[Khảo lược Adam Smith] - Chương I: Adam Smith, một nhân vật quan trọng
Adam Smith (1723-1790), một nhà triết học và kinh tế học nổi tiếng người Scotland với tác phẩm An Inquiry into the Nature and Causes of The Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia) (1776), một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất từng được viết ra từ xưa đến nay. Smith, dựa trên nhận thức hoàn toàn mới về cách thức hoạt động của xã hội hiện đại, đã đưa tư duy của chúng ta về đời sống kinh tế từ hình thức cổ đại đến một hình thức khác hẳn.
QUAN NIỆM CŨ VỀ KINH TẾ HỌC
Thực vậy, Smith đã làm thay đổi tư tưởng của chúng ta đến mức khó mà mô tả được hệ thống kinh tế từng giữ thế thượng phong trong thời ông. Cái gọi là phái lợi thương lúc đó đo lường tài sản quốc gia bằng số vàng và bạc có trong kho. Nhập khẩu từ nước ngoài được coi là có hại vì người ta cho rằng phải bán tài sản thì mới có tiền thanh toán, còn xuất khẩu được coi là tốt vì mang về kim loại quí. Thương mại chỉ làm giàu cho người bán chứ không phải người mua và một dân tộc chỉ có thể giàu lên nếu các dân tộc khác bị nghèo đi.
Trên cơ sở quan niệm như thế, hệ thống các quan điểm và định chế kiểm soát rộng khắp được dựng lên nhằm ngăn chặn, không để cho tài sản quốc gia bị bòn rút - đặt ra thuế nhập khẩu, trợ cấp cho các nhà xuất khẩu và bảo hộ nền sản xuất trong nước. Ngay cả các thuộc địa ở Mỹ của chính Anh quốc cũng bị trừng phạt theo kiểu đó, thiệt hại thật là thảm khốc. Trên thực tế, mọi hoạt động buôn bán đều bị nghi ngờ và chủ nghĩa bảo hộ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Để bảo vệ ngành nghề của mình, các thành phố đã thực hiện biện pháp là cấm, không cho thợ thủ công các nơi khác nhập cư; các nhà sản xuất và các thương gia thì cầu xin hoàng đế ủng hộ các tập đoàn độc quyền được che chở; các phương tiện sản xuất cần ít lao động bị cấm vì chúng đe doạ những người sản xuất hiện hữu.
HIỆU QUẢ CỦA TRAO ĐỔI TỰ DO
Smith chỉ ra rằng hệ thống các quan điểm và định chế kiểm soát theo lối lợi thương rộng khắp như thể là một sai lầm và phản tác dụng. Ông biện luận rằng hai bên đều được lợi khi họ trao đổi tự do với nhau. Rất đơn giản, người ta sẽ không trao đối nếu nghĩ rằng mình bị thiệt. Người bán được lợi mà người mua cũng thế. Nhập khẩu mang lại lợi ích cho chúng ta như thế nào thì xuất khẩu của chúng ta mang lại lợi ích cho người khác như thế ấy. Chúng ta không cần phải làm cho người khác nghèo đi thì mình mới giàu lên: thực ra, chúng ta sẽ được lợi nếu người tiêu dùng của chúng ta là những người giàu có1.
Căn cứ vào sự thật là trao đổi tự do có lợi cho cả đôi bên, Smith khẳng định rằng, giống như sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, buôn bán và trao đổi chắc chắn chỉ làm cho chúng ta thịnh vượng thêm. Tài sản của quốc gia không phải là số vàng và bạc cất giữ trong kho mà là tổng sản phẩm sản xuất và thương mại - ngày nay chúng ta gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đấy là một tư tưởng mới và đầy sức mạnh. Nó đã xuyên thủng một lỗ lớn về mặt trí tuệ vào hàng rào thương mại được dựng lên xung quanh các nước châu Âu kể từ thế kỉ XVI. Và nó còn mang lại cả kết quả thực tiễn nữa. Của cải của các quốc gia, với văn phong sắc sảo, trực tiếp, đầy thách thức, dí dỏm với nhiều thí dụ dẫn chứng, dễ hiểu đối với những người đang hành nghề, tức là những người sẽ biến ý tưởng của nó thành hành động.
Cuốn sách được xuất bản quá muộn nên không thể chặn đứng được cuộc chiến tranh với các thuộc địa ở Mỹ, nhưng đã tạo cơ sở cho sự ủng hộ tích cực nền thương mại tự do và đơn giản hóa thuế khóa của Thủ tướng William Pitt và những biện pháp tự do hóa thị trường nông sản của Sir Robert Peel sau này. Lúc đó, người ta cho rằng tác phẩm của Adam Smith đã tạo ra nền tảng cho kỉ nguyên thương mại tự do và sự phát triển kinh tế trong thế kỉ XIX. Ngay cả hiện nay, khi tư tưởng thương mại tự do đã được chấp nhận trên toàn thế giới, việc thực hiện nó vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
CHẾ ĐỘ XÃ HỘI TRÊN CƠ SỞ TỰ DO
Smith không thể nào dự đoán được rằng cuốn sách của ông lại tạo được ảnh hưởng đến như thế. Nhưng niềm tin vào quyền tự do cá nhân và tự do thương mại ngày càng gia tăng có xuất xứ trực tiếp từ nhận thức mới mẻ và cấp tiến của ông về cách thức xã hội loài người hoạt động trên thực tế. Ông nhận thức rõ rằng hài hòa xã hội sẽ xuất hiện một cách tự nhiên khi con người đấu tranh để tìm cách sống và làm việc cùng nhau. Tự do và tư lợi không nhất thiết dẫn tới hỗn loạn mà - do “bàn tay vô hình” dẫn dắt - sẽ tạo ra trật tự và hòa hợp.
Chúng còn dẫn đến việc sử dụng các nguồn lực một cách hữu hiệu nhất. Khi những con người tự do mặc cả với nhau - dù chỉ là để cải thiện điều kiện của chính mình - thì đất đai, vốn liếng, tay nghề, kiến thức, thời gian, đầu óc kinh doanh và sáng kiến đều được huy động và nhất định sẽ được dùng cho những mục đích mà họ cho là có giá trị nhất.
Như vậy là, nhà vua và các vị thượng thư không cần phải giám sát việc duy trì trật tự xã hội thịnh vượng nữa. Nó sẽ phát triển một cách tự nhiên như là sản phẩm của chính bản chất của con người. Nhưng muốn phát triển một cách tốt nhất và hoạt động một cách hữu hiệu nhất lại cần phải có thị trường cởi mở và cạnh tranh, được quyền tự do trao đổi và không bị áp chế. Nó cần luật lệ để bảo đảm sự cởi mở như cần phải có hỏa lò để giữ lửa vậy. Nó cần những điều luật công chính và đức hạnh, những điều luật chung nhất và không mang tính cá nhân, khác hẳn với sự can thiệp mang tính cá nhân là đặc thù của các chính quyền theo lối lợi thương.
Vị vậy mà Của cải của các quốc gia không chỉ là tác phẩm nghiên cứu về kinh tế học như chúng ta hiểu hiện nay mà còn là một chuyên luận mang tính đột phá về tâm lý học xã hội: về đời sống, về tài sản, về các định chế chính trị, về luật pháp và đạo đức.
TÂM LÝ HỌC CỦA ĐỨC HẠNH
Smith sống trong thời mà một người có học có thể biết tất cả mọi thứ, từ khoa học, nghệ thuật, văn học, triết học, văn học cổ điển Hy Lạp và La Mã và cả đạo đức học nữa. Và ông đã là một người như thế. Ông đã gom góp được một thư viện khổng lồ và đã định viết về lịch sử khoa học nhân văn cũng như viết một cuốn sách về luật pháp và chính phủ. Và Của cải của các quốc gia không phải là cuốn sách đầu tiên làm cho tên tuổi của ông trở thành nổi tiếng, mà là cuốn sách về luân lý đạo đức: The Theory of Moral Sentiments (Lí thuyết về cảm nhận đạo đức).
Lí thuyết về cảm nhận đạo đức cố gắng xác định căn cứ của những đánh giá về mặt đạo đức của chúng ta. Smith cũng coi đấy là vấn đề của tâm lí của con người. Con người có sự “thông cảm” tự nhiên (ngày nay chúng ta gọi là “đồng cảm”) với người khác và điều đó giúp họ nhận thức được cách thức tiết chế hành vi của mình và tạo ra sự hài hòa. Đấy chính là cơ sở của việc đánh giá hành vi và là nguồn gốc đức hạnh của con người.
TƯ LỢI VÀ ĐỨC HẠNH
Một số người hiện nay vẫn thường tự hỏi rằng làm sao mà tính tư lợi, động cơ của hệ thống kinh tế của Smith lại có thể sống chung với “đồng cảm”, động cơ của đạo đức của ông. Đây là câu trả lời: “Dù một người có ích kỉ đến đâu đi nữa thì trong tính cách của anh ta vẫn có một số nguyên tắc làm cho anh ta quan tâm đến số phận của người khác và hạnh phúc của họ, mặc dù anh ta chẳng được lợi lộc gì, ngoài việc thấy vui khi được quan sát người khác hạnh phúc”2.
Nói cách khác, bản chất của con người là rất phức tạp. Người thợ bánh mì làm bánh cho chúng ta ăn không phải vì từ tâm, cũng không phải tư lợi đã thúc đẩy một người nào đó lao xuống sông để cứu một người xa lạ bị chết đuổi. Các tác phẩm của Smith là những cố gắng bổ sung cho nhau nhằm xác định làm thế nào mà những người tư lợi lại có thể và thực sự - sống bên nhau một cách hòa bình (trong lĩnh vực đạo đức) và hiệu quả (trong lĩnh vực kinh tế).
Nhưng Của cải của các quốc gia chắc chắn không phải là lời bào chữa cho chủ nghĩa tư bản ăn tươi nuốt sông lẫn nhau, như đôi khi có người chế giễu. Tư lợi có thể thúc đẩy kinh tế; đấy là khi có cạnh tranh thật sự và không bị áp chế, tư lợi trở thành thế lực tốt. Trong mọi trường hợp, lòng nhân ái và từ tâm của chính Smith đã hiện diện trên từng trang giấy. Ông đặt phúc lợi cua quốc gia, cụ thể là của người nghèo, lên trên các nhóm lợi ích như các thương gia và những kẻ có quyền lực, những nhà sản xuất cố tình cản trở cạnh tranh và lên án các chính phủ ủng hộ những nhóm lợi ích như thế.
BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI LOÀI NGƯỜI
Các nhà tư tưởng thế kỉ XVII bắt đầu tin rằng xã hội cần một hệ tư tưởng vững chắc hơn những giáo điều của các tu sĩ hay mệnh lệnh của chính quyền. Một số người tranh đấu hòng tìm cho ra những hệ thống luật pháp và luân lý “duy lí”. Nhưng Smith biện luận rằng xã hội loài người - trong đó có khoa học, ngôn ngữ, nghệ thuật và thương mại – vốn có cội rễ sâu xa ngay trong bản chất của con người. Ông chỉ ra rằng bản năng tự nhiên của chúng ta chính là người hướng dẫn tốt hơn bất kỳ lý lẽ đao to búa lớn nào. Nếu chúng ta đơn giản là loại bỏ hết “tất cả các hình thức thiên vị hoặc hạn chế3” và tin tưởng vào “quyền tự do tự nhiên” của con người thì chúng ta sẽ thấy rằng dù không chủ tâm nhưng chắc chắn là mình đã an cư lạc nghiệp trong một xã hội hài hòa, thanh bình và hiệu quả.
Xã hội tự do không cần nhà vua hay các vị thượng thư phải thường xuyên quan tâm bảo vệ. Đấy là xã hội dựa trên việc tuân thủ một số quy tắc ứng xử của con người với nhau - thí dụ như công bằng và tôn trọng cuộc sống và tài sản của người khác. Lúc đó, trật tự xã hội mang lại phúc lợi cho tất cả sẽ xuất hiện một cách hoàn toàn tự nhiên. Mục đích của Smith là xác định những nguyên tắc trong hành vi của con người, tức là những nguyên tắc mà trên thực tế đã tạo ra những kết quả tốt đẹp đến như thế.
Chú thích:
(1) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương II, Phần II, trang 493, đoạn C. (Trang ghi trong các chú thích được lấy theo The Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith. Xem phần tiều sử. Phần dịch các trích dẫn tác phẩm Của cải của các quốc gia có tham khảo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/432/)
(2) Lí thuyết về cảm nhận đạo đức, Phần I, Chương 1, trang 9, đoạn 1.
(3) Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương IX, Phần II, trang 687, đoạn 51.
Nguồn: Eamonn Butler (2007). Khảo lược Adam Smith. Phạm Nguyên Trường dịch. NXB Tri Thức. Nguyên tác: "Adam Smith-A Primer" (2007)