Phỏng vấn với Milton Friedman (Phần 1/3: Các vấn đề cơ bản)

Phỏng vấn với Milton Friedman (Phần 1/3: Các vấn đề cơ bản)

Phỏng vấn Milton Friedman

Một cuộc phỏng vấn được REASON thực hiện

Tháng Hai năm 1974, Biên tập viên cao cấp Tibor Machan, Joe Cobb, và Ralph Raico đã đến thăm và phỏng vấn Giáo sư Milton Friedman tại căn hộ của ông ở Chigago. Bài phỏng vấn sau đó đã được Marty Zupan biên tập và xuất bản.

Tiến sĩ Freidman rất hào hứng, sẵn sàng, và nhiệt tình trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Sau cuộc trao đổi không ngừng nghỉ suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, nhiều khi trở thành cuộc tranh luận, Tiến sĩ Friedman bàn đến những vấn đề bao quát một mảng trí tuệ rộng lớn. Như độc giả sẽ thấy, các câu hỏi không chỉ tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực nghiên cứu của chính ông. Vì các lý thuyết kinh tế và đóng góp của ông, nói chung, đã được trình bày trên cả sách báo hàn lâm lẫn phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi đã cố gắng giải quyết những vấn đề này chỉ như một phần của quá trình tìm hiểu bao quát hơn quan điểm của Tiến sĩ Friedman.

Cuộc phỏng vấn này đối với chúng tôi hóa ra lại là một trải nghiệm đầy thách thức. Chúng tôi không lảng tránh bất đồng – chính Tiến sĩ Friedman cũng vui vẻ tham gia tranh luận. Chắc chắn vẫn có một số câu hỏi không được nêu ra. Dù vậy, vẫn xin hân hạnh được giới thiệu kết quả cuối cùng dưới đây tới độc giả.

REASON: Xin bắt đầu với một vấn đề lý thuyết nền tảng: Xin nói về lý do để ông biện hộ cho hệ thống chính trị mà ông ủng hộ? Về cơ bản, ông bắt đầu từ đâu?

FRIEDMAN: Tôi nghĩ, tôi bắt đầu từ niềm tin vào quyền tự do cá nhân (individual freedom), và điều đó về cơ bản xuất phát từ niềm tin rằng tri thức của chúng ta có nhiều hạn chế – từ niềm tin cho rằng không ai có thể chắc chắn rằng những điều anh ta tin là đúng, thật sự đúng.

REASON: Xin giải thích tại sao đó lại là xuất phát điểm của ông?

FRIEDMAN: Tôi nghĩ câu hỏi quan trọng mà bất cứ một ai tin vào tự do đều phải tự hỏi là liệu có nên để một người khác được tự do phạm phải tội lỗi1 (free to sin) hay không. Nếu bạn thực sự biết tội lỗi là gì, nếu bạn hoàn toàn chắc chắn rằng bạn đã nắm được chân lý được mặc khải, thì bạn không thể để người khác phạm tội. Bạn phải ngăn chặn anh ta. Dĩ nhiên, người ta sẽ trả lời rằng chỉ khi một người tự do (of his own free will) quyết định không phạm phải tội lỗi thì lúc đó đức hạnh mới thuộc về anh ta. Lập luận đó nghe khá hấp dẫn, nhưng tôi không nghĩ nó có sức thuyết phục bằng lập luận chủ yếu căn cứ vào sự thiếu hiểu biết. Tôi thấy, một điều không thể chối cãi đó là nếu tôi biết chắc chắn rằng người kia đang chuẩn bị phạm tội mà không ngăn chặn anh ta thì tôi cũng mắc tội. Trong những trường hợp như thế, làm sao bạn có thể để một người tự do phạm phải tội lỗi? Tôi chỉ có thể trả lời là tôi không thể hoàn toàn chắc chắn mình biết tội lỗi là gì. Khi tôi nói, hãy để một người được tự do phạm phải tội lỗi, rõ ràng đi kèm với nó là tính chất đó – miễn là khi phạm tội, anh ta không can thiệp vào việc người khác được tự do làm điều tương tự. Và đó là điểm tôi dừng lại ở mức độ triết học cơ bản này.

REASON: Chà, tôi sẽ đi sâu hơn một chút vào vấn đề này, đối với những người quan tâm tới việc thúc đẩy quyền tự do dân sự hiện nay, ông là người đi đầu, vì vậy dường như cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn vấn đề này. Có mâu thuẫn ở một mức độ nào đó. Ông vừa nói rằng có ít nhất một thứ mà ông thấy chắc chắn chấp nhận được, đó là trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta cũng không nên can thiệp vào quyền tự do của người khác. Nhưng nếu ông thừa nhận sự vô minh nói chung, thì điều đó cũng có nghĩa là ông phải chịu thua mỗi khi có một ai đó tin chắc vào một điều ngược lại.

FRIEDMAN: Sự chắc chắn mang tính chủ quan khó có thể là bằng chứng của sự thật. Thực ra những điều bạn đang nói là bạn không thể nhận không bất cứ một thứ gì cả. Nếu bạn muốn có một quan điểm thì bạn phải dựa vào một cái gì đó. Chủ nghĩa hư vô sẽ dồn bạn đến tự sát – tôi thấy chẳng có cách nào giải quyết một quan điểm hoàn toàn hư vô. Vậy nên câu hỏi mà mọi người nên tự hỏi là: đây là tôi; tôi là một con người không hoàn hảo, người không thể chắc chắn về bất cứ thứ gì, vậy tôi có thể đứng trên quan điểm nào? Ít nhất tôi có thể chấp nhận được cái gì, sự ngạo mạn tối thiểu, sự thể hiện tối thiểu niềm tin vào sự thống thái hoặc kiến thức vượt bậc của bản thân? Và theo nghĩa mà tôi muốn nói là quan điểm hấp dẫn nhất là đặt tự do cá nhân lên trên hết. Bởi vì điều đó không đòi hỏi bạn phải đặt nặng vấn đề quan điểm cá nhân về cái gì đúng hoặc sai. Nghĩa là giống như tôi, mọi người đều có quyền có các quan điểm của mình, miễn là anh ta không cố gắng ngăn cản việc tôi có quan điểm của tôi, và tôi cũng vậy.

REASON: Nhưng đó chính là điểm xuất hiện nghịch lý. Chính Mill đã đưa ra một ví dụ về một người nào đó bước lên một cây cầu sắp đổ và ông nói, chẳng phải tôi đang ở trong tình thế lưỡng nan: hoặc là tôi buộc anh ta phải tự cứu lấy mình nếu tôi can thiệp, hoặc là để anh ta, một người hoàn toàn vô tội, bị chết thảm. Vì thế những người thẳng thắn như Nader đã ủng hộ việc ban hành nhiều luật lệ hơn nữa. Họ nói, được rồi, ngay cả khi đứng trước những sự bất công thậm tệ, chúng ta cũng chẳng có lý do chính đáng nào để can thiệp sao? Và rõ ràng có những lúc, chúng ta ở trong tình thế khẩn cấp, và nếu những trường hợp đó được chấp nhận thì tại sao những sự can dự khẩn cấp quy mô lớn lại không được chấp nhận? Vậy, ông có nghĩ rằng từ quan điểm về sự vô minh chúng ra không thể bảo vệ được giá trị của quyền tự do dân sự tốt bằng quan điểm của thuyết thực chứng ủng hộ lẽ phải hay không?

FRIEDMAN: Thứ nhất, chẳng có một nguyên tắc nào có thể đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho hành động trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, bởi vì mỗi một hoàn cảnh đều phức tạp, và ngây thơ mới tin rằng bạn có thể rút ra những quy tắc hành động hoàn chỉnh từ các nguyên tắc cơ bản. Những gì có thể được rút ra từ các nguyên tắc chỉ là các tiêu chuẩn để đánh giá hành động, chứ không phải các quyết định về hành động. Đây là một trong số những điểm mà tôi nhận được khá nhiều chỉ trích từ những người tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarians), những người tin rằng từ một nguyên tắc đơn lẻ đó, họ có thể đưa ra quyết định trong tất cả các hoàn cảnh thực tế mà không cần suy xét đến kiến thức về các vấn đề cụ thể. Thứ hai, các mối quan hệ của con người và hành vi cá nhân là những vấn đề riêng rẽ. Niềm tin vào tự do không hề cung cấp bất kỳ một chỉ dẫn nào cho hành động cá nhân. Robinson Crusoe ở trên một hoang đảo, xung quanh vắng bóng người, hoàn toàn tự do, nhưng điều đó chẳng nói lên điều gì về việc hành động nào của ông ta nên được bản thân ông ta, bạn, và bất kỳ một ai nào khác coi là tốt cả. Giờ lý do để ủng hộ sự tự do, đối lập với một bên là không ủng hộ, liên quan đến hành vi cá nhân và luận cứ rằng trong xã hội tự do mỗi cá nhân sẽ bày tỏ và hành động theo những giá trị, niềm tin, và luân lý của cá nhân anh ta. Đó mới là lý lẽ thực chứng ủng hộ quyền tự do.

REASON: Liệu ông có thể đưa ra một trường hợp giả định có khả năng làm rõ một vài điều về các giá trị cơ bản của ông không? Hầu hết các nhà kinh tế học đều liên tưởng đến những thứ mà nhìn chung có thể được coi là quan điểm của thuyết công lợi…

FRIEDMAN: Bản thân tôi chưa bao giờ chấp nhận thuyết công lợi.

REASON: Được rồi. Nhưng nếu giả sử rằng nền kinh tế Xô-viết cũng năng suất như chủ nghĩa tư bản và ngược lại, nhưng xã hội tư bản duy trì sự tự do cá nhân mà ông coi trọng. Liệu ông có gặp phải vấn đề gì khi phải chọn giữa một trong hai xã hội đó không?

FRIEDMAN: Vấn đề đối với tôi sẽ không phải là lựa chọn, mà chỉ là dự đoán. Tôi sẽ dự đoán rằng trong những hoàn cảnh đó chủ nghĩa tư bản sẽ không thể tồn tại, và điều này không có nghĩa là cá nhân tôi không thích nó hơn.

REASON: Kể cả khi phải bỏ qua một mức sống vật chất cao hơn, ông vẫn sẽ thích sự tự do cá nhân hơn chứ?

FRIEDMAN: Dĩ nhiên, nhưng chẳng có gì khó xử ở đây cả, bởi vì điều kiện duy nhất mà ở đó xã hội cộng sản sẽ có một mức sống vật chất cao hơn xã hội tư bản – theo tôi – là khi các thành viên của nó thích những thứ khác hơn một mức sống vật chất cao hơn. Nhưng tôi vẫn dự đoán rằng xã hội tư bản sẽ không thể tồn tại dưới những điều kiện như vậy, vì có nhiều người ủng hộ tự do kinh doanh và hệ thống tư bản chỉ vì nó đem lại hàng hóa. Cũng may là xã hội tư bản năng suất hơn, không thì nó sẽ chẳng bao giờ tồn tại nổi. Thành kiến chống lại tư bản mạnh đến nỗi, nó phải có sức mạnh vượt trội gấp 5 lần thì mới có thể tồn tại.

REASON: Và lúc nào nó cũng ở trong trạng thái nguy hiểm.

FRIEDMAN: Lúc nào cũng vậy. Thực tế, từ lâu tôi đã tin rằng có một luận cứ mạnh chứng minh xã hội tự do, theo ngôn ngữ của ngành khoa học tự nhiên, là trạng thái cân bằng cơ bản không ổn định. Nhìn từ góc độ thuần khoa học, và giờ tôi đang đi ra ngoài lề triết học, có nhiều cơ sở để tin rằng xã hội tự do về cơ bản không ổn định – chúng ta có thể cảm thấy tiếc nuối nhưng buộc phải đối mặt với sự thật này.

REASON: Có phải ông cho rằng nó là hệ thống động?

FRIEDMAN: Không. Một hệ thống ổn định có thể mang tính động – “động” nghĩa là bạn có một hệ thống mà trong đó các biến mà bạn quan tâm không có một trạng thái giá trị cố định, mà thường xuyên thay đổi. Không, tôi muốn nói đến một thứ đơn giản và cơ bản hơn nhiều. Tôi không cố đưa ra một ý tưởng phức tạp. Chúng ta có được các xã hội tự do bao nhiêu lần và trong bao lâu? Trong những khoảng thời gian rất ngắn. Có xã hội về cơ bản tự do xuất hiện ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 5. Nó có thể tồn tại không? Nó đã biến mất. Mỗi khi xã hội tự do xuất hiện, nó lại có xu hướng biến mất.

REASON: Có thể đó chỉ là một tai nạn.

FRIEDMAN: Nhưng nếu bạn thử dừng lại và suy nghĩ, một số đặc điểm nhất định về xã hội sẽ khiến bạn lo ngại. Xã hội độc tài có kiểu ổn định bắt nguồn từ sự độc quyền về quyền lực và chính quyền của nó. Nói một cách đơn giản, chúng ta quan sát thấy và thường tự hỏi rằng tại sao giới trí thức Phương Tây thường là những người theo chủ nghĩa tập thể. Chắc chắn, một lý do là về căn bản toàn bộ sự quan tâm của họ là ở việc đặt ra những câu hỏi, ngay cả đối với bất kể xã hội nào mà họ là thành viên. Nhưng ở trong xã hội tập thể, sự đàn áp khiến họ không thể lên tiếng, còn trong một xã hội tự do thì ngược lại, họ có thể. Vì vậy, những trí thức được biết đến thường chỉ là những người theo chủ nghĩa tập thể. Đây là minh họa về loại xung lực khiến xã hội tự do nằm trong trạng thái cân bằng không ổn định. Nói vậy không có nghĩa là chúng ta không nên cố gắng vươn tới xã hội tự do và tự hỏi bằng cách nào chúng ta có thể mang đến một mức độ ổn định lớn hơn. Nhưng tôi nghĩ thật ngây thơ khi tin rằng xã hội tự do theo một cách nào đó lại là trật tự mang tính tự nhiên.

REASON: Vậy ở thời điểm hiện tại thì sao? Ông đánh giá như thế nào về tình hình chung hiện nay? Và nếu có thể, xin hãy đưa ra một vài đề xuất cụ thể.

FRIEDMAN: Dĩ nhiên, tình hình đang diễn biến theo chiều hướng mà chúng ta không mong muốn. Chiều hướng đã đi chệch khỏi tự do mà không hướng đến nó. Không còn nghi ngờ gì về điều đó. Hãy thử nhìn vào vai trò của chính phủ ở Mỹ. Ngày nay chi tiêu của chính phủ ở tất cả các cấp, bang, Liên bang và địa phương, tổng cộng đã lên tới 40% tổng thu nhập quốc gia. Và đó vẫn chưa kể đến sự kiểm soát của chính phủ bao trùm lên đời sống thường ngày của chúng ta. Trong khoảng 30, 40 năm qua đã có ngày càng nhiều những hạn chế đối với quyền tự do cá nhân và con người. Thử xét tình hình của nước Anh ở thời điểm hiện tại. Anh vào thế kỷ thứ 19 về cơ bản là xã hội tự do. Chắc chắn nó đã đi được một bước dài để tiến tới một xã hội tự do. Còn bây giờ thì nó đang đi theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Không rõ liệu Anh có thể duy trì xã hội tự do hay không nữa. Nếu bạn nhìn vào bức tranh chung của toàn thế giới, bạn sẽ thấy xu hướng chính là sự đi xuống chứ không phải sự đi lên của tự do. Có thể nói Tây Đức là một trong những trường hợp đáng thất vọng nhất. Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, nước Đức đã có được những thành công to lớn trên mọi lĩnh vực nhờ vào việc theo đuổi các đường lối kinh doanh tự do. Nó đã làm cực kỳ tốt trong cả kinh tế lẫn quyền tự do cá nhân. Hơn thế, chẳng có một quốc gia nào khác có nhiều trải nghiệm với những người theo chủ nghĩa tập thể hơn chính nó và các nước láng giềng. Nhưng rồi chúng ta thấy gì? Giới trí thức ở Tây Đức chủ yếu đều trở thành những người theo chủ nghĩa tập thể. Ở Tây Đức chúng ta thấy cái được gọi là Free University2 úp mặt vào Bức tường3 được dàn dựng để chống lại phương Tây, phần lớn đều bị các nhóm theo chủ nghĩa tập thể dẫn dắt. Giờ tôi thấy trước mắt mình là một tình thế đáng thất vọng.

REASON: Chúng ta sẽ trở lại với bình luận của ông về giới trí thức. Ông nghĩ gì về luận thuyết mà Mises và Schoeck nêu ra, rằng sự đố kỵ thúc đẩy nhiều trí thức đương thời phản đối thị trường tự do?

FRIEDMAN: Chà, tôi không nghĩ chúng ta sẽ suy ra được nhiều điều bằng cách tìm hiểu động cơ của các trí thức. Thái độ phê phán của họ có thể xuất phát từ sự oán giận và đố kỵ cá nhân nhưng theo tôi hướng giải thích thuyết phục hơn hay cơ bản hơn đó là giới trí thức là những người có một thứ gì đó để đem bán. Cho nên câu hỏi sẽ là cái gì hấp dẫn với thị trường hơn? Tôi nghĩ lý do chính khiến giới trí thức có xu hướng nghiêng về phía chủ nghĩa tập thể là vì sự đơn giản trong câu trả lời của chủ nghĩa tập thể. Nếu có một điều gì đó không ổn, hãy thông qua một đạo luật và làm gì đó. Nếu có điều gì sai trái thì đó là do có một số kẻ vô lại, một số kẻ độc ác, xấu xa, và nham hiểm – đó là một câu chuyện rất dễ kể. Bạn không cần phải quá thông minh để viết ra nó và bạn cũng chẳng cần phải quá thông minh để chấp nhận nó. Mặt khác, lập luận của những người theo chủ nghĩa cá nhân hoặc tự do cá nhân lại rất tinh vi và phức tạp. Nếu có một điều gì đó không ổn với xã hội, nếu thực sự có một tệ nạn xã hội, có thể bạn sẽ giải quyết được vấn đề tốt hơn bằng cách để mọi người tự nguyện cố gắng xóa bỏ tệ nạn đó. Do vậy, tôi nghĩ, trước hết có một xu hướng hấp dẫn giới trí thức bán các ý tưởng của chủ nghĩa tập thể.

REASON: Nó nghịch lý, nhưng như vậy mọi người cũng có thể nói ông đang cho rằng giới trí thức theo chủ nghĩa tập thể chiếm được nhiều thiện cảm hơn từ thị trường.

FRIEDMAN: Dĩ nhiên. Thế nhưng dù có một thị trường cho xe Ford lớn hơn các sản phẩm của American Motors, thì một thị trường cho các sản phẩm của American Motors cũng vẫn còn đó. Tương tự, có một thị trường dành cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể lớn hơn thị trường dành cho tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân. Thứ mà thực sự làm tôi khó hiểu là nhóm người theo chủ nghĩa tập thể, tôi nghĩ, chiếm một phần trong giới trí thức còn lớn hơn cả mức mà có thể được giải thích bằng thị trường.

REASON: Có thể chúng ta sẽ bàn luận một chút về quan niệm của ông về khoa học, bởi vì một trong những vấn đề được nhiều người thảo luận gần đây là bản chất của các ngành khoa học xã hội theo đúng nghĩa. Hiện giờ ông được nhiều người biết đến qua bài báo khoa học mang tính mở đường Essays in Positive Economics (Các bài luận về Kinh tế học thực chứng) bàn về phương pháp luận nền tảng trong ngành của ông. Có lẽ không sai khi nói rằng ông, đương nhiên là cùng với nhiều người khác, tin rằng khoa học xã hội có thể phát triển mà không cần tới các giá trị trong việc đánh giá các vấn đề thuộc về quan hệ và tương tác giữa người với người cũng như trong việc dự đoán và giải thích của nó. Ông sẽ đáp lại thế nào với quan điểm cho rằng đó là một sai lầm vì con người chính là loài vật có hệ giá trị?

FRIEDMAN: Tôi nghĩ hầu hết những sự phức tạp này mang tính ngữ nghĩa hơn là thực tế. Rõ ràng là, một vấn đề khoa học của các ngành khoa học xã hội chính là những giá trị mà con người có. Những giá trị này ảnh hưởng đến hành vi của họ như thế nào? Có hay không một số xu hướng nhất quán cho những giá trị cụ thể nào đó phát triển thay vì các giá trị khác? Đó là tất cả những câu hỏi mà người nghiên cứu không áp đặt hệ giá trị của bản thân vào. Tiếp theo, chắc chắn những câu hỏi mà một người nghiên cứu cụ thể tìm cách theo đuổi phụ thuộc vào những gì anh ta coi trọng, cái phụ thuộc vào những giá trị của anh ta. Chắc chắn những giá trị của nhà nghiên cứu cũng sẽ ảnh hưởng tới việc anh ta theo đuổi vấn đề gì trong các ngành khoa học vật lý. Câu hỏi cơ bản nhìn từ góc độ phương pháp luận là liệu các giá trị có xâm nhập theo những cách nào khác với cách mà chúng ảnh hưởng đến việc nghiên cứu các ngành khoa học vật lý không.

REASON: Có ý kiến cho rằng các phát biểu khoa học về các quan hệ và tương tác giữa con người liên quan tới các vấn đề mang nặng giá trị - nghĩa là, các đối tượng được xét đến mang nặng giá trị. Ví dụ, khái niệm “Tổng thống” gắn với một hệ giá trị tổng thể. Cho nên, khi ai đó muốn đưa ra một đánh giá khoa học chính trị về mối quan hệ giữa Tổng thống và người dân, anh ta buộc phải liên hệ tới các giá trị ẩn chứa đằng sau các khái niệm đang được xét tới.

FRIEDMAN: Nhưng điều này chẳng tạo nên sự khác biệt gì giữa phương pháp của khoa học xã hội và của khoa học vật lý cả. Tất cả những gì bạn đang nói là những gì mà tôi đã nói trước đó, rằng những hệ giá trị là một trong số những đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội. Thử xem xét ví dụ sau – tôi muốn dự đoán về tác động của một vụ bãi nhiệm và buộc tội Tổng thống Nixon thành công tới hệ thống chính trị trong 20 năm tới. Để có được một phán đoán khoa học khách quan, tôi sẽ phải xem xét các hệ giá trị hợp thành khái niệm Tổng thống hiện nay, và điều đó sẽ thay đổi vai trò của Tổng thống trong cấu trúc chính trị như thế nào. Dĩ nhiên, bước nào tôi cũng đang bàn về các giá trị, nhưng những câu hỏi căn bản được nêu ra là phi giá trị - tôi không nói gì về việc một thay đổi cụ thể nào sẽ là tốt, xấu hay trung dung. Một khi nhà khoa học đã đặt ra một giả thuyết, không cần biết nó đến từ đâu, một câu hỏi khoa học cốt yếu chỉ quan tâm đến cơ sở để chấp nhận hoặc bác bỏ nó. Và theo nghĩa này, các ngành khoa học tự nhiên giống hệt với các ngành khoa học xã hội. Tôi vẫn luôn nói rằng những người cứ duy trì một sự khác biệt giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên là sai, không phải về đặc tính của các ngành khoa học xã hội, mà về đặc tính mà họ gán cho các ngành khoa học tự nhiên.

REASON: Theo như cách tiếp cận mà ông vừa áp dụng, ví dụ, với vấn đề miễn nhiệm tổng thống, kể cả trong cách mô tả của bản thân ông, có vẻ như đã có một mẫu hình con người được đưa vào – một hình mẫu theo nghĩa là nếu một thứ gì đó xảy ra trong các hoàn cảnh của anh ta, một thứ gì đó sẽ xảy ra với thực thể đó, cá nhân và các nhóm của anh ta. Và có vẻ như chúng đều thuộc về một loại nào đó. Trong lĩnh vực khoa học cụ thể của ông, ông lấy mẫu hình con người đó từ đâu?

FRIEDMAN: Các nhà sinh vật học lấy mô thức hành vi của con khỉ từ đâu? Chủ yếu là tích lũy lại từ các nghiên cứu thực địa. Khi nghiên cứu về hành vi của con người chúng ta có lợi thế hơn các nhà khoa học nghiên cứu khỉ - chúng ta nghiên cứu những thành viên cùng loài và theo đó có được thêm nguồn thông tin, còn được gọi là phép nội quan (introspection). Nhưng điều đó không thay đổi đặc điểm của hoạt động nghiên cứu hay của các phát hiện. Các kết luận của chúng ta có được chấp nhận hay không không phụ thuộc vào sự chắc chắn nội quan của chúng, nhưng phụ thuộc vào việc liệu chúng có thực sự phán đoán được điều gì diễn ra trên thực tế hay không.

REASON: Xin ông hãy cho biết suy nghĩ của mình về cuốn sách gần đây của con trai ông (David Friedman), The Machinery of Freedom (tạm dịch là Cỗ máy tự do), về chủ nghĩa tư bản vô chính phủ và đề xuất của anh ta về việc duy trì công lý trong cộng đồng những người theo thuyết tự do cá nhân triệt để.

FRIEDMAN: Chà, chẳng cần phải nói, tôi là một người bình luận thiên vị về cuốn sách này. Tôi nghĩ đó là một cuốn sách rất hay, điều đó không có nghĩa là tôi đồng ý với tất cả các kết luận của cậu ấy. Nhưng tôi nghĩ David đã làm được một việc rất quan trọng mà những người tin vào chủ nghĩa tư bản vô chính phủ cần phải làm, và đó là đối mặt một cách nghiêm túc với các vấn đề khó khăn. Xin lấy vấn đề ô nhiễm môi trường làm ví dụ. Hoặc vấn đề gìn giữ luật pháp và trật tự. Vấn đề buộc các bên thực hiện hợp đồng. Vấn đề quốc phòng. Đó đều là những vấn đề thực tiễn. Không thể lảng tránh bằng cách nói rằng thị trường khéo léo sẽ giải quyết những vấn đề này theo một cách nào đó. Dường như đối với tôi, ưu điểm của cuốn sách của David là cậu ta dám đối mặt với những câu hỏi đó và nghiêm túc nhìn vào những thể chế có thể được xây dựng. Tất cả những vấn đề loại này, với tôi, tóm lại là thỏa thuận mà theo đó mọi người phải trả tất cả các khoản chi phí mà họ gây ra cho người khác và tất cả những lợi ích mà họ nhận được từ người khác. Khi điều đó được thực hiện tương đối dễ dàng, thị trường sẽ trở nên hữu hiệu và hiệu quả nhất. Nó sẽ mang lại ít kết quả nhất và kém hiệu quả nhất khi điều đó khó thực hiện.

REASON: Ông có đồng ý với chủ nghĩa tư bản vô chính phủ của anh ta?

FRIEDMAN: Cá nhân tôi muốn tin rằng xã hội vô chính phủ là khả thi. Tôi không tin. Nhưng ở thời điểm hiện tại còn một chặng đường dài phải đi trước khi chúng ta chạm đến điểm mà ở đó chúng ta rẽ lối. Hiện nay, có rất nhiều hoạt động của chính phủ không thể được biện minh với bất kỳ lý do chính đáng nào, không thể biện minh ngay cả bằng các khiếm khuyết tiềm ẩn của thị trường. Cho nên chúng ta chắc chắn cần phải đi một một chặng đường dài với cậu ấy trước khi chúng ta rẽ sang những lối đi khác.

REASON: Ông có thể chỉ ra một cách cụ thể hơn chỗ mà ông nghĩ là điểm yếu trong lập luận của anh ta?

FRIEDMAN: Được. Nó liên quan đến triển vọng của việc thiết lập một thể chế thay thế cho chính phủ trong việc bảo vệ con người trước áp bức mang tính bạo lực. Tôi tin là cần có lực lượng cảnh sát tối thượng. Mặc dù tôi thấy lập luận của cậu ấy rất tài tình – cũng có thể là tôi sai, tôi mong ai đó sẽ thử nghiệm nó - nhưng nó không đủ sức thuyết phục tôi rằng bạn có thể tránh được điều tất yếu, nếu như bạn có một cộng đồng, là cần một chính phủ hữu hiệu để cung cấp một lực lượng cảnh sát nắm độc quyền cao nhất.

REASON: Ông có nghĩ là nhiều người hiểu lầm quan điểm của ông về vàng? Đây được coi như một trong những ví dụ điển hình về sự tách biệt của ông khỏi quan điểm chung của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân nói chung, rằng ông không tin vào hệ thống tiền tệ lấy vàng làm cơ sở.

FRIEDMAN: Nó chỉ cho thấy rằng đấy chỉ đơn giản là nhầm lẫn giữa cái mà tôi gọi là một hệ thống bản vị vàng thật và một hệ thống bản vị vàng giả hiệu. Quan điểm của tôi được trình bày rất rõ ràng trong bài luận được tái bản trong cuốn Dollars and Deficits (tạm dịch là Đồng đô-la và thâm hụt). Tôi không tin vào hệ thống dựa vào vàng theo kiểu bản vị vàng ngụy tạo như chúng ta từng có ở Mỹ trong giai đoạn 1914-1971. Tôi tin rằng mỗi người nên được tự do sở hữu, mua và bán vàng. Nếu trong những điều kiện như vậy mà xuất hiện bản vị vàng tư nhân thì tốt – mặc dù tôi cũng đưa ra phán đoán khoa học rằng nhiều khả năng điều đó là không thể. Nhưng tôi nghĩ những người nói rằng họ tin vào bản vị vàng về cơ bản là những người chống lại chủ nghĩa tự do cá nhân bởi vì bản vị vàng theo ý của họ là giá vàng được chính phủ ấn định. Đó là cái thứ mà tôi gọi là bản vị vàng giả hiệu. Rõ ràng có một sự hiểu lầm không hề nhỏ về quan điểm của tôi về vấn đề này.

REASON: Ông có nghĩ là liệu có nên tin rằng trong thập kỷ tới Cục Dự trữ Liên bang sẽ đưa tỷ lệ cung tiền xuống mức mà xã hội tự do có thể chấp nhận được không?

FRIEDMAN: Một mức cung tiền cao là điều không đáng mong muốn nhưng xã hội tự do có thể chấp nhận bất kỳ mức mở rộng tiền tệ nào, với điều kiện ở đó không có các nỗ lực nhằm loại bỏ các tác động của nó lên giá cả và tiền công. Thứ mà một xã hội tự do không thể chấp nhận được là nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát.

REASON: Ông có nghĩ là rất có thể chúng ta sẽ đạt được một mức mở rộng tiền tệ hợp lý?

FRIEDMAN: Có, nhưng không phải trong tương lai gần. Tôi nghĩ chúng ta đang chuẩn bị trải qua một đợt lạm phát định kỳ xuất phát từ những phản ứng thái quá đối với những đợt suy thoái tạm thời. Tôi nghĩ chúng ta có thể sẽ có các mức lạm phát, 15, 20, 25%. Chúng ta không rơi vào mức lạm phát phi mã như những gì diễn ra ở Đức sau Thế chiến thứ nhất – điều này chỉ xảy ra khi chính phủ không còn chút khả năng đánh thuế nào. Nhưng tôi nghĩ lạm phát sẽ tăng. Chỉ sau một thời gian mọi người không thể chịu nổi nó nữa, chỉ đến lúc đó mới có thể hy vọng về một mức tăng trưởng tiền tệ hợp lý. Có lẽ ở giai đoạn này, điều kiện tiên quyết để giảm dần lạm phát là xuất hiện một loạt các thỏa thuận điều chỉnh ở quy mô lớn – không chỉ đối với tiền công, mà còn với các khoản thế chấp, khoản vay, tài khoản ngân hàng, và tương tự, của toàn bộ nền kinh tế.

Chú thích của người dịch:

(1) Từ “sin” ở đây được dịch là “tội lỗi” theo nghĩa là những gì mà một số xã hội hoặc chính phủ coi là tội như đánh bạc, mại dâm, ma túy, rượu bia, tôn giáo, tự do ngôn luận, đảng phái chính trị, không đội mũ bảo hiểm,… để phần biệt với “tội lỗi” mà bị mọi người và mọi nền văn minh lên án và được đưa vào Luật hình sự như giết người, bạo hành, hiếp dâm, trộm cắp.

(2) Free University of Berlin là một trường đại học nghiên cứu công lập ở Béc-lin, được thành lập vào tháng 12 năm 1948 để đáp ứng nhu cầu cần có một trường đại học tự do tư tưởng trong bối cảnh thủ đô này bị chia tách, xung đột ý thức hệ đang dâng lên cao trào, và trường Đại học Béc-lin, do nằm trong phần tiếp quản của Xô-viết, bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chủ nghĩa cộng sản.

(3) Vào cuối những năm 1960, Free University of Berlin là một trong những điểm nóng của phong trào 68 (1968 movement), hưởng ứng làn sóng biểu tình của sinh viên toàn cầu vào thời gian đó. Phong trào 68 bùng nổ trước những lo ngại của giới trí thức về sự trở lại của một chính quyền độc tài ở Đức. Phong trào này được đánh giá là đã đem đến những chuyển biến sâu sắc trong xã hội Đức, trong đó có những đòi hỏi về một xã hội cởi mở, bình đẳng, và dân chủ.

Nguồn: Tibor Machan, Joe Cobb, & Ralph Raico, An Interview with Milton Friedman, Reason

Dịch giả:
Hoàng Văn Trung
Hiệu đính:
Phạm Nguyên Trường