Coase và Covid (Bài 1)

Coase và Covid (Bài 1)

Mặc dù tuyên bố ngược lại nhưng hầu hết các biện pháp can thiệp của chính phủ, liên quan đến Covid đều không có cơ sở khoa học vững chắc. Mọi người đã quá vội vã chấp nhận sự cần thiết phải đóng cửa trường học và doanh nghiệp, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tự cách ly tại chỗ và các can thiệp không dùng thuốc khác (NPIs)(1).

Ở đây chúng tôi không đề cập đến chất lượng của các nghiên cứu dịch tễ học, vi-rút học hoặc các khoa học tự nhiên khác đã dùng để biện minh cho những biện pháp này. Chúng tôi cũng không màng tới những mô hình thống kê khác nhau dùng để dự đoán thương vong. Vấn đề là những khía cạnh kinh tế quan trọng của bệnh dịch và phản ứng của chính phủ đã bị lờ đi gần hết. Cái giá phải trả cho sự thiếu hiểu biết này có thể thực sự khổng lồ.

Hai giả định chính

Lý lẽ ủng hộ các can thiệp không dùng thuốc dựa trên hai giả định chính. Thoạt nghe thì cả hai đều có vẻ hợp lý nhưng thực ra nếu khảo sát kỹ lưỡng thì chỉ có giả định đầu tiên là vững chắc.

Giả định đầu tiên là mỗi cá nhân đều giống như một nguồn gây ô nhiễm. Mỗi cá nhân trong thời buổi covid này cũng rất giống như một nhà máy xả thải ra bầu khí quyển gần đó những hạt có khả năng gây hại cho sức khoẻ mà bên thứ ba hít phải. Và rằng virus corona và khí lưu huỳnh đioxit (SO2) chỉ có khác biệt nhỏ vì hít vào cái nào cũng rất độc hại.

Khác với giả định thứ nhất, giả định thứ hai lại rất đáng nghi hoặc. Giả định đó là chỉ có duy nhất một cách, hoặc chí ít thì đó cũng là cách tốt nhất, để bảo vệ các cá nhân khỏi bệnh dịch thông qua các hành động tập thể do chính phủ điều phối.

Theo đó, cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta khỏi hít phải không khí ô nhiễm từ các ống khói là chính phủ bắt buộc các nhà máy phải giảm lượng phát thải lưu huỳnh đioxit ra khí quyển, tương tự, cách tốt nhất để bảo vệ chúng ta khỏi bầu không khí bị ô nhiễm từ những người xung quanh là chính phủ cũng bắt buộc tất cả mọi người giảm thiểu lượng vi-rút corona thở ra không khí.

Vì vậy, chính phủ đã ra sắc lệnh kiểm soát ô nhiễm với các nhà máy và áp dụng các biện pháp hạn chế xã hội.

Ronald Coase và phát kiến về tính song phương của các tác hại

Để nhận ra vấn đề của giả định thứ hai, chúng ta hãy cùng vận dụng các kiến thức kinh tế học về quyền sở hữu.

Vấn đề của giả định thứ hai này đã được Ronald Coase - nhà kinh tế học vĩ đại đoạt giải Nobel (1910-2013), xác định cách đây 60 năm. Một trong các ý tưởng sâu sắc được trình bày trong bài báo seminar của ông vào năm 1960 là “Vấn đề chi phí xã hội”, tức là sự thừa nhận các tác hại mà con người chúng ta gây ra cho người khác luôn có tính chất song phương.

Theo Coase, “song phương” đơn giản có nghĩa là khi một người bị tổn hại từ một hành động của một người khác, thì cả hai đều dính dáng đến tổn hại này. Anh Jones không thể làm hại chị Smith trừ khi chị Smith ở trong vị thế bị tổn hại do hành động của anh Jones. Mới nghe, quan điểm này của Coase có vẻ quá đỗi tầm thường.

Tuy nhiên nếu chúng ta phân tích kỹ những hàm ý của thực tế này, như Coase từng làm, thì có thể sẽ khám phá ra các góc nhìn kinh tế sâu sắc.

Bởi vì anh Jones không thể làm hại chị Smith trừ khi chị ấy ở trong tình thế bị Jones làm hại, về nguyên tắc, chị Smith có thể giảm bớt, hoặc thậm chí né tránh các tác hại bằng cách thoát khỏi vị trí mà chị ấy phải chịu hậu quả từ hành động của Jones.

Bạn có bị mất ngủ vào ban đêm bởi ông Tom hàng xóm đang tập thổi kèn tuba không? Bạn sẽ không bị mất ngủ nữa nếu chuyển sống ở nơi khác. Tom có thấy bực bội khi bạn thuyết phục ban quản lý tòa nhà yêu cầu ông ấy không tập kèn tuba vào nửa đêm không? Hẳn là ông ta sẽ không khó chịu như vậy nếu sống một mình trong ngôi nhà cách xa hàng xóm.

Ở đây, không có ý đổ lỗi cho vì bạn bị mất ngủ do ông Tom tập kèn tuba lúc nửa đêm. Mà điều quan trọng là lựa chọn của bạn chứ không phải chỉ lựa chọn của Tom cũng góp phần vào kết quả đau khổ này. Để xác định được lỗi của ai, hay nói một cách trang trọng hơn là để xác định trách nhiệm pháp lý, chúng ta cần phải đánh giá quyền sở hữu đối với không gian mà bạn và ông Tom cùng chia sẻ.

Liệu mỗi người thuê phòng có quyền có một không gian yên tĩnh trong phòng vào ban đêm không? Nếu có, ông Tom đã sai khi thổi kèn tuba và khiến cho bạn thức trắng đêm. Ngược lại, nếu người thuê không có quyền đó thì bạn đã sai khi phàn nàn về tiếng kèn tuba lúc nửa đêm của Tom.

Cả hai hoạt động - chơi nhạc cụ và ngủ - đều hoàn toàn vô tội. Hơn nữa, cũng không có bên nào có ý định làm hại bên nào. Thay vào đó, chúng ta có một mâu thuẫn thuần tuý về sử dụng một nguồn tài nguyên khan hiếm, cụ thể là không gian của khu chung cư. Vậy chúng ta phải làm gì?

Trên thực tế, mọi người khi ở vị trí của bạn và Tom thường sẽ đưa nhau ra tòa. (Đó có thể là một tòa án chính thức, hoặc trong ví dụ này khả năng cao hơn là “tòa án” không chính thức do bà Lou, quản lý tòa nhà làm chủ tọa.) Phiên tòa - chúng tôi giả định là không thiên vị - sẽ lắng nghe lời phàn nàn của bạn cùng với lời bào chữa của ông Tom để sau đó đưa ra quyết định.

Trong trường hợp này, quyết định chắc chắn sẽ có lợi cho bạn. Lý do là tòa án sẽ biết rằng hầu hết mọi người đều có mong muốn chính đáng là có thể ngủ vào ban đêm mà không bị quấy rầy bởi tiếng ồn (có thể tránh được) từ nhà hàng xóm. Mặc dù tòa án có thể không nhận thức được đầy đủ chi tiết của lý lẽ nhưng họ có thể hiểu được rằng chi phí mà Tom phải chịu khi không chơi kèn tuba vào ban đêm ít hơn chi phí mà bạn phải chịu nếu anh ta không làm như vậy. Nếu tòa án ra phán quyết có lợi cho Tom, bạn chắc chắn buộc phải chuyển sang một căn hộ khác hoặc lắp đặt hệ thống cách âm đắt tiền trên tường và trần nhà của bạn - có nghĩa bạn phải chịu một chi phí cao hơn chi phí mà Tom phải chịu khi không tập kèn tuba vào ban đêm.

Nói tóm lại, quyết định “đúng đắn” nhất là giải quyết các mâu thuẫn về sử dụng không gian khan hiếm bằng cách có chi phí thấp nhất. Mặc dù bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển đi nơi khác hoặc lắp đặt tấm cách âm, nhưng Tom vẫn phải chịu trách nhiệm bằng cách giữ trật tự vào ban đêm.

Giờ thì hãy thử thay đổi ví dụ. Giả dụ rằng vì giá thuê quá rẻ nên bạn cố tình thuê một căn hộ có chung tường với một nhà máy sản xuất kèn tuba mà ở đó công nhân thử kèn 24/7. Chẳng chóng thì chầy, bạn sẽ nhận ra mình không thể ngủ được. Bạn quyết định kiện nhà máy tuba ra tòa.

Tòa án sẽ xử thắng cho nhà máy sau khi nói với bạn rằng bạn đáng lẽ phải hiểu được vấn đề này khi thuê căn hộ như thế. Cho dù tòa án có nói rõ hay không, thì một hàm ý quan trọng của phán quyết này là chi phí bạn phải trả để tìm một căn hộ khác thấp hơn chi phí mà nhà sản xuất kèn tuba xây dựng và chuyển đến một nhà máy khác.

Trong thực tế, vấn đề có thể được giải quyết bằng cách yêu cầu nhà sản xuất tuba chuyển đến một nhà máy khác. Trong ví dụ thứ hai này, giải pháp có chi phí thấp nhất là bạn chuyển đến một căn hộ yên tĩnh hơn để tòa án không ra lệnh đóng cửa nhà máy tuba nữa.

Các biện pháp hạn chế xã hội (NPI) không phải là lựa chọn duy nhất

Bây giờ hãy quay trở lại với Covid. Một giả định ngầm làm cơ sở cho các biện pháp hạn chế xã hội đó là bắt buộc mọi người ở nhà và “giãn cách xã hội” với nhau là phương án có chi phí thấp nhất để bảo vệ từng cá nhân khỏi dịch Covid, bất kể sự gián đoạn diện rộng của các hoạt động kinh tế, xã hội mà các biện pháp đó kéo theo.

Nhưng ngay cả khi chúng ta tin rằng các biện pháp hạn chế xã hội thực sự có hiệu quả để giảm tác hại truyền nhiễm do Covid gây ra thì đây cũng phải là những biện pháp duy nhất để đạt được kết quả mong muốn này. Và nếu chúng không phải biện pháp duy nhất thì chúng chỉ có thể biện minh được nếu chúng là các biện pháp tốn kém ít nhất.

Trong bài luận tiếp theo, chúng tôi sẽ tranh luận rằng phương án dựa vào mỗi cá nhân để bảo vệ bản thân khỏi Covid đã bị bác bỏ quá nhanh chóng, đến mức phương án này chưa từng được xem xét. Chúng tôi sẽ đưa ra luận điểm rằng, chắc chắn trên nguyên tắc và có lẽ cũng trên thực tế, cách tốt nhất để đối phó với Covid là dựa vào việc các cá nhân tự quyết định một cách độc lập thay vì dựa vào hành động tập thể do chính phủ điều phối.

(Xem tiếp Bài 2: Giải pháp cá nhân hoá; Bài 3: Dãy phổ tần)

Chú thích:

(1) Can thiệp không dùng thuốc (NPI): là các biện pháp cách ly, phong toả, hạn chế xã hội. Sau đây xin gọi là các biện pháp hạn chế xã hội.

Nguồn: Lyle D. Albaugh & Donald J. Boudreaux, Coase và Covid, AIER, 10/9/2020

Dịch giả:
Nguyễn Ngọc Thành
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh

Tác giả liên quan