Chủ nghĩa tư bản và tự do: chủ nghĩa tư bản và phân biệt đối xử (Phần 9)

Chủ nghĩa tư bản và tự do: chủ nghĩa tư bản và phân biệt đối xử (Phần 9)

(Tiếp theo Phần 8)

CHƯƠNG VII: CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VÀ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ

Có một thực tế lịch sử đáng chú ý là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã làm giảm đáng kể mức độ bị cản trở trong hoạt động kinh tế của nhiều nhóm tôn giáo, chủng tộc hay nhóm xã hội riêng biệt; mà theo cách nói thông thường, là sự phân biệt đối xử. Việc thay thế các thiết chế tổ chức xã hội dựa trên địa vị (status arrangements) bằng các thiết chế tổ chức dựa trên hợp đồng (contract arrangements) chính là bước đi đầu tiên hướng tới giải phóng nông nô trong thời Trung Cổ. Nhờ có sự tồn tại của khu vực thị trường, cộng đồng người Do Thái đã có khả năng duy trì sự tồn tại của mình trong suốt thời Trung Cổ; họ có thể tự sản xuất và nuôi sống bản thân dù bị chính quyền đàn áp. Những tín đồ phái Thanh giáo và Giáo hữu (Quakers) đã có thể di cư sang Tân Thế Giới bởi họ có thể tích lũy tiền bạc nhờ vào thị trường mặc dù bị áp đặt lệnh cấm đối với các mặt khác trong đời sống. Sau Nội Chiến, các bang phía Nam đã dùng rất nhiều biện pháp để áp đặt những rào cản pháp lý đối với người da đen. Trong đó có một biện pháp chưa từng được thực hiện ở bất kì quy mô nào trước đây, đó là thiết lập các rào cản đối với quyền sở hữu tài sản tư nhân hoặc bất động sản của người da đen. Sự thất bại của việc thiết lập những rào cản trên rõ ràng không phản ánh câu chuyện chính quyền đã có mối quan tâm đặc biệt nào tới việc tránh áp đặt những hạn chế đối với người da đen. Thay vào đó, kết quả này cho thấy rằng niềm tin cơ bản vào quyền tư hữu đã quá mạnh mẽ đến mức làm cho mong muốn phân biệt đối xử đối với người da đen không thể thực hiện được. Việc duy trì các quy tắc chung về tài sản cá nhân và chủ nghĩa tư bản chính là nguồn cơ hội chính cho người da đen và tạo điều kiện cho họ có những bước tiến mạnh mẽ hơn những gì họ có thể làm được trước đó. Xin đưa ra một ví dụ tổng quát hơn, đó là, trong bất kỳ xã hội nào, những khu vực duy trì chế độ phân biệt đối xử thì đó là những nơi thể hiện đặc tính độc quyền mạnh mẽ nhất, trái lại, ở những khu vực cho phép tự do cạnh tranh tối đa thì thực trạng phân biệt đối xử đối với những nhóm tôn giáo hoặc màu da cụ thể sẽ ở mức tối thiểu.

Như đã chỉ ra ở chương 1, một trong những nghịch lý của kinh nghiệm là: mặc dù bằng chứng lịch sử là như vậy, nhưng chính những nhóm thiểu số lại thường xuyên là lực lượng mạnh mẽ nhất và đông đảo nhất ủng hộ phải có những thay đổi nền tảng trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Họ có xu hướng gán cho chủ nghĩa tư bản những hạn chế còn sót lại mà họ phải trải qua thay vì nhận ra rằng thị trường tự do mới là nhân tố chính khiến cho những hạn chế này thu nhỏ lại như hiện nay.

Chúng ta đã thấy được cách một thị trường tự do phân tách hiệu quả kinh tế ra khỏi các đặc điểm không liên quan như thế nào. Như đã viết trong chương 1, người mua bánh mì sẽ không biết bánh mì được làm từ lúa mì trồng bởi một người da trắng hay người da đen, bởi một người theo đạo Cơ đốc hay một người Do Thái. Kết quả là, người sản xuất lúa mì có thể sử dụng các nguồn lực hiệu quả nhất có thể, mà không cần quan tâm đến thái độ của cộng đồng đối với màu da, tôn giáo hay các đặc điểm khác của người mà họ thuê. Hơn nữa, và có lẽ quan trọng hơn, đó là, thị trường tự do có một động lực kinh tế giúp tách biệt hiệu quả kinh tế với các đặc điểm mang tính cá nhân khác. Trong hoạt động kinh doanh, một doanh nhân hay chủ doanh nghiệp thể hiện sự thiên vị đối với những yếu tố không liên quan đến hiệu quả sản xuất sẽ rơi vào thế bất lợi hơn so với những cá nhân không thiên vị. Như vậy, những cá nhân đó đang tự áp đặt lên bản thân những chi phí cao hơn so với những cá nhân khác không thiên vị. Do vậy, những cá nhân này sẽ có xu hướng bị đào thải khỏi thị trường tự do.

Hiện tượng như thế này thuộc về một phạm trù có quy mô rộng hơn nhiều. Người ta thường mặc định rằng khi một cá nhân phân biệt đối xử với người khác chỉ vì chủng tộc, tôn giáo, màu da hay vì bất kỳ đặc điểm gì của người đó thì bản thân họ sẽ không phải chịu bất kỳ phí tổn nào, mà đơn giản là chỉ tạo ra phí tổn cho người khác. Quan điểm này cũng tương đương với một quan điểm sai lầm tương tự khác, đó là, một đất nước sẽ không chịu thiệt hại gì khi áp đặt thuế quan lên sản phẩm nhập khẩu từ những nước khác.1 Cả hai cách nhìn nhận này đều sai. Ví dụ, khi một người phản đối việc mua hàng của người da đen hoặc làm việc cùng người da đen thì anh ta đã tự hạn chế phạm vi lựa chọn của mình. Nhìn chung, anh ta sẽ phải trả một cái giá cao hơn cho những gì anh ta mua hoặc lợi nhuận anh ta thu được sẽ thấp hơn. Hay nói cách khác, những người không phân biệt màu da hay tôn giáo sẽ có thể mua một số loại hàng hóa với mức giá rẻ hơn.

Có lẽ đúng như những gì những nhận xét này đưa ra, việc định nghĩa và giải thích sự phân biệt đối xử thực tế đang có vấn đề. Người có hành vi phân biệt đối xử phải trả giá cho việc làm của mình. Anh ta đang "mua" thứ mà anh ta cho là một "sản phẩm". Nói đơn giản, phân biệt đối xử nghĩa là anh có một “khẩu vị” không giống như người khác, và hầu như không còn cách giải thích nào hợp lý hơn. Chúng ta sẽ không gọi là "phân biệt đối xử" nếu một cá nhân sẵn sàng trả giá cao hơn để được nghe một ca sĩ nhất định nào đó hát thay vì nghe người khác – điều này thực chất cũng giống như những trường hợp liên quan đến sở thích cá nhân – nhưng nếu anh ta sẵn sàng trả giá cao hơn để được phục vụ bởi một người có màu da này thay vì người có màu da khác thì hành động đó lại được coi là “phân biệt đối xử”. Sự khác nhau giữa hai trường hợp trên là: trong trường hợp thứ nhất, chúng ta có cùng chung sở thích, và trong trường hợp còn lại thì không. Trên nguyên tắc, liệu rằng có sự khác biệt nào giữa sở thích dẫn đến trường hợp một hộ gia đình thích người giúp việc ưa nhìn hơn là một người xấu xí và sở thích dẫn đến một hộ gia đình khác thích một người da đen hơn người da trắng hoặc thích người da trắng thay vì người da đen, ngoài một lý do là chúng ta đồng tình và tán thành với sở thích của trường hợp thứ nhất và có lẽ không đồng tình với sở thích của trường hợp thứ hai? Tôi không có ý nói rằng mọi sở thích đều tốt như nhau. Ngược lại, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng màu da của một người hay tôn giáo của cha mẹ họ vốn không phải là lý do để đối xử với anh ta một cách khác biệt; và rằng một con người nên được nhìn nhận thông qua việc anh ta là ai, anh ta làm gì chứ không phải thông qua những đặc điểm bên ngoài nêu trên. Tôi lấy làm tiếc cho những điều mà theo tôi là định kiến và tầm nhìn hẹp hòi của những người có sở thích khác tôi trong lĩnh vực này, và vì thế thái độ tôn trọng của tôi đối với họ cũng có phần giảm sút. Nhưng trong một xã hội dựa trên tự do ngôn luận, thì với tôi, điều hợp lý là cần tìm cách thuyết phục họ rằng thị hiếu của họ là xấu và họ nên thay đổi quan điểm cũng như hành vi của mình, chứ không phải dùng quyền lực cưỡng chế để ép buộc họ phải tuân theo sở thích và thái độ của tôi.

PHÁP CHẾ VỀ SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CÔNG BẰNG

Các Ủy ban về sử dụng lao động công bằng (Fair Employment Practice Commissions - FEPC) với nhiệm vụ ngăn chặn "phân biệt đối xử" trong sử dụng lao động vì những lí do về chủng tộc, màu da, hay tôn giáo đã được thiết lập ở một số bang. Pháp chế này rõ ràng chứa đựng sự can thiệp vào quyền tự do tham gia các hợp đồng tự nguyện của cá nhân. Nó quy định bất kỳ hợp đồng nào cũng đều phải được chính quyền bang phê duyệt hoặc phản đối. Vì vậy, nó trực tiếp can thiệp vào loại quyền tự do mà chúng ta phản đối trong hầu hết các hoàn cảnh khác. Thêm vào đó, những cá nhân phải tuân thủ điều luật này có thể thật ra lại không phải là đối tượng mà các điều luật này hay thậm chí cả các nhà làm luật mong muốn điều chỉnh; điều này cũng đúng với hầu hết mọi sự can thiệp khác tới quyền tự do cá nhân.

Ví dụ, hãy xem xét một tình huống trong đó những cửa hàng tạp hóa đang phục vụ một khu vực dân cư, và những người sinh sống ở đó hoàn toàn không muốn được phục vụ bởi nhân viên da đen. Giả sử một trong những cửa hàng tạp hóa đang cần tuyển dụng một nhân viên bán hàng và người nộp đơn đầu tiên đáp ứng được mọi yêu cầu tình cờ lại là một người da đen. Chúng ta hãy giả sử rằng theo quy định của pháp luật, cửa hàng này buộc phải thuê anh ta. Hành động này sẽ làm giảm hoạt động kinh doanh của cửa hàng và gây thua lỗ cho chủ cửa hàng. Nếu số lượng người trong cộng đồng có loại thị hiếu này đủ lớn thì cửa hàng này có thể thậm chí phải đóng cửa. Khi không có sự can thiệp của luật pháp, nếu chủ cửa hàng thuê người da trắng vì họ ưu tiên hơn người da đen, thì trong trường hợp này có lẽ anh ta không hề thể hiện bất cứ sự ưu tiên hay thành kiến hoặc thị hiếu nào của bản thân. Anh ta chỉ đơn giản truyền tải lại thị hiếu của cộng đồng. Như vậy, có thể nói, anh ta đang cung cấp những dịch vụ mà khách hàng sẵn sàng chi trả. Tuy nhiên, anh ta đã bị tổn hại, và rõ ràng đã thực sự bị thiệt hại nặng nề, bởi luật pháp đã ngăn cấm anh ta thực hiện hành vi này, đó là, ngăn cấm anh ta thỏa mãn thị hiếu của cộng đồng: muốn một người phục vụ da trắng thay vì da đen. Người tiêu dùng, những người có sở thích mà luật pháp muốn uốn nắn, sẽ chỉ bị ảnh hưởng đáng kể trong trường hợp số lượng cửa hàng không nhiều, và trong trường hợp này, họ phải trả mức giá cao hơn vì một cửa hàng đã phải đóng cửa kinh doanh. Phân tích này có thể được tổng quát hóa. Trong phần lớn các trường hợp, người sử dụng lao động chỉ đang truyền tải lại thị hiếu của khách hàng hoặc của những người nhân viên khác trong doanh nghiệp khi họ áp dụng những chính sách sử dụng lao động mà ở đó những nhân tố không liên quan tới năng suất vật chất kĩ thuật lại được coi như có liên quan tới quá trình sử dụng. Thật vậy, như đã nói ở trên, người sử dụng lao động thường có động cơ để cố gắng tìm cách tránh né thị hiếu của khách hàng hoặc của người lao động nếu những thị hiếu ấy khiến họ phải chịu những chi phí cao hơn. 

Những người ủng hộ FEPC lập luận rằng sự can thiệp vào quyền tự do tham gia hợp đồng của các cá nhân trong hoạt động tuyển dụng là hợp lý, bởi vì nếu như một người từ chối thuê người da đen thay vì người da trắng trong khi cả hai đều có khả năng như nhau xét về năng suất lao động vật chất, thì tức là họ đang gây tổn hại cho những người khác, cụ thể là những nhóm tôn giáo hay màu da riêng biệt đang bị giới hạn cơ hội việc làm. Lập luận này ẩn chứa một sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa hai loại tổn hại hoàn toàn khác nhau. Một loại là tổn hại hiện hữu (positive harm) khi một cá nhân gây ra cho cá nhân khác thông qua vũ lực, hoặc bằng cách ép buộc anh ta phải ký kết hợp đồng trong khi không chấp thuận. Một ví dụ hiển nhiên là việc một người dùng dùi cui đánh vào đầu người khác. Một ví dụ ít hiển nhiên hơn là tình trạng ô nhiễm dòng sông đã đề cập trong chương 2. Loại thứ hai là tổn hại không hiện hữu (negative harm), loại này xảy ra khi hai cá nhân không thể đi đến một thỏa thuận mà cả hai đều chấp nhận, cũng giống như khi tôi không muốn mua một thứ nào đó mà người khác muốn bán cho tôi, và vì thế khiến anh ta chịu thiệt hại hơn so với trường hợp tôi mua vật đó. Nếu cộng đồng nhìn chung đều yêu thích các nghệ sĩ nhạc blues hơn các nghệ sĩ opera, thì tất nhiên là họ đang làm tăng lợi ích kinh tế của những nghệ sĩ blues so với nhóm nghệ sĩ opera. Nếu một nghệ sĩ nhạc blues tiềm năng có thể tìm được việc làm còn nghệ sĩ opera tiềm năng lại không thể, thì điều này đơn giản có nghĩa là người nghệ sĩ nhạc blues đang cung cấp dịch vụ mà cộng đồng cho rằng nó đáng đồng tiền bát gạo, trong khi người nghệ sĩ opera tiềm năng thì không. Lúc này, người nghệ sĩ opera tiềm năng đã "bị tổn hại" do thị hiếu của cộng đồng. Anh ta sẽ có lợi hơn và người ca sĩ nhạc blue sẽ "bị tổn hại" nếu có sự đảo ngược thị hiếu. Rõ ràng, loại tổn hại này không liên quan đến bất cứ sự trao đổi bắt buộc nào, cũng như không có sự áp đặt chi phí hay trao lợi ích cho bên thứ ba. Rõ ràng là có những trường hợp phải cần đến sự can thiệp của chính quyền để ngăn chặn một người gây ra tổn hại hiện hữu, có nghĩa là, ngăn chặn sự cưỡng ép. Và dường như không có lý do gì để sử dụng quyền lực chính quyền nhằm né tránh loại "tổn hại" không hiện hữu. Ngược lại, sự can thiệp đó của chính quyền còn làm giảm quyền tự do và hạn chế sự hợp tác tự nguyện.

Pháp chế FEPC liên quan đến việc thừa nhận một nguyên tắc mà những người ủng hộ nó sẽ thấy mâu thuẫn trong hầu hết các trường hợp áp dụng. Nếu như cho rằng sẽ hoàn toàn thích đáng khi chính quyền quy định rằng các cá nhân không được phân biệt đối xử trong sử dụng lao động chỉ vì màu da, dân tộc hay tôn giáo, thì một vế khác cũng có lý tương đương, đó là, miễn là được đa số biểu quyết thì chính quyền cũng có thể tuyên bố rằng các cá nhân phải phân biệt đối xử trong sử dụng lao động dựa trên màu da, dân tộc hoặc tôn giáo. Luật Hitler Nuremberg và luật ở các bang phía Nam đã áp dụng những lệnh cấm đặc biệt đối với người da đen, đây đều là những ví dụ về các bộ luật tương tự với FEPC nếu xét trên nguyên tắc. Những người phản đối các bộ luật như vậy nhưng lại ủng hộ FEPC sẽ không thể lập luận rằng về nguyên tắc thì những bộ luật này có điều gì đó không ổn, và rằng chúng bao hàm một loại hành động của chính quyền mà đáng ra không nên được chấp thuận. Họ chỉ có thể lập luận rằng một vài tiêu chí cụ thể nào đó được sử dụng trong các bộ luật trên là không thích hợp. Họ chỉ có thể tìm cách thuyết phục người khác rằng họ nên sử dụng các tiêu chí khác thay vì các tiêu chí này.

Nếu nhìn lại lịch sử một lượt và xem xét những điều sẽ được chấp nhận bởi đa số, nếu như mỗi trường hợp riêng lẻ được quyết định dựa trên đặc tính riêng thay vì như là một phần của một nguyên tắc chung, thì không còn nghi ngờ gì nữa, hiệu ứng của việc công nhận tính phù hợp của hành vi chính phủ trên phạm vi rộng lúc này sẽ là điều người ta vô cùng không mong muốn, kể cả khi nhìn nhận theo quan điểm của những người đang ủng hộ FEPC. Nếu lúc này, những người ủng hộ FEPC vẫn có thể khiến người ta chấp nhận được quan điểm của họ, thì đó chỉ là vì sự tồn tại của một trường hợp hợp hiến được chấp nhận trên phạm vi liên bang - theo đó một nhóm đa số thuộc một phần của đất nước có thể áp đặt quan điểm của mình lên một nhóm đa số thuộc các khu vực khác của quốc gia.

Như một quy luật chung, bất kỳ nhóm thiểu số nào nghĩ rằng họ có thể trông cậy vào những hành động cụ thể của số đông để bảo vệ lợi ích của mình thì đó là một quan điểm cực kì thiển cận. Việc chấp nhận áp dụng một sắc lệnh tự từ chối phổ quát trong một nhóm trường hợp cụ thể có thể hạn chế một số nhóm đa số riêng biệt nào đó khai thác lợi ích từ một số nhóm thiểu số cụ thể. Nếu không có sự tồn tại của sắc lệnh tự từ chối này, các nhóm đa số chắc chắn sẽ sử dụng quyền lực của mình để gây ảnh hưởng theo những gì họ ưu tiên, hay nói theo kiểu thành kiến, thì bạn sẽ không bảo vệ nhóm thiểu sổ khỏi những thành kiến của đa số.

Nói theo một cách khác có tính khiêu khích hơn, hãy xem xét trường hợp một cá nhân tin rằng mô hình thị hiếu hiện tại là đáng chê trách và rằng người da đen có ít cơ hội hơn những gì họ đáng được có. Giả sử anh ta áp dụng niềm tin đó vào thực tế bằng cách luôn luôn chọn ứng viên là người da đen bất cứ khi nào có nhiều ứng viên cùng ứng tuyển cho một công việc và họ đều thỏa mãn các yêu cầu khác. Trong hoàn cảnh hiện tại thì anh ta có nên bị cấm làm như vậy? Rõ ràng là theo logic của FEPC thì nên ngăn cản hành động của anh ta.

Tương tự với thông lệ sử dụng lao động công bằng, có một lĩnh vực mà ở đó những nguyên lý trên được thực hành nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác, đó là lĩnh vực ngôn luận, và cụ thể là “bình đẳng ngôn luận” (chứ không phải tự do ngôn luận). Trong khía cạnh này, quan điểm của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union - ACLU) dường như hoàn toàn mâu thuẫn. Nó ủng hộ cả luật về tự do ngôn luận và luật lao động công bằng. Có một cách để biện minh cho tự do ngôn luận, đó là chúng ta tin rằng không ai mong muốn một tình trạng mà ở đó một nhóm đa số tại một thời điểm nhất định lại quyết định cái gì được coi là ngôn luận phù hợp tại bất cứ thời điểm nào. Chúng ta muốn một môi trường cho phép tự do đưa ra ý kiến, để những ý tưởng đó có cơ hội thuyết phục được số đông hoặc gần như được nhất trí chấp thuận, mặc dù ban đầu nó chỉ được khởi xướng bởi thiểu số. Những cân nhắc tương tự hoàn toàn nên được đưa ra đối với vấn đề việc làm hoặc tổng quát hơn là cho cả thị trường hàng hóa và dịch vụ. Bởi vì đâu có gì khác biệt giữa việc một số đông nhất thời có thể quyết định những tiêu chí nào là phù hợp trong sử dụng lao động với việc quyết định như thế nào là ngôn luận phù hợp? Quả thực, liệu rằng một môi trường tự do bày tỏ ý kiến có thể được duy trì lâu dài hay không nếu như thị trường tự do về hàng hóa và dịch vụ bị phá hủy? ACLU sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ quyền lợi của một người phân biệt chủng tộc đi thuyết giáo trên các góc phố về học thuyết phân biệt chủng tộc. Nhưng nó cũng sẽ ủng hộ việc bỏ tù anh ta nếu như anh ta hành động theo các nguyên tắc của mình bằng cách từ chối thuê người da đen cho một vị trí công việc cụ thể nào đó.

Như đã nhấn mạnh trước đó, phương pháp đấu tranh phù hợp của những người như chúng ta, những người tin rằng một tiêu chuẩn cụ thể như màu da là không liên quan đến quá trình sử dụng lao động, là thuyết phục đồng bào để ngõ hầu họ có đồng quan điểm, chứ không phải sử dụng quyền lực cưỡng chế của chính quyền để ép họ hành động theo nguyên tắc của chúng ta. Trong tất cả các nhóm/tổ chức thì ACLU nên là nhóm đầu tiên cần phải thừa nhận và tuyên bố rằng quả đúng là như vậy.

CÁC BỘ LUẬT BẢO ĐẢM QUYỀN ĐƯỢC LÀM VIỆC

Một số bang đã thông qua bộ luật có tên là "bảo đảm quyền được làm việc". Những bộ luật này quy định rằng việc đưa ra yêu cầu cá nhân phải tham gia công đoàn như một điều kiện tuyển dụng là phạm pháp. 

Những nguyên tắc trong luật bảo đảm quyền được làm việc cũng giống với những nguyên tắc trong FEPC. Cả hai đều can thiệp vào quyền tự do trong hợp đồng lao động, một bộ luật nêu cụ thể rằng màu da hay tôn giáo không được đưa ra như là một điều kiện tuyển dụng; trong khi bộ luật còn lại quy định rằng không được lấy việc tham gia công đoàn để làm điều kiện lao động. Mặc dù hai bộ luật này có sự đồng nhất về nguyên tắc nhưng gần như 100 phần trăm các quan điểm liên quan đến chúng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Hầu như tất cả những người ủng hộ FEPC đều phản đối quyền được làm việc; hầu như tất cả những người ủng hộ quyền được làm việc đều phản đối FEPC. Là một người theo chủ nghĩa tự do, tôi phản đối cả hai, bởi tôi cũng phản đối các bộ luật cấm loại hợp đồng với cái tên "chó-vàng" ("yellow-dog" contract) (một loại hợp đồng đưa ra điều kiện lao động là cá nhân không phải thành viên của công đoàn).

Với tình trạng cạnh tranh hiện tại giữa những người lao động và giữa những người sử dụng lao động, dường như không có lí do gì để người sử dụng lao động không được tự do đưa ra mọi điều khoản họ muốn đối với người được thuê. Trong một số trường hợp, người sử dụng lao động nhận thấy rằng người lao động thích nhận một phần thù lao dưới dạng lợi ích như có sân bóng chày hay khu vui chơi hoặc khu nghỉ ngơi tốt hơn thay vì được trả tiền mặt. Như vậy, những người sử dụng lao động nhận ra rằng họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu đáp ứng những điều kiện vật chất này như một phần trong hợp đồng lao động thay vì đề nghị một mức lương cao hơn. Tương tự như vậy người sử dụng lao động có thể đưa ra kế hoạch về lương hưu hoặc yêu cầu người lao động tham gia đóng góp cho kế hoạch về lương hưu, và các đề xuất tương tự. Những cách này đều không can thiệp vào quyền tự do của cá nhân khi tìm việc. Đơn giản là chúng chỉ phản ánh nỗ lực của người sử dụng lao động trong việc làm cho các đặc thù công việc trở nên phù hợp và hấp dẫn hơn đối với các nhân viên. Miễn là trên thị trường lao động có nhiều nhà tuyển dụng, thì tất cả các nhân viên với nhiều loại mong muốn cụ thể khác nhau vẫn có thể tự thỏa mãn bản thân bằng cách tìm một công việc với một ông chủ đáp ứng được những mong muốn đó. Trong điều kiện cạnh tranh thì điều tương tự cũng đúng với các hãng loại đóng (closed shop: hãng chỉ thuê người lao động là thành viên của công đoàn - ND). Nếu trên thực tế, một số công nhân thích làm việc trong các hãng loại đóng và một số khác thích các hãng loại mở (open shop: hãng không bắt buộc người lao động phải tham gia công đoàn - ND), thì lúc này sẽ phát sinh nhiều loại hợp đồng lao động khác nhau, một số đưa ra điều khoản này, một số khác lại đưa ra điều khoản khác.

Trên thực tế, đương nhiên sẽ có một số điểm khác biệt quan trọng giữa FEPC và quyền được làm việc. Sự khác nhau đó là sự hiện diện của độc quyền dưới dạng các tổ chức công đoàn đứng về phía người lao động và sự hiện diện của luật liên bang liên quan tới công đoàn. Trong một thị trường lao động cạnh tranh, người sử dụng lao động chưa chắc sẽ thu được lợi nhuận cao hơn nếu như họ đưa ra yêu cầu tham gia công đoàn (hãng loại đóng) như một điều kiện lao động. Trong khi có thể dễ dàng tìm thấy các công đoàn không có bất cứ quyền lực độc quyền rõ rệt nào về phía người lao động, thì một hãng loại đóng hiếm khi rơi vào tình trạng như vậy. Nó gần như luôn luôn là một biểu tượng của quyền độc quyền.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hãng loại đóng và sự độc quyền trong lao động không phải là một luận cứ ủng hộ cho luật bảo đảm quyền được làm việc. Đó là luận cứ ủng hộ cho hành động nhằm loại bỏ quyền lực độc quyền dù cho nó xuất hiện dưới hình thức nào và biểu hiện đặc biệt cụ thể nào. Đó là luận cứ ủng hộ cho những hành động chống độc quyền rộng rãi và hiệu quả hơn trong lĩnh vực lao động.

Một điểm đặc biệt khác đóng vai trò quan trọng trong thực tế là sự mâu thuẫn giữa luật liên bang và luật tiểu bang, và hiện trạng một bộ luật liên bang được áp dụng cho mọi bang, tình trạng này khiến cho từng bang riêng lẻ chỉ còn cách phải thông qua luật bảo đảm quyền được làm việc. Giải pháp tối ưu là cần phải sửa đổi luật liên bang. Nhưng khó khăn nằm ở chỗ không một bang nào bày tỏ quan điểm muốn sửa đổi luật liên bang và công dân của từng bang riêng lẻ cũng chưa muốn có bất kỳ thay đổi nào trong hệ thống luật pháp đang điều chỉnh hoạt động tổ chức công đoàn thuộc phạm vi bang của họ. Luật bảo đảm quyền được làm việc có lẽ là cách giải quyết duy nhất có hiệu quả và do đó sẽ ít gây hại hơn. Nhưng tôi không chấp nhận biện minh này cho luật bảo đảm quyền được làm việc, có lẽ một phần là vì tôi có xu hướng tin rằng bản thân luật bảo đảm quyền được làm việc sẽ không thể có bất cứ ảnh hưởng đáng kể nào tới quyền lực độc quyền của công đoàn. Đối với tôi, các lý lẽ thực tiễn dường như vẫn chưa đủ mạnh để có thể vượt qua được sự phản đối dựa trên nguyên lý.

PHÂN TÁCH CHỦNG TỘC TRONG GIÁO DỤC CHÍNH QUY

Phân tách chủng tộc (segregation) trong giáo dục chính quy làm nổi lên một vấn đề đặc thù không được những bình luận trước đó đề cập chỉ bởi một lý do duy nhất. Lý do đó là, trong hoàn cảnh hiện tại, giáo dục chính quy chủ yếu được điều hành và quản lý bởi chính phủ. Điều này có nghĩa là chính phủ phải đưa ra một quyết định rõ ràng. Chính phủ phải quyết định giữa hai việc: hoặc cưỡng bách phân tách chủng tộc hoặc cưỡng bách hòa nhập. Theo tôi, cả hai cách giải quyết này đều có vẻ là những giải pháp tồi. Những người như chúng ta tin rằng màu da là một đặc điểm không liên quan và mong muốn rằng mọi người đều nhận ra điều này, nhưng chúng ta cũng là những người tin tưởng vào tự do cá nhân, và do đó đều phải đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu ai dó buộc phải đưa ra lựa chọn giữa hai điều tồi tệ, cưỡng bách phân tách chủng tộc hay cưỡng bách hòa nhập, thì bản thân tôi nghĩ rằng không thể không chọn hòa nhập.

Chương trước, vốn được viết ra mà không có bất cứ mối liên hệ nào tới vấn đề phân tách chủng tộc và hòa nhập, đã đưa ra giải pháp thỏa đáng cho phép tránh được cả hai lựa chọn - một sự minh họa thú vị cho thấy những thiết chế nhằm nâng cao quyền tự do nói chung đã giúp giải quyết các vấn đề về tự do nói riêng như thế nào. Giải pháp thỏa đáng là loại bỏ sự điều hành của chính phủ đối với các trường học và cho phép các phụ huynh được chọn loại trường mà họ muốn con mình theo học. Thêm vào đó, tất nhiên, tất cả chúng ta, trong khả năng có thể, nên cố gắng bằng cả hành động và lời nói để thúc đẩy những thái độ và quan điểm tích cực, khiến cho trường học hòa nhập trở thành xu hướng chung và trường học phân biệt chủng tộc chỉ còn là những ngoại lệ hiếm hoi.

Nếu một đề xuất tương tự như đề xuất được nêu trong chương trước được chấp thuận thông qua thì trường học sẽ có cơ hội phát triển đa dạng hơn, một số trường chỉ dành cho người da trắng, một số dành cho người da đen, một số khác dành cho cả hai. Nó sẽ cho phép một tập hợp các trường học này dần dần chuyển đổi sang một loại khác - hi vọng là loại trường học hỗn hợp khi quan điểm của cộng đồng thay đổi. Nó giúp tránh khỏi những xung đột chính trị khắc nghiệt mà trước đó đã thường xuyên gây ra tình trạng căng thẳng trong xã hội cũng như phá vỡ cộng đồng. Trong lĩnh vực đặc biệt này, nó sẽ cho phép hợp tác mà không cần đến sự bắt buộc2, giống như cách mà thị trường vẫn thường hoạt động.

Bang Virginia đã thông qua một kế hoạch có rất nhiều điểm giống với những gì được đưa ra trong chương trước. Mặc dù kế hoạch này được thông qua nhằm mục đích tránh sự hòa nhập bắt buộc, nhưng tôi dự đoán rằng những hiệu ứng cuối cùng của bộ luật này sẽ rất khác so với mục đích ban đầu – xét đến cùng, sự khác nhau giữa kết quả và dự định là một trong số những lý do biện minh chính cho một xã hội tự do; việc con người được phép theo đuổi lợi ích riêng của chính họ là một điều đáng được trông chờ, bởi vì không có cách nào có thể đoán trước được họ sẽ trở nên như thế nào. Thật vậy, ngay cả ở những giai đoạn trước cũng xuất hiện nhiều trường hợp đáng ngạc nhiên. Tôi đã được nghe kể rằng một trong số những yêu cầu đầu tiên về voucher tài trợ tài chính cho việc thay đổi trường học được đưa ra bởi một phụ huynh muốn chuyển con mình từ một trường phân tách chủng tộc sang trường hòa nhập. Yêu cầu chuyển trường được đưa ra không phải vì mục đích này mà đơn giản là vì tình cờ, trường hòa nhập lại là trường có môi trường giáo dục tốt hơn. Nhìn xa hơn, nếu như hệ thống voucher không bị bãi bỏ thì Virginia sẽ cung cấp một thử nghiệm giúp kiểm định lại kết luận của chương trước. Nếu những kết luận đó là chính xác, chúng ta có lẽ đã được chứng kiến sự phát triển rực rỡ của các trường học ở Virginia, với sự gia tăng về tính đa dạng, nếu không phải là sự tăng trưởng ngoạn mục thì cũng là một sự tăng lên đáng kể về chất lượng của những trường hàng đầu, và sau đó là sự cải thiện về chất lượng của những trường còn lại dưới sự thúc đẩy của các trường dẫn đầu.

Nhìn nhận vấn đề kỹ càng hơn, chúng ta không nên quá ngây thơ cho rằng những giá trị và niềm tin đã ăn sâu vào tiềm thức có thể bị thay đổi bởi những biện pháp thiển cận của luật pháp. Tôi sống ở Chicago. Chicago không có luật bắt buộc phân tách chủng tộc. Luật pháp ở đây yêu cầu sự hòa nhập. Dù vậy trên thực tế, trường công ở Chicago có thể hoàn toàn là trường phân tách chủng tộc giống như các trường ở hầu hết các thành phố phía Nam. Hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, nếu hệ thống ở Virginia được áp dụng tại Chicago thì kết quả là chúng ta sẽ thấy được sự giảm đi đáng kể của các trường phân tách chủng tộc và cơ hội dành cho những thanh niên da đen có khát vọng và có năng lực nhất sẽ được mở rộng hơn.

(Xem tiếp Phần 10)

Chú thích:

(1) Trong một phân tích nổi bật và sâu sắc về một số vấn đề kinh tế liên quan đến phân biệt đối xử, Gary Becker đã chứng tỏ rằng vấn đề phân biệt đối xử có cấu trúc logic gần như giống hệt với ngoại thương và thuế quan xuất nhập khẩu. Xem G.S.Becker, The Economics of Discrimination (Chicago: Nhà xuất bản đại học Chicago, 1957).

(2) Để tránh gây hiểu lầm, cần lưu ý rằng, khi nói đến đề xuất của chương trước, tôi ngầm định rằng các trường học chỉ phải chịu một số các điều kiện tối thiểu sao cho các voucher đều có thể được sử dụng bất kể trường học đó có phải là trường phân chia chủng tộc hay không.

Nguồn: Milton Friedman, Capitalism and Freedom, The University of Chicago Press, 1962

Dịch giả:
Đinh Tuấn Minh