Coase và Covid (Bài 3): Dãy phổ tần

Coase và Covid (Bài 3): Dãy phổ tần

(Tiếp theo Bài 1: Coase và Covid; Bài 2: Giải pháp cá nhân hoá)

Để đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 chúng tôi ủng hộ “giải pháp cá nhân hoá” như trình bày trong bài luận trước . Có nghĩa là, trong khi chúng tôi nhận ra cả mối nguy hiểm do coronavirus gây ra cho nhiều người và thực tế là những người bị nhiễm mầm bệnh này có thể lây lan khi đến gần những người khác, chúng tôi cho rằng phương pháp ít tốn kém nhất để giảm thiểu tác hại là để mỗi cá nhân thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào mà họ chọn.

Nếu điều này đúng, không có lý do xác đáng nào để chính phủ hạn chế đi lại hay hoạt động của các cá nhân.

Chúng tôi nhận thức được rằng đề xuất của chúng tôi về việc trao trách nhiệm phòng tránh Covid lên vai mỗi cá nhân có vẻ cực đoan, và có lẽ hết sức khó hiểu. Tuy nhiên tính hợp lý của đề xuất này được thể hiện qua minh chứng là thái độ phổ biến về vắc xin chống Covid.

Theo nhận thức thông thường, chúng ta sẽ không còn cần đến phong tỏa bắt buộc của chính phủ và các hạn chế tương tác xã hội nếu và khi một loại vắc xin an toàn và có hiệu quả được phổ biến rộng rãi. Một số người có thể tin rằng lợi ích của một loại vắc xin phụ thuộc vào việc nó được sử dụng đối với người khác:  Jones sẽ không còn sợ đám đông vì anh biết rằng những người lạ đã được tiêm vắc xin sẽ không thể lây bệnh cho anh được.

Nhưng chắc chắn nhiều người khác cũng nhận thấy rằng lợi ích mật thiết hơn của vắc xin chính là nó có thể bảo vệ mỗi cá nhân được tiêm phòng khỏi bị lây nhiễm, bất kể những người khác có được tiêm phòng hay không.

Nếu Smith có thể bảo vệ chính cô khỏi lây nhiễm Covid bằng một loại vắc xin với chi phí thấp, thì chính phủ không cần bắt những người khác phải ở yên trong nhà, phải giãn cách xã hội, phải đeo khẩu trang, hoặc bị hạn chế trong việc quay trở lại cuộc sống bình thường. Nếu được tiêm vaccine, mỗi người sẽ trở thành: “người phòng bệnh với chi phí thấp”, như các nhà kinh tế thường gọi. Nếu Smith chọn không tiêm vắc xin, hoặc bất cẩn mà không tiêm vắc xin, cô ấy – chứ không phải ai khác – được coi là nguyên nhân cho bất kỳ tác hại nào cô ấy phải gánh chịu.

Lưu ý thêm rằng với một vắc xin hiệu quả, không có lý do gì để bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin đó. Nếu Smith không được tiêm phòng, thì theo đó, cô ấy chọn việc chấp nhận rủi ro lây nhiễm từ bất kỳ người mang bệnh nào. Bởi vì Smith có thể tiêm phòng dễ dàng, nên việc Jones từ chối không tiêm phòng không thể coi là gây ra bất kỳ nguy hại nào đối với Smith – người không được tiêm phòng

Một loạt các khả năng

Về khía cạnh kinh tế, sự bảo vệ của vắc xin có thể đơn giản ví như một cực của dãy phổ tần số. Ở cực bên kia của dãy phổ này là xác suất được bảo vệ hoàn toàn bằng các biện pháp phong tỏa bắt buộc của chính phủ và các biện pháp liên quan.

Chúng tôi thừa nhận trên lý thuyết có khả năng mầm bệnh có thể bùng phát không chỉ gây tử vong một cách cao bất thường mà còn có thể dễ dàng xuyên qua khẩu trang và bất kỳ đồ bảo hộ cá nhân nào. Trong những trường hợp cực đoan như vậy, lý lẽ ủng hộ chính phủ thực hiện các lệch phong tỏa bắt buộc sẽ mạnh mẽ hơn vì không một cá nhân nào có khả năng đáng kể để bảo vệ chính mình khỏi mầm bệnh được phát tán vào bầu không khí.

Tuy nhiên khi chúng ta rời xa các cực của dãy phổ tần (rời xa tình huống cực đoan) đó để đến các tình huống thực tế hơn, có thể thấy rằng khả năng mà mỗi cá nhân có thể tự bảo vệ mình khỏi virus với chi phí phù hợp, cũng gia tăng. Ở một điểm nào đó, biện pháp bảo vệ khỏi vi rút có chi phí rẻ nhất không liên quan đến các hành động tập thể do chính phủ điều phối, mà thay vào đó chỉ liên quan đến các hành động tự nguyện của cá nhân. Tiêm phòng vaccine là minh chứng lý tưởng và rõ ràng nhất cho các hành động tự nguyện của cá nhân.

Câu hỏi đáng quan tâm lúc này là: Chúng ta đang ở đâu trong dãy phổ tần này? Đúng là là sự bảo vệ bằng các thiết bị bảo hộ cá nhân sẵn có, cũng như khả năng mỗi cá nhân lựa chọn tự cách ly có thể không an toàn bằng sự bảo vệ bởi vắc xin. Tuy nhiên, thực tế là mỗi cá nhân đã có sẵn năng lực ở mức chi phí tương đối thấp để đạt được một mức độ tự bảo vệ đáng kể bất luận người khác hành động thế nào. Do đó, các biện pháp giới hạn của chính phủ đối với công việc, trường học, du lịch, mua sắm, tiệc tùng, và tất cả các loại hình tụ tập xã hội khác chỉ hợp lý nếu chi phí của những biện pháp này thấp hơn chi phí của việc tự bảo vệ của mỗi cá nhân.

Chúng tôi đã lập luận trong bài luận trước của mình rằng chi phí mà các cá nhân tự bỏ ra để bảo vệ bản thân gần như chắc chắn thấp hơn nhiều so với chi phí của các biện pháp chính phủ áp đặt để hạn chế các hoạt động tập trung xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng có nhiều vấn đề phức tạp có thể đặt dấu hỏi cho khẳng định đó.

Ví dụ, nếu thực hiện phong tỏa chặt chẽ trong khoảng 1 tháng chẳng hạn có thể hoàn toàn loại bỏ vi rút thì sao? Liệu chi phí của việc phong toả triệt để như vậy có nhỏ hơn chi phí mà những người dễ bị tổn thương, những người sợ rủi ro nên tự cách ly và những người mặc quần áo phòng dịch vô thời hạn phải gánh chịu?

Có khả năng. Trên thực tế có thể liệt kê vô số giả thuyết khác nhau như vậy, với nhiều giả thuyết trong số này cho thấy khả năng phong tỏa là phương pháp có chi phí thấp nhất – cách “tốt nhất” đối phó với virus. Nhưng trong khi chính sách công không bao giờ có đủ tri thức hoàn hảo về tương lai, nó cũng không nên được hoạch định chỉ dựa trên các khả năng lý thuyết. Phạm vi của những khả năng có thể xảy ra lớn hơn rất nhiều so với phạm vi của những gì hợp lý có thể xảy ra. Và chính sách công chỉ nên được thực hiện dựa trên những gì hợp lý.

Có hợp lý không?

Có hợp lý không nếu tin rằng các quan chức chính phủ có đủ kiến ​​thức chính xác và chi tiết về mức độ ảnh hưởng của các hạn chế bắt buộc đối với xã hội và ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là theo thời gian, để chúng ta có thể tin tưởng họ chỉ thực hiện những biện pháp hạn chế đảm bảo lợi ích lớn hơn chi phí?

Liệu có hợp lý khi tin rằng ngay cả khi việc phong tỏa trong trường hợp cụ thể của Covid-19 thỏa mãn bài toán chi phí - lợi ích hôm nay thì việc mở rộng quyền lực của các chính phủ ngày nay sẽ không bị lạm dụng trong tương lai? Và liệu có hợp lý không khi một công dân bị kiểm soát, khuất phục và thao túng ở mức độ lớn chưa từng có bởi các đợt phong tỏa Covid-19 sẽ khôi phục được đủ ý thức về trách nhiệm cá nhân và mong muốn tự do để họ có thể chống lại thói lạm quyền của chính phủ trong tương lai?

Chúng tôi tin tưởng rằng câu trả lời cho tất cả các câu hỏi này là “Không!”.

Chúng tôi không thể tìm thấy lý do chính đáng nào để tin rằng cùng một quan chức chính phủ - những người thường có tầm nhìn xa nhất là cuộc bầu cử tiếp theo - những người thường tỏ ra hoàn toàn thiếu hiểu biết về các thực tế cơ bản của nền kinh tế - những người thường hy sinh phúc lợi công cộng để đảm bảo các lợi ích nhóm đặc biệt - và những người thường xuyên nói dối và che giấu cảm xúc của mình, trong bất kỳ tình huống thực tế nào, có khả năng sử dụng quyền lực cực kỳ to lớn để thực hiện phong tỏa theo những cách thỏa mãn bài toán chi phí-lợi ích. Khi chúng tôi tính đến toàn bộ chi phí của việc phong tỏa và các biện pháp liên quan, bao gồm cả những tiền lệ nguy hại mà các biện pháp này chắc chắn sẽ mang lại, rõ ràng rằng cách thức bảo vệ chống lại dịch bệnh như Covid-19 với chi phí thấp nhất – tức là cách tốt nhất-chính là trách nhiệm cá nhân.

Nguồn: Lyle D. Albaugh & Donald J. Boudreaux, Coase and Covid: The Spectrum, AIER, 22/9/2020

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Dịch giả:
Phạm Lan Hương
Hiệu đính:
Nguyễn Văn Thịnh

Bài viết liên quan