do gắn bó với sự vận động của các tư tưởng, đã có được một vẻ vĩ đại đúng là như họ phải có. Họ toả ánh sáng lên đất nước và không vay mượn ánh sáng của đất nước.

Ở các chính quyền chuyên chế, những “người lớn” sống gần ngai vàng đều vuốt ve những đam mê của ông chủ và tự nguyện thu mình theo những đòi hỏi đỏng đảnh của ông chủ. Nhưng quần chúng nhân dân của quốc gia lại không tự mình muốn làm nô lệ; họ chịu cảnh đó thường là vì yếu đuối, vì thói quen hoặc vì dốt nát; đôi khi vì tình yêu với vương quyền và với nhà vua. Từng chứng kiến có những con người mang một thứ lòng hoan hỉ và kiêu hãnh khi hi sinh ý nguyện mình cho ý nguyện của vị quân vương và ngay khi phục tùng thì họ cũng vẫn đem một tâm hồn độc lập gửi vào đó. Ta bắt gặp ở những con người này nhiều nỗi khốn cùng nhưng ít điều hủ bại. Vả chăng còn có sự khác biệt lớn giữa việc ta làm, những điều ta không chấp nhận hoặc giả vờ chấp nhận những gì ta làm: một đằng là của con người yếu đuối, còn đằng kia là những thói quen của tên đầy tớ.

Tại các quốc gia tự do nơi mỗi con người ít nhiều được bày tỏ ý kiến đối với công việc nhà nước; tại các nước cộng hoà dân chủ nơi cuộc sống công cộng không ngừng xen vào cuộc sống riêng tư, nơi người ta có thể từ khắp các phía đến được với kẻ có quyền lực tuyệt đối, nơi chỉ cần nói to là rót được vào tai kẻ mang quyền lực đó, ở đó thường bắt gặp nhiều hơn những con người tìm cách lợi dụng chỗ yếu đuối và sống nhờ vào những đam mê của kẻ mang quyền lực đó hơn là ở các chế độ quân chủ chuyên chế. Không phải con người ở đó tồi tệ hơn con người nơi khác, mà vì sự cám dỗ ở đó mạnh hơn và cơ may cám dỗ cùng một lúc được đem tới cho nhiều người hơn. Nó dẫn đến tình trạng tâm hồn mọi con người đều cùng bị hạ thấp xuống.

Các nước cộng hoà dân chủ mang tới cho đại đa số con người đầu óc bè phái và làm cho đầu óc đó cùng lúc ăn sâu vào tất cả các tầng lớp. Đó là một trong những điều chê trách nặng nề có thể gửi tới các nước như vậy.

Điều đó càng đúng trong các nhà nước dân trị có tổ chức như các nước cộng hoà Mĩ, nơi phe đa số có quyền lực thật tuyệt đối và không gì kháng cự nổi, đến độ là nếu có ai đó muốn tách khỏi con đường đã được họ vạch sẵn thì kẻ đó chỉ còn một nước là hãy chối bỏ quyền công dân đã, và cũng có thể nói là hãy chối bỏ phẩm chất người của mình đi đã.

Trong đông đúc vô số người ở Hoa Kì chen chân vào nghề chính trị, tôi thấy thật hiếm người bộc lộ sự trong trắng đầy sức mạnh, cái tính cách độc lập của con đực trong tư duy, cái phẩm chất thường thấy ở người Mĩ thời xưa mà hễ ở đâu ta bắt gặp thì đều thấy đó là nét bộc lộ mãnh liệt những nhân cách vĩ đại. Thoạt nhìn, ta sẽ nói là ở Mĩ đầu óc con người đều được đào luyện theo một khuôn mẫu chừng nào con người ở đó vẫn còn đi chung đường. Và quả tình người nước ngoài tới đây đôi khi có thể bắt gặp những người Mĩ đi chệch khỏi các công thức cứng rắn. Có khi những con người này kêu ca than phiền về những mặt trái trong luật pháp, về tính bấp bênh của nền dân trị và sự thiếu sáng láng của chế độ này. Có khi họ còn nhận xét và nêu ra những sai lầm làm biến dạng tính cách dân tộc đi, và họ chỉ ra các phương tiện sửa chữa. Nhưng chẳng có ai nghe họ, trừ bạn. Và bạn, người được họ tin cậy chia sẻ những ý nghĩ kín đáo đó, bạn chỉ là một người nước ngoài xa lạ, bạn tới rồi bạn lại đi thôi. Họ tình nguyện cho bạn thấy những sự thật vô ích đối với bạn, và khi trở về với mọi người giữa đám đông, họ lại nói một giọng điệu khác đi rồi.

Nếu người Mĩ đọc được những dòng tôi viết đây, tôi đoan chắc có hai điều sẽ xảy ra. Một là, tất cả các độc giả sẽ lên tiếng kết tội tôi. Và hai là rất nhiều người trong bọn họ từ đáy lòng sẽ lại tha tội cho tôi.

Tôi có nghe người ta nói đến tổ quốc ở Hoa Kì. Tôi bắt gặp chủ nghĩa ái quốc thực sự trong người dân. Cũng có khi tôi đi tìm mà chẳng thấy lòng ái quốc ở những người cai trị nhân dân. Điều này dễ hiểu nhờ phép so sánh tương hỗ: bạo quyền làm đồi bại kẻ cúi mình theo những điều áp đặt hơn là kẻ đề ra những điều áp đặt. Trong các nền quân chủ chuyên chế, nhà vua lắm khi lại rất đức độ; nhưng quần thần thì bao giờ cũng đê tiện.

Đúng là ở Mĩ quần thần đều chẳng nói lối này: kính thưa Đức ông, kính thưa Bệ hạ, đó là chỗ khác biệt lớn và cơ bản. Thế nhưng họ lại nói đi nói lại về sự sáng láng tự nhiên của ông chủ. Họ không treo giải cho cái đức tính đáng chiêm ngưỡng nhất của bậc quân vương. Vì họ tin chắc rằng đã là quân vương thì có tất cả các đức tính dù không học được, cũng có nghĩa là có mà không biết mình có. Họ không đem vợ và con gái ra dâng cho chủ để những người đó thành cung phi của chủ. Họ tự mình đánh đĩ với ông chủ bằng việc xoá sổ những ý kiến riêng của mình đi.

Ở Mĩ, những nhà đạo đức học và triết học không bị buộc phải bọc các ý kiến mình trong những tấm mạng mĩ từ pháp. Nhưng trước khi rụt rè nói ra một chân lí gây khó chịu, họ nói thế này: chúng tôi biết rằng mình đang nói với những con người đứng quá cao bên trên những yếu đuối của con người để không phải lúc nào các vị cũng giữ cho mình không nổi nóng. Nhưng chúng tôi sẽ chẳng dùng một ngôn ngữ như thế này nếu chúng tôi nói với những vị với đức độ và trí tuệ của họ đã khiến họ giữa vô vàn công chúng vẫn là những người duy nhất xứng danh là những người tự do.

Làm sao mà những kẻ tâng bốc vua Louis XIV có thể tán giỏi hơn?

Về phần mình, tôi tin rằng trong tất cả các hình thức chính quyền, bất kể là chính quyền nào, sự đê tiện thì gắn bó với sức mạnh, và sự nịnh bợ thì gắn bó với quyền lực. Tôi thấy chỉ có một phương tiện ngăn ngừa con người tránh khỏi sự đồi bại: ấy là phải dùng toàn bộ sức mạnh để không có bất kì ai nắm quyền lực tuyệt đối đặng dùng quyền đó mà khiến được con người thành đê tiện.

Nguồn bản dịch: Alexis De Tocqueville (2020[1835]). Nền dân trị Mỹ. Phạm Toàn dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: Democracy in America (1835) De la démocratie en Amérique (bản tiếng Pháp)

Dịch giả:
Phạm Toàn