Hiến pháp trị là gì? (Phần 1)

Hiến pháp trị là gì? (Phần 1)

Trong bài luận trước, tôi đã bàn về ý nghĩa của pháp trị. Bắt đầu từ bài này, tôi sẽ phác họa những định chế khiến cho pháp trị khả thi. Đặc biệt, trong tiểu luận này, tôi sẽ thảo luận về khái niệm quan trọng trong việc nghiên cứu pháp trị, đó là lý thuyết hợp hiến tự do. Trong bài kế (sẽ phát hành trên số tháng 8 của Perspectives), tôi sẽ phân tích quan hệ giữa lý thuyết hiến pháp trị và pháp trị.

Lý thuyết hợp hiến tự do là gì? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải trả lời một câu hỏi cơ bản: hiến pháp là gì? Hiến pháp là “một hợp đồng giữa chính quyền và người dân theo đó quyền cai trị của chính quyền do người dân trao cho” (theo Tự Điển Luật Pháp của Black). Hiến pháp đề ra hình thể của chính quyền. Nó chỉ định mục đích của chính quyền, quyền hạn của mỗi nha, bộ trong chính quyền, quan hệ chính quyền và xã hội, quan hệ giữa các cơ quan trong chính quyền, và những giới hạn của chính quyền. Lý thuyết tự do cổ điển cho rằng quan hệ giữa chính quyền là khế ước xã hội to lớn. Theo lý thuyết này thì, trong một đất nước dân chủ tự do, hiến pháp là bộ phận chủ yếu của khế ước xã hội này; nó chính là khế ước cơ bản giữa chính quyền và xã hội dân sự.

Chúng ta còn có thể xem hiến pháp như bảng liệt kê công tác. Trong quốc gia dân chủ tự do, toàn thể nhân dân thuê một số viên chức để điều hành chính quyền lo cho các lợi ích công cộng, và hiến pháp chính là hợp đồng công việc và bảng liệt kê công tác. Dĩ nhiên, các luật lệ khác cũng là bảng liệt kê công tác cho chính quyền, nhưng hiến pháp là tối cao. Hiến pháp chính là bản hướng dẫn cho công việc lập pháp và cho việc diễn giải pháp luật.

Trong hệ thống hiến pháp tự do, còn một điểm khác biệt quan trọng giữa hiến pháp và luật pháp thông thường. Luật pháp thông thường có thể được cơ quan lập pháp quốc gia sửa đổi hoặc hủy bỏ, hay bị cơ quan tư pháp tuyên bố là bất hợp pháp hoặc bất hợp hiến, nhưng cơ quan lập pháp quốc gia không có quyền đơn phương sửa đổi hoặc hủy bỏ hiến pháp, và cơ quan tư pháp không có quyền để tuyên bố hiến pháp là bất hợp pháp. Thí dụ như tại Hoa Kỳ, Bản Hiến Pháp chỉ có thể được sửa đổi sau khi ba phần tư cơ quan lập pháp của các tiểu bang chấp thuận, hoặc sau khi các hội nghị hiến định tại ba phần tư các tiểu bang chấp thuận. Cơ quan lập pháp liên bang không thể đơn độc thay đổi Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Trong những hệ thống hiến pháp khác, đôi khi cần phải có các cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc để sửa đổi hiến pháp.

Một cách khác để nhìn bản hiến pháp là xem nó như công cụ cam kết. Ở quốc gia dân chủ tự do, bản hiến pháp không những chỉ ràng buộc chính quyền, mà còn nhân dân nữa. Thông qua hiến pháp, tập thể dân chúng cam kết tuân theo một thủ tục tổ chức nhất định về cách thức quản trị công việc chung và giải quyết xung đột xã hội. Bản hiến pháp không chỉ hạn chế sự chuyên quyền của chính quyền, mà còn ngăn ngừa đối với việc quản trị chính quyền bị đầu độc bởi tính khí và cảm xúc ngắn hạn của dân chúng. Qua bản hiến pháp, toàn thể nhân dân cam kết tuân theo những sự kiểm soát đã được quy định hầu có thể ngăn ngừa các cảm xúc thất thường của công chúng.

Trong quá trình thiết lập hiến pháp theo thể thức dân chủ có một điều đặc biệt. Trong quá trình này, thật khó phân biệt đâu là đa số và đâu là thiểu số vì người dân bị “bức màn vô minh” che mắt (cho dù không hoàn toàn như thế) khi họ hoạch định hiến pháp. Nghĩa là tại thời điểm thiết lập hiến pháp, không ai có thể nào tiên đoán được vào lúc nào và bằng cách nào một người sẽ thuộc về phe thiểu số hay đa số đối với những vấn đề của tương lai. Do đó, mức nguy hiểm của “đa số chuyên chế” được giảm thiểu một cách đáng kể trong quá trình thiết lập hiến pháp. Đây là lý do khiến quá trình thiết lập hiến pháp dân chủ đưa tới hình thức dân chủ đặc biệt và cao cấp hơn (xin tham khảo lý thuyết về “lập pháp cao đẳng” của Bruce Ackerman).

Bây giờ chúng ta có thể trở lại với công việc định nghĩa thuyết hiến pháp trị. Tương tự như tự do hay dân chủ, “thuyết hiến pháp trị” cũng là một từ ngữ lờ mờ, và mỗi người khác nhau lại có ý niệm khác nhau về ý nghĩa của lý thuyết này. Giovanni Sartori định nghĩa thuyết hiến pháp trị tự do phải được cấu tạo bởi những yếu tố sau đây: (1) có một bộ luật cao đẳng, hoặc có văn bản hoặc không, gọi là hiến pháp; (2) có sự giám sát pháp lý; (3) có cơ quan tư pháp độc lập gồm các chánh án độc lập chuyên về lý luận luật pháp; (4) nếu có thể, có thủ tục tố tụng nhất định; và căn bản nhất, (5) có thủ tục liên kết để thiết lập phương pháp tạo luật và nó được xem như cái hãm phanh hiệu quả trong việc hình thành luật pháp chỉ bằng lý trí (Sartori, 1987, trang 309). Định nghĩa của Sartori nhấn mạnh mặt pháp trị của thuyết hiến pháp trị tự do.

Trong phạm vi bài này, thuyết hiến pháp trị (được hiểu theo khái niệm miêu tả) là hệ thống có những định chế chính trị với bộ luật tối cao (thường được gọi là “hiến pháp”), trong đó tất cả (đặc biệt là toàn bộ hệ thống chính quyền) được cai quản bởi bộ luật tối cao này, mà chỉ có dân ý (được định nghĩa qua thủ tục định chế đã được ấn định trước, thường là qua cơ cấu bầu cử tuyệt đại đa số) mới có thể thay thế và sửa đổi bộ luật tối cao; bộ luật tối cao này cũng khó thay đổi vì không dễ gì thu thập đủ sự ủng hộ đa số cần thiết, và thêm vào đó có phân ngăn, kiểm soát và cân bằng quyền lực, và cơ quan tư pháp độc lập chuyên về lý luận luật pháp bảo tồn sự tối cao của hiến pháp. Một số tác giả, vì nghĩ rằng có nhiều lý thuyết về hiến pháp và định nghĩa thuyết hiến pháp trị một cách lỏng lẻo là bất cứ hệ thống chính trị nào có hiến pháp (đủ loại), sẽ gọi định nghĩa về thuyết hiến pháp trị của chúng ta là “thuyết hiến pháp trị tự do”. Trong tiểu luận này, tôi sẽ dùng “thuyết hiến pháp trị” và “thuyết hiến pháp trị tự do” có cùng nghĩa như nhau, bởi vì “các hệ thống hợp hiến, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, đều … chính là các chế độ tự do” (Sartori, 1987, trang 309).

Chúng ta có thể rút ra nhiều hàm ý từ định nghĩa trên của thuyết hiến pháp trị. Thứ nhất, thuyết hiến pháp trị là chủ nghĩa tự do được thể hiện thành định chế. Qua việc chế ngự và kiểm soát quyền lực của chính quyền bằng hiến pháp tối cao, và qua việc bảo tồn quyền tối thượng của nhân dân, thuyết hiến pháp trị bảo đảm rằng quyền lực của chính quyền bị hạn chế. Thứ nhì, thuyết hiến pháp trị không thừa nhận quyền tối thượng của cơ quan lập pháp. Thay vào đó, nó chỉ thừa nhận quyền tối thượng của nhân dân. Dưới thuyết hiến pháp trị tự do, không cơ quan lập pháp nào cao cấp hơn bản hiến pháp. Cơ quan lập pháp do hiến pháp tạo ra và được cai quản bởi bản hiến pháp. Thứ ba, thuyết hiến pháp trị tự do dựa vào quan điểm đặc thù của chủ nghĩa tự do về bản chất con người, đó là khuynh hướng lo tư lợi của tất cả mọi người. Tiền đề căn bản của thuyết hiến pháp trị tự do, như Stephen Holmes viết, là sự thật sau đây: “là người bình thường, kẻ cầm quyền cũng cần phải được cai trị” (Holmes, 1995, trang 5). Có nghĩa là, vì quyền lợi cá nhân là điều phổ thông, cho nên người cầm quyền cũng không là ngoại lệ. Bởi vì người cầm quyền, cũng như mọi người thường, luôn có quyền lợi cá nhân, người cầm quyền cũng cần phải được khép vào khuôn khổ của pháp trị.

Ngoài ra, đoạn văn sau đây, trích dẫn từ quyển sách độc đáo về chủ nghĩa tự do của Holmes, giúp cho chúng ta hiểu thêm về khái niệm thuyết hiến pháp trị tự do:

“Bất cứ cơ quan nào sử dụng đủ quyền lực để bảo vệ tôi khỏi bị hàng xóm cướp bóc, tất có thể sử dụng đủ quyền lực để phá hủy hoặc nô lệ hóa tôi. Nghịch lý này nằm trong gốc rễ của lý thuyết hiện đại về tình trạng thiên nhiên: Làm sao chúng ta thoát khỏi tình trạng vô chính phủ mà không sa vào chính thể chuyên chế? Làm cách nào chúng ta ấn định đủ quyền lực cho người cầm quyền để điều khiển người bị trị, mà vẫn có thể ngăn ngừa quyền hành tích lũy này không bị lạm dụng?… Giải pháp dân chủ tự do cho vấn nạn này là thuyết hiến pháp trị. Ngày nay, vẫn còn một số chính thể dân chủ tự do [chẳng hạn Anh Quốc] hoạt động với bộ luật cơ bản bất thành văn và hợp pháp. Tuy nhiên, họ vẫn tổ chức chính quyền theo cách hợp hiến rộng rãi, đặt dân chúng dưới chức trách của chính quyền và cùng một lúc đặt chính quyền dưới chức trách của nhân dân. Lý do này khiến chính quyền tự do là sáng kiến xuất sắc, bởi vì mục đích của nó là giải quyết vấn đề vô chính phủ và vấn đề chuyên chế trong một hệ thống luật pháp duy nhất và chặt chẽ” (Holmes, 1995, trang 270-271).

Cần có hai điều lưu ý tại đây. Thứ nhất, một quốc gia với bản hiến pháp thành văn không hẳn sẽ thực thi thuyết hiến pháp trị. Chính quyền hợp hiến là chính quyền bị hạn chế, trong khi đa số các hiến pháp xã hội, mặc dù thành văn, lại không đặt giới hạn cho những gì chính quyền có thể làm. Thứ hai, một quốc gia với hiến pháp bất thành văn, mặt khác, có thể thực sự hoạt động dưới thuyết hiến pháp trị. Vương quốc Anh không có văn kiện mang tên “Bản Hiến Pháp Hoàng Gia,” nhưng chẳng ai nghi ngờ rằng chính quyền Anh không phải là chính quyền theo hiến pháp trị. Tuy Anh Quốc không có bản hiến pháp thành văn nào, họ lại có một số văn kiện với sức mạnh của hiến pháp. Những văn kiện này gồm có Đại Hiến Chương (1215), Đạo Luật Dân Quyền (1689), Đạo Luật Định Cư (1701), và một số các đạo luật đặc biệt của Quốc Hội Anh. Các văn kiện này, cùng với truyền thống chính trị và pháp lý của Anh Quốc, tạo thành nền móng cho chính quyền hợp hiến. Trái lại, Hoa Kỳ có văn kiện độc nhất gọi là Bản Hiến Pháp. Bản Hiến Pháp thành văn của nước Mỹ, cùng với diễn giải và khai triển tiếp theo của cơ quan tư pháp, tạo thành nền móng cho chính quyền hợp hiến. Câu trích dẫn sau đây từ quyển Chính trị Đối chiếu của Gregory Mahler làm sáng tỏ hơn:

“Khi thảo luận về chính quyền hợp hiến, kỳ thực chúng ta không nói tới có văn kiện độc nhất và cụ thể hay không, mà chúng ta chú ý đến một loại thái độ chính trị, văn hóa chính trị, truyền thống chính trị, hoặc lịch sử chính trị … Hình thức có thể biến đổi, nhưng kết quả về cung cách luôn giống nhau: chính quyền chỉ có thể làm những gì trong giới hạn được cho phép.” (Mahler, 2000, trang 28).

Thuyết hiến pháp trị nói về mức độ tối cao của bản hiến pháp. Làm cách nào để bảo đảm quyền tối thượng của hiến pháp? Chúng ta đã thấy quyền tối thượng của Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ một phần được duy trì nhờ một nguyên tắc ấn định rằng cơ quan lập pháp liên bang (hay bất cứ cơ quan nào thuộc về chính quyền liên bang) là sản phẩm của Bản Hiến Pháp liên bang, và không có quyền đơn phương sửa đổi Hiến Pháp (mặc dù chính quyền liên bang có thể đề nghị các điều khoản sửa đổi). Nói một cách khác, các cơ quan chính quyền không được đơn phương thay đổi các giới hạn quyền lực do hiến pháp đặt ra. Nếu không, hiến pháp không còn gì là thượng tôn nữa.

Tuy vậy, giới hạn thành văn của hiến pháp không tự trói buộc chính nó. Bạo chúa sẽ không trở thành người cầm quyền rộng lượng chỉ vì hiến pháp bảo họ phải làm như vậy. Hầu để đề phòng vi phạm lên ngôn từ lẫn tinh thần của hiến pháp, cần phải có một số định chế. Louis Henkin định nghĩa thuyết hiến pháp trị gồm có những yếu tố sau đây: (1) chính quyền phù hợp với hiến pháp; (2) phân ngăn quyền lực; (3) chủ quyền của nhân dân và chính quyền dân chủ; (4) giám sát pháp lý; (5) cơ quan tư pháp độc lập; (6) chính quyền hạn chế bởi đạo luật dân quyền; (7) kiểm soát cảnh sát; (8) quân đội nằm dưới sự điều khiển của dân sự; và (9) không quyền lực nào của nhà nước, hoặc quyền lực nào của nhà nước dù rất hạn chế có thể đình chỉ hoạt động của một phần hoặc toàn thể hiến pháp (xin xem Henkin, 2000).

Nói một cách tổng quát, chín yếu tố trong thuyết hiến pháp trị của Henkin có thể chia thành hai nhóm, tương ứng với hai chức năng cơ bản của hiến pháp tự do: một chức năng liên quan tới xây dựng quyền lực và cung cấp quyền lực; còn chức năng kia liên hệ đến bảo vệ dân quyền. Hai nhóm trong định chế này hỗ tương để bảo đảm mức tối cao của hiến pháp, sự hiện hữu của một chính quyền có giới hạn nhưng vững mạnh, và sự bảo vệ quyền tự do căn bản.

Tài liệu tham khảo:

1. Hamilton, Alexander, James Madison and John Jay. The Federalist Papers. London: Everyman, 1996.

2. Henkin, Louis. “Elements of Constitutionalism.” Unpublished Manuscript, 2000.

3. Holmes, Stephen. Passions and Constraint: On the Theory of Liberal Democracy. Chicago: University of Chicago Press, 1995.

4. Mahler, Gregory. Comparative Politics: An Institutional and CrossNational Approach. Upper Saddle River, New Jersey: Prentice Hall, 2000.

5. Sartori, Giovanni. The Theory of Democracy Revisited. Chatham, New Jersey: Chatham House, 1987.

Nguồn bản dịch: Lý Ba. Hiến pháp trị là gì? http://www.icevn.org/vi/HienPhapTriLaGi